Hôm nay,  

Bạn Vong Niên Tại Mỹ

13/09/200900:00:00(Xem: 271067)

Bạn Vong Niên Tại Mỹ

Tác giả: Trương Tấn Thành
Bài số 2726-16208797- vb891309

Tác giả là cư dân Lacey, Washington State, tốt nghiệp MA, ngành giáo dục năm 2000, từng là nhà giáo trong ban giảng huấn tại trường dạy người da đỏ và giảng viên tại Đại học cộng đồng SPSCC, Olympia, WA. Ông là một tác giả rất nhiệt thành đóng góp bài vở cho giải thưởng Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải thưởng danh dự Viết Về Nước Mỹ năm 2005 với bài viết mang tên "Bà Mẹ Hoa Kỳ". “Bạn Vong Niên tại Mỹ” là ba bài viết ngắn về những người bạn Mỹ và Việt của ông.

***

1. Cõi Địa Đàng
Nếu ở trên đời này có cõi thiên đàng thì phải là nơi đây. Vùng đất xanh tươi đầy hoa thơm cỏ lạ nằm sát bờ vịnh với phong cảnh tuyệt vời của vùng tây bắc nước Mỹ. Sống ở cõi địa đàng này là hai vợ chồng cụ ông cụ bà đầy "tiên phong đạo cốt," đó là cụ ông Elmer và cụ bà Isabelle Clausen. Tôi có duyên may được lạc vào "cảnh tiên" này do công việc làm vườn thời còn đi học.
Mùa hè tôi và Nhân, anh bạn trẻ, đi làm vườn để kiếm tiền thêm và được người giới thiệu đến ông bà vì ông bà muốn giúp đỡ những sinh viên còn đi học. Nhà hai ông bà cách xa chỗ hai tôi ở cả hơn nữa tiếng lái xe. Cụ ông là một thành viên trong hội đồng một trường trung học, đã hồi hưu, còn bà cũng là một giáo viên cũng đã hồi hưu. Lúc đó ông đã trên bảy mươi và bà cũng ở lứa tuổi đó. Dáng người ông thấp, gọn, đeo kiếng viễn, tính tình thật là cởi mở và vui vẻ. Bà cũng trạc tuổi ông nhưng tính tình kỷ lưỡng, ngăn nắp và chuyên vẽ tranh về đề tài hoa lá và tôn giáo. Cụ ông bỏ hết thời gian ra để chăm sóc khu vườn quanh nhà và biến nó thành một vùng thắng cảnh khi có khách đến thăm.
Đặc biệt là trước sân nhà có cây mận đỏ thật thơm, thật ngon mà năm nào tôi cũng xin về để vợ chồng tôi được nếm hương vị có một không hai. Loại mận này màu đỏ rượu chát mà vừa có hương lại vừa có vị ngọt thanh. Buổi sáng hái một trái từ trên cây xuống, lau sạch lớp phấn trắng ngoài vỏ, khi tôi cắn vào thì thật là như được nếm trái nhân sâm. Phải chăng đây là loại "đào tiên" mà tôi được nghe ở vườn đào nơi tiên giới không" Tôi chắc chắn là vậy!
Tôi còn nhớ rõ có một năm tôi được ông bà mời đến dự lễ sinh nhật của cụ Elmar. Bữa tiệc thật thân mật nhưng không kém phần trang trọng. Có cả ban tứ cầm được mướn đến để giúp vui. Đó là phong cách đối xử đầy lịch sự với tôi dù lúc đó chỉ là một sinh viên đến làm vườn cho ông bà. Giữa những giờ tôi nghỉ giải lao bà đều gọi tôi vào ngồi ăn bánh, uống nước và trò chuyện với ông bà một cách vui vẻ. Bà biết tôi cũng yêu thích hội họa nên có lần mời tôi xuống phố xem tranh bà triển lãm. Còn cụ ông thì luôn chỉ dẫn tôi trong cách làm việc. Cụ thường nhắc nhở tôi câu "Use your head; don't use your back" (Dùng trí đừng dùng sức) mỗi khi tôi phải khuân nặng. Bà có đến nhà tôi ăn tiệc một lần còn ông thì không.
Ngay đàng sau sân deck nhà ông bà có một cây maple rất to thân nghiêng ra về phía vịnh. Có lẫn tôi leo lên cây để tỉa những cành de ra, từ trên đó tôi nhìn ra vịnh thì thấy thật như là một cảnh tranh vẽ. Sóng nước lăn tăn, trời xanh biếc, một vài nhóm đảo mờ mờ ở phía xa không khác nào trong tranh thủy mạc. Lác đác có vài cánh buồm trắng của những chiếc du thuyền hay những tàu xà lang kéo bè gỗ chạy chầm chậm diễn ra trước mắt tôi. Ôi, cái cảnh sao mà đẹp và buồn man mác đến thế. Tôi nhớ ông đặt một cái băng ngế ngồi ở một góc vườn để ngồi ngắm cảnh mỗi chiều. Ngồi ở đó ông sẽ thấy được dãy đất ở bên kia với toàn cảnh rực rỡ của mặt trời hừng đông và ánh huy hoàng rạng rỡ của những buổi hoàng hôn.
Từ con lộ nhỏ quẹo vào nhà ông bà bên phải có thể gọi là khu rừng nho nhỏ có con rảnh chạy qua có một cái cầu nhỏ theo kiểu Nhật màu vàng bắt ngang. Tới chút nữa là khu mà bà thường gọi là "khu ẩn dật của Elmar" (Elmar's sanctuary) với tượng xi măng của Thánh Francis hai tay câm dĩa đựng các loại hạt cho chim tới ăn va một cái băng ghế dài để cụ Elmar ngồi nghỉ trong cảnh u tịch, thanh nhàn. Bước ra con đường mòn trải mạt cưa là tới khu trồng hoa kiểng của bà. Các loại hoa được vun bón và chăm sóc thường xuyên nên bông hoa nở rộ làm rực rỡ cả một góc vườn.
Bước xuống mấy bậc thang bằng gỗ là tới sân cỏ rồi tới mí đất mà bên dưới là bãi cát giáp bờ vịnh. Đi lần về phía phải là thêm một khoảnh vườn hoa lá rồi đi lên mấy bậc thang ta đi dọc theo khu vườn nhỏ có cây lớn nhô ra phía trước mặt nhà. Tôi làm vườn cho ông bà cụ cả hơn hai năm nên quen thuộc từng góc vườn, từng lối đi rợp mát bên trong các tàng cây. Có lần tôi nói với bà chắc nơi đây là cảnh tiên với hai ông bà tiên làm bà cười một cách thích thú.
Cảnh đẹp, nơi yên tịnh, không khí trong lành đầy hoa thơm cỏ lạ, bên tai nghe tiếng sóng nước vẳng từ xa, thật nhiều lúc tôi không còn biết là mình đang ở cõi thế hay nơi chốn tiên bồng.
Cho tôi biết nơi đâu là tiên cảnh
Vì trước mắt tôi là cả cảnh địa đàng
Nơi nước gợn, trời xanh là một.
*
II. "Jim Đã Đi Rồi!”
-Chào bà. Hôm nay ông Jim khỏe không bà"
- Thành ơi, Jim đã đi rồi!
- Bà nói sao"! Jim đã mất rồi sao!"
- Anh ấy đã đi cách đây mấy ngày. Tôi tưởng anh đã hay rồi"
Sau khi nói lời chia buồn với bà tôi bàng hoàng trước sự ra đi của Jim, hay là ông Jimmy W.Bailey, và nỗi buồn lớn lao của bà.
Tôi biết ông bà hồi còn đi làm cỏ từ còn đi học lúc mới qua Mỹ. Tôi có đến nhà ông để đổ bark (vỏ cây) trong sân vườn nhà ông và cắt cỏ trong nhiều tháng. Bà là người Phi vóc người nhỏ nhắn và rất vui vẻ bình dị và vì tôi cũng là người Châu Á nên bà cũng có cảm tình. Sau đó tôi trở nên thân với gia đình và được ông bà mời đến nhà chơi nhiều lần. Ông bà có hai đứa con gái, Anna Marie và Angelina. Thời gian đó hai em chỉ chừng sáu bảy tuổi. Anna cao, gầy và nhanh nhẹn, lanh lợi và dạn dĩ. Angelina thì nhu mì và hơi nhút nhát. Mỗi lần như vậy tôi đùa vơi hai em thật là vui vẻ. Khi thì chạy trốn đuổi bắt trong phòng khách, khi thì làm bò cho Angelina cưỡi.
Giờ xin nói về ông Jim.
Ông có bệnh tê liệt từ hồi bé và cánh tay mặt không còn cử động được nữa. Ông là thầy giáo về môn sử và đã về hưu. Còn bà cũng là cô giáo, chắc ông gặp bà khi đi dạy học ở Phi. Ông Jim tính tình nghiêm nghị, giữ đúng nguyên tắc và rất thích môn sử và âm nhạc. (có lần tôi được mời nhưng đến sai ngày thì ông cáo lỗi là không tiếp tôi được.) xin nói thêm là tuy ông bị tê liệt nơi tay phải nhưng ông vẫn chơi được dương cầm với tay trái.


Nhà ông ở một khu đẹp, thuộc giới trung lưu được thường xuyên chăm sóc. Ông còn có hai căn nhà cho mướn. Bà thì đứng bán hàng ở chợ Fred Meyer. Vài năm sau đó bà có bảo lãnh người em gái ở Phi qua sống với hai ông bà một thời gian. Sau đó người này lấy chồng và dời qua tiểu bang khác ở. Hôm đi đám tang tôi có thấy người này.
Bà thường tặng quà tôi vào ngày sinh nhật. Tôi có đưa ảnh chụp ngày đám hỏi của tôi để gia đình ông bà xem. Bà khen áo dài của Việt Nam rất đẹp và cho biết  là bà rất thích món chả giò. Ngày sinh nhật của bà tôi cũng được mời đến. Thỉnh thoảng tôi có gọi để hỏi thăm và ông có cho biết là Anna giờ đã lên đại học và có bạn trai là sinh viên ở Na Uy sang đây du học. Còn Angelina thì đang chăm chỉ học cho hết trung học, bà thì giờ làm ít đi và phải chăm sóc ông sau khi làm.
Gần đây tôi được biết là ông bệnh phổi nặng và phải đi nằm bệnh viện. Tôi ngại đến thăm nên chỉ gọi điện thoại. Mấy lần đó tôi có nói chuyện được với ông và ông cho biết là bệnh ông đã nặng lắm rồi. Cách đây không lâu tôi có gọi và gặp Angelina, giờ đã học lớp mười hai, và nói tôi gởi lời thăm ông. Rồi sáng nay tôi nghe tin buồn là ông đã ra đi.
Buổi sáng thứ Tư vừa rồi, vợ chồng tôi dự lễ tang ở nhà thờ để đưa ông về cõi Chúa. Cầm trên tay tờ ai điếu, lật ra trang sau cùng tôi thấy có bài thơ do ông viết, xin tạm dịch như sau:

Tôi đã từng lang bạt nơi cỏi đời
Đó đây khắp chốn canh từng bước
Kẻ này người nọ đã từng quen
Đường đời lắm lúc chông gai lắm
Gập ghềnh dọ dẫm bước chân đi
Đôi khi vấp ngã lắm khi quỵ
Cho đến lúc tôi gặp được nàng
Tôi dừng lại bắt đầu xây cuộc sống
Hết những lần liều lĩnh bôn ba
Thượng Đế dắt đưa tôi đến chốn
Của những ngày hạnh phúc an vui.
J.W.Bailey

Bên dưới bài thơ là ảnh chụp hồi ông còn là cậu bé kháu khỉnh và khi ở tuổi niên thiếu đang ngồi bên chiếc dương cầm.
Thế là xong một kiếp con người. Tôi mất thêm một người bạn tốt. Ông ra đi để lại sự thương tiếc của gia đình và trong tôi sự mất mát của một người bạn tuy không cùng màu da nhưng có cùng sự cảm thông trong tinh thần "tứ hải giai huynh đệ."
*
III. “Chạy Thi!”
Đây là "tên" của chị mà tôi thường nói láy lại mà chị cũng không buồn bắt bẻ vì biết tính tôi hay nói "cà rỡn". Tôi quen anh chị đã lâu, trước khi vợ tôi qua, hồi tôi còn đi học ở trường đại học cộng đồng nơi anh làm việc. Sau đó tôi thường đến viếng anh chị khi anh chị còn mướn apartment để ở. Giờ thì anh chị đã mua một căn nhà nhỏ có hoa kiểng xinh xắn cách nhà tôi độ mười lăm phút lái xe. Tôi may mắn  khi qua Mỹ này có được những người bạn vong niên hơn tôi cả trên mười tuổi mà trong số đó có anh chị.
Cách đây nhiều năm, khi còn ở apartment ở khu phía Tây của thành phố, tôi có quen anh Khánh mà tôi xem như người anh. Vì lúc đó ở gần nhau nên như ngày nào tôi cũng xuống phòng anh Khánh chơi để trò chuyện và hòa đàn vui vẻ. Khi tôi đi thi quốc tịch anh cùng đi với tôi để yểm trợ tinh thần. Anh qua Mỹ theo diện HO và thường theo dõi thời sự thế giới của Việt Nam và luôn đem ra để bàn luận với tôi. Chẳng may khi mua được căn nhà mới thì anh bị bạo bịnh qua đời không được ở căn nhà mới một ngày nào. Anh ra đi để lại cho tôi rất nhiều thương tiếc. Giờ đây tôi có được anh chị là hai người mà tôi coi như người thân của mình.
Anh chị có được một trai và ba gái. Trừ người gái út chưa lập gia đình còn những người kia đều có gia đình và có cơ sở lập nghiệp vững chắc. Tính  anh nghiêm nghị và đâu ra đó. Tính của chị thì vui vẻ, cởi mở với mọi người và đặc biệt có cái cười thật là rạng rỡ, niềm nở đầy hiếu khách gây được cảm tình ở mọi người. Tôi lại được biết là hồi còn ở bên đó chị có làm việc chung với anh bạn nối khố của tôi nữa.
Điều mà tôi mến phục ở chị nhất là tinh thần học hỏi và cùng chịu khó theo dõi thời sự như anh. Đây mới là điểm nói lên được tính cách chìu chồng của chị, chẳng những từ cách lo về ẩm thực mà cả về những sở thích tinh thần của chồng nữa. Anh mê tennis, chị cũng theo dõi và bàn bạc với chồng về các cầu thủ và các trận đánh. Mọi biến cố thời sự chị đều tò mò hỏi để được anh giải thích cặn kẽ. Chị còn chịu khó cắt những mục y học thường thức trong báo để lưu lại làm tài liệu khi cần. Mới đây anh có được một cái laptop thì chị cũng vào thường xuyên để xem tin tức. Nhờ tinh thần học hỏi hiếu kỳ đó mà, theo tôi nghĩ, là so  các vị đồng tuổi với chị thì chị có tầm hiểu biết sâu  rộng hơn nhiều. Giờ xin nói đến tài chăm sóc cây cảnh của chị.
Bên trong nhà chị có dưỡng mấy chậu hoa lan thật là đẹp và sống thật lâu. Có chậu lan liên tục ra hoa cả mấy năm liền mà lá vẫn còn dầy và xanh mướt. Chị chọn những chậu đầy nét mỹ thuật tạo cho mấy khóm lan đầy vẻ duyên dáng. Có nhiều khóm lan gần bị rụi mà mấy người con đưa qua chị chăm sóc chừng vài tháng sau thì lại trổ hoa rực rỡ. Còn bên ngoài nhà thì nhờ biết cách chăm sóc mà cây cảnh, hoa lá quanh nhà chị lúc nào cũng xanh tươi, đầy màu sắc và mượt mà. Mới đây cây hoa quỳnh nhà chị dưỡng đã hơn ba năm bắt đầu trổ được ba bông thật là rực rỡ. Tôi cũng được mời tới để thưởng thức. Chẳng những chỉ trồng hoa kiểng mà chị còn có một vườn rau nho nhỏ nữa. Trong khu đất nhỏ đó chị trồng đủ các loại rau thơm, cải bẹ xanh đủ cung cấp cho những món ăn hằng ngày. Mới đây chị cho tôi một chậu thì là nở bung ra thật đẹp để tôi có mỗi lần ăn bún riêu.
Tuần nào vào ngày nghỉ tôi luôn đến thăm anh chị để trò chuyện. Lúc nào cũng vậy, chị đều pha một ấm trà nhỏ và đem mứt gừng ra để cùng nhâm nhi. Vào đầu tháng chín này anh xin về hưu nhờ chị và mấy người con đốc thúc. Chị vẫn nói với tôi:
- Anh biết không, mỗi lần ảnh đi làm ca khuya lại về trễ tôi lo không ngủ được. Ảnh có bề gì thì tôi ở lại một mình buồn chịu gì nổi. Giờ anh chịu về hưu thì tôi mừng vô cùng.
Ở xứ lạ quê người lại không thân thuộc như tôi mà có được những người bạn như anh chị thì quả thật tôi may mắn vô cùng. Có người để bàn bạc và tâm sự "hợp ý" như anh chị thì quả là hơn được vàng. Tuần tới anh chị đi nghỉ mát ở Hawaii với gia đình làm tôi bị trống trải mất một tuần không có người để uống trà và trò chuyện. Tôi chỉ còn biết mong cho anh chị có chuyến đi vui vẻ và sớm về để có người chuyện vãn cho đỡ những lúc trống vắng không biết cùng ai chuyện trò về thế sự mỗi ngày./.
Trương Tấn Thành

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,316,177
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương. Nay hai bút hiệu hợp nhất, thành một tác giả thân quen đã hơn 15 năm sinh hoạt với Việt Báo viết về nước Mỹ. Tác giả là cư dân miền Bắc California vừa thông báo đã “trả thẻ, về hưu.” Hy vọng viết về nước Mỹ năm thứ 21 sẽ thêm bài viết mới.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, từng nhận Giải Danh Dự VVNM 2001 và giải chung kết VVNM 2004. Khởi viết cùng lúc với giải thưởng Việt Báo, tác giả đã xuất bản cuốn sách đầu tiên, "Cạnh Đền" và mới nhất là "Bước Chân Định Mệnh". Hai cuốn sách gộp chung gần 1.000 trang truyện ký về cuộc đời của chính tác giả.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2019 khi gần 90 tuổi. Bà tên thật là Nguyễn thị Ngọc Hạnh. Trước 1975, là giáo sư đệ nhị cấp tại Trung học Nguyễn Trãi. Cùng gia đình tới Mỹ từ 1979, hiện là cư dân hưu trí tại miền Đông. Bài viết thứ bảy của bà kể về chuyện họp mặt trường cũ trên du thuyền.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ. Bài viết mới của bà kể về người bảo lãnh của gia đình, một cựu sĩ quan VNCH, cựu tù cải tạo, vừa ra đi tại Atlanta.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas. Bà sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển tới Philippine năm 1989. Định cư tại Mỹ từ 1990, ông hiện là cư dân Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi. Sau giải Danh Dự VVNM 2018, sang năm 2019, ông góp thêm 7 bài viết mới. Hai bài tiêu biểu: "Đời Phi Công...Không Người Lái," và bài mới nhất, "Philippinnes, Ngày Trở Lại": người thuyền nhân trại Pallawan 30 năm trước, nay là một công dân Mỹ trở lại giúp mảnh đất ơn nghĩa năm xưa chống khủng bố. Vẫn chuyện Philippinnes, đây là bài mới nhất. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển tới Philippine năm 1989. Định cư tại Mỹ từ 1990, ông hiện là cư dân Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi. Sau giải Danh Dự VVNM 2018, sang năm 2019, ông góp thêm 7 bài viết mới. Hai bài tiêu biểu: "Đời Phi Công...Không Người Lái," và bài mới nhất, "Philippinnes, Ngày Trở Lại": người thuyền nhân trại Pallawan 30 năm trước, nay là một công dân Mỹ trở lại giúp mảnh đất ơn nghĩa năm xưa chống khủng bố. Vẫn chuyện Philippinnes, đây là bài mới nhất.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, cô đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX và hiện là cư dân Los Angeles, công việc: làm tax accountant. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả tiếp tục cho thấy một sức viết mạnh mẽ khác thường. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Chào mừng tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà cho biết tên thật là Lâm Túy Mĩ (Milam Túy Hoa). Trước 1975, làm việc cho ngân hàng Việt Nam Thương Tín chi nhánh Nguyễn Tri Phương, Quận 5, Saigòn. Năm 1976, sau đợt đổi tiền, bị sa thải vì có chồng là "ngụy quyền". Vượt biển, và định cư ở Hoa Kỳ từ hè năm 1979. Từng là nhân viên thành phố Long Beach trên 28 năm. Sau hưu trí, hiện là cư dân Santa Ana. Mong tác giả tiếp tục viết.