Hôm nay,  

Tôi Dự Việc "Đì-zai" Nhà Máy Cogen

08/04/201200:00:00(Xem: 138174)
Mời Đọc và Tưởng nhớ tác giả Lê Ngọc Minh

Nhiếp ảnh gia danh tiếng Lê Ngọc Minh, tác giả từng nhận giải bán kết Viết Về Nước Mỹ 2004, vừa từ trần lúc 3 giờ 35 phút sáng Thứ Năm, 5 tháng Tư 2012.

Tác giả Lê Ngọc Minh là một kỹ sư chuyên viên đồ án xây cất nặng về dầu hỏa và dàn khoan dầu ngoài biển; sinh năm 1939 tại Thái-Bình, di tản sang Mỹ năm 1975, cư ngụ tại La Habra, California. Trong ba năm 2003-2005, ông đã góp cho giải thưởng viết về nước My 6 bài viết liên tiếp, đặc biệt chững chạc hiếm có:

- Hai Tháng Ở Fort Chaffe, Arkansans
- Hai Tháng Trong Camp Pendleton, California
- Việc Làm Đầu Tiên Trên Đất Mỹ
- Làm Việc Tại Alaska
- Tôi Tham Dự Việc "đì-zai" Nhà Máy Cogen.

Và bài thứ sáu: “Tôi Lao Xe Xuống Vực.”

Vốn là một bậc thầy về nhiếp ảnh, từ 1978, ông cùng một số thân hữu thành lập Nhóm Nghiếp Ảnh Nghệ Thuật Việt Nam tại Nam California, tiền thân Hội Ảnh Nghệ Thuật Việt Nam (Artistic Photography Association, gọi tắt là APA) ngày nay.

Từ năm 1995, Ông được tổ chức "Ernst Haas Foundation" thuộc tiểu bang Maine tuyên dương là Nhà Giáo Dục Nhiếp Ảnh. Trong hơn 3 thập niên qua, N.A.G Lê Ngọc Minh được phong nhiều tước hiệu quan trọng của nhiều hội ảnh danh tiếng quốc tế như A FIAP, Hon M. PSA, A PSNY, F PSNY, ES FMPA; Hon F NPAS, Hon F PAW, Hon F HCPS, Hon F VOLAPS, Hon E FMPA, 1 sao PSA ảnh đen trắng và 1 sao PSA ảnh mầu.

Cuối tháng Hai, 2012 vừa qua, đông đảo nhiếp ảnh gia đã vinh danh sự nghiệp nhiếp ảnh Lê Ngọc Minh tại Chùa Bảo Quang. Mời xem chi tiết tại http://vietbao.com/D_1-2_2-74_4-187898_5-15_6-1_17-20658_14-2_15-2/.

Nhiếp ảnh gia Lê Ngọc Minh đã để lại cho hậu thế nhiều tài liệu, bài viết và tác phẩm giá trị, trong số này có bộ khảo cứu “Lịch Sử Nghiếp Ảnh Việt Nam” và một tập ghi chép về các nhiếp ảnh gia Việt Nam.

Việt Báo và giải thưởng Viết Về Nước Mỹ trân trọng tưởng nhớ tác giả Lê Ngọc Minh. Nhân dịp này, xin mời đọc lại bài viết về nước Mỹ từng mang cho ông giải thưởng năm 2004, “Tôi Tham Dự Việc "đì-zai" Nhà Máy Cogen”. Bài viết không chỉ kể về tài ba kỹ thuật, mà còn cho thấy Lê Ngọc Minh là một nhiếp ảnh gia nặng ký của công ty Chevron.

Caption: VVNM_Toi-du-tiec-Di-zai.jpg
Hình ảnh tại buổi vinh danh tại Chùa Bảo Quang: Tổng Thư Ký Sĩ Huỳnh của Hội Ảnh PSCVN trao tặng bảng vinh danh Nhiếp ảnh gia Lê Ngọc Minh. (Ảnh Thành Lâm).

Tôi Tham Dự Việc "đì-zai" Nhà Máy Cogen

Tác giả: Lê Ngọc Minh
Bài số: 424-963-V4101203
Bài số 3530-12-289580vb8040812

Bài đã được phổ biến từ 2003, và chỉ riêng trên trang Viết Về Nước Mỹ Online đã có 33,275 lượt người đọc.

Tính đến năm 1986 tôi đã làm việc cho Santa Fe Engineering được 11 năm. Đây là một hãng lập đồ án và xây cất các dàn khoan dầu ngoài khơi, tầu khoan dầu, cầu tầu, ống dẫn dầu, nhà máy lọc dầu... trên khắp thế giới. Hãng có bổng lộc tốt cho nhân viên, các xếp trực tiếp của tôi đều lịch sự, cởi mở, tăng lương cho tôi dài dài và tôi được đối xử tử tế, điều kiện làm việc nơi đây rất thoải mái. Ông kỹ sư trưởng và trưởng phòng họa đồ đã từng nói với tôi:

- Minh, anh sẽ về hưu với hãng này!

Có nghĩa là tương lai tôi được bảo đảm, tôi sẽ làm ở đây cho đến khi về hưu và tự trong thâm tâm tôi cũng nghĩ vậy.

Năm 1984, Santa Fe mua hãng C.F. Braun, hãng làm đồ án trứ danh, thường được mệnh danh là The Cadillac of the Design Industry, cho cảm tưởng việc làm mãn đời của tôi tại Santa Fe là chuyện đương nhiên.

Năm 1984, quốc hội Mỹ thông qua một đạo luật cấm khoan dầu trên thềm lục địa Mỹ, đồng thời bỗng nhiên mặt trận dầu hỏa toàn cầu cũng thay đổi (tôi không rõ vì sao), hãng tôi không bắt được giốp quốc nội đã đành, mà giốp quốc ngoại cũng không, hãng sống ngáp ngáp được thêm hai năm nữa; cuối năm 1986 cạn việc, hãng sa thải công nhân theo kiểu tàn sát tập thể: chuyên viên đồ án các ngành, từ 9 nghìn người xuống còn khoảng 200, tuần nào cũng đi khoảng trăm rưởi người! Vì đã biết trước cả năm, việc sa thải tôi không làm tôi ngạc nhiên.

Ngày chót, 10 rưỡi sáng thứ sáu đem đồ dùng cá nhân ra khỏi hãng, đi ăn trưa cùng mấy bạn đồng cảnh ngộ, 2 giờ chiều tôi ghé văn phòng lao động điền đơn khai lãnh tiền thất nghiệp. Bấy giờ là cuối tháng 11, có lễ Tạ Ơn, tháng 12 có lễ Giáng sinh và cũng là năm cùng tháng tận, tôi nghĩ chẳng có hãng nào mướn người vào thời gian này, tuy vậy tôi cũng vẫn gửi đi 20 cái resumé cho các văn phòng tìm việc tạm thời, gọi là job shops. Có hôm đọc trong mục tìm người trên báo Los Angeles Times, một hãng nào đó tìm người, sau khi liệt kê điều kiện này điều kiện nọ, đã thêm hàng chữ này vào cuối cái cáo thị tìm người "Nhân viên dầu khí xin miễn tiếp xúc" (đây quả thật là một điều xâm phạm tiết hạnh ngành nghề của tôi. Cầu mong cho hãng này sớm xập tiệm! ). Hai tuần sau đó tôi giải quyết vài chuyện riêng, rồi sách máy ảnh đi Yosemete chụp hình (nhiếp ảnh là hóp-bi của tôi). Nhà tôi biểu đồng tình:

- Đúng vậy, nghỉ vài tháng ở nhà cho khỏe, anh làm việc đã nhiều rồi!

Mỗi tối tôi đều điện thoại về nhà. Sau khoảng một tuần, một buổi tối kêu về, nhà tôi nói:

- Job shop kêu anh về đi anh-teẹc-viu!

Hôm sau tôi lái xe về, ghé văn phòng job shop ở Artesia, cô thư ký đưa tôi thư giới thiệu, gửi tôi ngày hôm sau lại hãng lọc dầu Chevron ở thành phố El Segundo, gần phi trường LAX để phỏng vấn.

Số là hãng lọc dầu nào cũng có mớ khí thải, dĩ nhiên là ô nhiễm, tối tối phải đưa lên đốt bỏ ở mấy cái ống thật cao, gọi là flare. Đốt khí thải vẫn tạo ra ô nhiễm. Chevron giải quyết bằng cách xây cất nhà máy phát điện Cogeneration gồm hai trains (hai máy phát điện), dùng khí thải ô nhiễm trong nhà máy lọc dầu, đốt trong máy Cogen, biến thành điện năng dùng trở lại chạy nhà máy lọc dầu (chỗ điện thừa, theo luật tiểu bang, Edison phải mua lại rồi bán cho dân tiêu thụ), do đó giảm thiểu tối đa việc nhiễm không khí. Tính ra khoảng hai năm thì hãng lấy lại số vốn xây cất nhà máy, khoảng 150 triệu đô la, sau đó là tiền lời! ... Đây là kỹ thuật mới thời 1986 và Chevron đang thuê chuyên viên làm đồ án này.

Hôm sau tôi đến trình diện. Phỏng vấn tôi là một anh tên John, tôi nghĩ anh ta là một xếp lớn, vì thấy anh ta mập mạp, da dẻ hồng hào, dù làm trong nhà máy lọc dầu mà mặc sơ-mi trắng dài tay, thắt cà-vạt, sách va-li, áo lớn vắt tay, điệu bộ lúc nào cũng bận rộn, họp hành liên miên, ngồi trong văn phòng lớn... Sau một tuần làm ở đó, tôi mới biết anh ta cũng là người phàm như cả đám chúng tôi, sự khác biệt chỉ là anh ta là nhân viên thực thụ của Chevron ở văn phòng chính ở thành phố San Ramon, gần San Francisco, hãng biệt phái xuống đây đặc trách coi về họa đồ. Vậy thôi. Vậy mà anh ta khệnh khạng hơn cả ông kỹ sư trưởng, thuê người, lây-óp người như chớp...

Khi anh John phỏng vấn tôi thì tôi biết ngay rằng anh không phải là người trong ngành của tôi và anh ta "rất impress" về những câu trả lời của tôi, sau này anh ta nói vậy. Tôi được mướn ngay, hôm sau là 4-12-1986 đi làm liền. Vậy là tôi thất nghiệp được bốn tuần, nhận được hai cái chếch thất nghiệp, sau đó lại đi cày tiếp...

Hôm vào làm, tôi được giới thiệu với ông xếp trực tiếp, một ông Mỹ già tên Dave, kính kéo xệ trên mũi, 24 năm thâm niên với Chevron. Ông ta bảo tôi, sau công tác này ông ta sẽ về hưu. Tuy là xếp, ông vẫn phải cày như chúng tôi, cũng phải ra công trường đo đạc... ông ta hiền lành, nói năng nhẹ nhàng, có máu khôi hài. Ông hỏi tôi vài câu về công việc làm, trước kia làm những đâu, có biết thằng này, thằng kia không... rồi giao cho tôi tờ họa đồ. Thời đó, năm 1986, chúng tôi vẫn còn phải vẽ họa đồ bằng bút chì, viết chữ bằng tay; vẽ họa đồ bằng computer vẫn còn là một trò chơi xa xỉ chưa mấy thông dụng, chỉ mấy hãng lớn mới bắt đầu sử dụng.

Nội buổi sáng hôm đó, ông Dave bảo tôi ngưng công việc làm của tôi 4 lần để sửa giùm ông vài chi tiết trong mấy tấm họa đồ cũ. Lần thứ tư, tôi lễ phép hỏi ông, có chuyện gì vậy " Ông đáp:

- Tôi và thằng George (một tên đồng nghiệp của tôi, làm đây đã được hơn năm) làm được 16 tờ họa đồ structural đầu tiên của nhà máy, đưa xa city để xin giấy phép, bị city bác hai lần rồi. Hãng làm sườn sắt đang chờ (họa đồ chưa được city chấp thuận thì không ai giám cắt sắt, hàn, đục lỗ...). Hiện giờ đồ án đã trễ mất hai tuần, nếu không giải quyết xong việc này thì sẽ trễ dồn cục, thiệt hại cả trăm ngàn. Văn phòng chính trên San Ramon gửi cô Di Di, kỹ sư chính xuống đây giúp mình sửa bộ họa đồ này. Mấy cái anh sửa chữa sáng nay là do cô ta sửa đấy!

Tôi nói tôi nghĩ là tôi có thể giúp giải tỏa được việc này, xin cho tôi coi toàn bộ hồ sơ xem city hạch sách ra sao. Ông đưa tôi qua gặp cô Di Di. Nhìn cách cô ta giải quyết vấn đề, tôi biết rằng cô đang đánh vật với bộ họa đồ, rằng cô là "cô kỹ sư màu lục" (green engineer nghĩa là mới ra trường). Khi nói tôi có thể giải quyết được vấn đề này, cô không tin, cô yêu cầu tôi thử sửa hai tờ họa đồ trước đưa cô xem, đây là thư phê bình của city. Biết rằng đây là cơ hội cho tôi trình diễn, nếu thất bại, tôi sẽ không ngóc đầu lên được ở đây, trong giai đoạn này. Hai giờ sau, tôi đưa hai tờ họa đồ "dính máu" cho cô (họa đồ sửa nhiều quá, đỏ ngàu, dân họa đồ gọi là họa đồ dính máu, bloody drawings). Nửa tiếng sau, cô đem cả 16 tờ họa đồ và trọn hồ sơ kỹ thuật đưa cho tôi:

- Tôi hiểu rồi, anh là designer. Làm ơn sửa cả giùm!

Bốn ngày sau tôi sửa xong, đỏ ngàu cả 16 tờ họa đồ, ông Dave và George ngồi sửa từng chi tiết một, tôi coi lại rồi sửa tiếp. Tôi thêm vào một họa đồ chi tiết, thành 17 tờ. Khi xong, cô Di Di coi lại, ông John Worley kỹ sư trưởng ký tên rồi gửi ra city xin phép theo thủ tục khẩn cấp (phải trả lệ phí cao hơn cho city). City chấp thuận bộ họa đồ ngay và uy tín tôi lên như diều!

Mấy tháng sau, Chevron óp-phơ tôi một giốp ở văn phòng chính trên San Ramon. Tôi chở vợ con lên xem văn phòng trung ương, thấy thành phố tân lập, có mấy tòa nhà thật lớn giữa một vùng đồi núi trọc, cỏ chết úa vàng, không nhà cửa, tiệm tùng xung quanh, gió thổi mấy bụi cây lăn theo triền dốc thoai thoải, trông cảnh quạnh hiu giống mấy phim cao bồi miền Viễn tây của Clint Eastwood tôi đã xem từ thuở nào... Gần đấy, thành phố La Fayette có con suối chảy ngang, đẹp, nhưng nhà đắt như vàng...

Đó là hình ảnh của San Ramon khoảng giữa năm 1987, ngày nay chắc có khác hơn. Vợ con tôi thấy cảnh tiêu điều hoang dã đều ớn lạnh, lắc đầu quầy quậy. Tôi về nại cớ vậy vậy... cảm ơn xếp và cam phận làm công với tư cách nhân viên "tạm thời".

Thường thường, nhà máy lọc dầu, hóa chất... đều cấm không cho ai đem máy chụp ảnh vào chụp loạng quạng những gì trong nhà máy, không phải có gì bí mật cần phải giữ, nhưng nhà máy nào cũng "tội lỗi" vì dơ dáy, ô nhiễm, phạm luật... họ sợ những ảnh này tới tay những nhà tranh đấu môi sinh, hay tệ hơn nữa là tới tay AQMD, cơ sở quản trị phẩm chất không khí, thì thật là tai họa! Nhưng riêng tôi thấy nhà máy lọc dầu cũng có những hình ảnh đẹp, tôi bỏ túi một cái máy ảnh Rollei 35 SE, nhỏ bằng bao thuốc lá nhưng có phẩm chất cao, đem vào thỉnh thoảng bấm vài tấm. Chọn vài tấm đẹp và vô tội, tôi phóng lên cỡ 8" x 10" rồi ghim lên vách. Xếp tôi thấy ảnh khen đẹp và trao cho tôi bộ máy ảnh Minolta Maxxum 7000 của hãng và một lá thư chính thức chỉ định tôi là "nhiếp ảnh gia đặc trách chụp đồ án Cogen"; từ đó, ngoài công việc họa đồ, tôi còn vác máy ra chụp "tiến độ thi công" công tác xây cất để họ báo cáo hàng tuần, hàng tháng... Có lá bùa trong tay, tôi đem cả máy Rolleiflex TLR vào nhà máy và thỉnh thoảng chụp được tấm khá đẹp (một tấm sau này tôi được huy chương Bạc cuộc thi ảnh bên Đức, tấm khác được Tổng hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Thế giới (FIAP) chọn in trong sách ảnh "La Terre en 2000", tuyển tập ảnh quốc tế, đánh dấu năm chót của thế kỷ thứ 20 và 50 năm sinh hoạt nhiếp ảnh của FIAP).

Công việc làm tạm thời cho Chevron khá thoải mái, cứ hai ba tuần, vào trưa thứ sáu, ban đồ án lại đem chúng tôi ra đãi "tiểu yến" gồm pizza và nước ngọt tại công viên Chevron gần ngã tư El Segundo và Sepulveda.

Cuối năm 1987, khi việc xây cất nhà máy gần hoàn tất, tôi đềà nghị làm cuốn lịch gồm 14 ảnh đen trắng về nhà máy Cogen. Xếp tôi trình lên và ban giám đốc bật đèn xanh liền. Tôi đem máy Rolleiflex TLR và chân máy vào chụp hơn chục tấm ảnh tiêu biểu của nhà máy. Tôi nghĩ nếu ngoài bìa có tấm ảnh chụp từ máy bay xuống cho thấy tổng quát công trình có lẽ oai hơn, bèn đề nghị với xếp nữa, thế là hãng thuê máy bay trực thăng bay vòng vòng trên nhà máy cho tôi chụp từ trên cao xuống. Nhờ vậy, cuốn lịch chính thức của Chevron về nhà máy phát điện đầu tiên của hãng ở California được phát hành vào ngày open house nhà máy, tháng 1-1988. Có điều làm gấp gáp quá, tôi quên đề năm 1988 ngoài bìa, nhưng dù sao lịch cũng được in 5000 cuốn, phát cho tất cả nhân công của nhà máy lọc dầu El Segundo, phát hành sang tận Lake Charles, Texas, tận Hawaii, tận Utah, tại San Ramon và tặng khách đến thăm nhà máy v.v... và tôi có nhận được vài cú điện thoại khen ngợi, trong đó có cô Di Di cô kỹ sư chính và ông John Worley, ông kỹ sư trưởng, khi này cả hai người đã được trả về San Ramon. Ông giám đốc nhà máy lọc dầu, một trong những VP của Chevron cho tôi một Sears gift certificate 200 $ và một thư khen ngợi.

Giáng sinh 87 và Tết dương lịch 1988, công tác đồ án đã xong, hãng đóng cửa hai tuần (dĩ nhiên là chuyên viên tạm thời như chúng tôi không được ăn lương), vợ chồng tôi đi Las Vegas mười ngày, không phải để đánh bạc, mà ban ngày bà xã tôi theo tôi đi chụp ảnh, ban tối, tôi theo bà xã tôi đi xem shows.

Trong khi đó, tại El Segundo, chuyên viên start-up chạy thử nhà máy. Theo lời kể lại, khi xếp lớn nào đó nhấn nút khởi động nhà máy, máy ngần ngại ịch ịch ịch ịch vài tiếng rồi nổ ròn rã, chạy ngay... xếp lớn, xếp nhỏ, chuyên viên cao, chuyên viên thấp đều vui vẻ. Bỗng nhiên 5 phút sau, một cái valve bị nổ, do lỗi hãng cung cấp valve chỉnh sai áp lực. Thiệt hại khoảng 40 ngàn. Lập tức thợ ống sửa chữa ngày đêm, một valve khác được gửi ngay bằng máy bay sang thay thế... Ngày 2-1-1988 lại start-up và nhà máy chạy liên tục từ đó đến nay không ngừng nghỉ.

Tuần lễ đầu năm, nhân viên phòng đồ án chúng tôi đi làm lại, chưa biết việc khởi động nhà máy ra sao... nhưng xếp lớn mời chúng tôi vào phòng họp, đãi cà-phê, đô-nắt, bắt tay cảm ơn từng người đã làm gút-giốp, khiến ngay khi bấm nút khởi động, nhà máy chạy như giấc mơ! Thứ sáu kế, chúng tôi được đãi một bữa "trung yến" là sea food bake ở công viên Chevron, đãi cả bia, sau đó chơi soft ball cho đến khi mệt nhoài, rồi cho về nhà luôn. Đây là việc chưa từng xẩy ra cho những công nhân viên tạm thời của bất cứ hãng nào, loại nhân viên không bổng lộc, luôn luôn bị chèn ép, tị nạnh, rẻ rúng còn hơn "con hoang của mẹ vợ thằng con rể": sea food bake vốn khá đắt, cho uống bia và chơi banh trong giờ làm việc (!) hết nửa ngày trời, mà lại còn được lãnh lương đầy đủ là việc chưa từng xẩy ra tại bất cứ hãng đồ án nào!

Khoảng giữa tháng 1-1988, ngày open house nhà máy, có nghĩa là mọi người được mời vào xem nhà máy một cách thoải mái, được giảng giải này nọ, được đãi pi-za, đô-nắt, uống cà-phê, nước ngọt, còn được tặng một ca uống nước bằng sành in hình nhà máy, một mũ baseball cap và một cuốn lịch Cogen do tôi thực hiện. Tôi cũng dẫn vợ con vào xem công trình tim óc của tôi. Vào dịp này, ban đồ án chúng tôi, mỗi người được tặng một áo giắc-két có thêu chữ "Chevron - El Segundo Cogeneration Plant, 1988" và một Sears Gift Certificate trị giá 200 $.

Mấy ngày sau đó, ông giám đốc cho kêu nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp vào chụp nhà máy đã hoàn thành. Anh này khệnh khạng đem view camera (máy có trùm mền), đèn đuốc, phụ tá... vào chụp cả ngày, rửa mấy chục tấm ảnh cỡ 8" x 10", gắn vào an-bom trông rất xôm (cái bill chắc không rẻ). Nhưng ông giám đốc xem xong thì nhăn mặt, hỏi ai chụp tiến độ thi công từ trước đến nay " Xếp tôi nói là một chuyên viên làm việc trong phòng đồ án. Ông giám đốc nói nhờ anh ta chụp lại toàn thể nhà máy, xong gắn vào cho ông 20 cuốn an-bom.

Số là anh chuyên viên chụp rất đúng điệu, dụng cụ tốt, nhưng anh ta không phải là người trong nghành, không biết sự liên hệ của thành phần này với thành phần nọ của nhà máy nên ảnh của anh ta không nói được công dụng hay phận sự của mỗi thành phần. Tôi mang hai cái Leica M4 với flash cầm tay có hắt sáng, 12 cuộn phim 36 pô, chụp bố cục có tiền, trung và hậu cảnh. Là người trong ngành nên tôi biết liên hệ giữa các thành phần trong nhà máy nên trình bày lô-gíc hơn. Về hệ thống đèn điện thắp sáng nhà máy (lần đầu tiên làm theo luật Điện mới), tôi vào nhà máy lúc 4 giờ sáng, chụp nhà máy sáng choang trên nền trời đen, với nhiều góc cạnh... ban ngày chụp conduits và cable trays chạy như mắc cửi... Tôi còn đem máy Hasselblad vào chụp mấy tấm ảnh si-lu-ét nhà máy khi mặt trời lăn, nền mây đỏ rực... và mấy tấm khác khi mặt trời mọc, mặt trời lớn, đỏ lừ như cái bánh xe trên hậu cảnh còn mù sương sớm... Ông giám đốc thích tấm nhà máy khi mặt trời lặn, đòi phóng một tấm dài 6 feet, treo ngay trong phòng làm việc của ông trên tòa nhà chính. Ngày treo ảnh, ông cho mời tôi lên xem tấm ảnh 6 phít, bắt tay cảm ơn khen tặng và cho tôi một tấm plaque tuyên dương công trạng bằng đồng thau và lại cái Sears Gift Certificate 200 $.

Hạ tuần tháng Giêng, ngày giải tán ban đồ án, chúng tôi được đãi "đại yến" ở nhà hàng The Proud Bird trên đường Aviation, nhìn phi cơ lên xuống phi trường LAX, sau đó ra sân nhà hàng chụp chung tấm hình kỷ niệm trước khi về sở nhận giấy lây-óp đến ba phần tư ban đồ án; số còn sống sót được giao cho làm công tác râu ria của nhà máy Cogen, gọi là off-plot. Tôi nằm trong số đó. Hai tháng sau công tác này cũng hết, lại một màn lây-óp. Tôi và một anh Ca-na-điên sống sót, được chuyển lên toà nhà chính làm cho đến giữa năm 1988.

Làm việc cho Chevron tôi còn được đi trực thăng hai keo nữa: lần thứ nhất, ban Cứu hỏa thực tập cứu hỏa trên mặt biển ngoài khơi El Segundo, tôi ngồi trên trực thăng từ trên chụp xuống. Chiếc máy ảnh không người lái Minolta Maxxum 7000 không lấy nét được trên mặt biển bóng loáng nên cứ éo éo chạy ra chạy vào, như "Vân Tiên cõng mẹ chạy ra..." Tôi đã tiên đoán vụ này nên thủ hai chiếc Leica M nên lấy ra chụp, mọi chuyện tốt đẹp. Lần thứ hai, hãng muốn tôi chụp các ống phun gaz trong cái flare (như trên đã đề cập, đây là các "ống khói" cao nhất nhà máy, dùng để đốt khí ô nhiễm trong nhà máy), cao khoảng 140 feet. Trực thăng bay vòng vòng quanh cái flare, tôi dùng máy Minolta Maxxum 7000 của hãng, ống kính zoom 80-200 mm từ trực thăng chụp ra, nhưng không thấy rõ phía trong. Tôi nói phi công bay lại gần flare hơn, anh ta nói luật an toàn không cho anh ta bay gần hơn 60 feet. Lần chụp này không thành công. Hãng bèn nghĩ ra cách khác: đem một chiếc cần trục Manitowoc có cần chính dài 128 feet, thêm một cần phụ 28 feet, tổng cộng 156 feet, treo một cái giỏ sắt, giống như cái bàn vuông lật ngược, có lan can sắt chung quanh. Tôi đứng trong đó, nai nịt chỉnh tề, có thêm dây chằng (safety hardness) móc vào cần trục, từ từ kéo cái giỏ lên tới khoảng 150 feet, rồi theo dấu tay của tôi, di chuyển cái giỏ trong đó có tôi, vòng quanh miệng flare để tôi chụp vào phía trong. Từ trên cao 150 feet nhìn xuống, cái xe cần trục nhỏ như đốt ngón tay út phía dưới, gió biển thổi cái giỏ sắt đong đưa qua lại, tôi có cái cảm tưởng cái cần trục có thể lật gọng bất cứ lúc nào... Nếu nó lật... Tôi không muốn nghĩ tiếp.

Công việc ngày càng cạn, tôi biết ngày lây-óp cũng cận kề. Một hôm xếp Tom gọi tôi "Mây-ai xi-iu", vào phòng, đóng cửa lại, bảo tôi:

- Tôi chỉ còn việc cho anh khoảng hai, ba tuần nữa mà thôi. Anh nên tiếp xúc bạn bè xem họ có việc gì cho anh không. Anh làm gút-giốp, ai cũng hài lòng. Sau này, khi nào anh thất nghiệp cứ kêu tôi; nếu tôi có việc, anh sẽ oeo-căm trở lại!

Xếp còn cho tôi một danh sách job shop dài. Tôi cảm ơn xếp và thơ thới hân hoan ra kêu điện thoại cho từng shop một... Tuần sau tôi tìm được việc, làm cho The Parsons Company ở thành phố Pasadena. Ngày báo tin cho xếp, xếp bắt tay chúc mừng, còn bằng lòng cho tôi nghỉ sớm để đi làm sở mới, lương cao hơn. Xếp còn đem tôi ra nhà hàng Rafael's trước sở, pha-rờ oeo, đãi tôi một bụng Chi-mi-chăng-ga!

Sau này tôi còn quay lại làm việc trong nhà máy lọc dầu này hai lần nữa, một lần chín tháng, một lần một năm rưỡi. Nhưng đó lại là hai chuyện phiêu lưu ký khác.

Lê Ngọc Minh

Ý kiến bạn đọc
14/04/201205:58:02
Khách
Rất hay! Bài viết đầy sống động và thực tế, người đọc được mở mang kiến thức .
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 843,993,714
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX. Sau nhiều năm làm công việc khai thuế tại vùng Hollywood, cô và gia đình hiện đã rời Los Angeles để trở thành cư dân quận Cam.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương. Nay hai bút hiệu hợp nhất, thành một tác giả thân quen của sinh hoạt Việt Báo. Tác giả hiện cư trú và làm việc tại miền Bắc California. Bài mới của cô dành cho ngày Lễ Halloween
Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2014. Cô sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018. Ông tên thật là Chu Văn Huy, cựu tù, vượt biển, hiện là cư dân San Jose, đã nghỉ hưu sau 37 năm làm việc cho các hãng điện tử tại Silicon Valley - Thung lũng Hoa Vàng, California. Đây là bài mới nhất của Ông.
Nhạc sĩ Cung Tiến