Hôm nay,  

Tết Mậu Thân: Ký Ức Về Lính Mỹ

16/05/201800:00:00(Xem: 12151)
Tác giả: Quỳnh Nghi

Bài số 5389-19-31230-vb4051618

 
Tác giả 58 tuổi, hiện sống tại Việt Nam. Bài về Tết Mậu Thân của bà là lời kể theo ký ức của cô bé 8 tuổi, dùng nhiều tiếng địa phương. Bạn đọc thấy từ ngữ lạ, xin xem phần ghi chú bổ túc.
viet ve nuoc My
Một đơn vị lính Mỹ hành quân tại Huế.

***

 Tác giả 58 tuổi, đang sống tại Việt Nam. Bài viết

Khi chộ tấm hình ni tui nhớ lại vì răng anh tui bị mạ đập dài dài. Lý do là đây.

Nhà tui gần chợ Thông trên Kim Long, nơi mà câu hát ru em thường được hát lên:

Kim Long có gái Mỹ miều.

Trẫm thương trẫm nhớ trẫm liều trẫm đi.

Còn quê nội tui thì tuốt dưới Bao Vinh.

Tết Mậu Thân anh tui được "biệt phái" về quê nội để tập tành làm đàn ôn lo hương khói, dù chưa tới tuổi thanh niên, Tết năm mô anh cũng phải về nhà Nội như rứa. Năm nớ tui mới tám tuổi, còn anh mười bốn.

Tui nhớ tự nhiên đang đêm súng nổ đùng đoàng, rồi cả xóm chạy loạn. Khi nớ nhà tui không có ai là người lớn ở nhà, Mạ đi chợ Đông Ba chưa về, anh bận về nội tập làm đàn ôn chưa lên, tui cũng không biết vì răng mà chị tui vắng nhà lúc nớ.  Tui thấy bà con ôm áo quần chạy tui cũng chạy theo.

Tui theo cả xóm chạy lên chùa Thiên Mụ tránh đạn, rồi sau đó mạ tui tìm thấy tui, dẫn về làng Xuân Hòa núp nhờ hầm của người bà con.

Gần cả nửa tháng đầy tiếng súng rồi tình hình tạm lắng dịu, mọi người mới dắt díu nhau trở về nhà. Anh tui cũng trở về sau đó ít lâu...và tánh tình cũng ít nhiều thay đổi theo chiều hướng không tốt (mạ tui nói rứa).

Ngày đầu tiên mạ vẽ dọn cơm, anh nói:

- No, no, no!

Mạ tui nổi cơn tam bành xách cây chửi:

-Mụ cô cha thượng họ mi, có no thì cũng dọn lên cho mạ với em mi ăn chơ!

Bữa trưa nớ tuy nói no nhưng anh cũng quất sạch nồi.

Ăn xong mạ nhủ anh dọn chén đọi xuống ảng nước anh cũng đốp lại:

-No! no! no! Má bi son...

Mạ tui lại trợn mắt chỉ thẳng mặt anh:

- Nằm xuống giường.

Anh líu ríu nằm xuống. Mạ tui quết liền mấy roi vừa đập vừa nói:

-Hỗn nì, nhác nì, chưa ăn cũng no, ăn rồi cũng no nì! Còn dám nói mạ bá láp-bá xàm nì.

Anh tui vừa khóc vừa cãi:

-Dạ con có nói mạ bá láp- bá xàm mô, mạ nói oan, hu hu!

Sau một hồi giáo huấn mạ tui ra lệnh:

- Xuống rửa mặt rửa mày.

- Dét!

Rứa là anh bị lôi cổ lại:

-Mi nói ai dẹp thằng tê? Tới đây tau trị cho cái tội tày trời quá quắt hí!

Rứa là anh ăn đòn tiếp...

Mấy ngày sau bạn anh tới chơi, anh cũng nói nhiều câu lạ hoắc.

Cũng dét, cũng no, cũng ô kê, năm bờ oan, năm bờ then.

Anh đưa cho tui và mấy đứa bạn hàng xóm của tui mấy trái ổi rồi nói:

-Xú vơ nia bé ti ti.

Mấy đứa bạn của tui cười như nắc nẻ:

-Anh mi cho có mấy trái ổi mà nói cả nia. Trái bự chát mà nói nhỏ tí ti.

Nghe mấy đứa bạn nói, anh tui cười ngặt nghẽo, rồi kể huyên thuyên về lính Mỹ đổ bộ tới Huế, rồi thì Chi Khu Hương Trà chi chi đó!

Anh kể về gần một tháng ở Bao Vinh, lính Mỹ đối với trẻ con như răng, cho trẻ con cái chi, dạy nói ra răng...

Tụi tui há hốc mồm ngồi nghe cứ tưởng anh phịa cho vui, chớ bọn tui có thấy mặt mũi mấy ôn lính Mỹ ra răng mô mà tin.

Tui ở nhà chạy loạn trối chết, còn anh ở dưới nớ sướng ru còn bày đặt mắc kẹt, về ba hoa chích chòe, bị mạ đập cũng đáng.

Về sau khi lính Mỹ tới đóng quân gần nhà tui, tui mới tạm tin.

Hôm nay bất ngờ thấy cái hình ni chụp ở phố cổ Bao Vinh, mới biết lý do ngày xưa anh hay bị mạ đập là đúng và cũng là... oan nữa.

Từ ngày chiến trận tràn lan quanh thành phố Huế, nhà tui có nhiều cái lo cái sợ, mà cũng có cái vui lẫn cái buồn cười.

Vui khi thấy nhà đông hơn, vì làng mạ tui mất an ninh (Phú Thứ- Phú Vang- Thừa Thiên) cả hai phe chiếm đóng: ban ngày Quốc Gia ban đêm Cộng Sản, nên mấy anh chị con dì, con cậu lên ở nhà tui rất đông... vì rứa thấy vui.

Tui nhớ một chiều nọ chị tui đi mô về mà áo quần rách tả tơi chân phù nề, lở mưng mủ máu... chộ thấy dễ sợ lắm! Mạ tui nấu nước để chị tắm rửa, sai tui pha nước muối rửa vết thương cho chị, nấu cơm cho chị ăn.

Hai mạ con thầm thì to nhỏ, tui tò mò lân la dỏng tai lắng nghe. Mạ tui nhìn thấy lo lắng lôi tuột tui vô buồng dặn dò:

-Khôn chộ, khôn biết, khôn nghe! Ai hỏi chi cũng nói khôn biết nghe chưa!

Mà khi nớ tui có biết chi mô trời! Sau ni tui mới biết là chị tui bị bắt đi tải thương lên núi, nghe mô cả làng nhiều thanh niên thanh nữ cũng phải đi như chị, hèn chi tui chạy loạn còn chị không biết chạy đi mô!

Đó là công việc hai người gánh một người bị thương nằm trên võng vô tận rừng sâu, khi đi có người giám sát, khi về tự đi....

Túi nớ mạ tui thắp hương đứng giữa trời khấn nguyện rất lâu, có lẽ tạ ơn trên đã che chở cho chị không bị hùm beo cọp dữ ăn thịt trên rừng.

Những ngày sau đó không khí làng xóm có vẻ yên ắng nặng nề, đi mô cũng thấy bà con thầm thì to nhỏ.

Thời gian ngắn sau đó có một đoàn người toàn đàn ôn to cao, người thì đen sì, người thì trắng bóc lông lá đầy tay, tiếng nói thì xì lô- xì la đến ở ngay nhà thờ chi của mệ tui mà cũng sát vườn nhà tui ở. Thêm mấy người lính Nghĩa quân Địa phương quân người của xã tui nữa, mấy chú nói:

-Lính Mỹ chọn nhà thờ ni làm bộ chỉ huy, tụi bay con nít đừng có lại gần súng ống hí!

Anh trai tui nói đầy vẻ tự đắc:


- Đó mi chộ người Mỹ chưa?

Đó là lần đầu tiên tui biết người lính Hoa Kỳ.

Có một lần nớ cả mấy chị em con dì con dà nhà tui đang ngồi gọt củ nưa trước thềm, một đoàn lính Mỹ đi hành quân về vừa vứt ba lô, thì một ông Đại úy tên Le Uy qua đứng xem chỉ chỏ, hỏi xì lô- xì la chi đó.

Chị tui nói:

-Ông noái cái chi rứa bay, ai mà biết?

Anh tui ngồi đọc sách trong nhà nói vọng ra:

- Thì chị cứ nói ăn được đi! Ung nớ hỏi có ăn được khôn đó mà.

Một chị khác hỏi

- Nói răng? Mi vẽ tau với?

-Chị cứ nói: Du xạp xạp ve ri gút

Rứa là chị con dì tui sao y nguyên văn lời thằng em trời đánh, một tay vớt củ nưa từ dưới thau nước lên đưa cho ôn Mỹ đẹp trai, bây chừ tui nghĩ đó là một hành động phi nhân tính nhứt của mấy chị em nhà tui lúc nớ.

Chưa đầy một phút ôn Mỹ gào lên thè lưỡi ra đưa 5 ngón tay vô miệng cào lên lưỡi, nước miếng chảy dài như chó dại.

-Hép mi, hép mi.

Tui thấy buồn cười chưa kịp cười thì ôn Mỹ lấy súng trên vai xuống kéo cò lên đạn, mấy chị em gái mặt xanh như tàu lá chuối, có cắt chắc cũng không có hột máu mô!

Cùng lúc nớ Mạ tui đi gánh nước dưới sông lên thấy rứa chạy vô trộn một dĩa muối ớt đưa và ra dấu ông ăn đi, khi biết rõ chuyện rồi Mạ xách chổi đánh anh tui chạy quanh nhà.

Đúng là tính nhân văn con người, dù đang khốn khổ tức giận nhưng ông nớ cũng hạ súng ôm anh tui không để mạ tui khện cán chổi, rồi xổ một tràng tiếng Mỹ.

Mấy phút sau có một anh lính trẻ măng từ bộ chỉ huy mang qua một bịch màu đà.

Thấy anh vội vàng xé ra soạn, nào là lon nào là dụng cụ mở đồ hộp, nào là cà phê gói, v.v…

Anh ta mở cái lon nhỏ tạo thành cái bếp bỏ vô một cục chi đó (sau ni tui mới biết đó là xăng khô) bật cái hộp quẹt zip pô và sau mấy phút có một ly cà phê giấy nóng hổi. Ôn Đại Úy uống liền không sợ tuột lưỡi, có lẽ ngứa quá!

Tụi tui đã qua cơn hoảng sợ đứng nhìn say sưa đầy thán phục, và tui đã tin những gì tui từng cho là anh tui ba hoa chích chòe....

Tối nọ trời mưa to, cả nhà ăn cơm xong tui làm biếng ra rửa miệng ở ảng nước ngoài trời, nên đi ra máng xối nối liền nhà trên với nhà dưới nơi nước chảy ào ạt. Ngoài trời túi om, vịt đèn dầu bàn ăn ánh sáng hắt ra không đủ sáng, chỉ thấy loang loáng ánh bạc của nước xối. Tui định đưa tay hứng rửa thì một ánh mắt trắng dã, một hàm răng trắng hếu nhe ra cười với tui, tui rụng rời vì sợ ma, hét lên “Mạ ơi!” Rồi khóc tức tưởi.

Một đống lùm xùm dịch chuyển từ ngoài vô nhà theo lối nhỏ hẹp cất tiếng "Don bi sì ke, đon bi sì ke"

Rồi cái đống đen lùm xùm nớ lên nhà trên nơi để bàn khách, cởi cái áo mưa to đùng mà anh tui kêu cái pông sô, tháo súng ra dựng bên chân bàn đi tới bên tui, móc ra một mớ kẹo đen sì từ túi áo. Tui chưa hoàn hồn mở to mắt không dám chìa tay, anh tui đứng bên nói:

- Hắn cho sô cô la tề!

Mạ tui ở ngoài hiên nói vọng vô:

- Răng kêu bằng hắn hổn rứa thằng tê?

- Tụi hắn anh em, chú bác, O dì chi cũng kêu mi, tau hết, chị cũng du, anh cũng du mạ có kêu ung bằng chú, ung cũng kêu mạ bằng du. Con Nghi có kêu hắn bằng bác hắn cũng kêu lại bằng du.

- Rứa tau với con tau bằng nhau à? Dễ sợ cho người Mỹ rứa bay!

Tui thấy một ôn đen sì sì với mớ kẹo vỏ đen thui, nên sợ quá leo lên giường trùm mền ngủ luôn, sau ni biết tên ôn nớ là Nét, cấp bậc Hạ sĩ.

Tuy bộ chỉ huy bên nhà thờ, nhưng mấy ôn cấp côi hay qua nhà tui ở có lẽ tránh ồn ào, nên một con bé như tui khám phá nhiều thứ: té ra người Mỹ cũng biết khóc, biết buồn, biết nhớ.

Có một bựa tui chộ Đại úy Le Uy lôi từ trong túi áo ra một tấm hình có lẽ là gia đình, có cha mẹ con cái rất đẹp, ngắm qua nghía lại một chặp rồi bật khóc.

Ơ! Người Mỹ thổn thức cũng giống người mình, chơ có khác chi mô? Và tui cũng âm thầm chảy nước mắt theo.

Trong cái ba lô ngó thì nhỏ mà họ có cả núi đồ tiện lợi, từ dụng cụ mang xỏ giày, đến kim chỉ, kéo, kìm cắt móng tay, mùng mền võng, đồ ăn thức uống, thuốc men…

Tui thích nhứt là cái máy chụp hình, chụp là có hình ngay, cả nhà tui cũng được đại úy LE UY chụp nhiều tấm.

Tui cũng có vài tấm riêng nhưng ốt dột không dám cho ai coi, vì hồi nớ ở dưới hầm ngủ chung bị lây chí nên mạ bắt cạo trốt trọc lóc.

Họ ở một thời gian không biết người lớn nhận xét ra răng, chơ tui thấy họ cũng tình người đầy đạo đức, cứ mỗi lần đi hành quân khi trở về tui thấy hạ sĩ Nét hay mua áo quần may sẵn ở chợ VN tặng cho mấy em nhỏ từng gặp gỡ, hay tặng bút viết cu lơ màu cho bọn con nít như tui.

Có lần ung nhảy xuống sông cứu người đuối nước, bồng lên bờ hô hấp nhân tạo, dùng miệng hà hơi, hút đờm dãi mà không cứu được nên ung Nét khóc như mưa.

Mấy ngày nhà ôn Luyện tổ chức đám tang, tui đi chợ Thông sau chùa Thiên Mụ đều thấy Hạ sĩ Nét ngồi cạnh quan tài mặt buồn rười rượi, rứa thì người Mỹ cũng vé ry gút chơ có năm bờ then mô mọi người hí!

50 năm qua đi, chừ tui đã gần 60, nhớ lại chuyện xưa mà như là ai kể chuyện cổ tích ở một thời nào đó, nơi nào đó xa xôi lắm.

 
Quỳnh Nghi
 

Chú thích:

về từ nghữ địa phương
 

Chộ: nhìn, xem

Vẽ: chỉ bảo, dạy

Nhủ: bảo

Khôn: không

Nhà thờ chi: nhà thờ tộc họ

Ôn: ông

Ung: ông, ông ấy

Cấp côi: cấp cao

Ốt dột: mắc cỡ

Trốt: đầu

Ý kiến bạn đọc
16/05/201819:04:32
Khách
Tết Mậu Thân ở Huế đầy chuyện buồn, nhưng đứa bé 8 tuổi còn ngây thơ đâu thấu hiểu. Hay ở điểm là nó nhìn đời qua ánh mắt con nít mà còn biết người lính khác màu da mà có lòng nhân từ. Nó cũng không biết nhiều nơi ở Huế, người cùng màu da mà giết người, đập đầu, chôn sống hàng loạt.
16/05/201814:45:21
Khách
Đọc xong vẫn con chúm chím cười. Tôi thích cách viết hài hước của tác giả, nhất là dùng từ ngữ địa phương rất dễ thương.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,200,017
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Với bài "Niềm Đau Ơi Ngủ Yên" viết về trại tị nạn Palawan-Philippines, Triều Phong đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Bút hiệu của tác giả là tên thật. Bà cho biết sinh ra và lớn lên ở thành phố Sài Gòn, ra trường Gia Long năm 1973. Vượt biển cuối năm 1982 đến Pulau Bibong và định cư đầu năm 1983, hiện đã nghỉ hưu và hiện sinh sống ở Menifee, Nam California.
Tháng Năm tại Âu Mỹ là mùa hoa poppi (anh túc). Ngày thứ Hai của tuần lễ cuối tháng Năm -28-5-2018- là lễ Chiến Sỹ Trận Vong. Và Memorial Day còn được gọi là Poppy Day. Tác giả Sáu Steve Brown, một cựu binh Mỹ thời chiến tranh VN, người viết văn tiếng Việt từng nhận giải văn hóa Trùng Quang trước đây đã có bài về hoa poppy trong bài thơ “In Flanders Fields”. Nhân Memorial sắp tới, xin mời đọc thêm một bài viết khác về hoa poppy bởi Phan. Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một tuần báo tại Dallas, đã góp bài từ nhiều năm, từng nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ. Ông cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng người đọc trên dưới một triệu.
Với bài “Hành Trình Văn Hóa Việt tại UC Irvine”, tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và trở thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay. Sau khi nhận giải Việt Bút Trùng Quang 2016, tác giả vẫn tiếp tục góp thêm bài viết về nước Mỹ.
Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Sau đây, là bài mới viết về đứa con phải rời mẹ từ lúc sơ sinh năm 1975, hơn 40 năm sau khi đã thành người Mỹ ở New York vẫn khắc khoải về người mẹ bất hạnh.
Tác giả sinh trưởng ở Bến Tre, du học Mỹ năm 1973, trở thành một chuyên gia phát triển quốc tế của USAID, hiện đã về hưu và an cư tại Orange County. Ông tham gia VVNM năm 2015, đã nhận giải Danh Dự năm 2016 và giải á khôi “Vinh Danh Tác Phẩm” năm 2017. Bài mới của ông nhân Ngày Lễ Mẹ kể về người Mẹ thân yêu ở quê hương.
Hôm nay, Chủ Nhật 13, Mother’s Day 2018, xin mời đọc bài viết đặc biệt dành cho Ngày Lễ Mẹ. Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 8/2015. Đã nhận giải đặc biệt 2016. Nhận giải danh dự VVNM 2017.
Chủ Nhật 13 tháng Năm là Ngày Của Mẹ tại nước Mỹ năm 2018. Mời đọc bài viết của Nguyễn Diệu Anh Trinh. Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng, đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng bố và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ bằng cách viết lời giới thiệu và chuyển ngữ từ nguyên tác Anh ngữ bài của một người trẻ thuộc thế hệ thứ hai của người Việt tại Mỹ, Quinton Đặng, và ghi lại lời của người me, Bà Tôn Nữ Ngọc Quỳnh, nói với con trai.
Năm nay, Chủ Nhật thứ hai của tháng Năm, ngày 13 sắp tới, sẽ là Ngày Của Mẹ tại nước Mỹ năm 2018. Mời đọc sớm bài viết mới của Song Lam. Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey.
Nhạc sĩ Cung Tiến