Hôm nay,  

Gia Tài Của Má

14/02/201000:00:00(Xem: 287049)

Gia Tài Của Má

Tác giả: Tịnh Tâm
Bài số 2864 -1628964- vb8021410

Tác giả cho biết cô là cư dân vùng Little Saigon, đã góp một số bài viết về nước Mỹ,  cho thấy tấm lòng và cách viết chừng mực, lạc quan. Báo xuân Việt Báo Tết Canh Dân 2010 có truyện Phạm Hoàng Chương; “Gia Tài Của Mẹ” kể về một bà mẹ trong nước. Hôm nay, số báo Tân Niên Canh Dần, xin mời đọc thêm chuyện “Gia Tài Của Má”, kể về một bà mẹ H.O. tại hải ngoại.

***

Má thường vui vẻ khoe với mọi người:
- Nhà tui bây giờ mỗi lần họp mặt khoảng hơn ba chục người… Gia tài của tui đó.
Má sẽ có cảm tình ngay với vị nào chịu khó lắng nghe má kể má có bao nhiêu con bao nhiêu cháu. Bọn chúng ra sao, vân vân và vân vân… Kẻ nào chẳng thèm quan tâm tới số lượng, chất lượng con cháu của má, khi về nhà, chân vừa bước vô nhà má sẽ càm ràm liền, người gì mà hổng tế nhị, hổng dễ thương chút nào… (dĩ nhiên kẻ kia không nghe lời nhận xét nầy.)
Nhưng đừng tưởng má hoàn toàn mãn nguyện với đại gia đình hơn ba chục người của má. Thỉnh thoảng má thở dài, phân bì nhà bác Ba tổng cộng hơn năm chục người, nhà dì Bảy tới gần trăm người…
Tiếp theo phần mở bài: “Nhà tui bây giờ mỗi lần họp mặt lại khoảng hơn ba chục người…” là phần thân bài:
- Hồi năm bảy lăm, tui dẫn cả bầy con chín đứa chạy loạn. Chạy từ miền Trung vào tới Sài Gòn. Đứa nhỏ nhất còn ẵm ngữa. Vậy mà tất cả đều bình an. Ổng đi tù, rừng thiêng nước độc. Tui dắt bầy con líu chíu đi kinh tế mới, chân lấm tay bùn chỗ khỉ ho cò gáy. Rồi ổng về bình an. Ở nhà thảy đều bình an. Chương trình HO, nhà tui đi phỏng vấn, ngồi chật kín căn phòng. Đậu tuốt…
Người nghe chú ý thì OK, nếu lơ là, má ho, má tằng hắng, rồi tiếp:
- Hồi mới qua đây, cả nhà cực dữ lắm. Tui với ổng lãnh đồ về may, cắt chỉ. Sắp nhỏ đi học, đi làm đủ thứ nghề. Được cái, đứa nào cũng ngoan hiền, lo học lo làm… Giờ nhà tui có đủ: kỹ sư, bác sĩ, dược sĩ, giáo viên…
Tới khúc nầy má sẽ tạm ngưng, miệng nở nụ cười tươi roi rói, đưa ánh mắt sáng rỡ nhìn người đối diện, dò xem thái độ. Người nghe gật gù tán thưởng thì má vui lắm lắm, sung sướng lắm lắm. Má tin, ai cũng phải khâm phục đại gia đình của ba má… (Đôi lúc, đêm nằm nhớ lại, má hơi mắc cỡ ngường ngượng vì thấy, hình như mình khoe khoang). Nhưng sau đó, đâu laị vào đấy. Lại mở bài: Cuối tuần họp lại hơn ba chục người. Rồi thân bài… Rồi kết luận. Vanh vách. Rất tròn trịa, chặt chẽ. Và má tự an ủi: Úi dà, hổng sao đâu, mình kể trúng chóc chuyện nhà mình, hổng thêm bớt gì! Biết đâu, ai đó nghe chuyện nhà mình, về kể cho nhà họ nghe, coi như bài học cho con cháu  nhà họ, cũng hay.
Và đây mới là phần chính của thân bài, quan trọng nhất, dài nhất, má đầu tư nhiều công sức nhất! Đây là đề tài, mà đối với má là hồng ân lớn nhất Chúa  đã ban cho gia đình má: “Cứ vào cuối tuần con cháu má tập họp lại đông đủ, khoảng hơn ba chục người!”
Hồi trước, cuối tuần chỉ một mình má lo nấu nướng để bầy con cháu của má tới ăn. Ngày nọ, mấy đứa lớn chợt nhận ra má đi lại đã chậm chạp, ngồi xuống đứng dậy khó khăn. Má đã khổ cả một đời, giờ má già rồi vẫn cực như vậy thì thương quá. Bàn tới bàn lui, mọi người đồng ý là, mỗi đứa con chịu trách nhiệm chuyện ăn uống một tuần. Như vậy  hơn hai tháng mới hết một vòng. Tới phiên đứa nào làm tại nhà đứa đó. Nhà đứa nào chật thì tới nhà ba má làm. Nhưng thường thì đứa nào cũng thích làm ở nhà ba má, vì… có má… phụ.
Cuối tuần, chừng sáu giờ chiều lần lượt những chiếc xe nối đuôi nhau xếp hàng trước nhà ba má. Đứng trong bếp, qua khung cửa sổ, chỉ cần thấy cái xe là má biết đứa nào. Má chạy ra cửa, đón từng đứa, nhất là đón mấy cháu nhỏ. Nè, cu Hùng, Bé Huệ, bé Hồng…  A, thằng Tí, thằng Tèo, cu Thích, bé Tư,… Nào bé Mai, bé Ân, cu Tủn, cu Tĩn... Kìa thằng Gấu, bé Nhè... Đứa nào đứa nấy ngoan ơi là ngoan. Bước vào là vòng tay cung kính chào ông bà nội, ông bà ngoại, chào bác, chào chú thím, cô, dì, dượng… Đâu ra đó! Nhà đông quá, chào mỏi cả miệng. Có điều, sau mỗi lời chào thì được khen ngoan nên bọn nhóc cũng khoái chí, cười toe. Chúng cứ như công chúa, hoàng tử, xinh xắn và thơm phức, hun miết hổng chán.
Sau đó thì ăn. Vì chia phiên nên ai nấy cũng cố làm cho ngon (riêng cái vụ nầy thì cần hoan hô tinh thần… háo thắng!). Món nào cũng ngon.  Đông vui- ngon. Vừa ăn vừa trò chuyện rôm rả- ngon. Ai nấy đều muốn bể bụng!
Ăn xong thì con gái con dâu rửa chén, con trai con rể dọn dẹp bàn ghế, đổ rác, hút bụi, chùi nhà…
Kìa, ở phòng family, bọn nhỏ đang giỡn tưng bừng với bác Đăng (có đứa kêu cậu, đứa kêu chú). Bác làm ngựa cho từng đứa cưỡi. Lưng bác mập ú, mông bác mập ú, bọn nhỏ tha hồ ngồi êm ái. Bác Đăng rất mê hoạt động xã hội, tham gia nhiều việc có ích cho cộng đồng. Bác đặc biệt mê con nít nên bác được bọn nhỏ thương nhất. Chán cưỡi ngựa, bọn nhỏ đòi chơi trò xe lửa. Bác Đăng làm đầu tàu, ục à ục ịch kéo theo sau lũ nhóc làm các toa tàu. Đoàn tàu hét um lên: Xình xịch, xình xịch… Bé Tư, bé Huệ nhỏ xíu, chạy theo không kịp, té lăn tròn xuống sàn, không thèm khóc, lại cười khúc khích, vội bò dậy để kịp nối vào đoàn tàu. Còn nhiều trò chơi khác mà bác Đăng và bọn nhỏ không bao giờ chán…
Trong phòng khách, nhóm phụ nữ gồm các cô con gái, các cô con dâu đang túm tụm trò chuyện. Đủ chuyện trên trời dưới đất. Rồi cười ngặt nghẽo. Ngoài garage, nhóm đàn ông gồm con trai con rể chơi cờ tướng, lai rai chút xíu bia.Thỉnh thoảng cười vang. Ba vào phòng riêng, ngồi trước computer, lên mạng xem thời sự. Phần má, lăng xăng chạy tới chạy lui, từ nhóm nầy sang nhóm kia, cười luôn miệng, vui vẻ mãn nguyện lắm. Dù lát nữa bọn con cháu rút về, má tha hồ dọn dẹp.
Tuần rồi, vợ chồng Danh đúc bánh xèo: 10 túi bột, tính ra hơn 2 trăm cái bánh xèo, ăn từ chiều tới tối, hết veo. Má tính trung bình mỗi người lớn ăn … 9 cái! Má nói, khuôn mặt sáng bừng niềm vui:
- Ăn được nhiều tức là khỏe mạnh. Con cháu đông là nhà có phúc.
Má kể, nhà ông A gì đó, con cháu hổng thèm về. Thỉnh thoảng ông bà A nấu được món ngon, phone chúng, năn nỉ thiếu điều rát cổ họng, chúng cũng không thèm về. Chúng có thừa lý do để không thèm về. Có lần tình cờ tới nhà ba má chơi, thấy cảnh gia đình nầy vui vầy đông đúc, ổng bả tủi thân, nghẹn ngào, rớt nước mắt. Nhà bà B gì kia, bả chết một mình, con cháu không hay…


 Phần má, má thấy má quá có phước. Gia đình má tràn đầy ơn lành. Má có nấu nướng dọn dẹp cực chút xíu cũng không sao. Thật ra, động đậy chân tay cho khỏe người thôi mà. Bao nhiêu ông bà già thèm được cực như má mà không được. Má vốn siêng năng, lại khéo tay. Má biết làm nhiều món, món nào cũng ngon. Đám con gái, con dâu má đều chào thua má cái “dzụ” nữ công gia chánh. Bên cạnh má lúc nào cũng có rổ len đan dở, có thể cái áo, cái khăn quàng cổ cho ai đó. Con cái má, từ lúc mở mắt nhìn má, đã thấy hình ảnh má gắn liền với cặp que đan, đến nổi quen mắt, thấy rất bình thường. Phục sát đất nữa là má còn biết chơi đàn mandolin, guitar.  Hồi trẻ má hát  hay lắm. Chuyện đàn hát nầy tưởng chừng khó tin nhưng đó là sự thật!
Vào các dịp lễ lạt, má luôn tự làm nhiều món: Nem, chả giò, dưa chua… Miếng nem của má vừa đẹp vừa ngon lạ lùng. Món đặc biệt nhất của má là bánh ít lá gai! Có mấy cây lá gai ba trồng ở góc vườn, má canh chừng hễ cây gai ra lá, má hái vào bỏ tủ đá để dành, khi nào cần má sẽ đem xay bằng máy xay sinh tố, rồi má lượt bỏ xác. Thế là má có nước lá gai nguyên chất đậm đặc màu xanh sậm, thoang thoảng hương thơm. Bánh ít lá gai là đặc sản của má, không bao giờ bị “đụng hàng”. Khách mời sau khi no nê, ra về được má dúi vào tay túi bánh ít lá gai.(vị khách nào trầm trồ nhà má đông vui, phước hạnh, túi bánh sẽ nhiều hơn.)
Nhớ hồi xưa, những xế trưa má rảnh rổi ngồi đan móc, vá khâu, thỉnh thoảng má ngữa lòng bàn chân,  lấy mũi kéo cạy ra cái cục da chai  cỡ chừng hột tiêu, có khi còn to hơn. Xong má xoa xoa cái lỗ mà cục chai để lại, thở phào: “Coi bộ êm rồi!”. Cu út cũng ngữa lòng bàn chân rờ tìm, thắc mắc: “ Sao con hổng có"”. Má hôn em, âu yếm:“ À, má mang nó cho con rồi.” “Sao má phải cạy nó ra"” “Vì nó chai cứng, cộm lên,  đi nhói chân lắm. Có khi nhức thốn tới tận óc!” Hình như cục chai ở hai lòng bàn chân má ngày càng to và sâu hơn. Có bữa má cạy cạy,  khoét khoét hồi lâu. Hai cái lỗ rộng và trũng hơn mọi lần, lớp da  lùi xùi, ửng đỏ. Có thể nhét vừa hột bắp! Má nhón tới nhón lui vài bước, xuýt xoa kêu rát. Nhớ, chiều đó, má phải đi bằng đôi bàn chân nghiêng.
 Nhớ hồi xưa, ngoài việc làm ruộng, má còn đi bán hàng rong. Thường trời chưa sáng, bầy con má còn đang say sưa nằm mơ, má đã nhè nhẹ  gánh hàng đi, mãi cho đến trưa trờ trưa trật mới về tới nhà. Và đôi chân của má đã rảo khắp các nẻo đường, cùng làng cuối xóm. Những con đường mùa nắng đất gồ ghề khô cứng, phồng rộp cả chân. Mùa mưa nhão nhoét sình lầy ngập gót, phải cẩn thận gượng từng bước một, những ngón chân phải quặp lại bám chắc vào lớp đất cứng phía dưới lớp sình, kẻo bị trợt té. Và má vẫn bước đi, với đôi chân có cục chai! Vậy mà lúc nào má cũng cười đùa vui vẻ. Má ít khi kể lại những chuyện ngày xưa má vất vả, nhưng bầy con của má thì nhớ. Nhớ lắm. Còn nhiều chuyện để nhớ lắm…
Mải mê, lan man kể chêm xen thêm chuyện hồi xửa hồi xưa vào phần thân bài của má, suýt quên phần kết luận vô cùng quan trọng. (quên cái “dzụ” nầy là bị má rầy như chơi!). Với nét mặt nghiêm trang, giọng trầm xuống, má kết luận như vầy:
- Tất cả đều là hồng ân của Thiên Chúa! Chúng tôi luôn được Chúa yêu thương, gìn giữ, ban ơn. Hơn ba chục người chứ ít gì! Gia tài của tui đó! Cám ơn Chúa!
Vậy là bài văn của má tròn trịa, đầu cuối tương ứng, khéo lạ lùng.

***
Hổm rày, sắp Tết Nguyên Đán, đương nhiên lá gai đã nằm sẵn trong tủ đá từ hồi nào. Ngoài patio, trên bàn bóng bàn, lủ khủ khay phơi dưa món: Đu đủ xanh, cà rốt, củ cải trắng. Ba muốn ăn củ kiệu nhưng ở đây không có kiệu tươi, mà kiệu làm sẵn thì má sợ hóa chất. Ba đành chịu thua.
Má cũng chuẩn bị tư thế gói bánh tét. Lá chuối, nếp, đậu xanh đầy đủ.
Mai má sẽ kêu đứa nào rảnh chở má đi chợ. Thịt heo đem về gói ngay sẽ ngon hơn thịt rã đông. Má nhắm bữa nào cô con dâu trưởng nghỉ làm, má sẽ nhờ. Nàng dâu trưởng gốc miền Tây chính hiệu, gói bánh tét giỏi hết biết luôn. Còn bây giờ má đang xắt gừng để làm mứt. Trời Cali lành lạnh, nhâm nhi lát mứt gừng ngọt lịm cay xè rồi nhấp ngụm trà nóng thì hạnh phúc nào bằng"
Ngoài vườn, dưới ánh nắng trong trẻo tinh khôi của ban mai, cây đào đang nở hoa, những cánh hoa mịn màng màu hồng phấn gợi nhớ… Má bỗng lặng im nhìn theo đám mây trắng bồng bềnh giữa bầu trời mênh mông xanh ngan ngát… Mắt má thoáng buồn. Bỗng má vội vội vàng vàng vào nhà đem bì heo ra phơi để chuẩn bị làm nem. Rồi má nhắm tới nhắm lui, bàn với ba, sẽ chặt nhánh nào đẹp nhất đem vô nhà chưng.
 Nay mai sắp nhỏ lại đem tới nhà ba má bao nhiêu là hoa, bánh kẹo. Nhà ba má vẫn giữ được nếp sống, lễ nghi, phong tục của người Việt Nam. Nhà ba má lại dư dật thức ăn đồ uống Tết, rực rỡ  sắc màu mùa xuân tươi thắm. Và tràn ngập tiếng reo cười.
 
***
Chiều cuối năm, ba mươi tháng chạp, lại trúng ngày thứ Bảy, thuận tiện
mọi bề. Bầy con má kéo tới. Từng chiếc xe hơi lần lượt rà chầm chậm rồi xếp hàng nối đuôi nhau trước nhà. Chỉ trong thoáng chốc, ngôi nhà ba má rộn rã tiếng nói cười. Thức ăn đã bày sẵn trên bàn. Bánh tét, dưa món, nem, chả lụa, dưa cải, hành chua, thịt kho trứng thơm nức mùi nước dừa… Dĩ nhiên không thể thiếu rổ bánh ít lá gai đầy vun.
Ba  má ngồi trên sô pha. Vẻ mặt rạng ngời hạnh phúc. Bầy con cháu lao nhao xếp hàng chúc tuổi, hàng dài quá nên phải uốn khúc rồng rắn. Những bản nhạc xuân vang lên nhè nhẹ. Sống nơi đất khách quê người kiểu nầy có khác gì quê hương bản quán mình! 
Đám rồng rắn trước mặt ba má đang cười giỡn tít mắt tít mũi. Má nhẩm đếm gia tài của mình (coi bộ thích đếm lắm): Chín đứa con cộng với chín dâu rể cộng với ba má vào là chẵn hai chục. Cộng mười bốn đứa cháu. Cả thảy ba mươi bốn người. Má thầm tiếc, giá như tụi nó chịu khó đẻ như ba má thì ngày nay gia tài má phải hơn trăm người! Ăn đứt nhà dì Bảy là cái chắc! Nhà dì Bảy độ chín mấy người là cùng! Tức thiệt! Mà thôi, nhìn lên hổng bằng ai chứ nhìn xuống hổng ai bằng mình.
Mấy thằng quỷ sứ nghịch tặc đòi ba má hun nhau! Ba má lỏn lẻn mắc cỡ rồi cũng đành chìu. Hai khuôn mặt nhăn nheo áp vào nhau. Bầy con bỗng lặng người, xúc động muốn rưng rưng nước mắt. Rồi cả nhà vỗ tay hoan hô ba má. Chúc mừng ba má. Đứa nào đó chụp hình tanh tách. Kêu sẽ post lên mạng internet cho mọi người chiêm ngưỡng chơi.
Bữa nay đám con trai con rể, con gái con dâu xúm lại đánh bài tứ sắc. Má cũng vui vẻ tham gia. Ba thì hồi chiều giờ loay hoay với mấy chậu bông trước sân nhà nên hơi mệt. Lại ngồi lâu nên mỏi cái lưng già. Gần bảy năm tù đày làm ba  yếu nhiều rồi. Ba nhè nhẹ vào phòng riêng, mở cái máy hít bé tí tèo teo, lên giường nằm đắp mền nằm coi tivi. Các đài tiếng Việt cũng đang rôm rả chuyện Tết Việt.
Công nhận nhà mình vui quá chừng vui!
Tịnh Tâm

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,953,042
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.