Phim Ảnh Tháng Tư: “All About Dad”
Tác giả: Nguyễn Thi
Bài số 2598-16208675- vb842609
Ba mươi bốn năm sau ngày Saigon xụp đổ, một phim của Mark Trần đạo diễn thuộc thế hệ thứ hai người Mỹ gốc Việt thực hiện, vừa được trình chiếu đúng vào dịp Tháng Tư năm nay: “All About Dad”/ Tất cả về Bố”. Sinh năm 1985 trong một gia đình cựu sĩ quan VNCH, Mark viết truyện phim năm 19 tuổi và phim được công chiếu năm anh mới 24 tuổi. Cuốn phim đã được trao giải thưởng “Audience Choice Award for Best Narrative” tại đại hội điện ảnh Cinequest thứ 19 tại San Jose, và được chọn để trình chiếu trong buổi kết thúc Đại Hội Điện Ảnh Việt Nam Quốc Tế 2009 mới đây tại quận Cam. Bài viết của Nguyễn Thi sau đây ghi lại câu chuyện làm phim của Mark Trần. Hình: Cảnh bữa ăn gia đình trong phim, hình nhỏ bên cạnh là đạo diễn Mark Trần.
***
Từ Việt Nam ra đến hải ngoại, hình ảnh người mẹ được nhắc nhở đến rất nhiều không những trong văn chương bình dân mà tình mẫu tử còn được đề cao trong các tác phẩm văn chương. Trong khi đó bóng hình người cha đa số chỉ được nhắc đến như người lính chiến VNCH, tình phụ tử nếu có chỉ được nói thoáng qua mà thôi.
Trải qua 34 năm rời xa quê hương thân yêu, thế hệ thứ hai đã sinh ra và trưởng thành tại các quốc gia trên thế giới. Sự việc "cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy" là một vấn nạn lớn trong cộng đồng tỵ nạn.
Lần đầu tiên trên phim trường hải ngoại vai trò người cha "All About Dad" được nhấn mạnh một cách tài tình, vui có, buồn có, dưới ống kính của nhà đạo diễn Mỹ gốc Việt trẻ tuổi Mark Trần. Diễn viên Phạm Chí trong vai người cha đã phản ảnh rõ cách giáo dục nghiêm khắc đối với các con từ bữa cơm gia đình, học vấn, tôn giáo, đến việc lập gia đình. Người mẹ Yên Ly bị giằng co tình cảm giữa hai bên chồng và con, để rồi cuối cùng, tình thương gia đình của bà mẹ Việt Nam đã giúp hòa giải được sự xung đột gìữa người cha thuộc thế hệ xưa với các con của thế hệ thời nay.
Mùa hè năm 2007, tôi có cơ hội được tham dự một cảnh đóng phim tại San Jose State University, phía bên ngoài tòa nhà được trùm vải đen để ánh sáng không lọt vào bên trong. Đây là cảnh quay cuối của cuốn phim trong buổi tiệc cưới tại một nhà hàng sang trọng. Trung bình mỗi cảnh quay khoảng 1 3 phút. Trong khi quay phim mọi người phải yên lặng hoặc nói chuyện ồn ào theo lời chỉ dẫn của nhà đạo diễn. Nhiều cảnh phải quay đi quay lại nhiều lần để được hoàn hảo. Mọi người đều mệt mỏi dưới ánh đèn sáng chói, nhất là các bác, các cô cũng như một số các bạn trẻ thiện nguyện trong cộng đồng đã không nề hà bỏ ra cả ngày trời, có người cả hai ngày liên tục để chỉ lấy được vài phút phim.
Nhân lúc diễn viên Yên Ly đang ngồi chờ tới phiên, tôi được cô tâm sự:
- Yên Ly đã từng đóng nhiều phim như Đóa hồng nhung cho Tuấn, Hạnh phúc quanh đây, Cô giáo, Kiều, Mỹ Đen, v.v. nhưng chưa bao giờ Yên Ly cảm thấy thực sự hạnh phúc như khi đóng phim lần này. Yên Ly đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm quý báu từ các diễn viên đồng nghiệp đến các chuyên viên kỹ thuật và các nhà đạo diễn, nhất là những tình cảm quý giá mọi người đã dành cho nhau. Điều mà Yên Ly muốn nói thêm là trong thời gian thực hiện bộ phim, mặc dù đạo diễn Mark hãy còn trẻ, mới có hai mươi mấy tuổi, nhưng đã rất chững chạc trong vai trò đạo diễn, lúc nào cũng tươi vui trả lời câu hỏi của mọi người, không bao giờ lộ vẻ giận giữ ngay cả những giờ phút căng thẳng. Yên Ly cũng rất mừng là đạo diễn Mark được sự yểm trợ về tinh thần cũng như kỹ thuật từ những chuyên gia nổi tiếng trong ngành điện ảnh của Hoa Kỳ.
Khi được biết phim "All About Dad" được công nhận là World Premier trong Đại Hội Điện Ảnh Cinequest thứ 19 tại downtown San Jose từ ngày 25/2/2009 đến 8/3/2009 và được trao tặng giải Audience Choice Award for Best Narrative, tôi có một cuộc phỏng vấn ngắn với đạo diễn Mark Trần.
1. Tại sao là phim "Tất cả về Ba" mà không là "Tất cả về Mẹ""
- Phim này nói về người cha muốn tiếp tục giữ lại những phong tục tập quán truyền thống cho con, trong khi đó các con ông lại muốn sống cho riêng mình, họ tự tìm hướng đi riêng không như những gì "Ba" mong muốn. Mặc dầu Ba có ý tốt nhưng Ba rất cổ hũ và luôn cho rằng những ý tưởng của Ba đều đúng. Cuốn phim này, theo một nghĩa khác, cũng có thể áp dụng cho mọi người, không riêng gì cho Ba.
2. Anh bắt đầu viết truyện phim từ khi nào và lúc nào quyết định làm phim"