Hôm nay,  

Florida Có Gì Lạ không, Senorita?

01/06/201200:00:00(Xem: 221065)
viet-ve-nuoc-my_190x135Kông Li là bút hiệu vui vẻ của Phạm Công Lý, tác giả đã có nhiều bài viết về nước Mỹ giá trị, vừa nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 20011. Là một cựu sĩ quan VNCH, cựu tù, ông cùng gia đình đến Mỹ từ tháng 11/1994 theo diện HO, định cư tại Boston. Công việc từng làm: thông dịch cho Welfare, social worker, phụ giáo, tutor toán ở Middle School của Boston Public Schools. Bài mới nhất của ông là một du ký công phu mà vui vẻ hiếm thấy.

***

Khi conquistador (nhà chinh phục) Juan Poncé de Léon đặt chân lên bán đảo này vào năm 1513, để tìm kiếm; theo truyền thuyết; suối Trường Sinh (Fountain of Youth) và kho tàng, châu báu của các tên hải tặc Caribê chôn dấu ở đây, ông không đạt được kết quả nào cả. Nhưng vùng đất, nước mênh mông, hoang dã này, đầy hoa thơm, cỏ lạ, muôn màu, muôn sắc khiến ông mê mẩn, thích thú và đặt tên nó là Florida (nơi có nhiều bông hoa ) .

Florida nằm ở vùng cực Nam của miền Đông nước Mỹ, là tiểu bang thứ 27 gia nhập Liên Bang năm 1845. Thủ đô là Tallahassee, ở phía Bắc, nhưng thành phố lớn nhất lại là Jacksonville. Là một bán đảo, nên các thành phố lớn phía Đông đều nằm trên bờ biển Đại Tây Dương, và phía Tây nhìn ra Vịnh Mexico. Vì nằm ngay trên đường đi của bão tố, hàng năm Florida đều hứng vài trận cuồng phong cấp 5, cấp 6, chịu nhiều thiệt hại về vật chất và sinh mạng. Điển hình là trận bão George và Wilma năm 2005.

Thời tiết Florida thuộc nhiệt đới, ấm quanh năm, mưa nhiều, là vùng đất thấp nên có rất nhiều ao, hồ, đầm lầy, sông rạch. Mùa Hè khá nóng, nên hợp với người Việt ta. Đất lành, nên chim Việt tị nạn Cộng Sản, đậu rất đông, nhất là ở thành phố Orlando.

Nói đến Orlando là phải kể đến DisneyWorld, được mệnh danh là “Nơi hạnh phúc nhất trần gian”, “Thế giới thần tiên của trẻ con và người lớn”, với các nhân vật hoạt hình quen thuộc: Bạch Tuyết và 7 chú lùn, chú chuột Mickey, vịt Donald, anh hùng tí hon Peter Pan, vừa bay vừa đấu kiếm với tên cướp biển Râu Đen một mắt, một tay có hỗn danh là Thuyền Trưởng Cù Móc.

Disneyworld là một công viên giải trí khổng lồ, rộng 12,173 héc ta, gồm có 4 khu giải trí khác nhau gọi là theme parks: Magic Kingdom, Hollywood Studios, Animal Kingdom và Epcot (Experimental Prototype Community of Tomorrow), nói nôm na là “Dự án đô thị mẫu trong tương lai”. Ngoài ra còn có Seaworld, để du khách thám hiểm đại dương và làm quen với các sinh vật dưới biển, cùng 2 Công Viên nước, giúp khách hạ nhiệt trong cái nóng hừng hực của mùa Hè Florida. Muốn đi thăm hết các khu này, ta phải ở đây ít nhất 4 ngày. Từ bãi đậu xe mênh mông, chứa vài ngàn xe hơi, khách đi xe lửa vào trong để mua vé. Giá vé khá mắc: 90.53 đô cho người lớn và 84.14 mỗi trẻ em từ 3-9 tuổi (không biết tại sao có số xu lẻ?). Vé vào Seaworld thì rẻ hơn, chỉ 81.99 đô. Ăn uống trong này mắc gấp 3,4 lần ở ngoài, lại không vừa miệng, có lẽ thiếu nước mắm, xì dầu!
IMG_0885_medium
“Lương hưu không đủ, tranh thủ làm thêm.”
Disneyworld đã đón tiếp 16,9 triêu du khách trong năm 2010, là công ty có nhiều nhân viên nhất ở nước Mỹ, có đến 66,000 người phục vụ, 70-80% là dân nhập cư, Latinos và Việt Nam chiếm đa số. Mỗi nhân viên, ngoài lương, thưởng và tip, nếu có, còn được hưởng quyền mời 6 khách /năm vào thăm công viên miễn phí. Một số công nhân Xì (Pa Nít), có tinh thần sáng tạo, biến đặc ân thành xu hào rủng rỉnh, bằng cách dẫn người quen vào cửa, với giá discount 50%. Riêng phe ta, mặc dù mang tiếng có hơi, ( một tí thôi nhé) , ích kỷ, thiếu đoàn kết, bon chen…., nhưng chưa nghe có trường hợp “thò tay mặt, đặt tay trái” như thế. Có lẽ vì sĩ diện, sợ mất mặt bầu cua chăng ?

Rời Orlando, đi lối 50 miles về phía biển là Cape Canaveral, có Trung Tâm Không Gian Kennedy, của NASA, là nơi nghiên cứu không gian và phóng phi thuyền thăm chị Hằng trong các thập niên trước đây.

Một thành phố đẹp ở Bắc Cape Canaveral là Daytona, nhưng tên tuổi của thành phố gắn liền với Daytona 500. Daytona có đường đua xe hơi International SpeedWay tối tân và đồ sộ nhất nước Mỹ, không kém đường đua Indianapolis 500 hay Indy 500 và hơn hẳn Brickyard 400. Hàng năm các tay đua cự phách khắp thế giới đến đây tranh tài cao thấp, trên vòng đua dài 4km, chạy 200 vòng, tổng cộng 800 km ( 500 miles) , để giành các danh hiệu tăm tiếng và các giải thưởng giá trị, tổng cộng lên đến 18 triệu đô. Đua xe hơi là môn thể thao nguy hiễm nhất vì vận tốc có khi đạt hơn 220km/giờ, dễ gây tai nạn thảm khốc vì đụng giây chuyền, làm chết nhiều tay lái cừ khôi trong những năm vừa qua.
IMG_0898_medium
“Thu hoạch nghêu sò ốc hến Florida mang nạp bà chủ chở về bằng ca nô,. Chào “đến hẹn lại lên!”
Có thể bắt chước dân Bạc Liêu, nói về xứ của mình :

Dưới sông cá chốt, trên bờ Tiều Châu

Cho khu đầm lầy Everglades:

Dưới sông sấu lội, trên bờ chim bay.

Khu đầm lầy Everglades là một vùng trũng bao la, toàn sình lưu niên, chiếm gần trọn miền Nam Florida, rộng đến 5000 dặm vuông, là nơi sinh sống của nhiều loại chim: cò, diệc, ngỗng trời,le le,thiên nga, chim bói cá,ó,đại bàng, diều hâu… và hàng trăm chủng loại cá, nhưng nhiều nhất là cá sấu, loại mõm dài cũng như mõm tròn. Loại cá xấu xí và gớm ghiếc này, xuất hiện từ thời khủng long,còn sống đến ngày nay,gần bị diệt chủng trong thế kỷ trước vì bị săn bắt bừa bãi,nhưng nhờ chính sách bảo tồn của chính phủ, chúng được tự do sinh sản,nên dân số lại lên đến 1.3 triệu con ở tiểu bang này. Để hạn chế số lượng, dân địa phương và dân Da Đỏ Seminoles được phép săn và câu để lấy da, xẻ thịt làm barbecue, xông khói hay làm crocsteak,rẻ,tươi và bổ hơn beefsteak,vì không có chất bảo quản.

Thăm viếng công viên Everglades, rộng 566,796 hecta, lớn thứ 3 trong các công viên quốc gia ở Mỹ, để nhìn đôi mắt lồi và hàm răng chôm chổm của loài bò sát hung dữ này là một kỷ niệm độc đáo. Ngồi trên airboat, một loại canot có thể chở 4-6 người, có gắn động cơ máy bay phía sau, khách phải đeo dụng cụ che tai, vì tiếng máy nổ rất lớn.

Tàu chạy là là trên măt nước, lướt qua cả các bãi sình và các mô đất, trong vùng nước mênh mông toàn cỏ lác, lau sậy, tràm, đước. Tàu chạy đến đâu, chim đủ loại bay lên hàng đàn, trắng trời. Những con cá to cở 1,2 pound, thỉnh thoảng vọt khỏi mặt nước như chào mừng khách đến thăm. Đúng chơ vơ trên cành cây khẳng khiu là một con đại bàng, biểu tượng sự uy nghi và sức mạnh của nước Mỹ, lơ đãng nhin đám du khách. Bỗng cánh đại bàng giang rộng, chim khẻ nhấc mình, như mũi tên, bay chúc xuống , hai chân thẳng, xòe ra đầy móng vuốt, quào mạnh mặt nước và bay lên. Một con cá tròn nung núc, vảy lóng lánh dưới ánh nắng mặt trời, đang giẩy giụa tuyệt vọng trong gọng kềm của con đại bàng. Cảnh tượng đẹp làm sao! Nhiều máy ảnh, giơ lên, ghi lại hình ảnh khó quên này.

Canot dừng lại trên một bãi sậy hẹp. Tài công dẫn đoàn khách đến một lùm cây, chỉ vào một mô đất nhỏ, cho biết đó là ổ của cá sấu. Ông nói :

-Qúy vị hãy im lặng và cố gắng nghe.

Đoàn khách chú ý thì nghe tiếng “chíp,chíp” từ mô đất. Ông nói tiếp :

-Trứng đang nở, cá sấu con kêu đó. Sấu mẹ chắc ở gần đâu đây để canh chừng. Như quý vị đã biết, loài vật nào cũng vậy, nhất là giống cái, vô cùng hung dữ, sẵn sàng tấn công bất cứ ai đến gần con nó.

Vừa nghe hết câu, không cần lệnh “Tan hàng, cố gắng!”, cả đám rùng rùng chạy về tàu, vừa chạy vừa dòm dáo dác. May mắn, hôm đó không có ông nào, bà nào bị đau tim, tăng xông, trẹo chân hay mất giày, dép!

Theo yêu cầu của khách, canot đưa khách đi xem dân chuyên nghiệp câu cá sấu hành nghề. Một sợi dây thừng to thấy sợ, đầu móc 2 lưỡi câu cũng không nhỏ, có 4 ngạnh, mồi là con gà, con vịt hay lòng heo, thả vào chỗ nước sâu vào ban đêm. Sáng ra họ đi thăm. Thấy chỗ nào có nước cuồn cuộn là có ăn rồi. Hai người lực lưỡng vật không lại con sấu, dài gần hai thước, đang vùng vẫy dữ dội, dù trong miệng dính 2 lưỡi câu. Con sấu chỉ chịu nằm im khi lãnh một viên đạn vào đầu. Khách trên canot cách đó lối 10m, nhìn cảnh tượng đó, vừa thích thú, vừa đổ mồ hôi hột.

Trên đường đi xuống thành phố Miami , nhiều xe dừng lại bên đường để xem một con cá sấu bị cán nát đầu, vất bên lề. Con sấu xấu số này có lẽ định mò lên khu dân cư tìm chó, mèo, gà, vịt … để thay đổi menu, nhưng vì không xem lịch Tam Tông Miếu trước khi xuất hành, nên bị nạn! Không bỏ qua cơ hội ngàn năm môt thuở, máy ảnh lại chớp liên tục. Một ông còn làm hơn thế nữa: đứng bên con sấu, một chân đạp trên đầu, hai tay chống nạnh, mặt hất lên và hối bà vợ chụp đi, chụp đi. Nhìn ông ta, tôi nghĩ chắc hồi nhỏ, ông thích xem phim Tarzan, do tài tử Johnny Weissumuler đóng, nên ông bắt chước, định đem hình về khoe với cháu Nội, Ngoại chăng?

Miami là thành phố lớn nhất ở miền Nam Florida. Cảng Miami là nơi tập trung chính của các tàu du lịch biển, chở du khách đi khắp vùng biển Caribê, Bahamas, Trung và Nam Mỹ, nên thành phố rất nhộn nhịp và sống động. Nơi nào cũng du khách, du khách, chen nhau đi dạo phố, ăn uống, mua sắm… thoải mái với trang phục bikini, monokini (one piece) đủ màu sắc. Tiếng nhạc Cha Cha Cha và Mambo, Salsa và Mariachi từ hàng, quán, từ xe hơi, boombox xách tay… mở hết volume. Dân toàn nói tiếng Spanglish, nửa Anh, nửa Xì, nhưng không sao, nói tiếng ba rọi gì cũng “ no problema”, “muy bien” (very good). Không thấy nhà ở, chỉ có hàng ,quán, cửa tiệm, khách sạn, kiosk bán hàng lưu niệm, đặc biệt là xì gà Cuba, nổi danh thế giới, nhưng làm tại chỗ. Miami là xứ của dân Cuba, chống chế độ Fidel Castro triệt để, nơi nào cũng có khẩu hiệu Viva Cuba, nhưng No Viva à Fidel và No Viva à Raoul. Cũng như Little Italy ở New York, Little Saigon ở Bolsa, Miami cũng có La Havana Pequena (Little Havana) của dân Cuba lưu vong.


Đồ ăn, thức uống của Cuba rẻ và ngon vì hợp khẩu vị của dân Châu Á. Bánh mì thịt, cũng đủ thứ đồ chua, ớt… giống như bánh mì ở Tân định hay Đakao, thịt gà quay, chiên, bánh ngọt, bánh nướng, bánh mì .... cũng tương tợ như Việt Nam. Riêng cà phê, rất ngon, đúng gout của phe ta, cũng dùng với sữa đặc, nhưng khi uống , lại đổ ra ly giấy nhỏ bằng hột mít, trái lại bánh flan to bằng cái chén ăn cơm.

Vì có chuẩn bị sẵn, tôi học sãn một số từ tiếng Tây Ban Nha để show off khi gặp dịp, nên tôi vào một quán cà phê bên đường. Một Cubana, tóc đen phủ hai bờ vai tròn trịa, cặp mắt nâu, với lông mi cong vút, đuôi mắt sắc lẽm như lưỡi dao cạo của ông già Gillette, mặc chiếc áo Pull trắng mỏng dánh, hở cổ, trể xuống hết cở cảnh sát cho phép, khoe vòng số 1 không thua gì của tài tử Gina Lollobrigida, cười cười chào tôi. Tôi order một ly cà phê đen :

-Café negro!

Cô gái cười, khoe hàm răng trắng bóng , thấy mà ham :

- Qué café (Cà phê gì?)

Tôi lập lại và cô gái hỏi Qué nữa.

Bị hỏi Qué hoài, tôi hơi Quê, tôi chỉ vào bình cà phê trên bếp, không thèm nói vì ….. bí.

La senorita suy nghĩ một chút rồi cười vang:

- A, café solo, solo. No negro...

Tôi trả tiền, cầm ly cà phê ra cửa, quên lấy mấy ly nhỏ xíu để uống à la mode kiểu Cuba.

Du khách đến Miami để xuống tàu đi cruise, tắm biển, câu cá, thưởng thức hải sản, uống rượu rum, hút xì gà Havana, rửa mắt, nhảy mambo với các Cubanas xinh đẹp, nhưng nơi được du khách thăm viếng nhiều nhất là ngôi nhà ở Key West của Hemingway, một nhà văn lớn của thế kỷ 20.

Ernest Hemingway (1899-1961) nhận giải thưởng Nobel về văn học năm 1954 với các tác phẩm đầy tính nhân văn của những con người bình dân, đời thường như The Sun also rises, Farewell to arms, The Snows of Kilimanjaro. Cuốn tiểu thuyết For whom the bell tolls đem về cho ông giải thưởng cao quý Pulitzer. Một tác phẩm nổi danh khác, The Old man and the Sea được viết vào năm 1945 kể về chuyện một ngư phủ già cô đơn cùng con cá mới câu được khi ông còn ở hòn đão nhiệt đới này. Hầu hết các tác phẩm của ông đều được chuyển thành phim. Những bộ phim tình cãm, buồn man mác này được chiếu đi, chiếu lại, chiếu hoài ở rạp Vĩnh Lợi, Sàigòn, đã để thương, để nhớ cho hàng triệu thanh thiếu nữ đang yêu trong thập niên 50, 60.

Sau khi bị Castro trục xuất khỏi Cuba, ông về sống ở Ohio. Ông tự tử chết năm 1961 vì sức khỏe suy sụp và tinh thần bất ổn. Gia đình ông có tất cả 5 người chết do tự vận !

Miami là niềm mơ ước cháy bỏng và là thiên đàng thật sự của dân ở Cuba. Không như dân Mễ, ở sát bên nước Mỹ, chỉ chờ Cảnh Sát Biên Giới sơ hở là leo tường, chun hầm, vượt sa mạc Arizona hay lội sông Rio Grande sang kiếm ăn. Nếu bị bắt lần đầu, thì bị lăn tay rồi cho về nguyên quán. Đối với người bị tóm nhiều lần, như bắt cóc bỏ dĩa, thì nhốt vài tháng, nuôi hamburger và hotdog cho mập mập rồi lại đuổi về nước. Dân boat people Cuba, nếu may mắn không bị Hà Bá gạch hộ khẩu trên hãi trình 90km tìm tự do, và đặt được chân xuống đất Mỹ, thì ô tô ma tíc họ là công dân Mỹ, khỏi chờ 5 năm thường trú và thủ tục lằng nhằng khác như người ta. Năm nào cũng có một số dân Cuba bị trình diện Thủy Tề trên đường đào thoát khỏi Thiên Đường đỏ, vì bão tố, vì tàu hư, chìm, nhưng họ vẫn đi. Đường ta, ta cứ đi !

Miami cũng là nơi xuất phát cuộc xâm lăng vào Cuba năm 1961 để lật đổ chế độ Cộng Sãn của Fidel Castro. Dưới sự lãnh đạo của CIA, hơn 1000 quân Cuba lưu vong đỗ bộ vào Vịnh Con Heo, nhưng thái độ lừng khừng của Mỹ, không làm đến nơi vì không biết Kút Xếp, tay độc tài thô lổ (rút giày đập ầm ầm ở Liên Hiệp Quốc) sẽ phản ứng ra sao. Cuộc xâm lăng thất bại làm ảnh hưởng đến uy tín Tổng Thống Kennedy và CIA rất nhiều.

Miami đi xuống chút nữa là Florida keys. Đó là một dãi đảo san hô và đá vôi kéo dài ra biển ở miền cực Nam của Florida. Một xa lộ dài 198km nối liền các đảo đến tận mũi KeyWest, là thành phố của Florida Keys. Lái xe trên xa lộ này, hai bên là nước mênh mông, không bờ, không bến, ta có cãm tưởng đang đi giữa lòng biển khơi, vừa thích thú vừa lo sợ. Đến tận năm 1890 , KeyWest là thành phố lớn và giàu nhất của tiểu bang. Ỏ Key West có một đảo đặc biệt tên là Star Island. Đúng như tên gọi, chủ nhân của các dinh thự trên đảo nầy là những ngôi sao trên nền trời điện ảnh, thể thao, truyền thông, âm nhạc…. như Gloria Estafan, Rosie ODonnell, Madonna, Will Smith, Shaquille ONeal, P. Diddy…. Lâu đài nào cũng vài triệu đô trở lên, luôn kín cổng, cao tường, đầy caméra và bảo vệ. Key West còn một cảnh độc đáo mà không thành phố nào ở Mỹ có, đó là gà mẹ, gà con được tự do chen chân với du khách trên các đường phố.

Một ông mục sư ít người biết tên, hiếm người biết tiếng, có bộ râu gui đông xe cuộc, tên Terry Jones, ở thành phố Gainesville, miền Bắc Florida, một hôm ”bỗng nhiên muốn nổi ” có tên trong sách Guiness ngang xương, bèn có một ý kiến độc, chết người: ông họp báo, tuyên bố sẽ làm barbecue 200 cuốn Kinh Koran, thánh kinh của dân Hồi Giáo vào ngày 11/9/2010 trong khuôn viên nhà thờ của ông.

Nhanh hơn ánh sáng, hơn một tỷ rưỡi người trên thế giới, nhất là dân Hồi Giáo, biết lý lịch của ông. Hôm sau, Bộ chỉ huy NATO ở Afghanistan bị cãm tử nổ bom tự sát, làm vài chục người mất mạng. Tổng Thống, Ngoại Trưởng, Tướng 4 sao Petraeus, tư lệnh chiến trường Trung Đông, FBI, Bộ Tư Pháp Mỹ… đều yêu cầu ông mục sư hơi hơi…. này, kềm chế, không nên thực hiện ý định kỳ hoặc đó. Tổ chức võ trang Hồi Giáo quá khích, bị Mỹ xếp vào danh sách khủng bố, là Hezbollah cũng treo giải thưởng đầu của ông 4 triệu đô. Thấy mình đáng giá quá xá và nhiều người năn nỉ ỉ ôi, tội nghiệp, nên ông tuyên bố tạm ngưng. Thế giới thở một cái phào , nhưng còn lo vì không biết khi nào ông hứng… lại họp báo nữa đây!!

Tampa, gồm cả thành phố Clearwater và St Peterburg, nằm trên vịnh Mexico. Cả ba thành phố đều có bãi biển đẹp để bơi lội và câu cá, kể cả cá mập. Trong số, bãi biển DeSoto đẹp tuyệt vời, cát trắng tinh, nhiều cây cho bóng mát… kéo dài hơn hơn 10Km. Công viên biển này, rất lớn, có đủ tiện nghi như nhà nghĩ mát, bàn ghế, lò than để barbecue , nhà thay quần áo, tắm nước ngọt, bãi đậu xe hàng trăm chiếc, để phục du khách tắm biển và picnic, tất cả đều hoàn toàn miễn phí. Du khách chỉ tốn tiền khi thuê xe đạp, waterjet, kayak hay canoe để bơi trong các kinh rạch trong vịnh. Một tạp chí du lịch quốc tế đã chọn bãi biển DeSoto là một trong 10 bãi biển đẹp nhất thế giới trong năm 2005.

Vịnh Tampa và vịnh Sarasota ăn sâu vào đất liền bằng nhiều luồng, lạch, hai bên bờ là tràm và đước của vùng nước lợ. Biển rất cạn ở hai vịnh này: Nước lớn thì chưa đến đầu gối, nước ròng thấp nhất thì lấp xấp mắt cá. Nước cạn thì đi bắt cua, chạy lăng xăng trên rễ cây hay trên các đám rong. Đây là loại cua có vỏ màu xanh lợt, cở ba ngón tay. Nấu riêu cua thì ngon không thể tả. Rang muối thì chẳng thua nhà hàng. Hay đi lượm ốc, hơi giống ốc bưu, vỏ có gai nhọn, nhưng thịt mềm hơn. Ốc xào xã ớt, luộc chấm nước mấm gừng, hay nấu bún ốc, chẳng biết món nào hơn món nào?. Mỗi lần đi lối 4, 5 tiếng, vừa mò, vừa lượm, vừa quăng lưới, ta có thể bắt được cở ½ thùng cua, vài chục con cá và một thùng ốc (loại thùng sơn 20 lít). Hai vịnh này là nơi sinh sống của nhiều loại cá, nhất là cá đối (mullet), đến mùa sinh sản, cá mới ra biển sâu để đẻ. Cá ở đây tròn và lớn gấp đôi cá đối ở biển Cần Giờ, cở bắp tay của người lớn. Cá lội từng đàn, làm sủi bọt cả khúc sông, đi kiếm phiêu sinh vật trong đám rong nổi dầy đặc gần bờ. Dân Florida chưa biết ăn hay không ăn cá đối, nên cá nhiều vô số. Giá sĩ lối 45xu/pound. Mùa cá có trứng thì được $1.50, vì họ chỉ lấy trứng cá thôi để xuất cảng, chủ yếu là Nhật và Ý : trứng được được ướp gia vị, sấy khô, tên Ý là “bottarga”, Nhật gọi là “karasumi”, với giá trên trời, đến $200/pound trong các nhà hàng sang trọng. Có một điều vô lý là trong khi ở Florida, ngư phủ chỉ lấy trứng, bỏ xác cá đầy cả sông, lạch, thì nhà hàng Blue Hill ở khu Greenwich Village, New York lại nhập cá đối đông lạnh của Tây Ban Nha với gíá gấp đôi nội điạ, và charge khách hàng $20 một con . Riêng cá trống, họ cũng bỏ phí cả con cá, chỉ lấy lấy bọc tinh trùng của nó (milt), xuất sang China, phục vụ các anh Ba cho khoẻ ,để xì thẩu bành trướng ra khắp thế giới càng nhanh càng “hẩu”.

Florida có khí hậu ấm áp, phong cảnh hữu tình,nhiều công viên, khu giải trí, bãi tắm, nhà cửa khá rẽ, nên nhiều người chọn tiểu bang này để nghỉ hưu. Với số tiền dành dụm trong 30,40 năm cày bừa. Họ mua nhà đẹp, xe hơi đời mới để hưởng tuổi già. Tuy nhiên trên xa lộ cũng có nhiều xe hơi “già “ cở 15,20 năm lưu thông, Tôi hỏỉ anh bạn tôi điều hơi lạ này. Bạn tôi giải thích :

- Mấy xe đó là của các dân nhập cư, hợp pháp và bất hợp pháp cũng có.Xe chỉ đáng 2-300 thôi. Mà bạn nên biết là ở Florida, xe hơi không cần dán sticker kiểm soát và không bắt buộc mua bảo hiễm. Thế là họ mua thoải mái, chạy văng mạng. Rủi có gây tai nạn ; trừ trường hợp chết người; thì bỏ xe, đi mua chiếc khác vài trăm bạc, còn cảnh sát và khổ chủ thì than trời, không thể níu áo của mấy tên trên răng dưới “nada” (nothing) được.

Kông Li

Ý kiến bạn đọc
07/06/201221:25:50
Khách
Co phai Ly o My Tho/BT khong?
02/06/201222:15:53
Khách
Chào chú,
Chú cũng thích du lịch và viết hả? Bài viết rất vui nhộn yêu đời, chúc chú sức khoẻ , sáng tác nhiều.
Cam on chu da comments bai viet moi cua Chi mai.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,309,181
Tác giả là cư dân miền Bắc California, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại.
Anne Khánh Vân, sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, hiện sống và làm việc tại miền Đông Hoa Kỳ, từng nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2007 với tự truyện “Duyên Nợ Với Nước Mỹ.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C.
Kông Li là bút hiệu vui vẻ của Phạm Công Lý, tác giả đã dự Viết về nước Mỹ từ 2009. Ông cùng gia đình đến Mỹ từ 1994 theo diện HO, định cư tại Boston.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014, ông tên thật Trần Phương Ngôn, đã sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm
Tác giả đã nhận giải Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2014. Lớn lên tại VN khi cả nước đã thành xã hội chủ nghĩa
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa