Hôm nay,  

Mẹ Tôi

18/09/201100:00:00(Xem: 118908)

Mẹ Tôi

Tác giả: Trần thị Nhung
Bài số 3358-12-28568vb891811

me_ba_nhung_page_01-large-contentTác giả sinh năm 1938 tại Bắc Việt. Di cư vào Saigon năm 1954, sau đó ra Vũng Tầu kinh doanh. Đến Mỹ năm 1989 theo diện con bảo lãnh. Lần lượt mở tiệm giặt ở Huntington Beach và thành phố Cerritos. Sau mười năm làm việc ở Mỹ thì về hưu để đi học Anh Văn, được bầu chọn và nhận bằng khen thưởng là một trong hai học sinh xuất sắc của cả City. Bài viết vềmột bà Mẹ Việt Nam từng theo con cháu sang Anh, Pháp, Mỹ, Canada... Hình bên: Chân dung cụ bà Vũ Dương Khiêm, Nhũ danh Nguyễn Thị Nguyên, Pháp danh Diệu Mãn

***

Ông bà tôi có một mình mẹ tôi, nên ông bà rất cưng chiều.
Mẹ tôi có nhan sắc mặn mà, duyên dáng và có hai tai như tai Phật. Nhiều người theo đuổi mẹ tôi, nhưng bố tôi rất may mắn cưới được mẹ tôi. Khi ông bà nội tôi đến hỏi mẹ tôi cho bố tôi thì ông bà ngoại bằng lòng ngay, chả là, hai gia đình đã quen biết nhau từ lâu, vả lại, bố mẹ tôi đẹp đôi lắm.
Bố tôi là công chức, công tử Hà Đông, hào hoa phong nhã, dáng dấp thư sinh, ngoài giờ làm việc, thú vui của ông là đọc sách báo, làm thơ, chè tầu thuốc lá.
Mẹ tôi thì đảm đang, dù nhiều phen "nổi trôi theo vận nước", mẹ tôi vẫn một tay làm nên cơ nghiệp.
Ở ngoài Bắc thì chạy loạn mấy lần. Khi trở về Hà Nội, mẹ tôi tạo dựng lại cơ nghiệp. Rồi đến năm 1954, bỏ hết nhà cửa di cư vào Nam và lại làm lại từ đầu. Rồi đến năm 1983 lại một lần nữa bỏ nước ra đi để đoàn tụ với các con các cháu ở Anh quốc.
Mẹ tôi có đôi lòng bàn tay có những vân đỏ ửng hồng, người ta bảo là bàn tay như vậy có lộc, không biết có đúng không. Theo tôi nghĩ thì cũng vì bà có uy tín với khách hàng và với đức tính nhã nhặn, dịu dàng, làm ăn chân thật, chiều khách, vì vậy mà họ thích bà, nên bà thành công.
Còn đối với họ hàng, hai bên nội ngoại, hầu hết mọi người đều quý mến mẹ tôi. Các anh họ tôi hiện ở Canada đã viết hồi ký để ca tụng mẹ tôi. Tôi nhớ có đoạn anh tôi viết là: "Xin Thím nhận nơi đây lòng biết ơn vô bờ bến của chúng cháu."
Vì vậy mà bố tôi rất hãnh diện về mẹ tôi.
Bố mẹ tôi có năm người con, hai trai, ba gái. Tôi là con gái thứ nhì, nay ngoài bảy mươi.
Tôi rất thương mẹ tôi. Phần mẹ tôi rất thương yêu các con, mỗi người con mẹ tôi thương và lo cho một cách khác nhau, vì từng hoàn cảnh của mỗi người con.
Vì vậy mà nếu có ai hỏi là người đàn bà nào mà làm cho tôi ái mộ nhất, thì tôi không ngần ngại mà trả lời ngay rằng: "Người đàn bà tuyệt vời nhất trên đời này chính là mẹ yêu quý của tôi."
Nhớ hồi tôi đã có năm đứa con. Tôi có cơ sở làm ăn, vì quá bận rộn với công việc, mẹ tôi thấy tộâi cho tôi quá, nên đến trông nom phụ tôi. Có bà, tôi có thể đi lo công việc ở ngoài và được thong thả hơn.
Những người làm và cả khách hàng của tôi đều quý mến bà, vì bà rất nhân hậu. Ai nghèo bà giúp. Có người không có tiền mua thuốc cho con, bà bảo cứ vào nhà thương (nhà thương công) bác sĩ viết toa, cứ đem toa tới bà cho người nhà đi mua thuốc cho. Sau này, mấy đứa nhỏ khỏi bệnh, khỏe mạnh, họ nói: "Nhìn thấy cháu là nhớ đến bà." Mọi người gọi bà cái tên thân thương là "Ngoại". Một điều ngoại, hai điều ngoại.
Tôi nhớ mỗi buổi trưa, có hàng quà đi ngang qua là bà mua cho người làm mỗi người một phần, về sau mấy người bán hàng đó cứ ghé vô là họ bán được một mớ.
Cuộc đời đâu có được êm đềm mãi được.
Thế là đùng một cái miền Nam sụp đổ. Cơ sở của tôi không hoạt động được nữa. Gia đình tản mát mỗi người một nơi.
Em tôi bảo lãnh cho hai cụ sang Anh quốc. Ở được một thời gian, hai cụ đi Pháp, Canada và sang Mỹ mấy lần tham quan và ở chơi với con cháu chắt. Dự định của chúng tôi là sẽ đưa cụ đi những nơi nào mà cụ thích, nhưng rủi thay cụ ông đã mất, khi hai cụ sang Mỹ dự đám cưới của con gái tôi.
Sau khi cụ ông mất thì cụ bà về Việt Nam ở luôn với anh chị tôi.
Lý do cụ về Việt Nam là vì anh chị tôi rảnh rang, khá giả. Cụ ở với ông bà thì sung sướng, thứ nhất là khí hậu hợp với cụ. Ngày nào anh chị tôi cũng đi chợ nấu đồ ăn mới, mùa nào thức nấy ông bà mua cho cụ thưởng thức. Rồi cụ đi đây đi đó, ra Bắc thăm mồ mả tổ tiên và bà con họ hàng.
Tôi rất mừng và nghĩ cụ thật là có phước, chắc kiếp trước cụ tu nên kiếp này cụ mới được sung sướng như vậy và nhất là cụ tôi có hai người con rể rất mực hiếu đễ (chú em rể tôi mất sớm). Ông nhà tôi đã cân những thang thuốc bổ, cùng sâm nhung yến để cụ uống. Sau này các con tôi biết cụ thích sâm nên hay biếu cụ sâm. Chắc nhờ cụ uống sâm nhiều nên cụ khỏe. Chị tôi bảo là: "Cụ chẳng kêu đau nhức gì cả, mà cụ ăn củ khoai cũng thấy ngon."
Cụ tôi ăn thấy ngon miệng, ngủ được yên giấc, nên chúng tôi rất mừng.
Tuần nào chúng tôi cũng gọi về thăm cụ, để được nghe tiếng nói của cụ. Lần nào nói chuyện cụ cũng hỏi "Các cháu khỏe cả chứ"" Có khi cụ đau, khi tôi hỏi thì cụ giấu, nói là khỏe, chị tôi nói: "Sao bà đau mà bà lại nói là bà khỏe"" thì cụ bảo là "Sợ chúng nó lo." Mẹ tôi vậy đó, mà thật, nếu biết cụ đau chúng tôi rất lo, ngủ không được vì thương cụ.
Mỗi năm, có khi một năm hai lần chúng tôi đều về thăm cụ. Khi về, nhà tôi thì bóp chân bóp tay cho cụ, tuy cụ không bị nhức mỏi gì và trò chuyện, kể những chuyện ngày xưa cho cụ nghe. Cụ tôi thích lắm.


Phần tôi thì nói chị người làm để tôi tắm cho cụ những ngày ngắn ngủi ở bên cụ, cắt móng chân móng tay cho cụ. Được hầu hạ cụ, tôi cảm thấy thật là hạnh phúc. Thế rồi đến ngày phải lưu luyến chia tay và hẹn ngày về lại.
Tháng 6 năm 2010 tôi về thăm cụ, thì anh chị tôi cũng đưa cụ về nhà thương ở Saigon để khám bệnh.
Khi đưa cụ ra xe, cụ không chịu đi, cụ bảo là "Tôi đâu có làm sao mà đi nhà thương"" Chị tôi phải nói là về Saigon đi đón cô Nhung ở Mỹ về, nghe vậy cụ tôi mới chịu đi. Chả là cụ tôi có triệu chứng lẫn, thỉnh thoảng nói lảm nhảm. Đến nhà thương bác sĩ bảo là để cụ lại để theo dõi.
Khi tôi về thì đến thẳng nhà thương Pháp Việt. Bệnh viện này tối tân và theo tiêu chuẩn quốc tế, nên anh chị tôi chọn nhà thương này để lo cho cụ tôi mỗi khi cụ cần khám bệnh.
Thế là tôi ở với cụ được 28 ngày. Trong những ngày này tôi có dịp chuyện trò với cụ. Các bác sĩ và y tá nói là bà già trông cụ già. Cụ thường niệm Nam Mô A Di Đà Phật, Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát, Nam Mô Đại Thế Chí Bồ Tát, Nam Mô Địa Tạng Vương Bồ Tát, Nam Mô Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ Tát, Nam Mô Cứu Khổ Cứu Nạn Quảng Đại Linh Cảm Quan Thế Âm Bồ Tát.
Khi cụ ngủ tôi nắm bàn tay ấm áp và ngắm cụ mà nước mắt dòng dòng, cầu xin Bề Trên che chở cho cụ. Tôi lo có ngày phải xa cụ và xa mãi mãi.
Thế rồi tôi trở về Mỹ, thì cũng ngày này cụ cũng trở về Vũng Tàu.
Thế nhưng chỉ vài ngày sau đó cụ bị xoắn ruột. Khi lên cơn đau, em gái tôi để điện thoại vào gần tai cụ, cụ kêu to Nhung ơi! Nhung ơi! Ở đầu dây bên này tôi đau đớn gào lên Bà ơi! Bà ơi, con Nhung đây Bà ơi! Phải chi tôi đau thế cho cụ được thì hay biết mấy, nhưng đành chịu, biết sao!
Sau đó bác sĩ chích thuốc giảm đau cho cụ, thế là cụ lịm đi và ra đi trong giấc ngủ, giấc ngủ ngàn thu. Vậy là điều mà tôi lo sợ nhất đã tới.
Anh chị tôi cho hay là cụ đã bỏ các con, cháu, chắt mà ra đi vào cõi Vĩnh Hằng.
Chúng tôi vội vã về ngay với cụ và may mắn là kịp để nhìn thấy cụ lần cuối cùng, tuy cụ đã nằm trong quan tài.
Đám tang của cụ tôi diễn ra thật tốt đẹp, mấy hôm đó trời nắng ráo nên mọi người yêu mẹ tôi có thể đến thăm viếng và lo mọi nghi lễ cho cụ.
Mọi người nói cụ có đủ Phước, Lộc, Thọ. Trời ưu đãi cụ lắm rồi. Nghe những lời an ủi đó tôi cũng thấy ấm lòng. Bây giờ thì chẳng bao giờ được phụng dưỡng cụ nữa.
Tuy mẹ tôi không còn ở trên cõi đời này nữa, nhưng cụ mãi mãi ở trong tim tôi.
Chúng tôi đã đưa hình cụ tôi lên chùa. Bây giờ thì tứ thân phụ mẫu đã ở trên bàn thờ cả rồi và tôi cũng đã phóng to hình cụ và bọc plastic rồi gắn lên tường. Tối tối khi công việc xong xuôi là tôi nói chuyện với cụ và hôn lên má và miệng cụ. Mỗi lần tôi nói chuyện với cụ là ông nhà tôi đều nói đùa là: "Bà ơi, Nhung nó sạo đó, Nhung nó nịnh bà đó, bà đừng có tin." Ông nhà tôi thương cụ lắm và cụ tôi cũng thương hai ông con rể như con ruột vậy.
Mẹ tôi đã truyền dạy cho chúng tôi là để thể hiện đức hy sinh, lòng vị tha, nhân ái, phải biết nhường nhịn, vui vẻ nhận phần thiệt thòi, và nhất là phải có một tấm lòng.
Cầu xin cho mẹ tôi được về nước Phật.
Mẹ tôi là cụ bà Vũ Dương Khiêm
Nhũ danh Nguyễn Thị Nguyên
Pháp danh Diệu Mãn
Mãn phần ngày 28-7-2010
Nhằm ngày 17-6 năm Nhâm Dần
Hưởng thọ 94 tuổi
Tôi viết những dòng chữ này là để tưởng nhớ đến người mẹ yêu quý của tôi và để cám ơn đến người anh rể, hiện đang ở Việt Nam và người chồng của tôi. Vì cả hai người này đã làm bố mẹ tôi thật vui lòng và hai cụ rất mừng cho chị em tôi đã may mắn có được người chồng chung thủy và hết lòng với gia đình.
Tôi nhớ bà chị họ tôi nói là: "Tôi chưa từng thấy người con rể nào như chú Hiệp (chú Hiệp là chồng tôi), thương vợ mà thương cả bố mẹ vợ, rồi lại thương cả gia đình vợ nữa, thật là quý hiếm.
Trở lại người anh rể của tôi. Năm nay ông gần 80 tuổi. Khi mà cụ tôi còn sinh tiền, ông lo cho mẹ tôi từng ly từng tí. Sáng sớm ông thức dậy đi bộ ra biển, khi về ông mua quà sáng cho cụ, đem về ông đổ vào tô để lên bàn, bắc ghế cho cụ ngồi ăn, cùng thuốc men và nước trà cho cụ. Trong khi cụ ăn thì ông lo cơi trầu, ông rửa từng lá trầu, rồi lau từng lá, bổ cau, cắt vỏ, châm thêm vôi và thuốc lào. Lo xong phần ăn sáng và trầu cau thì hai ông bà mới ăn sáng và đi chợ. Buổi trưa lại lo cơm nước. Khi ăn cơm, cá, ông bóp để gỡ xương ra và sườn non cũng vậy. Cụ ăn xong là ông vội vàng bỏ đũa bát xuống để lo đi lấy trái cây, hôm thì cắt xoài, lột vỏ nhãn, chôm chôm, vải thiều, mãng cầu (na), vú sữa hột gà thật ngọt, sầu riêng, vân vân cho cụ ăn.
Tôi chứng kiến tận mắt như vậy. Sau này tôi nói với ông là để tôi lo cho cụ như ông đã lo cho cụ những ngày mà tôi ở Việt Nam.
Tôi không biết nói những lời gì và làm gì cho đủ để đền đáp công ơn của ông đối với cụ tôi. Những khi tôi nói lời cám ơn ông, thì ông nói là "Cô chú đừng lo. Mẹ là mẹ chung mà."
Nói về ông anh rể và chồng tôi thì nói hoài không hết chuyện. Tôi chỉ xin tóm tắt là tôi biết ơn ông anh rể tôi và chồng tôi vô cùng. Ông tên là Huyện, chồng tôi là Hiệp. Hai ông thân nhau lắm. Tôi nghĩ tôi cũng rất là có phước như mẹ tôi vậy. Vì tôi cũng có hai người con rể rất quý và hiếu đễ.
Vu Lan 2011
Nguyễn Thị Nhung

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,003,167
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX. Sau nhiều năm làm công việc khai thuế tại vùng Hollywood, cô và gia đình hiện đã rời Los Angeles để trở thành cư dân quận Cam.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương. Nay hai bút hiệu hợp nhất, thành một tác giả thân quen của sinh hoạt Việt Báo. Tác giả hiện cư trú và làm việc tại miền Bắc California. Bài mới của cô dành cho ngày Lễ Halloween
Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2014. Cô sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018. Ông tên thật là Chu Văn Huy, cựu tù, vượt biển, hiện là cư dân San Jose, đã nghỉ hưu sau 37 năm làm việc cho các hãng điện tử tại Silicon Valley - Thung lũng Hoa Vàng, California. Đây là bài mới nhất của Ông.
Nhạc sĩ Cung Tiến