Hôm nay,  

Xin Một Lần Được Gọi...

20/06/200900:00:00(Xem: 187685)

Xin Một Lần Được Gọi...

Tác giả: Anthony Hưng Cao
Bài số 2648-16208725- v762009

Anthony Hung Cao tự sơ lược tiểu sử: 38 tuổi, cư dân Nam California, công việc: bác sĩ nha khoa, đang hành nghề tại Costa Mesa. Là tác giả đã nhân giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2008, Hưng Cao đã góp thêm nhiều bài viết đặc biệt. Bài viết mới của ông dành cho Father’s Day là một chuyện tình.

***

Hàng năm, mỗi khi nắng hè Cali bắt đầu trở nên gay gắt trên từng ngọn cây, bãi cỏ, và bọn trẻ nhộn nhịp chuẩn bị cho những ngày nghỉ hè là dịp mọi người cùng nghĩ đến người cha thân yêu, dù đang sinh tiền hay đã quá cố.  Tôi đã được đọc không biết bao nhiêu câu chuyện với những kỷ niệm buồn vui của những người con viết về những người cha thân yêu của họ.  Hôm nay tôi muốn xin phép người cha thân yêu của tôi để được viết về một người mà tôi chưa bao giờ được cất lên hai tiếng gọi "Thưa Ba".  Có lẽ tôi đã làm bạn tò mò muốn biết con người đó là ai.  Vậy thì mời bạn hãy cùng tôi trở lại những ngày tháng của năm 1990 ...
"Em hiền ánh mắt nai tơ
 Anh quên trang sách ngồi ngơ ngẩn nhìn"
("Chuyện Tình Tuổi Học Trò"-Cao Minh Hưng)    
Em ngồi đó với ánh mắt hồn nhiên chăm chú trên trang sách qua cặp mắt kính cận trong thư viện của trường đại học.  Mái tóc em dài xõa nhẹ xuống bờ vai làm tôi biến thành kẻ si tình quên mất trang sách đang đọc dỡ dang.  Rồi tôi cũng bạo dạn mon men đến gần để làm quen.  Ôi, ánh mắt và giọng nói của em làm tôi tưởng như vừa được uống ly chanh đường thật mát dưới cái nắng nóng của mùa hè. Đây là mùa hè thứ hai tôi không còn được nghe lại tiếng ve kêu giữa những hàng phượng vĩ như năm nào.
 - Em sắp có lớp.  Lát nữa xong lớp em phải về nhà.
Sau những giây phút ngượng ngùng ban đầu, em miễn cưỡng trả lời tôi như muốn tống khứ đi gã thanh niên từ đâu chợt xuất hiện.
Sau một hồi làm mặt lì đứng nói chuyện, tôi đánh bạo mở lời đưa em về nhà sau giờ học vì biết rằng em mới qua Mỹ cách đây không lâu và chưa có bằng lái xe.  Em đáp lại lời mời của tôi bằng một ly trà nóng thay cho ly chanh đường khi nãy.
- Cám ơn anh, nhưng một lát nữa ba em tới đón.
Vậy là mối tình vừa chớm nở của tôi đã có một "con kỳ đà" cản mũi.  Cô bạn gái mới quen của tôi chắc thuộc loại tiểu thư có kẻ đón người đưa, mà người đó lại là ba nàng thì tôi còn hy vọng gì để tranh đua.
Tôi chuồn ra khỏi lớp học sớm hơn và đứng nép người dưới hàng cây phượng tím đang nở rộ để rình xem mặt ông bố nàng ra sao để còn nghĩ cách bày mưu tính kế.  Trời đã về chiều, mặc cho mấy con kiến không bỏ lỡ cơ hội cắn vào lớp da bọc "nhiều xương hơn thịt" của kẻ tị nạn mới qua Mỹ trước em khoảng một năm, tôi không dám cọ quậy mạnh sợ bị lộ.  Cũng may ông trời thương cho kẻ tình ngay ý gian như tôi nên không bao lâu sau, một chiếc xe Honda Civic màu vàng nhạt đỗ lại sát bên lối đi mà các sinh viên thường đứng chờ người nhà đến đón.  Trong tia nắng chiều yếu ớt còn sót lại sau tàn cây bươm bướm xa xa với những đóa hoa như những chú bướm màu tim tím đang vỗ cánh bay lập lòe trong gió, tôi cố giương mắt để nhìn cho rõ mặt người đàn ông đến đón em.  Khuôn mặt ông nghiêm nghị với mái tóc hoa râm làm tôi hơi chột dạ.  Ông trên năm mươi tuổi, dáng người gầy gầy.  Trên khuôn mặt và dáng vẻ nghiêm khắc ấy chỉ có ánh mắt là lộ vẻ hiền từ làm tôi yên tâm được phần nào. 
Thôi, coi như lần đầu tiên "giáp mặt" với ông như vậy là đủ rồi.  Chiếc xe Honda Civic lăn bánh đi rồi mà tôi vẫn còn đứng ngẩn ngơ nhớ đến dáng em khép nép bước vào xe, rụt rè ngồi bên cạnh người cha.  Tôi tự biết từ đây, để chiếm được trái tim em, tôi phải có thêm một sứ mệnh là chinh phục được cảm tình của ông trong khi thân phận tôi lúc bấy giờ chỉ là một cậu học sinh nghèo với cái xe Mazda cà tàng, không biết chút nữa có chịu nổ máy không.  Vậy mà lúc trưa tôi còn bạo gan đòi "đưa em về dưới mưa".  Có khi phải nhờ xe towing tới rước cũng không chừng...
Những kỷ niệm của tôi với em, tôi hẹn sẽ kể với bạn ở một dịp khác vì tôi sẽ phải đóng thành một quyển sách "cẩm nang cua gái" để bán.  Có như thế bạn mới biết tôi phải "cua" em cực khổ đến dường nào.  Bây giờ tôi trở lại chủ đề của câu chuyện như đã hứa kẻo bị lạc đề.
Mấy tháng sau, em được "thăng chức" đứng bán nước đá chanh (lại chanh đường) ở khu chợ trời Costa Mesa vào những ngày cuối tuần.  Tôi cũng mừng cho em vì dẫu sao em cũng được "ngồi mát uống bát nước chanh đường". Chẳng bù cho tôi vì muốn được gần em trong hai ngày cuối tuần và để kiếm thêm tiền mua sách vở, tôi phải lặn lội dưới cái nắng mưa ở khu chợ trời để dọn hàng cho bất cứ người chủ nào đồng ý thuê mướn với giá 3-4 chục đồng để dựng lều, dọn hàng và đến chiều thì thu dọn hàng.  Hôm nào hên thì được chủ thuê ở lại bán hàng cả ngày, tôi được trả đến 5-6 chục đồng.  Những lúc nghỉ xả hơi là tôi lại lân la tìm đến bên xe nước đá chanh chỉ tìm dịp để nói chuyện bâng quơ vài câu cho em biết tôi đang hiện diện quanh đây và cũng tiện thể "dằn mặt" đám thanh niên choai choai lượn qua lượn lại định chọc ghẹo cô bé "con nhà lành" của tôi.
Giây phút hạnh phúc nhất là những buổi chiều khi mình mẩy còn ướt đẩm mồ hôi sau khi dọn hàng, tôi được nán lại để trò chuyện cùng em.  Bao nhiêu câu chuyện muốn nói mà dường như thời gian gặp gỡ ở trong trường nói cũng chưa đủ.  Hai đứa chúng tôi phải đứng nép sau bức vách tường của cái nhà kho chứa đồ trong khu chợ trời vì cách đó không xa, ngoài khu parking là chiếc xe Honda Civic màu vàng nhạt với bố em đang ngồi đợi trong đó.
- Anh nói mau mau nhe, ba em đang đợi ở bên ngoài kìa.  Chỉ còn mấy cái xe ngoài đó thôi.  Ba em biết đó.
- Nhưng mà anh chưa muốn về.  Anh muốn đứng lại đây nói chuyện với em. 
Tôi cứ làm lì tảng lờ như không biết thời khắc đang trôi qua.  Khu chợ trời lúc ban trưa ồn ào người qua lại mà giờ đây chỉ còn tiếng khua leng keng của những ống thanh sắt dựng lều đang hạ xuống vội vàng. Những con quạ đen đang đáp xuống từng đàn ăn những thức ăn dư thừa bỏ lại trong những thùng rác to đặt khắp nơi trong khu chợ trời.  Xen lẫn với tiếng động cơ của những chiếc xe hàng lớn có, nhỏ có đang chậm rãi rời khỏi khu chợ trời là tiếng kêu inh ỏi của bầy quạ. Nếu như những lúc khác, tiếng kêu của những con quạ này làm tôi rất bực mình. Nhưng trong cái không gian nhỏ bé đầy tình yêu của chúng tôi bên bức tường của khu chứa đồ, những tiếng quạ kêu nghe cũng thật trữ tình như những nốt nhạc trầm bổng của người nhạc sĩ thổi kèn lạc nhịp. Đúng như câu nói mà tôi đã từng nghe, tuy tôi xin đổi lại một chút là "người vui cảnh có buồn đâu bao giờ". Hình như có tiếng còi xe vang lên, em giục tôi:


- Thôi em phải về, ba chờ lâu la em chết.
Lúc đó tôi mới bừng tỉnh giấc mộng mà tiếc rẻ chia tay em. Thôi chào em nhé, con chim bé nhỏ của lòng anh.  Tôi phải ngậm ngùi để em bay trở lại vào lồng chiếc xe hơi Honda Civic nhỏ, nơi có người cha nghiêm khắc đến lạnh lùng đang kiên nhẫn ngồi chờ. 
Không biết tôi có chủ quan hay không, nhưng linh tính của tôi báo rằng có lẽ ba của em biết chúng tôi hẹn hò vụn trộm sau giờ làm việc, nhưng ông không có vẻ gì giận dỗi hay la mắng khi thấy em bước vào xe.  Lúc bước ra theo sau, tôi có len lén gật đầu chào ông nhưng ông chỉ lặng lẽ gật đầu đáp lại chứ không lộ vẻ giận dữ với thằng con trai đã cả gan giữ con gái ông ở lại đến mười mấy phút sau giờ làm và bắt ông phải ngồi chờ.  Hay có lẽ ông cảm thông cho sự cực khổ dãi nắng giầm mưa của tôi cả ngày bán sức lao động, nên ông ban cho chúng tôi ít phút phù du chăng.  Mãi cho đến bây giờ, tôi cũng vẫn không biết chắc câu trả lời.
 Chiếc xe Honda Civic nổ máy chạy trước. Chiếc xe Mazda của tôi cũng lẹt đẹt chạy theo sau vì nhà em tuy không "ở cạnh nhà tôi, cách nhau cái giậu mồng tơi xanh rờn", nhưng chúng tôi ở cùng hướng. Tôi cố ý chạy lane song song bên phải xe của ông để được ngắm em, cô con gái cưng duy nhất của ông.  Lại thêm một lần nữa chắc ông thương tôi, thay vì đổi lane hoặc tăng tốc độ mà ông biết chiếc Mazda đời 79 của tôi không thể nào đuổi kịp chiếc Honda Civic đời 84 của ông, ông vẫn lái tà tà cho tôi bám đuôi theo cho đến khi đến ngã tư rẽ vào con đường nhỏ vào nhà em.  Đến lúc nầy, tôi mới giơ tay ra hiệu chào tạm biệt và em cũng kín đáo liếc mắt nhìn tôi như muốn nói lời từ giã.
Thời gian thấm thoát trôi qua, tôi có đến nhà em một vài lần nhưng chưa bao giờ tôi ngồi nói chuyện lâu với ông.  Tôi chỉ biết thêm ít nhiều về ông qua những lần em thủ thỉ bên tai tôi với một giọng kính trọng tuy vẫn ngọt ngào như ly nước chanh đường ngày nào mới quen trong thư viện của trường.
- Lúc trước năm 75, ba em làm ở Sở Hải quan. Ba và mẹ lấy nhau đến gần mười năm mới có em nên ba mẹ mừng lắm vì lúc đó mẹ cũng trên 30 tuổi rồi.  Hai năm sau thằng em trai ra đời.  Sau năm 75, cuộc sống gia đình hoàn toàn thay đổi.  Bao nhiêu của cải còn sót lại sau khi bị "đánh tư sản" đều dành dụm cho những lần vượt biên nhưng đều không trót lọt.   Cả nhà phải sống rất vất vả.  Ba phải làm đủ mọi nghề để sinh sống. Tấm thân tuy gầy yếu nhưng ba vẫn phải gò lưng chở những bao than, bao củi đem bán.  Em nhớ nhất một buổi chiều đi làm về, ba trông xanh xao, mệt nhọc khi bước vào nhà nhưng vẫn mang về quà bánh cho hai chị em từ những đồng tiền chắt chiu từ những chuyến chở hàng.  Đã không biết bao nhiêu lần ba không ăn gì hết trước khi đi lấy hàng chỉ vì muốn để dành tiền cho hai đứa con có tiền ăn sáng trước khi đến lớp.  Đêm hôm đó ba mệt nhiều và ho ra máu.  Em lúc đó chỉ mới mười mấy tuổi nhưng em đã nhận thức những hy sinh, vất vả của ba.  Nhìn tấm thân gầy gò của ba quặn người theo từng cơn ho mà em chỉ mong sao cho mau lớn để phụ giúp cho ba.  Mẹ cũng bận rộn buôn tần bán tảo, ít có thì giờ nên em gần gũi và hay tâm sự nhiều với ba.  Em vẫn nhớ những buổi chiều trên đường phố Sài Gòn, ba chở em trên chiếc xe đạp cũ kỹ chỉ để mua cây cà rem mà ba biết em rất thích ăn....
Tôi cũng biết ngay từ lúc định cư ở Mỹ, ông đã lao ngay vào tìm việc để làm, tuy vẫn sắp xếp thời gian để đón em từ trường về vì không muốn em đi xe bus về nhà. Thằng em trai thì còn đi học high school ở gần nhà nên nó có thể đi bộ về.  Tuy thương con gái "rượu" như vậy và lúc nào cũng sẵn sàng để bảo vệ cho con, vậy mà ông vẫn cho tôi cái cơ hội gần gũi và quen biết con gái ông dù chưa một lần ông hỏi dò xem tôi định theo học ngành gì, có dự định gì cho tương lai, v.v ... 
Có lẽ kiếp trước tôi tu rất nhiều nên kiếp này tôi mới được ông đối đãi rất tốt như vậy chăng"  Tôi biết có bao nhiêu ông bố, bà mẹ hà khắc cấm cản đến độ làm tan vỡ bao nhiêu mối tình đẹp mà sau này khi đã lập gia đình với người khác và không có hạnh phúc, con cái đôi khi cũng thầm oán trách cha mẹ.
Nhịp sống vẫn cứ trôi... Cuộc tình của tôi và em lớn dần theo năm tháng.  Cả hai chúng tôi vẫn lao đầu vào việc học và làm việc những ngày cuối tuần.  Tôi và em với bao dự tính, ước mộng cho tương lai.  Tôi vẫn không có nhiều cơ hội để gặp gỡ và tâm sự nhiều với ông cho đến lúc tôi bịn rịn từ giã em để chuyển trường đi học trên Los Angeles.
Tôi sẽ mãi mãi không quên buổi chiều hôm đó khi em gọi điện thoại với giọng nức nở báo tin ba em trở bệnh nặng.  Những tháng ngày làm việc vất vả khi xưa cộng với công việc và thời tiết lạnh bên này đã làm cho bệnh cũ của ông tái phát.  Tôi vội vã về thăm ông vào cuối tuần. 
Lúc tôi ngồi xuống bên cạnh giường bệnh, ông chỉ nắm chặt lấy tay tôi mà không nói gì. Hai giọt nước mắt ứa ra trong khóe mắt ông.  Lần đầu tiên tôi thấy ông khóc.  Trông ông thật hiền từ không còn vẻ nghiêm nghị như mọi ngày.  Ông nhìn sâu vào đôi mắt tôi như muốn trăn trối một lời phó thác đứa con gái thương nhất của đời ông cho tôi.  Tôi cũng ngẹn ngào không nói lên được lời nào.  Chắc có lẽ giữa tôi và ông trong giây phút đó, một cái nắm tay, một ánh mắt nhìn cũng đủ nói lên tất cả.  Ít lâu sau, ông mất.
Dự đám tang của ông, tôi như người bị hụt hẫng. Quì xuống bên cạnh và nắm lấy bàn tay đã giá lạnh của ông, tôi thầm cám ơn ông đã tin tưởng giao gửi tương lai hạnh phúc của con gái ông cho tôi.  Tôi thầm hứa trước vong linh của ông tôi sẽ cố học hành nên người để không phụ lòng tin cậy của ông và chứng tỏ cho ông biết ông đã không nhìn lầm người.  Tôi sẽ thay ông bảo vệ, chăm sóc và mang hạnh phúc đến cho em.  Tôi sẽ thay ông chở em đi trên những con đường xưa, mua cây cà rem mà em thích ăn.  Tôi sẽ sánh bước đi bên em suốt cả cuộc đời, như ông đã từng cho tôi lái xe song song với ông như ngày nào.
Chỉ có một điều tôi tiếc là chưa có được một lần nói lên hai tiếng "Thưa Ba", nhưng tôi tin rằng ở một nơi nào đó, ông vẫn nghe tiếng gọi từ đáy lòng tôi.
Anthony Hưng Cao  

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,970,774
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương. Nay hai bút hiệu hợp nhất, thành một tác giả thân quen đã hơn 15 năm sinh hoạt với Việt Báo viết về nước Mỹ. Tác giả là cư dân miền Bắc California vừa thông báo đã “trả thẻ, về hưu.” Hy vọng viết về nước Mỹ năm thứ 21 sẽ thêm bài viết mới.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, từng nhận Giải Danh Dự VVNM 2001 và giải chung kết VVNM 2004. Khởi viết cùng lúc với giải thưởng Việt Báo, tác giả đã xuất bản cuốn sách đầu tiên, "Cạnh Đền" và mới nhất là "Bước Chân Định Mệnh". Hai cuốn sách gộp chung gần 1.000 trang truyện ký về cuộc đời của chính tác giả.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2019 khi gần 90 tuổi. Bà tên thật là Nguyễn thị Ngọc Hạnh. Trước 1975, là giáo sư đệ nhị cấp tại Trung học Nguyễn Trãi. Cùng gia đình tới Mỹ từ 1979, hiện là cư dân hưu trí tại miền Đông. Bài viết thứ bảy của bà kể về chuyện họp mặt trường cũ trên du thuyền.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ. Bài viết mới của bà kể về người bảo lãnh của gia đình, một cựu sĩ quan VNCH, cựu tù cải tạo, vừa ra đi tại Atlanta.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas. Bà sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển tới Philippine năm 1989. Định cư tại Mỹ từ 1990, ông hiện là cư dân Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi. Sau giải Danh Dự VVNM 2018, sang năm 2019, ông góp thêm 7 bài viết mới. Hai bài tiêu biểu: "Đời Phi Công...Không Người Lái," và bài mới nhất, "Philippinnes, Ngày Trở Lại": người thuyền nhân trại Pallawan 30 năm trước, nay là một công dân Mỹ trở lại giúp mảnh đất ơn nghĩa năm xưa chống khủng bố. Vẫn chuyện Philippinnes, đây là bài mới nhất. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển tới Philippine năm 1989. Định cư tại Mỹ từ 1990, ông hiện là cư dân Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi. Sau giải Danh Dự VVNM 2018, sang năm 2019, ông góp thêm 7 bài viết mới. Hai bài tiêu biểu: "Đời Phi Công...Không Người Lái," và bài mới nhất, "Philippinnes, Ngày Trở Lại": người thuyền nhân trại Pallawan 30 năm trước, nay là một công dân Mỹ trở lại giúp mảnh đất ơn nghĩa năm xưa chống khủng bố. Vẫn chuyện Philippinnes, đây là bài mới nhất.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, cô đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX và hiện là cư dân Los Angeles, công việc: làm tax accountant. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả tiếp tục cho thấy một sức viết mạnh mẽ khác thường. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Chào mừng tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà cho biết tên thật là Lâm Túy Mĩ (Milam Túy Hoa). Trước 1975, làm việc cho ngân hàng Việt Nam Thương Tín chi nhánh Nguyễn Tri Phương, Quận 5, Saigòn. Năm 1976, sau đợt đổi tiền, bị sa thải vì có chồng là "ngụy quyền". Vượt biển, và định cư ở Hoa Kỳ từ hè năm 1979. Từng là nhân viên thành phố Long Beach trên 28 năm. Sau hưu trí, hiện là cư dân Santa Ana. Mong tác giả tiếp tục viết.