Hôm nay,  

Tôi Yêu Tiếng Nước Tôi

18/03/201000:00:00(Xem: 131200)

Tôi Yêu Tiếng Nước Tôi

Tác giả: Trần Hồng Linh
Bài số 2870 -1628990- vb5031810

Tác giả vượt biển, trải qua nhiều năm chịu đựng trong “trũng mù sương” -tên một hồi ký bà dành cho báo xuân Việt Báo 2010- trước khi tới được miền đất tự do.  Bà cho biết: "Ở VN, tôi chưa từng viết văn viết báo, dù chỉ là viết bích báo cho lớp học. Sang xứ người, nhận ra tiếng Việt của mình đang mất dần, tôi ráng tập viết văn. Xin đừng cười, khi văn tài trổ hoa ở tuổi tóc muối tiêu." Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà là "Bóng Xế Hoàng Hôn." cho thấy cách nhìn sâu sắc về  hoàn cảnh tuổi già nơi xứ người. Bài viết mới nhất của bà  chọn tựa đề là câu hát mở đầu “Tình Ca” của Phạm Duy.

***

Không riêng gì những đứa con tôi, chúng được sinh ra và lớn lên trên xứ người, gặp khó khăn trong Việt ngữ, tôi cũng lúng túng không kém trong vấn đề xưng hô của người Việt. 
Trong buổi đến chơi nhà bạn bè. Một chị bạn nói với tôi.
“Con bé Tracy nhà tôi, nó thích chị lắm. Vì chỉ có chị gọi nó bằng Em. Còn mấy người bạn khác, ai cũng gọi nó là cháu, là con."
Tôi quay sang nhìn Tracy, con bé tốt nghiệp đại học, cùng đợt ra trường với thằng út nhà tôi.
“Có gì lạ đâu. Tracy gọi tôi bằng cô, thì tôi gọi nó bằng em. Bởi nếu tôi còn đi dạy học, có phải Tracy là học trò của tôi không" Sao tôi không gọi nó là em nhỉ"”
Chị bạn cười xòa với lập luận của tôi.
Cô bé Tracy đứng cạnh mẹ ngơ ngác, xem chừng không hiểu tại sao mẹ nó cười. 
Thấy vậy, tôi hỏi ngay.
“Tracy, sao em không thích được gọi là con cháu"”
Cô bé ngập ngừng, liếc nhìn sang mẹ, rồi trả lời “Bởi vì, là con cháu thì phải luôn vâng lời người lớn. Là em, thì có lúc vâng lúc không.”
Tôi quay sang chị bạn “Thấy chưa" Tuổi trẻ đang làm cách mạng chữ nghĩa để đòi bình đẳng rồi đấy.”
Câu chuyện xưng hô của tôi chưa dừng nơi đó.
Tôi gặp một trường hợp khác. Lần này ở vào vị trí của Tracy, tôi được dịp phát hiện ra nhiều thứ rắc rối hơn. Tất cả cũng vì cái tôn ti trật tự, thứ bậc trong tiếng gọi nhau mà thôi.
Nhằm vào hôm lễ Giáng Sinh, tôi làm nhiệm vụ tiếp tân cho nhà thờ. Công việc của tôi là đứng trước cửa để chào hỏi mọi người và phát tờ chương trình. Tôi gặp vợ chồng ông Hoàng bước vào nhà thờ. Từ lúc ấy, tôi bắt đầu bước vào cuộc rắc rối.
Ông Hoàng đáng tuổi cha chú tôi. Dù tuổi đã gần 80, ông không lụ khụ chút nào. Ngược lại, ông còn rất phong độ với vóc dáng rất đường bệ, cao to, nghe đâu xưa kia ông có cấp bậc Tá Tướng gì đấy, tôi không tiện tò mò hỏi ông điều này. Về già tuy béo mập, dáng đi của ông vẫn nhanh nhẹn, tiếng nói lúc nào cũng oang oang như chực ra lệnh cho thuộc cấp, nhiều người khó chịu với lối nói của ông. Chưa kể, nếu gặp ông, bạn sẽ kính cẩn thưa “cụ” ngay lập tức. Bởi không những tuổi già, ông còn có nét đạo mạo với bộ râu dài, kéo chùm từ hai bên mang tai đến cằm, che kín cái cổ thấp chủn của ông. Thoạt nhìn, trông ông giống HCM thuở làm chủ tịch ăn nhiều sâm, béo tròn mặt. Tôi nghĩ thầm, có lẽ ông này muốn chơi trội sao ta. Để râu dài cho ra vẻ HCM hả.
Chùm râu là cái cớ cho ông đưa tay vuốt, rồi với một nụ cười hóm hỉnh, ông Hoàng nói "Này, đừng có đêm qua em mơ gặp bác Hồ nhá. Gặp bác rồi, thấy mất năm trăm đấy."
Câu nói châm biếm về bài hát năm xưa của đám thiếu nhi quàng khăn đỏ, mở đầu các cuộc sinh hoạt đoàn đội. Nó nhắc lại thời kỳ đầu của Sài Gòn bị đổi tên, đám học trò miền Nam vừa hát vừa lén sửa lời, cho thỏa niềm uất ức.
Tôi mỉm cười trả lời "À. Ba mươi mấy năm 'đồng chí' vẫn chưa quên 'chủ tịt' nhỉ""
Cả hai cùng cười vang. Mọi người lấy làm ngạc nhiên vì ít khi nào thấy ông Hoàng cười ha hả, ra điều thích chí đến thế.
Một hôm, khi người hướng dẫn thờ phượng của nhà thờ, vừa tuyên bố "Lễ Chung" xong, tôi vừa bước ra khỏi hàng ghế thì bị ông Hoàng giật giọng gọi lại.
Ông móc trong túi ra một mẫu giấy “Anh vừa có bài thơ đây này, cho em đọc chung."
Tôi liếc nhìn vào mẩu giấy ông Hoàng trao. Đó là một bài thơ. À, thì ra "chàng" ngồi trong nhà thờ mà có nghe lời Chúa đâu. Thấy ‘chàng’ lúi húi ghi chép, tưởng ‘chàng’ ngoan đạo ghi chép lời giảng Thánh Kinh. Ai dè, lúc ấy chàng đang hứng khởi làm thơ yêu nước!
Như vậy bạn đã thấy ông Hoàng nghệ sĩ tính cỡ nào chưa. Dĩ nhiên, người có tính nghệ sĩ thì có nhiều khác thường. Vấn đề bắt đầu ló dạng ra cho tôi.
Khi người ta gọi mình bằng Em thì mình gọi người ấy bằng gì" Bằng Anh, phải không" Không lẽ, tôi gọi người ta bằng Chú hoặc Bác!!! Và nếu tôi gọi người ta bằng Chú thì sao hở" Người ngượng sẽ là ông Hoàng, chứ chẳng phải tôi đâu nhé.
Bấy giờ tôi hiểu ra cái liếc nhìn bối rối của cô bé Tracy hôm trước đó.
Để cổ võ tinh thần người thơ, tôi dõng dạc nói "Thơ này, không chê vào đâu được. Có vần, có điệu, có tứ thơ rõ ràng. Không giống loại thơ trí tuệ thời nay, đã lạc vận mà còn như chơi trò đánh đố, đọc hoài, không hiểu gì hết."
Khỏi nói nhiều, nhà thơ ta phổng mũi với lời khen ấy. Bà Hoàng đứng cạnh chồng, tủm tỉm cười "Ông chỉ khoe được với cô Hằng chứ chẳng khoe được với ai."
Đến phiên bà Hoàng gọi tôi bằng "cô", tiếng cô trong Việt ngữ, ngoài nghĩa là em của bố, nó còn là tiếng gọi cho em gái của chồng, hoặc gọi các cô giáo và cô gái chưa lập gia đình. Vậy thì bà Hoàng gọi tôi là cô đâu có sai, chồng bà ấy gọi tôi bằng Em mà.
Nhưng tôi lại không biết gọi bà ấy ra sao" Tuổi tác bà Hoàng xấp xỉ với tuổi mẹ tôi. Gọi bà ấy bằng chị thì rõ ràng tôi thiếu sự tôn trọng với bậc trưởng thượng. Có thể, bà ấy sẽ phiền lòng, trách tôi là người không biết lễ giáo. Tôi đành gọi bà Hoàng bằng Cô, và xưng Em luôn cho tiện. Cô, ở trường hợp này là cô giáo, chứ không phải là cô em của bố, tôi tự biện hộ như vậy.
Nhiều lúc tôi cũng thấy ngượng miệng vì sự xưng hô của mình đối với ông bà Hoàng. Trong khi những người cùng trang lứa với tôi, đều gọi "Chú hoặc bác Hoàng", duy chỉ có mình tôi và ông ấy nói chuyện với nhau trong tiếng xưng hô "anh anh em em", hoặc "cô cô em em" với bà vợ ông ấy. May mắn cho tôi, việc xưng hô 'tùm lum' của tôi chỉ xảy ra khi gặp mặt vợ chồng ông ấy trong buổi nhóm cầu nguyện với năm bảy người.
Giờ đây ở chỗ đông người, từ đằng xa, ông Hoàng lớn tiếng gọi “Sao" Hằng, khoẻ không em"”
Tôi chựng lại. Lúng túng. Ơơơơơ…
Nhiều người quay đầu nhìn. Ông Hoàng toe toét cười, rảo bước về phía tôi.
Rồi nhiều ánh mắt quay về phía tôi. Trời, trời. Đừng nghĩ tôi là ‘em nuôi’ hay bồ nhí gì của ổng nghe. Tôi muốn độn thổ luôn vì cái liếc nhìn nửa tò mò, nửa miệt thị ấy. Rồi tôi lại lúng túng trong nhiệm vụ tiếp tân của mình, biết trả lời sao với câu chào hỏi cho đúng với tiếng xưng hô của người Việt. Bình thường thì không sao, đằng này tôi đang giữ nhiệm vụ ngoại giao mà nói linh tinh lang tang, còn ra cái thể thống gì của đoàn thể.
Tôi bối rối. Cười trừ.
Rất may, bà vợ ông nói luôn "Nhìn cô Hằng là thấy vui vẻ. Cô ấy cười hoài."
"Ban tiếp tân không cười, còn ai cười nữa." Tôi trả lời với kiểu nói trống không, rồi kiếm cách lẩn tránh họ.
Câu chuyện tưởng chỉ xảy ra ở môt mình tôi. Ai ngờ người bạn của tôi cũng gặp cảnh bối rối ấy.
Chị kể về công việc tiếp phôn khách hàng.
"Qua đường dây điện thoại, tôi có biết người bên kia già trẻ lớn bé ra sao. Tôi nghe giọng đàn ông bên kia đường dây, tôi chào ‘Thưa Ông'. Chưa dứt lời, tôi bị người bên kia nạt ngay “Bộ tui già lắm hay sao, chị gọi tui bằng ông."
"Thiệt khó cho chị, làm cái nghề tiếp phôn của khác hàng. Đoán tuổi qua tiếng nói trên điện thoại không dễ." Tôi an ủi chị ấy.
"Ối trời ơi, không phải vậy đâu. Đến chừng, ông khách ấy đến văn phòng tôi. Tôi gặp một “anh già”. “ Chị gằn mạnh “Anh Già. Tóc đã bạc phơ phơ, mà vẫn khăng khăng chưa chịu nhận mình đang tuổi ông nội, ông ngoại."
"Thôi, thông cảm cho ổng đi. Chắc ổng mới đi du lịch VN về, ổng vừa gặp các bé luôn miệng nói 'anh iu vấu' (anh yêu dấu) nên ổng tưởng mình đang tuổi xuân thì"
"Chắc lần sau tôi nhắc khéo ổng nên nhuộm tóc để ổng dễ xưng anh hơn."
Chúng tôi cùng cười và lắc đầu, chịu thua cái tiếng Việt phong phú đến nỗi đầy rối rắm.

*
Từ khi tôi tập viết Văn, tôi thấy mình lúng túng hơn nữa trong ngôn ngữ Việt. Gọi nhân vật của mình bằng gì đây nhỉ" Gọi "Chàng và Nàng" nghe sao kỳ kỳ. Bởi nói đến chàng, người ta hình dung ra một người đàn ông đang yêu và trẻ tuổi. Nhưng nói vậy không đúng, người già cũng yêu vậy. Vẫn có những mối tình ở tuổi bạc đầu, “Chàng” lọm khọm dắt tay “Nàng” trong Hội Chợ Xuân mà. Tôi ngắc ngứ, chịu thua. Không thể chọn “Chàng” cho câu truyện Tình Muộn được, dẫu rằng “chàng” rất đáng được hưởng những mật ngọt của hương tình. Vậy thì chọn chữ nào để cho câu truyện đầy mùi mẫn, lâm ly" Bí lối, tôi nghĩ hoài chưa ra.


Sang đến “Nàng”, Cô Nàng, chắc đường được. Dẫu sao chưa đến nến nỗi thấy cằn cỗi già nua lắm, nàng có thon thon hình vại, hình chum, nàng có di chuyển ạch è như con vịt bầu, nàng vẫn yêu như thường. Yêu chồng, yêu con và đôi lúc nhớ về mối tình cũ năm xưa. Lãng mạn vô cùng. Có điều thấy, “Nàng” như lạc vào thời kỳ của thế kỷ trước, thời mà tác phẩm của Lê Văn Trương, bà Tùng Long chiếm nhiều chỗ trên thư mục. Xưa như ‘Diễm’.
Tôi xoay sang cắt bỏ chữ Nàng, để lại chữ "Cô". Chữ C lúc này được phát âm bằng chữ K, nghe cứng ngắc. Đã vậy, nếu nhân vật nữ đã có con cái và gia đình, thì tiếng Cô lại không thích hợp cho lắm. Cô, thông thường trong văn chương VN là người trẻ trung, yêu đời. Vậy thì nhân vật Yêu Muộn của tôi, tóc đã điểm sương thì làm sao gán cho cái chữ Cô. Giả như có gọi bằng "Bà", người đọc sẽ tưởng tượng ra một nhân vật già nua, lụ khụ, võng mạc lờ đờ như mắt cá ươn. Hết hứng thú.
“Gọi bằng chị, có dị lắm không"” Tôi dò ý người bạn.
"Ồ! Sao tiếng chị lại không được" Có gì trục trặc" Sợ là chị ở chị sen hả""
Thế này nha. Hôm tôi được đọc bài viết trên báo điện tử, giới thiệu về thơ Trần Mộng Tú. Bài viết phân tích về thơ rất hay, chẳng có điều chi chê trách cả. Nhưng sao tôi vẫn lấn cấn ở câu gọi Trần Mộng Tú bằng "Chị" của người viết.
"Chị" Trần Mộng Tú hả" Phải là nữ sĩ hoặc nhà thơ Trần Mộng Tú chứ.
Gọi 'chị' cho thân mật đó. Tạm chấp nhận vậy đi.
Ừ! Cứ cho rằng ngoài đời gọi thế cũng tạm được. Nhưng khi đã viết thì không được. Văn viết khác văn nói. Văn về lý luận, nghiêm túc phải biết. Thế thì bài bình luận chưa chỉnh. Chưa chỉnh chỗ nào"
Không thấy ư" Ngàn năm sau, Đỗ Phủ vẫn là Đỗ Phủ, không thể là ANH Đổ Phủ làm thơ đâu nhé. Cũng thế, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Xuân Diệu, Tô Thùy Yên, Trần Dạ Từ, Trần Mộng Tú .... là những thi sĩ, thế giới thi ca là thế giới của những tâm hồn đầy rung cảm, họ là tiếng nói của nhân loại, tên của họ vang lừng theo thời gian, nói cách nôm na: Họ có tên mà không có tuổi. Tôi tự nhủ mình: Đừng có vớ vẩn ghép từ ngữ ‘anh, chị’ lung tung vào bài bình luận thơ, ra điều ta đây thân với nhà thơ, bắt quàng với người sang chỉ tổ làm trò cười cho thiên hạ thôi.
Đến đây, hẳn bạn sẽ bảo tôi khó tính phải không" Gọi anh gọi chị mà cũng bị chỉnh sửa.
Tôi không phủ nhận sự khe khắt của mình.
Ai lại, không thân không quen mà cứ “anh chị em”. Vô duyên.
Thật ra, nguyên nhân là như thế này.
Hồi Sài Gòn bị thay đổi chủ, chính quyền mới được lập lên bởi người phương Bắc, họ dùng tiếng gọi "Anh,Chị" cho tất cả mọi người. Già trẻ lớn bé đều ngang hàng như nhau. Không có chuyện tôn trọng tuổi tác danh xưng đâu. Có khi còn ngược lại, đằng khác. 
Phải thôi, người ta là người nắm quyền lực mà. Láng cháng là lảnh đạn đó, không đùa đâu.
Đúng vậy. Ở mùa đổi đời ấy, buổi tối, dân trong phường xóm bị lùa vào một cái sân trường học để nghe thuyết giảng về chính sách mới. Lúc ấy, không lẽ “anh” cán bộ đứng trên bục, tay nắm chặc cái micro lại "Thưa quý vị, hoặc thưa ông thưa bà".
Làm gì có, đừng hòng.
Giọng phát ra từ cái loa luôn mở đầu "Tôi nói, các anh các chị có nghe rõ không""
Hẳn nhiên rõ, đâu có điếc mà không nghe được.
Buổi học tập cứ thế diễn ra. Nơi phía trên, ngọn đèn leo lét hắt cái bóng của tên cán bộ xuống nền đất. Bổn phận của tên cán bộ là đọc bài báo Nhân Dân. Cứ thế hắn ê a. Còn bổn phận đám dân đen là ngồi trên nền đất, nghe hay ngủ, mặc kệ. Miễn đừng làm ồn ào, đừng láo nháo là được rồi. Có tê cẳng thì thỉnh thoảng chuyển đổi thế ngồi nha.
Tiếng côn trùng rỉ rả trong bóng tối. Tiếng đập muỗi vang lên từ đám khán giả bất đắc dĩ.
Vài tên băng đỏ lo việc giữ trật tự, đứng rãi rác quanh đám dân. Chúng bồng khẩu súng AK trong tay nhăm nhe như lo sợ người dân nổi loạn.
"Này, chị kia, đi đâu đó" chị ở tổ mấy, sao lộn xộn thế""  Giọng quát nạt vang lên.
Nghe tiếng hạch hỏi của tên công an, mọi người ngoái đầu lại nhìn.
Một người đàn bà luống tuổi đang lui cui đứng dậy, bước ra khỏi hàng.
Ồ, đó là bà Tám ở xóm tôi. Bà Tám khúm núm thưa gửi, xin phép đi vệ sinh.
Đám ngồi trong hàng khều tay nhau, cúi gầm mặt, cố nén tiếng cười khùng khục bật ra. Bọn tôi biết tỏng tên công an sẽ thua trí bà Tám. Đúng là bà già đang giở trò tính kế để trốn về nhà đó mà. Thôi, thương cho bà ấy một chút, có nghe bà Tám “thưa anh” với thằng nhãi ranh đáng tuổi con bả không" Lần sau em sẽ bắt chước bà Tám, trốn về. Không được, muốn về nhà thì phải chia phiên nhau đi. Nhưng không đến lần mày đâu, ưu tiên cho bà Tám thôi. Bả còn ngồi nghe cán bộ độc diễn, lấy ai đãi đậu nấu xôi cho buổi sáng sớm gánh ra chợ bán. Đảng có nuôi đàn con nheo nhóc giùm bà ấy đâu hử. 
Đó, bạn thấy chưa. Hỏi sao tôi ghét tiếng "Chị". Chưa kể là thằng oắt công an hộ khẩu hay đến nhà tôi "anh anh em em" với ông bố tôi. Bố tôi ầm ừ vài ba câu rồi tránh mặt, để mẹ tôi ra mời trà nước. Chút sau, hắn ra về, trên tay có vài gói thuốc lá.
Mẹ tôi xuýt xoa than tốn kém “Anh anh chị chị gì với nó. Thằng ấy chỉ nhỉnh hơn con mình đôi ba tuổi thôi chứ mấy. Thứ chỉ đến vòi vĩnh thuốc lá.”
Bố tôi cười. “Tốn vài gói thuốc lá mà mình được yên thân, giá còn rẻ chán. Chẳng hơn, bị nó hạch hỏi mấy đứa con mình đi đâu, mà sao nọ nay không thấy trong xóm.”
Mẹ tôi bĩu môi nói: “Thì chúng nó đi vượt biên, tìm đường cứu nước. Chứ đi đâu!”
Sài Gòn bị đổi tên, bộ mặt thành phố trở nên tối hãm cùng với màu sẫm đen trên quần áo của người dân. Màu sắc tươi vui bị mất. Mất luôn cả những tiếng gọi trang trọng dành cho nhau. Thay vào đó là "Anh A, Chị B", tiếng gọi cho tất tật già trẻ lớn bé, nghe xách mé sao đâu. Bần cùng hóa kinh tế chưa đủ, người ta bần cùng, làm nghèo luôn cả ngôn ngữ nữa sao"
Từ đó tôi bất mãn với những người lạm dụng chữ “anh, chị”. Trong tiếng Việt há không còn chữ nào chính xác hơn nữa ư"
Tôi phàn nàn với thằng con. 
"Má muốn viết về nhân vật Nữ mà không biết gọi bằng gì"" .
 Thằng con cười to, đề nghị "Má viết tiếng Anh đi, chỉ có You and I. It's easier."
"Không được, tiếng You and I trong Anh văn có một cái dở là làm cho người đọc khó hình dung ra tuổi tác của nhân vật, mối quan hệ giữa các nhân vật. Do đó tác giả phải có những đoạn giới thiệu gia phả rất dài, chán lắm. Đã vậy còn không mang tính cảm xúc như tiếng Việt. Đọc truyện Anh ngữ sẽ thấy Pronouns của họ rất nghèo, nhân vật bà ngoại, mẹ và con gái mà chỉ có một chữ "She", vừa đọc vừa luận, "She" nào đây" "She" mẹ hay "She" con" Rồi đến chữ “He”, già cũng He, Trẻ cũng He. Sao bằng tiếng Việt, có chữ Lão, Già, Ông, Chú, Bác, Hắn, Gã, Y…đọc lên là biết nhân vật ấy ở vị trí nào trong xã hội, quan hệ ra sao trong gia đình và biết luôn góc nhìn của tác giả như thế nào. Bởi vậy khi đọc tác phẩm người di dân viết bằng Anh ngữ, thấy chán phèo, nếu không muốn nói là dở. Chắc chắn ít người da trắng đọc sách của tác giả immigrants. Và có đọc, chẳng qua người ta tò mò, muốn biết người da vàng nhìn người da trắng ra sao. Hoặc giả họ muốn đồng hóa mình dần dần trong đời sống Tây phương bằng cách khuyến khích viết Anh ngữ tham gia giòng chính. Chứ làm sao có sự đồng cảm, trừ phi họ ăn nước mắm như mình." Tôi thuyết giảng một hơi dài (sao thấy mình giống tên cán bộ tuyên truyền năm xưa quá đi.)
 "Má nói sao, Lê Nam, tác giả The Boat là người Việt đó."
"Yes. I know. Nhưng con phải nói thêm Lê Nam không biết nói tiếng Việt nghe con."
Thằng con nghe tôi trả lời với nó bằng tiếng Anh, nó biết má nó bắt đầu nổi quạu. Thằng bé im luôn.
Từ ngoài đời đến trong truyện, tôi đều bị lúng túng về cách dùng Đại Từ, vậy mà Mơ Làm Văn sĩ. Hèn chi, mãi mãi tôi vẫn chưa hạ bút cho quyển truyện tình yêu. Người ta nghe được, sẽ không dứt trận cười ngặt ngheõo.
Nhưng xem chừng mộng viết tiếng Việt của tôi khó lòng chấm dứt. Càng lúc tôi càng yêu tiếng nước tôi, tôi không muốn nó bị mai một ở đời sau, dẫu biết rằng sách truyện Việt ngữ ngày càng ít dần. Không những thế, tôi còn muốn nó hồi phục trở lại sau một thời gian rơi vãi trên đoạn đường xa xứ, bởi người ta cứ chêm nửa Việt, nửa Mỹ trong câu nói. Nghĩ đến điều ấy, tôi bắt đầu gõ máy, tuôn tràn ý tưởng trên bàn phím. Thử xem mình viết Việt văn ra sao.
Trần Hồng Linh

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,303,968
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX. Sau nhiều năm làm công việc khai thuế tại vùng Hollywood, cô và gia đình hiện đã rời Los Angeles để trở thành cư dân quận Cam.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương. Nay hai bút hiệu hợp nhất, thành một tác giả thân quen của sinh hoạt Việt Báo. Tác giả hiện cư trú và làm việc tại miền Bắc California. Bài mới của cô dành cho ngày Lễ Halloween
Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2014. Cô sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018. Ông tên thật là Chu Văn Huy, cựu tù, vượt biển, hiện là cư dân San Jose, đã nghỉ hưu sau 37 năm làm việc cho các hãng điện tử tại Silicon Valley - Thung lũng Hoa Vàng, California. Đây là bài mới nhất của Ông.