Hôm nay,  

Gia Tài Của Mẹ

13/02/201000:00:00(Xem: 441985)

Gia Tài Của Mẹ

Tác giả: Phạm Hoàng Chương
Bài số 2863 -1628963- vb7021310

Phạm hoàng Chương là tác giả  nhận Giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2009, với các bài viết góp cho giải thưởng năm thứ 9, trong số này có bài "Xóm Hoang" kể chuyện một cô gốc Việt đạt giấc mơ Mỹ trước tuổi 30, sống giữa một khu xóm hợp chủng đầy khó khăn thời kinh tế suy thoái. Là một nhà giáo vui vẻ mà nghiêm túc, có hồi ông từng bị bà con đồng hương bắt làm Chủ Tịch Hội Ái Hữu Ninh Thuận. Ông chủ tịch và ông thầy nay về hưu, an cư tại Riverside, Nam Cali, góp thêm nhiều bài viết giá trị,  rất được bạn đọc tán thưởng. Ngày cuối năm, mời bạn đọc truyện ngắn Phạm Hoàng Chương trích từ báo xuân Việt Báo Tết Canh Dần 2010, về một bà mẹ tử tế an nhàn tại quê nhà và bầy con tản mát khắp thế giới.

***

Hôm ấy là ngày lễ thượng thọ 80 tuổi của bà Phụng. Ba người con theo ước hẹn về Cần thơ tổ chức làm lễ sinh nhật thật lớn cho mẹ. Anh cả Đức 50 tuổi làm việc ở Saigon cho một công ty Nam Hàn, lái xe đưa vợ và hai cháu trai gái về quê. Anh hai Trí 45 tuổi (vượt biên qua Úc 30 năm trước) đang làm việc cho công ty giày dép ở Melbourne , kéo cô vợ Úc tên Yvonne cùng ba con nhỏ bay về. Cô Linh 42 tuổi, dã một lần ly dị, hiện còn độc thân, cũng từ Mỹ về. Cô tốt nghiệp Cao học mỹ thuật, làm cho một hãng chế tạo đồ sứ ở Colorado.
 Ngôi nhà 2 tầng ở Cần thơ. do ông ngoại Đức xây từ thời Đệ Nhất Cộng Hoà của  ông Diệm, nằm trong một khu vườn rộng 5 mẫu trồng đầy cây ăn trái, chôm chôm, măng cụt, sầu riêng, cam, bưởi... có cả một cái ao rộng gần sông, trời nóng con nít người lớn hay ra đó bơi lội. Sau khi miền Nam sụp đổ, nhờ anh em ông Phụng lúc xưa  tham gia Việt Minh kháng chiến chống Pháp, được thưởng nhiều huy chương, nên nhà nước cộng sản ở địa phương không dám sung công cơ ngơi đồ sộ này, để yên cho bà Phụng tiếp tục ở với ba con sau khi ông chết năm 1980. Không chịu nổi chế độ hộ khẩu kềm kẹp và công an trị độc tài, Trí và Linh theo người quen đi vượt biên lần lượt lọt sang Úc và Mỹ. Đức, anh cả, không nỡ bỏ đi, hy sinh ở lại với mẹ, giúp trông coi vườn tược cho đến khi lên Saigon học và đi làm. Bà Phụng may mắn được một người bạn học cũ góa chồng không con dưới Sa đéc, dì Ba Quỳ, nhận lời tới ở chung coi sóc nhà cửa bếp núc và chăm sóc sức khỏe cho bà. Việc tưới bón vườn tược, thu hoạch cây trái hàng năm đã có người bà mướn phụ trách không phải lo.
Hôm lễ thượng thọ 80 của bà Phụng đúng vào mùa nghỉ hè, vui lắm, trẻ con 5 đứa cháu nội ríu rít tung tăng khắp vườn, leo cây, vạch bụi, chơi trò tìm kho báu. Con chó cũng cuống quít chạy theo kêu ăng ẳng chen lấn chơi với tụi nhỏ. Kiều, 17 tuổi, sắp lên lớp 12, là con gái lớn anh Đức tổ chức cuộc chơi, để ý trông coi các em nhỏ leo trèo nghịch ngợm. Tuấn, em Kiều, học lớp 10, bằng tuổi với Mark, con Trí, làm quen nói tiếng Anh với nhau xem ra coi bộ tương đắc. Dì Quỳ loay hoay trong bếp nướng gà, làm bánh, chốc chốc nhìn ra cửa sổ coi ngó lũ trẻ chạy nhảy. Mấy người lớn lâu ngày gặp lại nhau tụ tập ở bàn ăn ngoài vườn, vui vẻ nói chuyện nổ như bắp rang. Đức khui một chai rượu champagne đem ra, bọt rượu bắn vọt ra ướt một khoảnh khăn trải bàn, lật đật bịt cổ chai, chế vào ly của mẹ, rồi ly của vợ và các em. Bà Phụng như trẻ lại 10 tuổi, tươi cười rạng rỡ, tíu tít nói chuyện.  Đã lâu bà mới gặp lại đông đủ các con, nhất là Trí và Linh ở xa, mấy năm mới về một lần. Thấy con dâu Úc nói lơ lớ được chút tiếng Việt, bà rất ngạc nhiên, chốc chốc thích chí cười hoài. Bỗng Trí chạy vô nhà lấy ra một món quà gói giấy màu ra tặng mẹ. Bà Phụng cảm động mở ra:
- Ồ, điện thoại.. mà chi tới 3 cái dữ vậy" Mẹ xài cái cũ ở nhà được rồi.
- Để mẹ gắn 3 nơi, nhà bếp, phòng ngủ, phòng khách, khỏi mắc công chạy tới chạy lui.
- Con cho thì con nhớ "set up" điện thoại cho má trước khi về, mẹ không biết gắn đâu.
Vợ Đức là Lan, chạy vô lấy một món quà khác ra đưa mẹ. Bà Phụng cầm lấy chớp chớp mắt:
- Để coi cái gì đây. Ồ, cái mền điện. Tuyệt diệu, những đêm mùa Đông ngồi coi Tivi mà trùm mền này thì tuyệt cú mèo. Cám ơn hai con.
Linh cũng hí hửng chạy vô nhà mang ra một cuốn album dán hình kỉ niệm gia đình tặng mẹ. Bà Phụng chậm rãi lật từng trang, suýt xoa:
- Trời ơi, cảm động chưa! Phải chi ba còn sống, xem được cuốn này chắc là sung sướng lắm. Ba mươi năm rồi còn gì.
- Mẹ coi hình này, cũng cái bàn này gia đình mình ngồi, bảy năm trước không" Cũng tại chỗ này đó.
- Ờ, để coi, ủa mà người này là ai"
- Cậu Giang, anh của mẹ chứ ai. Năm đó cậu ở Hà Tây về ăn Tết với mình nửa tháng.
- Ờ nhỉ...mới đó mà không còn nữa. Tội nghiệp. Còn ai đây"
- Bạn anh Đức. Sao, năm tới, mẹ có định đi chơi đâu không"
- Mẹ tính ra Bắc một chuyến, thăm Hà nội, biển Đồ Sơn, Vịnh Hạ long, đi chùa Hương. Thăm mồ mả một lần cuối cùng trước khi về với ông bà.
- "Bộ mẹ không muốn qua Mỹ, qua Úc chơi với tụi con nữa sao"" Linh hỏi.
- Mẹ lớn tuổi rồi, đi xa... ngồi máy bay lâu mẹ mỏi lắm. Sao các con không về thăm mẹ mỗi năm một lần, có hay hơn không" Thế lúc này Trí làm gì ở Úc"
- Con đã ký giao kèo dài hạn với một hãng làm giày lớn ở Trung quốc, tháng Hai sang năm cả nhà phải dọn qua Thượng hải ở.
- Vậy sao" Làm chi mà xa quá vậy con" Bộ ở Úc hết việc làm cho con rồi à"
- Mẹ không biết, chứ kinh tế Tàu bây giờ phát triển ghê gớm lắm, nhân công rẻ, giá thành rẻ, hàng xuất cảng khắp nơi. Úc làm gì trả lương con cao bằng tụi Tàu. Thời đại này, ở đâu "offer" lương cao thì mình nhận... Như vậy mới có tương lai.
Linh xen vô:
- Tương lai" Thế tương lai anh xây dựng trên xương máu dân nghèo lao động à" Tụi Tàu lăm le chiếm Việtnam, ai cũng tẩy chay, anh lại đi làm cho chúng.
- Em nghĩ sao tùy em. Mình phải sống với thời đại. Thế giới lớn lên là nhờ có tư bản.
Linh quay sang hỏi Lan, vợ Đức:
- Còn con Kiều, anh chị có tính cho đi Mỹ du học không" Em thấy học sinh ở VN qua Mỹ du học càng lúc càng nhiều...
- Chắc chị chỉ đủ sức lo cho mình thằng Tuấn. Nó giỏi tiếng Anh.
Bà Phụng quay sang Trí hỏi:
- "Rồi mấy đứa con con qua Tàu phải học tiếng Tàu à"
- Ở Thượng Hải có nhiều trường dạy tiếng Anh. Mà biết nhiều thứ tiếng cũng tốt chứ sao mẹ.
- Nghe nói môi trường bên đó ô nhiễm lắm, có hại cho lá phổi. Thôi, con tính thế nào có lợi thì tính. Gia đình tụ họp như vầy, mẹ vui lắm, nhưng mẹ hơi mệt, uống chút rượu hơi ngầy ngật trong người, muốn vô nằm nghỉ một chút. Các con ra vườn hái chôm chôm ăn đi.
Vợ chồng Trí, và Linh dẫn lũ trẻ ra thăm vườn, kiếm trái cây hái. Lan thu dọn bớt ly chén mang vào bếp. Đức theo mẹ lên nhà trên. Bà Phụng bảo:
-  Đức, mẹ ...muốn nói chuyện này với con. Mẹ đã 80 rồi, Trời cho sống thêm ngày nào hay ngày đó. Hôm nay còn ngồi đây, ngày mai chưa chắc đã còn. Con là trưởng nam, mẹ muốn con quản lý cơ ngơi này sau khi mẹ chết.
- "Mẹ nói chi chuyện gở đó". Đức nhăn mặt. "Nói chuyện khác đi".
- Ít khi có dịp gặp nhau, sẵn hôm nay, mẹ muốn bàn giao cho con, lỡ mẹ có đi thình lình cũng không ân hận. Vào đây mẹ chỉ các thứ ông bà để lại. Cái tủ gụ này, ông cố con đóng từ thời vua Tự Đức. Bộ bàn ghế cẩm lai này cũng gần 200 năm nay. Viện Bảo tàng nhà nước muốn mua lắm mà mẹ không bán. Bức bình phong kia, bà vợ vua Khải Định để lại cho ông nội con. Cặp "chóe" lớn sứ Giang Tây đựng nước mưa để hai bên bàn thờ, bà cố để lại, năm 78 trị giá hai chục lượng vàng, biết bao nhiêu người Hoa đi bán chính thức hỏi mua mang theo, mẹ nhất định không bán. Cái bình sứ long phụng cắm mai này làm từ đời nhà Đường bên Tàu, ông cố truyền lại mấy đời, coi như gia bảo nhà ta, mẹ dấu kín trong buồng ngủ không dám khoe, sợ cán bộ gộc dòm ngó đòi mua....
- Mẹ nói cả trăm lần rồi... Đồ collection ông bà để lại, không đụng tới đâu.
- Đây là những đồ kỉ niệm ông bà nhiều đời để lại. mẹ có bổn phận phải gìn giữ. Cuộc đời của mẹ, tuổi xuân của mẹ gắn liền với chúng nó. Bao nhiêu năm qua, thế sự thăng trầm, mẹ đã âm thầm gìn giữ, sống với chúng nó trong căn nhà này. Nhưng khi mẹ chết đi, mọi sự sẽ khác...
- Thì tụi con tiếp tục gìn giữ cho mẹ...
- Không, mẹ không muốn các con canh giữ làm chi cái nấm mồ kỉ niệm này nữa. 
- Vì mẹ, con sẽ cố gìn giữ chúng.
- Không, chết đi, mẹ đâu có hay biết gì nữa, chúng còn hay mất cũng chẳng ăn nhằm gì tới mẹ nữa. Đây là cái "list" các vật quí, cùng hóa đơn gốc... À, cái nghiên mực này của vua Tự Đức, năm kia ông Kiệt trả tới 10 lượng vàng mẹ không bán. Bây giờ chắc hơn. Còn nhiều thứ khác để trong tủ, tất cả thuộc về 3 con, bán chia nhau lấy tiền tiêu dùng.
- Giá trị mấy thứ này con không rành đâu, có lẽ để cho "dealer" mua đồ cổ đánh giá. Mà chắc con không bán đâu.
Bà Phụng nhìn con, dằn giọng:
- Không, con phải bán. Bán cho Viện bảo tàng, cho nhiều người chiêm ngưỡng. Những đồ quí như vầy không phải làm ra để nằm chết mục trong căn nhà đóng cửa im ỉm quanh năm suốt tháng dưới quê này...
- Thì để lại cho các cháu nội ngoại của mẹ.
- Hừ... khi chúng nó lớn lên, chúng sẽ thích những thứ hấp dẫn khác hơn là ba cái đồ cổ lỗ sĩ này.
Bà Phụng bỗng lôi trong hộc tủ ra một gói plastic dựng các mảnh vở của một pho tượng sư tử bằng đá, đưa Đức:
- Con nhớ thứ này không" Con và Trí đánh lộn dành đồ chơi, làm vỡ cái này, má lượm lại cất tới giờ, con tìm cách ráp lại...
- Ồ!  Đức cảm động mân mê các mảnh vỡ,"Con nhớ rồi. nó rớt xuống nền đá bể ra mấy miếng, con bị ba đánh một trận đích đáng."
- Còn đây là bức tranh Tàu ông chú con vẽ hồi còn trẻ, mình phải giữ lại làm kỉ niệm, không được bán.
- Con nhớ ông chú rồi, ổng hay ngồi ở cái ghế này nhìn ra vườn vẽ phong cảnh. Hồi nhỏ không hiểu sao con sợ ông lắm, ít khi dám tới gần.
- Trong mấy đứa, con là đứa duy nhứt quan tâm đến những vật kỉ niệm trong nhà. Trí sắp làm việc ở Trung quốc, xa quá là xa. Linh thì di chuyển luôn luôn, chẳng khi nào có thì giờ để làm được chuyện gì ra hồn. Con lúc này ra sao, công việc làm ở Saigon thế nào" Cả nhà xuống đây hết, nhờ ai ở coi nhà trên ấy"
- Hãng con làm cũng đang sa thải bớt công nhân, kinh tế lúc này ở đâu cũng bết bác, nhưng con làm chức cao và lâu năm nên cũng không lo. Con nhờ hàng xóm trông giùm nhà. Thôi, má nằm nghỉ đi cho khỏe. Con nói chuyện với dì Quỳ.
Đức bước sang bếp. Dì Quỳ kiếm trong tủ cái bình thủy tinh lớn đưa anh đổ nước vào, để trên bàn ăn. Dì cắm vào một bó hoa trắng li ti:
- Đây là hoa mẹ cháu thích nhất, hái ở ngoài vườn. Nhà không có hoa, trông buồn lắm. Bà già lúc này coi bộ xuống tinh thần, có khi ngồi yên cả ngày không nói tiếng nào.
- Vậy sao" Mẹ cứ nhắc chuyện thừa kế tài sản.
- Ờ, có mỗi chuyện đó bà lo nhất. Bà muốn cháu giữ gìn mấy đồ cổ anh Phụng để lại.
- Với con, mẹ lại nói khác, mẹ muốn con bán đi.
- Anh Phụng là một người vui tánh và tử tế, ai cũng thích. Hồi anh còn sống, nhà lúc nào cũng sinh động hẳn lên.
- Bây giờ nhà cũng sinh động vậy... À, dì Quỳ à, con muốn hỏi dì cái này nhé"
Dì Quỳ nhướng mắt nhìn lên sau cặp kính trắng.
- Sau này... nếu mẹ cháu không còn nữa, dì tiếp tục ở lại coi sóc căn nhà giùm tụi cháu được không"
- Được chứ, nếu các cháu không bán nhà.
- Không, con định giữ nhà lại cho tụi cháu sau này lớn lên có chỗ về chơi...
Buổi chiều mát, bà Phụng ra bàn ngồi uống trà, nói chuyện chơi với con gái Cẩm Linh. Hai mẹ con giống nhau ở khiếu ưa thích đồ mỹ thuật, nhưng cái "gu" khác nhau.. Bà ca tụng ông Vương Hồng Sển là ông thầy số một trong làng thưởng thức đồ cổ ở Việt nam. Linh lại không khoái các món xưa, nàng phê bình:
- Nói đến nghệ thuật, không nên so sánh, khen cái này đẹp hơn cái kia, cái kia xấu hơn cái nọ... Đã là nghệ thuật, cái gì cũng có cái đẹp riêng của nó, đẹp theo con mắt mỗi người, đẹp theo mỗi thời đại.

Bà thấy con cầm cái khay bạc Nhật bổn lên soi mặt vào, chỉ bộ bình trà làm bằng gốm Bát tràng bên cạnh, nói:
- Mẹ để lại cho con cái khay và bộ bình trà đó, con chịu không"
-  Đúng ra.. không phải thứ con thích nhứt, nhưng con sẽ cất dành.
- "Cất dành"", bà Phụng mắng yêu,"Mày thì chỉ ưa đồ hiện đại, đồ sứ Đài loan, đồ Singapore, đồ do mày design thôi.
- "Đúng vậy", Linh cười tủm tỉm.
- Cũng như có bao giờ tao thấy mày uống trà bằng đồ làm bằng bạc đâu.
- "Đúng luôn", Linh ôm choàng lấy mẹ, ngửa cổ lên trời cười hinh hích.
Gần trưa hôm sau, ăn sáng xong, các người con ruột, con dâu, ôm choàng lấy mẹ già từ giã về lại Saigon, hối các cháu tới ôm hôn bà nội. Bà Phụng ôm chầm lấy các thân hình nhỏ nhắn bụ bẫm, đưa cặp má già nhăn nheo ra cho các cháu hôn hít thật lâu, thật dài. Gia đình Trí ngồi một xe, Đức một xe. Linh theo quá giang xe anh cả.
- "Hôm nào rảnh, mẹ lên con chơi ở vài hôm", Đức nói.
- "Hôm nào trước khi về lại Úc", vợ chồng Trí nói cùng một lúc," tụi con xuống thăm mẹ lần nữa."
- "Tết biết chừng con về VN lại", Linh vẫy tay la to,"Hẹn gặp mẹ sau".
- "Chào bà nội...chào bà nội...", lũ trẻ tranh nhau ngoắc tay la ơi ới...
 *
Xe cộ rồ máy, lăn bánh chạy vụt đi... trả lại sự yên tĩnh cho ngôi nhà cũ kỹ.  Bốn bề yên lặng. Bà Phụng đăm đăm nhìn theo, thở dài, quay lưng, lủi thủi cúi đầu chầm chậm đi vào nhà dưới lùm lá xanh lác đác hoa trắng. Đôi chân mảnh khảnh bước lên các bậc thang cấp. Bà ngồi xuống ghế bành mây trong phòng ăn, đăm chiêu nhìn ra khu vườn quen thuộc qua cửa kính. Chiều xuống lúc nào không hay, trong nhà bắt đầu chạng vạng tối. Dì Quỳ bật ngọn đèn vàng to có lồng chụp ngoài phòng khách, ánh sáng vàng ấm áp chiếu hắt vào chỗ tối bà ngồi.
Dì tần ngần đứng giữa lối đi, gợi chuyện:
- Mấy đứa nhỏ lật đật đi, quên bỏ lại giỏ chôm chôm...
- Tại cha mẹ chúng hối hả lo về, quên không nhắc.
- Đức hôm qua nói chị có vẻ buồn ra mặt.
- Phải, tôi nói về chuyện... nay mai tôi chết rồi, không biết làm sao... Chị nghĩ coi, mình có cuộc đời của mình. Con cái có cuộc đời riêng của chúng nó, nhứt là mấy đứa ở xa. Nỗi lo của mình không phải là mối quan tâm của chúng. Trong nhà này, có nhiều thứ còn nằm chặt trong đầu mình, những kỉ niệm, những bí mật chưa nói ra, những chuyện này, chuyện kia, nói ra bây giờ không ai thèm chú ý nghe nữa. Nhưng mà đồ vật trong nhà còn đó. Tôi không muốn nó đè nặng lên vai tụi con. Phải dặn bảo nó cách giải quyết.  Anh Phụng nếu còn sống đến bây giờ, chắc cũng nghĩ như tôi...
- Chị đói không, tôi dọn cơm nhé"
- Không...tôi thấy mệt... không đói. Có lẽ tôi phải đi nằm sớm.
Dì Quỳ nhè nhẹ lui về phòng, đóng cửa lại. Bà Phụng tới ngồi bên bàn, lấy hộp điện thoại Trí cho đã bóc giấy ra, mở ra ngắm nghía, cầm cuốn album món quà lúc chiều Linh biếu, nhíu mắt lật ra từng trang xem lại.
***
Rằm tháng bảy âm lịch, bà Phụng đột ngột qua đời, không có triệu chứng đau yếu gì trước đó. Đêm khuya, bà ngồi phòng khách xem Tivi rồi ngoẹo đầu thiếp đi, hai tay buông xuôi, không ai hay.  Sáng ra dì ba Quỳ thấy Tivi vẫn còn hình ảnh nhảy múa, mà gọi thì không thấy bà trả lời, tới sờ vai thì người bà đã lạnh cứng. Đức được tin, hốt hoảng gọi cho hai em ở Mỹ và Úc hay, xin phép hãng làm nghỉ một tuần, lật đật cùng Lan xách xe chạy về.


Cái hộp điện thoại Trí cho mẹ hôm nọ chưa xài, còn nguyên trên bàn, có một cái "note" dán trên đó mẹ viết dặn dì Quỳ nhắc anh "set up" giùm. Anh lên xã gặp ông bí thư xã, ông này chia buồn, cầm bản đồ dẫn anh ra nghĩa trang chỉ mấy lô đât còn lạị trong góc, nói anh điền đơn xin rồi ký tên. Trên đường về nhà, anh ngừng xe ở chỗ vắng bên vệ đường, nghĩ tới cái chết thình lình của mẹ, nhớ lại hôm nào mới đây mẹ còn nói chuyện mấy món đồ cổ trong nhà, nghẹn ngào òa ra khóc ồ ồ như trẻ con. Mẹ đi nhanh quá, anh bận quá với công việc ở sở, chưa có thì giờ thu xếp đưa mẹ lên Saigon chơi, chưa đưa mẹ ra Bắc, thậm chí chưa kịp gắn điện thoại cho mẹ dùng thì mẹ đã đi rồi.
Hai ngày sau, vợ chồng Trí và Linh về. Linh dẫn theo một bạn trai người Mỹ, khá đẹp trai:
- Đây là John, bạn trai em. Tụi em sắp lấy nhau. Kỳ trước John bận công việc nên không theo em về thăm mẹ được. Mẹ đi mà không kịp thấy mặt con rể.
- "Vậy sao, mừng cho em."Hai ông anh cùng nói, bắt tay anh chàng Mỹ." Hi, John, nice to meet you."
Linh ứa nước mắt: "Em không ngờ má đi sớm quá". Lan, vợ Đức, góp ý: "Hôm sinh nhật mẹ, mẹ trông còn rất khỏe và vui. Ai mà ngờ được."
Đức nói: "Anh và dì Quỳ đã lên chùa mời thầy trụ trì và các chú tới tụng kinh và liệm cho mẹ chiều nay. Huyệt ngoài nghĩa trang anh đã thuê người đào xong. Mẹ để tiền mặt lại, đủ để trang trải hết mọi phí tổn ma chay, kể cả xây mộ luôn.

*
Một tuần sau, bà Phụng đã mồ yên mả đẹp ngoài nghĩa trang gần nhà. Thợ bắt đầu dựng tấm bía bằng đá hoa lên. Ba anh em và ba người phối ngẫu ra thăm mộ về, ngồi lại với nhau ở phòng ăn. Đức và Trí ngồi xuống, thẩn thờ đăm chiêu suy nghĩ. Hai nàng dâu, Lan, Yvonne, và cô em Linh loay hoay nấu chè đậu xanh và pha trà nóng dọn lên bàn. Đức đằng hắng, trịnh trọng mở lời:
- Bây giờ mọi việc đã xong, anh em mình cần ngồi xuống bàn chuyện cụ thể. Anh nghĩ có lẽ hai em cũng đồng ý là mình nên giữ lại căn nhà và các đồ cổ kỉ niệm ông bà cha mẹ để lại, giao cho dì Quỳ giữ, làm chỗ họp mặt cho anh em và các cháu hàng năm về chơi. Dì Quỳ đã chịu.
Nói xong, Đức nhìn thẳng vào Trí và Linh, chờ câu trả lời. Trí hớp một miếng trà, nhìn sang vợ, đang cúi mặt suy tính. Vợ Trí có ý chờ cho chồng nói trước, múc một muỗng đường, bỏ vào tách khuấy lên. Linh cũng nhìn tránh ra chỗ khác. Lan bỏ đi xuống bếp. Trí cắn môi suy nghĩ vài giây, buột miệng:
- Em cũng biết... anh Hai thương mẹ, muốn giữ lại kỉ niệm gia đình. Em hiểu. Nhưng... với tụi em, vấn đề ...hơi rắc rối. Tụi em phải đi Trung quốc nhận việc nay mai. Đây là cơ hội hiếm có, ở Úc khó mà có được một job trả lương cao như vậy. Công ty mới cũng có giúp cho một ít tiền để di chuyển và "đặt cọc" mua một cái nhà bên Thượng hải, nhưng không đủ vào đâu. Vợ em cũng nghĩ như em...
Yvonne ngửng lên nói, mắt tránh không nhìn thẳng vào ai:
- Em nghĩ... chắc tụi em không trở lại Việt nam đâu, at least ... là... 3 năm đầu. Tụi em không thể dẫn con về... họp mặt ở nhà mẹ hàng năm được.
Trí tiếp lời;
- Hai năm nữa, tụi em phải gởi thằng Mark qua Mỹ học đại học ở với cô Linh nó, tốn kém lắm. Tụi em có nhiều thứ phải trang trải....
Đức ậm ừ:
- Anh hiểu...
Yên lặng. Một thứ không khí yên lặng, ngột ngạt, khó chịu. Trí bối rối đưa hai tay lên phân bua:
- Dù sao, tùy ý kiến đa số anh em quyết định... đó chỉ là ý tụi em.
Linh đột ngột cất tiếng cười vui vẻ, hai bàn tay ôm chặt tách trà trên tay:
- Sao" Bây giờ tới phiên em hả" Anh em mình bỏ phiếu sao đây" Sau tiếng cười, cô thình lình thở dài. Em và John tính Thanksgiving này làm đám cưới ở Los Angeles. John quê ở Colorado, nhưng hai đứa đều tìm được việc làm tốt ở Los. Tụi em phải làm đám cưới, "down" một cái nhà.  Chắc chắn là giữ cái nhà mẹ để lại không có lợi gì cho tụi em cả. Anh Hai cũng hiểu...
Đức gượng cười:
- Anh không có bỏ phiếu chống hai em...
- Em cũng không có ý chống anh Hai, nhưng mà hoàn cảnh tụi em....
Linh và Yvonne ngồi thừ ra, đăm chiêu nhìn xuống đất. Lan tế nhị đứng lên, múc chè mời mọi người ăn, rót thêm nước sôi vào bình trà, len lỏi tiếp thêm  trà nóng cho các tách trà đã cạn trên bàn. Đức bóp trán suy nghĩ:
- OK... Như vậy là ý kiến đa số muốn bán nhà, bán hết đồ đạc chia nhau. Theo anh, chắc phải lo bán hết đồ cổ trong nhà trước. Nhà bán có người mua ngay. Nhưng đồ cổ quá nhiều và đắt tiền, bán không phải dễ.
- Anh nghĩ mình có nên tố chức rao bán đấu giá không" Linh hỏi.
- Vấn đề là phải đóng thuế tài sản, nếu bán đấu giá đại qui mô, chính quyền biết.
- Mẹ có nhắc đến Bảo tàng viện, họ rất thích các đồ cổ nhà mình...
- Có lẽ phải gặp luật sư hỏi ý kiến...
Đức bỏ vào phòng ngủ mẹ, ngồi xuống giường trong bóng tối suy nghĩ. Linh, Yvonne và Trí ngồi lại ăn chè, nói chuyện về cách bán đấu giá, trong số đó Linh ra vẻ thành thạo nhất. Lan bước tới cửa phòng bà Phụng, rón rén nhìn vào, thấy bóng chồng ngồi bất động, hai vai khẽ rung lên, hỏi nhỏ:
- Anh... khóc à"
Sống với chồng hơn 20 năm, Lan hiểu rõ chồng hơn ai hết. Con người Đức trung hậu, có hiếu với mẹ, có trách nhiệm, coi thường tiền bạc vật chất, sống tri túc, miễn sao gia đình có hạnh phúc là vui rồi. Lan cũng không lý tài, sống giữa một xã hội duy vật, đua chen bóc lột nhau để ngoi lên, coi thường các giá trị đạo đức cổ truyền, Lan vẫn giữ được tánh bình dị, vô tư, thương người. Nàng biết Đức sinh ra và lớn lên trong căn nhà này, lâu hơn hai người em kia, gắn bó nhiều kỉ niệm vói nó hơn họ. Nàng hiểu hết tâm trạng thất vọng của chồng trước ý muốn bán nhà của hai em, có thể cũng là ý của mẹ, mặc dù bà cụ không nói trắng ra. Nhưng đây là chuyện bên nhà chồng, Lan cũng chẳng muốn có ý kiến gì, sợ bị em chồng hiểu lầm. Hai em chồng ở ngoại quốc đã lâu, nàng thừa đoán trước sự việc trước sau rồi cũng  sẽ phải đi đến đó.
Qua ngày sau, cả ba anh em đem hết giấy tờ nhà đất, hoá đơn cổ vật, thư từ viết tay để lại tới gặp nhau ở văn phòng luật sư. Luật sư hỏi:
- Bà cụ không có để di chúc à"
- Không, bà già tin dị đoan, sợ xui, nên không dám làm di chúc.
- Các ông bà sẽ phải đóng thuế tài sản rất cao. Nhà đất trị giá trên cả hơn chục tỷ, chưa kể các đồ cổ... Nếu hiến bớt cho Nhà nước, sẽ nhẹ thuế bớt...
Linh chen vào;
- Bảo tàng viện Saigon muốn mua các đồ cổ này. Nhưng chắc họ không trả được cao. Luật sư nghĩ có nên đem ra ngoại quốc bán, có giá hơn không"
- Tôi biết chắc họ sẽ không cho cô mang ra nước ngoài bán đâu. Nếu chịu bán cho Bảo tàng với giá rẻ, họ sẽ có cách giúp các ông bà. Họ liên lạc với Sở thuế để giảm bớt tiền thuế cho các vị. Còn không, nếu có nhà giàu nào chịu mua trả tiền mặt thì tốt nhứt, khỏi thuế. Bây giờ ở VN, có vô số "quan lớn" dư sức mua những đồ quí như vầy. Nhiều thương gia Trung hoa rất ham đồâ cổ. Còn cái nhà, tôi không phải chuyên môn, nhưng trị giá ít nhứt không dưới mười tỷ bạc. Tôi quen một ông làm nghề địa ốc...
Trí ngắt lời:
- Em có thằng bạn thân bán nhà đất ở Saigon. Nó nói có thể bán được 14 tỷ là giá chót.
Đức sửng sốt:
- Em đã bàn chuyện bán nhà với nó rồi à" Hồi nào" Lúc mẹ còn sống"
Trí lúng túng:
- Thì tụi em đâu có sống ở Việt nam, em có 3 đứa con phải lo, hoàn cảnh tụi em khác... Em biết anh rất quí căn nhà, nhưng mà...
Đức to tiếng:
- Tệ thật... Mẹ còn sống nhăn mà chú đã có ý đồ bán nhà rồi....
Linh bấm tay Đức không cho luật sư thấy:
- Thôi, mình về nhà bàn chuyện đó tốt hơn anh Hai... Em phải đi Mỹ Tho gặp mấy chỗ này có việc. Chiều em về.
Đức và Trí cáo từ luật sư, ra phố tắp vô một quán cà phê. Trí tần ngần nhìn anh:
- Em xin lỗi anh. Anh đừng giận em. Em ở Trung quốc chắc cũng không lâu đâu. Chắc rồi sẽ về lại Úc. Mà em cũng nói thật anh điều này. Việt nam bây giờ không còn là chỗ lý tưởng để sống cho thế hệ tương lai nữa. Tham nhũng từ trên xuống dưới. Không có nhân quyền, dân chủ, lệ thuộc Tàu... Giáo dục, y tế bết bát... Trung quốc mua chuộc bọn lãnh tụ chóp bu, lấn chiếm đất biển. Chưa hết, anh có biết tin vài chục năm nữa, Hải phòng, Saigon, và cả miền Nam sẽ chìm dưới mực nước biển không" Hiện tượng hâm nóng toàn cầu làm cho các tảng băng tan ra, nước biển dâng cao, nuốt hết đât liền...
Đức gật đầu, đăm chiêu nhìn ra ngoài đường, khe khẽ nói:
- Anh biết... Đến lúc đó thì anh chị đã chết hết rồi. Hiện tại anh chỉ tiếc nhất bộ bàn ghế cẩm lai và cái tủ gụ...
- Sao anh không giữ lại cho anh"
- Anh không đủ tiền để mua lại hết các món đó.
- Hay là anh giữ cái bình sứ gia bảo đời Đường đi. Em nghĩ anh nên thực tế hơn: lấy tiền bán nhà phần anh lo cho con Kiều, thằng Tuấn đi Mỹ du học. Có cô Linh bên đó thăm chừng. Còn dì Ba Quỳ có chỗ ở khác chưa"
- Dì về ở với đứa cháu ở Sađéc... Anh vẫn còn bàng hoàng... Mọi sự diễn ra như một giấc mơ, mẹ mất, nhà bán, dì Ba đi... anh em chia lìa...
- Cuộc đời là như thế, anh à.
Mấy ngày sau, Linh đưa mấy người lái buôn về nhà, xăm soi lục lọi, ngắm nghía gói ghém mua các bình sứ cắm hoa, tượng đá, chóe đựng nước mưa, các lọ thủy tinh Pháp và bức bình phong. Bảo tàng viện mua lại bộ bàn ghế, cái tủ gụ, cái nghiên mực của vua Tự Đức. Linh tìm ra cái khay Nhật và bộ uống trà bằng bạc bà Phụng hứa cho lần trước, cất trong tủ chén, để riêng vào một cái túi vải, khư khư ôm lấy, bùi ngùi nhớ tới mẹ. Dì Quỳ nhờ người cháu chở tới, ra vườn hái một bó hoa đem vào kiếm cái lọ thủy tinh mọi lần cắm vào, mới hay họ đã quấn giấy gói tính mua mang đi, còn để trên bàn. Mấy chiếc ghế cẩm lai chụm úp vào nhau trong một góc, chờ người mang đi. Chiếc bình phong ai đẩy, xô lệch khỏi vị trí cũ. Các cửa tủ kệ mở toang không đóng lại. Thấy mấy người lái buôn không để ý, mãi theo Linh đi rảo khắp các căn phòng nhà trên lục lọi, dì hấp tấp tháo giấy ra, lấy lại cái lọ, đổ nước vào cắm hoa đặt trên bàn ăn.  Đức chạy vào. Dì phân bua:
- Mẹ con ghét phòng ăn trống trải không có hoa tươi.
- Xin lỗi dì... Con tiếc lắm, không muốn bán cái gì hết. Nhưng mấy đứa em nó muốn bán hết, chia của...
- Bà cũng muốn vậy.
- Mẹ con bảo sao với dì"
- Bà bảo nhà phải bán đi sau khi bà mất. Bà đoán trước sự việc sẽ phải xảy ra như vậy...
- Dì à, mẹ con có viết thư dặn để lại cho dì một số tiền lớn. Luật sư sẽ cho biết chi tiết sau. Tụi con mang ơn dì bao nhiêu năm nay đã săn sóc, ở làm bạn với mẹ con. Con  muốn biếu dì một món đồ đáng giá nào đó làm kỉ niệm, tùy ý dì chọn. Dì có đặc biệt thích vật gì trong nhà này không"
Dì Quỳ cảm động:
- Cám ơn con... Dì xin lấy lọ cắm hoa này. Mỗi lần cắm hoa, thấy nó, dì sẽ nhớ đến mẹ con.
Dì trút bó hoa cắm vào một lọ khác, lau khô cái lọ thủy tinh, quấn khăn xung quanh, âu yếm ôm chặt vào lòng, nhìn quanh quất, ứa nước mắt lủi thủi bước ra khỏi nhà, chầm chậm xuống đường có cậu cháu trai đứng đón.  Lan trong nhà bước ra bảo chồng:
- Anh à, con Kiều xin phép cho mời đám bạn học nó trên Saigon xuống ở nhà này, chơi picnic hai ngày cuối tuần, trước khi nhà bán.
- Được thôi, Linh và Trí đã ký giấy ủy quyền cho anh bán nhà rồi. Các đồ cổ đã thanh toán xong.
Một tuần sau, bà Quỳ nhớ chốn cũ, nhờ cháu chở lên Cần thơ, lò mò thăm lại căn nhà kỉ niệm, coi thu vén tới đâu. Dì rón rén mở cửa hông, đi vòng ra sân sau. Không có ai trong nhà. Cửa sau nhà đóng im ỉm. Chiếc ghế đá ướt ẩm nước mưa đêm qua, nằm yên dưới bụi hồng lác đác hoa nở. Bể nước xanh rêu lốm đốm vài chiếc lá khô. Pho tượng đá Venus đứng im lìm dưới dây hoa dạ lý hương thòng xuống. Dì bước tới kê mũi ngửi một đóa hoa hồng nhung, rờ cành lá, nhìn quanh quất toàn bộ khung cảnh sân sau quen thuộc, buồn bã đi lần ra phía nhà bếp nhìn vào trong bếp qua khung cửa kính, thấy trơ trọi cái lò gas và tủ lạnh. Dì lại bước thêm mấy bước nhìn vào phòng ăn, thấy 4 cái ghế úp lại với nhau, các bức hình chụp cả gia đình ngày xưa đầy đủ ấm cúng, hạnh phúc, đã gỡ đi chừa lại vách tường trơ trọi. Trên sàn nhà phòng khách, vương vãi mấy tờ báo cũ, một hai thùng đồ gói ghém cẩn thận không biết bên trong chứa những gì, chiếc đèn có lồng chụp đổ nằm nghiêng lăn lóc bên mấy cuốn sách cũ. Dì thở dài quay ra nhìn mấy chậu cây "bonsai" mọi ngày vẫn thường múc nước tưới, rờ vỏ gốc cây mận bên cạnh hiên nhà, ngồi xuống ghế thẩn thờ hồi lâu.
Trên đường về ngang nghĩa trang, dì bảo cháu ngừng xe, ghé vô len lỏi tìm thăm mộ bà Phụng. Dì ân cần đặt bó hoa xuống trên nắp mộ bằng đá hoa láng bóng, lấy tay tháo dây buộc ra, banh mấy chiếc hoa hồng tím tỏa rộng ra, chắp tay vái nhè nhẹ, rồi cúi xuống châm hột quẹt, thắp ba cây nhang cắm trước mộ, lẩm nhẩm khấn, tay quệt nước mắt...
*
Trưa thứ bảy, lũ thiếu niên choai choai trai gái lớp 12, bạn học Kiều, từ trên Saigon xuống, ào ào đèo nhau từng cặp rồ ga túa xe Honda chạy vào khuôn vườn nhà bà Phụng để lại. Có đứa rú ga ầm ỹ, chạy rán lên trên cao, cho gần nhà hơn, khỏi phải đi bộ xa. Bọn trai gái lủ khủ vác hành lý, ăn mặc quần jeans, áo polo, kéo nhau kề vai vô nhà, ngỗ ngáo nhìn quanh quất. Có đứa xách theo laptop, CD player, mở nhạc RAP Mỹ đen đùng đùng. Vài ba cặp vứt "ba lô", school bags, la liệt trong phòng khách, xúm lại ôm nhau khiêu vũ, cười nói ầm ỹ. Trong góc phòng, ba đứa nằm trên chiếu dựa vào tường, phì phèo hút thuốc. Hai ba đứa con trai khác ở trần nhảy nhót chơi bóng rổ ngoài hành lang, tung banh ầm ầm như dân thể thao chuyên nghiệp. Kiều lăng xăng lui tới, chỉ phòng cho các bạn mới tới:
- Trên lầu có 2 phòng ngủ dành cho con gái, buồng tắm bên trái. Dưới nhà có 4 phòng ngủ, dành cho con trai, phòng ăn, phòng khách, nhà bếp... tha hồ nấu nướng. Các bạn cần gì, cứ hỏi tôi...
Kiều thấy nhạc RAP ồn quá, dẫn Ngọc, con bạn thân nhứt, chạy lại thay CD khác, lựa nhạc điệu "rumba", ôm bạn uốn éo múa may dập dìu. Ngôi nhà tịch mịch cổ kính của bà Phụng hôm nay như lột xác, mặc cho tụi trẻ tự do phá phách, nghịch ngợm. Như ngọn đèn sắp tắt, cháy bùng lên một lần cuối sáng rực. Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt, còn hơn là le lói suốt đêm thâu. Nhảy nhót một lúc chán, nó lại dẫn Ngọc tung tăng ra vườn sầu riêng, coi ao nước, kiếm trái cây ăn. Vài đứa con trai mặc quần đùi đen, đang bơi lội ầm ầm dưới nước leo lên, thấy bạn gái, rú lên, vừa cười hô hố vừa kéo nhau chạy quanh mấy bụi cam trốn. Một trong mấy đứa tên Khanh, thấy Kiều, thay đồ vội vàng mặc quần áo vào, chạy theo kêu ơi ới:
- Ê..Kiều, chờ tôi với... Đâu, dẫn mình đi hái chôm chôm ăn đi...
Kiều đưa hai bạn lại mấy gốc chôm chôm già còn sai trái. Khanh leo lên, hái được một mớ trái chín đỏ đem xuống, ba đứa ngồi ra cỏ, bóc vỏ ăn. Kiều chợt nhớ dến bà nội ngày xưa hay dẫn mình đến chỗ này, bùi ngùi kể chuyện:
- Hồi nhỏ, mình được bà nội đưa ra đây hái trái, kể chuyện cho nghe...
- Chuyện gì"
- Thì chuyện đời xưa, đủ thứ chuyện. Có một bức tranh ông chú vẽ bà nội lúc nhỏ trèo lên cây này hái trái, rất đẹp.
- Tranh đâu rồi"
- Bán cho một nhà sưu tầm đồ cổ ngoài phố rồi... Mình còn nhớ bà nội ngồi chỗ này, lựa trái ngon nhứt bóc vỏ cho mình ăn. Bà nói khi mình lớn lên có con, mình sẽ cũng đem các con mình về đây, dẫn chúng tới đây chơi... kể chuyện,... hái trái cho chúng ăn...
Kiều bỗng mếu máo... Khanh ngơ ngác hỏi:
- Sao vậy" Bạn nhớ bà nội hả"
Kiều òa ra nức nở khóc:
- Bà nội Kiều chết rồi.
Hai bạn cúi đầu, ái ngại thông cảm. Kiều nói tiếp:
- Vườn nhà này cũng sắp có chủ mới.... Đây là lần cuối Kiều còn trông thấy nó.
Tất cả, rồi sẽ chỉ còn là hoài niệm.
PHC

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 834,069,928
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.