Hôm nay,  

Hàng Xóm Của Tôi

17/04/200600:00:00(Xem: 170232)

Người viết: Huyền Thoại <"xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />

Bài số 987-1596-309-vb7150406

*

Huyền Thoại là bút hiệu khác của Thịnh Hương, một tác giả cư trú và làm việc tại San Jose, đã góp một số bài viết về nước Mỹ. Đợt bài mới lần này của bà, sau hồi ức về Tháng Tư 1975 tại Saigon, là chuyện về mấy ông hàng xóm Mỹ.

*

Trước đây, mẹ con tôi ở apartment, nên đồ nội thất đều mua ở Ikea để khỏi choán chỗ. Hôm dọn nhà, hai con tôi gọi mấy cơ quan từ thiện để tặng hết mọi thứ, chỉ đem theo áo quần, một ít chén đũa và đồ nấu bếp để xử dụng trong lúc chờ mua đồ mới.

Phải ba tuần lễ sau khi dọn đến nhà mới chúng tôi mới có giường ngủ và bàn ghế, tủ kệ. Thật đúng câu mà tôi vẫn thường nghe người ta nói, "một lần dọn nhà bằng ba đám cháy". Cái gì các con tôi cũng muốn bỏ, muốn cho, vì "những thứ đó không thích hợp với căn nhà"! Tôi để mặc cho hai con chọn lựa đồ đạc theo ý chúng, vì tôi đã được một vườn hồng đủ mầu sắc, chẳng màng gì đến những chi tiết rắc rối đó.

Một vườn hồng là một giấc mơ tôi ôm ấp từ ngày còn bên quê nhà. Chỉ tiếc là ngày nay chồng tôi không còn nữa để thủ thỉ hát cho tôi nghe câu "Em như một nụ hồng, cầu mong chẳng lạnh lùng. Em như một ngày mộng mà ta chẳng ngại ngùng..."

Hôm đầu tiên, ông hàng xóm bên tay trái chạy ra dòm chúng tôi lom lom. Đó là một ông già da trắng, khoảng 80 tuổi, dáng người tầm thước, đầu tóc bạc phơ. Thấy ông, tôi mỉm cười và lên tiếng "hello". Nhưng nụ cười của tôi bỗng rơi rụng vì chạm phải cái gương mặt lạnh như tiền của ông. Cầm tờ báo chạy sang, ông lừng lửng nói:

- Tôi hy vọng chúng ta sẽ thuận thảo với nhau!

Tôi hơi bỡ ngỡ với đòn đánh "preempty" (đòn phủ đầu) của ông, nhưng cũng vui vẻ trả lời:

- Tại sao không, thưa ông" Nếu ông tử tế với tôi, tất nhiên tôi phải tử tế lại với ông chứ, phải không ạ"

Ông ta vẫn hà tiện, không cười. Ông nhìn tôi chằm chằm rồi hỏi:

- Bà ở đâu đến"

- Tôi ở thành phố kế cận, cách đây khoảng 20 miles.

- Tôi muốn hỏi bà người nước nào kia! Tầu, hay là Phi"

- Ồ, tôi là người Việt <"xml:namespace prefix = st1 ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:smarttags" />Nam.

- Việt Nam" À, Việt Namvà cái ông Nixon! Tôi biết Việt Namở đâu và cái chiến tranh bẩn thỉu đó!

Rồi vẫn cái vẻ lạnh lùng, ông ta hỏi huỵch toẹt:

- Nhà bà có bao nhiêu người"

Tôi bực mình, nhưng cố giữ vẻ thản nhiên:

- Hiện nay là ba người. Ba mẹ con.

Vẫn thái độ kẻ cả đáng ghét, ông ta hỏi tiếp:

- Bà làm gì, con bà làm gì"

Tôi ném cho ông một cái nhìn khó chịu và đáp, với một chút kiêu hãnh cố ý:

- Tôi làm cho một văn phòng luật. Con tôi một đứa kỹ sư, một đứa dược sĩ. Ông hỏi hơi nhiều đó nha.

- Hừm...ba đầu lương...ba người lớn. Tiện đây, tôi cũng muốn cho bà hay, cái xóm này xưa nay vốn dĩ rất yên tĩnh. Hy vọng không có nhiều hàng xóm mới!

Tôi tìm cách đuổi khéo ông già kỳ thị:

- Xin lỗi ông, tôi phải đi vào nhà vì có nhiều việc phải làm lắm.

Hai ngày sau, anh bạn cùng sở đem xe pick up lại giúp tôi đổ rác. Anh là một người da đen. Ông hàng xóm già đang đứng trong sân nhà liền chạy sang, vời tôi ra ngoài rồi hỏi:

- Cái gã kia là ai" Nó sẽ ở đây với gia đình bà hả"

Tôi giận lắm, nhưng cố trả lời cho xong chuyện :

- Anh ta là luật sư ở văn phòng tôi làm. Anh ấy đến giúp tôi đổ rác.

Ông già gục gặc cái đầu bạc:

- Vậy thì tốt.

Nói xong, ông ta lững thững đi về. Anh luật sư nhìn theo, lắc đầu bảo tôi, "Here we go, Annie". Mấy ngày sau tôi được biết ông ta tên Jack, Jack Umger. Ông ở một mình trong căn nhà bốn phòng ngủ. Vợ ông chết cách đây 15 năm. Ông có tất cả sáu người con, bốn trai và hai gái. Ba người con trai có gia đình ở gần đâu đây. Họ thường ghé thăm ông vào mỗi buổi chiều và đem đồ ăn đến cho ông. Ông cũng làm chủ một căn fourplex cho mướn. Người con trai lớn của ông làm manager, lo việc sổ sách và thuế má cho ông. Ông chỉ thích ở một mình, không chịu ở cùng con cái, mà cũng chẳng muốn vào nhà retirement home. Ông còn khỏe và vẫn lái xe chạy lung tung đây đó.

Ngày thứ hai, tôi gặp ông hàng xóm bên tay phải. Ông này khoảng trên sáu mươi tuổi, dáng người cao lớn. Lúc tôi đứng trước sân, ông mang sang một chai rượu vang và một giỏ lan mầu vàng.

- Hello, chào bà, tên tôi là Allen. Tôi có chút quà để chào mừng hàng xóm mới!

Ông trao rượu và hoa cho tôi. Cảm động quá, tôi đỡ hai món quà từ tay ông và nói:

- Tôi tên Quỳnh Anh. Rất hân hạnh được biết ông.

- Ồ, bà tên Queen Ann hả" Cái tên hay quá.

Tôi vội vàng đánh vần tên tôi và giải thích:

- Đó là tên Việt nam của tôi! Nhưng ông có thể gọi tên Mỹ của tôi là Anne.

- Ồ, bà người Việt Nam hả" Tôi đã từng đi chiến đấu bên Việt Nam. Hồi đó tôi ở Đà Nẵng.

Tôi thường cảm động mỗi khi có người nhận là đã từng chiến đấu bên quê hương của mình, nên tôi tỏ vẻ thân thiện với Allen:

- Xin mừng ông sống còn. Mời ông vào nhà để tôi giới thiệu ông với các con của tôi.

Allen vui vẻ theo tôi vào nhà. Tôi nói với ông:

- Chúng tôi mới tới, chưa có đồ đạc, bàn ghế gì. Khi nào yên ổn, chúng tôi sẽ mời ông sang dùng trà.

Ông vội đáp:

- Ồ, không sao, không sao! Tôi biết mà! Mỗi lần dọn nhà là mỗi lần mất của, mất công!

Sau khi tôi giới thiệu ông với hai con tôi của tôi, Allen hỏi nhỏ:

- Ôi, hai con bà đẹp quá! Mà sao chúng nó vẫn còn ở nhà, chưa ở riêng"

Biết là con cái của người Mỹ thường hối hả ra ở riêng sau tuổi 18, chứ không quấn quít với gia đình như phần đông con cái của người Việt, nên tôi vội vàng giải thích cho ông biết:

- Người Á Châu chúng tôi có mối liên hệ gia đình chặt chẽ lắm. Hai con tôi chưa có gia đình riêng nên ở chung với tôi cho vui. Hơn nữa, đây cũng là cách để dành tiền. Khi nào chúng lập gia đình riêng, chúng sẽ có một số tiền down-payment kha khá.

Allen gật gù:

- Vậy cũng tốt! À, tôi xin bà tha lỗi, nhưng...chồng bà đâu"

Tôi bảo ông:

- Chồng tôi chết trong một chuyến vượt biên cách đây mười mấy năm. Tôi ở một mình nuôi hai người con từ dạo đó.

Ông ta ngạc nhiên một cách rất thành thật:

-Bà ở một mình chừng đó năm" Bà không yêu ai nữa sao"

Tôi không ngạc nhiên vì sự thẳng thắn của ông ta :

- Tôi chưa gặp đối tượng đó thôi! Tôi vẫn tìm, và hy vọng sẽ gặp!

Allen nhìn tôi với ánh mắt hơi...lạ:

- Bà ơi, tôi cũng góa vợ. Vợ tôi chết cách đây vài tháng vì bệnh ung thư ruột. Tôi gốc Ý, còn bả gốc Peru. Bọn tôi lấy nhau mấy chục năm mà không có con. Nay bả chết đi, tôi buồn lắm. Căn nhà bỗng trở nên quá rộng, quá lạnh lẽo!

Tôi an ủi :

- Tôi xin chia buồn với ông. Nhưng rồi ông sẽ kiếm được bạn mới thôi. Tôi biết sống một mình sẽ buồn lắm, nhất là với một người đàn ông.

Allen vẫn thắc mắc về việc tôi còn một mình nên hỏi:

- Bà không thấy cô đơn sao mà ở một mình lâu như vậy"

- Có chứ! Đôi lúc tôi cũng cảm thấy cô đơn lắm, nhưng may là tôi có hai đứa con làm nguồn an ủi.

Để "đuổi khéo" ông hàng xóm, tôi đổi giọng:

- Ông Allen ơi, tôi còn nhiều việc phải làm ngày hôm nay. Đồ đạc tôi còn để trong thùng, chưa đâu vào đâu hết. Khi nào xong xuôi, chúng tôi sẽ nói mời ông sang chơi.

Allen sốt sắng:

- Bà Anne ơi, nếu bà và cô cậu cần tôi giúp gì thì cứ cho tôi biết, đừng có ngại. Chúng ta là hàng xóm, và tôi mong được kết thân với gia đình bà. Đây là số điện thoại của tôi.

Ông ta hí hoáy ghi mấy con số vào một tờ giấy. Tôi cầm lấy, miệng cảm ơn rối rít. Những ngày kế tiếp, thỉnh thoảng Allen sang vườn giúp tôi chặt cây, tỉa cành và đào lỗ cho tôi trồng cây. Ông ta có vẻ mong tôi ghé mắt đến nỗi cô đơn của ông, và hy vọng tôi sẽ đem ông ra khỏi cảnh đời quạnh hiu. Nhưng, sáu tháng trôi qua, thấy tôi vẫn ngây thơ chẳng biết gì, ông bèn ra single bar và làm quen được một bà góa gốc người Spanish. Một ngày Chúa Nhật, ông đem bà ta về nhà. Người đàn bà khoảng trên 50 tuổi, dáng người tròn trĩnh, tóc đen nhánh làm nổi bật làn da trắng như trứng gà bóc. Thấy tôi đứng ngoài sân ông chạy sang bảo:

- Bà Anne, tôi mới quen Maria. Tôi có nên giới thiệu bà với bà ta hôm nay không"

Tôi đáp:

- Allen, tôi mừng ông có bạn mới. Bà ấy trông rất lịch sự. Khi nào ông và bà ấy thân thiết hơn thì ông giới thiệu chúng tôi với nhau cũng không muộn. Chúc ông vui nhé!

Allen vẫn chưa vội quay về và bỏ nhỏ:

- Tôi vẫn muốn quen một bà Việt Nam. Đàn bà Việt Nam đẹp và hiền nhất thế giới. Chắc bà chưa quên là tôi đã từng ở bên Việt Nam mà"

Tôi gật đầu cho qua chuyện:

- Tôi nhớ chứ! Nhưng mà chuyện nhân duyên khó nói lắm ông Allen ơi! Mình nợ ai thì phải trả cho người đó. Thôi, ông về đi kẻo Maria đang chờ ông kià!

Khoảng ba tháng sau, Maria dọn đến ở chung với Allen. Maria cho tôi hay là bà từ Tây Ban Nha sang thăm con gái có chồng người Mỹ và gặp Allen khi bà và hai người bạn đi uống rượu ngoài single bar. Maria hy vọng sẽ làm đám cưới với Allen để được ở lại luôn bên Mỹ. Tôi nghĩ thầm, hình như cả thế giới đều muốn đến sinh sống ở Mỹ! Từ lúc có Maria, Allen ít khi sang phụ tôi làm vườn. Ông còn bận đem nàng đi chơi cuối tuần ở nhiều nơi. Một hôm, Maria sang nhà tôi chơi vì Allen bận đi đánh golf với bạn. Tôi pha nước chanh mời nàng và ân cần hỏi thăm:

- Bà và Allen có vẻ hạnh phúc lắm. Ông ấy là người rất tử tế. Con trai tôi nói ổng đánh dương cầm hay lắm.

Maria ngập ngừng một lát, rồi tâm sự:

- Phải, Allen là người tốt. Nhưng...cái hạnh phúc...Bà Anne, nếu bà nói đến cái hạnh phúc phòng the, thì tôi ... không được mãn nguyện lắm.

Biết là người Âu Mỹ thường rất cởi mở chứ không dấu diếm hoặc mắc cở khi nói đến chuyện dục tình, nên tôi cũng rất tự nhiên:

- Allen chưa già lắm, chắc chỉ là vấn đề giai đoạn thôi! Tôi nghĩ bà và Allen có thể nhờ hiệp sĩ Viagra giúp vào một tay!

Maria thở dài:

- Nhưng Allen có vấn đề tim mạch, bác sĩ của ổng không khuyến khích mấy thứ đó lắm. Bởi vậy...

Maria bỏ dở câu nói sau cái lắc đầu.

Một đêm cách đó không lâu tôi đang ngủ thì giật mình thức giấc vì tiếng chuông điện thoại. Tôi hồi hộp, tim đập thình thịch trong ngực, chỉ sợ đây là điện thoại bên Việt Nam gọi sang báo chuyện không may. Vài năm nay mẹ tôi thường đau ốm và ra vô bệnh viện đã mấy lần. Các em tôi chỉ gọi điện thọai cho tôi khi nào có chuyện khẩn cấp. Sau khi tôi lên tiếng "hello", thì đầu bên kia có tiếng của Maria:

- Bà Anne, tôi vừa gọi "911" cho Allen đi nhà thương. Bà có muốn cùng tôi vào nhà thương không" Tôi bối rối lắm. Đi với tôi nhé"

Tôi vội vàng thay quần áo để đi cùng Maria. Từ lúc vào nhà thương cho đến lúc ra nhà xác, Allen không hồi tỉnh. Tôi không hỏi bác sĩ nguyên do cái chết của Allen, vì tôi không phải là người ruột thịt. Tôi cũng không hỏi Maria. Trong thâm tâm, tôi nghĩ Allen đã cãi lời bác sĩ để lạm dụng thuốc cãi lão hoàn đồng nên mới ra cớ sự.

Người hàng xóm thứ ba ở căn nhà đối diện với nhà tôi là một cặp vợ chồng da trắng trung niên, khoảng trên dưới 50 tuổi. Họ chưa bao giờ sang nói chuyện với tôi, chỉ giơ tay vẫy, nói "good morning" hoặc "hello" mỗi khi thấy tôi ngoài sân. Sáng nào hai vợ chồng cũng đi làm chung một xe. Người chồng tên Keith, người vợ tên Nancy. Sau này tôi được Keith cho biết anh làm cho một hãng chế tạo máy lạnh, còn Nancy làm ở một nhà bank gần đó. Họ có hai người con lớn đã có gia đình riêng.

Lần đầu tiên Keith sang nhà tôi là một buổi chiều mùa hè. Anh nói:

- Tôi nghe nói bà sửa nhà bếp lúc mới dọn tới đây. Hình như bà mướn người Á châu" Bà có hài lòng với việc làm của họ không"

Tôi sốt sắng vì có dịp giới thiệu việc làm cho đồng hương của mình:

- Ồ, tôi hài lòng lắm. Họ làm cẩn thận và có lẽ rẻ hơn những nơi khác nhiều. Họ là người Việt, nhưng nói rành tiếng Anh lắm.

Tôi cho Keith số điện thoại của ông nhà thầu. Mấy ngày sau, Keith sang cho tôi hay anh đã quyết định mướn ông nhà thầu mà tôi giới thiệu, vì cái estimate tiết kiệm được cho anh gần hai ngàn dollars, so với hai ba cái estimates của mấy nhà thầu anh đã gọi trước đó.

Một năm sau, khi gia đình tôi trở về sau một chuyến đi cuối tuần ở Little Sàigon, ông già Jack hối hả chạy sang báo tin:

- Bà Anne, vợ của thằng Keith mời phải vô nhà thương. Bệnh nặng lắm! Thằng Keith nói vợ nó bị ung thư máu. Bác sĩ nói bó tay rồi. Ngày mai sẽ đem bả về nhà.

Tôi nghe nói mà buồn. Nancy còn trẻ quá. Mỗi tuần hai vợ chồng đều đi nhà thờ và chạy xe đạp ngoài hồ. Trông họ khỏe mạnh và hạnh phúc biết bao. Vậy mà giờ này Nancy sắp phải đối diện với thần chết!

Hai ngày sau, khoảng 8 giờ tối, tôi thấy một xe hospice chở đến nhà Keith một cái giường bệnh viện và vài bình Oxy. Hôm sau, đi làm về, thấy Keith đứng trước nhà nên tôi chạy sang hỏi anh:

- Tôi có thể vào thăm Nancy được không"

Keith bảo:

- Cô ấy rất yếu, rất đau đớn, phải xử dụng morphine nên lúc nào cũng tơ lơ mơ. Bà có thể vào thăm, nhưng chắc gì cô ấy nói chuyện với bà được.

Tôi theo Keith vào nhà. Chiếc giường bệnh viện được kê ngay trong phòng khách dưới lầu. Nancy nằm đó, trông như một đứa bé. Mới có vài tuần mà nàng sút đi thấy rõ. Da nàng vốn đã trắng, nay càng thêm nhợt nhạt. Nancy đang ngủ, một giấc ngủ morphine. Nghe tiếng tôi thì thào với Keith, Nancy chợt mở mắt. Nhận ra tôi, nàng cố nở một nụ cười héo hắt. Tôi cầm tay Nancy và lên tiếng:

- Hi Nancy, tôi mong chị mau khỏi bịnh.

Nàng thều thào:

- Tôi sắp hết đau rồi. Mọi chuyện rồi sẽ qua mau, không còn bao lâu nữa. Cám ơn chị đã sang thăm. Xin Chúa chúc lành cho chị.

Nói xong, Nancy nhắm mắt ngủ tiếp. Tôi đưa mắt nhìn xung quanh. Căn phòng khách đầy mùi thuốc và lỉnh kỉnh chai lọ. Tôi thở dài, buồn bã. Trong góc phòng, một người đàn bà dáng người dong dỏng, trạc tuổi Nancy đang ngồi đọc sách. Bà ta gật đầu chào lúc bắt gặp tia nhìn của tôi. Tôi đứng dậy từ giã.

Ra ngoài, tôi hỏi Keith:

- Bà đó là người của hospice đến chăm sóc cho Nancy"

- Không phải. Cô ta là bạn của chúng tôi, ở một tiểu bang khác.

Ba ngày sau Nancy ra đi vĩnh viễn vào một buổi chiều. Khoảng 10 giờ đêm, xe nhà quàn đến chở nàng đi một cách lặng lẽ, kín đáo. Hàng xóm không ai hay biết. Tôi trông thấy, vì cửa sổ phòng ngủ của tôi nhìn thẳng sang nhà họ. Tôi hôm đó, tôi tình cờ mở cửa sổ để ngắm trăng và thấy người ta đến đem nàng đi. Sáng hôm sau, xe hospice đến mang chiếc giường bệnh viện và các bình oxy ra xe. Cái chết lặng lẽ của Nancy làm tôi nhớ những đám tang bên Việt Nam, hoàn toàn khác biệt, với hàng xóm láng giềng ra vào nườm nượp thăm viếng chia buồn và những tiếng khóc xé lòng của gia đình. Đám tang bên Mỹ yên lặng, gọn gàng nhưng tôi thấy lạnh lùng và xa cách làm sao!

Hàng xóm không ai được mời dự đám tang. Mọi chuyện diễn ra một cách lặng lẽ như không có gì xảy ra. Về sau, ông già Jack cho tôi hay họ đem thiêu Nancy theo ý muốn của nàng. Đám ma của nàng chỉ có Keith, hai người con, hai đứa cháu và một ít bà con, bạn bè thân thuộc.

Ba tuần lễ sau đám tang của vợ, Keith thường vắng nhà vào các ngày cuối tuần, và trở về rất muộn vào đêm chúa nhật. Tôi nghĩ Keith buồn và sợ sự trống vắng của căn nhà nên đến tìm vui bên con cháu.

Một hôm, tôi thấy anh chất lên xe pick-up một bộ bàn ghế cũ, vài tấm nệm và mấy cái tủ kệ, có lẽ đem đi cho.

Khoảng một tháng sau đó, một xe moving truck 18 bánh ngừng trước nhà Keith, và người ta đem vào nhà anh nào là giường nệm, bàn phấn, áo quần và các thứ lỉnh kỉnh khác. Sau đó, tôi thấy người đàn bà ngồi đọc sách hôm tôi sang thăm Nancy ra vào trong căn nhà đó. Ngoài bà ta, còn có một người con trai và một cô gái còn trong tuổi "teen". Về sau tôi biết đó là hai người con của bà. Mọi chuyện diễn ra cũng một cách bình thường, thản nhiên.

Một trưa hè, tôi đang ngồi trên chiếc ghế trước hiên nhà thì già Jack chạy sang. Ông ngồi kế bên tôi. Mấy lúc sau này ông không còn có thái độ dè chừng xét nét đối với gia đình tôi nữa, và thường trông chừng nhà dùm mỗi lúc mẹ con tôi đi vắng. Nhìn sang nhà Keith, ông ta nói:

- Này bà Anne, cái thằng Keith nó hơi vội vàng.

- Sao ạ" Vội vàng chuyện gì cơ"

- Thì chuyện nó đem bạn gái về sống trong nhà nó đó. Đáng lẽ nó nên chờ đến ngày đầy năm của Nancy.

Tôi cũng đồng ý với ông ta nên ậm ừ:

- Có lẽ cũng hơi vội thật. Nhưng mà anh ta có quyền sống theo ý mình. À, hình như cái bà này đã tới thăm lúc Nancy sắp mất. Tôi thấy bà ta một lần. Biết đâu bà Nancy chẳng đồng ý như thế rồi"

Ông già Jack nhìn tôi cỏ vẻ chế diễu:

- Tỉ dụ bà là Nancy, bà có đồng ý vậy chăng"

Tôi cười to, và nói đùa:

- Tôi sẽ gãi vào chân họ lúc họ yêu nhau!

Già Jack vỗ tay cười:

- Ô, hay, hay!

Sau đó ông lắc đầu và chép miệng:

- Nói thật với bà, tôi hết biết luôn! Hồi đó, mấy năm sau ngày vợ tôi chết tôi mới có bạn gái.

Tôi làm con toán cấp tốc và biết là lúc đó ông đã gần vào tuổi bảy mươi, nên hỏi ông:

- Sao ông không cưới vợ nữa"

Già Jack tâm sự:

- Bà Anne ơi, cái bà đó trẻ hơn tôi nhiều lắm. Tôi nghĩ bả chỉ thích tiền của tôi thôi. Vả lại, các con tôi cũng nói ra nói vào, nên tôi không lấy ai nữa. Phiền toái lắm! Nhức đầu lắm!

Vừa lúc đó, một chiếc SUV ngừng trước nhà và một chàng thanh niên da đen khoảng ba mươi tuổi thò đầu ra hỏi:

- Chào bà, chào ông. Tôi có ý định mua căn nhà đang treo bảng bán cách đây mấy căn. Bà có biết gì về căn nhà đó không" Tôi mới vào xem nhà, sao cái phòng tắm dưới lầu tối tăm thế"

Tôi trả lời:

- Nếu tối thì anh cho trổ thêm cửa sổ và bắt thêm đèn. Chuyện đó dễ mà. Tôi không nghe nói gì về căn nhà đó hết. Điều quan trọng là anh có thích nó hay không. Theo tôi, cái nhà đó đẹp đấy chứ! Tôi thích cái landscape trước nhà.

- Bà biết không, nhà cửa lúc này khó mua lắm. Họ đòi năm trăm rưởi, tôi trả năm trăm sáu rồi mà còn hai ba người nữa đang muốn mua tranh với tôi. Có lẽ tôi phải trả lên chút đỉnh, vì tôi rất thích khu vực này.

Trong lúc tôi nói chuyện với anh thanh niên da đen thì ông già Jack nhìn hắn lom lom, lối nhìn như ngày tôi mới dọn đến. Sau khi anh thanh niên đi khỏi, tôi quay lại hỏi ông:

- Ông có vẻ không thích anh chàng đó"

Jack thở dài, lắc đầu:

- Càng ngày càng có nhiều người lạ xâm nhập vào cái xóm này! Tôi muốn người ta nên cẩn thận xem mình đang bán nhà cho ai!

Tôi bực mình hỏi:

- Ông không muốn anh ta mua nhà ở đây vì anh ta da đen, phải không"

Jack tránh né:

- Không phải vậy đâu Bà Anne ơi! Tôi chỉ sợ chúng sẽ mở nhạc rap ầm ĩ lên, mà tôi thì tôi không chịu nổi thứ âm thanh quái quỉ đó!

Tôi chặc lưỡi phản đối:

- Đâu phải người da đen nào cũng nghe nhạc rap" Mà nếu họ ầm ỹ quá, thì ông nhờ cảnh sát can thiệp, có gì mà phải lo"

Jack lắc đầu, chép miệng:

- Thôi rồi cái khu xóm đẹp đẽ của tôi! (There goes my decent neighborhood!)

Tôi nổi sung, đập nhẹ vào vai ông ta:

- Nè, nhớ hôm tôi mới tới đây không" Ông cũng chạy qua sừng sộ với tôi. Vậy, bây giờ tôi hỏi ông, chúng tôi có sống khác gì ông, có làm điều gì đảo lộn cuộc sống của cái khu này chưa" Theo tôi, ông là một người kỳ thị mầu da quá khích. Tôi nghĩ ông nên thay đổi quan niệm đi. Đây là thế kỷ 21 rồi, ông Jack!

Jack ậm ừ, miễn cưỡng:

- Hừm... có quá nhiều thay đổi trong vài chục năm qua. Mà cũng may cho tôi là bà dọn đến nhà này, chứ nếu như cái thằng hồi nãy mà ở đây thì tôi không vui chút nào. Đến phải dọn đi chỗ khác mất thôi!

Tôi thở dài ngao ngán. Ông ta đã quá già, chẳng mong gì ông theo kịp tư duy mới!

Chàng thanh niên da đen rồi cũng mua được căn nhà và dọn đến cùng với một chàng da trắng. Mỗi buổi chiều, hai chàng dắt hai con chó đi bộ quanh xóm. Họ sống rất lặng lẽ, kín đáo, và già Jack không bao giờ nghe tiếng nhạc rap từ căn nhà đó như ông đã lo. Jack bảo tôi hai anh đó là một cặp, là domestic partners, và ca cẩm, "thiệt là tôi hết biết luôn". Jack biết rất nhiều chuyện trong khu xóm và thường hay kể cho tôi nghe. Ông có lẽ là một cư dân kỳ cựu nhất ở khu này.

Khi đã thân với Jack, gia đình tôi thường giao chìa khóa nhà cho ông mỗi lúc phải đi xa, phòng trường hợp rủi ro. Một hôm, chúng tôi đi chơi xa về, vừa ngừng xe trong driveway thì Jack vội vàng chạy sang. Ông nói một cách nghiêm trọng trong lúc chỉ vào một cái hộp giấy đặt trước thềm nhà tôi:

- Nè, chớ mó vào cái hộp kia! Hôm qua, tôi thấy nó nằm trước thềm nhà bà, nhưng không phải là gói của bưu điện! Gọi cảnh sát tới cho người ta xem nó là cái gì! Coi chừng bom hay Anthrax thì bỏ xừ!

Nói xong, ông giựt lấy cái cell phone trong tay con trai tôi và gọi cảnh sát.

Một lát sau, hai xe cảnh sát nhá đèn chạy đến. Một anh cảnh sát đeo mặt nạ và bao tay kín mít, cẩn thận xem xét rồi mở cái hộp ra. Bên trong là một tầm tranh vẽ do một người đem đến tặng cho con gái tôi trong lúc chúng tôi vắng nhà. Cái thiệp để ngoài hộp văng đâu mất nên mới xảy ra cớ sự. Bọn tôi rối rít xin lỗi mấy người cảnh sát.

Không lấy đó làm phiền, cảnh sát còn khen ông già Jack là người có tinh thần cảnh giác cao.

Khi cảnh sát đi rồi, già Jack lên mặt:

- Chẳng thà mất thì giờ còn hơn mất mạng! Mình trả lương cho cảnh sát, thì phải để họ làm việc và bảo vệ cho mình chớ!

HUYỀN THOẠI

Ý kiến bạn đọc
10/12/202112:16:06
Khách
cialis 20mg <a href="https://cialiswithdapoxetine.com/#">fastest delivery of cialis</a>
17/02/202113:58:54
Khách
tadalafil 75mg <a href=https://tadalisxs.com/#>buy tadalafil us</a> maximpeptide
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,302,745
Tác giả là cư dân miền Bắc California, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại.
Anne Khánh Vân, sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, hiện sống và làm việc tại miền Đông Hoa Kỳ, từng nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2007 với tự truyện “Duyên Nợ Với Nước Mỹ.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C.
Kông Li là bút hiệu vui vẻ của Phạm Công Lý, tác giả đã dự Viết về nước Mỹ từ 2009. Ông cùng gia đình đến Mỹ từ 1994 theo diện HO, định cư tại Boston.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014, ông tên thật Trần Phương Ngôn, đã sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm
Tác giả đã nhận giải Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2014. Lớn lên tại VN khi cả nước đã thành xã hội chủ nghĩa
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa