Hôm nay,  

San Francisco: Hậu Tái Ong Thất Mã

10/08/200700:00:00(Xem: 236942)

Bài số 2061-1924-628vb5090807

Karen N. Nguyen , sinh năm 1962, trưởng nữ trong một gia đình H.O., hiện là một dược sĩ, làm việc và cư trú tại Virginia. Cô đã góp nhiều bài đặc biệt cho giải thưởng viết về nước Mỹ: "Chuyện Cấm Đàn Ông;" "Viết Cho Em Trai Tôi..." và đã được trao tặng một trong 4 giải chính Viết Về Nước Mỹ 2004. Bài mới của cô lần này là chuyện đi nghỉ hè của đôi vợ chồng: San Francisco Phiêu Lưu Ký.

*

Chuyện kể rằng, ngày xưa ngày xưa, có một ông cụ, con ngựa ở nhà một hôm bỏ đi chơi đâu mất biệt. Hàng xóm đến chia buồn, ông cụ gật gù nói với hàng xóm rằng: Biết đâu chừng trong cái rủi có cái may. Vài ngày sau, quả thật như lời ông cụ nói, con ngựa trở về, kéo theo một con ngựa hoang. Hàng xóm đến chia vui, ông cụ nói: Biết đâu trong cái may có cái rủi. Mấy tuần sau, con trai ông cụ mang con ngựa hoang ra cỡi đi chơi, bị con ngựa hất té ngã xuống, gãy tay. Cái tay gãy về sau không lành trở lại được, anh trở thành phế nhân. Đến lúc đất nước có chiến chinh, trai tráng trong làng phải vào quân ngũ, con trai ông cụ nhờ cái tay gãy mà khỏi đi lính...
 Đó là chuyện ngày xưa, còn bây giờ, để tui kể cho bồ nghe chuyện của vợ chồng tui nhân chuyến đi San Francisco vừa rồi, xem có đáng được xếp loại là "Hậu Tái Ông Thất Mã" hay không nhe.
Hai vợ chồng tui bàn với nhau về chuyến đi nghỉ hè này gần cả năm trước lận. Thoạt tiên là chỉ định bay đến San Fracisco, rồi từ phi trường trực chỉ ra bến tàu để lên tàu làm 1 chuyến du lịch ở Alaska. Sau đó hai vợ chồng tính tới tính lui, đến San Francisco mà không thăm cảnh thăm người ở đó thì tiếc quá. Vậy là đổi chuyến bay, hai vợ chồng sẽ đến San Fracisco ở bốn ngày, rồi mới lên tàu. Tui nói với ổng, mình tới thành phố nào thì đi máy bay đáp xuống ngay thành phố đó cho nó tiện, phi trường San Francisco lớn thật lớn, máy bay đến hà rầm, từ phi trường về khách sạn ở Pier 39 đâu có xa xôi vạn dặm gì đâu. Ổng không chịu. Ổng nghe bạn bè ở trong sở bàn ra tán vào thế nào, ổng quyết định là hai vợ chồng sẽ đi máy bay đến phi trường ở Oakland. Từ Oakland về lại San Fracisco chỉ cần phải đi qua một cây cầu thôi em ơi, đâu xa xôi khó khăn gì, bạn anh có họ hàng bên Cali khuyên vợ chồng mình đáp xuống Oakland thì tiện hơn. Ổng nói vậy, và tui tin ổng.
Đi Alaska cruise, tàu sẽ ghé qua Victoria, Canada giấy tờ tàu gởi về cho biết là hành khách phải có passport. Hai vợ chồng đi ra bưu điện gần nhà, chụp hình làm passport. Trời ơi, tui mà biết cái máy chụp hình ở bưu điện chụp hình xấu đến như vầy là tui đã ra ngoài tiệm chụp hình có người professional chụp để có tấm hình đẹp để đời trong passport rồi. Bây giờ thì đành cam chịu với cái hình xấu òm ở trong passport, mười năm cam chịu chứ có ít ỏi gì đâu. Than thở với ông xã thì ổng bảo nếu không thích cái hình thì khai mất passport, ma-ki-dê kỹ kỹ vào, đi chụp hình khác, rồi làm lại passport khác, đâu có khó gì. Đàn ông có khác, ổng không quan tâm hình chụp của mình xấu hay đẹp hết trơn, chỉ cần có cái passport với cái hình của ổng trong đó là xong xuôi.
Đi vào tháng chín ở San Fracisco 4 ngày, đi cruise ở Alaska mười ngày, tính tới tính lui, tui với ổng đem đủ thứ đồ, áo lạnh, áo gió, quần short, quần dài, đồ để diện đi ăn formal dinner hai lần trên tàu, giày dép đủ loại, mỗi đứa có một cái vali bự thật bự. Đem vali lớn, để mình còn mua đồ souvenir đem về nữa, hai vợ chồng bàn với nhau như vậy. Hành lý của cả ngàn hành khách khác ở phi trường. Hành lý của ông xã có màu xanh nước biển, mấy cái góc vali có viền màu xanh nhạt. Mười mấy năm về trước chàng mua bộ vali túi xách của mình ở một tiệm treo bảng sale 70 phần trăm trở lên, năm sáu món chung mà chỉ có 100 dollars, luôn tự hào là mình kiếm được good deal, trái với tui là người không tin mua đồ sale, vì tui không tin rằng có đồ gì mà đủ bốn tiêu chuẩn "Tốt, bền , rẻ, đẹp" hết trơn. Tốt mã rã đám, của rẻ của hôi, tui luôn nghĩ như vậy.
Ngày đầu tiên của chuyến nghỉ hè, hai vợ chồng lái xe ra phi trường sớm sủa, hoàn tất mọi thủ tục nhanh gọn, lẹ. Lúc ngồi đợi máy bay đến, thấy tôi hào hứng phấn khởi  quá xá cỡ vì mọi chuyện xuôi chèo mát mái, ông xã nói là em khoan ăn mừng đã, chừng nào vợ chồng mình đến San Francisco bình an trót lọt thì hẳn hay. Đường dài vạn dặm, ổng nói, trắc trở đâu lường được. Trời, đi vacation mà nói như vậy đó.
Máy bay đáp vèo xuống phi trường Oakland. Duỗi chân duỗi tay sau khi ra khỏi máy bay, hai vợ chồng bắt đầu đi kiếm hành lý. Hãng máy bay tụi này đi, hành khách lấy hành lý ở hai địa điểm mà thôi. Hai cái carousel chạy chậm như rùa bò, mỗi cái tải hành lý của ba, bốn chuyến bay, bà con xếp hàng chung quanh đông nghẹt.Vali túi xách chạy vòng vòng trên máy, cái nào cũng đen thui, tui kiếm, hành lý của mình nổ đom đóm mắt luôn. Cứ tính trong đầu là sẽ thắt một cái nơ màu thật tươi trên vali để nhận diện nó cho dễ, mà bao giờ cũng quên. Cuối cùng rồi tui cũng tìm được hành lý của mình. Hành lý của ông xã thì vẫn còn chơi trốn tìm ở đâu đó, không chịu ra, và ổng bắt đầu sốt ruột.
Aaaaaaa, cái vali màu xanh nước biển lớn kia rồi. Ông xã chạy tới, lôi cái vali xuống khỏi băng chuyền. Tui nhìn ổng, thấy mặt ổng biến sắc. Tạc- dzăng nổi giận. Rách toạt một đường dài cả ba gang tay, thấy lớp vải lót bên trong. May mà lớp vải bên trong còn nguyên, đồ đạc không lọt ra ngoài. Cứ như là ai đó dùng xe cẩu móc cái vali lên, rồi đâm xoẹt một cái cắt ngang một đường trên cái vali vậy.
Em thấy không, anh đã nói với em là khoan mừng vội mà, ổng cằn nhằn trong lúc kéo cái vali ra khỏi phi trường. Đi ngang qua phòng có đề chữ "Customer service" của hãng máy bay hai đứa đi, thấy bà con thiên hạ xếp hàng dài ngoằng, zíc-zắc qua lại cả mấy lần. Tui nói với ông xã thôi mình xếp hàng để nói chuyện phải quấy với hãng máy bay đi, họ làm hư hành lý của mình thì họ phải có cách giải quyết chứ. Ổng nhìn hàng người xếp hàng ở đây thì đợi đến bao giờ, ổng nói vậy. Kéo cái vali rách ra khỏi phi trường, lúc gần băng qua đường để ra bến đón taxi thì ổng đổi ý, kêu tui cùng quay trở lại để xếp hàng khiếu nại. Con kiến đi kiện củ khoai, ổng nói với tui, nhưng nếu cái cali này mà rách te tua như vầy lúc mình check in thì đời nào hãng máy bay nhận cho nó đi, rõ ràng là nó bị hư trong quá trình hãng máy bay vận chuyển rồi.
Đứng xếp hàng với bao người khác, tui đánh bạo hỏi chuyện mấy người xung quanh. Người thì mất hành lý tìm không ra, người thì hành lý bị hư hại. Nhìn mặt mấy người bước ra khỏi phòng "customer service", chẳng thấy ai nở nụ cười hết trơn. Mà sao lâu thật lâu mới có người bước ra, cái hàng người nhích chậm rì. Cứ y như là xếp hàng mua gạo mua nhu yếu phẩm ngày xưa ở Việt Nam vậy đó. Đứng một hồi mỏi chân quá, tui nói với ông xã thôi anh cảm phiền đứng ở trong hàng để đợi đến phiên mình khiếu nại, để em ra ngồi chờ ở bên ngoài, rồi mười lăm phút nửa tiếng em vào đổi chỗ  cho anh ra ngồi, nhe. Ông xã tui nói bà muốn ra ngồi thì ngồi, tui đứng xếp hàng không mỏi chân đâu, nhìn xung quanh đi, bà con thiên hạ cũng có người ngồi xuống mà đợi ở trong hàng rồi, có gì thì tui cũng bắt chước họ vậy.
Cuối cùng rồi cũng đến phiên ông xã tui vào trong văn phòng của hãng máy bay để nói chuyện phải quấy về cái vali rách. Lâu thật lâu, lâu đến nổi tui gần ngủ gục thì mới thấy ông xã mình bước ra. Chàng cười tươi như hoa. Vậy là điềm lành, tui nghĩ trong đầu.
Cái cô nhân viên ở trong văn phòng, ông xã kể cho tui nghe, cô ấy hỏi giá mua cái vali của anh là bao nhiêu, anh thì căn cứ theo giá đó chúng tôi sẽ đền bù cho ông hai mươi dollars đâu có đủ để mua cái vali khác to như vậy. Bàn qua cãi lại, cuối cùng cô ấy quyết định đền cho anh sáu mươi dollars, ông xã nói, đưa cho tui coi cái check của hãng máy bay.
Muốn mua hành lý ở San Francisco thì đi đâu kìa" Hai vợ chồng đều là người nhát lái xe, không muốn lái xe đi vòng vòng vô phương hướng ở một thành phố lạ hoắc, đông nghẹt xe và người, vậy thì làm sao" Tui bàn với ổng là tụi mình kêu taxi về khách sạn nghĩ ngơi đi anh, rồi mai mình đi vào Chinatown, thế nào cũng kiếm được cái vali khác, và ổng đồng ý.
Hai vợ chồng đến khách sạn Tuscany Inn ở gần Pier 39 thì trời đã tối mịt. Bỏ mấy cái vali trong phòng, hai vợ chồng lò mò đi ra đường để kiếm chỗ ăn tối. Từ khách sạn quẹo ra bên tay phải, băng qua đường, hai vợ chồng đi bộ một lúc thì thấy có tiệm Safeway ở trong một khu shopping center kế một cái garage khá to, gần đó có tiệm McDonald. Chẳng thấy chỗ nào bán vali hết trơn. Sao kỳ quá vầy nè, tui nghĩ trong đầu, ngày xửa ngày xưa tui qua Cali chơi được bạn bè dắt đi San Francisco, có đến Pier 39 thấy vô số tiệm bán đồ Souvenirs, bán vali, bán đồ ăn, mà sao khu vực này nói là sát Pier 39 mà chẳng thấy hàng quán gì hết trơn vậy kìa" Trời tối, chân yếu tay run vì bụng đói, hai vợ chồng quay trở lại khách sạn và vào cái restaurant ở tầng trệt của khách sạn để ăn tối. Nhà hàng Ý, hai vợ chồng ăn salad, bánh mì, pasta Ý. Trong lúc ăn, tui cứ ngồi ngẩn ngơ nhớ đến mấy con cua luộc to thật to, những con sò, con tôm hấp dẫn của Pier 39 vô cùng tận. Seafood của Pier 39 ở đâu kìa, tui thắc mắc dễ sợ mà không dám hỏi ông xã mình, ổng nghe hỏi như vậy lại sẽ nói là mình ăn để sống, chứ đâu phải sống để ăn. Đành là vậy, nhưng đi vacation đến Pier 39 mà không thấy một quán seafood nào hết trơn thì kỳ quá xá!
Cười đi bạn, tụi này là người phương xa đến San Francisco, đâu có quen đường đi nước bước ở đó, với lại ông xã mình không thích hỏi người khác để đi tới chỗ này chỗ kia, vậy mới có chuyện để nói. Chứ hỏi mấy người làm khách sạn 1 câu, họ chỉ ngay chỗ bán vali rồi, tui về sau cũng tức mình vì chuyện đơn giản như vậy mà cũng không nhớ.
Sáng sớm hôm sau, hai vợ chồng thức dậy sáng sớm để đi mua vali. Ông xã tui mấy tháng trước quyết định chọn khách sạn này với lý do là nó gần trạm cable car, đi đây đi đó rất là tiện. Tiện thật, vì trạm cable car đi bộ chút xíu là tới. Tụi này lên tuyến Powell-Mason, hai vợ chồng ngồi ở hàng ghế dọc bên hông cable car, vừa đung đưa theo gió nhẹ vừa ngắm cảnh San Francisco. Cable car lên dốc, xuống dốc, cảnh hai bên đường nhìn vui mắt vô cùng. Đến Union Square, tụi này nhảy xuống. Lần đầu tiên ông xã mình thấy cảnh người ta quay đầu cable car, thích lắm.
Dự tính ban đầu là đi đến Chinatown để mua hành lý, nhưng sau tụi này đến Union Square thì đổi ý. Thấy tiệm Macy's to thật to ở góc đường, ông xã tui kéo tui vào.Thế nào cũng có hành lý bán ở đây, ổng nói. Đúng vậy, Macy's có nguyên một tầng trưng bày hành lý, hai vợ chồng đi bộ mỏi cả chân, nhìn mỏi cả mắt vì muốn chọn đồ on sale. "Tốt, bền, rẻ, đẹp". Cuối cùng thì ổng cũng chọn được một cái vali màu đen có khung ngoài màu xám nhạt rất đẹp, rất lịch sự, giá 70 phần trăm off rồi cũng còn khoảng 120 dollars. Lúc trả tiền ở quầy, cô cashier sau khi ông xã tui nói phải mua vali mới sau khi đặt chân đến San Francisco đã nở nụ cười tươi nói với tụi này là chuyện vali bị hư hại, mất mát ở phi trường Oakland xảy ra thường lắm, và hãng máy bay tụi này đi đền cho hành khách cỡ 60 dollars cho một cái vali là chuyện thường!


Mua vali xong, tụi này hân hoan đi trở ra trạm cable car để đi về nhà. Trời ạ, trạm cable car ở Union Square là giao điểm của hai tuyến Cable car, Powell Mason và Powell Hyde, du khách như tụi này đứng xếp hàng đông khủng khiếp luôn, tụi này cũng đứng vào hàng, xem người ta quay mấy cái cable car vô số lần và đếm cả trăm con bồ câu đi chơi vòng vòng ở đó, nghe mấy người nhạc sĩ đàn violon dạo ở gần bên trình diễn mấy bài, nhìn một người biểu diễn nhào lộn và tung hứng... mà cũng chưa thấy tới phiên mình lên xe. Ông xã tui nói thay vì nãy giờ mình đứng đợi, anh đi bộ chắc cũng về tới khách sạn của tụi mình rồi!
Cuối cùng đến phiên hai vợ chồng tụi này lên cable car. Kỳ này có cái vali to đùng, hai vộ chồng không ngồi ở dọc bên hông cable car ngắm cảnh như lúc đi, mà phải ngồi vào bên trong cable car và ngắm cảnh hai bên đường qua cửa sổ.
Râââầmmmmm!!!!!! Tui với ông xã đang ngồi relax ở trong cable car, lòng vui vẻ vì kiếm được cái vali đẹp giá phải chăng, thì bỗng nhiên thấy người mình ngã chúi về phía trước. May mắn là ổng nhanh tay níu tui lại được, chứ không chắc tui té đập mặt vào hàng ghế đối diện sưng vều môi rồi. Xe cable car ngừng lại giữa đường, bà con ngồi trên xe nhốn nháo. Hóa ra là có cái xe taxi từ bên trong một khách sạn quẹo ra, không biết tài xế bẻ cua tay lái thế nào mà taxi đâm ngay vào xe cable car. Người lái xe cable car kêu hành khách trên xe đi xuống hết để chờ xe khách lên mà đi tiếp. Tui với ông xã xuống xe, nhìn thấy cái gờ sắt ở phía dưới hàng ghế dọc bên hông cable car bị taxi tông phải, méo hẳn sang một bên. Hú vía, ông xã tui nói, nhờ có cái vali thành ra tụi mình phải ngồi bên trong, chứ nếu ngồi ở hàng ghế bên ngoài như hồi sáng này chắc tụi mình có người bị gãy chân hay té dập mặt chứ chẳng chơi.
Hai vợ chồng tui và bao hành khách khác đứng ở lề đường trước khách sạn đợi cable car. Người lái chuyến xe bị hư hại trước khi đi còn an ủi hành khách là ráng chờ chút nữa sẽ có xe khác đến. Chút nữa thành nửa tiếng nữa, cũng chẳng có chiếc cable car nào chạy lên mà còn trống chỗ hết trơn. Nửa tiếng thành 45 phút, bà con thiên hạ đợi mãi không đón cable car được chuyển đi lô-ca chân hết trơn. Thôi tụi mình đi bộ về khách sạn đi em, ông xã tui quyết định.
Hai vợ chồng bắt đầu đi bộ, leo dốc. Trời ơi, mấy con dốc ở San Francisco cao ngất ngưỡng, đứng ở cuối dốc không thấy được đầu dốc có cái gì, có xe nào đổ xuống gì hết. Ông xã tui kéo cái vali mới, còn tui lóc cóc đi bộ phía sau. Leo hết con dốc đầu tiên thì thấy một con dốc nữa, leo gần hết con dốc thứ nhì thì thấy con dốc thứ ba. Đầu gối tui bắt đầu lên tiếng phản đối lung tung xèng, tim tui đập loạn xạ, thở không ra hơi. Ông xã tui cũng bắt đầu thấm mệt, mồ hôi ướt đẫm lưng áo và chảy ròng ròng trên trán ổng. Cuối cùng hai vợ chồng leo hết con dốc thứ ba thì thấy có một trạm shop của cable car. Tụi này đứng lại nghỉ dưỡng sức, tui định bụng nói với ông xã là tụi mình kêu taxi về lại khách sạn đi anh thì bỗng thấy có chiếc cable car chạy lên, thâý tụi này đứng đó thì dừng lại. Leo lên cable car tui mừng vô số kể. Có leo dốc San Francisco mới thấy sức  khỏe mình thê thãm dễ sợ leo có vài con dốc là đã hết xí quách. Mấy năm rồi làm biếng không đi bộ, tập ở gym gì hết, giờ mới thấy tai hại.
   Hai vợ chồng về đến khách sạn, tui nói với ông xã là bỏ cái vali rách đi anh, giữ làm gì nữa. Ổng không chịu. Để anh đem cái vali rách lên tàu đi Alaska luôn, rồi đến khi về trở lại San Francisco thì anh sẽ bỏ, ổng hứa hẹn. Biết đâu tụi mình mua đồ sourvenir nhiều để tặng bạn bè và người thân, có cái vali đó đựng được nhiều thứ lắm đó em, ổng nói vậy . Hai vợ chồng đi ra chợ Safeway mua cuộn băng keo to thật to để dán cái vali rách. Sau đó tụi này đi tà tà dạo chơi mấy khu vực gần khách sạn. Lúc từ khách sạn ra quẹo qua phía bên trái, đi bộ chút xíu thì tui với ổng thấy ngay một loạt cửa tiệm bán vali, túi xách đủ loại, đủ cỡ. Tối hôm qua chắc mắt mình bị quáng gà nên mới không thấy mấy tiệm này, tui tự nghĩ trong đầu. Hai vợ chồng đi dạo qua mấy tiệm, ông xã tui nói với tui là cái vali của anh mua ở Macy's đẹp hơn nhiều so với mấy cái vali bán ở mấy tiệm này đó em!
Mấy ngày ở San Francisco trôi qua nhanh như chớp. Tụi này đi ra coi hải cẩu tắm nắng ở Pier 39, coi trại giam ngày xưa ở Alcatraz. Lên cầu Golden Gate gió lộng, ghé Lombard Street xem xe cộ chạy chầm chậm qua mấy góc đường cong queo đổ dốc, rồi đi bộ dọc Filbert Steps ngắm mấy chú két ở đó, đi dạo đến mòn gót giày ở Chinatown... Tôm, cua, sò, ốc, cá, mực ở Pier 39 được tui chiếu cố tận tình, nhớ lại bây giờ vẫn còn thèm đó bồ.
   Ngày lên tàu, tụi này rời khách sạn khá sớm. Cái vali xanh bị rách bây giờ được dán mấy chục lớp băng keo màu xám che chỗ rách và được lên xe taxi đi ra bến tàu với tụi này. Lúc ra taxi, ông xã tui thấy hành lý cồng kềnh quá, ổng mở cái vali xanh này ra, dồn mấy cái túi xách và túi đeo vai của ổng vào đó cho gọn.
   Hai vợ chồng đến tàu lúc 12 giờ trưa. Xuống khỏi taxi, kéo mấy cái vali một chút xíu là vào đến bến tàu, nhân viên của tàu đón nhận mấy cái vali rồi bỏ chúng lên xe, đẩy đi. Hai vợ chồng thơ thới đi vào hàng check in. Hàng người check in di chuyển khá nhanh, chừng 10 phút sau là đến phiên tui với ông xã. Tui móc cái passport của mình với driver's license ra sẵn sàng. Nhìn qua ông xã, mặt ổng tỉnh rụi, tui cũng không hỏi gì hết. Tui đưa driver's license với passport ra cho bà nhân viên ngồi ở quầy, lấy được cái boarding pass lên tàu trong nháy. Đến phiên ông xã, ổng đưa driver's licence ra. Driver's license không đủ, ông có passport không, bà nhân viên hỏi ông xã tui. Đến lúc này, ông xã tui mới sực nhớ ra là cái passport của ổng nằm trong cái túi đeo vai, ổng bỏ vào trong cái vali xanh và cái vali xanh đã theo nhân viên tàu đi mất biệt rồi. Hãng máy bay đến Alaska cũng chỉ vần driver's license thôi, tàu đi từ Cali đến Alaska chắc cũng vậy chứ, ông xã tôi hỏi bà nhân viên, cái passport là để đi qua Canada kia kìa, tui có driver's license chứng nhận tui là tui, chừng lên tàu tui lấy cái passport trong túi xách ra trình sau có được không" Không được, bà nhân viên trả lời.
   Không có passport là không có boarding pass, là không có lên tàu được. Tin sét đánh! Bà nhân viên đưa cho ông xã tui một tờ giấy màu hồng để yêu cầu nhân viên trên tàu đi tìm cái vali cho ông, bà nhân viên nói, nhưng chúng tôi không đảm bảo là sẽ tìm ra nó trước khi tàu nhổ neo. Đến 4 giờ chiều tàu nhổ neo, nếu vali không tìm ra thì ông sẽ không lên tàu được, bà nói.
   Ông xã tui mô tả cái vali vào tờ phiếu yêu cầu, tui len lén nhìn vào, thấy ổng tả cái vali kích thước cỡ nào, màu gì. Đặc điểm là phía sau lưng vali có dán băng keo vô số lớp màu xám! Bà nhân viên lấy tờ phiếu, bỏ đi vào bên trong để đưa cho nhân viên trên tàu, rồi trở ra, kêu vợ chồng tui đến ngồi ở hàng ghế trong góc mà đợi.
   Hóa ra không phải hai vợ chồng tui là người duy nhất có vấn đề với passport. Có một cặp vợ chồng già, tóc bạc phơ, bà cụ ngồi nói chuyện bằng cell phone gọi hết cho đứa con này đến đứa con khác kêu đến nhà ông bà mở ngăn kéo này, góc tủ kia để kiếm hai cái passport. Có một cặp vợ chồng trẻ bỏ quên passport ở nhà, cô vợ ngồi đợi còn anh chồng tức tốc phóng ra đường gọi taxi để chạy về nhà lấy passport... Rồi người này, người khác, cái góc phòng dành cho những người có driver's license mà không có passport càng lúc càng đông, tui đếm sơ sơ thấy trên cả chục người.
Có gì đến giờ tàu nhổ neo mà cái vali của anh không tìm ra thì em lên tàu đi Alaska một mình nghe, ông xã tui bắt đầu căn dặn. Anh sẽ đi ra phi trường, đổi vé máy bay rồi quay về nhà vậy, ổng nói. Tôi ngồi nghe ổng căn dặn mà tức muốn chết. Có cái passport mà sao tui không nhớ nhắc ổng khi mới đến bến tàu kìa, vậy mới có nông nỗi này. Có cái túi đeo vai chứa passport của ổng với mấy cái chương trình du ngoạn ở Alaska, nặng nè gì cho cam, mà sao ổng không chịu đeo theo người, làm điệu kiểu gì mà chất hết vào cái vali rách dán băng keo kia vậy mới có chuyện. Cái vali rách đó nữa, đã nói là bỏ đi cho rồi sau khi mua vali mới, khăng khăng giữ hoài làm chi vậy không biết, ổng có máu trùm sò kẹo kéo đến mức nào mà đồ như vậy cũng không chịu bỏ đi. Tui tức quá xá, mà không dám nói gì hết, vì thấy mặt ổng ỉu xìu như bánh đa ngâm nước cũng tội quá đỗi.
Một giờ chiều, hai giờ chiều, ba giờ chiều, cái đồng hồ treo tường ở gần đó nhích từ từ, từ từ đến ba giờ chiều thì tui sốt cả ruột. Hai ông bà già tóc bạc phơ quên passport cũng còn ngồi đó. Anh chồng trẻ đáp taxi về nhà kiếm passport đã trở lại, hai vợ chồng lấy boarding pass lên tàu cả tiếng trước rồi. Có người quên passport đến sát quầy vé năn nỉ hỏi xem có thể nào người nhà Fax bảng copy của Passport đến đó trước được không, rồi sẽ gởi passport bằng Express mail đến trạm đầu tiên tàu ghé Alaska, và được bà nhân viên trả lời rất tiếc là không được. Alaska thuộc nước Mỹ, mình đi từ Cali đến Alaska coi như là đi trong phạm vi nước Mỹ, máy bay không đòi passport mà đi tàu phải có passport, ông xã tui càu nhàu. Em thấy đó, ngay cửa vào bến tàu chẳng có cái bảng nào, chẳng có dấu hiệu nào, chẳng có nhân viên nào kêu hành khách là phải thủ passport cầm chắc trên tay hết trơn, ổng phân trần với tui.
Ba giờ rưỡi chiều, lác đác chỉ còn vài hành khách đến check-in. tui bắt đầu thấy tuyệt vọng, bắt đầu khấn ông Địa cho người trên tàu tìm được cái vali của ông xã tui, về nhà tui sẽ cúng ông Địa nải chuối, mấy chén chè. Mười phút sau, tui khấn là nếu tìm được passport của ổng, tui sẽ ăn chay mười bữa... sau khi đi Alaska về. Hai vợ chồng hào hứng bàn tính cho chuyến đi vacation này cả một năm trước, bây giờ ổng đi về nhà thì tui lên tàu một mình có vui cái nỗi gì đâu kia chứ!
Bỗng nhiên tui thấy ông xã tui đứng vọt lên nhanh như điện giật. Có một anh nhân viên đi tới, tay kéo cái vali màu xanh nước biển dán băng keo của ông xã tui. Ổng cám ơn anh nhân viên, mở vali, mở cái túi đeo vai, lấy passport xong, hai vợ chồng tui phóng như bay ra cầu tàu, lên được trên tàu thì nghe tàu thông báo là sẽ nhổ neo mười phút sau đó. Hú vía!
Trong chuyến đi Alaska, tui nói với ông xã là bỏ cái vali rách đi, đừng có kèo nài lưu luyến với nó nữa, ổng đồng ý. Vậy chứ sau khi đi Alaska về, tàu cập bến, ổng không chịu bỏ cái vali rách lại ở trong phòng, hãng máy bay không cho anh đem cái vali lên máy bay thì em sẽ bỏ nó, ổng hứa hẹn với tui.
Ổng có bỏ cái vali đó không hả" Không có bỏ. Còn cái vali đó là tim tui còn đập lô tô liên hồi kỳ trận từ lúc ngồi ở trên máy bay bay về nhà, rồi ngồi trên xe lái từ phi trường vế nhà. Mấy tuần sau đó ông xã tui mới quyết định chia tay với cái vali xanh dán băng keo của ổng. Em không nhớ sao, cái vali đó anh mua ngày xưa trước lúc hai đứa mình cưới nhau, tuần trăng mật mình xài cái vali và mấy cái túi trong bộ hành lý đó, kỷ niệm với nó khá nhiều, anh bỏ nó không đành, ông xã tui nói vậy. Lý luận kiểu đó thì tui đành chịu thua thôi!

Ý kiến bạn đọc
11/04/202410:06:58
Khách
natural gout remedy <a href=""> https://forums.dieviete.lv/profils/127605/forum/ </a> homeopathic remedies homeopathy
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,718,033
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông sinh năm 1952, dân Sài Gòn, cựu sinh viên Văn Khoa, cựu Sĩ quan Quân đội Miền Nam, một trung đội trưởng tác chiến. Hồi cuối cuộc chiến, chàng là một thương binh và buổi sáng ngày 1 tháng Năm 1975, bị đuổi ra khỏi quân y viện... Bài viết mới là chuyện về cơn bão Irma tại vùng quê mới của tác giả Tampa, Florida.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010. Mới nhất, là cuốn "Within & Beyond" do tác giả viết bằng Anh ngữ và tự xuất bản và vẫn tiếp tục viết. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey, một vùng ít cư dân Việt. Sau đây, thêm bài mới của Song Lam.
Tác giả đã góp bài Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, nhận giải chung kết 2009. Là nhà giáo dạy Anh và Pháp ngữ tại các trường trung học ở Việt Nam trước 1975, ông vượt biển đến Mỹ năm 1984, đi học và trở lại nghề cũ. Sau nhiều năm dạy tại một trường công lập Mỹ ở San Jose, ông về hưu tại Riverside, Nam California và tiếp tục góp bài. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2017 và đã nhận giải đặc biệt năm thứ mười tám. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, trước là nhà giáo tại Việt Nam, định cư tại New Jersey năm 1994 theo diện HO. Sau đây là bài viết mới của bà.
Tác giả nguyên là luật sư hành nghề tại Việt Nam trước năm 1975. Ông hiện cùng gia đình đang sinh sống tạiHonolulu, Hawaii. Tác giả đã từng tham gia mục Viết Về Nước Mỹ với các bài "Tôi Hiến Tủy," “Vợ Tôi Bị Ung Thư,” và “Con Chó Trắng Trong Nghĩa Địa.” Và đây là bài thứ tư của Lê Tấn Phước.
Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ, hiện có tiệm Nails ở Texas và lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Để phân biệt với tác giả Minh Nguyệt có bài Viết Về Nước Mỹ từ 2001, tác giả chọn bút hiệu Minh Nguyệt Graves, theo họ của ông chồng người Mỹ. Sau đây là bài viết mới của bà.
Gia đình tác giả tại Houston là nạn nhân trực tiếp của bão Harvey. Nhà bị tốc mái. Mẹ Lúa vào bệnh viện bằng trực thăng tải thương. Tác giả định cư tại Mỹ 24 năm, tốt nghiệp đại học tổng hợp, hiện đang là cộng tác viên của một đài truyền hình nhưng chỉ mới bắt đầu dự viết về nước Mỹ từ Tháng Bảy 2017, với bút danh Như Nguyện, bài “Nước Mẹ, Nước Con.” Sau đây, bài viết thứ hai, lần đầu ký đầy đủ tên họ Trần Như Nguyện.
Gió Đồng Nội là bút hiệu của một tác giả đã góp nhiều bài đặc biệt và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ ngay từ năm đầu tiên. Bà là một chuyên gia từng làm việc tại Trung Tâm Không Gian Kennedy ở Merrit Island, Florida, hiện đã hưu trí. Bài viết mới của Gió Đồng Nội về “vòng tay” của bão Irma cho thấy nhiều ghi nhận chu đáo hiếm có.
Tâc giả 45 tuổi, cùng gia đình đoăn tụ tại Mỹ từ 1991, 26 năm trước, khi mới 18 tuổi. Hiện là cư dân Huntington Beach; Nghề nghiệp: Kỹ sư phần mềm cho Northrop Grumman Corporation; Đã tham gia VVNM từ 2002 với 4 băi viết tươi tắn, tử tế. Sau 15 năm bặt tin, ông xuất hiện trở lại với nhịp viết mạnh mẽvà đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017, năm thứ 18. Sau đây thêm một bài viết mới.
Nhạc sĩ Cung Tiến