Hôm nay,  

Tuổi 65, Chọn Health Plan Nào?

03/04/200900:00:00(Xem: 359327)

Tuổi 65, Chọn Health Plan Nào"

Tác giả: Phạm Hoàng Chương
Bài số 2578-16208655- vb640309

Tác giả đã nhận giải danh dựï Viết Về nước Mỹ từ năm đầu tiên,  và vẫn liên tục viết.  Là một nhà giáo vui vẻ mà nghiêm túc, có hồi ông bị bà con đồng hương bắt làm Chủ Tịch Hội Ái Hữu Phan Rang. Ông chủ tịch và ông thầy nay về hưu, sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Bài mới của ông là câu chuyện rất sinh động của người đến tuổi... chọn Help Plan.

***
Sinh nhật tôi ngày 15 tháng 5, 1944. Năm 2009 này là đúng 65, được hưởng medicare. Suốt thời gian 15 năm đi dạy, tôi và vợ con được hãng Kaiser "cover" free không tốn một đồng xu. Nhưng từ 4 năm nay, từ khi  xin nghỉ hưu từ San Jose về ở ẩn  Riverside, Kaiser không "cover" nữa (vì tôi không chịu bỏ tiền ra đóng premium 750$ cho 2 người mỗi tháng)  tôi mua thử bảo hiểm PPO hai người 160$, chỉ  hơn 1 năm rồi "cancel", còn thì "tự túc tự cường", bệnh đâu  bỏ tiền mặt ra trả đó. Bây giờ, đánh hơi tôi sắp có medicare, các hãng bảo hiểm sức khỏe ở đâu không biết đua nhau gửi quảng cáo tới đầy nhà, làm tôi quýnh quáng không biết nên chọn hãng nào, không biết có cần phải chọn không, hay cứ đi đại một bác sĩ quen, đưa thẻ medicare ra cho họ "charge" là xong, khỏi phải nghĩ ngợi chọn lựa lôi thôi.
Nửa năm nay, mỗi lần Little Saigon có tổ chức workshop thuyết trình về Medicare, Medi-Cal cho các người già, tôi đều lái xe qua dự, học hỏi cho biết. Họ phát vô số tài liệu không thiếu gì, lại offer chích ngừa, khám bệnh gan free, đo huyết áp free, cholesterol free, nhưng nghe toàn là mấy  ông bác sĩ Mỹ nói, rồi có bà Việt nam dịch lại,  lời văn cứng ngắc, hay quí bà Việt nam làm ở Ty Y tế lên giải thích lề mề, ăn nói chậm chạp, chủ yếu giúp cho trường hợp mấy người già không hiểu tiếng Anh, làm mình sốt ruột, hiểu ba chớp ba nháng như người mù sờ voi. Không có lấy một người nào nhanh nhẩu biết cách ăn nói, tóm lược "overall" toàn bộ hệ thống medicare của Mỹ, rồi phân loại ABC, ai có nhà thì sao, ai không nhà thì sao, ai có lợi tức trên bao nhiêu thì sao, ai dưới thì sao... đi vào từng phần nhỏ abc, chi tiết a1, a2, a3...b1, b2, b3....c1, c2, c3...rồi  cho bà con tự do hỏi mà trả lời.
Qua mấy cái workshops đó, tôi lờ mờ hiểu đại khái Medicare là của Liên bang, ai cũng được khi đúng 65, hay trước 65 nếu bị mù, điếc, tàn tật nặng... còn MediCAL là của tiểu bang California cấp cho người không có nhà, lợi tức rất thấp, có hồ sơ bệnh tật nhiều. MediCAL phải làm đơn xin, chứng tỏ mình nghèo mới được, còn Medicare thì 3 tháng trước sinh nhật 65 tuổi, tới Sở An sinh Xã hội (Social Security Department) xin thì được ngay. Nhưng cũng tùy, có người chỉ  có Medicare (nếu trước kia có đi làm đủ thời gian ấn định), hoăc chỉ có medi-Cal (nếu chưa hề đi làm), có người lại may mắn có cả hai, gọi là Medi-Medi.  Có cả hai thì sướng lắm, anh chị không phải trả đồng nào, trồng răng  mổ mắt đều free, tha hồ bệnh nặng mấy cũng được chữa  free hết.
Chỉ có Medicare thôi thì phải bỏ tiền túi trả thêm phần này phần kia. Medicare có part A, part B, part D. Part A là nếu nằm nhà thương được free, part B là bảo hiểm để trả tiền đi bác sĩ, ai cũng phải đóng premium đồng hạng khoảng 96$ mỗi tháng, coi như tiền bảo hiểm y tế . Part D là premium đóng hàng tháng cho tiền mua thuốc theo toa bác sĩ, nếu ai có bịnh phải dùng thuốc đắt tiền. Ai chỉ có "original medicare" Liên bang cho thì khỏi mua bảo hiểm Part D, thuốc rẽ thông thường "organic" khỏi trả, nhưng thuốc đắt tiền phải trả thêm chút đỉnh.
Tôi tự hỏi, "Vậy thì các hãng bảo hiểm sức khỏe tư như Blue Shield, Kaiser, Aetna, SCAN, Anthem Blue Cross, ARRP,  Inter Valley  health Plan....gửi quảng cáo mời  mình vô membership tham gia group của họ để làm gì"" Không ai trả lời thỏa đáng, đa số người quen ai cũng  biết nhận medicare, chứ không tò mò tìm hiểu cặn kẽ như tôi. Tìm hiểu, tôi mới  biết thêm là  một số Health group plans bao luôn part D, khỏi đóng đồng nào. Đó là một cái lợi của việc tham gia groups. Nhưng nếu mình không bệnh hoạn, không cần thuốc uống trường kỳ thì việc gì phải lo cho part D.; chỉ Part A và B đủ rồi.  Tôi gọi phone hỏi mấy người bạn 65 hay trên 65 về medicare thì Jerry, bạn giáo chức đồng nghiệp ở San Jose nói sẽ tiếp tục theo Kaiser; Chấn, bạn học cũ ở Oakland, nói từ lúc đi làm tới giờ vẫn theo Kaiser, tuy phải đóng thêm nhiều tiền mà khi mổ xẻ tốn 5 bảy trăm ngàn đô, nó "cover "hết, không phải bán nhà mà trả. Anh Hùng, bà con bên vợ, bị tiểu đường, huyết áp cao thì nói không theo group nào hết, chỉ đi bác sĩ quen, mua thuốc lâu lâu trả thêm 15 $. Anh Công, quen thân bà xã, cũng đi bác sĩ quen trả thẻ medicare, không vô group nào. Anh nói tiền hưu chỉ có 400$ nên sang tên cái nhà cho con đứng tên để trở thành vô sản, vài năm sau sẽ xin luôn MediCal, khỏi lo. Chị Thanh cũng nói "đi bác sĩ tự do cho khỏe, khỏi bị kẹt vô group nào ràng buộc hết, khỏi sợ bị gạt". Tôi quay ra hỏi anh Phước có bệnh tiểu đường kinh niên, anh cũng trả lời lờ mờ. Thình lình tôi nhớ ra bác sĩ Trình, Trưởng ty Y tế Ninh Thuận cũ trước 75, sau qua Mỹ có hành nghề bác sĩ nhiều năm ở Mỹ, nay đã về hưu làm cố vấn cho Hội Ái hữu Ninh thuận. Gọi phone, bác sĩ nói theo group nào thuộc HMO thì khỏi co-payment, Blue Shield cũng tốt, Kaiser cũng tốt, nhưng phải trả thêm,  SCAN cũng rất tốt, khỏi trả thêm, lại nhiều benefits.
Tôi đã đọc qua  mấy tờ quảng cáo của SCAN gửi, thấy NO-COPAY nhiều mục, như gọi y tá sẵn sàng trả lời 24 trên 24 khuyên mình nên đi đâu, gặp ai, làm gì. Như đi bác sĩ, X-ray không tốn cắc nào, vô emergency khắp nơi trên thế giới đều được "covered", home care "free", nằm bệnh viện free 30 ngày đầu...nên nghe bác sĩ Trình tái xác nhận khen SCAN, tôi rất mừng. Kaiser thì tốt rồi, nhưng mà tôi ghét cái lối co-pay 15$ mỗi lần đi khám bác sĩ, mỗi tháng đóng thêm 66$ premium, và lối "deductible "phải trả trước 3000 đồng tiền nằm nhà thương, rồi sau số đó họ mới trả..Tôi gọi Kaiser, cô y tá Mỹ vui vẻ tiếp chuyện, hỏi tôi có bị "đi lọc thận" không, nếu không mới qualify  advantage program". Tôi nói "không", cô nói "vậy thì anh qualify", hẹn 3 ngày sẽ gửi toàn bộ tài liệu Kaiser trọn "gói" cho tôi nghiên cứu trước khi chọn.
Đầu tháng 3 (ba tháng trước sinh nhật) tôi lái xe tới Sở An sinh Xã hội địa phương của County, điền đơn xin Medicare. Họ photocopy "passport" tôi, lưu hồ sơ bằng chứng công dân Mỹ hợp lệ, check computer thấy tôi có làm việc nhiều năm ở Mỹ, tuyên bố tôi "qualify" medicare, chỉ part A free, còn part B thì đóng premium 96$ một tháng như tất cả mọi người khác. Vợ tôi khi đúng 65 cũng được "ăn theo" có medicare, mặc dù không đi làm đủ 10 năm. Cứ 3 tháng một lần, Sở An sinh sẽ gửi "bill" part B cho tôi trả (hoặc tôi nhờ Quỹ hưu bổng giáo chức California  của tôi trả, rồi mới gửi tiền hưu  còn lại cho tôi ). Tính ra một năm tốn hơn 1000 bạc tiền bác sĩ, cho dù có đi hay không, tôi tò mò hỏi:
-Part B có bắt buộc không bà, hay chỉ "optional"" Tôi rất khỏe, rất ít khi đi bác sĩ.
-Không bắt buộc, nhưng anh cần mua... Có part B, mới khỏi trả tiền khám bác sĩ, và các health plans mới nhận anh. Họ sống được là nhờ tiền anh đóng Part B.
-Nếu tôi năm nay không muốn đóng premium part B hàng tháng, khi cần đi bác sĩ chỉ trả cash vài chục bạc, rồi chờ sang năm, hay 2 ba năm sau bệnh hoạn nhiều hơn, cần đi bác sĩ thường xuyên hơn, mới đóng thì sao"
-Thì anh sẽ bị PHẠT10% trên 96$, tức là sang năm mua phải đóng 106 $ một tháng, sang năm không đóng thì tăng thành 117$...và cứ thế mỗi năm mỗi tăng 10%.
-Trời đất, sao luật gì  mà ác ôn vậy"
-Luật Medicare mà, tôi đâu biết. Vì lỡ có chuyện gì nguy hiểm xảy ra cho anh, chính phủ sẽ phải tốn kém hơn nhiều để cứu anh khỏi chết.
-Vậy thì cho tôi chọn đóng tiền Part B luôn bây giờ đi.
-OK, anh ký tên đi, tôi sẽ gửi thẻ medicare part A&B tới nhà anh trong 10 ngày nữa. Thẻ có hiệu lực kể từ 1 tây tháng 5.
Thứ sáu, ngày 13 tháng 3, tôi lái xe đi dự cái workshop về medicare do nữ bác sĩ Lê có Metropolitan clinic tổ chức ở Riverside. Ở đây mấy năm bây giờ tôi mới biết có bác sĩ người Việt nam làm chủ một clinic lớn tại đây. Tôi gặp ở đây hai ba người Mễ, khoảng 7 tám người Việt nam già, đồng hương gặp nhau trước lạ sau quen, ai nấy bắt chuyện làm quen liền, rổn rảng kể lể chuyện hưởng medicare ra sao, trao đổi kinh nghiệm mua thuốc khám bệnh,  nói oang oang không sợ Mễ ngồi bên nghe gì ráo. Ông bạn 68 tuổi ngồi bên khoe:
-Tôi có nhà ở Moreno Valley mà vẫn được 2 thẻ luôn.vừa medicare vừa medical. Sacramento tự động gửi, tôi đâu có xin. Tôi bị tiểu đường, cao huyết áp, mỡ trong máu...chả theo group nào hết. Một tháng tôi đóng 34 $ part D, mà trị giá thuốc tới 4 năm trăm bạc.
-"Coi chừng họ gởi lộn đó", tôi nói, "sau này họ bắt trả lại chết giấc nghe. Có nhà, đâu có được medi-Cal.  Ai cũng nói vậy."
-Thì tôi cũng lấy làm lạ, gọi phone hỏi, họ nói, "Anh yên tâm đi, chúng tôi biết đúng mới làm, anh đừng có thắc mắc làm chi, cứ việc dùng 2 thẻ 1 lúc đi."
Anh khác chen vô:
-Chắc tại anh có bệnh nhiều. Có nhà mà " disability" vẫn được medi-Cal.
-Vợ tôi đâu có bệnh gì mà họ cũng cho luôn nè.
Ai nấy ngẩn ra nín khe, không hiểu tại sao.. Bác sĩ Hà cũng lắc đầu, nhún vai. Một anh hỏi:
-Sao nói mỗi người có quyền có 1 nhà, 1 xe"
-Cái đó là cho tiền già SSI thôi.
 Một anh khác nói:
-Medicare không có "cover" răng và mắt đâu nghe. Chỉ có medi-Cal mới  cover" thôi.
-Thiệt sao" Bây giờ tôi mới biết đó. Vậy mổ mắt, trồng răng giả phải bỏ tiền túi à"
-Chớ sao. Chỉ có ai có Medi-Cal mới được free.  Anh cũng biết mà, ở Mỹ sướng thì sướng thật, già bịnh có chính phủ lo, cho tiền SSI, cho medicare, nhưng phải là thiệt nghèo hay thiệt giàu mới thiệt sướng, còn ương ương thì cứ è cổ ra trả. Nó bất công ở cái chỗ đó.
Ban tổ chức bày ra đồ ăn thức uống order đem lại ê hề theo phong tục mở workshop ở Mỹ, nào gà quay, vịt nướng, gỏi tôm thịt broccoli, cơm chiên lạp xưởng, chè đậu xanh, soda...nhưng ai cũng sợ cholesterol cao nên chỉ đứng dậy  nếm qua loa, liếm láp chút chút tượng  trưng, bỏ lại cả đống cho mấy anh Mễ "to go" đem về. Bà bác sĩ xuất hiện, trả lời năm ba câu bà con hỏi một cách "ba phải", coi bộ bà chỉ giỏi mổ xẻ chuyên môn, chứ  không rành lắm về hệ thống medicare, medi-Cal, medicAid.


Tôi hỏi tại sao cần phải tham gia các group, các plan, các hãng bảo hiểm chi vậy. Bà nói bây giờ nhiều bác sĩ tư nhân có khuynh hướng không "muốn" nhận medicare, vì chánh phủ trả không "good" bằng các hãng, các groups, do đó nên tham gia vô "group", đi khám bệnh đưa thẻ của group cấp ra thì bác sĩ thích hơn...À, thì ra vậy.
Một anh trẻ tuổi người Việt  chuyên về "marketing" bảo hiểm sức khỏe, nằm trong Ban tổ chức, tới phát danh thiếp cho bà con, giới thiệu hãng anh ta đại diện, benefits, trả lời các câu hỏi, Tôi đưa mấy tờ quảng cáo SCAN ra, hỏi SCAN có tốt không, anh ta khen :
-Tốt lắm đó chú. Má cháu cũng "join" SCAN, tốt lắm, về Saigon vô nhà thương trả tiền, giữ biên lai đem về Mỹ, họ quy ra tiền "đô" trả lại đó. Có chuyên chở tới bệnh viện free nếu không lái xe được. Có fitness club free, có y tá  săn sóc tại nhà free...nhiều benefits tốt lắm..
Mấy người ngồi bên  nghe  vậy, xúm lại đọc mấy tờ quảng cáo của SCAN tôi đang cầm, xin số phone SCAN viết xuống, để liên lạc...Thế là tôi quyết định đi dự workshop SCAN, họ mở vào thứ ba tới tại Riverside Convention Center ở đường Ỏrange.
Sáng thứ hai, tôi nhận được một gói tài liệu của Kaiser gửi tới, chỉ đọc qua loa, thấy bắt đóng CO-PAY nhiều mục là chán rồi. Kaiser có lẽ dành cho những người nào có bệnh nguy hiểm, cần mổ xẻ thì tốt. Khỏe mạnh sung sức như mình, mua bảo hiểm Kaiser uổng tiền. Qua hôm sau, hí hửng đi dự workshop SCAN. Ôi chao, họ ăn mặc lịch sự, chào đón lễ phép từ thềm cửa dưới đất lên đến trên lầu, đang ngồi thấy mình đứng lên chào trước cửa thang máy, lên đến trên lầu trước phòng hội, có kẻ khác kéo nhau ra tươi cười niềm nở như mình là ân nhân.  Họ mướn  nguyên 1 căn phòng thật lớn, có kê sẵn 10 cái bàn tròn phủ khăn trắng sang trọng, bên trên sáng choang ly tách trắng bong, bình cà phê, nước cam juice và bánh "bun" điểm tâm. Mỗi bàn ngồi khoảng 10 người khách, đa số là ông bà già Mỹ và Mễ, vài ba người Tàu lụ khụ. Tôi là người Việt duy nhứt, mà lại trẻ nhứt, ai cũng chú ý, tưởng là đi dự thay cho bà con hay cha mẹ già.
Lúc tôi tới, các bàn đã đầy gần kín.Trước mặt quan khách là bàn các speakers sẽ lên nói, cạnh đó là một cái bàn nhỏ cho cô thư ký coordinator gì đó ngồi, hai ba người khác lăng xăng đứng ở cuối phòng coi ngó tổng quát vấn đề chiêu đãi.. Mỗi khách có một tờ " 2009 SCAN Health plan benefit HIGHLIGHTS"  2 mặt, ghi đầy đủ các benefits của SCAN members, một cây bút, 1 cuốn sổ nhỏ để lấy notes, một tấm carte nhỏ để viết câu hỏi đưa lên cho speakers trả lời, một tờ đơn để khách điền nếu muốn gia nhập group hôm nay. Người Mỹ họ tổ chức workshop, nặng về khung cảnh hoành tráng, ăn mặc sang trọng, làm "impress" khách dự và lối  làm việc khoa học, thực tiễn, hiệu quả, không chú trọng việc ăn uống linh đình thịnh soạn và xuề xòa như người Tàu và Việt nam..
Đúng 10 giờ, speaker Mỹ trắng thứ nhứt lên sân khấu  giới thiệu các speakers ngồi ở bàn danh dự, các thành phần tham dự hội viên mới và cũ hôm nay, các việc khách cần làm nếu nuốn đặt câu hỏi và  muốn tham gia.
Kế đó, speaker Mỹ trắng thứ hai lên giới thiệu công ty SCAN gần giống như một "non-profit organization"(tổ chức từ thiện) hơn là một tổ chức thương mại, đã làm business 30 năm nay, khởi dầu ở Long beach, hiện có 108 ngàn members mà 20% số đó là tuổi trên 90. SCAN đứng thứ tư trong các Medicare health plans lớn nhứt trên nước Mỹ, có liên lạc với và hậu thuẩn từ Ban điều hành Quốc hội, và 92% hội viên dùng toa bác sĩ mua thuốc hàng tháng. Ông nhấn mạnh SCAN có cái thuận tiện hơn hẳn các hãng khác ở chỗ hễ khách hàng nhấc phone lên gọi là có y tá trực máy sẵn, trả lời thắc mắc và "refer  tới đúng chỗ giải quyết problem của khách, như vô urgent care, gọi 911, đi gặp bác sĩ, cho người tới nhà giúp, hay tới  emergency room  ...chứ không bắt khách để message, chờ đợi, hay phải bấm số một, số hai....gì cả. Thứ hai, SCAN có những phòng tập thể dục fitness " free" ở trong địa bàn nơi khách hàng ở, khỏi cần tốn tiền mua membership ở các fitness clubs khác. Thứ ba, SCAN đặc biệt có "cover"  bệnh cần châm cứu, hay chỉnh hình nắn xương tối đa 10 lần một tháng. Thứ tư, không có premium hàng tháng.
Speaker thứ ba này là một anh chàng Mỹ đen cao to khỏe mạnh, làm trong nghề 23 năm, lên duyệt qua các benefits của SCAN với cử tọa bên dưới. Họ phóng đại lên màn ảnh lớn trên sân khấu các chi tiết trong tờ quảng cáo highlight mà ai cũng có trong tay để cùng nghe, nhìn, theo dõi, và STOP họ để hỏi bất cứ lúc nào. Anh ta lại chốc chốc dùng một cái remote dọi một chấm sáng lên các chữ quan trọng, di chuyển tới lui, để tập trung chú ý mọi người vào điểm đang nói.
Trước hết, khách phải chọn CLASSIC program, hay OPTION program, tùy theo hoàn cảnh bệnh tật mỗi từng cá nhân, có khi 2 bên NO-COPAY giống nhau, có khi bên này trả nhiều hơn bên kia 10$ hay 50$. Chẳng hạn như HOSPITAL CARE (nằm nhà thương) 3 ngày người không có bảo hiểm phải trả 8000$, ai chọn CLASSIC thì chỉ trả 50$ cho 10 ngày đầu, còn chọn OPTION thì không trả đồng nào. Như vô NURSING HOME nằm 20 ngày đầu free cho cả 2 programs, sau đó khách phải trả 20$ nếu là CLASSIC hoặc 50$ nếu là OPTION. Kế đến, có nhiều dịch vụ các hãng khác không cung cấp mà SCAN lại nhận cung cấp free hay với co-pay rất ít, như khám mắt và cho kiếng free, SCAN trả cho gọng kính tới 75$, khám tai và cấp dụng cụ trợ thính free....như nằm emergency  bất cứ ở đâu trên thế giới được SCAN hoàn tiền lại...Đặc biệt nhứt, SCAN là hãng duy nhứt "offer" IN-HOME RECOVERY benefits, tức là sau khi ở nhà thương về mà còn yếu mệt, SCAN sẽ cho người mang thức ăn nấu sẵn tới nhà, ở lại nhà săn sóc, và lái xe chở đi nhà thương nếu cần. ANh chàng nhấn mạnh, chính nhờ IN-HOME RECOVERY benefits  này mà nhiều khách hàng không cần phải tốn thêm tiền trả cho LONG-TERM CARE  (nằm nursing home dài hạn).
Sau anh Mỹ đen là một ông Mỹ già 78 tuổi đầu tóc bạc phơ, là một hội viên lâu năm của SCAN,  lên kể về kinh nghiệm cá nhân được SCAN chữa trị lâu nay ra sao. Ông nói ông được "cataract surgery" (mổ mắt cườm) khỏi mà  chỉ tốn có 50$, vợ ông ta vô nhà thương để làm " hip replacement" (mổ thay xương hông) 4 tuần xong, được đưa qua nursing facility(viện hồi phục) dưỡng bệnh một thời gian dài, trong khi thỉnh thoảng vẫn được tài xế chở về nhà thăm rồi đưa lại lên viện, đi lại thường xuyên, mà không tốn bao nhiêu. Ông già này kết luận:
-Tôi có sao nói vậy, chứ không cố ý quảng cáo cho SCAN, hay được SCAN trả tiền để lên nói tốt cho họ.. Quí vị tùy ý muốn chọn SCAN thì chọn, không thì chọn hãng khác, không  sao cả, nhưng tôi nói thật điều này, nếu quí vị tham gia SCAN, quí vị sẽ không hối tiếc. Quí vị có thể đổi hãng khác sau môt năm, nếu không hài lòng với SCAN, ...phải không ạ"
Tất cả mọi người bên dưới cười xòa  vui vẻ, có vẻ hài lòng với không khí dân chủ cởi mở tự do, không thấy bị áp lực, hay bị nài ép quá đáng từ phía Ban tổ chức hay người hội viên già này..
 Lúc đó các nhân viên phụ việc đi thu các câu hỏi khán giả đưa lên, anh chàng Mỹ đen lại lên cùng với một speaker khác thay phiên đọc và  trả lời các câu hỏi thắc mắc. Anh cho biết 30 tháng 3 này là hạn chót để đăng ký gia nhập SCAn plan, nếu qua hạn đó thì phải chờ đến tháng 11 sang năm. Anh cũng nhắc lại là mỗi năm, quí vị có quyền nhảy qua bất cứ hãng khác nào  tùy ý, và quý vị sẽ dùng cái thẻ của SCAN cấp để đi bác sĩ, mua thuốc, hay vô bệnh viện, chứ không được dùng thẻ Medicare của Sở An sinh cấp nữa.Tôi viết hỏi 3 câu, anh ta trả lời:
1/-Part D gồm luôn trong SCAN benefits, không phải đóng premium hàng tháng cho part D.
2/-Thẻ medicare anh tuy tới May 1st mới có hiêụ lực, anh vẫn có thể điền đơn đăng ký tham gia SCAN ngay hôm nay.
3/-ANh sẽ phải chọn bác sĩ gia đình("primary care ") cho anh từ cuốn "2009 Provider Directory"trong đó kê danh sách các bác sỹ SCAN cung cấp cho anh, ở county nào cũng có, nếu ở đây thì gọi bác sỹ San Bernardino và Riverside...SCAN móc nối với bác sĩ thuộc cả 3 networks: Riverside Medical clinic, Riverside physician network, và Primary Care of Riverside. Trong cuốn Directory có liệt kê website, địa chỉ email SCAN để liên lạc: www.scanhealthplan.comcó số phone của SCAN để gọi hỏi information tham gia SCAN là: 1-800-915-7226, cũng như địa chỉ các nhà thương và office bác sĩ trong vùng.
Anh cũng có một cuốn 2009 DRUG FORMULARY kê khai các thứ thuốc SCAN cung cấp và "cover " tại các nhà thuốc.
Sau phần giải đáp thắc mắc là Cám ơn và Bế mạc. Họ dọn dẹp clean up rất nhanh để trả phòng, chỉ có các khách nào muốn điền đơn đăng ký gia nhập SCAN như tôi mới ngồi lại cho các nhân viên hướng dẫn chi tiết. Tôi thấy có khoảng 3 bốn người quyết định đăng ký hôm nay. Mấy ông speakers Mỹ và nhân viên phục vụ nhìn tôi thân thiện, có vẻ quí mến, và trong ánh mắt họ, tôi vui vẻ đọc thấy sự biểu lộ vẻ hài lòng và lòng biết ơn kín đáo.
Ký đơn xong, tôi thở một hơi dài nhẹ nhõm, cười chào mọi người có mặt đó rồi thong dong tìm lối xuống parking đậu xe ra về. Tôi nhận được một cái thư từ Social Security Administration từ  bên Pensylvania, kèm theo cái đơn xin "extra help with drug cost"(giúp đỡ trả thêm cho tiền thuốc) trong đó kê khai lợi tức, tiền bank accounts, tài sản... rồi gửi ngay cho họ xét có qualify không. Chắc là không rồi, nhưng cũng cứ điền và gửi.
Đêm đó tôi ngủ một hơi ngon giấc, nhưng sáng ra thì một cú phone gọi tới, té ra là Kaiser. Cô y tá hỏi tôi nhận được cái gói tài liệu chưa, đọc qua chưa, cô muốn "follow  up", coi khách hàng có muốn đăng ký tham gia Kaiser không.  Tôi lúng túng, thấy tội nghiệp nó dán tem hết 6$ cho cái packet gửi bưu điện, mà mình chưa coi qua đã phủi ơn cái rụp, từ chối phắt cũng kỳ, tính kế nói láo hoãn binh, " OK, tôi mới chỉ liếc qua, để từ từ tôi sẽ trả lời sau". Nhưng tánh tôi  trời đánh không chừa", ưa nói thẳng, bèn nói huỵch tẹc luôn như sau:
-Cám ơn cô nhé, nhưng tôi không thích phải trả CO-PAY nhiều thứ quá, để khi nào tôi "già" hơn, "nhiều bệnh" hơn nữa, sẽ "reconsider"và tham gia Kaiser...
-OK... thank you...hihihi...
Cô y tá Mỹ thích chí cười khanh khách trong phone. Tôi thầm nghĩ  Mỹ nó lịch sự chi lạ. Phải gặp trúng mấy chị y tá Việt nam gọi phone thì chắc chắn đã hầm hầm  mắng, "Xí, vậy mà cũng đòi gửi tài liệu, nghèo mà ham", rồi cúp cái rụp cho hả cơn sân si, tức giận rồi.
Phạm Hoàng Chương

Ý kiến bạn đọc
22/01/201818:52:17
Khách
Xin anh vui long cho em xin so dien thoai cua anh vi em khong xu dung tot may vi tinh ,em rat thich nhung bai viet cua anh tung lam em xuc dong cung nhu lam em khong lam sao nin cuoi duoc anh da cho em biet the nao la cuoc song o nuoc My ,em rat dot noi tien Anh tra duoc My ho khong hieu em va nguoc lai em mong anh thong cam neu anh khong phien cho em so dien thoai cua nh nhe biet dau em se cung cap cho anh nhieu mau chuyen ma em biet duoc de duoi ngoi but cua nh se lam hap dan hon ma rat thuc te
Kinh chao Anh
Tuyet
Dien thoai cua em 619-490-5274
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,339,164
Tác giả đã góp nhiều bài viết đặc biệt và đã được trao tặng giải thưởng Việt Về Nước Mỹ. Ông sinh năm 1951, du học Nhật trước 1975. Đến Mỹ năm 1981. Hiện là cư dân Irvine, Nam California. Công việc: Kỹ Sư Điện tại một hãng trong cùng thành phố. Đây là bài viết mới nhất
Bà cho biết tên thật Jeanne Bùi, sinh năm 1945. Từ trước 1975, dạy học ở Saigon. Sang Pháp từ 1982, đi học lại rồi làm việc cho Mairie de Paris (Tòa Thị Chính), hiện đã nghỉ hưu.
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie Kim đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016.
Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Năm 2019, Tác giả nhận thêm giải Chung Kết Vinh Danh Tác Giả Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ hay còn gọi là giải Hoa Hậu. Tốt nghiệp Y Khoa Huế, thời chiến tranh Bác sĩ Vĩnh Chánh đã là Y Sĩ Trưởng binh chủng Nhảy Dù.
Tác giả là cư dân Huntington Beach. Những Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của cô là “Chuyện Vui Sầu” ký bút hiệu Khánh Doãn đã được phổ biến từ tháng Tư 2011.
Nguyễn Cao Thăng là tên thật của tác giả, 52 tuổi, dân gốc Kinh 5 Rạch Giá, một cựu thuyền nhân, hiện là kỹ sư cơ khí của hãng máy bay Beechcraft tại Wichita, Kansas.
Tác giả hiện sống ở thành phố Victorville California, đã từng tham gia VVNM năm 2018
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ 2004. Võ Phú sinh năm 1978 tại Nha Trang-Việt Nam; định cư tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University.