Hôm nay,  

Cu Đất

08/01/201300:00:00(Xem: 253080)
viet-ve-nuoc-my_190x135Tác giả là cư dân vùng Little Saigon, liên tục góp bài cho giải thưởng Việt Báo từ nhiều năm qua, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2011. Sau đây là bài viết mới của tác giả.

Nhã nhắn tin cho tôi, “ Bạn hiền ơi, tao sắp leo lên xe bông.”

Tôi không tin. Tôi nghĩ Nhã giỡn chơi để vuốt giận tôi: “ Xạo hoài cha nội.”

“Thiệt đó. Lo bỏ ống để dành tiền đi ăn đám cưới tao.”

Tôi vẫn không tin. Không tin không phải vì Nhã đã ngoài năm chục cái xuân xanh, mà không tin vì Nhã luôn miệng nói tao ghét ghét ghét đàn ông, tao chán chán chán mớ đời bọn đàn ông.

Tối, Nhã gọi tôi:

- Ê Tâm, đang làm gì đó? Làm bà Tám chút được không?

- Rảnh queo. Tới ta đi.

- Không được, tao đang lái xe tới nhà chàng. Tranh thủ nói chuyện nè.

- Chàng nào? Chàng hiu hả?

- Dẹp cái giọng cà rỡn đó đi bà nội. Chàng là chồng sắp cưới của tao.

- Bộ thiệt hả?

- Thiệt trăm phần trăm. Nè, mầy biết dàn nhạc nào chơi ra hồn giới thiệu coi.

- Chuyện nhỏ như con thỏ, nhưng mầy vẫn đang giỡn chơi đó chứ?

Nhã hét lên:

- Tức quá đi mất. Thưa bà, tui sắp lấy chồng. Được không? Tại sao thiên hạ lấy chồng được mà tui không được lấy chồng? Tại sao tại sao tại sao? Hả hả hả?

Tôi vội dội thùng nước lạnh lên đống lửa đang cháy phừng phừng:

- Ừ thì được được được. Mầy lấy chồng thì mắc mớ gì tới ta mà không được.

- Tin chưa?

- Giờ thì tui tin rồi. Lê lêu… Ai đó đang “mống chuồn” dữ à nhen. Mà ai kia là ai vậy, ai đó?

- Mầy không biết người ta đâu. Anh ấy nhỏ hơn tao ba tuổi. Độc thân. Ngồi xe lăn. Có thể mầy thấy vẻ mặt hơi ngớ ngẩn, nhưng đối với tao, đó là khuôn mặt của thiên thần. Thôi, tới nhà chàng rồi. Nhớ dùm tao cái dàn nhạc cho đám cưới. Mai gặp. Bye.

Nhã leo lên xe bông? Tôi vẫn chưa thể nào làm quen được với sự việc nầy. Nhã ơi là Nhã. He he… Vậy là cuối cùng cô bạn thân nhất của tôi cũng giơ tay xin đầu hàng cái gã có bộ mặt lạnh tanh thấy phát ghê, được người đời đặt tên là cô đơn.

Mà Nhã cô đơn thiệt. Một thân một mình giữa đất lạ quê người. Hồi ba Nhã còn sống, Nhã năn nỉ thiếu điều muốn gãy lưỡi, bảo lãnh ba má qua, nhưng má Nhã nói đã lỡ xây hai cái kim tỉnh sau vườn rồi, tốn biết bao nhiêu tiền rồi, bỏ đi uổng lắm, tiếc lắm. Bà không chịu đi nên ông không thể đi. Nhã thuyết phục rằng, hai cái kim tỉnh đó đáng giá bao nhiêu con bù cho. Bả đâu chịu thua: “Tiền của bay chứ đâu phải tiền của người dưng. Tiền bay làm mồ hôi nước mắt chứ đâu phải tiền từ dưới đất chui lên.” Nay thì má Nhã lại có thêm cớ: “Tao già rồi, đi đâu cho mệt, với lại không nỡ bỏ ba bay nằm hiu quạnh lạnh lẽo sau vườn.”

Năm mười bốn tuổi, một chiều trời mưa lất phất, Nhã đi bán dạo bánh lá dừa chỗ chân cầu gần chợ Hộ Phòng, bỗng thấy bàn tay trắng trẻo, bé xíu thò ra vẫy vẫy từ một cái xuồng kín mui đang đậu giữa đám xuồng lô nhô dưới bến. Nhã thấy ngồ ngộ nhưng cũng chạy tới, nghĩ rằng ai đó muốn mua bánh lá dừa. Nhưng bàn tay bé xíu kia biến mất, thay vào đó là bàn tay to bè, rắn chắc, nhanh như cắt, kéo Nhã vào xuồng, bịt miệng Nhã. Đó là cái xuồng vượt biên đang đợi ra “cá lớn”. Sợ bị lộ, người ta bắt Nhã theo luôn. Nghe đâu chuyến tàu đó bị hải tặc Thái Lan cướp bóc, hãm hiếp thê thảm. Nghe đâu đủ thứ chuyện đau lòng xảy ra trong suốt cuộc hành trình đằng đẳng lênh đênh trên biển mấy tháng trời. Nhưng sau đó Nhã đã khôn ngoan quên sạch mọi sự. Không quên thì làm sao sống tiếp. Nhã vừa nháy mắt tinh nghịch, vừa cười vui vẻ lạc quan khi kể chuyện với tôi. Có phải Nhã đã góp nhặt được khá nhiều triết lý sống từ cái túi khôn của nhân loại mà nó thu gom được từ hồi còn nhỏ? ( Nhã rất ghiền đọc sách. Ba Nhã là thầy giáo lịch sử, tủ sách của ông to đùng, đầy nhóc.) Hay Nhã được bình yên, được an ủi trong tình yêu thương cao vời của Thiên Chúa?

Bây giờ Nhã đã trả xong nợ căn nhà ba phòng ngủ, hai phòng tắm mà hồi mua Nhã tính rước ba má qua ở. Cái tiệm giặt ủi của Nhã vẫn ăn nên làm ra. Nhã thuê người quản lý để thảnh thơi về quê thăm mẹ già. Thảnh thơi đi làm việc thiện. Thảnh thơi đóng góp tiền của, công sức xây dựng phát triển nhà thờ.

Và đùng một cái, Nhã thảnh thơi… lấy chồng.

- Đám cưới xong, tao sẽ đưa ảnh về Việt Nam ra mắt má tao. Chắc chắn bà già sẽ mừng quýnh. Bà già chỉ còn một mơ ước về tao: có chồng. Bữa tao kể bả nghe về ảnh, bả hỏi: “Thằng đó có gãi lưng được cho con không?” Tao cười thiếu điều rớt cái cell phone: “ Dạ được.” “ Ừa, vậy là bảnh rồi, hổng gì sướng bằng khi mình ngứa lưng, có ai đó gãi cho mình con ơi. Từ hồi ba mầy mất, tao phải tự gãi lưng cho mình. Gãi bằng cái cào gỗ, hổng đã ngứa chút nào.”

Chợt Nhã quay sang tôi, cười nịnh:

- Tâm nè… mầy… làm dâu phụ cho tao, hén! Mầy với con Hoàng.

Tôi dọt ra khỏi ghế, la oai oái:

- Làm ơn tha cho tui cái dzụ nầy! Tui già cui rồi.

- Ai dám nói mầy già? Khùng thiệt, khi không tự mình cho mình già. Con Hoàng cũng cùng lứa với tụi mình đó. Nó chịu rồi.

- Làm ơn kiếm người khác đi mà, Nhã. Tội nghiệp ta mà.

- Làm ơn làm dâu phụ cho tao đi, bạn hiền! Giờ tao biết nhờ ai ngoài bạn hiền? Bạn hiền chỉ cần bên cạnh tao, cầm bó bông dùm tao những lúc tao đẩy xe ảnh.

Tôi thở dài. Nhã biết tôi dễ mủi lòng nên nó thừa khả năng để khiến tôi làm theo ý nó. Nỡ nào từ chối một việc như vậy?

Tôi chui tọt vào ghế sofa, ôm cái gối để che bớt cái bụng bự mỡ thừa, rên rỉ:

- Um… phụ dâu phải mặc đồ như thế nào? Không phải mặc áo hở vai hở cổ bó eo đó chứ?

- Yên tâm. Tụi mình chỉ mặc áo dài. Phụ dâu khoác thêm bên ngoài cái áo cardigan ngắn là bảnh liền.

Tôi lại không ngăn được tiếng thở dài não ruột:

- Tội nghiệp thân ta quá Nhã ơi.

- Sao bạn hiền không hỏi tao về chuyện tình đẹp như mơ của tao?

- Ta biết không cần hỏi cũng có người bắt ta nghe.

- Bữa đó đang đứng hát trong nhà thờ ( Nhã là thành viên của ca đoàn), tao nhìn xuống, thấy chàng… chàng ngước mắt nhìn ta đăm đắm. Ánh mắt chàng trong veo, thánh thiện, hiền ơi là hiền. Đẹp lạ lùng. Tao bị hút hồn bởi ánh mắt trong veo đó. Trong Veo hình như không hề chớp mi. Vậy là tao cứ nhìn ánh mắt Trong Veo đó mà hát. Tao say sưa hát. Tôn vinh Chúa với tất cả tấm lòng.

Nhã dừng lại, mắt lim dim như đang tận hưởng giây phút thiêng liêng.

- Rồi sao nữa?

- À há… Rồi… bài hát chấm dứt. Trong Veo vỗ tay hăng nhất. Nhờ có Trong Veo mà bữa đó tao tập trung tâm trí mà hát. Mầy biết không, tao có cái tật kỳ cục là rất dễ bị phân tâm: vài người đang kín đáo che miệng ngáp, ai đó quên tắt điện thoại, ai kia vừa chợp mắt đã ngáy như sấm… là tao bị chi phối liền. Vẫn biết Chúa cảm thông hết thảy, yêu thương hết thảy. Ngài biết con cái Ngài phải lăn lóc ngoài đời từ sang đến khuya, chỉ có ngày Chúa Nhật để ngủ mà cũng lặn lội đến nhà thờ. Nhưng dù sao thì chăm chú trong giờ thờ phượng như Trong Veo vẫn hay nhất, dễ thương nhất, đáng yêu nhất.

Nhã dừng lại, mắt nhìn lên trần nhà. Tôi nhìn theo, một con nhện trắng nhỏ xíu đang giăng tơ. Con nhện duy nhất trong căn phòng. Nhện ơi, lát nữa khách về ta sẽ khều nhện xuống, cho nhện ra sau vườn giăng những vòng tơ khác nhen.

Tôi nhắc:

- Rồi sao nữa?

- Trong Veo ngồi trong xe lăn, chiếc xe giữa hai dãy ghế. Bên cạnh Trong Veo là một bà cụ người da trắng có mái tóc trắng như bông, trông rất quý phái, ngồi ngay ghế bìa, thỉnh thoảng choàng tay ôm vai Trong Veo…

Nhã lại lim dim mắt. Tôi thúc cùi chỏ vào hông cô nàng:

- Rồi sao nữa?

- Xong lễ, tao tới làm quen, bằng cách giúp bà cụ đẩy chiếc xe lăn ra ngoài. Bữa đó là lần đầu tiên hai mẹ con đi lễ tại nhà thờ ở đây. Họ từ Virginia mới chuyển về. Ảnh là con nuôi. Chuyện nầy không hiếm đối với người Việt mình sau bảy lăm, phải không?

- Sao mầy không khoe ta ngay khi chuyện tình mới bắt đầu.

- Tao muốn bạn hiền ngạc nhiên chơi. Trong Veo là software engineer , tiếng Việt mình gọi là kỹ sư phần mềm. Anh ấy phát âm không được rõ lắm nhưng viết tiếng Việt coi bộ muốn hơn tao. Ảnh vẫn thường xuyên đọc sách báo Tiếng Việt, nghe đài Tiếng Việt.


- Rồi mầy… tán tỉnh ảnh?

- Chính xác. Thời gian không chờ đợi ai. Đây là lúc phải sống lẹ như ánh chớp mới kịp với phần đời còn lại. Nghe tao nói vậy, Trong Veo rất thích thú.

- Ảnh đã gãi lưng cho mầy chưa?

Nhã tiếp tục thao thao:

- Rồi. Sau cái bữa tao gọi về nói chuyện với má, tao kể Trong Veo nghe. Ngay lập tức, ảnh xin gãi lưng cho tao. Đã thiệt. Đúng như má tao nói. À, ảnh hứa nguyện sẽ gãi lưng tao suốt đời. Ảnh còn nhắc, mùa càng lạnh người ta càng tắm nước nóng, lưng càng khô, nên phải bôi lotion kẻo bị ngứa dữ. Mà mầy thấy đó, mình tự bôi lotion cho mình làm sao đều như người khác bôi dùm. Vậy là từ nay lưng tao đã có người chăm sóc.

- Công nhận con nhỏ nầy có phước quá ta ơi! Nè, ngoài đôi mắt trong veo, những gì nơi ảnh chinh phục mầy?

- Đức tin, sự đồng cảm và nghị lực.

Lễ cưới Nhã và Trong Veo đông người dự đến không ngờ. Ba dãy ghế trong nhà thờ hầu như không còn chỗ trống. Khi người chú họ của cô dâu khoác tay cô dâu thong thả đi vào, bản nhạc The Wedding vang lên từ chiếc đàn Piano, tôi xúc động muốn nghẹt thở.

Chú họ cô dâu trao tay cô dâu cho chú rể. Từ trong xe lăn, Trong Veo rướn người lên, trao bó hoa trắng nuốt cho cô dâu. Tôi, phụ dâu, cầm dùm bó hoa để cô dâu sửa chiếc xe lăn quay mặt về phía bàn thờ Chúa, rồi quỳ xuống cạnh chiếc xe lăn. Tất cả các nghi thức đều đủ đầy.

Tiệc cưới cũng được tổ chức trong ngày. Nhiều người hét lên, cười vui thấm thía khi một ca sĩ hát: “Em ơi có bao nhiêu, chín mươi năm cuộc đời”. À há, trong đám cưới nầy mà hát “Em ơi có bao nhiêu, sáu mươi năm cuộc đời.” thì thiệt là… thiếu tế nhị.

Chuyện dừng ở đây là đúng chỗ. Nhưng khổ nỗi, chuyện chưa thể dừng được bởi anh chàng Trong Veo kia chính là thằng Cu Đất, đứa em trai của tôi. Và cũng nhờ làm phụ dâu tôi mới phát hiện ra nó là thằng Cu Đất.

Ngay lúc cô dâu đeo nhẫn cưới cho chú rể, sống lưng tôi bỗng lạnh toát khi thấy ngón áp út và ngón út của bàn tay trái chú rể ngắn ngủn, chỉ còn một khớp cuối. Cảm giác như gặp lại cái gì thân quen sau bao tháng năm dài. Cảm giác như trái tim bị thắt lại, phải dốc sức hít hơi thở thiệt sâu thiệt dài. Hổng lẽ Cu Đất? Từ giây phút đó, tôi cứ thừ người ra, lớ nga lớ ngớ làm khổ thân cô dâu. Tôi bỗng quên nhiều chi tiết mà đã thuộc lòng hôm diễn tập. Cũng may, Hoàng, cô dâu phụ thứ hai, đã ngoại ngũ tuần nhưng vẫn lanh lẹ lắm, cứu tôi mấy bàn thua trông thấy.

Vừa xong lễ cưới trong nhà thờ, tôi dọt lẹ đi kiếm má tôi. Má đang đứng giữa các bà cụ, đang sôi nổi huyên thuyên chuyện gì hổng biết. Tôi kéo má ra chỗ vắng, nói nhỏ vào tai má. “Má ơi, hình như chú rể là thằng Cu Đất.” Cũng may, tai má tôi còn thính nên tôi khỏi phải hét to. Má rầy: “Con nầy giống như mê ngủ, nói mớ bậy bạ.” Tôi tức quá, lấy tay banh hai con mắt cho má thấy: “Má, con đang thức nè. Hai mắt con mở trừng trừng đây nè. Con không mớ ngủ nè. Rõ ràng hai ngón tay của nó bị cụt ngủn nè.” Má giật bắn người: “ Bay nói gì nói lại tao nghe coi.” Tôi đưa bàn tay trái của tôi ra, cụp hai khớp của hai ngón xuống:“ Hai ngón tay nó như vầy như vầy nè.”

Đôi mắt tròn tám mươi tuổi của má tôi bỗng sáng rực: “Hổng lẽ…” Tôi lặp lại câu nói mà tôi nghiệm là hay nhứt trần gian: “Má ơi! Trên đời nầy chuyện gì cũng có thể xảy ra. Má tin con đi.”

Um… Thằng Cu Đất, em trai tôi, thực ra nó chỉ là con nuôi của ba má tôi. Bởi mong đẻ được con trai, bởi sợ đẻ tiếp con gái khi đã có hai đứa con gái, má tôi đã tới cô nhi viện xin nó về nuôi. Nó hiền như đất nên có tên ở nhà là Cu Đất. Nó thua tôi ba tuổi. Y như rằng, không bao lâu sau, ba má tôi đẻ được sáu thằng con trai một mạch, từng năm một. Ba má tôi vừa phần mang ơn nó, vừa phần thương nó như con ruột nên đã đem nửa gia tài là năm cây vàng cho nó vượt biên. (Cu Đất được đối xử như người con trai lớn trong gia đình .) Rồi nghe đâu con tàu đó bị bão đánh chìm. Tất cả hành khách đều mất tích. Ba má tôi đau buồn hối hận lắm, và đã lập bàn thờ nó mấy chục năm rồi.

Má tôi nhíu mày: “Bay coi, nếu nó có cái thẹo lồi to bành ki, màu tím đậm ngay đằng sau ót thì đích thị là nó.” Tôi suy nghĩ: “Phải từ từ má ơi. Giờ nó đang làm chú rể, hổng lẽ chạy tới vạch tóc nó ra.” Thì bay nhờ con Nhã chớ.” “Dạ. Nhưng phải từ từ.”

Nhã đang đứng chỗ tòa giảng, cạnh chú rể, đang tíu tít chụp hình với hết người nọ tới người kia. Mèng ơi, người ta thì nóng ruột với cái thằng Cu Đất mà nó cứ hớn ha hớn hở, lúc nghiêng đầu bên phải, khi ngoẹo đầu bên trái; lúc nheo mắt; lúc cười mỉm chi; lúc cười toe toét. Thấy phát ghét. Nhưng dù sao thì cũng phải công nhận cô dâu ngó trẻ măng, tươi roi rói, dễ thương như độ tuổi bốn mươi.

Nhã vẫy tôi:

- Ê phụ dâu, tới chụp hình kỷ niệm nè.

Tôi chạy tới, tìm cách đứng gần chú rể, mắt đăm đăm dòm cái ót chú rể. Làm sao đây? Cái ót chú rể ngay cạnh tôi đây mà sao khó kiếm cái thẹo lồi to bành ki màu tím đậm?

Cuối cùng việc chụp hình trong nhà thờ cũng xong. Tôi thở phào nhẹ nhõm, thì thầm vào tai Nhã:

- Nhã nè… Mầy coi cái ót của chú rể có cái thẹo bự màu tím đậm không?

Nhã quay nhìn tôi chằm chằm:

- Mầy có bị làm sao không Tâm? Đang là mùa đông chứ đâu phải mùa hè.

Tôi thì thầm:

- Làm ơn đi mà. Má tao nhờ mầy đó.

- Nhưng chuyện gì? Bỗng dưng bắt tao kiếm cái thẹo chỗ ót ảnh là sao?

- Um… Chuyện hay lắm. Làm ơn đi Nhã. Má tao đang nhìn mầy kìa. Tội nghiệp bả quá.

Nhã ngần ngừ:

- Thôi được, để lát nữa tới nhà hàng, tao sẽ coi. Mà chuyện gì vậy Tâm? Mầy làm tao hồi hộp quá.

- Đừng lo lắng. Chuyện vui lắm.

He he. Nhã ơi ời, nếu chồng mầy là thằng Cu Đất, mầy sẽ kêu ta bằng chị hẳn hòi. Mầy mà còn xưng hô mầy tao với ta, ta sẽ… he he… lén bỏ hết một hủ muối vô nồi canh của mầy cho mặn chơi… Ta sẽ lén… đổ thêm nước vô nồi cơm của mầy cho nó nhão chơi… Ta sẽ là chị chồng của mầy, oai lắm chớ bộ. Ta sẽ ăn hiếp mầy đã đời luôn. Để đỡ nóng ruột, tôi nghĩ loanh quanh rồi khoái chí tủm tỉm cười ên. Má tôi dòm tôi, ngập ngừng, nửa tin nửa ngờ: “ Hổng lẽ nó là thằng Cu Đất thiệt hả bay?”

Tiệc cưới chưa bắt đầu. Khách mới lai rai. Ai đó hỏi to: “Chú rể cô dâu đâu cà? Ra chụp hình với khách nè. Dâu phụ rể phụ đâu? Tới đây giúp cô dâu chú rể chứ.”

Kìa, cô dâu đang đẩy xe chú rể đi ra. Nét mặt cô dâu lộ vẻ băn khoăn. Cô dâu bắt gặp cái nhìn của tôi và… gật đầu nhè nhẹ. Tôi nín thở, đảo mắt tìm kiếm má. Má tôi đang đứng cạnh bàn chỗ sân khấu. Chắc má được xếp ngồi ở đó. Má cũng vừa kịp bắt gặp ánh mắt tôi. Tôi gật đầu nhè nhẹ. Má liền len qua những dãy bàn ghế, rất nhanh nhẹn.

Tôi cầm tay má:

- Thong thả nghen má. Đang chỗ tiệc cưới, có gì bất thường kỳ lắm đó. Xong tiệc rồi hẵng nói chuyện.

Má nạt:

- Bay nói nghe ngộ đời thiệt. Con trai của tao, thằng Cu Đất sờ sờ ra đó mà bay biểu tao thong thả là sao?

- Con năn nỉ má nè. Đợi xong tiệc rồi tính, nghen má. À, mai con tới chở má đi thăm bác Bảy, má tha hồ nói chuyện với bác Bảy nhen. Chịu rồi hén!

Đứa cháu nhỏ đứng bên, nghe cái tên Cu Đất là lạ, quay lại hỏi:

- Cu Đất là gì hả cô?

- Là tên của một người.

Bà mẹ chàng rể có lẽ thấy vẻ không bình thường của chúng tôi, tò mò hỏi. Con nhỏ làm lanh, nhanh nhẩu phiên dịch ra tiếng Anh. Không biết nó dịch như thế nào mà bả cười chảy nước mắt, ho sặc sụa. Bả lào khào rằng làm sao có người lại có cái đó bằng đất, bả hổng tin.

Chuyện lẹ làng lan ra, lan ra… Mọi người tò mò theo hỏi má tôi. Má tôi tha hồ kể. Bữa nay coi như má tôi trúng tới hai cái vé số độc đắc. Vé thứ nhất là bà kiếm được thằng Cu Đất, vé thứ hai là bà tha hồ được nói; nói là món khoái khẩu nhứt của bà.

Tới đây thì có lẽ ai cũng tin chú rể chính là thằng Cu Đất. Riêng có hai người không hề hay biết lại là… cô dâu chú rể.

Nếu quý độc giả muốn biết phần tiếp theo, xin hẹn kỳ tới.

Tịnh Tâm

Ý kiến bạn đọc
21/01/201306:32:52
Khách
Sao tui nghi tác giả là nhà báo hay nhà văn chuyên viết mục truyện đọc nhiều kỳ, hấp dẫn độc giả quá à.
Nói cho vui truyện hay lắm, rất có duyên.
12/01/201318:37:53
Khách
Tác giả ơi , truyện đang hay mà sao phần tiếp theo lâu thế.
13/01/201302:43:43
Khách
Mong tác giả sớm cho biết hồi kết.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,303,496
Tác giả là cư dân miền Bắc California, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại.
Anne Khánh Vân, sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, hiện sống và làm việc tại miền Đông Hoa Kỳ, từng nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2007 với tự truyện “Duyên Nợ Với Nước Mỹ.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C.
Kông Li là bút hiệu vui vẻ của Phạm Công Lý, tác giả đã dự Viết về nước Mỹ từ 2009. Ông cùng gia đình đến Mỹ từ 1994 theo diện HO, định cư tại Boston.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014, ông tên thật Trần Phương Ngôn, đã sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm
Tác giả đã nhận giải Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2014. Lớn lên tại VN khi cả nước đã thành xã hội chủ nghĩa
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa