Hôm nay,  

Bèo giạt hoa trôi

25/10/201900:00:00(Xem: 10373)

Bài số: 5819-20-31618-vb6102519

 

Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018. Ông tên thật là  Chu Văn Huy, cựu tù, vượt biển, hiện là cư dân San Jose, đã nghỉ hưu sau 37 năm làm việc cho các hãng điện tử tại Silicon Valley - Thung lũng Hoa Vàng, California. Đây là bài mới nhất của Ông.                                                            

  Những ngày nắng Hạ oi ả đã qua, mùa Thu Cali đến với những làn gió se se lạnh mỗi buổi chiều. Nhà tôi đang làm ca chiều, con trai đi dạy học chưa về và khu vực Evergreen vừa bị cúp điện bất thường khi tôi đang đọc những bản tin liên quan đến thời sự thế giới và nước Mỹ trên trang mạng - những tin tức đã làm tôi nghĩ đến những nổi trôi của đời người.

Tiếng điện thoại reo, kéo tôi ra khỏi những giây phút hồi tưởng về những ngày tháng trong đời.

  - Về hưu mà cứ loanh quanh tối ngày ở nhà vậy, mấy tháng hè gia đình ông có đi chơi đâu không? Sửa soạn cơm tối hay đang làm gì vậy? Sáng mai qua tôi uống cà phê, ăn sáng nhé, có ông bạn cùng đơn vị ngày xưa mới từ Nam Cali lên chơi – tiếng người bạn học cũ gọi tôi.

  - Tôi vừa ăn cơm chiều xong, đang ngồi chơi thôi. Có gì lạ không... ờ, ờ...sáng mai tôi sẽ qua ông, cám ơn nhiều.

Tôi nói chuyện vắn tắt người bạn học cùng lớp ở San Jose City College năm xưa, rồi để cái điện thoại lại chỗ cũ, bên phải cái bàn phím. Lời người bạn nhắc khéo tôi về hưu đã lâu mà không chịu đi chơi đây đó khiến tôi có ý nghĩ là thời gian hình như trôi qua qúa nhanh. Tôi nhớ đến mới ngày nào đây, vừa bước qua tuổi hai mươi bốn thì nhập ngũ theo luật tổng động viên năm Mậu Thân 68, rồi sau sáu năm qua năm trại tù, và ba lần xuống Rạch Giá vượt biên, trôi dạt đến Thái Lan và định cư tại Hoa Kỳ, vừa đi học vừa đi làm, rồi miệt mài trong các hãng điện tử ở miền Bắc California cho tới tuổi về hưu. Những năm tháng sống ở Hoa Kỳ nhiều hơn ở Việt Nam. Tôi nhủ thầm, đã ba mươi tám năm trôi giạt, tha hương.......

  Tôi đứng dậy, đi đến bàn ăn lấy bình nước nóng pha ly trà Green tea, rồi trở lại máy điện toán đọc tiếp những tin mà tôi đang đọc nửa chừng thì khu vực nhà tôi bị cúp điện. Bản tin viết về những ý kiến khác nhau, có liên hệ đến các sắc dân thiểu số của chương trình Thống kê dân số, và nhắc lại những tin tức về đoàn người dân các nước Nam Mỹ bồng bế tay sách nách mang, băng rừng, lội sông, lội suối vượt biên hàng ngày, đã và đang tiến đến biên giới Mexico và Hoa Kỳ – những tin tức mà tôi cũng lưu tâm lâu nay. Hình ảnh những người bị tạm giam, hình ảnh một em bé chết đuối trôi giạt vào bờ, hình ảnh người thiếu phụ Nam Mỹ bế con thơ bị chồng bỏ rơi, đứng cạnh người con trai năm sáu tuổi đang khóc lóc van xin người lính Mexico mở cổng cho đi. Và bản tin cũng đối chiếu với thảm cảnh những người châu Phi đã và đang vượt biển, đi chui vào các nước châu Âu cùng những tin tức về việc xây dựng các bức tường biên giới, những phong trào chống và bênh vực chính sách di dân đã và đang làm xôn xao dư luận.

  Khi nhìn những hình ảnh và đọc các bản tin kể lại những câu chuyện thương tâm. Tôi cảm thấy những hạnh phúc và đau khổ của con người như thấm nhập, như đan kẽ vào nhau. Những ước mơ đi tìm hạnh phúc giữa những khó khăn, đau khổ chập chùng của những người di dân hôm nay, phần nào có những tương đồng với những đau khổ và ước mơ của tôi cũng như đồng bào của tôi trong các tháng năm chạy loạn trước đây ở quê nhà, và các chuyến vượt biên bằng đường bộ hay đường biển năm xưa. Dù chạy loạn, tỵ nạn hay di dân có những nguyên nhân và ý nghĩa khác nhau.

  Những hình ảnh và những bản tin về những đoàn di dân lam lũ, khốn khổ, chạy trốn khỏi làng thôn, bỏ lại quê hương, làm sống lại trong tâm trí tôi hình ảnh những ngày chạy loạn khắp ba miền Bắc Trung Nam của gia đình và đồng bào tôi, cùng làn sóng vượt biên, vượt biển chạy trốn Việt Cộng bất chấp đường rừng, hay biển cả với chiếc thuyền gỗ mỏng manh. Người tỵ nạn từ châu Á như Việt Nam hay là di dân từ các nước chậm tiến châu Phi hay Nam Mỹ – tất cả đều là những nạn nhân đã gặp rất nhiều khó khăn về mặt chính trị, văn hóa, kinh tế, xã hội của những giai cấp thống trị, độc tài, tham nhũng, tạo lên một xã hội nghèo đói, đe dọa, tước đoạt phẩm giá và đời sống con người. Bình thường, không một ai đành đoạn bỏ quê hương, mồ mả tổ tiên để đánh đổi cuộc đời mình giữa một cái sống chín cái chết. Hiển nhiên, những người tỵ nạn hay di dân là những kẻ gặp khốn cùng ngay trên quê hương họ, những người không còn gì để mất.

  Tôi chào đời sau khi cả nước vừa trải qua trận đói năm Ất Dậu, phát xít Nhật và thực dân Pháp đang tranh giành quyền hành thống trị. Những năm tháng thanh bình xa xưa của dân làng tôi đã đi vào dĩ vãng từ ngày mặt trận Việt Minh nổi lên, tìm cách tiêu diệt các đảng phái quốc gia có đường lối và lý tưởng khác biệt. Kế thừa ruộng đất từ tổ tiên qua nhiều thế hệ và cho đến thập niên bốn mươi, năm mươi, gia đình thày mẹ tôi và dân làng Phượng Giáo là những nông dân chất phác thuộc vùng châu thổ sông Hồng Hà. Tôi sinh ra trong thời loạn ly và lớn lên trong chiến tranh ngày một khốc liệt. Huyện Lương Tài, huyện Gia Lương nằm trong địa hạt tỉnh Bắc Ninh, nơi đó có quê nội, quê ngoại của tôi đã trở thành vùng xôi đậu, một cổ hai tròng – ngày Quốc gia, đêm Việt Minh. Chính quyền Quốc gia thì yếu kém, bị thực dân Pháp kiềm chế, thao túng, bọn lính Lê dương (Legion) là đoàn quân viễn chinh nhiều sắc dân và màu da khác nhau, thường cướp bóc, hãm hiếp phụ nữ trong những ngày đi càn. Chính quyền quốc gia thì bất lực trước các thảm họa do thực dân Pháp gây ra. Còn Việt Minh thì sinh họat như bọn thảo khấu, thổ phỉ – với dã tâm giết lầm hơn bỏ sót, khi xuống tay giết một người nào thì Việt Minh dán cho bản án Việt Gian. Mạng sống con người như chỉ treo mành, dân làng cũng như gia đình thày mẹ tôi chạy loạn bất thường, bất cứ lúc nào - không kể ngày đêm. Mỗi khi nghe tin lính Lê dương Pháp (Legeon) đang càn gần tới làng Kim Đào cách làng tôi một cách đồng rộng lớn, hay nghe tin Việt Minh sẽ đánh đồn Thứa hoặc Việt Minh sẽ về làng tổ chức đêm văn công, thu thuế là mọi người lại bỏ làng, chỉ còn các người già ở lại giữ nhà, mọi người hối hả băng qua những cánh đồng đến những làng kế cận, tương đối xa vùng giao tranh để được an toàn hơn. Nơi trú thân gần nhất của gia đình tôi khi phải chạy loạn ban đêm là làng Thọ Ninh -  sinh quán của bà nội tôi. Hối hả đi rảo bước chân như người chạy bộ qua cánh đồng nhỏ, băng ngang làng Bích Khê, Lạng Dương tan hoang vì chiến tranh, không thấy bóng người, rồi qua một cánh đồng nữa là chúng tôi tới làng Thọ Ninh. Còn những ngày tháng cha mẹ tôi được tin Việt Minh đang tìm cơ hội thuận lợi bắt cha tôi, thì mẹ và các anh em tôi lại chạy xuống tá túc lâu dài ở làng Lai Tê – quê ngoại, xa hơn quê bà nội tôi. Là Lý trưởng, đại diện dân làng từ thời trai trẻ, là Chánh tổng đương thời khi huyện đã rơi vào vùng xôi đậu, cha tôi ít khi ngủ đêm ở nhà, ẩn trốn nay đây mai đó, đôi khi về rồi lại đi, cha tôi nhất quyết không hợp tác với Việt minh, dù ông đã bị Việt Minh bắt, bị thương nặng khi xuống quê ngoại chúc tết. Theo lời cha tôi kể lại, trong đêm đầu năm mới Mậu Tý 1948, đồn Lai Tê nằm trong khuôn viên thánh đường xứ Lai Tê thuộc huyện Gia Lương bị tấn công và tràn ngập, cha tôi bị bắt. Nhưng khi thấy tên Việt Minh vai đeo súng, tay cầm cây mã tấu thì cha tôi đã vụt chạy trốn, bị tên cán binh dùng dao mã tấu chém với theo, vết chém sâu, dài từ dái tai xuống cuối cần cổ, may mà vết chém không cắt ngang cần cổ. Nhờ đêm tối, cha tôi đã cố chạy trốn xuống kênh đào bao quanh làng như một nhánh sông nhỏ, nấp dưới những mảng bèo tây được che khuất bởi những rặng tre già, và thoát được trên đường Việt Minh dẫn các tù binh đi giải giao.

  Vì dân làng chạy loạn thường xuyên, nên quần áo của mỗi người trong gia đình luôn luôn được xếp trong các tay nải riêng, để khi chạy loạn, những đứa trẻ như tôi tự khoác tay nải của mình trên vai mà chạy theo, còn người lớn thì vai khoác tay nải, đầu đội thúng gạo hay gánh những thực phẩm cần cho gia đình sinh sống trong những ngày đi tản cư. Do đó, tôi không có tuổi thơ, tuổi thơ của tôi chìm ngập trong những ngày đêm chạy loạn với những câu chuyện tai nghe mắt thấy những người chết trên đường, chuyện những người bị lính Pháp hãm hiếp, bị bắt vào đồn tra tấn đến chết, chuyện những người bị Việt Minh thủ tiêu. Trên đường chạy tắt, băng qua các làng xóm đã bỏ hoang, tôi đã nhìn thấy những căn nhà tan hoang vì bom đạn, những cây cột nhà và những bụi tre cháy đen loang lổ, những thân cây bị mảnh đạn chém gãy gục, sơ sác. Đa số thanh nữ, thanh niên trong các làng xã đã chạy xuống huyện Cẩm Giàng hoặc tỉnh Hải Dương, Hải phòng kiếm việc sống qua ngày, hoặc đi lính để trả thù cho cha mẹ đã bị Việt Minh sát hại, trong làng còn lại, thưa thớt là những người già yếu, đàn bà đã luống tuổi và trẻ em. Có những đêm cả nhà tôi chạy vội xuống hầm “ Tăng xê “ vài ba lần để tránh đạn Pháo binh Pháp bắn yểm trợ cho đồn hay bắn quấy rối, nhưng đôi khi lại lạc vào nhà dân. Sống trong vùng bom đạn, mọi người như đã qúa quen thuộc với tiếng súng nổ đạn rơi. Nên người dân quê thường đoán được tiếng kích hỏa ( depart ) và tầm đạn đi, để gọi nhau chạy xuống “ tăng xê “, hoặc bảo nhau nằm sát xuống mặt đất, chờ trái đạn nổ rồi chạy nhanh xuống hầm “ tăng xê “. Những đợt bắn phá hoặc yểm trợ thường xảy ra nhiều hơn sau ngày thực dân Pháp chiếm làng, đuổi dân làng tôi ra phố Thứa – đây là tên khu phố rộng lớn của thị trấn Thứa thuộc tỉnh Bắc Ninh, khu vực này bị bắt buộc bỏ hoang từ ngày Việt Minh phát động chiến dịch “ Tiêu thổ kháng chiến “, không có người sinh sống, chỉ có một cái đồn của quân Pháp do viên Thiếu Úy chỉ huy, đóng cạnh giao lộ. Cái đồn cũ nằm cạnh phố Thứa đã bỏ hoang sau đêm bị Việt Minh công đồn đả viện năm 1951. Và thực dân Pháp đã lấy nhà thờ và làng tôi làm đồn bót thay cho cái đồn cũ.

  Tất cả hệ lụy của chiến tranh theo năm tháng thành những vết hằn in sâu vào tâm trí một đứa trẻ 9 tuổi, làm cho tôi dày dạn như một người thanh thiếu niên từng trải thế sự, cho dù trải qua bao năm tháng trong đời, tôi vẫn không quên.

  Làn sóng người từ quê chạy ra tỉnh để di cư từ Bắc vào Nam như một trận cuồng phong nổi lên khắp nơi tại miền Bắc kể từ trung tuần tháng 5 năm 1954, nhất là sau ngày thực dân Pháp và đảng Cộng Sản Việt Nam núp dưới danh nghĩa Việt Minh ký hiệp định Genever ngày 20 tháng 7 năm 1954 chia đôi đất nước. Hàng triệu người trốn chạy Việt Minh Cộng Sản để di cư vào miền Nam với hai bàn tay trắng, đã gây dựng lại đời sống bất hạnh của họ từ con số không, trong số đó có gia đình thày mẹ tôi.

  Sau những năm tháng định cư ở vùng ngoại ô Sài Gòn, khi tôi chập chững bước vào giảng đường đại học lại phải bước ra vì chiến trận ngày thêm khốc liệt, lệnh tổng động viên được ban hành, và cũng là những năm tháng các thế lực siêu cường đang thăm dò, bớt một thêm hai trên sinh mạng của một dân tộc nhược tiểu. Kết cục, không một gia đình nào không có người đi tù, và khi thoát được tù đày lại bị quản chế đêm ngày bởi hệ thống công an, phường đội dầy đặc. Với một hệ thống luật rừng cùng với đời sống bất định đã tạo lên những làn sóng tỵ nạn khắp nơi – một sinh lộ cận kề với cái chết và những đắng cay ê chề trên thân phận con người.

Chiều thứ bảy vừa qua, khi tôi vừa mở cửa bước ra định mở nước tưới mấy chậu bông thì người đàn ông trung niên, gốc Nam Mỹ -  ông hàng xóm mới dọn tới thuê căn nhà kế cạnh nhà tôi đang đứng cạnh chiếc truck cũ trên garage lane, ông giơ cánh tay quyệt lớp mồ hôi trên trán, rồi vẫy tay chào tôi. Tuy mới dọn đến cách đây mấy tháng, nhưng Garcia rất dễ mến, trên môi ông luôn nở nụ cười thân thiện, vồn vã chào hỏi khi gặp mặt, ngay cả khi ông vừa bước ra khỏi cái xe truck cũ, áo quần còn lấm lem bụi đất của một con đường nào đó - ông là công nhân thuộc lãnh vực Công chánh của một hãng chuyên về cầu đường.

  - Hi, How are you? Garcia chào tôi.

  -  Thank you. I am fine. What are you doing? Tôi cám ơn và hỏi Garcia.

  - I were tuning up my friend, my car is too old but it is still good. I just finished. Now, it is time relax for Monday working – Garcia nói vừa tu bổ xong cái xe cũ, đang nghỉ xả hơi, mỉm cười, rồi quay qua hỏi thăm tôi về những tin tức liên quan đến những người thiểu số và di dân.

- You retired. You read news, watching TV and you had acknowledges about refugee, about immigrant. How about the problems are going now? Garcia hỏi tôi về vấn đề tỵ nạn và di dân vì nghĩ rằng tôi đã nghỉ hưu, có thời giờ theo dõi và hiểu biết hơn ông.

Rồi như chỗ thân tình hàng xóm láng giềng, Garcia kể cho tôi biết hoàn cảnh của ông và ông nói rất thương cảm hoàn cảnh những người di dân. Ông qua Mỹ đã hơn mười hai mười ba năm để đoàn tụ với cha mẹ, và cha mẹ ông đã qua đời vài năm nay. Khi qua Mỹ, ông biết ông không có nghề chuyên môn và biết mình cần hội nhập vào xã hội Mỹ, nên ngay những năm tháng đầu tiên đến Mỹ, ông đã đi làm bồi bàn cho một nhà hàng Mexico ban ngày, đi học ESL và học việc về ngành cầu đường ở Training Jobs Center do một hội đoàn Mexico giới thiệu. Rồi vài  năm sau ông có liên hệ tình cảm với một người con gái xứ Honduras, em họ anh bạn cùng hãng và do anh ta giới thiệu. Garcia bảo lãnh vợ qua Mỹ, dẫn vào làm phụ việc cho nhà hàng, và đi học tiếng Mỹ buổi tối. Hiện nay vợ ông đang làm nửa buổi cho một nhà hàng ban ngày để có thời giờ đưa đón hai con đi học và làm phụ bếp cho khách sạn, ca đêm.

  Thấy tôi lắng nghe, Garcia tiếp tục kể lại chuyện ông phải dọn đến đây vì chủ cũ bán nhà, nếu không thì ông vẫn ở khu Senter Road - ở đó ông bà quen nhiều hàng xóm Việt Nam. Ông thấy những gia đình Việt Nam chăm lo cho con cái đi học và làm việc không ngưng nghỉ, dù là ngày cuối tuần, đời sống họ rất sung túc và hạnh phúc. Ông cho biết ông đã đi hội chợ Tết và đi ăn phở với bạn Việt Nam của ông nhiều lần. Các bạn ông đã cho ông xem những bản báo cáo về kết qủa học tập của con họ, đa số các môn học trong năm đều đạt được điểm A+, B+. Nên vợ chồng ông cũng ráng bắt chước chăm lo và hướng dẫn con cái, hy vọng tương lai con cái ông sẽ tốt hơn, chứ bây giờ vất vả mấy ông bà cũng chịu được. Ông cũng nói lúc này sinh hoạt hơi mắc mỏ, nhưng ông vẫn cảm thấy rất hạnh phúc, vì sau một ngày đi làm, gia đình ông được sống bình yên, không bị ai đe dọa, bắt bớ bất thường, nhất là về ban đêm.

Nghe Garcia kể chuyện liên quan đến người Việt, tôi đã chia sẻ niềm tự hào với ông hàng xóm người gốc Nam Mỹ – tôi nói với garcia, người Việt Nam chúng tôi có truyền thống hiếu học cũng như làm việc cần cù, không quản ngại gian khổ, cầu tiến nhưng luôn luôn duy trì bản sắc, Hoa kỳ lại là đất nước tạo ra những cơ hội bình đẳng để mọi người có thể thăng tiến. Do đó, đa số các  gia đình tỵ nạn Việt Nam đến Mỹ với hai bàn tay trắng, nhưng theo năm tháng đã có một đời sống sung túc và các con cháu đều thành đạt trên đường học vấn. Và tôi hỏi ông có đến Little Sài Gòn ở miền Nam California chưa - nơi có những sinh hoạt văn hóa, xã hội, chính trị tiêu biểu của một Việt Nam Cộng Hòa ngày xưa thu nhỏ. Ngoài ra, nhiều tiểu bang khác cũng có những sinh hoạt tương tự như Little Sài Gòn ở miền Nam California.

  - Yes, I did, my cousin is living close there. I agree with you – Garcia nói ông có em họ ở gần khu Little Sài Gòn, nên ông có đến thăm và mua sắm nhiều lần. Lâu nay vợ ông muốn bảo lãnh bố mẹ qua Mỹ để được vui sống như thế. Nhưng bây giờ chương trình đoàn tụ cũng như di dân đang bị xiết chặt, lại có chống đối nữa nên bị kẹt rồi, vợ ông lo lắng và buồn lắm. Garcia cũng nhắc tới những đóng góp và thành công của các sắc dân thiểu số trong đó có sự cố gắng của gia đình ông mà sao vấn đề di dân vẫn gặp khó khăn. Thấy ông bạn hàng xóm hiền hòa có tâm tư giống như nhiều người. Tôi nói như để thông cảm với Garcia: Vì nạn khủng bố xảy ra lâu nay tại một số quốc gia có ít nhiều liên quan đến một vài sắc dân, nên vấn đề di dân trở thành một vấn nạn cho nhiều quốc gia, và kinh tế thế giới lại thăng trầm đã đưa đến những quan điểm chính trị khác biệt giữa các đảng phái cũng như cử tri về vấn đề di dân. Trong một xã hội tự do, dân chủ, thì những ý kiến khác biệt, những tư tưởng mang chủ nghĩa dân tộc, bảo thủ hay cấp tiến của một số người nào đó cũng là chuyện tự nhiên. Hy vọng, trong tương lai sẽ có một dự luật di dân hợp lý hợp tình được cả hành pháp và lập pháp Hoa Kỳ thông qua, để không xảy ra tình trạng như hiện nay. Vì đất nước Hoa Kỳ được thành lập và trở thành một cường quốc bởi những thế hệ di dân đầu tiên mà. Ngay cả những nhà lãnh đạo Hoa Kỳ thời cận đại như ông Donald Trump, Obama, Bill Clinton cũng đều là con cháu di dân cả. Có thể những khác biệt về vấn đề nhập cư hiện nay chỉ là vấn đề thời sự nhất thời mà thôi.

  Thấy Garcia gật gù, lắng nghe. Hy vọng giúp gia đình Garcia an tâm - tôi nói: Ai cũng công nhận Hoa Kỳ ngoài những tiến bộ, đứng đầu thế giới về mọi lãnh vực, xưa nay vẫn nổi tiếng là một quốc gia tự do và tôn trọng nhân quyền nhất. Lòng bao dung của dân chúng Hoa Kỳ đã được thể hiện qua biết bao nhiêu các cơ quan thiện nguyện, cũng như lòng bác ái của các cá nhân người Hoa Kỳ cũng luôn luôn được đề cao khi đã bảo trợ cho nhiều gia đình tỵ nạn,  giúp những người di dân, mặc dù khác biệt chủng tộc và màu da. Lòng hào hiệp của người dân Hoa Kỳ thường thấy hàng ngày khi tình nguyện đóng góp, giúp đỡ những người kém may mắn, gặp hoạn nạn bất thường như thiên tai, động đất, hỏa hoạn nơi này nơi kia – lòng trắc ẩn không phân biệt sắc dân đối của người dân Hoa Kỳ thật cao qúy xưa nay. Không có quốc gia nào có nhiều sắc dân thiểu số, và đôi khi có những cách biệt về trình độ văn hóa, giáo dục qúa xa, lại được nhập cư nhiều như ở Hoa kỳ. Giống như những cánh bèo, những đóa hoa trôi giạt trong những cơn phong ba bão táp đã cập đến bến bờ một vùng đất trù phù, an bình với sông dài biển rộng – Garcia, ông hãy hy vọng, nơi có những tâm hồn cao thượng.

  Tôi ngưng nói khi nghĩ rằng Garcia chắc đã hiểu và đồng ý với những sự hiểu biết khái quát của tôi về câu chuyện liên quan tới tỵ nạn và di dân, khi thấy cái đầu Garcia gật gù, lắng nghe .

  - Thank you for your good opinions, you are right – Garcia cám ơn về nhận xét của tôi.

  Bầu trời chiều cuối tuần mùa Thu đã nhá nhem tối. Garcia vừa thu dọn đồ nghề sửa xe vừa trao đổi với tôi về những ý kiến đã được các cộng đồng thiểu số lưu tâm lâu nay, và theo năm tháng có thể làm thay đổi quan điểm của những người bất đồng ý về chuyện nhập cư, khi những sắc dân chứng tỏ cho người bản xứ thấy nếp sống văn minh, cầu tiến và những đóng góp tích cực về mọi phương diện, làm cho xã hội thăng tiến trong các lãnh vực kinh tế, xã hội, chính trị. Tham gia các sinh hoạt địa phương, tôn trọng luật pháp cũng như các phong tục tập quán lành mạnh. Bỏ đi những tập quán xấu có thể có trong mỗi sắc dân, để không quốc gia nào cảm thấy các sắc dân thiểu số là gánh nặng của xã hội, là những nguyên tố của tội phạm và làm gia tăng nạn thất nghiệp, làm cho đời sống ngày một thêm khó khăn. Mỉm cười như hài lòng với câu chuyện, ông nói good night, God bless you, rồi thay vì bắt tay, Garcia đưa cổ tay của ông cho tôi bắt, vì bàn tay ông còn dính dầu nhớt và lấm lem khi ông thay nhớt chiếc xe truck cũ mà ông thường gọi là người bạn tốt.

 

Chu Kim Long

Ý kiến bạn đọc
26/10/201914:52:28
Khách
Có người nói " Làm người đã khó, mà làm người Việt nam còn khó hơn ".

Một bài viết hay. Lời văn trôi chảy và gọn gàng.
26/10/201914:46:52
Khách
Sau cuộc đảo chánh 1/11/63, đất nước rơi vào hỗn loạn. Chỉ trong vòng hai năm mà đã thay đổi chính phủ đến 5 lần và chức vụ tổng tham mưu trưởng quân đội cũng thế 5 lần :

•Nguyễn Ngọc Thơ (4-11-1963 – 30-1-1964);
•Nguyễn Khánh (8-2-1964 – 20-10-1964);
•Trần Văn Hương (31-10-1964 – 27-1-1965);
•Phan Huy Quát (16-2-1965 – 12-6-1965);
•Nguyễn Cao Kỳ (19-6-1965).

Trong loạt phim tài liệu mới đây The Vietnam War- của Ken Burns và Lynn Novick - có phỏng vấn một nhân vật Cộng sản về cuộc đảo chánh tháng 11 năm 63, hẳn trả lời: Khi Diệm bị lật đổ, chúng tôi quá mừng, chúng tôi nghĩ chúng tôi sắp sửa giải phóng được đất nước rồi. Chúng tôi bắt đầu tấn công địch ngày và đêm.

Nguyễn Văn Ngân - phụ tá đặc biệt cho TT Thiệu: “Việc giết Tổng Thống Diệm là một tội phạm lịch sử. Những người nhúng tay vào máu của ông Diệm không bao giờ dám ngẩng mặt lên nhận trách nhiệm: những người bị lộ diện đã sống một cách lén lút cho đến cuối đời như Dương Văn Minh, Mai Hữu Xuân, những kẻ ném đá dấu tay thì vẫn tiếp tục ẩn mặt và trút trách nhiệm lên đầu những người đã chết.”
26/10/201914:36:02
Khách
Vào năm 1960, lợi tức tính theo đầu người : Việt Nam Cộng Hòa (223$) cao hơn Nam Hàn (155$), hơn gấp đôi Thái Lan (101$), gấp 2,4 lần Trung quốc (92$), gấp 2,7 lần Ấn độ (84$), và gấp 3 lần Cộng sản Bắc Việt ( 73$).

Trong tác phẩm “The vantage point” ( “Ưu thế”) , tổng thống Johnson viết rằng dưới sự lãnh đạo của ông Diệm, Nam Việt Nam đã tiến tới. Việt Nam Cộng Hòa đã bắt đầu hàn gắn những vết thương của mình và trở nên phồn thịnh. Xứ sở nhỏ bé này đã phải tiếp thu khoảng 900000 dân tỵ nạn chạy trốn chế độ Hồ Chí Minh ở miền Bắc. Mức sản xuất tăng. Xuất cảng cũng tăng. Số trường học cũng tăng. Mức sống lên cao. Nam Việt Nam đang có tiến bộ....
26/10/201914:31:48
Khách
Tổng Thống Richard M. Nixon : “Lỗi lầm tệ hại nhất của chúng ta là đã xúi dục lật đổ tổng Thống Diệm năm 1963…”

Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Mansfield : Nếu ông Diệm bỏ đi hay bị lật đổ, Hồ chí Minh có thể đi bộ vào và chiếm Việt nam không có khó khăn nào.

Khi được tin ông Diệm bị lật đổ và bị giết, Hồ chí Minh đã nói với ký giả Wilfred G. Burchett:” Tôi không ngờ rằng tụi Mỹ ngu đến thế”.

Giáo sư sử học Geoffrey Shaw : Sai lầm của Kennedy xúi dục cuộc đảo chánh 1/11/63 đã làm mất đi cơ hội duy nhất có thể chiến thắng được Cộng Sản tại Việt Nam.

TT Trần Văn Hương : Những tướng lãnh hàng đầu đã quyết định giết anh em ông Diệm sợ hãi đến chết được. Họ biết rất rõ họ là những kẻ chẳng có tài cán, đức độ hay hậu thuẫn chính trị gì, dù một chút cũng không có, nếu để Tổng Thống và ông Nhu sống, hai ông sẽ trở lại cầm quyền một cách ngoạn mục mà họ không có cách gì ngăn cản được.

3/1977:PTT Nguyễn cao Kỳ: Điều sai lầm là loại bỏ Diệm và thay ông ta bằng một đám tướng lãnh ngu xuẩn hơn cả ông Diệm. Ít ra ông Diệm còn có một lý tưởng nào đó để phục vụ, chứ nhóm tướng lãnh thay thế ông ta chẳng có lý tưởng nào hết.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,081,484
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX. Sau nhiều năm làm công việc khai thuế tại vùng Hollywood, cô và gia đình hiện đã rời Los Angeles để trở thành cư dân quận Cam.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương. Nay hai bút hiệu hợp nhất, thành một tác giả thân quen của sinh hoạt Việt Báo. Tác giả hiện cư trú và làm việc tại miền Bắc California. Bài mới của cô dành cho ngày Lễ Halloween
Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2014. Cô sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả đã góp nhiều bài viết đặc biệt và đã được trao tặng giải thưởng Việt Về Nước Mỹ. Ông sinh năm 1951, du học Nhật trước 1975. Đến Mỹ năm 1981. Hiện là cư dân Irvine, Nam California. Công việc: Kỹ Sư Điện tại một hãng trong cùng thành phố. Đây là bài viết mới nhất