Hôm nay,  

Cuộc Đời Của Tuyết

21/07/201800:00:00(Xem: 13168)
Tác giả: Sáu Steve Brown

Bài số 5445-21-31253-vb7072118

 
Tác giả là một cựu chiến binh Mỹ trực tiếp viết văn bằng tiếng Việt và với bài "Hành Trình Tiếng Việt của Một Người Mỹ", ông đã nhận Giải Việt Bút mang tên Bà Trùng Quang năm đầu tiên, 2013. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông phổ biến ngày 18 -12-2012, kể chuyện tình giữa chàng thuỷ quân lục chiến Hoa Kỳ và một cô gái Việt ở Biên Hòa năm 1973. Trở về Mỹ, ông bà an cư ở Ohio, có 7 người con, tất cả đều đã trưởng thành.

Năm 2018 đánh dấu 45 kết hôn của ông bà Tuyết - Steve Brown. Đúng thời điểm đặc biệt này, ngày 2 tháng 5 năm 2018, Bà Sáu thình lình qua đời vì cơn bệnh bất ngờ. Sau tang lễ, ông Sáu đã dành nhiều ngày để tưởng nhớ và viết về cuộc đời của người vợ Việt Nam thân yêu.

Nhân dịp Việt Báo Viết Về Nước Mỹ trân trọng phân ưu cùng Ông Sáu cùng gia đình. Và trân trọng giới thiệu bài viết xúc động của tác giả.

Tuyet 01
Bà Tuyết.

Tuyet 02
Ông bà Brown tại đám cưới ở Biên Hòa, Tháng 4 năm 1973.

Tuyet 04
Ông bà Brown với bảy người con.

Tuyet 05
Ông bà Brown mới đây.
Tuyet 08
Ông Brown, các con, và các cháu tại đám tang.

 
***

 
Năm 2018 đánh dấu 45 năm kết hôn của Tuyết và tôi,

Tuyết còn được gọi là Sáu vì là con thứ sáu trong gia đình, tôi cũng thích gọi nàng bằng cái tên thân mật đó.

Sáu sanh đẻ tại một làng nhỏ vùng quê, khoảng mấy chục cây số về phía bắc Quy Nhơn. Ba Sáu là người Việt Nam nhưng đã phục vụ trên 20 năm trong quân đội Pháp ở Âu Châu và Phi Châu. Mẹ Sáu là con gái Bình Định, nhưng chẳng may qua đời lúc Sáu còn nhỏ.

Lúc nhỏ, làng Sáu ở là đất Việt Minh chiếm đóng. Thỉnh thoảng nàng vẫn nhắc đến những đợt tấn công của máy bay Pháp, hay là lúc nàng gần bước chân vô cái bẫy của bọn du kích. Khoảng năm 1952, Việt Minh bắt ba Sáu đem đến khu rừng núi hướng tây tỉnh Bình Định. Sáu và người anh cũng đi với ba và ở tại chỗ đó hai năm. Sáu kể khu đó có nhiều cây xoài nhưng bộ đội nói đó là trái cây của dân nên họ không được phép hái mà ăn. Sáu còn kể nhiều điều khác tương tự như thế. Khi chiến tranh kết thúc năm 1954, họ được trở về làng.

Vào năm 1963, một ngày kia có người quen cho ba Sáu biết rằng Việt Cộng sẽ đến đêm đó để giết một số người, trong danh sách có ông ấy. Ông ấy trốn ở trong một cái giếng suốt đêm rồi hôm sau trốn luôn đi xuống miền Nam.

Trong đêm đó, vài người khác trong bà con bị Việt Cộng bắt.  Ngày hôm sau, họ bị giết trong ruộng lúa, trước mặt dân làng. Trước hết là hai vợ chồng bị chôn chỉ còn cái đầu họ ở trên mặt đất rồi Việt Cộng cho con trâu kéo cái cày đi ngang qua. Họ bị giết từng người một cách cực kỳ độc ác.

Sáu và hai anh chị em trốn luôn. Ba chị em tìm việc làm tại một đồn điền cao su ở Suối Tre gần Xuân Lộc. Sáu làm việc trong đồn điền ít lâu rồi được gia đình người Pháp mời giúp việc trong nhà họ. Vì lý do đó, Sáu dần dần biết nói tiếng Pháp.

Mùa Thu năm 1972, theo duyên trời Sáu và tôi gặp nhau. Tháng Tư năm 1973 chúng tôi lập gia đình ở Biên Hòa. Câu truyện này tôi kể trong bài viết Định Mệnh.  Trong mùa xuân năm 1973, Sáu đến nước Mỹ. Những chuyện về lúc nàng mới đến đất nước này tôi đã kể trong bài viết Dâu Xứ Mỹ, Rể Việt Nam.

Vài năm đầu tiên chúng tôi ở tại quê tôi, tiểu bang Vermont. Tháng Ba năm 1975, do một người kể cho tôi biết về Đức Chúa Giê-xu, tôi tin nhận Ngài. Khoảng sáu tháng sau bà vợ Mục Sư đến nhà chúng tôi mỗi tuần một lần để kể cho Sáu hiểu ý nghĩa tin mừng của Chúa Giê-xu. Bà đó là người Anh và có giọng nói khác với người Mỹ nên có khó khăn cho Sáu hiểu. Sau khoảng một tháng Sáu cũng tin nhận Đức Chúa Giê-xu. Ít lâu sau một người khác đưa cho Sáu cuốn Kinh Thánh tiếng Việt. Từ đó, mỗi ngày, sau khi tôi đi học tại đại học về, Sáu kể cho tôi nghe những gì nàng mới đọc trong Kinh Thánh hôm đó. Từ lúc đó Chúa từ từ biên đổi cuộc sống của cả hai chúng tôi.

Mùa xuân năm 1975 chúng tôi thấy tình hình bên Việt Nam càng lúc càng khó khăn. Sáu viết thư cho ba nàng khuyên bảo gia đình ra khỏi Việt Nam nhưng ông ấy không tin. Chúng tôi quyết định rằng tôi đi Việt Nam, như tôi đã làm hai năm về trước, để đem một số người trong gia đình Sáu sang Mỹ, nhưng lúc đó chúng tôi không có tiền mua vé máy bay. Chúng tôi cũng không thể mượn tiền của ai cả. Dĩ nhiên. khi mẹ tôi nghe về kế hoạch đó thì bà sợ lắm và không đồng ý. Thế là chúng tôi bị kẹt trong tình huống không làm gì được.

Từng ngày, chúng tôi theo dõi tin tức Việt Nam. Mỗi ngày tình hình bên Việt Nam càng xấu hơn. Lúc đó đại đa số nhà báo Mỹ theo lập trường cánh tả nên hay phê bình gay gắt về chính phủ và quân đội Việt Nam Công Hòa trong khi họ khen Việt Cộng và lực lượng Cộng Sản Miền Bắc.

Sau ngày miền Nam xụp đổ 30 tháng Tư, 1975, Sáu mất liên lạc với gia đình bên Việt Nam cho đến năm 1978. Vì không có tin gia đình nên Sáu hay có vẻ tuyệt vọng. Đó là thời gian rất buồn và khó khăn cho Sáu. Sáu thường nhắc tới những lời ba Sáu nói trước kia.

Rồi một ngày kia Sáu nhận được thư của gia đình nói sau ngày mất miền Nam, cả nhà phải bỏ nhà ở Biên Hòa  đi về khu kinh tế mới ở Trảng Dài. Vì thiếu thốn mọi bề, sức khỏe ba Sáu suy xụp dần. Ông qua đời năm 1977.  Sau mấy năm chờ đợi tin tức gia đình, cuối cùng khi có tin thì đó là sự mất mát to lớn làm Sáu buồn nhiều hơn.


Sau đó, vì việc học hoặc việc làm, chúng tôi dọn nhà khá nhiều lần. Chúng tôi đi qua các tiểu bang Michigan, Pennsylvania, Missouri, California, Georgia, Illinois, và Ohio. Dọn nhà là việc rất khó khăn cho gia đình chúng tôi với bảy người con, nhưng Sáu chấp nhận điều đó với thái độ bình an.

Đầu năm 1990 chúng tôi mua nhà ở vùng quê gần một làng nhỏ ở tại tiểu bang Ohio và ở đó đến giờ này. Chung quanh nhà, Sáu trồng đủ loài hoa nở từ mùa Xuân tới mùa Hè. Còn trong vườn rau thì có đủ loại rau Việt Nam. Từ năm đầu tiên chúng tôi ở nhà này thì chúng tôi nuôi bầy gà và thỉnh thoảng cũng nuôi con heo.

Trong suốt thời gian dài khi các con vẫn còn ở nhà, sau khi ăn cơm tối xong, chúng tôi hay chơi bóng chuyền hay là các trò chơi khác ở ngoài sân.

Năm 1993, Sáu có cơ hội về Việt Nam đoàn tụ với gia đình sau 20 năm ở Mỹ. Nàng mừng lắm. Đầu năm 1994 cả hai chúng tôi trở về Việt Nam chung. Sau đó chúng tôi đi Việt Nam rất nhiều lần. Đến năm 2014, tôi đi Việt Nam tất cả 20 lần, Sáu thì đi còn nhiều hơn. Sáu cũng đi các nước Thái Lan, Campuchia, Nam Dương, Trung Hoa, Phi-luât-tân và vài nước ở Âu Châu nữa.

Suốt một thời gian dài, Sáu thích tình nguyện làm việc tại nơi in tài liệu về Kinh Thánh và những sách nhỏ về tin mừng của Đức Chúa Giê-xu. Sáu hay thích kể cho người khác nghe về Đức Chúa Giê-xu hay là khuyến khích các tin đồ của Ngài khác để tiếp tục bước đi theo Chúa.

Từ lúc chúng tôi lập gia đình, Sáu đã biết làm những món ăn Việt Nam ngon. Ở Mỹ, Sáu rất khéo tay nên cũng học cách làm những món ăn chính của người Mỹ. Tại nhà, chúng tôi hay ăn đồ ăn Việt Nam nhiều hơn là đồ ăn Mỹ. Trong gia đình ai cũng thích ăn phở, hủ tiếu, bánh xèo, thịt kho, cơm bình dân và nhiều món ăn Việt Nam khác nữa. Bây giờ đa số các con ở xa nhưng họ vẫn thèm những món ăn Việt Nam.

Mới đây giữa tháng Tư, vì tôi không khỏe, các con Rebekah, Paul, và Tim từ LA và Las Vegas về thăm. Trong mấy ngày chúng nó ở đây, Sáu nấu những món ăn ngon liên tục nên ai cũng lên một vài ki-lô. Đó là sự vui mừng của Sáu.

Từ đầu năm 2015, tôi bắt đầu có một số vấn đề sức khỏe. Tôi bị áp huyết cao, rồi tim bị rung tâm nhĩ, rồi mạch máu trong tim bị nghẹt, và tôi cũng bị ngưng thở khi ngủ. Nói chung là tôi bị bịnh và mệt hoài. Nhưng Sáu thì vẫn còn khỏe mạnh. Vì các vấn đề sức khỏe của tôi,  trong ba năm qua chúng tôi không đi Việt Nam hay là các nước ngoài gì nữa. Mới đây, sau cuộc giải phẫu tim thành công và các vấn đề khác được điều trị, tôi lấy lại được sức khỏe.

Sáng sớm ngày 28 tây tháng Tư năm nay, chúng tôi ra bắt hai con gà làm thịt. Trong khi Sáu tiếp tục làm gà, tôi qua bên kia nhà chẻ củi một hồi.

Khi mệt, tôi vô nhà. Trên đường vô nhà, tôi nhìn qua cửa số thấy Sáu vẫn ngồi làm việc tại chỗ cũ. Rồi tôi ngồi nghỉ và ngủ một lúc khoảng 30 phút đến một tiếng đồng hồ. Khi thức dậy, tôi nhìn ra cửa sổ thấy Sáu vẫn ngồi tại chỗ đó, nhưng người cúi xuống một cách không bình thường. Tôi chạy ra kêu tên Sáu nhưng không có tiếng trả lời. Tôi kéo Sáu lên, thấy hai mắt  nàng vẫn mở, nhưng có vẻ không được bình thường nữa. Tôi để Sáu nằm xuống rồi gọi 911. Tôi nói vợ tôi không còn thở nữa. Họ chỉ tôi cách làm CPR, tôi làm điều đó cho đến khi xe cấp cứu tới. Họ tiếp tục làm CPR bằng tay, nhưng trên máy đo của họ tôi thấy tim Sáu không đập gì cả. Sáu đó xe cấp cứu khác tới mang theo cái máy làm CPR. Sau 15-20 phút, họ nói tim Sáu đập lại và họ sẽ chở Sáu đi bịnh viện gần nhất ngay. Sau khi xe cấp cứu chở Sáu đi tôi gọi con gái Rebekah ở LA kể chỉ tiết tình trạng má như thế nào. Rebekah bay tới trong đêm hôm đó. Rồi tôi cũng liên lạc với các con khác nữa.

Sau đó các con khác từ từ đến nữạ. Gia đình con trai Rich từ Nam Dương về và vợ chồng con Vân từ Thái Lan. Cũng có con trai Paul, Tim và Robert từ các nơi xa về.  Còn con Hiếu thì ở gần nhà.

Tại nhà thương bác sĩ nói tình trạng Sáu rất nguy kịch. Họ nói Sáu bị chứng phình mạch óc, tức là một mạch máu trong đầu óc sưng lên rồi nổ luôn.

Họ nói trong xe cấp cứu tim Sáu ngưng đập ba lần. Sau khi tới nhà thương thì thêm hai lần nữa. Họ biết tim Sáu không đập được lâu lắm nên không có hy vọng nhiều. Mấy tiếng đồng hồ sau bác sĩ nói Sáu phải chuyển đi nhà thương khác chuyên môn về vấn đề như Sáu.

Vài tiếng đồng hồ sau khi tới bịnh viện mới, một ông bác sĩ nói là chắc chắn Sáu sẽ không bình phục lại, Sáu sẽ chết tại nhà thương đó. Trong năm ngày, có nhiều người đến thăm Sáu. Có anh chị em và các cháu của Sáu từ tiểu bang Florida và những bà con từ nơi khác đến. Cũng có bạn bè gần xa đến nữa.

Sáu ở trong bịnh viện năm ngày nhưng không tỉnh lại. Cuối cùng Sáu qua đời ngày 2 tháng 5 năm 2018 với nhiều người trong gia đình ở chung quanh.

Qua lời Kinh Thánh, Sáu đã tin nhận Đức Chúa Giê-xu nên nàng sẽ có sự sống đời đời, tức là Sáu sẽ ở cùng với Chúa mãi mãi ở Thiên Đàng. Niềm tin đó làm tôi và các con được an ủi.

Sáu là người vợ, người mẹ đầy tình thương.  Tôi nhớ Sáu nhiều. Các con và các cháu cũng vậy.

 
Nàng từ nơi thật xa xôi

Giống như định mệnh, đến rồi qua đi

Bấy lâu nàng đã làm gì?

Phước tràn gia quyến những khi có nàng.

 
Sáu Steve Brown

Ý kiến bạn đọc
06/05/202117:59:07
Khách
Xin chào chị NDBN, Cảm ơn chị đọc những bài viết tôi và cũng có lời khen. Vài năm này tôi vẫn tiếp tục viết bài tiếng Việt thỉnh thoảng. Chúc chị mọi sự thật tốt đẹp.
03/05/202100:58:06
Khách
Hôm nay tôi đọc lại lần thứ mấy bài viết của Chú Sáu Steve Brown. Tình cờ sao lại đúng ngày 2 tháng 5, ngày Giỗ của cô Sáu Tuyết ̣(kỷ niệm 3 năm ngày mất). Xin cầu nguyện cho hương hồn cô Sáu.
Tôi là một bà già, già hơn chú Sáu đúng 10 tuổi, rất thích đọc, xưa đã từng dạy Việt Văn một thời gian ở Việt Nam, mà phải khen tiếng Việt của chú Sáu "tuyệt cú mèo". Có nhiều độc giả khen chú Sáu giỏi tiếng Việt hơn nhiều người Việt, là đúng đó. Tôi lại được đọc những từ Mèo Mun, Chó Mực... mà chú Sáu dùng trong vài bài khác thì... phục thật.
Mong chú Sáu nhiều sức khoẻ và tiếp tục viết.
Chúc mừng và cám ơn.
08/08/201816:36:14
Khách
Cảm ơn Phạm Thanh Phong đọc bài viết tôi và có lời khen. Dĩ nhiên khi đến nước khác có bao nhiêu điều lạ và khó khăn. Nhất là lúc đầu .
Chúc bạn thịnh vượng và mọi sự như ý .
07/08/201818:42:06
Khách
Anh Sáu viết bài bằng tiếng Việt hay quá, tình cảm dạt dào, lời văn lưu loát. Tôi mới qua Mỹ nên chưa rành tiếng Mỹ nhiều , phải chi ở gần thì tôi sẽ học hỏi tiếng của anh thêm thì tốt quá , ở chổ tôi hẻo lánh nên rất hiếm người Việt. Đôi khi giấy bệnh viện hoặc văn bản gì của chính phủ gởi thì mình không hiểu gì cả , thật ngại ghê . Lâu lâu mở máy chờ đọc bài mới của anh Sáu viết , vì lần đầu tiên tôi mới biết có 1 người Mỹ viết tiếng của nước tôi . Chúc anh Sáu khỏe mạnh và nhiều niềm vui
29/07/201822:41:15
Khách
Từ nơi thật xa xôi Nàng đến
Đem cho chàng ánh nến yêu thương
45 năm mật ngọt thiên đường
Nghĩa tình chồng vợ thơm hương nhiệm mầu
Nàng đi đâu Nàng về đâu
Mình chàng ở lại mạch sầu rưng rưng...

Anh Sáu ơi, ngay lúc này tui chỉ ước một điều. Là dịp họp mặt VVNM tháng 8 này, mấy anh chị sẽ mời anh Sáu ăn những bữa cơm gia đình ấm áp, đậm đà hương vị Việt Nam. Để coi có ngon như chị Sáu nấu hông anh Sáu nha!

Không gọi anh là “ông Mỹ già” nữa. Tui đã đọc một lèo hết tất cả những bài viết của anh từ 2012 đến giờ. Anh chưa già và anh Việt Nam hơn cả Mỹ. Bằng chứng là 80% những gì chị Sáu nấu cho anh ăn là món Việt!
Tui sẽ nhớ đến anh Sáu trong lời nguyện cầu.
29/07/201819:47:32
Khách
Còn những lời bình luận của Từhuy tôi nên nghĩ làm sao? Có xúc động qua bài viết này thì được rồi.
Chúc Từhuy bình an và mọi sự thật tốt đẹp nhé.
28/07/201818:13:05
Khách
Chuyện một ông Mỹ già. Kể về gia đình của ổng với bà vợ Việt Nam cùng 7 người con của ổng bả, qua chặng đường hôn nhân 45 năm và sự ra đi đột ngột nhưng thanh thản của bà vợ ổng mới vài tuần trước đây...

Ông Mỹ già viết tiếng Việt. Văn chương, ngôn ngữ Việt của ổng đơn sơ giản dị, có đôi chỗ hơi ngô nghê... mà sao lại làm tui xúc động đến rưng rưng...

Ông Mỹ già ơi! Tự nhiên đọc bài này của ông tui trở nên mù mờ ngây ngơ. Ông làm tui không hiểu chính tui nữa. Là văn phong, là câu chuyện ông kể, hay sự giản dị của ông đã chạm đến trái tim tui?!...
28/07/201814:47:29
Khách
Chào chị Iris, Cảm ơn chị đọc bài viết về Tuyết mà có lời khen và chia buồn. Hẹn ngày gặp lại tại họp mặt VB.
28/07/201814:12:17
Khách
Cảm ơn Phạm Thị Kim Dung đọc bài viết tôi và có lời chia buồn.

Chúc Kim Dung bình an và vui vẻ.
27/07/201809:06:40
Khách
Chào anh Sáu! Tuần trước tôi có các con về chơi nên hôm nay mới có giờ vô VVNM đọc bài của anh Sáu. Một lần nữa, Ỉris xin chia sẻ sự mất mát của anh và cầu xin cho chị được nghỉ yên trong Chúa. Anh viết tiếng Việt càng ngày càng hay càng sâu sắc, cảm động quá! Chị Sáu Tuyết thật xinh đẹp dễ mến. Cảm ơn anh đã chia sẻ câu chuyện rất chân thành, thú vị về chị với chúng tôi, độc giả của anh. Mong được đọc thêm nhũng bài khác. Thân mến!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,077,634
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.