Hôm nay,  

Cám Ơn Người: Ngày Họp Mặt 28-6-08

14/07/200800:00:00(Xem: 223011)
Tác giả: Nguyễn Trần Phương Dung

Bài số 2350-16208426-vb2140708

Tác giả sinh năm 1972; Rời Việt Nam năm 10 tuổi. Tốt nghiệp Management Information System. Công việc: Program Manager, phụ trách về "Đào Tạo Tài Năng" (Talent Development) cho công ty Cisco. Với “Cám Ơn Em, Cám Ơn Peace Corps” và nhiều bài viết đặc biệt khác Phương Dung vừa nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2008, và là một trong 10 tác giả được đọc nhiều nhất trên Việt Báo Online. Sau đây là phần kết bài viết mới nhất của Phương Dung, kể về cuộc hành trình của cô và ông xã từ Florida về California dự họp mặt Viết Về Nước Mỹ ngày 28-6-2008.

   Hình bên do Thịnh Hương Huyền Thoại chụp, vì không có caption, không thể nhận diện đầy đủ. Xin vui lòng bổ túc: Trên, từ trái, đứng: Phương Dung, Iris Đinh, Lê Tường Vi, Thanh Mai, một tác giả, Thụy Nhã, Nguyễn Xuân Nghĩa. Ngồi: Một tác giả, Ông bà Nguyễn Tân (Bồ Tùng Ma,-A Tiên) Anne Khánh Vân và một tác giã góc phải. Hình dưới, được Thịnh Hương ghi tựa đề “Hai Đôi Uyên Ương.” Từ trái: Thy và Phương Dung, Nhã Ca và Trần Dạ Từ.

Thứ Bẩy 28 tháng Sáu là ngày chính thức họp măt Viết Về Nước Mỹ. Đêm trước thức  khuya, sáng hôm sau dậy không nổi để ghé Nordstrom Rack lấy mấy bộ quần áo. Chạy lên UC Irvine đón cô Iris. Chạy về Đồng Khánh ăn trưa. Vào tới tiệm thì đã thấy chị Tường Vi, vợ chồng chú Hưởng, vợ chồng anh chị Hoàng-Thanh Mai, Lộc (con anh chị) và chị Giang Thanh (em chị Thanh Mai) đang chờ sẵn. Chào hỏi, đóan xem ai là ai, vui quá là vui. Lát sau chú Bồ Tùng Ma tới. Đố chú ai là ai tiếp. Chú đoán được hết tất cả tác giả. "Ma" có khác!

Ăn xong chú Ma xung phong chở cô Iris về lại UC Irvine để cô đi dự lễ phát thưởng với hai cô con gái. Tụi tôi rủ chị Thanh Mai và chị Tường Vi về khách sạn sửa soạn. Vậy là ông xã tôi được dịp hộ tống đến năm bà. Chàng diễu: "Sáng hôm qua mới một cô. Đến chiều tăng lên ba. Sáng nay thành bốn. Bây giờ là năm. Đúng là âm thịnh dương suy! "

Về khách sạn chàng lại làm một giấc, năm chị em túm vô phòng kia nói chuyện. Chị Thanh Mai trên diễn đàn có vẻ quậy nhưng ở ngoài rất hiền. Chị Tường Vi chín chắn. Mấy tiếng đồng hồ nói chuyện tôi học được từ hai chị nhiều điều liên quan đến giáo dục con cái. Hai giờ hơn chàng thò đầu qua: "Sửa soạn đi là vừa." Không ai nhúc nhích. Nhắc thêm mấy lần nữa. Ba giờ hơn mới lục đục giúp nhau làm đẹp. Ba giờ rưỡi chàng xuống lấy xe. Ba giờ bốn mươi lăm năm tà áo dài thướt tha đi xuống. GPS không nhận ra địa chỉ của Rose Center. May quá chị Tường Vi có in ra bản đồ, nhưng đi từ nhà hàng Đồng Khánh. Vậy là phải chạy về hướng đó rồi tính. Trên đường kẹt xe, chàng lầm bầm: "Đã bảo là đi sớm mà không chịu." Chị Hoà Bình gọi hỏi sao giờ này chưa tới. Chú Hưởng gọi bảo không tìm ra đường. Quan con chị Tường Vi gọi thông báo đang kẹt xe trên freeway. Anh Hoàng gọi nói đang trên đường đi. Chú Ma gọi nói cũng chưa tới...  Vậy là mọi người cùng bị trễ. Tội nghiệp ban tổ chức phải lo lắng.

Đến hí viện, đập vào mắt trước tiên là những tà áo xanh tuyệt đẹp của các cô tiếp tân Việt Báo. Ông xã và hai cặp vợ chồng bạn vào trước. Tôi ở ngoài đang sớ rớ thì một tà áo xanh kéo tôi đến trước ống kính đài Saigon TV, bảo họ muốn phỏng vấn tác giả. Không chuẩn bị lại hơi khớp, tôi ấp a ấp úng trả lời. Sứ mạng của Peace Corps là tình bạn và hòa bình mà nói là tình bạn và tình thương. Peace là hòa bình, vậy mà không nhớ!

Vào trong hí viện. Tôi được ngồi cạnh chú Ma, cách chị Thanh Mai vài ghế. Hàng sau có cô Trương Ngọc Bảo Xuân, cô Ngọc Anh, chị Tường Vi, Khánh Vân, Thụy Nhã...  Chương trình chưa bắt đầu. Cô Iris đi vào mặn mà với tà áo dài xám xanh điểm hoa. Cô giới thiệu tôi với chú Nguyễn Viết Tân (Tân Ngố) và chú Phạm Hoàng Chương. Tôi được tặng hai cuốn sách, "Chuyện Miền Thôn Dã" của chú Tân và "Biển Rộng Hai Vai" của mục sư Trần Nguyên Đán (Lữ Thành Kiến). Cám ơn chú Tân và mục sư Đán rất nhiều. Cám ơn chú Chương phát sách dùm mục sư.

MC Nam Lộc và Thụy Trinh bắt đầu chương trình. Bài quốc ca Hoa Kỳ và Việt Nam trang trọng. Cô Kiều Chinh và một số nhân vật trong dòng chính phát biểu. Phần văn nghệ đặc sắc, nhất là với tiếng đàn của master violinist Bùi Công Thành song tấu với dương cầm do cô Nguyễn Tường Vân bản Thais của Massenet, thêm ca khúc "Trăng Ban Chiều" với giọng ca Bạch Hạc và phần phụ hoạ của sáu tà áo xanh. Giải thưởng Thiếu Nhi cho Giải Mầm Non và Bé Viết Văn Việt cho thấy các em thật tài giỏi. Cảm phục thầy cô và bố mẹ của các em.

Qua phần Viết Về Nước Mỹ, các giải Đặc Biệt được trao trước. Bảy nam tác giả đứng một dọc trên sân khấu trông oai ra phết. Kế đến nhân vật trong "Ép Con Học Hành Quá Sức" được giới thiệu lên sân khấu để đàn bản nhạc "Turmoil 2" do chính em sáng tác. Tôi cảm động ngồi nghe Lộc đàn và tin rằng cách tôi mấy ghế, chị Thanh Mai và anh Hoàng cũng đang rất xúc động và hãnh diện. Đến phần giải thưởng chính, ban tổ chức cho chiếu video clips trích đoạn bài viết cùng hình ảnh phù hợp bài với sự diễn đọc của xướng ngôn viên chuyên nghiệp. Video clips làm rất hay và công phu. Sau đó sáu người chúng tôi sắp hàng lên sân khấu theo lời chỉ dẫn của tà áo xanh. Như đã đoán trước, chú Ma đoạt giải Việt Bút và Thụy Nhã thắng giải Chung Kết. Bốn người còn lại chia nhau hai giải Tác Phẩm và Tác Giả. Anh Nguyễn Minh trao phần thưởng cho tôi với nụ cười đầy thiện cảm. Lát sau cô Nhã Ca bước tới ôm hôn tôi. Lòng tôi dạt dào cảm xúc...

Gần hết giờ, MC mời ban tổ chức và các tác giả trao giải, nhận giải đứng lại trên sân khấu làm bình phong cho các nhạc sĩ tí hon của VRMA kết thúc buổi lễ phát giải với bài hòa tấu "Ly Rượu Mừng." Bước xuống sân khấu vừa lúc ông xã và những người bạn đang từ trên dẫy ghế trên cao đi xuống. Thấy ánh mắt chàng nhìn, tôi đưa má cho chàng hôn. Em không sao, an tâm đi.

Sau đó mọi người kéo nhau qua hội trường dự tiệc. Khi đi ngang qua một bàn, cánh tay ai đó đưa ra nắm lấy tay tôi. A, cô Thịnh Hương Huyền Thoại, tác giả của bài "Cho Tình Yêu" mà tôi rất thích. Kéo nhau qua bàn các tác giả khác. Bắt tay. Trò chuyện. Chụp hình. Ký sách cho nhau. Vui quá là vui!

Trong buổi tiệc có vài quan khách đến chúc mừng tôi. Một cô còn hỏi thăm ngày hôm sau tôi làm gì, nếu rảnh đến nhà cô chơi. Có một anh đứng nói chuyện với tôi nơi bàn buffet. Lúc đó tôi không nhận ra anh nên cứ nói chuyện trống không. Một lát sau mới nhớ ra anh là Đinh Xuân Thái của Little Saigon TV, định tìm anh xin lỗi nhưng không thấy.

Khoảng chín giờ hơn các tác giả và quan khách từ từ ra về. Thụy Nhã, Khánh Vân và vợ chồng tôi ở lại cho đến phút cuối. Các em trong ban nhạc VRMA thật chuyên nghiệp. Nhìn các em đánh đàn, ca hát tôi không khỏi lắc lư hát theo. Em gái với mái tóc dài hát bài "Hotel California" rất xuất sắc. Cảm phục các thầy cô dạy nhạc của các em!

Chương trình kết thúc, chị Hòa Bình rủ chúng tôi đi ăn khuya với gia đình Việt Báo. Cả buổi họ bận rộn có ăn được gì đâu. Thụy Nhã, Khánh Vân và tôi cũng ham vui chạy qua chạy lại với các tác giả khác, giờ mới cảm thấy đói bụng. Đâu cỡ ba chục người kéo nhau đến quán Phở Cali. Chủ quán thấy chúng tôi vào cười tươi rói. Vừa đói vừa mệt, ăn tô hủ tíu nóng ngon ơi là ngon.

Dẫy bàn tôi ngồi mười mấy bà, lọt vô ông xã tôi, ông xã chị Sớm Mai và hai anh chàng tôi không biết tên. Chọc phá nhau cười đau bụng. Chú Từ ngồi bàn khác, một lúc sau cầm chai bia đi sang ngồi cạnh cô Nhã, đối diện tôi. Chú nhìn tôi rồi nói với cô, "Anh thích cô bé này. Nhảy cao." Tôi buột miệng, "Nhưng con nhảy không tới... " Ơ hay, nói gì kỳ vậy" Tôi thầm rủa mình. Chú cười hiền hòa. Cô nói với chú, "Em thương hai đứa nó." Tôi nói thầm, "Cô giống Mẹ con quá cô ơi..."

Đêm đã khuya mà chưa ai muốn về. Ra ngoài cửa tiệm đứng nói chuyện tiếp. Chú nói, "Ngày mai có BBQ ở nhà Hòa Bình." Chàng than, "Sáng mai tụi con bay về San Jose mất rồi." "Để dịp khác vậy." Tôi hứa hẹn, "Lần sau con về Cali nhất định sẽ đổi máy bay ở đây." Cô gật đầu, "Ừ, kêu chị Hòa Bình ra đón." Chị Sông Văn dụ, "Từ Tampa sang Houston có hơn hai tiếng bay, tháng Chín Vietbao Houston có mục, qua chơi không"" Tôi gật ngay, "Có vui là có em, chị nhớ gửi email nhắc nhe." Chàng nói với cậu út, "Mùa đông Florida đẹp lắm, Chấn qua đó chơi, tụi này dẫn đi câu cá, bắt cua bắt ốc..."

Về lại khách sạn khuya lắc khuya lơ. Chàng đi ngủ. Tôi thay quần áo xong qua phòng bên trò chuyện và thanh toán chi phí tiền phòng. Thụy Nhã dẫy nẩy, "Em không lấy đâu." "Không được, cái gì ra cái đó." "Đúng rồi," Khánh Vân chêm vào, "còn phần của chị nữa." "Nếu vậy anh chị phải cho tụi em phụ tiền xe, tiền xăng." "Có bao nhiêu đâu. Không có tụi em, anh chị vẫn phải lái xe kia mà." Đưa qua đưa lại, đẩy tới đẩy lui, rút cuộc cộng lại chia bốn, vui vẻ cả làng. Ba chị em bàn chuyện phát giải, tác giả, tác phẩm và sau cùng là tình cảm. Tội nghiệp Thụy Nhã mệt quá ngủ thiếp từ lúc nào. Tôi chào Khánh Vân trở về phòng. Mấy tiếng nữa phải ra phi trường rồi.

Sáu giờ sáng thức dậy. Vừa tắm ra đã thấy Thụy Nhã mắt nhắm mắt mở đi qua. "Sao dậy sớm vậy cưng"" "Em sợ ngủ quên anh chị về mất." "Khờ quá, trước khi đi anh chị phải qua chào các em chứ." Chưa nói hết câu Khánh Vân cũng đi qua. Vừa xếp đồ vào vali vừa nói chuyện. Hai ngày trôi qua nhanh quá. Biết vậy ở lại lâu hơn. Thôi hẹn năm sau. Hy vọng còn đi được. Tạm biệt hai cô em gái tài giỏi dễ thương.

Bay về lại San Jose với kỷ niệm của một cuối tuần thật đẹp. Vào nhà, đám con mừng rỡ ồn ào. Bé Kẹo (hồi nhỏ bé tí xíu nên được gọi là "cục kẹo") hỏi, "Mẹ có win không"" Tôi vuốt mái tóc rối của con bé, "Cô Thụy Nhã thắng nhất. Lát nữa Mẹ cho xem hình." Bé Bánh (bé thích được gọi là "cutie pie") ôm tay tôi, "It's okay. Con biết Mẹ tried your best. Did you have fun Mẹ"" Thật dễ thương, con bé lập lại lời khuyên của tôi mỗi khi chúng phải thi đua gì đó. Thắng thua không quan trọng, chỉ cần mình cố gắng hết sức và làm với niềm vui. Tôi nhìn vào đôi mắt to như hạt nhãn, "Mẹ vui lắm, cám ơn con."

Tối hôm đó, trước khi đi ngủ, chàng hỏi tôi, "Em viết nữa không"" Tôi ngạc nhiên, "Sao anh hỏi em vậy" Em làm anh thất vọng"" "Không, anh chỉ sợ em buồn... " Tôi ngẫm nghĩ, tự vấn lòng mình. Từ đầu tôi viết như một thú vui chứ không phải để dự thi. Lúc được thông báo vào bán kết thì quả thật tôi có nghĩ tới những gì có thể làm được với số tiền thưởng nếu may mắn thắng giải chung kết. Nhưng người giỏi hơn người. Không giúp được nhiều hiện kim thì tôi sẽ dùng ngòi bút để viết về những hội từ thiện mà tôi hằng cảm phục. Tôi nói với chàng, "Bài kế của em sẽ là "Lon Nhôm Cho Tình Yêu." Chuẩn bị sửa lỗi chính tả dùm."

Tháng bảy

Ngồi viết lại những dòng chữ này, nhớ đến từng khuôn mặt nụ cười của gia đình Việt Báo và các tác giả trong nhóm Việt Bút, lòng tôi tràn ngập niềm tri ân.

Cám ơn Việt Báo đã tạo ra chương trình Viết Về Nước Mỹ. Đây là cơ hội cho tất cả mọi người nói lên câu chuyện của mình. Tôi đã học hỏi được rất nhiều từ tất cả.

Cám ơn Việt Báo đã tạo nhịp cầu cảm thông giữa các thế hệ. Tôi đọc được rất nhiều bài của thế hệ lớn lên ở Việt Nam. Thế hệ của tôi sinh ra ở Việt Nam nhưng lớn lên ở Mỹ. Chúng tôi có những suy nghĩ, hành động khác với thế hệ cha anh. Viết Về Nước Mỹ làm cho tôi hiểu thêm về những suy tư, khắc khoải của thế hệ trước và tạo cơ hội cho tôi gióng lên những quan điểm của thế hệ mình. Tôi hy vọng một ngày nào đó thế hệ con cái của chúng tôi sẽ còn biết tiếng Việt và góp phần vào "lịch sử ngàn người viết."

Cám ơn những lời khích lệ của chú Từ. Cám ơn sự qúy mến của cô Nhã. Cám ơn chú Nghĩa và ban giám khảo đã bình chọn tôi vào danh sách chung kết. Cám ơn chị Hòa Bình đã tổ chức một buổi lễ phát thưởng quy mô, long trọng. Cám ơn các anh chị trong tòa soạn đã chuẩn bị và hướng dẫn chúng tôi trong suốt buổi lễ.

Cám ơn lòng hiếu khách của các anh chị trong gia đình chú cô Từ-Nhã. Mong có dịp được trả lễ.

Cám ơn tất cả các tác giả trong nhóm Việt Bút. Dù mới gặp nhau lần đầu nhưng ngỡ đã quen nhau từ lâu lắm. Tôi và ông xã rất cảm động với chân tình của mọi người dành cho nhau. Rất tiếc không được tiếp chuyện lâu với một số vị. Hy vọng lần tới sẽ có nhiều thì giờ hơn.

Cám ơn hai cặp bạn đã vì tình thân mà dành một chiều thứ bảy đẹp trời đến dự lễ phát thưởng và ủng hộ tinh thần cho tôi.

Cám ơn ông xã đã "bắt" em nói tiếng Việt những năm mới quen nhau và khuyến khích em viết bài cho Việt Báo. Cám ơn sự kiên nhẩn và thông cảm những lần em "mê viết hơn chồng con." Cám ơn anh sửa lỗi chính tả và cho ý kiến những bài viết. Anh là "một nửa tốt hơn" của em...

Sau cùng, cám ơn Phương Linh, nhân vật trong câu chuyện "Cám Ơn Em, Cám Ơn Peace Corps." Chị chỉ là "người ghi lại" mà lại được "Vinh Danh Tác Giả." Vinh dự này xin tặng lại cho em và những người thiện nguyện đã và đang làm đẹp cho cuộc đời.

Thân tặng mọi người lời bài hát của một tác giả mà tôi không nhớ tên. Hẹn gặp lại.

Cám ơn Người vì ngày hôm nay đây chúng ta quây quần đang có nhau. Biết bao hạnh phúc vớt chia cuộc sống, mến thương nhau đầy trọn tình thân.

Cám ơn Người vì tình thân thương, biết hăng say đẹp lợi ích chung. Cám ơn được đến với nhau cùng hát, chúc khen Người muôn vạn lời ca.

Hãy yêu nhiều vì ngày hôm nay đây chúng ta đang còn trông thấy nhau. Hãy yêu nhiều nữa, cách xa còn nhớ, chúc nhau trọn nguyện ước an lành.

Nguyễn Trần Phương Dung

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,316,943
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương. Nay hai bút hiệu hợp nhất, thành một tác giả thân quen đã hơn 15 năm sinh hoạt với Việt Báo viết về nước Mỹ. Tác giả là cư dân miền Bắc California vừa thông báo đã “trả thẻ, về hưu.” Hy vọng viết về nước Mỹ năm thứ 21 sẽ thêm bài viết mới.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, từng nhận Giải Danh Dự VVNM 2001 và giải chung kết VVNM 2004. Khởi viết cùng lúc với giải thưởng Việt Báo, tác giả đã xuất bản cuốn sách đầu tiên, "Cạnh Đền" và mới nhất là "Bước Chân Định Mệnh". Hai cuốn sách gộp chung gần 1.000 trang truyện ký về cuộc đời của chính tác giả.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2019 khi gần 90 tuổi. Bà tên thật là Nguyễn thị Ngọc Hạnh. Trước 1975, là giáo sư đệ nhị cấp tại Trung học Nguyễn Trãi. Cùng gia đình tới Mỹ từ 1979, hiện là cư dân hưu trí tại miền Đông. Bài viết thứ bảy của bà kể về chuyện họp mặt trường cũ trên du thuyền.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ. Bài viết mới của bà kể về người bảo lãnh của gia đình, một cựu sĩ quan VNCH, cựu tù cải tạo, vừa ra đi tại Atlanta.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas. Bà sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển tới Philippine năm 1989. Định cư tại Mỹ từ 1990, ông hiện là cư dân Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi. Sau giải Danh Dự VVNM 2018, sang năm 2019, ông góp thêm 7 bài viết mới. Hai bài tiêu biểu: "Đời Phi Công...Không Người Lái," và bài mới nhất, "Philippinnes, Ngày Trở Lại": người thuyền nhân trại Pallawan 30 năm trước, nay là một công dân Mỹ trở lại giúp mảnh đất ơn nghĩa năm xưa chống khủng bố. Vẫn chuyện Philippinnes, đây là bài mới nhất. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển tới Philippine năm 1989. Định cư tại Mỹ từ 1990, ông hiện là cư dân Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi. Sau giải Danh Dự VVNM 2018, sang năm 2019, ông góp thêm 7 bài viết mới. Hai bài tiêu biểu: "Đời Phi Công...Không Người Lái," và bài mới nhất, "Philippinnes, Ngày Trở Lại": người thuyền nhân trại Pallawan 30 năm trước, nay là một công dân Mỹ trở lại giúp mảnh đất ơn nghĩa năm xưa chống khủng bố. Vẫn chuyện Philippinnes, đây là bài mới nhất.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, cô đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX và hiện là cư dân Los Angeles, công việc: làm tax accountant. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả tiếp tục cho thấy một sức viết mạnh mẽ khác thường. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Chào mừng tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà cho biết tên thật là Lâm Túy Mĩ (Milam Túy Hoa). Trước 1975, làm việc cho ngân hàng Việt Nam Thương Tín chi nhánh Nguyễn Tri Phương, Quận 5, Saigòn. Năm 1976, sau đợt đổi tiền, bị sa thải vì có chồng là "ngụy quyền". Vượt biển, và định cư ở Hoa Kỳ từ hè năm 1979. Từng là nhân viên thành phố Long Beach trên 28 năm. Sau hưu trí, hiện là cư dân Santa Ana. Mong tác giả tiếp tục viết.