Hôm nay,  

Viết Gửi Theo Ba Tôi

16/12/200600:00:00(Xem: 196533)

VIẾT GỬI THEO BA TÔI

Người viết: Trần Thiên Thịnh

Bài số 1153-1762-474-vb6151206

*

Tác giả Trần Thiên Thịnh vượt biển đến được trại Pulau Bidong, Mã Lai. Sau 7 năm vất vưởng, ông bị cưỡng bách hồi hương. Thêm 3 năm tuyệt vọng ở Việt Nam, ông được tái phỏng vấn và tới Mỹ khi đã 30 tuổi. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông kể lại ước mơ của người cha thân yêu...

*

Lúc còn sống ở đời, Ba tôi ước mơ một lần được đặt chân đến đất Mỹ. Ước mơ của Ba tôi thực ra có thể thực hiện được nếu như người không ra đi sớm như vậy.  Số là lúc tôi hội đủ điều kiện để bảo lãnh cho gia đình đoàn tụ theo diện ODP (Orderly Departure Program) thì Ba tôi phát bệnh ung thư phổi và căn bệnh quái ác ấy đã cướp đi giấc mơ của ông.

Ông Trời đôi khi cũng không chiều lòng người. Đúng ra, gia đình tôi đã có thể ra đi từ những ngày cuối tháng tư năm bảy lăm.  Sau nhiều ngày lênh đênh trên chiếc xà lan từ Đà Nẵng, cả nhà đã lên được một trong những chiếc taù của Mỹ từ hải cảng Cam Ranh.  Tưởng rằng sẽ được chiếc tàu này đưa về Mỹ. Nhưng sau một ngày, một đêm hướng về đảo Guam, chiếc tàu này được lệnh quay trở lại Phú Quốc, bỏ lại những người Việt Nam nó đã đón rước từ Cam Ranh. Trong khi những chiếc khác trong đoàn thì cứ thế hướng về Guam.

Sau một thời gian lưu lại Phú Quốc, gia đình tôi không còn con đường nào khác hơn là phải trở về quê cũ. Tưởng đất nước đã không còn chiến tranh thì mình đã có thể trở về quê cũ để cày cấy làm ăn và sống một cuộc sống thanh bình. Nhưng Ba tôi và những người khác đã lầm, chúng tôi đã không có được cuộc sống bình thường mà ngược lại còn tồi tệ hơn. Nhà cửa tan tành vì đạn bom chiến tranh.  Ba tôi bị bắt tập trung cải tạo cùng với những người sĩ quan khác. Mặc dù Ba tôi chỉ là một hạ sĩ quan văn phòng trong chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Xin nói thêm rằng quê tôi ở Quảng Trị nên chính quyền Cộng sản thời bấy giờ chiếu cố rất tận tình đối với những người tham gia chính quyền cũ. Hơn nữa, những người tiếp nhận chính quyền Cộng sản sau năm 75 đều là những người trong làng xã trước đây đi tập kết trở về, nên họ biết rõ từng người một mà khỏi cần khai báo. Ba đi tù, mẹ tôi một mình ở nhà vừa lo cho đàn con sáu đứa vừa phải lặn lội thăm nuôi chồng ở những nơi mà trong đời bà chỉ một lần nghe cũng đã ớn tới xương.

Vậy cũng chưa đủ, sau khi Ba tôi từ trại cải tạo về, gia đình chúng tôi lại bị bắt đi vùng kinh tế mới Khe Sanh. Nơi đây, Ba Mẹ tôi đã bỏ lại người em thân yêu của chúng tôi khi em mới được mười ngày tuổi, vì không chịu nổi bệnh sốt rét mà không có phương tiện y tế điều trị nơi chốn rừng thiêng nước độc. Bà Nội tôi cũng bỏ mình lại đây vì bệnh sốt xuất huyết. Những mất mát đau thương đó cộng với những khó khăn bị kềm kẹp nơi vùng kinh tế mơí, Ba tôi đã nhìn thấy những thảm cảnh sẽ xảy ra cho gia đình và cho tương lai của anh chị em tôi nên quyết định trốn bỏ cuộc sống nơi này xuôi Nam, mong cầu có được một cuộc sống dễ thở hơn nơi quê hương Quảng Trị.

Cuộc trốn chạy quê cha đất tổ, nơi chôn nhau cắt rốn cũng không đơn giản chút nào. Tôi còn nhớ rất rõ, gia đình tôi đã phải chia ra làm nhiều đợt. Ba tôi và anh tôi đi đầu, kế đó là Mẹ và các em tôi. Đi sau hết là tôi và người chị đầu sau một thời gian tá túc tại nhà Bà Ngoại và mấy Cậu. Cuối cùng thì toàn bộ gia đình cũng được đoàn tụ nơi vùng đất mới Long Khánh. Cuộc sống mới nơi đây thực ra thì có phần dễ thở hơn ở Khe Sanh và Quảng Trị, nhưng cũng chỉ được một thời gian đầu.

Về sau, vì sự ganh ghét của người dân địa phương mà phần lớn là những Việt Kiều Campuchia và người Chàm, vì vậy cho nên cuộc sống của những gia đình mới đến đây không kém phần khốn đốn. Người lớn đi rừng canh phá đất đai làm mùa thì bị cướp đất vì cư dân địa phương cho rằng đất rừng này là của họ. Mùa màng lúa chín chúng tôi chưa kịp mừng thì họ đã chận cướp trước. Bọn nhóc con chúng tôi đi học thì bị chận đường cướp hết dép mũ và sách vở, nếu không giao nộp hoặc chống lại thì sẽ bị đánh hội đồng cho đến khi bầm người, ngất xỉu mới thôi. Nếu có khiếu kiện tới đâu đi nữa chính quyền địa phương cũng không giải quyết, vì chúng tôi không có hộ khẩu và đang sống bất hợp pháp. Hơn nữa, người của chính quyền cũng là những người dân địa phương nên chúng tôi chỉ biết câm nín chịu đựng cảnh bất công đó mà thôi.

Trước tình cảnh đó, nỗi sầu muộn và khắc khoải hằn sâu trên nét mặt của Ba tôi nhiều hơn. Có những đêm khuya thức giấc, tôi chợt thấy Ba tôi ngồi trong bóng tối một mình, lâu lâu lại buông tiếng thở dài, trầm ngâm suy nghĩ để quyết định vận mệnh cho cả gia đình và hơn ai hết tôi hiểu Ba tôi chỉ toan liệu cho tương lai của anh chị em chúng tôi. Rồi một hôm tôi nghe Ba Mẹ tôi bàn nhau rằng, mình phải đi thôi, ở lại đây tôi với mình thì không nói làm gì nhưng tội nghiệp cho các con, tụi nó không được học hành sau này làm sao mà sống cho nên người"

Kể từ đó trên chiếc xe đạp thồ, Ba tôi đi đi, về về Bình Tuy và Phan Thiết thường hơn. Có đôi khi Ba tôi đi xa hơn, tới cả Long Hải hoặc Vũng Tàu. Ở những nơi đó, gần cửa biển Ba tôi có những người bạn trong đơn vị trước đây. Họ cũng đang sống những cuộc đời vất vưởng và cũng đang tìm đường thoát khỏi Việt Nam. Thế là của cải trong nhà lần hồi ra đi theo những chuyến tổ chức vượt biên cho gia đình không thành. Không ít lần Ba tôi phải ngồi tù hết trại Hàm Tân đến Bàu Lâm. Cho đến khi những tài sản cuối cùng của gia đình tiêu tan theo những chuyến vượt biên bất thành, không còn đủ để cho cả gia đình đi chung. Ba tôi cũng không chịu từ bỏ quyết định đưa anh chị em tôi vượt biên. Thế là anh chị em tôi từng đứa một được chia ra đứa thì Rạch Giá, đứa Cà Mau, đứa khác Nha Trang. Nói chung, ở những nơi nào có đường dây, có thể đi được thì anh chị em tôi đều có mặt để được ra đi. Sau năm lần bảy lượt, hết bị lừa,  rồi bị bắt cuối cùng tôi cũng đã ra đi và đến được trại tị nạn Pulau Bidong, Mã Lai bình an như mơ ước của Ba tôi.

Ngày đưa tôi lên xe đi,  khi Ba tôi tháo chiếc nhẫn vàng đang đeo ở tay đưa cho tôi và nói rằng: Đây là những gì còn lại trong ngày cưới của Ba Mẹ, con cầm lấy để khi ra được tàu lớn "chung" cho người ta như Ba đã hứa với họ. Ba tôi cũng cởi luôn chiếc áo khoác đang mặc đưa cho tôi và bảo rằng: con mang theo keỏ đi biển lạnh lắm.

Lúc xe bắt đầu lăn bánh tôi chỉ kịp nhìn thấy bóng dáng xiêu vẹo của Ba tôi bước đi trong màn mưa. Tôi chợt thấy mằn mặn trên môi và biết mình đang khóc.

Chiếc áo ấy, tôi đã ôm ấp hằng đêm trong suốt bảy năm ở các trại tị nạn như ấp ôm ước mơ một đời của Ba tôi. Nhưng cuối cùng tôi cũng không giữ được nó cùng mơ ước của Ba tôi. Chiếc áo ấy đã bị thiêu đốt trong những cuộc biểu tình đốt trại chống cưỡng bức hồi hương. Và tôi, cuối cùng cũng bị cưỡng bức trở về Việt Nam.

Sau khi nhận được tin tôi đến trại tị nạn bằng an. Khỏi phải nói là Ba tôi vui mừng đến độ nào. Ba tôi liền viết thư cho tôi báo rằng Ba tôi đã thư cho Bác của tôi ở Mỹ để nhờ làm hồ sơ bảo lãnh cho tôi vào Mỹ. Xin nói thêm rằng, tôi có ông Bác họ, may mắn di tản qua Mỹ năm 75. Trong những thư ông gửi về cho thân nhân còn kẹt lại Việt Nam, không thư nào mà ông không đề cập đến sự thành công của gia đình ông. Nào là thằng Hải học rất giỏi, đã tốt nghiệp thạc sĩ và đi làm ở Tây Đức, thằng Hòa đang học đại học.. .những điều đó đối với anh chị em tôi là những gì cao vợi, xa xăm. Những ước mơ không biết đến khi nào mình mới có thể có được, dù chỉ là trong giấc mơ. Nhưng trong suốt thời gian bảy năm tôi ở trại tị nạn cùng với biết bao thư từ nhờ vả của Ba tôi, tôi chỉ nhận được một lá thư duy nhất của Bác và một tấm ngân phiếu hai mươi đô la cùng với lời nhắn nhủ được lặp đi lặp lại rằng con phải viết thư về cho Ba con ở Việt Nam biết Bác đã gửi tiền cho con.

Nỗi mừng vui tôi đến được bến bờ tự do, Ba tôi vui chưa được trọn vẹn thì nỗi đau và lo lắng cho tôi lại đến theo tin tức loan tải trên các đài tiếng nói Hoa Kỳ và BBC. Tất cả những thuyền nhân Việt Nam đến các trại tị nạn Đông Nam Á sau ngày 14 tháng 3 năm 1989 đều phải trải qua thanh lọc để phân biệt tị nạn chính trị và kinh tế. Tỷ lệ đạt được tị nạn chính trị rất thấp. Những người bị liệt vào tị nạn kinh tế nếu không tự nguyện hồi hương thì sẽ bị cưỡng bức.

Chao ôi! Làm sao mà định nghĩa cho được như thế nào là tị nạn chính trị và như thế nào là kinh tế" Chỉ biết sống chịu đựng không nổi dưới chế độ Cộng sản hà khắc thì liều mình bỏ nước ra đi thế thôi.

Sau 7 năm dài chịu đựng trong các trại tị nạn, cùng với nỗi lo âu khắc khoải ngày đêm của Ba tôi ở quê nhà, tôi cũng không tránh khỏi cảnh bị cưỡng bức hồi hương cùng với hơn ba ngàn đồng bào khác ở riêng trại Sungei Besi Mã Lai, và nhiều đồng bào khác nữa trong khắp các trại tị nạn Đông Nam Á.

Ngày đón tôi ra khỏi trại Thủ Đức, Ba Mẹ tôi đã khóc thật nhiều. Đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng tôi nhìn thấy những giọt nước mắt của Ba  cho đến ngày Ba tôi vĩnh viễn ra đi. Những giọt nước mắt khóc cho niềm vui gia đình trùng phùng, con cái còn được gặp lai Ba Mẹ và tôi còn gặp lại được anh chị em, không phải vùi thây trên biển cả làm mồi cho cá. Cũng chưa đến nỗi phải bỏ lại nắm xương tàn trên những khu nghĩa trang G, F đảo Bidong Mã Lai. Những giọt nước mắt khóc thương cho ước mơ một đời của Ba tôi vì tương lai và hạnh phúc cuả con cái nhưng nay đã tan theo bọt nước. Nhưng biết làm sao hơn khi số trời đã định như thế.

Tôi biết Ba tôi buồn lắm, dẫu rằng Ba tôi luôn an ủi bảo tôi mỗi khi thấy tôi buồn chán "thôi thì con cố gắng để làm lại từ đầu vậy, bạn bè con mấy đứa ở lại lâu nay cũng đâu làm được gì nên trò trống". Biết là thế nhưng tôi vui sao được khi Ba tôi vẫn canh cánh trong lòng một ước mơ không trọn vẹn. Và, mỗi khi đi đâu, gặp ai người ta cũng gán cho mình một cái nhãn hiệu "Việt Kiều Hồi Hương".  Vì thế cho nên tôi chỉ biết tìm quên tháng ngày trong men rượu cay và khói thuốc lá.

 Cuộc đời đôi khi cũng có những bất ngờ. Cho đến một hôm Ba tôi nghe tin tức trên đài tiếng nói Hoa Kỳ, đây là thói quen hằng đêm của Ba tôi, và cho tôi biết rằng chính phủ Hoa Kỳ đang xúc tiến phỏng vấn và tái định cư cho những thuyền nhân bị cưỡng bức trở về từ các trại tị nạn trong giai đoạn từ tháng 10 năm 1995 đến ngày 30 tháng 6 năm 1996. Thậm chí, Ba tôi đã thu băng để nghe lại bản tin này vì sợ rằng mình nghe nhầm chăng" Tôi bán tín bán nghi vì nghĩ rằng làm sao có chuyện tái định cư cho những người họ đã bỏ tiền ra làm tất cả, kể cả dùng vũ lực, trói tay đẩy xuống tàu hồi hương"

Nhưng điều bất ngờ cuối cùng rồi cũng đến. Đi đâu cũng nghe người ta bàn tán chuyện tái định cư cho những thuyền nhân. Cuối cùng, tôi cũng nhận được giấy hẹn gọi phỏng vấn. Và, dịp may đã mỉm cười với riêng bản thân tôi và gia đình trong dịp này. Sau gần mười năm trời lận đận lao đao, tôi cũng được bước chân lên máy bay để đến nơi mà suốt một đời Ba tôi luôn mơ ước tìm đến cho tương lai con cái.

Tiễn tôi ra phi trường, Ba tôi không dấu được vui mừng nghĩ rằng có trồng cây ắt sẽ có ngày hái trái. Đi bên tôi Ba tôi luôn luôn dặn rằng qua bên đó con lo cố gắng học hành nên người. Nhà cũng không đến nỗi nên con cũng không nên lo lắng nhiều. Tôi hiểu Ba tôi không như những gia đình khác, nhưng cũng không khỏi khắc khoải khi Ba Mẹ và các em tôi đang tạm trú trong một cái chòi lá dựng nhờ đất người ta. Tôi tự nhủ vơí lòng mình rằng phải làm bằng tất cả những gì có thể để đem lại cho gia đình niềm hạnh phúc, dù rằng nhỏ nhoi.

Đặt chân đến đất Mỹ vơí tuổi đời ba mươi, sau 7 năm lao đao lận đận trong các trại tị nạn và gần ba năm vất vưởng tại Việt Nam. Với lòng quyết tâm không làm hổ thẹn ước mơ của Ba tôi, tôi bắt đầu đi xin việc làm sau một tuần đặt chân đến đất nước cơ hội này. Hẹn với lòng rằng mình sẽ làm tất cả những công việc gì lương thiện có thể kiếm tiền để giúp đỡ gia đình trong lúc này.

May mắn cho tôi được nhận vô làm ca đêm trong một hãng điện tử. Ban ngày tôi còn đi làm xây dựng như sửa nhà, lát gạch cho những người cần đến. Những ngày cuối tuần, những lúc rãnh rỗi không có việc làm tôi thường đến thư viện để tự học thêm Anh Văn. Chỉ sau một năm tôi đã có thể giúp cho Ba Mẹ tôi xây được căn nhà để có chổ "chui ra chui vô" như Ba tôi thường nói. Và cũng chỉ sau một năm, tôi đã trở lại trường học sau nhiều năm gián đoạn.

Cũng trong thời gian này, khi chính phủ Mỹ ít nhiều mở cửa cho những du khách từ Việt Nam có thể qua Mỹ thăm thân nhân có điều kiện, tôi cũng đã xúc tiến giấy tờ cho Ba Mẹ tôi đi du lịch để thấy được sự văn minh của một quốc gia hàng đầu thế giới. Mọi thủ tục được hoàn tất một cách nhanh chóng nhưng sau hai lần phỏng vấn tại lãnh sự quán Hoa Kỳ, Ba Mẹ tôi đều bị từ chối bởi lý do đơn giản là tôi chỉ mới được định cư trên đất Mỹ trong thời gian ngắn, chưa đủ ba năm và chưa có quốc tịch.

Thất vọng, nhưng Ba tôi vẫn tin tưởng sẽ có một ngày khi tôi đã nhập quốc tịch Mỹ, Ba tôi sẽ được đặt chân đến đất Mỹ. Vấn đề chỉ còn là thời gian mà thôi.

Nhưng, lại một chữ nhưng bất hạnh. Ngày tôi ra trường và nhận được giấy báo gọi phỏng vấn quốc tịch cũng là ngày tôi nhận được tin Ba tôi lâm bệnh ở Việt Nam. Căn bệnh ung thư phổi quái ác đã đưa Ba tôi về vơí ông bà tổ tiên sau năm mươi lăm ngày vật lộn với những cơn đau. Trong thời gian lâm bệnh, có đôi khi vật vã với những cơn đau tưởng như ngất lịm, dẫu biết rằng bệnh tình không thể nào cứu được nữa, nhưng Ba tôi vẫn luôn tin tưởng rằng một ngày naò đó, căn bệnh sẽ hết và Ba tôi sẽ có cơ hội đến được đất Mỹ như Ba tôi thường nói với tôi những khi tôi gọi điện thoại hỏi thăm bệnh tình. "Không sao đâu con, Ba sẽ khỏi bệnh sớm để đi Mỹ với con chớ".

Hôm nay, ngồi viết lại những dòng chữ này, nhìn lên di ảnh Ba tôi trên bàn thờ. Trong lời nguyện cầu tôi thầm nói với Ba tôi rằng: Ba ơi! Ước mơ một đời của Ba con đã đạt được dẫu có chút muộn màng, nhưng Ba thì chưa. Âu cũng là sự an bài của Ơn Trên. Trong di ảnh trên bàn thờ, Ba tôi mỉm cười và như thầm nói với tôi rằng hôm nay Ba đang ở đây với con mà, ngay trên đất Mỹ.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,314,866
Tác giả là cư dân miền Bắc California, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại.
Anne Khánh Vân, sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, hiện sống và làm việc tại miền Đông Hoa Kỳ, từng nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2007 với tự truyện “Duyên Nợ Với Nước Mỹ.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C.
Kông Li là bút hiệu vui vẻ của Phạm Công Lý, tác giả đã dự Viết về nước Mỹ từ 2009. Ông cùng gia đình đến Mỹ từ 1994 theo diện HO, định cư tại Boston.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014, ông tên thật Trần Phương Ngôn, đã sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm
Tác giả đã nhận giải Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2014. Lớn lên tại VN khi cả nước đã thành xã hội chủ nghĩa
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa