Hôm nay,  
CTA_United Educators_Display_970x250_Vietnamese - Nguoi Viet
CTA_United Educators_Display_300x250_Vietnamese - Nguoi Viet

Đêm Diệu Nhân

10/03/200900:00:00(Xem: 130065)

ĐÊM DIỆU NHÂN
Tác giả: Nguyễn Thị Yến
Bài số 2554-16208631- vb331009

Tác giả là một nhà giáo, tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Huế  năm 1972, đã dạy học ở Đà Nẵng- Huế 18 năm. Đến Mỹ năm 1990, đi học và trở lại nghề nhà giáo. Hiện dạy tại 2 trường California State University, Sacramento - Cosumnes River College, và Sacramento,     California. Bà cũng từng là hôi trưởng, điều hành Trung Tâm Việt Ngữ Lạc Hồng, Sacramento, từ 1995-1997. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà là Levina, chuyện một thiếu nữ có mẹ Việt và bố là chiến binh Mỹ gốc Phi Châu bị giết tại Tân Sơn Nhất cuối tháng Tư 1975.Bài viết thứ năm của Nguyễn Thị Yến viết về Thiền Viện Diệu Nhân, ngôi chùa nhỏ nằm trên một vùng đất cao với nhiều đồi thông và cây rừng, cách thủ phủ Sacramento khoảng 45 phút lái xe.
Hình bên: mặt tiền và hậu liêu của Thiền viện.

***

Mùa sương ở vùng Bắc Cali thường bắt đầu khoảng giữa tháng mười hai. Thời gian này, từ năm giờ chiều trời đã bắt đầu vào tối.  Đêm xuống nhanh.  Trước mặt tôi, lất phất một màn sương mỏng rải đều nghiêng theo chiều gió. Trời lạnh. 
Lần đầu tiên tôi đi thiền viện Diệu Nhân vào ban đêm
Một chiếc xe rẽ vào con đường ngắn Orchard Park rồi quẹo trái vào đường Newby.  Không phải.  Chiếc thứ hai. Không phải. Tôi lấy cell phone ra gọi. Dạ em đang trên đường Power Inn, cô chờ em chút. Chiếc xe Nissan màu đen quẹo phải, lao đến khá nhanh, nhưng đằm và lấy góc độ rất đúng để quay lại rồi ép phải. Xe đậu sát lề ngay trước mặt tôi. Tuổi trẻ lái xe như thế. Tôi tin Hoàng về nhiều mặt. Lái xe cũng thể hiện con người.
Chúng tôi bắt đầu đi. Xe vào hướng bắc xa lộ 99, rẽ vào US 50 hướng đông, theo South Lake Tahoe, chạy khoảng 30 dặm. Hoàng nói, đi dự lớp này cô sẽ thích. Cô vừa học, vừa có thể giúp chuyển ngữ cho ni sư khi cần. Thiền sinh thường khoảng bao nhiêu em"  Mỹ khoảng trên mười người. Trẻ như tụi em cũng khoảng như vậy. Còn lớp mỗi đêm thứ sáu thì sao"  Thứ sáu dành cho trẻ Việt Nam. Lớp này số tham dự đông hơn nhưng không đều. Mỗi buổi có người đi có người không. Tối thứ hai như tối nay không đông lắm, nhưng người Mỹ rất consistent cô à. Họ đã đến tham gia là họ đi liên tục, đúng giờ, đều đặn. Những buổi tu học dành cho người lớn Việt Nam gọi là ngày Thọ Bát Quan Trai tổ chức mỗi tháng vào ngày chủ nhật cuối tháng, tôi đi đều đặn, nhưng cũng vừa vắng mặt mấy lần. Mấy lần là mấy tháng vắng mặt dường như đã dẫn tôi đi khá xa về một nẽo nào dẫu tôi vẫn tinh tấn mỗi ngày. Rõ ràng có một nỗi nhớ thao thức trong tôi, ngày đêm.
Con đường đêm mịt mù. Đường xa lộ tuy quen, nhưng trời tối quá. Đường dài ghê, không bị kẹt xe mà chạy hơn 45 phút mới vào exit 35   Cameron Park Drive. Xe giữ trái, rồi quẹo trái. Chạy khoảng hơn 3 dặm Hoàng rẽ phải vào đường Green Valley. Ở đây miền quê. Nhà thưa thớt. Đêm càng tĩnh mịch. Tiếp tục trên con đường này khoảng gần 3 dặm, xe quẹo trái vào con đường đồi có cái tên miền núi, Deer Valley.  Đường hẹp, dốc thoai thoải. Cây liền cây, đồi nối đồi. Sương giăng dày đặc. Hoàng giỏi ghê. Cô thì chịu, lái xe một mình đường đêm như thế này cô tiêu mất, không thấy hướng đi, biết hướng nào mà về. Em chạy quen rồi cô. Đúng rồi, đã thuộc đường thì cứ chạy như quán tính. Đường như đêm, thăm thẳm. Xe vẫn chạy bon bon. Cậu sinh viên cười tươi tỉnh , vững chãi. Chạy khoảng một phần ba dặm, vừa thấy căn nhà bưu điện và văn phòng cứu hỏa bên phải, xe rẽ ngay vào phía trái đường Penny Lane. Đi chừng một trăm bộ Anh, quẹo trái lần nữa vào con đường nhỏ Duncan Hill. Đây rồi, thiền viện Diệu Nhân.
Lác đác những thiền sinh theo con đường dốc đi bộ vào chánh điện. Giữa mờ mờ ánh trăng, tôi nhận ra các thiền sinh Mỹ co ro trong những bộ áo jacket-quần tây, khăn quàng, găng tay, giày thể thao. Thiền sinh người Việt khoác áo tràng lam, bên ngoài khoác thêm áo ấm.
Đêm sương lạnh. Mặt trăng tròn treo lặng lẽ không xa trên đỉnh đầu. Tôi lặng ngắm bức tranh thiền Diệu Nhân. Giữa những đồi thông chập chùng lộ ra vài khu nhà lác đác hoang sơ. Lạ thật, đứng giữa sân thiền viện trong bóng đêm rét buốt, tôi không hề cảm thấy lạnh giá, mà lòng vui. Yên ổn. Cảm giác tỉnh thức vỗ về thật ấm áp.  Đêm như ngày. Thế giới nhỏ lại quanh tôi. Hiền hòa. Thân thiện. Nhìn ánh trăng tỏa sáng bên triền dốc, mấy câu thơ chợt lay động trong trí nhớ.

Một Mai
một mai khất sĩ lang thang
sử kinh quên hết gậy vàng cầm tay
một mai như nước như mây
băng ngàn vượt suối buông tay gậy vàng

Chỉ có thế mà chân như. Tôi mỉm cười.  Ni sư Thuần Bạch đã khéo ươm từng con chữ. Bài thơ như chiếc phong linh giữa trời rung rinh theo gió mà gọi, mà đưa hành giả đến, dẫu không một lời hẹn, cứ đi, đi từng bước. Từng bước leo con dốc "một mai".
*
Thiền Viện Diệu Nhân có mặt ở miền Bắc tiểu bang California  Hoa Kỳ từ tháng bảy năm 2002. Đây là một ngôi chùa nhỏ nằm trên một vùng đất cao với nhiều đồi thông và cây rừng, cách thủ phủ Sacramento khoảng 45 phút lái xe.
Mảnh đất rộng gần 11 mẫu Anh là món quà dâng cúng của sáu chị em "Lục Hòa". Được sự chấp thuận của Hòa Thượng Thích Thanh Từ, hai Phật tử Mãn Từ Trí và Mãn Từ Huệ cùng bốn người em gái từ đó đã trở thành đệ tử của thiền viện. Hòa thượng đã chỉ thị cho thành lập Hội Thiền Học Diệu Nhân, hay còn có tên tiếng Anh "Dieu Nhan Buddhist Meditation Association". Diệu Nhân thuộc phái Thiền Tông Việt Nam, đặt dưới sự chỉ đạo của thiền viện Viên Chiếu ở miền nam Việt Nam.
Ban đầu thiền viện chỉ gồm một căn nhà nhỏ đơn sơ và một nhà để xe. Sau bốn tháng, hòa thượng đã đến Diệu Nhân làm lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng ngôi chánh điện. Cho đến nay, khu thiền viện đã được chỉnh trang thêm và thiền đường đã khang trang có thể chứa khoảng 60 thiền sinh tọa thiền.
*
Đúng bảy giờ, các thiền sinh ai nấy ngồi yên ngay ngắn trên bồ đoàn tọa cụ của mỗi người. Một vài thiền sinh trẻ Việt Nam tiếp tục vào chỗ, nhẹ nhàng ngồi xuống. Hai chân xếp lại, kiết già hay bán già. Kéo lại vạt áo tràng, xoay lại thế ngồi. Lưng thẳng, đầu, vai và toàn thân là một đường thẳng. Hai bàn tay trên cái gối vuông nhỏ để trên chân, tay phải đặt dưới tay trái nằm trên, hay ngược lại, hai ngón tay cái chạm nhau. Ni sư Thuần Chánh bước rất êm đi kiểm tra từng người. Hai dãy thẳng tắp, tất cả thiền sinh quay vào trong, mỗi người đối mặt với vách ván thiền đường.
Tiếng chuông bắt đầu gióng lên. Leng keng, leng keng ... Âm thanh rung lên giữa không gian trong trẻo như lời reo của suối từ đầu nguồn rót về, chuyển gần, rõ hơn, rồi đi vào tai, thấm liền qua tâm. Sư cô Thuần Tỉnh điều khiển buổi tọa thiền. Cô niệm danh hiệu đức Bổn Sư Thích Ca. Chậm và đều. NamMo Sakya MuNi Buddha. Tất cả thiền sinh lập lại cùng niệm lớn danh hiệu của Ngài. Ba lần như thế. Tất cả trở lại yên tĩnh. Sư cô hô thiền. Thong thả. Khoan thai.


We respectfully and   silently practice sitting meditation. The still  radiant mind is as  large as space For thousands  of lifetimes the mind has neither arisen nor ceased. If there is  no arising  then  how can there be ceasing"
. . . 
Từng tiếng, từng tiếng. Mỗi tiếng rải đều giữa khoảng không yên ắng như không hề có một thoáng lung lay.  Giọng sư cô trầm bổng, nhẹ êm, đi qua tai, qua thính giác, rồi tự nhiên vào thẳng vùng tánh giác. Thiền sinh thầm nhận biết. Nghe-chỉ-biết-nghe. Bài hô thiền chấm dứt. Thở đều. Mắt khép nhẹ. Theo dõi hơi thở. Tỉnh thức. Hít vào nhẹ và sâu. Thờ ra chậm và dài. Vọng đến thì buông. Hôn trầm thì mở mắt nhìn quanh, rồi khép lại. Mở sáng mắt tâm, nhắm mắt trần. Quay hẳn trở vào, quán hơi thở. Tâm rỗng lặng. Miên mật. Khinh an. Bỗng tiếng chuông rung lên. Bốn mươi lăm phút tọa thiền qua nhanh quá. Hành giả vẫn ngồi lặng yên cho đến khi sư cô hô xả thiền. Tất cả thiền sinh xả thiền theo sự hướng dẫn. Xoa ấm hai bàn tay áp vào đôi mắt, xoa nhẹ đều lên cả mặt, cổ. Xoa đầu, miết những ngón tay vào da đầu để kích thích thần kinh trở lại bình thường. Chuyển động đầu qua trái, qua phải, cúi xuống, ngẩng ra sau, xoay tròn. Chuyển động hai vai. Xoa cánh tay và hông cùng một lần nhẹ nhàng từ trên xuống, từ dưới lên. Xoa lưng và ngực cùng một lần bằng cả hai tay trái và phải. Nhẹ nhàng dùng một bàn tay kéo ra một chân đang ngồi xếp bàn, xoa bóp từ ngón chân, bàn chân, lên dùi, rồi chân kia. Xoa lưng. Năm phút xả thiền vừa xong, tiếp đến là phần tụng kinh Bát Nhã, kết thúc thời thiền tập.
Giờ pháp thoại. Tất cả thiền sinh ngồi quây tròn giữa sàn hướng về phía điện thờ Đức Phật Thích Ca, đối diện với ni sư giáo thọ Thuần Chánh và sư cô Thuần Tĩnh, người chuyển ngữ. Hôm nay là ngày mở đầu chương trình học Kinh Kim Cang, The Diamond Sutra. Thiền sinh đã có thời gian đọc trước bài học. Sư cô Thuần Tĩnh phát ra cho mỗi người một bản in có dàn ý của bài giảng được viết bằng hai ngôn ngữ. Mỗi đoạn giảng của ni sư Thuần Chánh được sư cô Thuần Tỉnh chuyển dịch rất đồng điệu. Trong phần thảo luận, thỉnh thoảng một thiền sinh Mỹ có câu hỏi hay một thiền sinh Việt trao đổi thêm bằng tiếng Anh với người Mỹ hay tiếng Việt với ni sư, để làm sáng tỏ vấn đề.
Kinh Kim Cang cũng có người đọc là Kim Cương. Kinh này do đức Phật nói, nguyên văn bằng chữ Phạn, về sau truyền sang Trung Quốc và được dịch ra chữ Hán. Hiện nay Kinh Kim Cang được chuyển ngữ thành bản tiếng Anh và nhiều ngôn ngữ khác trên thế giới. Thiền viện Diệu Nhân có nhiều bản Kinh Kim Cang tiếng Anh và tiếng Việt cho tất cả thiền sinh. Diệu dụng của Kinh Kim Cang là phá sạch không còn sót một kiến chấp nào. Người học Phật cần yếu phải nhờ Kinh Kim Cang Bát-Nhã Ba-La-Mật để dẹp tan tất cả kiến chấp sai lầm cố hữu, đã lôi kéo mình vào vòng trầm luân muôn vạn kiếp rồi.
Ni sư Thuần Chánh ôn tồn tóm tắt những điểm cần lưu ý trong việc nương một bản kinh mà biết sư tu tập của mình.
"Bản kinh mở đầu bình dị như cuộc sống đơn sơ hàng ngày của chúng ta. Mỗi buổi sáng chúng ta đi làm cũng là một hình thức khất thực mà chúng ta không để ý. Mỗi người đều "đi dạo qua" công việc, và trưa về với "tiền lương" đủ mua "bữa ăn" trong ngày. Sau khi ăn uống cũng rửa mặt, vệ sinh và nghỉ ngơi. Đức Phật và chúng ta trong đời sống hàng ngày như nhau, điểm khác biệt, nếu có, chỉ là, một bên làm với sự tỉnh thức và một bên làm với sự đắm chìm theo buồn vui của ngũ dục. Thiền sinh để ý được điểm này là bước đầu của sự nhìn lại chính mình. Có thể nào, mỗi buổi sáng thức dậy, dù gấp gáp cho kịp giờ, chúng ta cũng để ra một chút sự lưu ý đến từng hành động của mình. Ví dụ, bước chân đến xe, lên xe, mở máy. Bắt đầu "buổi ăn trưa" có vài phút để ý đến những động tác mà trước kia vẫn làm trong vô ý thức. Thực hành đều đặn như thế mỗi ngày sẽ giúp chúng ta hiểu dần được sự khác biệt của mình trước kia và bây giờ. Chỉ khi nào chúng ta thấy được một sự khác biệt nhỏ trong chính mình, mới nhận ra sự hiểu biết chính mình cần thiết cho sự giảm bớt những căng thẳng buồn vui trong ngày. Lúc đó mới hiểu được bản tâm vốn thanh tịnh, mà chỉ vì chúng ta luôn theo vật nên không tự biết.
Điều đơn giản trong phần mở đầu của Kinh Kim Cang chỉ có giá trị thực sự cho chúng ta khi nào chúng ta nhận ra được trong những công việc bình thường mỗi ngày, sự vật có giá trị chân thật của nó, chứ không phải có giá trị do chúng ta gán cho nó. Chính vì nhìn vào sự vật với "giá trị do chúng ta gán cho nó", nên chúng ta mải mê đeo đuổi. Khi đã đeo đuổi, thì sự dừng lại để biết đúng không còn dễ dàng." (1)
Ni sư Thuần Chánh kết thúc bài pháp thoại: "Chỉ mới là phần mở đầu bằng ví dụ về  bữa ăn  mà đã hiển rõ mê ngộ. Cho nên học Kinh Kim Cang và thực hành rốt ráo sẽ giúp chúng ta phá bỏ kiến chấp mê lầm, đi đến ngộ đạo."

*
 Sau buổi pháp thoại, một số thiền sinh ra về, số còn lại đi vào hậu liêu hàn huyên thăm hỏi quý sư cô và được quý cô mời ăn một tô phở chay ấm lòng.
Ni sư Thuần Chánh khoan thai, vui vẻ tiếp chuyện với các thiền sinh. Đứng bên quầy bếp, cô kể chuyện vui của cô những ngày đầu mới vào đời tu sĩ. Có một lần đang cùng đi thiền hành cùng với tăng đoàn cô bị trượt chân té nhào nằm giữa đất, không đau nhưng mắc cỡ vô cùng. Đi thiền hành thì mỗi người đều tập trung thân và tâm trong chánh niệm, ai cũng bước như mình nhưng có ai trượt đâu, tại sao mình lại trượt"  Cô cười và nhắc lại "cô mắc cỡ quá sức"!  Tôi nói, thưa cô, chỉ có cái trượt trong tâm mới đáng lo. Cái trượt trong tâm có thể xô ngã và đẩy mình đi về đâu không biết. Nhưng biết được đó là cái trượt trong tâm mình, tức là đã tỉnh thức, phải không thưa cô"  Cô đồng ý với nụ cười hiền hòa. Dưới ánh đèn vàng tỏa nhẹ trong căn bếp tinh tươm, tôi lắng nghe chuyện kể, có dịp trao đổi vài suy nghĩ của mình và được nhìn khá gần khuôn mặt của ni sư. Một đóa hoa tâm dịu dàng. Đó là thành quả của một đời đạo hạnh tu trì. Khoảnh khắc hiếm hoi này đã thấm vào tâm tôi.
Hoàng ơi, mình về em. Con đường về dày đặc sương và sương. Xe đi thật chậm, bởi vì trong khoảng cách chừng mười bộ Anh, tài xế chỉ có thể nhận ra hai con mắt đèn của xe phía trước. Em có lái về được không đây. Hoàng cười, tụi em lái quen rồi cô. Tôi cũng cười. Khí lạnh len nhẹ vào xe. Một cảm giác lâng lâng trong tâm. Tôi biết mình đang tỉnh thức.
Sương miền núi nhỏ giọt tí tách như cơn mưa nhẹ. Trên hướng về nhà, thiền viện Diệu Nhân bây giờ ở phía sau, nhưng quý sư cô thì rõ ràng đang ở trước mặt tôi.
Nam Mô Kim Cang Bát-Nhã Ba-La-Mật-Đa Tâm Kinh.
Nguyễn Thị Yến
(1)Lời giảng của ni sư Thuần Chánh.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 840,338,133
Tác giả là cư dân miền Bắc California, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại.
Anne Khánh Vân, sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, hiện sống và làm việc tại miền Đông Hoa Kỳ, từng nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2007 với tự truyện “Duyên Nợ Với Nước Mỹ.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C.
Kông Li là bút hiệu vui vẻ của Phạm Công Lý, tác giả đã dự Viết về nước Mỹ từ 2009. Ông cùng gia đình đến Mỹ từ 1994 theo diện HO, định cư tại Boston.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014, ông tên thật Trần Phương Ngôn, đã sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm
Tác giả đã nhận giải Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2014. Lớn lên tại VN khi cả nước đã thành xã hội chủ nghĩa
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa