Hôm nay,  

Ba Mùa Cỏ

25/02/200700:00:00(Xem: 857208)

BA MÙA CỎ

Người viết: PHAN

Bài Viết Về Nước Mỹ 2006
Trích lại từ báo xuân Việt Báo Tết 2007

Tác giả là một nhà báo, phụ trách mục "Chuyện Vỉa Hè" trong Ca Dao Magazine ở Dallas, đã góp nhiều bài  viết về nước Mỹ đặc biệt.  Sau đây là bài viết về nước Mỹ thứ tư của ông cho năm 2006, trích lại từ báo xuân Việt Báo Tết Đinh Hợi 2007.

*

Tôi chính thức làm người lớn từ khi dì Út tôi bên Mỹ về. Dì mua cho tôi thật nhiều son phấn, sau đó dạy tôi trang điểm. Những đứa con gái như tôi trong dòng họ, phân bì. Nhưng dì cứ làm lơ tặng tôi toàn những thứ mỹ phẩm đắt tiền. Sau nhiều cố gắng, tôi ngộ ra. Gương mặt mình chỉ hạp với mưa, nắng. Son phấn đi đường riêng…

Dì tôi về Sàigòn để dự đám cưới người chị em bạn dì với tôi. Dì đang du học bên Mỹ. Nhìn dì lộng lẫy, huy hoàng mà tủi thân cho tôi. Thật ra, dì lớn hơn tôi có sáu, bảy tuổi vì tôi là con lớn của chị Hai. Khoảng cách vai vế thì lớn chứ khoảng cách tuổi tác, đâu có bao nhiêu. Tôi ra đường với dì như con ở đi với cô chủ.

Hôm dì sai tôi đi chợ với chị Ba (là người làm trong nhà). Tôi có biết chợ búa gì đâu" Tiền cũng không dám giữ nên giao hết cho chị Ba. Ngoài chợ. Chị Ba chọn tôm, cá. Mặc cả, trả giá… trả tiền. Tôi đứng tần ngần, học cách. Bà chủ sạp tôm, cá mắng tôi: "Cái con này! Còn không xách đồ cho cô Ba. Chán  Sàigòn rồi hả mảy""  Tôi chỉ còn độn thổ… Chị Ba sợ xanh mặt kỳ đó. Nhưng tôi tin lời nhận xét vô tư của bà hàng tôm, hàng cá. Tôi không màng gì đến son phấn, nữa.

Rồi hôm đám cưới người chị em bạn dì cũng tới. Ngoài nhà, đàng trai đã đến đón dâu. Trong phòng, dì Ut vẫn không làm gì được cho gương mặt tôi khá hơn. Mẹ tôi vào la lối om xòm… Lần đầu tiên tôi thấy dì dám cự mẹ tôi: "Tôi không hiểu một người xinh đẹp như chị…" Dì biết lỡ lời nên im bặt. Nhưng lòng dì ấm ức tuôn ra: "Con này nó giống ổng như đúc…"

Sau đám cưới người chị em bạn dì, cảm ơn mọi người không bàn đến tôi. Tôi bỗng nhớ có nhân vật "chị Doãn" trong truyện Khái Hưng, Nhất Linh gì đo: "Doãn là người đàn bà có gương mặt của một người đàn ông không đẹp trai…" Tôi lén lấy hình cha tôi đem vô phòng để kế tấm gương soi. Tôi thật là sao y bản chính. Nhưng có lẽ tôi nhìn cha tôi bằng trái tim nên thấy ông cũng như bao nhiêu người đàn ông khác. Dì tôi lậm tư tưởng Mỹ rồi nên thấy ông thấp, đen, mũi tẹt, trán dồ, mắt hí… Dì không thấy ở ông tính tình hiền hậu, thương người, nhất là... thương tôi.

Cha tôi thường nói  "Gái giống cha giàu ba họ". Tôi suy ra thằng em trai duy nhất của tôi: cao ráo, mắt to, mũi cao, da trắng… giống mẹ tôi như đúc. "Nó sẽ khó ba đời" cho mà coi. Nói vậy chứ. Tôi cũng thèm một chút chiều cao hơi dư của nó, cho đỡ tủi thân mình.

Chuyện giàu nghèo còn chưa ứng nghiệm, đã thấy thằng em bồ bịch lăng nhăng. Tự nó cho phép nó thế với lý do hăm bảy tuổi rồi. Tôi thầm lặng… ba mươi. Tôi sợ nó lăng nhăng - hậu qủa khó lường nên xúi nó lấy vợ. Thì ra nó chỉ chờ có thế. "Chị hai tự bật đèn xanh à nha. Em xin không nể mặt nữa…" Nó đưa về nhà một loạt người mẫu đến chóng mặt. Không biết nó chìu mẹ với chị hay phần phước gia đình. Cả nhà chọn đúng người nó chọn. Tôi và mẹ vô cùng hoan hỉ đón dâu.

Tôi thương em dâu nên trở mặt với em trai, chính mẹ tôi nói vậy. Nhưng nương tay thì nó lại ăn chơi, còn bẻo lẻo. "Kiểu này, vợ chồng em có con, chị Hai có cháu. Em tiêu tùng là cái chắc. Nghĩa lý gì em trai nữa chứ"" Nó là người giỏi tâm lý, biết lấy lòng ba người đàn bà trong nhà. Mỗi người, nó đều có cách riêng tùy theo cá tính đối tượng. Chung cuộc thì ba người nữ đều thích được nịnh như nhau trong một gia đình sống khép kín sau đợt đánh tư sản ở Sàigòn. Bởi trước '75, cha tôi vốn là một người buôn bán lớn. Có thể gọi là thương gia vì ông cũng thường đi Đài Loan hay Thái Lan, Tân Gia Ba… để ký kết những hợp đồng mua bán nông sản mà chủ yếu là gạo.

Cuộc đổi đời đã lột sạch sẽ những gì ông kiến tạo suốt nửa đời người. Mẹ tôi thấy cha sống trong u uẩn, thất chí… sợ cha làm liều điều gì đó! Có thể mất mạng nên mẹ dốc của chìm còn dấu được bên nhà ngoại vào việc đưa gia đình đi bán chính thức, sang đây.

Vậy là từ ngày đại gia đình sang Mỹ, ba người thích được nịnh đi làm để nó có tiền đi ăn chơi, suốt. Mãi đến ngày cha tôi gìa yếu, đau bệnh rồi không lâu sau… Nó mới tu tỉnh làm ăn từ đó. Cô em dâu của tôi ngày xưa khờ dại không thua gì chị Hai, nhưng qua đây lại giỏi hơn người. Nó làm ăn, buôn bán đến phát đạt.

Lúc xưa, cả nhà buồn trong im lặng vì không thấy chúng nó có con. Sang đây hạp đất, hạp nước… Nó sinh cho gia đình tôi một lúc đến hai đứa cháu. Không gì mừng hơn được nữa. Nhìn hai đứa bé (một gái một trai) nằm trong Bệnh viện, tôi mất ăn, mất ngủ cả tuần lễ để cầu nguyện cho chúng được mạnh giỏi.

Ngày mẹ con nó được về nhà, tôi nói với thằng em trai: "Mày đã xài tới hết tiền chị Hai đi làm được trong bao năm nay. Bây gìơ đến lúc phải nuôi lại chị Hai để chị Hai ở nhà trông coi tụi nhỏ". Tôi thật lòng không thể giao cháu tôi cho ai. Ngay mẹ tôi. Tôi cũng sợ gìa, không cẩn thận. Em trai tôi mừng húm. Ôm vợ, ôm chị Hai cảm ơn rối rít. Từ đó, nó trả lương tôi hậu hĩnh. Nó đâu biết vợ nó làm được bao nhiêu tiền cũng bỏ hết vô trương mục của chị Hai, còn nói: "Chị Hai giữ hết tiền giùm em, làm sao biết được chuyện đẹp trai, hào hoa… của đàn ông"!"

Chẳng mấy chốc, hai đứa cháu chập chững đi, bập bẹ nói. Thỏ thẻ kêu cha, gọi mẹ, gọi bà… Em tôi lượm đâu về từ ngữ lạ. Nó dạy hai đứa nhỏ gọi tôi là Má Hai. Làm sao tả nổi sự vui sướng trong tôi. Tôi ưa mua vé dạ vũ cho vợ chồng nó đi nhảy đầm. Cái thằng em tôi ngổ lắm. Làm tiền chị Hai để dẫn vợ đi ngủ hotel, có ai thế chứ" Nhưng tôi cho luôn để vợ chồng nó đừng mò về nhà giấc nửa đêm, phá giấc ngủ của cháu tôi. Những đêm đông lạnh lùng ở Mỹ. Tôi moi óc, bới trí nhớ… những chuyện cổ tích thật hay, lại thêm thắt bướm, hoa… bớt đi những phần rùng rợn. Tôi đổi lấy tiếng cười khanh khách của hai đứa bé.

Tụi nhỏ lớn lên từng ngày, tôi cũng gìa theo năm tháng. Mẹ tôi lụ khụ mất rồi. Mẹ ngã bệnh không lâu đã bỏ con cháu ra đi. Tôi chơi vơi với sự hụt hẫng không gì bù đắp nổi. Trời lại giáng thêm một cú sốc kinh hồn. Hai đứa cháu dắt nhau đi Đại học một lúc. Tôi trơ trọi trong căn nhà đầy ắp kỷ niệm.

Từng người thân đem hết tình cảm của tôi đi. Em trai và em dâu tôi đang thành đạt nhất trong chuyện làm ăn, chúng cũng cần trang trải cho con cái những khoản tiền lớn để ăn học, tôi làm sao trách chúng được. Tôi xin đi làm lại cho hết thời gian trống - ngồi nhà ưa nhớ người thân rồi lại tủi. Nhưng đi làm thì tối cũng phải về nhà, tôi không chịu nổi những nhắc nhớ trong căn nhà này nữa. Tôi mua lại căn nhà nhỏ có hoa lá cành của vợ chồng người bạn. Họ dọn về miền Bắc Mỹ, sống với con cái đã lập nghiệp trên ấy.

Tôi đi về với căn nhà nhỏ, vui với bông hoa và mấy luống rau thơm cho qua những buổi chiều của ngày tháng. Buổi chiều của cuộc đời. Trước nhà tôi là ông Mỹ trắng, cũng một mình với cái xe cũ xì. Những bộ quần áo cũ nhưng thẳng thớm. Tôi đoán ông này là công chức chính phủ hay thầy giáo, là cùng. Tôi thích ông ấy siêng cắt cỏ, trồng hoa… nhìn nhà ông ta như có bàn tay người nữ  đảm đang nào vậy" Căn nhà ấm áp, xinh xắn. Nhưng mới hai mùa, từ ngày tôi về đây. Năm nay ông lười hay đã già" Không cắt cỏ một lần như trước. Ông cắt chiều thứ bảy một nửa, sáng chủ nhật cắt tiếp. Chắc sang năm, ông phải mướn người cắt rồi.

Tình láng giềng chỉ là chào hỏi, rồi mạnh ai nấy về khép cửa. Khép lại buổi chiều cuộc đời trong cô đơn thầm lặng. Người em trai tôi có đôi lần nói chuyện với ông ta về thời tiết và cỏ dại. Nhờ vậy tôi mới biết ông tên Darrell. Thật khó nghe cái giọng country của ông, đã lầu bầu trong họng những câu tối nghĩa, có thoát ra được cửa miệng thì lại bị bộ râu xồm xoàm cản lại cho thêm kiệm lời. Đao - thao mà ông cứ nói thành Đeo - theo… (downtown). Đứa cháu trai của tôi, nó nhặt đâu về bộ râu gỉa của ông gìa Noel. Những hôm vui, nó dán râu vào mặt rồi nhái giọng ông Darrell thì đến Phật cũng phải cười. Nó thích ông ấy lắm, nên lần nào đến thăm má Hai, nó cũng qua chơi với ông.

Lần sinh nhật tôi, nó đưa qua biếu ông miếng bánh sinh nhật. Trở về nhà, nó cười hô hố như cha nó ngày xưa mà kháo với toàn gia: "Ông Darrell đang vẽ hình má Hai ngồi đan áo bên song cửa. Ông ấy thấy con qua nên úp vội bức tranh dở dang xuống mặt bàn." Cả gia đình em tôi bàn tán xôn xao… Đứa cháu gái lém lỉnh của tôi, nó gói giăm cái chả giò làm cớ đi thám thính bức tranh. Nó trở về - phủ nhận tin tức của em nó. Nhưng nó trầm tư lắm.

Đêm đó tôi không ngủ và nhiều đêm sau nữa. Một đêm buồn, tôi lục lại mớ son phấn ngày xưa. Tất cả đã khô khốc như thời gian. Nhớ dì Ut khen tôi vẽ mắt khéo. Bây gìơ tháo kính ra thì không thấy đường để vẽ, đeo kính vào thì làm sao vẽ" Tâm tư tôi tràn đầy những ký ức xa xưa. Hình như chưa có người đàn ông nào tán tỉnh tôi suốt nửa thế kỷ qua. Toàn những người vô tư trên nỗi buồn cũ rích. Từ những người bạn nhỏ ngày xưa đến những người bạn gìa trong hãng bây gìơ. Họ mổ xẻ nhiều hơn chia sẻ. Tôi cứ chập chờn với bản nhạc: "… đêm qua chưa mà trời sao vội sáng…" Bản nhạc mà tôi không còn nhớ vì sao tôi thích!

Sau lần sinh nhật tôi năm ấy, hình như sáng nào ông Darrell cũng chờ tôi ngoài ngõ. Lúc này ông đóng bộ sớm lắm. Quần áo mới, màu sắc cũng tươi hơn. Râu ria bớt xồm xoàm. Lúc này ông siêng cắt râu hơn… cắt cỏ, nên nhìn ông trẻ ra. Đặc biệt là phong cách yêu đời của người đàn ông từng trải. Ông làm tôi cũng xốn xang trong lòng. Tôi cũng quần này, áo nọ… cho xứng với câu chào buổi sáng của người ta.

Rồi nhiều buổi sáng y chang cho đến một sáng có trục trặc. Xe tôi đề không nổ máy. Ông đưa tôi đi làm, chiều đón tôi về. Ông đi mua bình điện về thay cho xe tôi. Đương nhiên là tôi lo bữa ăn chiều cho hai người. Cơm nước xong xuôi, tôi rửa chén. Ông lau bàn, kê ghế ngay ngắn lại. Tự nhiên như người… Mỹ. Ông hỏi tôi uống gì" Ông tự tay làm hai ly nước bưng ra sân, kê ghế ngồi để ngắm chiều thu của đất trời mà hai người ngồi ngắm đã như hai chiếc lá thâm kim.

Trái tim thổn thức của tôi đã đi vào mùa thu se lạnh. Ong khoác cho tôi cáo áo jacket đặc quánh mùi đàn ông để trò chuyện đến tối. Đêm ấy, đèn nhà ông thắp sáng đến khuya lơ. Tôi bên này tự hỏi: "Bức tranh đã xong chưa""

Từ đó, đêm nào cũng vậy. Đèn nhà ông tắt thì tôi bên đây mới ngủ được. "Đến đâu rồi vậy nhỉ"!" Chỉ thấy mùa lạnh đổ về, lễ lộc liên miên. Tôi ru rú trong nhà nên buổi chiều thật dài dù mùa đông trời tối sớm, những bông tuyết đã bắt đầu lả chả rơi rơi cho trời đất thêm buồn. Năm nào tôi cũng đan bốn cái áo len cho gia đình người em tôi. Đó là qùa Giáng sinh của má Hai, năm nay tôi đan thêm một cái. Chỉ có lòng tôi biết - cho ai.

Giáng sinh năm nay, hai đứa cháu không về vì bận rộn việc học. Chưa bao gìơ chúng đối xử với tôi như thế. Ngày Chúa sinh ra đời năm nào nhà tôi cũng đầy ắp tiếng cười, không khí ấm áp người thân thường lưu lại đến sang năm là món qùa vô gía của em, cháu tặng tôi. Đứa cháu gái đã hẹn: "Giáng sinh về ở với má Hai một tuần". Nó quên rồi sao" Tôi khóc thiệt tình, mùi mẫn… coi như không bao gìơ có Giáng sinh nữa. Tôi ước gì đêm nay tôi ngủ giấc cuối cùng, khi người thân đã không còn nghĩ gì đến tôi nữa. Cảm giác bị bỏ quên thật thà gậm nhấm tim tôi.

Chuông nhà tôi bính boong… Tôi nghĩ vợ chồng người em tôi mò đến -làm chi nữa. Tôi giận chúng lúc này mê làm giàu, bỏ chị Hai vào quên lãng thì bỏ luôn đi. Còn thương hại tôi làm gì nữa chứ" Tôi không mở cửa. Nằm nghe nỗi nhớ cha, nhớ mẹ. Hơi đâu tôi nhớ đám bạc bẽo này. Chuông lại đổ bính boong… bính boong… Không lẽ. Không lẽ ông Darrell có lòng vậy sao" Tôi nhìn qua khe cửa. Chúa tặng tôi tình người trong đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời…

- Chúc bà Giáng sinh vui vẻ. Năm nay tôi có món qùa tặng bà, đây.

- …Ông vào nhà đã. Xin lỗi. Tôi để ông chờ lâu ngoài trời, lạnh.

- Không sao. Không sao… được bà mở cửa, tôi hết lạnh rồi.

- Ông không đi đâu, tối nay sao"

- Tôi đã đi… và đã đến. Xin tặng bà món qùa Giáng sinh, tôi tự làm từ khi bà đến đây. Tôi đã làm xong để mong bà ở lại. Tôi nói trước là tôi chưa từng học qua hội họa. Bức tranh tôi vẽ về tấm lòng tôi thôi. Xin bà nhận.

Ông Darrell kéo dây kéo áo lạnh, như ông lấy từ trong tim ông ra món qùa, để tặng cho tôi. Bức trang bằng quyển vở học trò, là chân dung tôi đó. Người sơn nữ ngồi bên cửa sổ hay đằng sau những chấn song lờ mờ trong bức tranh là một tội nhân của nhan sắc hẹp hòi. Tay người sơn nữ cầm que đan, kết nên những nỗi buồn… số phận. Ngoài hiên có mưa rơi mà cứ tưởng mưa sa, bão táp dưới nét cọ không chuyên của ông Darrell. Lá cành xiểng niểng tới tang thương.

Vậy đó. Vậy thôi. Vậy mà… tôi ứa nước mắt. Miệng lưỡi cứng đơ như người trúng gió. Tôi cảm ơn ông bằng cái ôm bản năng của người phụ nữ được quan tâm, nhất là lần đầu được người khác phái… không ái ngại về chủ đề tác phẩm. Tôi thề với lòng không bao gìơ tôi buông ông ra nữa. Vậy mà ông ấy gỡ tôi ra. Đôi mắt xanh lè đã từng làm tôi sợ, nhờ ươn ướt… nó hiền dịu hơn. Cái country void của ông ấy nói câu: "I love you"  nghe là rõ nhất. Êm ái. Cái đầu mới nhuộm hồi chiều còn sặc mùi hóa chất của tôi tự động ngả vào ngực ông Darrell không biết bao lâu. Xin cho thời gian đứng yên lắng đọng.

  Ông nói với tôi:

- Tôi có bữa tiệc Giáng sinh lớn nhất từ trườc tới nay chưa bao gìơ có trong căn nhà, của tôi. Xin được mời bà"

- Tôi… rất hân hạnh. Nhưng ông cũng nhận món qùa tôi làm cho ông đã… phải không"  Chúc mừng Giáng sinh.

Mắt ông sáng lên. Nụ cười trẻ nhỏ khanh khách với cái áo len "số 5" của tôi. Ông cởi luôn áo jacket, tròng vào người chiếc áo tôi đan  như trẻ nhỏ được kẹo - phải ăn ngay.

Tôi đã bị lừa.

Vợ chồng em tôi, hai đứa cháu với bàn tiệc Giáng sinh chưa từng có. Họ chờ tôi trong nhà ông Darrell, trong đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời… Tất cả là tác phẩm của đứa cháu gái lém lỉnh ngày nào. Nó toa rập với người ta từ khi nó thấy bức tranh còn dang dở.

Đêm Giáng sinh lung linh, hạnh phúc nhất đời tôi đã kết thúc bằng chiếc nhẫn cầu hôn của ông Darrell. Trước mắt bốn người thân yêu nhất đời tôi, ông là người thứ năm trong trái tim muộn phiền.

Năm mươi hai tuổi. Tôi chính thức thành hôn. Sau ba mùa cỏ, quen rồi yêu người, tôi thành người quét cỏ nhà ông hàng xóm.

*

Tôi là người viết lại “Chuyện tình tự kể “ của chị "má Hai". Mấy mươi năm cuộc đời, tôi không thích hôn nhân dị chủng. Mười mấy năm sống ở Mỹ. Tôi nhìn chồng Việt - vợ Mỹ. Thấy thương cho bà Nội, bà Ngoại những đứa trẻ hai giòng máu . Nhìn chồng Mỹ - vợ Việt. Tôi thấy tiếc… người phụ nữ Việt Nam. Có lẽ do sự kính trọng trong tiềm thức sâu xa nào đó" Người phụ nữ quê tôi - vô giá. Người ngoại quốc làm sao hiểu được gía trị của người phụ nữ Việt Nam"

  Hôm qua đến chơi nhà ông Darrell, Mỹ mời Việt Nam ăn phở. Tôi không đến sao được" Đôi vợ chồng gìa đãi tôi ăn xong còn đãi chuyện. Ngồi nghe chuyện tình của hai người cộng lại hơn trăm tuổi trong không gian hăng hăng mùi cỏ khô thu tàn. Đêm về tôi viết lại một chuyện tình hay viết về sự thay đổi tư duy trong tôi về vấn đề hôn nhân dị chủng" Có những lý lẽ rất có lý. Nhưng chúng ta không chấp nhận chỉ vì định kiến có sẵn. Nếu chịu khó ngồi nghe thì sự cảm thông là có thật  trong tình người đang hụt hẫng giữa bể đời bao la -  Chẳng biết nơi đâu là chốn quê nhà. Chẳng biết nơi đâu là bến bờ của lòng tham, đố kỵ, phân biệt…

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,398,776
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến