Hôm nay,  

Mùa Xuân California: Cám Ơn Hoa & Cám Ơn Người

02/04/200900:00:00(Xem: 60390)

Mùa Xuân california: Cám ơn Hoa & cám ơn Người

Tác giả: Đoàn Thanh Liêm
Bài số 2577-16208654- vb5040209

Tác giả là một luật gia,  nhà hoạt động văn hoá xã hội của miền Nam trước 1975. Ông sinh năm Giáp Tuất 1934, tại  Nam Định. Tốt nghiệp Luật khoa Saigon 1958. Du học Mỹ 1961-62. Từng là chuyên gia luật pháp tại Quốc hôi VNCH (1958-62), Quản lý Chương Trình Phát Triển Quận 6,7,8 Saigon  (1965-71); Giám Đốc Văn Phòng Nghiên cứu và Liên lạc Hội Đông Tôn giáo Thế giới tại  Saigon (1972-74) (World Council of Churches);  Gia nhập Luật sư Đòan Tòa Thượng Thẩm Saigon  (1969-75); Tham gia nhiều tổ chức va7n hoá quô1c tế; Tù nhân chính trị ở Việt nam (1990-96); Hiện là thành viên Viện Xây Dựng Hòa Bình Mùa Hè (SPI Summer Peacebuilding Institute) tại Đại học EMU, Harrisonburg Virginia và tại Knoxville, Tennessee  (2001-2009).

***
 Gia đình chúng tôi định cư ở miền Nam Cali, nhưng cũng có con cháu lại ở Bắc Cali, nên tôi thường có dịp đi lại giữa hai miền; mỗi năm ít nhất là 5-7 lượt. Đọan đường từ thành phố Westminster lên tới San Jose dài khỏang 400 dặm tức là cỡ 600 cây số, xe hơi đi trung bình hết khỏang 6 giờ. Đó là đi theo con lộ xương sống là xa lộ số 5 dọc theo nội địa tiểu bang. Chứ nếu đi theo con lộ số 101 sát bờ biển với phong cảnh "sơn thủy hừu tình" đẹp đẽ, quyến rũ đến mê hồn, thì lộ trình dài hơn lên tới 500 dặm, và lái xe phải hết tối thiểu đến 8 - 9 giờ.
Năm nay, nhờ trời mưa nhiều nên cây cỏ dọc theo bên đường thật là xanh tươi, vui mắt.Trên một số đỉnh núi vào cuối tháng Ba, vẫn còn có tuyết phủ trắng xóa mà khi trời nắng, thì phản chiếu ánh sáng thật uy nghi lộng lãy. Cả những núi đồi ngay từ đọan phía bắc thành phố Los Angeles, thì có thể nói như Cụ Nguyễn Du trong truyện Kiều là : "Cỏ non xanh tận chân trời". Nhưng đến khu đồng bằng, thì nhiêu nơi là cả một rừng hoa lê, hoa mận, hoa hạnh nhân trắng xóa hết cả một cõi nhân sinh. Và khi du khách tới gần đến thành phố San Jose, thì sẽ bị chóang ngợp với cái màu vàng hoa cải trời (daffodil) bát ngát cả không gian. Vì thế, cho nên San Jose mới có biệt danh là "Thung lũng Hoa Vàng", cái tên thật là gợi cảm thơ mộng, thay cho chữ "Thung lũng Điện tử Silicon Valley" mà cả thế giới đều biết đến.
Hoa nở nhiều như vậy, nên khi di chuyển trên Xe Đò Hòang vào dịp sau Tết Kỷ sửu vừa đây, tôi đã nảy ra ý nghĩ là phải sửa lại vế sau của câu thơ Cụ Tiên Điền lại thành ra : "Vườn lê nở ngợp trắng lòa không gian", (chứ không phải là: Cành lê trắng điểm một vài bông hoa ", như trong nguyên tác ). Chuyện sửa văn thơ của nhà đại thi hào như vậy có thể là một việc làm táo bạo, liều lĩnh; nhưng xin bạn đọc cũng thông cảm mà xí xóa cho. Bởi lẽ có như thế, thì mới có thể mô tả chính xác được phong cảnh mùa xuân ở vùng đồng bằng miền Trung California. Chị Luật sư Châu Qui, em gái của Anh Hòang Cơ Long đã có thời sinh sống nhiều năm tại thành phố Fresno trong thung lũng vùng Sacramento-San Joaquin, gần với khu du lịch nổi danh Yosemite, thì cho biết là mùa xuân ở miền này hoa mơ, hoa mận nở ngập trời, thật là tưng bừng rực rỡ. Còn Anh Phan Ngọc Cẩn, phu quân của Chị Luật sư Minh ở Sacramento, thủ phủ của tiểu bang California thì lại cho biết là: Cứ đến mùa xuân, nhiều gia đình giàu có trong thung lũng thì phải di tản đi nơi khác, để xa lánh cái nạn phấn hoa từ khắp miền bị gió cuốn thổi dồn về chỗ trũng, khiến gây bệnh nghẹt thở vì "dị ứng" (allergy), rất khó chịu cho người già yếu. Âu cũng là cái mặt tiêu cực của thiên nhiên vậy.
Bài này cũng được gợi ý  từ câu thơ nổi danh của thi sĩ Tô Thùy Yên: "Xin cảm ơn Hoa đã vì ta mà nở". Và trong tiêu đề của bài ghi nhận về Mùa Xuân Cali này, tôi đã ghi thêm: "Xin cảm ơn Người" nữa. Bởi lẽ tại Cali với tổng số trên nửa triệu người Việt tới định cư kể từ sau năm 1975, thì tôi nhận được nhiều tình cảm nồng thắm, chân thành, đúng như sự mô tả của nhiều người là: "Cali nắng ấm, tình nồng". Tức là tôi đang sống tại một nơi được thiên nhiên ưu đãi, với khí hậu ôn hòa, không có cái lạnh giá như ở phía bắc như Canada, Minnesota, mà cũng không có nóng bức quá đáng như ở Texas, Arizona.
   Xuất thân từ một gia đình nông dân tại làng quê vùng châu thổ sông Hồng ở miền Bắc Việt nam, tôi thật thán phục cái lề lối canh tác và chăn nuôi của ngành nông nghiệp tại California. Xin được ghi sơ lược mấy con số thống kê nông nghiệp như sau: California có đến trên 70,000 nông trại với diện tích bình quân là 347 acres (trên 140 hectares) cho mỗi đơn vị canh tác, mà hầu hết là do các gia đình đứng ra phụ trách lấy hết. Tổng trị giá sản phẩm nông nghiệp mỗi năm là khỏang 32 tỉ mỹ kim. Con số này, nếu so sánh với  con số gần 2000 tỉ là Tổng sản lượng (GSP = Gross State Product) của cả tiểu bang, thì chẳng đáng kể là bao nhiêu. Nhưng nếu đem so sánh với sản lượng của ngành nông nghiệp ở Việt nam hiện nay , thì ta sẽ thấy là nó cũng ngang ngửa, mặc dầu nhân số lao động ở nước ta trong nông nghiệp vào lúc này là trên 30 triệu người, trong khi ở Mỹ thì chỉ có khỏang trên 1 triệu lao động nông nghiệp mà thôi. Sản phẩm chính yếu gồm: sữa, bơ, các lọai nho, hạnh nhân, dâu, cà tomate, hoa, cỏ khô, thịt gia súc, rượu nho v.v...Dọc theo xa lộ số 5, ta còn thấy những trại nuôi bò rộng lớn có sức chứa đến cả mấy trăm ngàn con. Năng xuất nông nghiệp khá cao, đó là nhờ ở việc ứng dụng khoa học kỹ thuật và cơ giới rất ư là tiến bộ hiện nay tại nước Mỹ.
Nói về mùa Xuân, thì gần đây tôi hay nhớ đến bà Rachel Carson là tác giả của một cuốn sách xuất bản từ năm 1962, có nhan đề là "Silent Spring" (Mùa Xuân Thầm Lặng). Cuốn sách mô tả về sự tàn phá môi trường thiên nhiên do nguyên nhân chính yếu là thuốc diệt trừ sâu bọ do các công ty hóa chất ở Mỹ sản xuất ra. Tác giả là một nhà khoa học đã từng có nhiều tác phẩm viết về đời sống sinh vật ở lòng đại dương, rất được công chúng yêu chuộng. Và cuốn "Silent Spring" này đã có tác dụng rất lớn lao là gây cho nước Mỹ và tòan thế giới một xúc động mãnh liệt đến độ phát triển thành một phong trào "Bảo vệ Môi trường sống" (Environ-ment, Ecology) khởi sự từ cuối thập niên 1960. Từ đó mà phát sinh ra cơ quan EPA (Environmental Protection Agency) của Liên Hịêp Quốc, cũng như của nhiều nước khác trên khắp thế giới ngày nay. Và cũng tăng thêm sức mạnh cho Phong trào Green Peace (Bảo vệ Môi sinh), cũng như chiến dịch chống nạn "Hâm Nóng Tòan cầu (Global Warming) hiện đang rất sôi nổi tại nhiều quốc gia hiện nay, nhất là trong giới sinh viên học sinh.


Riêng tại California, trong ngành nông nghiệp, thì phải ghi nhận đến công lao vĩ đại của một nhân vật suốt đời tranh đấu cho giới lao động gốc Mễ tây cơ (Chicanos), mà bị bóc lột, bị giới chủ nhân da trắng kỳ thị đàn áp tàn tệ trong các thập niên 1950-60-70 gần đây thôi. Có thể nói Cesar Chavez là một vị anh hùng của người lao động nông nghiệp tại California, cũng tương tự như anh hùng Martin Luther King của người Mỹ gốc Phi Châu vậy. Cả hai vị này đều có tên đặt cho đại lộ lớn ngay tại trung tâm thành phố Los Angeles. Và cả hai vị đều đã gián tiếp góp phần đáng kể vào công cuộc tranh đấu bảo vệ phẩm giá và nhân quyền cho các sắc dân thiểu số khác, mà trong đó có số người tỵ nạn chính trị Việt nam chúng ta.
Vì thế, nhân dịp này, tôi xin được bày tỏ lòng biết ơn và ngưỡng mộ chân thành đặc biệt đến với Rachel Carson, Martin Luther King và Cesar Chavez. Quý bạn đọc muốn tìm hiểu chi tiết hơn về các nhân vật kiệt xuất này, xin cứ việc mở internet của Yahoo hay Google, thì sẽ được đọc nhiều tài liệu rất chính xác và phong phú về các vị đó. Đây là cơ hội rất thuận tiện cho chúng ta tìm hiểu về xã hội nước Mỹ, quốc gia mà phần lớn dân tỵ nạn Việt nam đã trở thành công dân.
Còn về phía người Việt có đến trên nửa triệu người hiện định cư tại California, thì tôi phải bày tỏ sự biết ơn đến rất nhiều người, vì những điều tốt đẹp họ làm cho riêng bản thân của tôi và gia đình, cũng như cho cộng đồng xã hội trong nhiều năm qua. Nhưng vì bài báo có giới hạn, nên tôi chỉ xin được ghi vắn tắt về một vài nhân vật có tính cách tiêu biểu mà thôi.
Trước hết, tôi muốn bày tỏ lòng quý mến đến Anh Chị Nguyễn Hòang Linh cùng tất cả Anh Chị Em trong Công Ty Xe Đò Hòang, vì đã đối xử rất thân tình nhã nhặn với các hành khách thường xuyên đi xe như người trong gia đình chúng tôi. Nhiều khi Anh Chị còn ưu ái cho miễn trả hay cho bớt lệ phí tiền xe cho tôi. Và đặc biệt là Anh còn hay góp phần yểm trợ cho công tác từ thiện nhân đạo của các sinh viên học sinh nữa. Cụ thể như trong dịp gây quỹ để giúp công cuộc "Chống Nạn Buôn Người" vào năm 2007, thì Anh Hòang Linh đã đứng ra mua bức tranh của Họa sĩ Cao Bá Minh tặng với giá ủng hộ là 2,000$00. Điều này đã gây thêm sự phấn khởi cho các em sinh viên trong tổ chức VietAct, cũng như các thành viên trong Mạng Lưới Nhân Quyền chúng tôi, nhất là đối với Chị Jackie Bông là nhân vật chủ chốt của phong trào chống nạn Buôn Người từ nhiều năm nay.
Người tiếp theo là Anh Kỹ sư Bùi Đức Hợp hiện đang nghỉ hưu tại San Jose. Anh Hơp là chú ruột của Trung tá Bùi Đức Lạc mà giới quân nhân đều quý mến. Cả hai chú cháu này đều xuất thân từ một ông cụ tổ họ Bùi rất nổi tiếng từ thời Nhà Lê trên 200 năm xưa, đó là Cụ Bùi Huy Bích, vị Tiến sĩ nổi danh kiệt xuất vào thời đó. Anh Hợp là kỹ sư công chánh, đã từng làm Trưởng ty công chánh tại Long An, Long Khánh trước 1975. Sau này anh vượt biên qua Mỹ và thi lại được bằng PE (Professional Engineer) của Mỹ, rôi làm việc nhiều năm tại Louisiana. Năm 1998, Anh về hưu và từ đó đến nay, Anh Hợp đã tận tâm tận lực giúp đỡ hết mình cho các bà con tỵ nạn bị kẹt ở Philippinnes, đặc biệt anh về Việt nam rất nhiều lần để quy tụ bà con trong dòng tộc họ Bùi nhà anh, giúp các cháu ăn học, sọan thảo gia phả, xây dựng nhà thờ Tổ họ Bùi, lập Thư viện Bùi Đức Hậu là thân phụ của anh. Đáng chú ý nhất là Anh Hợp đã giốc hết số tiền tiết kiệm của mình để giúp cho trên 700 bà con tại hai huyện Xuân Trường/ Giao Thủy thuộc tỉnh Nam Định, là quê hương của anh cũng như của tôi, được giải phẫu mắt để thóat khỏi cảnh mù lòa. Anh còn giúp xây cất hàng chục nhà thờ Công giáo ở miền Bắc, không những bỏ công sức về chuyên môn kỹ thuật của một người kỹ sư, mà còn bỏ cả tiền bạc riêng của mình nữa. Thật là một tấm gương hy sinh tận tụy hiếm có. Dĩ nhiên là Anh còn giúp cả việc xây nhiều ngôi chùa và thánh thất khác nữa. Mặc dầu vậy, Anh Hợp lại sống rất khiêm tốn, luôn luôn làm việc trong âm thầm, mà lại ít xuất hiện trước đám đông. Xin bày tỏ lòng quý mến và ngưỡng mộ đối với vị "Anh hùng vô danh" này. (Unsung hero).
Tôi còn biết rất nhiều nhân vật cũng dấn thân hết mình phục vụ xã hội nữa. Nhưng vì bản tính khiêm tốn, họ không muốn cho ai đề cao tên tuổi của mình. Vì thế, tôi chỉ xin ghi ra một số tổ chức thiện nguyện mà đã từng họat động nhiều năm nay ở tại California cũng như tại Việt nam. Cụ thể như các Nhóm Thiện nguyện chuyên lo cung cấp bữa ăn và quần áo, chăn mền cho các người homeless. Hay các nhóm chuyên đến thăm viếng, an ủi các phạm nhân bị giam giữ trong các trại tù. Hay như "Hội Bạn Người Phong Cùi". Tổ chức "Green Cross   SAPVN = Social Action Program Việt nam". Tổ chức VietAct chuyên giúp các nạn nhân của Nạn Buôn Người. Tổ chức "Help The Poor". Tổ chức PacificLinks. Tổ chức VNHelp. Hội Bác Ái Phanxicô. Tổ chức "Project Vietnam". Tổ chức ICANN  v.v... Các tổ chức thiện nguyện như vậy có thể kể đến hàng ngàn, hàng vạn, không thể nào liệt kê hết được trong một bài báo ngắn ngủi. Muốn thống kê cho thật đày đủ, phải có cả một cuốn sách để mô tả tương đối khá rõ rang, chi tiết về tính chất năng động của Xã hội Dân sự, riêng biệt của lớp người tỵ nạn chính trị Việt nam tại tiểu bang California của chúng ta vào đầu thế kỷ XXI này.
Bài viết này bắt nguồn từ cảm hứng Mùa Xuân Kỷ sửu 2009 ở California, là nơi tôi đã tới định cư từ trên 10 năm nay. Tôi được chứng kiến bao nhiêu cảnh sắc đẹp đẽ, tươi mát êm dịu của thiên nhiên, vốn đã từng dành bao nhiêu là ưu đãi cho trên 36 triệu con người sinh sống dọc theo bờ biển miền Tây nước Mỹ, cũng như trong các thung lũng đồng bằng trong nội địa của tiểu bang được mệnh danh là "Golden State" này. Thiên nhiên thì tuyệt vời và hào phóng, trù phú như vậy. Mà tâm hồn con người tại đây cũng lại rất là thanh cao, nhã nhặn và trong sáng. Trong lớp người già nua, cũng như nơi lớp thanh niên trai trẻ, đâu đâu tôi cũng tìm thấy được niềm rung cảm phấn khích trước những con người có tấm lòng vàng, có sự thương cảm trắc ẩn trước những khổ đau đày đọa của người đồng lọai, và ra tay góp phần rất thiết thực và cụ thể để cứu giúp người bà con gặp cảnh họan nạn ở quê nhà, hay ngay tại nước Mỹ. 
Mùa Xuân năm nay cũng đang là lúc rất đen tối, khốn khổ cho bao nhiêu nạn nhân của cơn đại khủng hỏang tài chánh và kinh tế ở nước Mỹ cũng như trên thế giới, khiến cho  nhiều người bị mất việc, mất nhà. Thế nhưng tôi cũng vẫn bình tĩnh an tâm, vì còn thấy được bao nhiêu con người có tâm hồn cao thượng sinh sống ngay bên cạnh mình tại California này. Vì thế cho nên tôi rất tâm đắc với lời ca của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng trong bài "Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng", xin được ghi lại sau đây để kết thúc bài viết đã khá dài này :
 "Xiết tay nhau cúi đầu gạt lệ / Tạ ơn Trên: Người vẫn thương Người..."
Đòan Thanh Liêm
California, Mùa Xuân Kỷ sửu 2009

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,270,221
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến