Hôm nay,  

Trên Đường Đi Săn Ảnh

24/06/200800:00:00(Xem: 201652)
Tác giả: Phúc Thiện Nhật

Bài số 2334-16208311-vb3240608

Tác giả tên thật là Phùng An, hiện là cư dân Westminster, Nam California, tự sơ lược tiểu sử: Trước năm 1975, công chức VNCH. Từ năm 1975 đến 1979: Bán chợ trời. Năm 1980: Vượt biên đến Mỹ. Nghề nghiệp ở Mỹ: Electronic Technician. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông là bài “Cơm Chỉ”. Sau đây là bài viết thứ hai.

Sáng thứ bảy, 17 - 05 - 2008, lớp nhiếp ảnh nghệ thuật, kỹ thuật số (digital) cấp 2, khoá VII, năm 2008, thuộc Hội Ảnh Nghệ Thuật "Vietnamese photographic Society of California" (PSCVN) tổ chức một chuyến đi săn ảnh phong cảnh (landscape) xa.

Hội Ảnh Nghệ Thuật PSCVN do nhiếp ảnh gia Vi Vi Trần làm hội trưởng, cùng cố giáo sư Bùi văn Bình thành lập, bắt đầu hoạt động tại nam California hơn 10 năm qua. Lúc mới thành lâp, ngoài nhiếp ảnh gia Vi Vi Trần, một nhiếp ảnh gia đạt được nhiều giải thưởng quốc tế, cùng nhiều nhiếp ảnh gia nổi tiếng khác gồm quý ông Bùi quý Lân, ông Dương xuân Phương và ông Lê ngọc Minh, họp tác điều hành.

Hiện tại Hội Ảnh Nghệ Thuật PSCVN đã có những khuôn mặt trẻ trung, đầy nhiệt huyết và vững tay nghề, sẵn sàng nối gót đàn anh, gồm quý ông Bs Nguyễn quang Ban (hội phó), ông Huỳnh phú Sỉ (tổng thư ký), cô Hồ Hoà (thủ quỹ), ông Nguyễn Huy (kỹ thuật lưu trữ hình ảnh vào computer) (website master), ông Joe Keleman (chuyên trách phần ngoại giao, liên lạc), ông Lê tấn Quý (soạn thảo chương trình các khoá học, điều hợp giữa phần học lý thuyết và thực hành), ông Vũ Dean (giảng viên, phụ trách tổ chức những chuyến đi săn ảnh xa) (field trip), ông Nguyễn tất Đạt, ông Đoàn Minh (giảng viên, hướng dẫn phần thực hành, gợi ý tìm chủ đề nơi thực tập) dấn thân "ăn cơm nhà, vác ngà voi" đang kề vai gánh vác, vừa điều hành hội vừa là giảng viên dưới sự hướng dẫn của bà Hội trưởng Vi Vi Trần.

Đến nay (2008), liên tiếp 7 năm, bắt đầu năm 2002, Hội Ảnh Nghệ Thuật PSCVN đã tổ chức được 7 khoá nhiếp ảnh nghệ thuật, mỗi năm một khoá chia làm 3 cấp. Cấp 1 bắt đầu khoảng giữa tháng giêng dương lịch đến giữa tháng 4; cấp 2 khoảng cuối tháng 4 đến đầu tháng 8 và cấp 3 khoảng giữa tháng 8 đến tháng 12.

Trong 3 cấp của một năm, học viên sẽ được hướng dẫn tổng quát cách sử dụng máy ảnh, đo ánh sáng, điều chỉnh khẩu độ, tốc độ, chọn chủ đề, lấy "nét" (focus), bố cục, hướng nhìn.... Cách chụp chân dung, phong cảnh, tĩnh vật, di động vật... Lưu trữ ảnh vào computer, chuyển đổi và điều chỉnh màu.

Theo thời khoá biểu lớp học, sau một tuần học phần lý thuyết ở lớp, tuần kế tiếp sẽ đi thực tập, xa hoặc gần tuỳ theo chủ đề đã học. Sau buổi học ngày 11 - 05 - 2008 do giảng viên Lê Tấn Quý hướng dẫn về các loại ống kính (lens) và cách sử dụng, lớp học có một tuần chuẩn bị đi thực tập xa. Ông tổng thư ký hội cho biết có hai lựa chọn:

(1) Đi lên đồi công viên quốc gia Yosemite, thuộc trị trấn Three Rivers, miền Bắc California. Trên ngọn đồi này có giống cây Sequoia, thọ rất nhiều năm, hiện tại có cây đã hơn 100 năm tuổi thọ, đường vòng tròn gốc cây khoảng 7 người lớn nắm tay nhau ôm mới giáp vòng. Ngoài ra, trên vùng đồi núi này còn có những mỏm đá gập ghềnh, suối chảy róc rách, nước trong veo, mát lạnh nên nhiều nhiếp ảnh gia thường đến đây săn ảnh.

Đường đi lên vùng đồi núi này quanh co, khúc khuỷu, xe chạy lượn quanh bọc theo triền đồi, cảnh quang nhìn cũng bắt mắt.

Và 2) Đi Mono Lake và Bodie Town. Cuối cùng, ban giảng huấn quyết định chọn đi Mono Lake và Bodie town. Khi nghe nói đi Mono Lake tôi không hình dung hồ ấy như thế nào và ở đâu, có gì đặc biệt mà ban giảng huấn chọn cho học viên lớp nhiếp ảnh nghệ thuật đi thực tập, vừa xa vừa phải ở qua đêm, ban tổ chức thêm bận rộn, tôi chỉ biết loáng thoáng đường đi đến đó bằng "hai vay" (Hwy) 395, hướng bắc (North). Tôi ở Cali cũng khá lâu, biết được nhiều thắng cảnh nhưng chưa nghe nói về Mono Lake, ngoài 2 hồ lớn là Lake Tahoe ở bắc Cali giáp ranh tiểu bang Nevada và Salton Sea ở nam Cali nằm cạnh "hai vay" (Hwy) 86.

Tổng số học viên lớp nhiếp ảnh nghệ thuật digital cấp 2, khoá VI I khoảng 60 học viên nhưng ghi danh đi chỉ 36 anh, chị, em kể cả 6 vị giảng huấn làm hướng dẫn viên gồm quý ông Dean Vũ, trưởng đoàn (hướng dẫn viên xe số1), ông Nguyễn tất Đạt (hướng dẫn viên xe số 2), ông Daniel Phạm (hướng dẫn viên xe số 3), ông Deric Đỗ (hướng dẫn viên xe số 4), ông Joe Keleman (hướng dẫn viên xe số 5) và ông Lê Hãi (hướng dẫn viên xe số 6).Sở dĩ anh, chị, em học viên không tham dự đông đủ vì đi từ sáng sớm thứ bảy, ở qua đêm, về chiều chúa nhựt, một số anh, chị, em phải đi làm ngày thứ bảy và một số không xin được "passport " !" (chữ passport là tiếng lóng, ông tổng thư ký dùng ngụ ý chỉ những "nhiếp ảnh gia" chánh hiệu hay "nhiếp ảnh gia" tập sự khi đi săn ảnh xa, ở qua đêm không được "bà xã" "happy" nên dù muốn đi cũng không đi được. Tình huống này, ông tổng thư ký ý nhị gọi là "không được cấp passport".

Ngày, giờ khởi hành chuyến đi là 6 giờ sáng thứ bảy, 17 - 05 - 2008, tập trung tại bãi đậu xe kế trạm xăng Shell trước chợ ABC.Chúng tôi đến điểm hẹn 6 giờ 6 phút đã thấy anh, chị, em có mặt đầy đủ, tự nhiên tôi thấy . . . hơi thẹn vì đến trễ 6 phút do chờ người bạn đến đưa đi, nhưng tự hào vì người Việt nam đã tiến bộ bỏ được một thói quen dùng "giờ dây thun", không còn áp dụng câu so sánh mỉa mai : "Không ăn đậu, không phải người Mễ; không đi trễ không phải Việt nam".

Nhìn 6 chiếc xe mini van mới toanh đời 2008, mỗi xe được dán số trên góc kiếng trước và sau, từ số1 dến số 6. Dưới ánh sáng lờ mờ trong buổi tinh sương tôi thấy nôn nao, chờ đợi một chuyến đi nhiều thích thú. Quay qua, quay lại, chào hỏi vài người bạn đồng môn, tình cờ nghe ông tổng thư ký Huỳnh phú Sĩ hỏi: Chú Anthony khỏe không" tôi chỉ kịp trả lời: "Cám ơn chú Sĩ, khỏe", ông ta vội quay đi hướng khác để chuẩn bị cho chuyến đi thêm chu đáo, mặc dù ông ta không đi trong chuyến này. Tôi không biết vì ông ta đã đi nhiều lần nên không thích đi nữa hay không được cấp"passport"". Hy vọng ý nghĩ thứ nhứt đúng.

Thấy mọi người lăng xăng, bạn tiễn bạn, vợ tiễn chồng, tôi cũng lăng xăng tìm các anh trong ban hướng dẫn hỏi để biết mình đi xe số mấy lại gặp cô Jennifer Cúc Nguyễn "chìa" ra tờ giấy bảo ký tên, đề ngày và ghi tên mình bằng chữ in bên cạnh chữ ký. Dưới ánh sáng lờ mờ tôi không đọc được rỏ bản văn, chỉ thấy loáng thoáng bản văn đánh máy bằng anh ngữ đại ý mình chấp nhận mọi rủi ro trong chuyến đi và tham gia đi săn ảnh với tinh thần tự nguyện.

Tôi được ban tổ chức sắp xếp ngồi xe số 6, ghế trước kế tài xế. Sau khi an toạ và để dụng cụ nhiếp ảnh vào xe, tôi nhìn thấy nhiều anh, chị, em vẫn còn đứng lố nhố, bịn rịn chưa chịu lên xe, cũng có người trao nhau những nụ hôn tiễn đưa giống như cảnh người chinh phụ tiễn người chinh phu ra biên ải trong chuyện tích ngày xưa không bằng.

Đúng 6 giờ 22 phút sáng, đoàn xe bắt đầu chuyển bánh, sau khi qua vài đoạn đường ngắn trong khu phố Bolsa, đoàn xe theo lộ trình đã vạch sẵn. Từ xa lộ 22, hướng tây qua xa lộ 405 và 605, hướng bắc. Đến xa lộ 5, 14 rồi qua "hai vay" (Hwy) 395, tất cả đều đi về hướng bắc (North).

Đoàn xe 6 chiếc nối đuôi nhau, trên mỗi xe đều có máy walking talking nên vẫn nghe tiếng nói của nhau suốt lộ trình nhứt là tiếng nói người trưởng đoàn (ông Vũ Dean) nghe rõ mồn một, khi thì...  Coi chừng cảnh sát... Cẩn thận... giữ "len" (lane) giữa, hoặc...vô "len" (lane) carpool. ... Đường trống... vượt qua xe truck và giữ khoảng cách an toàn...

Hơn 11 giờ sáng, ông trưởng đoàn đề nghị ghé vào những tiệm ăn KFC, Mc Donald hay Burger King bên dường chính (Main Street) xuyên qua Lone Pine City, anh, chị, em có thể điểm tâm chút chút, tìm ly cà-phê cho tỉnh táo hoặc nước giải khát theo sở thích mặc dù trong xe ban tổ chức đã chuẩn bị đầy đủ thức ăn, nước uống cho cả đoàn, đồng thời để anh, chị, em có thể giải quyết nhu cầu đòi hỏi của bàng quang bị dồn nén đã hơn 4 tiếng đồng hồ.

Đoàn xe lại lên đường sau 20 phút, khi gần đến Independence City, xe chạy ngang qua khu "Manzanar War Relocation Center" (trại tập trung người Nhật thời đệ nhị Thế chiến), ông trưởng đoàn cho đoàn xe ghé vào xem  xem hình ảnh trưng bày, và coi một đoạn phim ngắn khoảng 20 phút.

Trại tập trung người Nhật thời Đệ nhị Thế chiến", như sau: Mặc dù Đệ nhị Thế chiến bùng nổ năm 1939, Mỹ đứng về phe Đồng minh gồm tứ cường Mỹ, Nga, Anh và Pháp chống lại phe Trục gồm Đức, Ý và Nhật nhưng Mỹ chưa thật sự tham chiến, mãi đến ngày 07 - 12 - 1941, khi phi đội thần phong Nhật bản tấn công Hạm đội Mỹ ở Trân châu cảng (Pearl Harbor) ở Hawaii, Mỹ mới thật sự tuyên chiến với Nhật, dưới thời tổng thống Franklin D. Rosevelt. Đến đầu năm 1942 chính phủ Mỹ tập trung tất cả đồng bào Nhật đang sinh sống rải rác khắp vùng bờ biển miền Tây về trại Manzanar trước khi phân phối đến các trại khác, lúc bấy giờ có 12 trại ở các Tiểu bang Arizona, Arkansas, California, Colorado, Idaho, Utah và Wyoming. Ngoài ra, cũng còn nhiều trại ở rải rác các Tiểu bang khác ở miền trung, trung nam và đông nước Mỹ nhưng tôi xin tạm ngưng để trở lại chủ đề bài viết: "Trên Đường Đi Săn Ảnh".

Rời Trại Manzanar, khoảng nửa giờ sau, đoàn xe tìm được một công viên nho nhỏ, phía trái "hai-vay"(Hwy) 395 thuộc thành phố Independence. Xe số 1 do ông Vũ Dean, trưởng đoàn dẫn đầu, "du tơơn" (U turn), 5 xe sau nối đuôi nhau cũng "du-tơơn" (U turn) vào công viên.

Giữa buổi trưa nóng nực, qua đoạn đường dài, nhu cầu ăn uống cũng bắt đầu đòi hỏi, xe vừa ngừng mọi người vội vã xuống tìm bóng mát. Trên tay mỗi người không còn cầm máy ảnh như buổi sáng lúc ra đi, thay vào đó là chai nước lọc hoặc lon nước giải khát ướp lạnh. Quý vị nữ "chuẩn nhiếp ảnh gia" quay quần bên chiếc bàn kê sẵn bắt đầu bày biện la liệt các thức ăn và dụng cụ ẩm thực mang theo. Đứng từ xa, tôi thoáng thấy vài loại bánh mì, dưa chuột tươi và chua ngâm giấm, thịt "ham", cá "tuna", chả lụa, 2 lọ muối, tiêu, chai xì dầu, ớt tươi, khăn, dĩa giấy, muỗng, nĩa, dao. Ở góc bàn, nằm la liệt nhiều bịch ăn vặt (chip) các loại. Viết đế đây, tôi đề nghị quý vị dành cho những người phự nữ Việt nam (nói chung), quý vị nữ "chuẩn nhiếp ảnh gia" trong chuyến đi săn ảnh (nói riêng) một lời khen, vấn đề ăn, uống, bếp núc lúc nào cũng lo toan chu đáo dù trong mái ấm gia đình, ngoài công viên hay lúc đi du ngoạn. Đặc biệt, cô Jennifer Cúc Nguyễn, chiếc "xương sườn cụt" của ông Dean Vũ (nói theo Kinh thánh đạo Thiên Chúa), tuy không giữ nhiệm vụ gì trong ban điều hành Hội Nhiếp Ảnh Nghệ Thuật nhưng lúc nào cũng nhanh nhẹn, bặt thiệp, siêng năng và vui vẻ trong mọi công việc của Hội, ở lớp học cũng như lúc đi thực tập. Cô còn quá trẻ nhưng chịu hoạt động. Có lần đi thực tập ở Descanso Gardens, CA, nhìn nàng ba-lô ngang vai, tay xách dụng cụ nhiếp ảnh lặn lội tìm chủ đề giữa những vị "chuẩn nhiếp ảnh gia" đã "thất thập cổ lai hy" (trong khoá nhiếp ảnh này có nhiều vị niên kỷ đã 60 hoặc 70 hơn.) Nhìn thế hệ "đã an phận" và thế hệ "còn ham vui" có chung một niềm đam mê nhiếp ảnh đã khuyến khích tôi thêm hăng say trong lãnh vực nghệ thuật.

Sau bữa ăn trưa tuy đơn sơ nhưng không đạm bạc, có người thèm giấc nhũ ngăn ngắn theo thói quen, không ngần ngại ngả lưng xuống bãi cỏ, các bạn khác đứng rải rác chuyện trò, trao đổi nhau những kinh nghiệm trong ngành nhiếp ảnh, nhờ những cơ hội này tôi cũng "học lóm" thêm được nhiều điều.

Nhờ bữa ăn trưa đúng lúc, tàng cây mát che ánh nắng mặt trời, gió ban trưa từ đồng quê hoang dã thổi qua công viên liên tục mang theo hơi nóng của những ngày đầu mùa hè làm rối tung các mái tóc bồng bềnh và mơn man đôi má ửng hồng rám nắng của quý vị nữ "chuẩn nhiếp ảnh gia", biểu lộ nét đẹp rạng rỡ, trẻ trung, yêu đời và . . . "bụi đời" vì nghệ thuật. Tiếng ông trưởng đoàn lại vang lên:" Mình chuẩn bị tiếp tục đi".

Rời công viên, mọi người lên xe, đến "hai vay" (Hwy) 395 trực chỉ hướng bắc. Trước khi đến Lee Vining City, nơi có Mono Lake, đoàn người đi săn ảnh còn có dịp đi xuyên qua một thị trấn nhỏ, Big Pine City và một thành phố lớn, Bishop City, cùng nằm trên hai vay (Hwy) 395.

Đến Bishop City khoảng hơn 3 giờ chiều. Từ đây đến Mono Lake còn chừng 1 giờ lái xe. Thời gian hãy còn sớm, ông trưởng đoàn thông báo các xe dừng lại tại Mountain Light (phòng trưng bày ảnh nghệ thuật chụp bởi nhiếp ảnh gia Galen Rowell, cư dân Bishop City). Phòng triển lãm này mở cửa thường trực, trưng bày khoảng 80 bức ảnh chụp, lớn, nhỏ các loại. Hầu hết những bức ảnh màu chụp phong cảnh, lác đác có vài ảnh trắng, đen chụp chân dung với nhiều góc cạnh, màu sắc, cảnh trí thiên nhiên khác nhau, nói lên tài nghệ của nhiếp ảnh gia và nét đẹp muôn màu của vũ trụ.

Nếu không có dịp theo đoàn người đi săn ảnh lần này, làm sao tôi có thể xem được những bức ảnh chụp tuyệt đẹp, màu sắc, bố cục hài hoà, lắm công phu của nhiếp ảnh gia Galen Rowell đang trưng bày thường trực tại Mountain Light ở Bishop City.

Mỗi nhiếp ảnh gia có thiên tài và sở thích riêng. Ở Việt nam, nếu nhiếp ảnh gia Nguyễn ngọc Hạnh đam mê và nổi tiếng khi chụp ảnh những chủ đề liên quan đến quân đội, hình ảnh người lính Việt Nam Cộng Hòa; ở Bishop City, nhiếp ảnh gia Galen Rowell lại nổi tiếng và sở trường khi chụp phong cảnh. Nhìn những bức ảnh màu chụp cảnh núi dồi chập chùng, hùng vĩ; ao hồ in bóng trăng, sao; dòng sông lững lờ uốn khúc; thác cao suối chảy rì rào; bình minh xuyên khe núi; hoàng hôn toả ráng hồng; hoa tươi khoe sắc thắm; bướm lượn quanh đoá hồng; đồng hoang cảnh vắng; dã thú chim muông, nói lên ý nghĩ phong phú và khả năng săn ảnh của nghệ nhân thuộc hàng sư phụ.

Đoàn xe đi săn ảnh rời Bishop City lúc 4 giờ chiều, sẽ dến Lee Vining City nơi có Mono Lake sau nửa giờ lái xe. Theo dự đoán thời tiết cho biết mặt trời lặn lúc 6:25P, đến Lee Vining City, trưởng đoàn nhận chìa khoá khách sạn, anh, chị, em dạo chơi trong các cửa hàng bán tặng phẩm cho tinh thần thoải mái và sẽ ra bờ hồ trước khi mặc trời lặn 1 tiếng đồng hồ để chuẩn bị kịp chụp cảnh hoàng hôn trên Mono Lake.

Loáng thoáng đâu đó, tôi nghe có người còn cẩn thận hỏi lại quý vị trong ban hướng dẫn cách điều chỉnh máy ảnh chụp lúc hoàng hôn, sợ lúng túng khi ra đến bờ hồ, "hồn ai nấy giữ", không ai có thì giờ giúp ai, mặc dù thiện chí có thừa. Quý vị ban giảng huấn cũng là hướng dẫn viên, vừa bận lo săn ảnh, vừa quan sát, lắng nghe các "chuẩn nhiếp ảnh gia", nhanh chóng trả lời, giải thích những bí quyết cần thiết để chụp được những kiểu ảnh đẹp. Bên cạnh tôi có hướng dẫn viên Nguyễn tất Đạt, phong cách đềm đạm, luôn luôn xông xáo, hướng dẫn rõ ràng, mỗi khi có "chuẩn nhiếp ảnh gia" nào cần hỏi ý kiến, tôi nghe tiếng ông trả lời, giải thích rõ ràng như đang ở trong lớp học. Kế bên là hướng dẫn viên Joe Koleman, dáng người quắc thước, phúc hậu cũng đang bận rộn với các "chuẩn nhiếp ảnh gia" trong nhóm mình. Nhìn mái tóc đẹp"bạc như sương" (bạc óng ánh) nhô cao hơn các mái đầu khác như một dũng sĩ giữa chốn ba quân. Các hướng dẫn viên Dean Vũ, Daniel Phạm và Deric Đổ hướng dẫn một số anh, chị "chuẩn nhiếp ảnh gia" đi tìm khung cảnh lạ, xa tầm nhìn nên tôi không quan sát chính xác được. Riêng nhiếp ảnh gia Lê Hãi, hướng dẫn viên xe số 6, mái tóc phong sương, dáng người phong độ, tánh tình cởi mở. Nhờ ngồi chung xe suốt lộ trình, ông luôn luôn nhắc nhở những điều anh, chi. em đã học để áp dụng khi đến nơi thực tập. Mặc dù ông bận điều hành một cơ sở làm ăn tại quận Cam nhưng vẫn hăng say đầu tư thì giờ vào ngành nhiếp ảnh. Nghe ông kể những chuyến về Việt Nam săn ảnh ở những địa danh nổi tiếng, tôi ao ước có dịp được tháp tùng theo ông.Tôi thầm nghĩ, có lẽ khi ông về Việt nam chỉ săn ảnh phong cảnh chứ nếu săn ảnh chân dung hay ảnh . . . khỏa thân mà xin được passport dễ dàng (passport theo nghĩa lóng của ông tổng thư ký), ông thật xứng danh hàng sư phụ.

Tôi không biết 5 xe kia như thế nào, riêng xe số 6, "chuẩn nhiếp ảnh gia" Tân, một mình làm tài xế suốt lộ trình đi và về, vẫn tỉnh táo, nói năng bặt thiệp. Xin quý vị ngồi chung xe số 6 dành cho "bác tài Tân" một lời khen và cám ơn.

(còn tiếp một kỳ)

PHÚC THIỆN NHẬT

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,302,509
Tác giả là cư dân miền Bắc California, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại.
Anne Khánh Vân, sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, hiện sống và làm việc tại miền Đông Hoa Kỳ, từng nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2007 với tự truyện “Duyên Nợ Với Nước Mỹ.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C.
Kông Li là bút hiệu vui vẻ của Phạm Công Lý, tác giả đã dự Viết về nước Mỹ từ 2009. Ông cùng gia đình đến Mỹ từ 1994 theo diện HO, định cư tại Boston.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014, ông tên thật Trần Phương Ngôn, đã sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm
Tác giả đã nhận giải Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2014. Lớn lên tại VN khi cả nước đã thành xã hội chủ nghĩa
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa