Hôm nay,  

Nước Mỹ Và Con Tôi

26/05/200900:00:00(Xem: 105259)

Nước Mỹ Và Con Tôi

Tác giả: Vũ Chí Đạo
Bài số 2624-16208701- v352609

Tác giả 58 tuổi, hiện là cư dân Centreville, Virginia. Trước 1975, đã là Phó Trưởng  Ty Bưu Điện Sa Đéc.  Định cư tại Mỹ theo diện ODP từ tháng 6/1990. Hiện đang làm  cho County of Fairfax, VA. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên gợi lại những kỷ niệm về người trưởng nữ mất vì bệnh ung thư trên đất Mỹ.
***

Nguyên Hương yêu quý,
Biết bao kỷ niệm vui buồn từ ngày bố mẹ đưa con và em Tuệ đến vùng đất tạm dung này. Gia đình mình trước sau chỉ có bốn người, ngày qua ngày phấn đấu để thích nghi với cuộc sống mới. Ba mươi bốn năm đã trôi qua kể từ ngày Sài Gòn bị bức tử.
Gia đình mình vốn bị liệt vào hàng gia đình ngụy thứ thiệt (bởi vì ông nội là sĩ quan, bố là viên chức của chế độ cũ, còn bà nội làm cho đế quốc Mỹ.  Bố mẹ đã chịu đựng với bao mất mát, khổ đau trong hơn 15 năm dưới chế độ Cộng Sản để chu toàn cho hai chị em con, cho đến ngày đi đoàn tụ với ông bà nội cùng các bác và cô chú.
Hồi tưởng lại những ngày đó, bố thấy thật bâng khuâng. Khởi đi từ kỷ niệm buồn trước: Gia đình mình đặt chân đến Cali. Những tưởng sẽ được đoàn tụ đại gia đình nhưng thật ra lại là chia ly, bởi ông bà nội đã chia tay sau 20 năm chung sống, các bác và cô chú thì đều có cuộc sống riêng tư theo lối sống Mỹ. Bố mẹ hụt hẫng, đành phải tạm biệt Cali để move lên tiểu bang Virginia, trước là tìm kiếm việc làm, sau là để quên đi những nỗi buồn mất mát.
Tại Virginia, sau ba ngày định cư bố đã xin được việc làm tại một hãng chuyên về công việc sản xuất sắt thép - nơi mà hầu hết công nhân là người da đen, chỉ có duy nhất bố là người Việt Nam cộng thêm ba người Lào nữa. Đời công nhân tại xứ Mỹ này quả là cực nhọc nhưng ít ra cũng còn kiếm được đồng ra đồng vào. Chính thế, bố cũng tạm lo được cho gia đình tươm tất và hai chị em con thong thả học hành trong môi trường giáo dục được mệnh danh là số một trên thế giới này. Ngày tháng trôi qua trong êm đềm và từng bước thầm bước thầm, mẹ con cũng đã đi làm phụ thêm với bố để lo cho hai con với mong muốn được nhìn thấy ngày hai chị em con ra trường có được một chỗ đứng vững chắc trong xã hội đầy bon chen và thực dụng.
Chắc con cũng hình dung được những khó khăn chồng chất mà bố đã phải chịu đựng trong suốt gần năm năm làm việc với cái job đầu tiên. Từ chỗ ngôn ngữ bất đồng (bố nói bố nghe, Mỹ nói Mỹ nghe. Nhưng nực cười ở chỗ một số đồng nghiệp của bố tuy nói thao thao nhưng lại mù chữ nên đôi khi để cảm thông lẫn nhau, bố và họ phải dùng đến bút đàm) đến chỗ công việc không phù hợp với khả năng chuyên môn và sức khỏe của bố. Rồi một ngày tai nạn ập đến với bố bằng cú "cụp xương sống" khiến bố phải "giã từ vũ khí" và bon chen với cái job thứ hai: mailman.
Bố còn nhớ con đã nói với bố kể cũng nực cười và đúng là đổi đời. Lúc trước còn ở quê nhà, trước ngày "tháng tư đen", bố từng là người phụ trách cả một ty bưu điện tại một tỉnh nhỏ êm đềm bên bờ sông Sa Đéc. Nay bố lại được "ưu ái" làm dưới quyền các "chú Mỹ" trong công việc làm nhịp cầu thông tin cho nguời dân Mỹ. Một ngày như mọi ngày. Hình như định mệnh lại thử thách bố một lần nữa bằng việc "chúng" find out bố đang ăn tiền "worker's comp" mà lại dám apply đi làm cho Federal nên chúng remove bố khỏi cộng đồng USPS. Tiền mất tật mang. Nhưng vì gia đình, vì giấc mộng vàng trên miền đất hứa, bố lại ngoan cố apply cái job thứ ba phù hợp nhất với khả năng của bố (chỉ có điều hơi lệch pha!) thay vì đứng trên bục giảng thì bố lại phải hàng ngày đưa đón các niềm hy vọng tương lai của nước Mỹ đến trường. Quá tam ba bận. Chắc bố an phận với cái job "dưỡng già" này cho đến ngày về với cát bụi.
Bây giờ đến những kỷ niệm vui: đó là ngày 21/10/1975, con chào đời. Thật tuyệt vời và hạnh phúc biết bao cho bố mẹ. Vì con quá nhỏ nên bà ngoại gọi con là "miu". Con mèo nhỏ của bố mẹ.
Hồi tưởng lại những ngày con chẳng may bị bệnh, bố đã phải thức thâu đêm vác con trên vai và ru con ngủ bằng những bài hát của nhạc sĩ tài danh họ Trịnh. Bởi thế nên sau này khi lớn lên, tâm hồn con ít nhiều cũng lãng mạn, đa sầu đa cảm.
Những dấu ấn đáng nhớ, hạnh phúc của đời con và cũng là niềm vui của bố mẹ: tháng 6/94, con tốt nghiệp high school. Bốn năm sau, con gặt hái thành quả tốt đẹp tại George Mason với mảnh bằng BA. Tháng 6/2000: con thật sự bước vào đời đánh dấu bằng lễ đính hôn và một năm sau con đã yên bề gia thất. Giấc mộng Mỹ quốc đã trở thành hiện thực. Và bố thầm cảm ơn nước Mỹ.


Từ ngày con lập gia đình, dù trên ý nghĩa là con đã có một tiểu gia đình của cuộc đời con, dù con đã ra ở riêng, tự lâp nhưng hình như lúc nào bố cũng cảm thấy con vẫn còn bé nhỏ và gẫn gũi với bộ mẹ như ngày nào. Bởi thừa hưởng cá tính của đại đa số người Việt lưu vong nên lối sống của con, cách suy nghĩ của con vẫn đậm đã tình tự Việt Nam nghĩa là không bị "Mỹ hóa". Ngọt ngào niềm vui lại tiếp nối với sự lần lượt chào đời của những đứa cháu thiên thần: từ Heather Hân, Hanna Hạ, rồi Helena Hiếu, tô điểm thêm cho gia đình đầm ấm. Khoảng thời gian này đối với bố chính là những ngày hạnh phúc nhất kể từ khi đến Mỹ, và bố, một lần nữa lại thầm cảm ơn nước Mỹ.

Nguyên Hương yêu quý,
Con có biết chăng trong cuộc đời này làm sao có mãi được niềm vui" Bởi từ trong hạnh phúc đôi khi đã có mầm khổ đau! Bởi tự trong tiếng cười đã là trộn lẫn tiếng khóc! Sắc sắc không không mà con. Chính thế, tuy biết như vậy nhưng bố vẫn không nén khỏi nỗi bàng hoàng, đớn đau tột cùng trong cái ngày định mệnh: nhận được tin bác sĩ phán con chẳng may vướng phải căn bịnh quái ác của thời đại: Cancer thời kỳ cuối!
Ôi, chỉ một từ ngắn ngủi đã là bản án tử hình dành cho con. Chu kỳ đã thay đổi. Kể từ giây phút này, giai đoạn này đối với bố là cả một chuỗi ngày dài khổ đau, chờ đợi trong tuyệt vọng từng giờ từng ngày. Bố thầm nhủ ta đang hiện diện ở tại Mỹ quốc mà. Một quốc gia từng nổi tiếng có nền y học tiên tiến vào bậc nhất thế giới thì biết đâu căn bịnh của con sẽ được điều trị khả quan nhất. Với lực lượng bác sĩ tài giỏi cộng với những thuốcq men và trang thiết bị hiện đại, những áp dụng của phát minh mới nhất trong nền y học thế kỷ 21, biết đâu sẽ là phép mầu cải tử hoàn sinh cho con. Thế là bố cố nén đau thương cùng con, động viên con, sánh bước bên con, giúp đỡ cho con đi trên con đường định mệnh chống lại bệnh tật.
Kể cũng lạ. Hồi còn ở Việt Nam, thông thường chỉ thấy thiếu ăn, thiếu mặc, tinh thần khủng hoảng bởi chế độ cai trị độc tài độc đảng; cũng bịnh, cũng chết đấy, nhưng mấy khi nghe nói đến ung thư. Sao đến bên Mỹ, cứ 10 người Việt chết vì bịnh, có đến khoảng sáu, bảy người là do bịnh ung thư đủ mọi hình thức. Hay tại môi trường sống, thực phẩm không phù hợp với lục phủ ngũ tạng của dân Việt Nam" Nghĩ quẩn nghĩ quanh chứ ung thư cũng có chừa dân bản xứ đâu.
Mỗi tuần đưa con đi Chemo lại là một lần đứt ruột. Phải chi con vướng phải căn bịnh gì mà bố có thể hiến tặng một phần thân thể cho con được sống thì đỡ biết chừng nào. Đằng này thì vô phương. Chỉ còn cách duy nhất là tiêm độc chất vào thân thể con để giết đi những tế bào nguy hiểm, đồng thời cũng giết luôn những tế bào cần thiết cho sự sống của con. Ngăn chặn phần nào, kéo dài thêm sự hy vọng mong manh được ngày nào hay ngày ấy. Cũng kể từ đây, bố cảm thấy thất vọng và buồn về nước Mỹ mà chẳng hiểu vì sao" Ai đời con tôi trong suốt thời kỳ mang thai đứa thứ ba, sức khỏe tự nhiên yếu dần đi, hình hài yếu ớt như chiếc lá cuối thu thế mà lúc check up định kỳ lão bác sĩ Mỹ cứ ung dung tuyên bố "don't worry", đó là do thai hành. Cứ thế kéo dài vào khoảng vài tháng, sau nhiều lần xét nghiệm ngược xuôi, lão mới find out được nguyên nhân và thản nhiên tuyên án tử hình cho con tôi.
Ngày qua ngày, thời điểm không mong đợi rồi cũng phải đến. Đó là ngày 11/5/2007. Cột mốc thời gian hằn sâu trong tâm tưởng bố cũng như một ngày của tháng tư đen năm nào. Thế là bố đã thật sự mất con!  Sự ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ, để lại ba đứa con còn non dại đã như một sức tàn phá vô hình lấy đi phần đời còn lại của bố mẹ. Đau đớn khôn nguôi. Trước mắt bố hiện tại là một chuỗi ngày dài đen tối, cô đơn và buồn tủi. Mười một tháng chống chọi với bịnh tật rồi con cũng phải buông tay giã từ cuộc sống. Điều này cũng đồng nghĩa với việc bố phải nhìn nhận một sự thật là định mệnh đã an bài. Vui buồn với nước mỹ thì không sao kể xiếc duy có điều chắc chắn là kể từ nay trong lòng bố sẽ có thêm một thứ tình cảm đột xuất, khởi đi từ sự tổng hợp, kết tinh từ kỷ niệm. Đó là chợt dưng bố cảm thấy yêu nước Mỹ vô cùng. Vì sao nhỉ" Nguyên Hương ơi, bởi vì trên mảnh đất này đang ôm ấp vĩnh viễn hình hài của bà nội con, cảu cô Tuyết, và nay là con! Sắp denố ngày tưởng nhớ hai năm con rời xa bố mẹ và em Tuệ, bố chỉ biết ghi lại vài kỷ niệm về con coi như một nén hương lòng thắp cho con. Cuộc sống của con nơi cõi trần này tuy ngắn ngủi nhưng bố tin rằng con sẽ có cuộc sống đời đời vô cùng thanh thản trên nước Chúa.
An tâm nhé Nguyên Hương, con gái thương yêu của bố mẹ.
Vũ Chí Đạo

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,962,660
Khi nói về biên giới, ai cũng nghĩ đến lằn ranh chia đôi giữa nước này với nước kia, mà ít ai nghĩ đến cái biên giới giữa cái sống và cái chết
Hàng năm, tuy không hẹn trước nhưng vợ chồng tôi cứ nhắm chừng con heo đất hơi nặng là lật đật đập ra mua vé lơn tơn về Việt Nam
Lâu nay tôi bị khó chịu ở cổ, rồi bị đau luôn cái chân bên phải. Mỗi lần muốn nhấc chân lên để bước đi, dù chỉ là một bước ngắn cũng đã là khó khăn lắm.
Chưa vào hè, Ontario, Đông CA có ngày nhiệt độ trên 100 độ F. Từ tiểu bang Texas trải dài qua vùng Trung Tây mưa lũ, nước ngập tràn sông Mississippi.
Năm đó, tôi theo bạn dự lễ ở nhà thờ, tình cờ ngồi bên cạnh một ông cụ trông ốm yếu, ho hen.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập. Sống động, cũng chẳng ngại sống sượng, bài viết của ông thường gây nhiều chú ý và bàn cãi. Một số đã được in thành sách "Xin Em Tấm Hình" và tập truyện mới, "Bắc Kỳ". Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước My từ tháng 5/2019. Ông cho biết tên là Dương Vũ, sang Mỹ từ năm 1975, khởi đầu định cư tại tiểu bang SC, và hiện đang sống ở Sacramento. Bút hiệu ông chọn là VuongVu (viết liền, không dấu.) Bài đầu tiên là hành trình di tản từ 30 tháng Tư, 1975, với nhiều chi tiết sống động. Sau đây là bài viết thứ hai.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà cho biết là nhà giáo về hưu, sống tại Canada. "Huế -Dallas" là bài viết đầu tiên kể về người chị và những kỷ niệm thời mới lớn của hai chị em tại Huế đã được phổ biến từ tháng Sáu 2019. Bài thứ hai, mới nhất, là một truyện tình khác thường, dữ dội như lời ca Phạm Duy, “Yêu người xong chết được ngày mai.” Nhân vật chính, một người nữ gốc Việt sinh tại Hoa Kỳ, và một chàng Argentina. Họ gặp nhau trong lễ hội hóa trang tại Venice. Chuyện được nàng và chàng trực tiếp kể bằng lời tự sự, cho thấy cách viết độc đáo của tác giả. Mong bà tiếp tục.
Tác giả đã nhận giải bán kết Viết Về Nước Mỹ 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Viết về nước Mỹ sang năm thứ 15, cô nhận thêm giải danh dự với tự truyện về bệnh lãng tai bẩm sinh. Bài viết mới là một du ký tháng Bẩy, bên cạnh nơi thăm viếng chính là Smokies Mountain, có nhiều ghi nhận thú vị và hữu ích về chặng đường ngàn dặm lái xe qua 4 tiểu bang của nước Mỹ. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả đã nhận giải bán kết Viết Về Nước Mỹ 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Viết về nước Mỹ sang năm thứ 15, cô nhận thêm giải danh dự với tự truyện về bệnh lãng tai bẩm sinh. Bài viết mới là một du ký tháng Bẩy, bên cạnh nơi thăm viếng chính là Smokies Mountain, có nhiều ghi nhận thú vị và hữu ích về chặng đường ngàn dặm lái xe qua 4 tiểu bang của nước Mỹ.