Hôm nay,  

Chuyện Của Hải

02/01/201200:00:00(Xem: 338274)
Chuyện Của Hải

Tác giả: Phạm hoàng Chương
Bài số 3444-12-28914vb2120212

Tác giả là một nhà giáo, từng là Chủ tịch Hội Ái Hữu Ninh Thuận, hiện đã về hưu và là cư dân Riverside, Nam Cali. Ông đã góp nhiều bài viết đặc biệt cho giải thưởng Việt Báo từ năm đầu tiên, và nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2009. Sau đây là bài mới của tác giả.

***

Tôi quen Hải ở trại cải tạo Sông Mao cuối năm 75, rồi trở thành bạn thân... Ra trại, tôi vượt biên qua Mỹ năm 84, còn Hải được mẹ và em gái bảo lãnh đi Boston năm 93. Hải và hai em trai Hồ, Nam, ba anh em hùn nhau mở một nhà hàng VN. Sau khi Hồ và Nam lần lượt qua đời mới đây vì ung thư gan,vợ Hồ theo các con xuống Nam Cali sống, vợ Nam dọn đi ở chỗ khác, vợ chồng Hải ở lại thui thủi đơn độc tiếp tục điều hành nhà hàng xập xình, bữa ế bữa đắt, sống qua ngày. Cứ vài ba tháng, Hải lại gọi phone qua Nam Cali thăm tôi, buồn bã tâm sự nhớ Hồ, nhớ Nam, thương mẹ gìà yếu chân đi phải chống gậy, buồn con gái út đã lớn tuổi chưa chồng, than thở business ế ẩm, muốn dẹp tiệm. Tôi lấy làm lạ, hỏi:
-Lỗ thì đóng cửa, sao cứ tiếp tục làm hoài rồi than?.
-Dẹp bây giờ thì lấy gì sống hả anh? Sang năm 66 tuổi mới được ăn tiền hưu. Chả lẽ ở không cho tới lúc đó? Anh biết không, Hải đang ăn thâm vốn, thiếu nợ bốn năm chục ngàn rồi đó. E có ngày phải bán nhà trả nợ mất…
-Sang cái tiệm lại cũng đủ tiền trả nợ rồi, làm gì đến nỗi bán nhà. Thôi cố thêm một năm nữa đi. Dù sao cái nhà ở đã trả off, cũng an tâm.
-Anh Chương ơi, lúc này Hải chán quá…sống cuộc đời vô vị ngày này qua ngày kia, không có ích lợi gì cho ai cả….Hôm nọ má Hải bệnh nặng phải nhập viện, nên không đi Cali được như đã nói với anh.
Giọng Hải mệt mỏi, chán nản, buồn phiền khác hẳn mấy lần trước, khiến tôi ngạc nhiên chú ý lắng nghe. Xưa nay thỉnh thoảng Hải vẫn tìm dến tôi như nhà cố vấn tâm lý, an ủi gia, làm tan phiền muộn u uất mỗi khi có chuyện buồn.
Hồi đó,trong trại cải tạo, Hải là sĩ quan tiểu khu Tuyên Đức, còn tôi là Ninh thuận. Hai khối Đà lạt, Ninh thuận ở gần nhau và đi lao động hay gặp nhau ngoài suối, ngoài đồng nên dễ quen nhau.Thấy anh chàng da dẻ trắng trẻo, râu ria đen rậm như tây lai,cái lưng khòm khòm, ăn ở sạch sẽ ngăn nắp, lại ăn nói hiền lành, lanh lợi tỏ ra con người trí thức,,tôi để ý tới làm quen, trò chuyện, rồi hai đứa thân nhau lúc nào không biết. Hải nhỏ hơn tôi 2 tuổi, kêu tôi bằng anh, xưng tên lễ phép. Qua tâm sự, biết Hải là cựu học sinh trường Pháp YERSIN ở Đàlạt, đang học văn khoa dở dang thì bị động viên, ra trung úy làm văn phòng ở Đalạt. Cha là điền chủ giàu có lớn ở Đalạt. Sơn, Hải, Hồ, Nam,Tuệ, và một cô em gái út. Khi quân ngũ tan hàng 30 tháng 4, vợ Hải và 3 con gái lui về Pleiku ở với mẹ vợ. Đường xá xa xôi, bên vợ lại nghèo, nên Hải không được thăm nuôi tiếp tế thức ăn lần nào. Tôi trái lại, được mẹ và vợ tiếp tế đầy đủ phủ phê, nên mang thức ăn, mì gói,trứng gà, đường thẻ …lai rai chia xẻ với Hải. Nấu nướng chè cháo ngon ngọt,có món gì bổ béo cũng kêu Hải qua ăn.
Hải dân trường Tây, tôi lại dạy Pháp văn, nên nói chuyện các tiểu thuyết Pháp, tài tử,phim ảnh, xổ tiếng Tây, Hải đều nhất nhất biết hết, gật gù vui vẻ góp chuyện hào hứng. Trong một trại tù đa số là dân nhà binh chuyên nghiệp, đủ mọi thành phần hỗn tạp, có được một người bạn tánh tốt, nói chuyện tâm đầu ý hợp thật là hiếm có. Có một dạo Hải gầy rộc đi, mặt mày buồn bã, thở dài não nuột vì gia đình báo tin ba mất ở Đalạt, tài sản đất đai bị tịch thu hết. Đêm 30 tết, hai đứa ngồi bên nhau trước đống củi cháy bập bùng, Hải nhớ ba chảy nước mắt khóc, kể chuyện gia đình, nhớ vợ con, lo lắng cho tương lai đen tối. Thấy anh chàng tánh dễ xúc động, tình cảm lai láng,tôi đem triết lý vô thường của Phật ra nói cho Hải nghe, mỗi đêm một ít, an ủi bạn, nói về sanh tử luân hồi, cọng nghiệp biệt nghiệp, vọng tâm chơn tâm, vô ngã vô pháp…Hải lắng nghe, nguôi ngoai dần dần.
Tháng 7 tôi được phóng thích, để lại cho Hải những đồ dùng cá nhân không cần nữa, và địa chỉ nhà ở Phanrang để liên lạc. Tháng 12, đang ngồi xệp ăn bánh cuốn hấp trong một quán nhỏ gần nhà thì có ai gõ nhẹ trên vai, quay lại thấy Hải xuất hiện, làm tôi giật mình. Té ra Hải đã được ra trại sau tôi vài tháng, tìm ghé nhà hỏi thăm, bà xã chỉ ra đây tìm. Thật là bất ngờ, mừng rỡ, kéo ngồi xuống ăn, vừa ăn vừa hỏi chuyện rối rít.
Thì ra Hải đã đưa vợ con về Saigon ở lậu không có hộ khẩu, che lều ngủ và nấu nướng trên sân thượng của một nhà lầu 4 tầng người quen của Hồ tại Saigon. Hải và Hồ làm lơ xe đò chạy đường Saigon-Phanrang cho anh Dương, con út của bà dì. Anh Dương rất tử tế, theo lời Hải kể, mở business xe đò là cốt tạo công ăn việc làm giúp cho hai em có tiền để nuôi vợ con. Vợ anh bỏ tiền mua xe đò cho anh lái chở khách, đăng ký hợp đồng với nhà nước chở khách với giá vé rẽ, nhưng bên trong kiêm luôn ngành kinh doanh hàng chuyến, thu mua hành tỏi, hải sản ở Phanrang chở vô Saigon bỏ mối cho các chợ kiếm thêm tiền chi dụng. Nhờ làm lơ xe tuyến đường Phanrang Saigon nên Hải thường hay ghé nhà tôi chơi, lúc nào tới cũng đem quà Saigon cho.
Lúc đó, giá gạo Saigon rất cao mà ở Phanrang thì rẽ, chuyên chở gạo và thực phẩm giữa các thành phố bị cấm, nên tôi nảy ra một ý tưởng hay, vừa giúp Hải vừa giúp mình, bằng cách bỏ vốn ra mua gạo, chiết vô nhiều bao cát 10 kí lô cho Hải dấu đút trên xe đem vô Saigon bán kiếm lời mang về chia. Biết công lao chuyên chở dấu đút là nặng, tôi cho Hải hưởng 7 phần lời,chỉ lấy có 3. Chị Dương biết, nhưng làm ngơ, không nói gì. Được hai năm thì anh chị Dương tính chuyện vượt biên, Hồ nhờ bên vợ giàu bỏ vốn mua xe đò cho chạy riêng và Hải qua làm lơ cho Hồ.
Hồ biết tôi tốt với anh mình nên thường kéo anh và tôi đi ăn uống thù tạc, nhờ tôi chấm tử vi cho. Lúc đó Hồ chỉ có 3 con, tôi nói “số em phải 4 đứa con, để rồi xem”, Hồ cười không tin, nói “khổ quá mà đẻ thêm con làm chi anh”. Hải cũng đòi coi số. Tôi nói số Hải trung vận phải đôn đáo vất vã, nhưng về già không khổ. Vợ chồng tôi cũng nấu nướng đãi anh em Hải tới nhà ăn mấy lần. Vợ Hồ bắt chước chị Dương, mua hàng Phanrang bỏ mối Saigon. Cô ta gửi nhà tôi một đống hàng, sau khi công an lên khám xe ở bến không thấy gì, cho phép chạy, Hồ liền chạy đường Thống nhât một đoạn là tới nhà tôi, bèn stop, Hải nhanh nhẹn nhảy xuông lôi hàng lên dấu cất.
Có lần tôi cũng theo xe Hồ vô Saigon thăm vợ con Hải ở trên sân thượng cao chót vót ở Saigon, thấy áo quần đồ đạc lôi thôi lốc thốc, vợ Hải nhỏ nhắn ốm yếu loay hoay với ba đứa con gái nhỏ, thương hại hoàn cảnh bạn mà không biết cách nào giúp. Lúc đó ai cũng khổ cả. Hải kể em gái út lấy chồng qua Mỹ năm từ 79 đã bảo lãnh mẹ Hà qua đó mấy năm nay, nay mai anh em Hà cũng sẽ được đi theo diện anh em, chưa biết lúc nào. Tôi nói đi bảo lãnh phải có hộ khẩu, ở Saigon “lậu” như Hải làm sao đi. Hải nói hộ khẩu gia đình Hải ở Pleiku may mắn vẫn còn, nhờ khéo chạy chọt công an địa phương làm ngơ cho.Tôi cũng tiết lộ dự định vượt biên, nhưng cũng không biết khi nào. Phải liều thôi. Hai đứa chỉ biết cầu nguyện, ráng cầm cự sống qua ngày, chúc lành cho nhau, chứ cũng không mong có ngày gặp lại nhau ở xứ người..
Năm 83 tôi đi vượt biên lọt, qua Mỹ ở Cali. Vợ viết thư kể Hải mỗi lần ra Phanrang đều ghé thăm, mang quà cho con tôi. Vợ kể anh chị Dương đã đi lọt, Hải mua xe riêng chạy đường Qui nhơn-Saigon, còn Hồ đường Saigon-Phanrang. Năm 91 vợ và con tôi qua Mỹ đoàn tụ, kể gia đình Hải, Hồ và Nam sắp qua Mỹ. Trong mấy năm liền sau đó tôi mong tin Hải, nhưng không biết ở đâu..Tình cờ, bài viết “Lá số vượt biên” tôi được đăng trên báo Xuân “Văn nghệ tiền phong” xuất bản ở Virginia lọt vô mắt xanh của Hồ. Hồ báo cho Hải. Hai anh em gọi tòa báo hỏi thăm địa chỉ sô phone tôi. Thế là nối lại liên lạc. Mới hay 3 anh em Hải hùn mở một nhà hàng ở Boston, mời tôi qua đó chơi. Hải nói anh chị Dương ở Nam Cali, Tuệ ở New York, còn Hải bận làm ăn quá, chưa có dịp qua Cali. Năm đó hình như là khoảng 2000, tôi và Hải đều đã có nhà riêng. Sau đó con gái tôi lấy chồng, Hải cũng gả chồng cho 2 cô gái lớn, gửi hình cưới qua cho tôi xem.Tôi coi hình vợ con anh em Hải chụp trước nhà, áo quần lộng lẫy, thấy ngôi nhà lầu Hải thật mới, thật sang, mừng thầm cho bạn giờ đây đã có cơ ngơi ổn định, sau bao năm tháng ăn nhờ ở đậu, tất bật vất vã ở Saigon.. Hải gọi nài nỉ tôi qua Boston chơi, coi tử vi cho 3 cô con gái, nhất là cô con gái út. Tôi coi lại thấy lá số Hải vất vã, con người có lòng nhân, giàu tình cảm, nhưng số phải chạy tới chạy lui mới có tiền, con cái thì xung khắc.. Về tướng pháp, thấy hai vai Hải hơi gù, đi đứng lòm khòm, hai bàn tay to, là số cực, phải làm mới có ăn, và mức độ phú quí cũng chỉ trung bình.
Năm 2003 tôi qua Boston chơi, Hải, Hồ đưa tôi đi chơi nhiều nơi, qua Canada coi thác Niagara, thủ đô Ottawa, thăm các viện bảo tàng cổ bên, ghé thăm tiệm ăn bán đồ Nhật của Tuệ…chụp nhiều hình kỉ niệm. Hồ nhắc lại chuyện tử vi, khen tôi doán đúng, qua đây hai vợ chồng sanh thêm một đứa gái nữa, coi như là 4 dứa con, không sai. Hải kể sau khi anh chị Duơng đi vượt biên lọt, Hải mua xe cũ chạy đường Saigon Huế một thời gian,nhưng vì xe cũ không tranh lại với nhiều xe mới đầy tiện nghi nên không có ăn, phải bán xe làm tài xế lái đường Phanrang-Đalạt cho chủ mới, rồi về Saigon làm tour guide cho tụi Pháp du lịch Việt nam, rồi chuyển qua làm thông dịch kiêm manager cho một thằng Pháp mở công ty chế tạo khung hình gỗ cho tới ngày đi Mỹ….con đường công danh sao mà quá sức vất vã. Hải nói con gái út Hải sanh năm 75,bị bịnh “trong máu thiếu chất đông đặc”, nên hễ chảy máu là không cầm được, khiến Hải chạy tiền gửi qua tận Pháp chạy chữa cho con. Hải kể trong người nó có đủ loại máu da đen, da trắng, da vàng y tá chuyền vô trong người, dễ có đến 200 bịch máu là ít, nên tánh tình bất nhất, thay đổi, ngang bướng. Hải nhờ tôi kiếm coi có ai, giới thiệu cho nó. Thấy con bé cao nhồng, dễ có tới 1m75, tôi cười:
-Con này cao quá, chỉ có lấy chồng Mỹ hay Pháp mới xứng. Nó học ra gì rồi? Có nghề gì không?
-Designer áo quần… nhưng làm ở đâu cũng không lâu, hay tự ái vặt, đành phải về phụ coi tiệm ăn cho Hà. Vợ Hà nấu, nó làm cashier, Hải chạy bàn.
-Kiếm đàn ông VN cao hơn nó đã khó, mà nó cũng gần 30, đàn ông ngoài 30 tuổi ấy ít ai còn độc thân,rồi kẻ ở Boston, người ở Cali ...làm sao mà gặp nhau, đi chơi vói nhau, tìm hiểu đi tới hôn nhân. Hải coi có ai ở đây góa vợ không?
-Nó có một thằng bồ Pháp, em không chịu, nhưng nó cứ đòi qua đó đi làm chung và ở với thằng đó…
-Con cái lớn lên bên này mà, biết làm sao .Cứ để tự ý chúng chọn lựa, sau này có gì khỏi trách cha mẹ. Bên này,con đặt đâu, cha mẹ ngồi đó.

Hải ngập ngừng, như có điều khổ tâm khó nói, tôi cũng không tiện hỏi thêm, ở chơi Boston, Neww York một tuần rồi về lại Cali.
Mấy năm sau, Hải báo tin Hồ bị xơ gan, đang điều trị, bệnh tình trầm trọng, con cái bỏ qua Cali làm ăn hết, chỉ còn 2 đứa gái ở lại coi sóc cha. Năm 2010 lại báo tin con gái anh Dương ở Santa Ana 40 tuổi bị ung thư tử cung chết, bỏ lại chồng và 2 con, vợ chồng Hải bay qua phúng điếu, phụ trách lo tống táng và an ủi anh chị ấy. Tôi theo Hải tới nhà thăm anh chị Dương, thấy anh chị tiều tụy, thểu não, nhưng không già đi mấy, đưa cái DVD Kinh Kim Cang thày Thanh Từ giảng cho anh chị nghe, để thấy đời vô thường, vô ngã, cho vơi bớt nỗi đau. Hải nói chị Dương lúc sau này di chùa hoài, không còn ham hố làm ăn như ở VN nữa. Ngày đưa đám con anh chị, tôi cũng lái xe tới nhà quàn dự lễ, theo Hải đi đưa quan tài ra nghĩa trang. Hải tiết lộ Hồ cũng ung thư gan, ngày xưa chạy xe đò uống bia rượu nhiều quá, cả Nam mới đây cũng phát hiện bị xơ gan…thật là buồn.

Hải về lại Boston mấy hôm thì gọi tin qua mếu máo trong điện thoại báo tin Hồ chết rồi. Tôi không ngạc nhiên, chỉ biết an ủi, coi lại tấm hình chụp chung với Hồ khỏe mạnh vui tươi ngày nào ở Ottawa mà thở dài. Sau đó nửa năm lại nghe tin Nam chết, Hà nói má buồn lắm, tuy tinh thần chuẩn bị sẵn mà cũng nằm liệt giường cả nửa tháng trời bỏ ăn khóc hoài. Anh Sơn và Tuệ ở khác thành phố nên Hải cũng ít lui tới, quanh quẩn bên mình chỉ còn bà vợ ốm yếu và đứa con gái út cao nhồng độc thân. Tháng 4 năm 2011, một hôm lại nghe Hải gọi;
-Anh ở đâu vây? Sao gọi phone mấy lần không có ai bắt? Anh tệ lắm nghe, Hải mất 2 đứa em một lúc, mà anh không gọi an ủi gì hết…
-Đâu có nghe Hải gọi đâu? Chắc đi ra ngoài không nghe. Sao không email cho tiện?
-Không có tiền mở Internet… Có Internet con Hải nó lên nó CHAT,còn mệt thêm. Bồ bịch lôi thôi phiền phức…
-Sao năm xưa Hải kể nó qua ở với thằng Tây nào bên đó, làm việc…?
-Nói thiệt với anh hồi đó Hải giới thiệu hai dứa nó với má và cả nhà là tụi nó lấy nhau qua Pháp ở, thực ra tụi nó dẫn nhau đi, chẳng có làm hôn thú, hay tổ chức đám cưới gì cả. Nó có bệnh trong người, nên tánh tình kỳ cục, hay tự ái, ích kỷ, hay đổ lỗi người khác, không ở với ai được lâu. Ở 2 năm bên đó là gây lộn, bò về một mình, mình phải nuôi báo cô. Đị làm cho tiệm may nào cũng bị cho nghỉ việc vì không biết mềm mỏng chịu khó với chủ. Thấy mình mướn người làm, nó xúi cho họ nghỉ, để nó làm. Mà nó làm thì….ngày nào vui nó ra tiệm, ngày nào buồn, nó bỏ đi đâu 2 ba ngày. Lúc mình cần thì không có nó, lúc không cần, nó lại xuất hiện...
-Hồi 76 Hải đi tù về, tánh nó có như vậy không? Con cái của lính sanh ra trong thời 75, 76...sách vở đạo đức xưa bị VC đốt hết, cha mẹ lo lao động, kiếm ăn, không có thì giờ ở gần dạy dỗ, nên đa số chúng mất căn bản đạo đức ngay từ lúc đó. Qua bên này lại nhiễm văn hóa tự do, càng khó sửa.
-Không, hồi đó nó ngoan lắm, có một dạo hai chị nó theo má nó về Pleiku, nó ở lại một mình lo cơm nước cho Hải đó. Chỉ mới khi qua đây, thay máu, nằm bệnh viện ra, tánh tình nó mới thay đổi, dễ cáu kỉnh, hờn giận, ích kỷ.
-Kiếm bạn tốt, mướn người làm công tốt cho nó gần gũi, để bắt chước tánh tốt của họ. Vợ chồng Hải phải bố thí cho nó thấy, hiền hòa, kiên nhẫn chiều chuộng khách hàng cho nó thấy, phô bày các tánh tốt trước mặt nó, từ từ nó sẽ thấm rồi bắt chước.
-Thì anh cũng biết vợ chồng Hải có phải là người xấu đâu. Kể chuyện ngày xưa ba má ở VN khổ cực như thế nào, nó nói “thời đó khác, thời này khác, chả lẽ ba má muốn con cũng cực như ba má sao?”.
-Thôi thì cứ coi như cái nợ của mình kiếp trước, bây giờ phải trả. Cứ nhẫn nhục chịu đựng. Khi nào hết nợ thì nó đi lấy chồng, hay bệnh chết, là xong.
-Hoặc là khi nào… mình chết,không biết gì nữa, là xong nợ, phải không? Hai con chị đã yên bề gia thất, có nhà cửa riêng, chỉ còn có con này nó làm mình điên đầu muốn tự tử đó anh à. Hiện giờ nó có thằng bồ luật sư Mỹ hơn 40 tuổi, đã ly dị vợ, nhưng thằng này không chịu cưới, chủ trương nhà ai nấy ở, tiền ai nấy xài, lâu lâu ngủ với nhau, đi chơi với nhau một bữa, rồi mạnh ai về nhà nấy. Có lần nó giận thằng đó, gọi phone mắng nhiếc đay nghiến một ngày bảy 8 lần đến nỗi thằng kia tới nhà Hải van xin nó, ”Please, leave me alone!”..Anh coi đó. Xưa nay trâu đi tìm cọc chứ cọc đâu có đi tìm trâu, vậy mà nó hết cơn giận, lại tới nhà thằng kia chơi. Mình đâu có thể để con gái mình như vậy. Còn nói chuyện kêu nó về “ở rễ”.. ..Anh nghĩ tội tình gì mà phải đem rễ về nhà nuôi, bao bọc đủ thứ cho nó cười vô mặt. Hỏi anh, nó cứ lông bông như vậy hoài,mười năm nữa mình chết rồi, cuộc đời nó sẽ ra sao? Buồn lắm anh à…Hôm nay Hải mới kể thật cho anh nghe, hồi nào tới giờ cứ ghim trong bụng không dám nói. Thằng Hồ thằng Nam mất rồi, Hà có một mình, không có ai tâm sự, phải gọi nói chuyện với anh cho bớt buồn..Hồi tụi nó còn, tụi nó than thở chuyện vợ con tụi nó thế này thế kia, mình cũng kể lại chuyện con mình, chia xẻ tâm sự với nhau nhờ vậy mà nguôi ngoai. Bây giờ đau khổ một mình chỉ biết ngậm bồ hòn, nuốt cay nuốt đắng, kể cho Má nghe chỉ làm bà gìà buồn thêm sinh bệnh.
-Con cái, mình cũng đừng nên “expect” phải thế này thế kia. Nó có phần số riêng của nó. Mới đây ở Cali, có bà mẹ cứ ép con trai đang học Dược phải bỏ, để học Y khoa cho kỳ được để bà ta nở mày nở mặt với bạn bè, nó nổi khùng bắn chết mẹ luôn. Nhiều cha mẹ không biết rằng thà có con “dở”, còn hơn “mất” con,con chết, hay không con. Cứ để con gái Hải học những bài học đau khổ rồi nó sẽ tự hiểu dần. Tới một giai đoạn nào đó, nó sẽ thay dổi, hay cuộc đời sẽ thay đổi nó.
Hải yên lặng ngẫm nghĩ, không trả lời. Tôi nói tiếp:
-Mà Hải ơi, trước khi than phiền con cái, hãy nghĩ đến những kẻ vô sinh, không con, già yếu, tối ngày thui thủi tuổi già. Có con là may mắn hơn họ rồi, biết đâu nó ở vậy độc thân mà sau này săn sóc cho mình 100%, hay nói cho cùng, miễn là nó còn sống bên cạnh minh ngày nào cho mình nuôi là quí rồi, còn công danh nghề ngỗng chả ra gì cũng không quan trọng. Trời sanh voi sanh cỏ. Khi mình nằm xuống, nó tự khắc phải lo lấy thân, hay anh chị nó lo. Bụng đói thì đầu gối phải bò. Tại mình cứ “expect” nó được giàu sang như người ta nên mình khổ tâm…
-Hải đâu có expect gì to lớn ở nó. Chỉ xin nó biết lo, làm cái job ít tiền cũng được, kiếm thằng chồng tầm thường cũng được, có một đứa con cho hậu sự tuổi già nó được đảm bảo, không bị cô đơn. Mà nó thì cứ phây phây, vui thì làm, giận thì quay mặt đi không thèm trả lời cha mẹ. Vợ Hải cũng chịu thua, không nói nữa, để mặc nó muốn làm gì nó làm. Cuộc đời mình sanh ra trong thời chiến, lính tráng, tù tội, làm lơ xe, chạy bàn, đã không ra gì, chỉ lo cho gia đình đủ ăn, tậu được nhà cửa, cũng đã khó khăn mất hết thì giờ, không làm gì ích lợi cho xã hội đất nước VN như mình mơ ước thời còn đi học. Tới đời con mình cũng vô tích sự, chẳng làm gì ích lợi cho đất nước cưu mang nó, nên Hà nghĩ nhiều lúc thấy cuộc đời vô nghĩa, bất hạnh quá, sinh phải đứa con bệnh hoạn, tánh tình nông nỗi, tai ngược, tương lai tối đen, làm đầu óc mình quay quắt phiền muộn cho tới ngày nhắm mắt.
-Cho nó coi DVDs,mấy phim về lòng hiếu thảo, tánh tự lập, lòng thương người,truyện Bill Gates hy sinh bỏ bạc tỷ ra cứu giúp dân Phi châu đói khổ….cho nó thành người có trách nhiệm, biết quan tâm đến người khác..Cho nó nghe CD giảng Phật pháp..
-Ôi thôi đi anh ơi.. ..Nó coi mấy phim đạo đức một chút nó nói buồn ngủ, nghe CD kinh Phật nó ngáp, nó chỉ thích coi mấy phim nhảy nhót, ca nhạc tưng bừng…Đứa không có bề sâu. Biết làm sao? Tánh tình một con nguời, không phải dễ gì thay đổi đâu anh. Cha mẹ sinh con, trời sinh tính. Cho nên Hải buồn lắm, cả một đời mình không làm gì được cho xã hội, đứa con sinh ra cũng vô tích sự, thấy chán.
-Nguyên nhân của Đau khổ là Ái dục, vì thương yêu con nên mới khổ. Coi nó như con người láng giềng đi, mặc nó, coi có bớt khổ không?
-Nói dễ, làm khó, anh à…
-. Hà biết chuyện Thần Tú và Huệ Năng bên Tàu ngày xưa không? Thần Tú là quản chúng dưới quyền tổ Hoằng Nhẫn, kiến thức sở học cao dầy. Huệ Năng là anh tiều phu quê mùa dốt nát, tới chùa xin học Đạo.Tổ nói ai làm được bài kệ kiến tánh thì ngài truyền y bát. Vậy mà Huệ năng được truyền, thành Tổ kế thừa. Bài kệ của Thần Tú như vầy:

“Thân như cội bồ đề
Tâm như đài gương sáng
Ngày ngày năng siêng quét
Chớ để dính bụi trần”

Tức là khuyên phải giữ giới, thân tâm trong sạch, tu hành sẽ thành Phật, đúng quá chứ gì? Nhưng Thần Tú còn chấp hình tướng. Bài kệ của Huệ Năng hoàn toàn bác bỏ hết cái thấy của Thần Tú:

“Bồ đề vốn KHÔNG cội
Gương sáng cũng KHÔNG đài
Xưa nay KHÔNG một vật
Lấy gì xóa trần ai?”

Hà mở to mắt, suýt xoa:
-Trời, hay quá…Huệ Năng hay quá vậy anh.
--Thì đó, mọi sự vốn là KHÔNG, TÂM mình cũng là Không,chỉ tại tâm dính mắc cảnh trần, chạy theo Vọng, nên mới lay động, sinh ra đau khổ, buồn phiền không an.
- Hải chưa tu được như vậy đâu anh. Hôm nay Hải kể hết chuyện nhà cho anh nghe rồi đó, anh là nhà văn, anh viết chuyện Hải đăng báo đi, cho thiên hạ giúp ý kiến khuyên Hải phải làm sao đây…Hải sẽ theo lời anh, tập giữ tâm không động…coi có bớt buồn phiền không. Thôi, để Hải chuẩn bị ra tiệm coi thay cho 2 mẹ con nó, hôm nào gọi lại anh sau nghe…Bye anh.
Tôi gác phone, buồn nhìn ra cửa sổ lá trúc rung rinh xanh rờn. Thì ra bao nhiêu năm nay Hải ngấm ngầm đau khổ chuyện con cái mà tôi không biết, không hình dung ra được. Phật nói đời là bể khổ, nước mắt chúng sanh nhiều đời nếu tích tụ lại, đầy như biển cả. Khổ nóng, khổ lạnh, khô đói, khát, bệnh tật, đau đớn thể xác, tinh thần, sanh ly tử biệt, người thương phải ở xa, người ghét lại sống chung, khổ vì mong cầu không được, vợ là nợ, con là oan gia….bao nhiêu là khổ. Nếu mình để cảnh bên ngoài tác động đến Tâm, tất sinh ra hỉ nộ ái ố, lục dục thất tình..…Muốn an lạc, phải biết thay đổi cách nhìn cuộc đời. Coi mọi sự quanh mình “Có cũng như Không”. “Không” đây không phải là không hiện hữu, mà là không có bản chất cố định vĩnh viễn, nó thay đổi liền liền, nên không thiệt có…Nếu biết được như vậy thì mắc gì TÂM mình phải lay động, đau đớn, buồn phiền. Nếu Hải thấy được như vậy thì khỏe như mình biết bao nhiêu.
Nhưng rồi tôi lại nghĩ lại. Tại mình con cái đều gia đình sự nghiệp ổn định, nên mới thảnh thơi sống theo triết lý nhà Phật, ung dung khuyên giải người khác như vậy. Nếu mình có con gái lớn tuổi mà còn “nhông nhông”, trắng tay, giận hờn, nông nổi như con Hải, chắc cũng bảy tám phần đau khổ, phiền muộn lo lắng như ngồi trên đống lửa, chắc gì đã hạnh phúc hơn Hải.
Phạm Hoàng Chương

Ý kiến bạn đọc
04/01/201214:54:24
Khách
Cám ơn anh Chương đã kể một câu chuyện đầy thú vị kèm cả triết lý đời thường. Cho dù đó là chuyện thật hay hay thêu dệt cũng không thiệt hại gì cho ai, chẳng nên bận tâm làm gì. mong anh viết tiếp.
04/01/201213:14:12
Khách
Tôi không biết tự khi nào tôi rất thích đọc chuyện viết về nước MỶ hình như nơi đây là nơi gởi gắm TÂM SỰ mỗi người một kiểu không TÂM SỰ nào giống TÂM SỰ nào đa số là quý vị HO ,viết là để giải toả cũng rất hay không nên phê phán gắt gao,vì khi truyện đả được đăng là đả qua người trong Ban Biên Tập .Văn không xúc tích cũng nên rộng lượng vì chúng ta cũng chỉ là nhưng Cây but tài tử.
Đôi lời phi lộ mong các bạn vui lòng không chấp .Vì đôi khi tui đây cũng muốn thử viết một cái gì đó trong cuộc đời của mình,một trong những điều đả xảy ra trong đời thường, một câu chuyện tình làm cho mình bâng khuâng mỗi khi nhớ đến,một vài điều trong cuộc sống hiện tại..Nhưng tui chưa dám vì tự thấy mình chưa làm được
Kết lại tui mong các bạn khi viết lời góp ý nên khuyến khích người viết nhiều hơn nửa
Đầu năm dương lịch kính chúc mọi nhà đều an vui hạnh phúc .
03/01/201206:10:20
Khách
THời buổi này ở Mỹ kinh tế xuống dốc thê thảm, gia đình nào cũng có cha, hay mẹ, hay con cái thất nghiệp , bán xe, nợ nần, mất nhà mất cửa...thậm chí homeless.... Mong anh HẢi nên bình tâm mà thông cảm cho đứa con bệnh hoạn cao số. ANh chị không phải là người cha mẹ duy nhất trên đời lo lắng buồn khổ vì con. Muốn hạnh phúc, phải nhìn xuống. Sau cơn mưa, trời lại sáng.
03/01/201200:19:16
Khách
Tiếp:
Nhiều con nít sanh ra có cha có mẹ đầy đủ. Cha mẹ có công ăn việc làm ổn định. Chúng nó mới chập chững đi đã vào mẫu giáo, cha đưa mẹ rứoc rồi. O bế uốn nắn nó từ nhỏ mà chưa chắc nó đã nên thân. Huống gì chú H này đã biết dất nứoc thời chiến cuộc sống bấp bênh. Thời cuộc đã sắp tàn mà còn để xịt ra con. Những năm tháng chú đi tù, để 3 con cho thím nuôi vừa làm cha vừa làm mẹ. Làm sao mà kham mà dạy cho nổi hỉ? Rồi khi chú về chú cũng lo cơm áo gạo tiền. Có để ý gì tới con cái đâu. Bây giờ măng đã thành tre rồi làm sao uốn nắn. Vả lại trong nguoi nó cũng có bịnh chemical imbalance. Nó trái tánh trái nết cũng phấn do bịnh nó hành. Tui thấy nên thông cảm cho nó hơn là mỉa mai "tại nó lớn lên ở bên này"...
Tui thấy đừong mình đi tự mình chọn, khổ mình tự làm mình khổ. Sanh đẻ nhiều thì problems nhiều, đẻ ít thì problems ít. 0 đẻ thì 0 problems...hihihi...
03/01/201200:02:37
Khách
Đầu năm đầu tháng mà đọc chuyện của bác Chương kể chuyện bác Hải thấy oải quá. Khúc đầu thì bác H khổ vì thời cuộc đẩy đưa. Khúc sau khổ vì chuyện gia đình, con cái...
Nếu đây là chuyện thật tâm sự giữa bạn bè mà đi viết rồi đăng thì 0 nên. Còn chuyện bịa thì miễn bàn.
Nói tới chuyện con cái, khi gia đình nào gặp đứa trở tánh, trở nết thì hay kiếm cái này cái kia để đổ thừa. Ở vn, có thằng ăn nhậu ra kêu má nó cho tiền đi uống rượu. Má nó đang bán cải trong nhà lòng chợ. Bả 0 cho nó hất đồ bả đổ hết. Bả than chắc tại con ma men nào quấy nó.
Hồi xưa, gd nào có con làm gái bán bar me mẽo thì đổ thừa tại chiến tranh. Sau 75, gái vn lấy Dailoan, Hanquoc thì đổi thừa tại chế độ cs. Ở bên này thì đổ thừa tại nó sống ở đây nên nó mới vậy, dạy 0 nghe...hihihi...
Bàn tay có ngón vắn ngón dài, "khôn dại tại tâm" tuỳ đứa. Nhưng con dại cũng lổi ở cha mẹ.
02/01/201212:14:00
Khách
Ông Hoàng Chương ơi,

Đọc bài này của ông văn vẻ sao mà nó lộn xộn lung tung, nó như là văn nói chứ không phải văn viết. Lần sau nói mà không cân trau dồi , trau chuốt câu văn thì làm ơn xuống hàng cho nhiều nhiếu dùm cho dễ đọc, dễ hiểu dùm chút nha.

Nói với Hải, đừng buồn nữa. Chuyện con cái xứ này đa số nhà ai cũng như vậy cả. Cô nào có phước thì sau 7: 8 năm trải giường chiếu cho chàng nằm mà gặp chàng còn ưng ý , còn nhân bản thì chàng chịu cho nàng làm đám rước CHÀNG về dinh. ( Tôi nói Chàng, vì hoặc cả hai cùng để dành $ làm đám cưới, Hoặc nhà gái phải trả, và nhà trai phụ $ rượu, theo như lấy Mỹ)

Còn mà cha mẹ , anh chị nói ra nói vào hối thúc thì nàng cũng sẽ cau có cằn nhằn đốc thúc chàng nửa thì chỉ có đường : đường ai nấy đi vì chàng thì đã sẵn nong , sẵn né: và nàng thì thấy sốt ruột bởi áp lực và không còn nhẫn nại để đợi chờ . Thế là anh đi đường anh , em đi đường em đấy ạ.

Các con tôi dạy tôi rằng: Ở xứ này mình ráng hy sinh nuôi con cho đến 18 tuổi là hết bổn phận bố mẹ ơi.

Tôi vốn nấu thức ăn dở, chúng con tôi chẳng bao giờ về nhà đoàn tựu , nay tôi lại trường chay , thế là chúng đi luôn. Ôi , tôi khoẻ khoắn làm sao !!!!!( Thỉnh thoảng cũng có tí ti chạnh lòng, chỉ tí ti thôi nhé. Đã có nhiều bạn bè gọi tôi là mẹ mìn!!) . Thôi chịu mang tiếng là Mẹ Mìn còn hơn bị Trầm Cảm, đau khổ , rồi kể lể con cái vô ơn .....còn mang thêm khẩu nghiệp.

J. MNT
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,312,589
Tác giả đã góp nhiều bài viết đặc biệt và đã được trao tặng giải thưởng Việt Về Nước Mỹ. Ông sinh năm 1951, du học Nhật trước 1975. Đến Mỹ năm 1981. Hiện là cư dân Irvine, Nam California. Công việc: Kỹ Sư Điện tại một hãng trong cùng thành phố. Đây là bài viết mới nhất
Bà cho biết tên thật Jeanne Bùi, sinh năm 1945. Từ trước 1975, dạy học ở Saigon. Sang Pháp từ 1982, đi học lại rồi làm việc cho Mairie de Paris (Tòa Thị Chính), hiện đã nghỉ hưu.
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie Kim đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016.
Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Năm 2019, Tác giả nhận thêm giải Chung Kết Vinh Danh Tác Giả Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ hay còn gọi là giải Hoa Hậu. Tốt nghiệp Y Khoa Huế, thời chiến tranh Bác sĩ Vĩnh Chánh đã là Y Sĩ Trưởng binh chủng Nhảy Dù.
Tác giả là cư dân Huntington Beach. Những Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của cô là “Chuyện Vui Sầu” ký bút hiệu Khánh Doãn đã được phổ biến từ tháng Tư 2011.
Nguyễn Cao Thăng là tên thật của tác giả, 52 tuổi, dân gốc Kinh 5 Rạch Giá, một cựu thuyền nhân, hiện là kỹ sư cơ khí của hãng máy bay Beechcraft tại Wichita, Kansas.
Tác giả hiện sống ở thành phố Victorville California, đã từng tham gia VVNM năm 2018
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ 2004. Võ Phú sinh năm 1978 tại Nha Trang-Việt Nam; định cư tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University.