Hôm nay,  

Nên Người

10/05/201000:00:00(Xem: 188625)

Nên Người

Tác giả: Anthony Hung Cao
Bài số 2885-28185-vb2051011

Tác giả 39 tuổi, cư dân Nam California, công việc: bác sĩ nha khoa, đang hành nghề tại Costa Mesa. Là tác giả đã nhân giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2008, Anthony Hung Cao cũng là người làm thơ và soạn nhiều ca khúc. Sau đây là bài viết mới của ông nhân dịp Ngày Lễ Mẹ.

***
Trời nắng chang chang.  Mặt nước lấp xấp còn sót lại trên mảnh ruộng nhỏ xíu tưởng chừng cũng sắp sửa bốc hơi.  Từ đằng xa, Phúc đã thấy dáng gầy gò của mẹ đang lom khom trên thửa ruộng, lay hoay bên đám rau muống.  Phúc có cảm tưởng như mẹ nó đang giơ đôi lưng gầy gò ra che cho đám rau muống nếu không chúng sẽ chết mất trong cái nắng thiêu đốt. 
Ngày nào cũng vậy, sau buổi học, nó thường mang cơm ra ngoài đồng cho mẹ.  Mảnh ruộng chỉ lớn hơn cái mảnh sân phía trước nhà có một chút, vậy mà ngày nào mẹ nó cũng phải dậy từ lúc sáng sớm để ra đây làm quần quật đến chiều tối mới về.  Nhiều lúc thấy mẹ cực khổ quá với công ruộng nhỏ xíu, nó đã buột miệng hỏi:
-Sao mẹ không trồng lúa như người ta, đỡ phải chăm sóc hàng ngày cực cho mẹ quá"
Mẹ Phúc xoa nhẹ mái tóc cháy nắng của nó, rồi mỉm cười hiền lành đáp:
-Mẹ cũng muốn trồng lúa chứ, nhưng đến mấy tháng trời mới gặt hái được. Trồng rau muống tuy có cực, nhưng có đồng ra đồng vào.  Con coi, người trong xóm mình ai cũng có nghề phụ để làm kiếm thêm tiền. Còn mẹ, mẹ đâu biết làm gì ngoài đám rau muống này.
Phúc cũng biết như vậy, nhưng nó chỉ vì thương mẹ mà hỏi như thế.  Từ tiền sách vở đến đủ thứ linh tinh hàng ngày đều từ gánh rau muống mà mẹ nó trồng được mang ra chợ bán.  Đám trẻ cùng lứa trong xóm có bố người thì làm thợ hồ, thợ mộc, hay đào giếng, v.v...nên bọn chúng còn được bố mẹ cho tiền ăn quà vặt mỗi khi họ có việc làm kha khá.  Đối với Phúc, bánh kẹo là thứ xa xí phẩm mà nó không bao giờ dám ước mơ tới.  Những lúc theo mẹ ra chợ để bán rau, trên đường về nhà, nó chỉ biết nuốt vội nước bọt mỗi khi đi qua những hàng bán bánh kẹo chứ không bao giờ dám đòi mẹ mua cho.  Nó nghĩ tới những buổi trưa nắng như thiêu đốt mà mẹ vẫn phải cúi khom tấm lưng gầy gò chăm chiu từng cọng rau nên ráng nhịn cơn thèm. 
Thiếu thốn vật chất triền miên, Phúc còn cố gắng chịu được. Nỗi đau khổ lớn nhất của nó là mỗi khi có ai đó soi mói hay trêu chọc về người cha vắng mặt trong cuộc đời của nó.  Thật ra, Phúc có gặp bố vài lần, mà không lần nào nó muốn nhớ lại.  Lần cuối cùng ông ta đến thăm mẹ con nó cách đây cũng vài năm.  Nó nhớ ông ta và mẹ đã to tiếng với nhau một hồi lâu.  Nấp trong góc buồng, Phúc nghe rõ những lời của mẹ nó nói trong tiếng khóc nấc nghẹn:
"Ông có bao giờ để ý lo gì đến mẹ con tôi đâu. Từ lúc tôi sanh thằng Phúc đến nay, ông nhớ xem ông đã thăm nó được bao nhiêu lần rồi"  Tốt hơn ông hãy về với bà ấy và lũ con của ông đi.  Đừng bao giờ đến đây nữa..."
Từ sau lần "gặp" đó đến nay, Phúc không còn nhìn thấy bố nữa. Nó thường cúi đầu buồn bã, ganh tị mỗi khi thấy lũ bạn có bố bên cạnh yêu thương, săn sóc.  Còn nó, thỉnh thoảng vài lần nằm mơ, nó thấy được bố ẵm vào lòng.  Khi tỉnh giấc, nó vẫn còn tiếc nuối như muốn kêu lên mấy tiếng "Bố ơi! Bố đừng đi..." nhưng nó lại sợ mẹ nghe thấy. 
Phúc biết mẹ hận bo.  Nghe mẹ kể lại khi mới lấy nhau, ông cũng hiền lành, chất phác như phần lớn những thanh niên ở thôn quê thuở đó. Rồi ông theo đám bạn đi làm thuê cho một thương gia giàu có từ Sài gòn về mở cơ sở làm ăn ở vùng này.  Không biết làm thế nào mà cô gái con ông chủ lại phải lòng ông.  Thế rồi ông sa ngã và bỏ bê hẳn mẹ con Phúc để lập gia đình với người đàn bà đó. Một thời gian sau, khi công việc làm ăn thua lỗ, ông theo gia đình người vợ mới trở về lại Sài gòn. Có đôi lúc ân hận, ông trốn người vợ mới, đón xe đò về làng cũ để thăm người vợ xưa, nay đã trở thành người thiếu phụ lam lũ và đứa con lớn lên thiếu cha.  Tuy nhiên, ông chỉ nhận những lời trách mắng, oán hờn từ mẹ của Phúc và một khoảng trống khó bù đắp với đứa con đang bước vào tuổi thành niên.  Mẹ của Phúc không muốn cho Phúc lại gần hay nói chuyện gì với bố của nó.
Trong thâm tâm, Phúc vẫn muốn có một lần được hỏi bố tại sao ông nỡ bỏ rơi nó như vậy, như thể nó chưa từng có mặt trên cuộc đời này.  Nó và cả mẹ nữa, đâu có lỗi gì để bị ông đối xử như vậy. Chính ông là người đã chọn cho nó cái tên "Phúc", với ước mong nó sẽ được nhiều hạnh phúc trong cuộc đời.  Vậy mà từ lúc sanh ra đến giờ, Phúc chưa từng được hưởng phút giây hạnh phúc có cả mẹ lẫn cha bên cạnh.
Có bao nhiêu điều trong cuộc đời mà nó tò mò muốn hỏi, muốn biết nhưng không biết tâm sự cùng ai. Mẹ thì lúc nào cũng bận rộn chân lấm tay bùn ngoài đồng, về đến nhà thì trăm công ngàn việc đổ xuống đôi vai gầy của mẹ với đôi bàn tay đã hằn lên những đường gân xanh. 
Trưa nay, lúc mang cơm ra, Phúc để ý thấy mẹ húng hắng ho lúc cúi xuống rửa vội tay dưới mương nước trước khi ăn.  Phúc lo lắng nhìn mẹ rồi hỏi:
"Bữa nay mẹ có về sớm được không"  Hay mẹ nghỉ một hôm để ngày mai con nghỉ học một bữa phụ mẹ cắt rau mang ra chợ bán"" 
Mẹ vội lắc đầu, nói nhanh:
“Mẹ không sao đâu con.  Nhưng mẹ cấm con không bao giờ được nghỉ một buổi học nào nghe hông!  Ráng mà học để nên người."
Mẹ của Phúc lúc nào cũng vậy. Mỗi khi nói đến chuyện học hành của nó, bà rất nghiêm khắc. Bà thường nhắc đến câu "học để nên người" thay vì "học để thành tài" như nhiều cha mẹ vẫn thường khuyên bảo và mong muốn con mình được đổ đạt thành tài. Có lẽ sâu lắng trong tâm khảm của mẹ, Phúc hiểu rằng bà vẫn luôn oán hận người chồng đã không sống xứng đáng "nên người" như một tấm gương tốt cho con noi theo. Có lẽ bà mong thấy Phúc trở thành một con người tốt, sống có tình nghĩa còn hơn làm người giàu sang mà sống phụ bạc. 
Tuy hoàn cảnh khổ cực, nhưng mẹ cũng được an ủi phần nào với thành tích học tập của Phúc. Phúc lúc nào cũng được xếp hạng đầu trong lớp.  Nó còn nhớ hôm khoe mẹ nó được đậu thủ khoa cấp hai và được tuyển thẳng vào lớp 10 của trường Trung học trên tỉnh, mẹ nó mừng quá nên hứa sẽ làm thịt con gà mái tơ để thưởng cho nó một bữa ăn thật thịnh soạn.  Mẹ của Phúc biết nó vẫn thèm được ăn một miếng thịt gà từ lâu lắm rồi.  Hôm đó trong lúc Phúc đang ở nhà trên chuẩn bị sách vở cho buổi tựu trường, nó cứ hít hà nuốt nước bọt khi mùi thịt gà thơm phức từ sau bếp bốc lên, xen lẫn với tiếng dao thớt nghe thật rộn rã như nhà sắp sửa ăn tiệc lớn.  Một lúc sau, Phúc nghe có tiếng mẹ từ dưới bếp gọi vọng lên:
"Phúc ơi, xuống đây ăn đi con." 
Phúc bỏ lẹ mấy quyển sách cũ đang soạn lại trên kệ, chạy như bay xuống.  "Mâm cỗ" mà khi nãy nó đã dùng hết trí tưởng tượng để nghĩ ra sẽ là một dĩa thịt gà xé phay, một chén muối tiêu, một dĩa bắp cải trộn dấm đặt bên cạnh tô cháo huyết còn đang bốc khói. Nhưng Phúc hơi thất vọng khi không thấy dĩa thịt gà trắng phau đâu, mà chỉ thấy một tô bắp chuối non trộn với vài miếng thịt gà đặt bên cạnh tô cháo.  Nó chỉ dám rụt rè hỏi nhỏ:
"Thịt  gà đâu hết rồi hả mẹ""
Mẹ nó đang múc cháo ra cái chén nhỏ, nhẹ nhàng đáp lại:
"Mẹ trộn với bắp chuối đó con.  Còn nửa con gà, mẹ để dành kho mặn lên để con ăn với cơm sau."
Phúc đã ăn bữa tiệc lên Trung học của mình như vậy.  Nó cố ăn thật ngon lành cho mẹ vui, dù khi đó nó thầm hỏi không biết giờ này đâu đó trên Sài gòn, bố nó đang vui thú với đám bạn trong bữa nhậu thức ăn ê hề có nhớ gì đến nó và mẹ đang ngồi bên tô cháo và dĩa bắp chuối nhiều hơn thịt gà này không"
Ông Trời cũng không đến nỗi quay mặt đi với mẹ con nó. Phúc có người dì ruột sống ở trên tỉnh. Năm thì mười họa nó mới có dịp gặp mặt dì vào những dịp Tết hay đám giỗ.  Bẵng đi một thời gian, mẹ của Phúc mất liên lạc với dì vì nghe đâu dì đã đi vượt biên và mất tích.  Một ngày đẹp trời nọ, bỗng dưng mẹ con của Phúc nhận được giấy tờ của dì từ Mỹ gửi về bảo lãnh mẹ con nó sang Mỹ. 
Mấy năm sau, mẹ và Phúc từ giã mảnh ruộng nhỏ với những luống rau muống xanh, và mái nhà xiêu vẹo để lần đầu tiên trong đời được bước lên phi cơ đi định cư theo diện đoàn tụ ở Mỹ.   
Không còn phải chân lấm tay bùn như hồi còn ở quê nhà, nhưng mẹ con Phúc cũng phải trải qua những năm tháng đầu thật vất vả khi đến Mỹ.  Mẹ vẫn phải thức khuya dậy sớm đi xe bus đến shop may để cắt chỉ đống quần áo đã được may xong.  Ngày xưa khi còn ở Việt nam, mẹ đâu có được theo học lớp may vá thêu thùa như người khác, nên hai bàn tay chai cằn của mẹ chỉ quen với những công việc đồng áng. Khi sang đây, mẹ không dám ngồi sử dụng máy may vì nếu may được thì sẽ có nhiều tiền hơn.  Mẹ của Phúc than máy may chạy quá nhanh, mẹ sợ không điều khiển kịp. Vì thế, mẹ phải cặm cụi cắt từng sợi chỉ và chỉ lãnh được vài chục xu từ mỗi bộ đồ.  Tuy nhiên, mẹ của Phúc lúc nào cũng nói với Phúc bằng một giọng nói lạc quan mỗi khi anh lo lắng đến chuyện mẹ phải làm việc quá vất vả để phụ lo trả tiền căn apartment nhỏ mà mẹ con Phúc dọn vào sau mấy tháng ở chung với người dì:
"Không có gì đâu, con đừng lo cho mẹ.  Dù sao đi làm lụng ở Mỹ cũng vẫn sướng hơn nhiều so với ngày xưa mẹ con mình phải đi cắt từng bó rau muống đem ra chợ bán, con nhớ không"  Mẹ sống như vậy là mãn nguyện lắm rồi.  Mẹ chỉ mong sao con ráng học hành để nên người." 
Mẹ của Phúc vẫn như xưa, vẫn câu nói "học để nên người" mà Phúc đã từng  nghe trong những buổi tối khi hai mẹ con ngồi bên mâm cơm dưới ánh đèn dầu lù mù những ngày còn ở quê nhà.  Phúc tự hứa với lòng mình phải cố gắng ăn học để mau ra trường tìm một việc làm gì đó để mẹ không phải khổ cực như bây giờ.
Phúc còn nhớ cái Tết đầu tiên trên xứ Mỹ vào cuối những năm 80. 
Tết năm đó, ông bà chủ tổ chức tiệc tất niên cho nhân viên trong shop may đồ vào buổi chiều 30 Tết.  Vì nhằm ngày thứ Bảy không có lớp nên Phúc đưa mẹ đến dự buổi tiệc.  Khi Phúc lái chiếc xe cà tàng đến, anh thấy bên trong shop may lố nhố một số người đã đến từ trước.  Ông bà chủ shop may tuy qua Mỹ trước mẹ con Phúc khoảng vài năm, nhưng nhờ có số vốn từ Việt nam nên họ đã mau chóng lập nên cơ nghiệp ở đây. Ngày thường, gương mặt của ông bà ta lúc nào cũng khó đăm đăm với nhân viên, chi li từng đồng xu cắc bạc với những người thợ may đồ và cắt chỉ. Hôm nay có lẽ vì ngày Tết, nên bà chủ thì cười tươi rói, đi tới đi lui trong chiếc áo dài màu đỏ thẳm và chồng bà thì xúng xính trong bộ đồ vest lớn.  Mấy nhân viên thì vẫn tỏ ra cung kính trước mặt ông bà chủ dù họ đang sống trên đất Mỹ.
Một chiếc xe hơi Mercedes đen bóng chợt trờ tới đậu ngay trước cửa của shop may.  Ông bà chủ có vẻ như nhận ra  vị khách mới đến nầy, nên vội vàng chạy ra đón. Khi hai vợ chồng vị khách sang trọng từ trên xe bước xuống, Phúc thấy mặt mẹ chợt tái đi.  Phúc ngạc nhiên quay đầu nhìn lại và suýt chút nữa chính anh cũng phải buột miệng kêu lên một tiếng "Ủa!"
Người đàn ông lái chiếc xe quý phái kia không ai khác hơn, chính là bố của anh.  Trông ông thật sang trọng đi bên cạnh người đàn bà mà chính vì bà ta mà mẹ con anh phải trải qua biết bao nhiêu gian khổ trong bao nhiêu năm trời qua. Trong phút chốc, tất cả quá khứ xa xưa chợt hiện về làm lòng Phúc chợt dâng lên niềm oán hận khi anh nhìn thấy hình ảnh người đàn ông đi bên cạnh người đàn bà sang trọng đang bước vào. Người  đàn ông có vẻ cũng vừa nhận ra mẹ con của Phúc đứng lẫn trong số nhân viên nên Phúc nhận thấy một thoáng bối rối trên khuôn mặt của ông.  Tiếng bà chủ tiệm may chợt vang lên lanh lảnh như cố ý cho mọi người cùng nghe về người khách sang trọng của ông bà:


"Thật quý hóa có anh chị đến chơi với tụi em và các anh chị làm việc ở shop may này.  Năm mới hy vọng  sẽ được nhận hàng đều đều từ công ty của anh chị nhen..."
Bà ta còn nói thêm nhiều câu nịnh bợ nữa nhưng tai Phúc chợt ù lại nên anh không còn nghe thêm gì nữa. 
Vậy là cái Tết đầu tiên trên xứ người vốn đã buồn mà mẹ con anh còn gặp phải cảnh trớ trêu như vậy.  Suốt buổi tiệc hôm đó, ông ta không thèm đến nói chuyện với mẹ con anh dù chỉ một lời thăm hỏi xã giao, dường như thể mẹ con của Phúc chỉ là những người xa lạ mà ông chưa từng một lần nào gặp mặt trong đời. 
"Thà như vậy còn hơn để mẹ phải khó xử vì không biết mẹ phải nói gì trước mặt con người phụ bạc kia."  Sau nầy có đôi lúc nhớ lại buổi tiệc ngày hôm đó, Phúc thầm nghĩ như vậy.
Vậy mà thấm thoát cũng đã gần mười năm trôi qua kể từ cái Tết đầu tiên trên xứ người khó quên đó.  Đó cũng là lần sau cuối mà Phúc gặp mặt người đàn ông mà đáng lý ra  anh phải bằng tiếng "Bố" thân thương như bao đứa trẻ khác.  Mười năm trên đất Mỹ cũng biết bao đổi thay. Mẹ thì ngày càng già đi, ốm yếu và mắc thêm nhiều chứng bệnh mà một phần do hậu quả của những năm tháng lao lực cực khổ ở quê nhà.  Phúc thì đã ra trường sau những tháng ngày vừa đi học, vừa đi làm part-time vất vả với bao nhiêu công việc khác nhau để kiếm tiền chi trả cho việc học và chi phí ăn ở của hai mẹ con anh. 
Dù trong thời buổi kinh tế khó khăn,  Phúc may mắn vẫn có công việc làm vững chắc với chức vụ cao trong một công ty kinh doanh thành công của Mỹ. Anh đã mua được một căn nhà khang trang gần bờ biển với hy vọng không khí trong lành từ những làn gió biển sẽ giúp nhiều cho sức khoẻ của mẹ.  Trong mảnh sân phía sau nhà, Phúc còn dành riêng một khu đất nhỏ để mẹ trồng đủ loại rau mà mẹ có thể trồng được như ở Việt nam.  Phúc muốn mẹ tìm được chút niềm vui ở tuổi về chiều. Về phần mình, có lẽ vì bận lo cho việc học hành, rồi công việc bề bộn và trách nhiệm ở công ty mà Phúc không còn thời gian nghĩ tới chuyện lập gia đình.
Một buổi chiều cuối tuần, trong khi Phúc đang cặm cụi bên chiếc laptop với một project mới được giao phó từ công ty thì anh nghe có tiếng chuông cửa.  Phúc nhìn ra sân sau,  anh thấy mẹ anh đang lúi húi bên đám rau xanh. Phúc hơi ngạc nhiên vì giờ này anh không có hẹn với ai. 
"Không biết ai đến vào giờ này" Chắc là mấy đứa bé hàng xóm đến bán kẹo để gây quỹ cho trường đây!"  Phúc nghĩ thầm trong khi anh bước vội về phía cửa.  Nhiều lúc anh tự hỏi không biết hệ thống học đường của Mỹ khi dạy dỗ cho bọn trẻ trở thành những người chào bán hàng từ khi còn nhỏ để gây quỹ như vậy là một điều tốt hay xấu nữa.
Qua cánh cửa mở hé, Phúc nhìn chăm chăm vào người đàn ông với dáng vẻ già nua tiều tụy đang đứng khép nép với cánh tay run run chống cây gậy.  Phúc thấy ông có vẻ quen quen như đã gặp ở đâu đó trước đây, nhưng anh không thể nào nhớ ra.  Phúc cất tiếng hỏi:
"Dạ thưa bác cần tìm ai""
Người đàn ông ngước đôi mắt đục mờ lên nhìn anh một lúc, rồi chớp chớp thật nhanh dường như cố ngăn một dòng lệ chực dâng trào.  Ông cất giọng trong hơi thở nặng nhọc:
"Xin lỗi, đây có phải là nhà của anh Phúc không""
"Dạ thưa đúng.  Cháu là Phúc đây.  Bác tìm cháu có việc chi""
Người đàn ông bỗng loạng choạng như chợt ngã làm Phúc phải vội mở rộng cửa, bước ra đở lấy ông.  Ông ráng gượng đứng vững lại, nhưng cây gậy lại rơi khỏi tay ông khi ông bất chợt bước tới để ôm chầm lấy Phúc và nói trong tiếng nấc nghẹn:
"Phúc, con không nhận ra bố sao con""
Giờ thì đến lượt Phúc chợt thấy chân mình dường như đứng không vững. Tim anh chợt đập thật nhanh khi anh buông tiếng hỏi như không tin vào mắt của mình:
"Ông là...là... bố à"  Trời ơi, sao bố thay đổi nhiều như vậy"  Con nhận không ra.  Bố vào nhà đi.  Bố đến đây chỉ có một mình à""
Phúc nắm lấy bàn tay còn đang run rẩy của ông để dẫn ông vào nhà.  Sau khi mời ông ngồi trên chiếc ghế sofa, Phúc chạy xuống nhà sau rót nước cho ông uống.  Lúc đi ngang qua khung cửa kính, Phúc nhìn ra sân sau nhưng không thấy bóng dáng của mẹ ở ngoài đó.  Đặt tách trà đang bốc làn khói mỏng trước mặt ông, Phúc e dè bắt chuyện:
"Bố có khoẻ không"  Lúc này bố sống ở đâu, với ai""
Hỏi xong, Phúc mới cảm thấy ngạc nhiên với chính mình vì tiếng "bố" phát ra từ miệng của anh một cách thật tự nhiên, như thể nó đã có sẳn trong miệng anh từ bấy lâu nay.  Bao nhiêu nỗi oán hận cho người đàn ông đã từng phản bội mẹ anh, và đã ruồng bỏ anh, trong khoảnh khắc nầy dường như không còn tồn tại. Người đàn ông không trả lời câu hỏi của Phúc, mà ông chợt nấc lên tiếng khóc nghẹn ngào.  Đầu ông cúi xuống, đôi vai gầy run run theo tiếng khóc nức nở.  Phúc cảm thấy thật bối rối.  Anh bước tới, ngồi sát bên ông, và đưa bàn tay xoa nhẹ lên đôi vai gầy gò của ông.
"Bố đừng khóc nữa.  Bố cho con biết có chuyện gì không""
"Phúc, con ơi." Ông nói trong hơi thở đứt quãng, "Bố thật ân hận đã bỏ rơi mẹ con của con trong bao nhiêu năm tháng qua.  Con tha lỗi cho bố nhe con""
"Bố nhắc chuyện xưa làm gì."  Phúc ngắt lời ông vì không muốn thấy ông xúc động quá. "Bố có sao không"  Con thấy bố gầy quá." 
Người đàn ông nói tiếp trong tiếng khóc sụt sùi:
"Cám ơn con đã hỏi thăm bố.  Bố bị bệnh thận đã mấy năm nay.  Chữa trị khắp nơi, tốn  kém không biết bao nhiêu tiền bạc nhưng vẫn không khỏi.  Bác sĩ cho bố biết nếu không thay thận thì bố sẽ không sống được bao lâu nữa.  Bố cũng đã có tên trong danh sách chờ người cho thận nhưng đến nay vẫn chưa có ai hợp với nhóm máu của bố.  Bố chợt nghĩ đến con, hy vọng con có thể giúp bố.  Cũng may bố còn giữ liên lạc với ông bà chủ shop may ngày xưa, nên họ cho tin tức để bố lần tìm ra địa chỉ của con. Đây là tấm danh thiếp của bác sĩ của bố." Ông ngừng nói, tay run run rút trong túi ra tấm danh thiếp trao cho Phúc và đưa mắt nhìn anh như chờ đợi một câu trả lời.
Phúc cảm thấy bị hụt hẩng như vừa bị một cú vấp ngã đau đớn.  Anh cứ ngỡ người cha bấy lâu nay mà anh tưởng đã vĩnh viễn biến mất khỏi cuộc đời của anh, bỗng dưng hôm nay chợt chạnh lòng ân hận đi tìm lại đứa con mà ông đã vứt bỏ bấy lâu nay để van xin anh cho một sự tha thứ.  Nhìn thấy dáng vẻ già yếu của ông, Phúc định sẽ dang rộng đôi tay cho ông sự thứ tha để ông khỏi phải sống trong ân hận trong những năm tháng cuối của cuộc đời.  Niềm vui trong lòng anh vừa mới nhen nhóm lên đã bất chợt bị tắt ngúm như ngọn nến trước một ngọn gió lạnh lùng chợt thổi qua.  Những lời tâm sự vừa rồi của ông chính là ngọn gió đó.  Vậy là ông chỉ cất công lặn lội tìm đến anh để van xin Phúc hy sinh một phần thân thể của anh để cứu lấy mạng sống của ông ta.  Những giọt nước mắt đang tuôn chảy kia không biết có thật sự rơi từ trong đáy lòng của ông hay chỉ là một màn kịch mà ông đang đóng một cách thật tài tình. Phúc chưa kịp trả lời, cả anh và người đàn ông chợt giật mình vì một giọng nói chợt cất lên:
"Ông hãy mau ra khỏi nhà của tôi!  Tôi thật không ngờ ông còn dám dẫn xác tới đây để dụ dỗ đứa con mà ông chưa từng có một ngày nuôi nấng nó.  Ông đày đọa nó mấy chục năm qua chưa đủ hay sao mà còn bắt nó phải hy sinh một phần thân thể của nó cho cái thân không đáng sống của ông"  Ông hãy đi ra khỏi nhà tôi ngay!"
Chưa bao giờ Phúc thấy mẹ giận đến như vậy.  Giọng bà run lên, đầy uất hận.  Phúc chạy vội đến đỡ mẹ.  Người đàn ông cũng rụt rè đứng lên cáo từ.  Khi chiếc xe Porsche màu đỏ bóng lộn đã khuất hẳn sau hàng cây dương trồng dọc theo con đường dẫn vào nhà, mẹ của Phúc vẫn còn ngồi thở dốc vì cơn tức giận vẫn còn đang dâng trào trong lòng bà.  Có lẽ sự xuất hiện đột ngột của người đàn ông trong buổi chiều hôm nay đã làm đánh thức bao nhiêu ký ức khổ đau mà bà đã cố chôn chặt vào lòng. Từ những năm tháng thời tuổi xuân của người phụ nữ phải sống trong cảnh thiếu vắng hình bóng của người đàn ông cho đến những nỗi nhọc nhằn một tay nuôi con thành người, chợt hiện về rõ mồn một.  Bà nhìn thằng vào đôi mắt Phúc, rồi nói:
"Mẹ cấm con không được gặp ông ta nữa!  Phúc ơi, mẹ biết con đã khôn lớn trưởng thành để tự quyết định những gì con muốn làm.  Mẹ không bao giờ ngăn cản con bất cứ điều gì. Nhưng Phúc ơi, con hãy nghe lời mẹ lần này nhe con.  Đừng để lòng mình yếu mềm vì ông ta.  Con hãy nghĩ tới tương lai của con, rồi vợ con của con sau này nữa.  Phúc ơi, con có hứa với mẹ không con"
Phúc sợ mẹ quá căng thẳng tinh thần sẽ phát bệnh.  Anh gật đầu lia lịa và nói:
"Mẹ ơi, con biết mà. Làm sao con quên được những gì mẹ con mình phải trải qua trong mấy mươi năm qua.  Mẹ đừng có lo lắng quá, có hại cho sức khoẻ nhe mẹ."
Đêm hôm đó, Phúc nằm trằn trọc nhưng không thể nào chợp mắt.  Một buổi chiều với nhiều sóng gió đã bất ngờ xảy đến. Anh ước gì mình vẫn là cậu bé Phúc ngày nào, chỉ biết lon ton mang cơm trưa cho mẹ sau mỗi buổi đi học về.  Rồi những buổi nghỉ trưa ngày xưa khi được ngồi hồn nhiên dưới rặng mát trâm bầu ngắm nhìn đàn cá lòng tong bơi quanh quẩn tìm mồi.  Mối lo duy nhất của Phúc lúc đó là mong sao cho mấy cọng rau muống mọc mau dài, để hai mẹ con có thể cắt mang ra chợ bán. Còn giờ phút này đây, anh đang phải đau đầu suy nghĩ phải làm gì. Phúc biết quyết định của anh có liên quan đến mạng sống của một con người và những ý nghĩ mâu thuẫn, dằn xé cứ lần lượt hiện lên trong tâm trí anh.
Trời càng về khuya, có lúc tâm hồn Phúc như trôi bềnh bồng khi anh thấy mình trở về với giấc mơ của tuổi thơ ngày nào và được ngồi trong lòng của bố.  Rồi hình ảnh đó chợt tan biến và thay vào bằng bóng dáng gầy với chiếc lưng áo ướt đẫm mồ hôi của mẹ đang lom khom dưới ánh nắng thiêu đốt để chăm sóc cho đám rau muống.  Rồi hình ảnh mẹ lại hiện ra với đôi mắt thiếu ngủ mệt mõi đang ngồi lo lắng cắt từng sợi chỉ bên đống quần áo để kịp giao cho chủ.  Rồi hình ảnh của người đàn ông sang trọng bước ra từ chiếc xe hơi bóng loáng, hững hờ nhìn mẹ con Phúc.  Rồi tất cả chợt tan biến đi khi  hình ảnh một người đàn ông già nua với chiếc gậy run run trong tay và đôi mắt van lơn mong anh cứu giúp để  kéo dài cuộc sống của ông.  Đầu óc Phúc quay cuồng với bao nhiêu hình ảnh ẩn hiện như một cuốn phim bị một người đạo diễn nào đó vô tình làm rối tung lên.  Phúc thiếp đi lúc nào không hay...
Tiếng cuốc đất ở ngoài vườn làm Phúc tỉnh giấc. Anh chợt thấy bàn tay mình còn nắm chặt tấm danh thiếp của vị bác sĩ mà bố anh đã đưa cho anh lúc chiều hôm qua.  Anh khép cửa phòng lại, với tay lấy chiếc điện  thoại để trên bàn rồi bắt đầu bấm số điện thoại riêng của người bác sĩ in trên tấm danh thiếp.  Văng vẳng đâu đó, Phúc chợt nghe lời nói của mẹ hôm nào:
"Mẹ muốn con học để nên người..."  
Anh hy vọng mẹ sẽ tha thứ cho anh vì anh không thể làm một điều trái với đạo lý làm người.
Anthony Hưng Cao

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,315,777
Tác giả là cư dân miền Bắc California, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại.
Anne Khánh Vân, sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, hiện sống và làm việc tại miền Đông Hoa Kỳ, từng nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2007 với tự truyện “Duyên Nợ Với Nước Mỹ.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C.
Kông Li là bút hiệu vui vẻ của Phạm Công Lý, tác giả đã dự Viết về nước Mỹ từ 2009. Ông cùng gia đình đến Mỹ từ 1994 theo diện HO, định cư tại Boston.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014, ông tên thật Trần Phương Ngôn, đã sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm
Tác giả đã nhận giải Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2014. Lớn lên tại VN khi cả nước đã thành xã hội chủ nghĩa
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa