Hôm nay,  

Lá Rêu Bông & Người Đàn Bà Cô Đơn

25/04/201000:00:00(Xem: 135513)

Lá Rêu Bông & Người Đàn Bà Cô Đơn

Tác giả: Nguyễn Thảo
Bài số 2874-28124-vb8042510

Tác giả tên thật Nguyễn Thị Thảo; Sinh quán: Cần Thơ (Hậu Giang). Nghề nghiệp cũ tại Việt Nam: Giáo viên công chức (Tham sự hành chánh), Luật Sư; DI cư sang Mỹ năm 2007, hiện là một cư dân cao niên tại Westminster, quận Cam, không còn làm việc. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà là một truyện kể nhẹ nhàng mà sâu sắc, xúc động. Mong bà sẽ tiếp tục viết thêm.

***

Trong thành phố Westminster, quận Cam,  nước Mỹ,  có một nhà thờ của người Hoa. Một nhóm tín đồ Tin Lành người Việt thuê bán thời gian để làm nơi tập họp thờ phượng Đức Chúa Trời. Đó là Hội Thánh Westminster.
Một ngày nọ, sân trước Hội Thánh có một lằn nứt nhỏ (ôi, không phải động đất đâu, xin đừng lo sợ!). Rồi từ rãnh nứt đó nhô lên một chồi con. Chồi từ từ lớn thành một chiếc lá lởm chởm gai nhọn.
Vì lá mọc từ đất ướt như rong rêu và có màu xanh rất mát mắt, đẹp tựa bông hoa, nên người ta gọi nó là lá Rêu Bông.
Và Rêu Bông tự phụ mình là một sinh vật đẹp, ngày ngày hãnh diện tắm mình dưới ánh nắng ban mai. Nhưng rồi ít lâu sau, có người nói nhỏ:
"Không phải là lá đâu nghe!
"Quỷ Satăng đó!
"Đừng chạm vào nó:
"Chạm vào là máu đổ, lòng đau!"
Chỉ là một lời nói đùa, vậy mà lũ chim non thôi nghếch đầu nhìn Rêu Bông, mà đàn bướm cũng lượn lờ đi nơi khác!
Cảm thấy bị xa lánh, Rêu Bông buồn lắm, âm thầm khép mình vào cuộc sống đơn côi!
Bỗng một hôm, một người đàn bà đứng tuổi kéo chiếc băng gỗ đến cạnh Rêu Bông, mỉm một nụ cười rất tươi lẫn chút giễu cợt:
"Xin chào! Tên mi là Rêu Bông, ta biết rồi. Còn tên ta là Donna. Thật ra Donna không phải là tên, chỉ là cách gọi các bà quý phái. Bên kia Thái Bình Dương, ta cũng là một Donna đấy. Nhưng trôi giạt đến cái nước Mỹ hào hiệp, dễ thương này, ta không là gì cả! Không cửa không nhà, lại phải đi nhờ xe người khác, nên đến đây sớm như vầy! Chỗ này có nắng, cho ta sưởi với nhé."
Vậy rồi, ngày ngày Donna đến, lôi sách báo ra đọc, không để ý đến Rêu Bông. Đôi khi lấy nước ra, uống xong, bà cũng rưới lên nó vài giọt. Thế rồi, Rêu Bông cũng cảm thấy đỡ lẻ loi. Nó cảm thấy vui khi Donna đến, buồn khi Donna đi.
Một ngày nọ, vừa đến Donna đã cười nói: "Hôm nay là Ngày Tình Yêu (Valentine) đây, biết tặng gì cho người bạn câm lặng này"! A, cho mi một trái tim. Rồi một quả tim hồng tí xíu-cắt ở góc một tờ quảng cáo-được dán hồ lên chiếc lá xanh. Xong, Donna lâm râm...đọc "Thần Chú!"
"Thần chú" linh, hay nhờ Rêu Bông, cảm động vì các ngón tay hồng cố nhịn đau, luồn lỏi trong gai nhọn, gỡ lá khô, gỡ chewing gum mà lũ trẻ nghịch ngợm ném vào, mà quả tim giấy lần lần cử động. Đập rộn rã theo tiếng cười vui của Donna, đập chậm, chùng xuống khi thấy nước mắt lăn tròn trên má Bà.
Donna khóc, kể lể nỗi đau mất mẹ, mất anh, mất chồng, nhà cửa phố xá ra tro, ruộng đất bị nông dân chiếm hết!
Donna nói: "Rêu Bông này, ta nói mi nghe nhé: không biết sao ít lâu nay ta thèm một ánh mắt nồng nàn, tha thiết, một nụ cười âu yếm thân thương, một bờ vai để tựa vào mà khóc! Ta chỉ dám nói với mi thôi! Người khác mà biết, họ sẽ cười ta!"
Rêu Bông xót xa, thương "bạn" lắm! Nhưng "mình" mà kêu một tiếng "Donna" là hoảng kinh chạy mất cho coi!
Càng ngày, Rêu Bông càng thấy mình mến thương, gắn bó với người "bạn" vong niên. Nhưng một ngày kia, rồi những ngày kế tiếp, Rêu Bông bỗng ray rứt đợi chờ!
Rồi ngày thì nóng như thiêu đốt.
Đêm tuy rất lạnh nhưng không có mù sương.
Tiều tụy, héo khô, Rêu Bông gục ngã.
Và trong cơn hấp hối, thần trí lao xao, lẫn lộn quá khứ và hiện tại, Rêu Bông vẫn biết mình còn ở trên nước Mỹ có tự do tín ngưỡng, với tiếng chuông, tiếng mõ, tiếng "Nam Mô", hòa lẫn giọng hát thánh ca cao vút:
"Lạy Chúa, Chúa ở trên trời
"Xin Chúa thương xót loài người!"
Và rồi một bóng trắng lướt đến.
Ôi! Không phải là người nữ lang kiều diễm -trong một kiếp người xa xôi nào đó- đã quyến rũ nó vào trụy lạc, ma túy, để rồi mẹ già đã phải ngồi khóc bên cái xác cứng đờ, chết vì căn bệnh quái ác sida. Mà là người đàn bà phúc hậu đã trao cho nó một quả tim, quả tim nhân ái, biết yêu thương vì đã được yêu thương.
Nó mừng rỡ, xiết chặt người đàn bà vào lòng và se sẽ gọi:


"Donna, ôi Donna yêu dấu!"
Cát bụi đã trở về với cát bụi.
Và trên trời cao, vài ánh sao đêm mờ nhạt điểm thêm một nét thê lương cho vầng trăng đến muộn.
Trong những ngày Rêu Bông khắc khoải chờ mong, thì Donna vì chân đau, không đi đâu hết. Vả lại lúc này, bà thường bận tiếp các cán sự xã hội. Họ đến, nhã nhặn, lịch sự, ân cần thăm hỏi về bệnh, thuốc men, về lối sống của Donna. Họ lần lượt mang đến biếu nhiều vật dụng (do các nhà hảo tâm tặng) cần thiết cho cuộc sống của người già: điện thoại (phòng khi gọi cấp cứu), nồi nấu cơm, nồi nấu súp (để có cơm canh mềm dễ nuốt), mền điện, sưởi điện, áo ấm (cho những ngày giá rét), mền mỏng, quạt máy (cho những lúc nóng bức sắp đến),v.v...
Để đền đáp phần nào lòng ưu ái của xã hội, Donna tìm đến địa chỉ các cụ già sống lẻ loi, thăm hỏi, an ủi, trò chuyện cho họ khuây khỏa nỗi buồn xa xứ, xa con. Họ cảm động đón nhận các bịch quà nho nhỏ: khoai tây, cà rốt, dưa leo, bánh, trái cây, thịt hộp, sữa,v.v... Đó là các thứ Donna đã đi lãnh, đi một lần cho biết rồi thôi, vì Donna biết thực phẩm đó để giúp những người ốm đau, thất nghiệp,v.v... Người đã dư ăn không nên tham dự vào đồ cứu trợ.
Những lời an ủi, khuyên lơn, khôi hài, chọc cười, có vẻ không hiệu quả bằng chó nhỏ, mèo con: mấy ông bà già cười rạng rỡ, vồ lấy chúng, nựng nịu, vuốt ve.
Donna đã "chuộc" những con vật này ở các cơ sở nuôi dưỡng các thú đi lạc hoặc bị bỏ rơi. Mua ($10/con) bằng tiền do chương trình IHSS Restaurant Meal Allowance cấp $62 mỗi tháng cho Donna ăn nhà hàng.
Trời càng ngày càng nóng. Donna cũng lo Rêu Bông không chịu nổi. Nhưng nghĩ lại nó là xương rồng mà, chỉ vài giọt sương đêm nó sẽ tươi tốt lại thôi. Hơn nữa, bà rất bận. Ngoại trừ thứ Bảy và Chủ Nhật, mỗi sáng Donna còn phải đến Trung tâm Người Già.
Thời khóa biểu sinh hoạt của Trung tâm Regent West rất dày. Khoảng từ 8 giờ sáng: sữa, café, điểm tâm, cân nặng, đo áp huyết, chích insuline, thuốc men, thể dục, vật lý trị liệu, massage, học cách giữ gìn sức khỏe, luyện trí nhớ, làm thủ công,v.v... Buổi ăn trưa (mà thịt ướp, cá kho, xôi rất ngon- bếp nhà hàng mà!), xong là chơi các môn cờ tướng, domino, bingo,v.v...
Trung tâm Regent West là một xã hội thu nhỏ, không thiếu hỉ-nộ-ái-ố! Ở đó các social workers, các y sĩ, y tá, nhân viên đều lịch sự, dễ mến. Họ năng nổ, ân cần săn sóc mọi thành viên. Họ, cũng như các bác tài xế, khá nhẫn nại với những người già mà vì bệnh tật, có phần nào khó tính.
Rồi một hôm, vì đã không chú trọng đến tin báo sẽ có mưa to bão lớn, từ nhà các vị cao niên ra về, với đôi chân yếu, Donna đã té lên té xuống trong các con đường nước cuồn cuộn chảy. Về đến phòng trọ, trời đã tối đen, lại mất gas, điện, Donna lạnh run, vội trút bỏ áo quần, giầy vớ, nằm vật lên giường, trùm mền lại. Trằn trọc mãi, Donna nghĩ mình cần thuốc ngủ. Nhưng bây giờ ngồi dậy mò được 2 viên, thì sáng mai không chuẩn bị kịp cơm để hai con đem theo ăn. À mà thằng Huy đâu còn đi làm, nhà máy nơi nó làm ngưng sản xuất. Còn David thì học phí tăng quá cao, đã nghỉ ở nhà rồi mà! Mình phải cho David gia nhập Project Motivate, tổ chức này bất vụ lợi, miễn phí, giúp thiếu niên học tập tốt, phát triển kỹ năng văn hóa và giao tế để mai sau vào đời.
Ủa, mà bữa nay sao đầu óc mình lộn xộn qua như vậy cà! Huy và David đã đi Pennsylvania tuần trước rồi mà! Huy nó nói phải đem David theo để quản lý em nó. Thằng nhỏ đã 14 tuổi, cái tuổi hay bắt chước, dễ bị lôi cuốn gia nhập băng đảng, bán buôn ma túy, trộm cướp, giết người.
Nó nói sẽ dành dụm tiền cho David đi học lại. Phải có tú tài để thi vào Đại Học. David sẽ chọn ngành mà nó có năng khiếu, để sau này không khổ vì phải làm một nghề mà nó không thích...
Ôi! Sao tay chân mình tê cứng!
Đau ngực quá! Khó thở quá!
Chẳng lẽ mình chết bây giờ! Chết một mình như ông người trọ phòng 114" Bốc mùi rồi lối xóm mới hay" Con cái vô tình thật!
Ôi! Nước đâu nhiều quá vậy"
Ngập tiệm Nail rồi!
Chạy! Cá! Cá đói nhiều quá, nó rỉa cụt chân mình rồi!...
Huy, An, Nga, David, các con đâu"
Đi hết rồi!
Rêu Bông! Rêu Bông! Cứu ta! Rêu Bông! Cứu ta!...
Bềnh bồng, bềng bồng...
Nguyễn Thảo

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,294,753
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Với bài "Niềm Đau Ơi Ngủ Yên" viết về trại tị nạn Palawan-Philippines, Triều Phong đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Bút hiệu của tác giả là tên thật. Bà cho biết sinh ra và lớn lên ở thành phố Sài Gòn, ra trường Gia Long năm 1973. Vượt biển cuối năm 1982 đến Pulau Bibong và định cư đầu năm 1983, hiện đã nghỉ hưu và hiện sinh sống ở Menifee, Nam California.
Tháng Năm tại Âu Mỹ là mùa hoa poppi (anh túc). Ngày thứ Hai của tuần lễ cuối tháng Năm -28-5-2018- là lễ Chiến Sỹ Trận Vong. Và Memorial Day còn được gọi là Poppy Day. Tác giả Sáu Steve Brown, một cựu binh Mỹ thời chiến tranh VN, người viết văn tiếng Việt từng nhận giải văn hóa Trùng Quang trước đây đã có bài về hoa poppy trong bài thơ “In Flanders Fields”. Nhân Memorial sắp tới, xin mời đọc thêm một bài viết khác về hoa poppy bởi Phan. Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một tuần báo tại Dallas, đã góp bài từ nhiều năm, từng nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ. Ông cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng người đọc trên dưới một triệu.
Với bài “Hành Trình Văn Hóa Việt tại UC Irvine”, tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và trở thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay. Sau khi nhận giải Việt Bút Trùng Quang 2016, tác giả vẫn tiếp tục góp thêm bài viết về nước Mỹ.
Tác giả 58 tuổi, hiện sống tại Việt Nam. Bài về Tết Mậu Thân của bà là lời kể theo ký ức của cô bé 8 tuổi, dùng nhiều tiếng địa phương. Bạn đọc thấy từ ngữ lạ, xin xem phần ghi chú bổ túc.
Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Sau đây, là bài mới viết về đứa con phải rời mẹ từ lúc sơ sinh năm 1975, hơn 40 năm sau khi đã thành người Mỹ ở New York vẫn khắc khoải về người mẹ bất hạnh.
Tác giả sinh trưởng ở Bến Tre, du học Mỹ năm 1973, trở thành một chuyên gia phát triển quốc tế của USAID, hiện đã về hưu và an cư tại Orange County. Ông tham gia VVNM năm 2015, đã nhận giải Danh Dự năm 2016 và giải á khôi “Vinh Danh Tác Phẩm” năm 2017. Bài mới của ông nhân Ngày Lễ Mẹ kể về người Mẹ thân yêu ở quê hương.
Hôm nay, Chủ Nhật 13, Mother’s Day 2018, xin mời đọc bài viết đặc biệt dành cho Ngày Lễ Mẹ. Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 8/2015. Đã nhận giải đặc biệt 2016. Nhận giải danh dự VVNM 2017.
Chủ Nhật 13 tháng Năm là Ngày Của Mẹ tại nước Mỹ năm 2018. Mời đọc bài viết của Nguyễn Diệu Anh Trinh. Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng, đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng bố và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ bằng cách viết lời giới thiệu và chuyển ngữ từ nguyên tác Anh ngữ bài của một người trẻ thuộc thế hệ thứ hai của người Việt tại Mỹ, Quinton Đặng, và ghi lại lời của người me, Bà Tôn Nữ Ngọc Quỳnh, nói với con trai.
Nhạc sĩ Cung Tiến