Hôm nay,  

Mẹ Tôi Té Ngã

14/05/200500:00:00(Xem: 142507)
Người viết: CẨM CHƯỚNG
Bài số 747-1326-93-vb6130505

Tác giả Cẩm Chướng là bút hiệu của một nữ chuyên gia, cư dân California. Bài Viết Về Nước Mỹ năm 2005 của bà đề cập tới mối nguy chung của tuổiï già là tất dễ bị té ngã gẫy xương, với những chi tiết và gợi ý rất quí cho việc chăm sóc cha mẹ già tại Mỹ. Bàiï đã được chọn đăng vào báo xuân Việt Báo Tết Ất Dậu, 2005, được trích đăng lại.

*
Mẹ tôi sinh năm Tuất, Nhâm Tuất lận, nên vào năm Giáp Thân này cụ đã 83. Hay 84 tuổi Ta.
Tôi nghi là... Tây không biết đếm. Những người ngoan đạo và chống phá thai thường lý luận là sự sống khởi sự từ trong bào thai. Tôi đồng ý với họ, nhưng nếu vậy, tuổi của mình phải sớm hơn ngày sinh chứ! Vì vậy, lối tính "tuổi Ta" nó hợp lý hợp tình hơn lối tính tuổi Tây!... Đã bảo là tôi họ Cẩm tên Chướng mà!
Trở lại chuyện bà mẹ thì từ đầu năm, cụ cứ hay nhắc là tôi gặp năm tuổi, làm gì cũng phải cẩn thận. Tôi nghe mà tủm tỉm cười. Các cụ vốn lo xa, chứ cha tôi cũng tuổi Thân, Canh Thân đấy, nghĩa là cũng đã tám mươi sáu... tuổi ta. Rốt cuộc thì mẹ tôi bị ngã trong khi hai người tuổi Thân trong nhà thì cứ phây phây ra đấy!
Hai cụ sống với nhau ở một nơi rất xa chợ búa Việt Nam. Mẹ tôi ưa dậy sớm; sau Lễ Tạ Ơn, cụ thức giấc như mọi khi và một mình bước ra ngoài, đi chợ Mỹ, hình như là chợ Ralphs thì phải. Và đi bộ. Từ nhà ra chợ là một dậm, hơn một cây số, vòng qua một mặt hồ nhân tạo. Cụ hay đi bộ cho khoẻ người. Trong khi cha tôi vẫn nằm nướng trên giường, như mọi ngày.
Khi người thức giấc thì trong nhà lại có tiếng động rất lạ. Một người Mỹ cao to, cỡ 50 tuổi, đang bồng mẹ tôi vào nhà.
Bà cụ nhất định đi chợ và đẩy chiếc xe nhỏ có giỏ hàng, cụ bước về nhà thì trượt chân ngoài vệ đường. Cụ ngã ngồi và sau đó không dậy được. Mấy người Mỹ đi qua thấy một bà già Á châu nằm vệ đường thì ngừng lại hỏi thăm. Cụ yêu cầu họ đưa mình về nhà. Một người đã nhanh nhẩu bồng cụ lên xe "van" của mình, hỏi đường xá và đưa cụ về nhà. Tới nơi, họ moi chìa khoá trong bóp của mẹ tôi để mở cửa và bế cụ vào nhà, khiến cha tôi giật mình.
Tôi được gọi lúc đó, ba chân bốn cẳng ra xe chạy tới. Nhà hai cụ ở rất xa, đến hơn ba chục dậm, nằm sâu trong núi. Đến nơi, tôi bấm ngay điện thoại 911 gọi xe cấp cứu....
Mẹ tôi đau đến không cục cựa được, tức là có thể bị gãy xương khi ngã.
- Vì sao Mẹ không gọi cấp cứu hoặc nhờ người ta đưa thẳng vào nhà thương mà lại về nhà"
- Thì, mẹ phải về còn lo cơm trưa cho cha...
Ba mươi năm sau, gia đình tôi vẫn giữ cái nếp sống kỳ lạ ấy.
Cha tôi lại dị ứng với điện thoại, không hề nhấc khi có reo, đó là phần vụ của mẹ tôi. Chỉ vì điện thoại cứ hay có quảng cáo lăng nhăng. Cho nên, cụ bà không dám tự động vào thẳng nhà thương mà phải về nhà, trước là lo cơm, sau là còn cho cụ ông biết rằng mình ngã. Chứ có nhờ người gọi điện thoại về nhà báo tin thì cũng bằng thừa.
Khi thấy mẹ tôi đau không cựa được, cha tôi quýnh, và như nhiều đấng đàn ông Việt Nam, khi quýnh là... cằn nhằn vợ.
- Bà cứ thế, đã bảo là đừng xăm xăm đi chợ một mình mà không nghe.
Nếu mẹ tôi không đi chợ, ai sẽ lo bữa ngọ đây"
*
Tôi yêu nước Mỹ ở nhiều cái, nhưng lần đầu tiên trực diện với một chuyện trong nhà mới thấy nước Mỹ này văn minh và đáng yêu chừng nào.
Chưa đầy năm phút sau khi tôi bấm 911 thì một xe cứu hỏa và một xe cứu thương đã đậu ngay trước nhà, dù địa chỉ rất khuất khúc hẻo lánh. Bảy người nhảy xuống xe, bốn người của Cứu hoả và ba người của Cứu thương. Họ đem xuống nào cáng trên bánh xe, nào đồ nghề lích kích, bình nọ thùng kia, và giây nhợ nhiều vô kể. Cùng xấp giấy.
Hỏi thăm xong, người ghi chép tên tuổi và lý lịch bệnh nhân, người bắt mạch, đo đếm, thật nhanh và thật nhịp nhàng trong khi liên tục nói điện thoại với tổng đài nào đó ở xa. Họ chuyên nghiệp, bình tĩnh và niềm nở.
Họ cần biết: tên, tuổi, tình trạng bệnh tật hay thuốc men đang có; thí dụ, có bị cao máu, tiểu đường, có bị dị ứng với loại dược phẩm nào không, hiện đang dùng thuốc gì, v.v....
Cụ bị ngã ra sao, tay có nắm được ngón tay họ không, mắt có tỏ tường không. Họ nắn từng khớp xương và hỏi han từng chi tiết, có thể là sợ khi ngã bị chấn thương tới não bộ mà không biết.
Tôi được một bài học -và đó là lý do của bài viết này- các cụ lớn tuổi nên luôn luôn có trong nhà -và trong ví- một số chi tiết về lý lịch và sức khoẻ của mình. Thí dụ như ở đâu, cần thì điện thoại cho ai, số mấy, đang dùng thuốc gì, liều lượng ra sao, có dị ứng gì không.... Khi ta bị ngã hoặc bị tai nạn gì đó, nhân viên cấp cứu sẽ tiết kiệm được nhiều thời giờ nhờ những thông tin như vậy trong một mẩu giấy bằng bàn tay, gập đôi thì cũng chỉ bằng tấm danh thiếp hay thẻ tín dụng. Tên, tuổi, bệnh án giản lược (cao máu, tim yếu, tiểu đường, dị ứng) và thuốc men đang dùng. Dù các cụ không nói được thì người ta vẫn biết một vài chi tiết tối thiểu ấy.
Mạng người có thể cứu sống nhờ gia đình chu đáo lo trước việc ấy cho các cụ.
*
Bốn người nhẹ tay bồng mẹ tôi lên cáng và lăn bánh ra cửa. Những người khác thu dọn đồ nghề. Hẹn nhau ở nhà thương của gia đình tôi, cách đó mươi cây số. Họ gọi vào nhà thương và dặn tôi lái xe đi cùng. Tôi theo sau mà thấy hồi hộp. Lần đầu tiên đi cùng xe có còi hụ. Oai mà sợ chừng nào! Hồi hộp hơn nữa có thể là cha tôi ở nhà, một mình, thấy ngôi nhà trống trơn. Lần đầu tiên có lẽ cụ nghĩ đến cụ bà và khoảng trống để lại. Chúng ta quá quen với sự hiện hữu của người thân, như một đồ cổ trưng bày năm này qua năm khác. Khi không còn nữa mới thấy thế nào là trống vắng. Bạn tôi có bà vợ phải thông tim nên đã có cảm giác bồn chồn thiếu vắng ấy, đến nỗi không hút thuốc... trong một tuần, cho tới khi bà vợ khoẻ lại!
Vào nhà thương, tôi cũng lại qua thủ tục cũ, là ghi danh và cho biết một số chi tiết về bệnh án lẫn các dược phẩm của cụ. Qua mỗi ngả là lại làm một lần, cho đến khi vào phòng chụp quang tuyến. Chúng ta tiết kiệm được khá nhiều thời giờ nếu có một loại "danh thiếp sức khoẻ" như vậy!
Mẹ tôi bị gãy xương cổ tay trái, có thể là do cụ chống tay không phải cách. Các cụ có học nhu đạo hay công phu gì đâu mà biết ngã đúng cách! Và cụ ngồi dậy không được vì bị gãy xương đùi, ở đoạn ráp vào xương chậu, ở bên trái. Đó là lý do mà cụ thấy đau thốn mỗi khi đụng vào chân, vào đùi. May là vết gãy không "mở", tức là không phạm vào thịt, vào gân, da hay mạch máu... Các bác sĩ giải thích chuyện này rõ hơn tôi!
Tôi giật mình nghĩ tới lúc cụ ngã và nhờ người Mỹ tốt bụng bồng cụ vào nhà. Lúc đó, chắc là đau lắm, mà mẹ không biết tại sao, chỉ muốn về nhà lo cơm nước cho chồng như mọi ngày. Lúc đó, có thể là vết gãy còn thêm trầm trọng. Người Mỹ bình thường ít khi xốc vác chuyện nghĩa hiệp này, vì lỡ ra... tôi kiện ông ta là làm mẹ mình đau thêm thì sao" Dân biết luật như chúng tôi cũng biết võ lắm chứ! Họ cũng biết vậy. Nước Mỹ có khi trở thành vô tình thậm chí bất nhân vì lối suy nghĩ thấu đáo như thế.
Dù có gì xảy ra, tôi vẫn xin cám ơn ông Mỹ da trắng này. Cha mẹ tôi quên không hỏi tên hay số điện thoại của ông ta để cám ơn. Lúc đó, các cụ đang hồn phi phách tán mà tôi thì chưa kịp tới. Trong tâm niệm, tôi xin cám ơn ông ta.
Và sẽ còn cám ơn nhiều người khác nữa.
*
Trong nhà thương, mẹ tôi được "lên bảng": vào phòng nào, ai là y tá trực, ai là bác sĩ phụ trách. Tôi đã gặp ngần ấy người và thấy họ rất sốt sắng, tận tụy, nhất là mấy người y tá. Người ta hay nói là nước Mỹ thiếu y tá. Tôi có thể hiểu tại sao vì họ làm việc rất cực, cực vô cùng, mà lương bổng chưa chắc đã cao. Tôi thầm nhủ với chính mình, kiếp sau nếu không đủ chăm để học làm bác sĩ thì sẽ học làm y tá. Hoặc... lấy y tá, để trả ơn. Tôi nghĩ vậy vì thấy xúc động về sự tận tình chu đáo của họ.
Một niềm vui cho họ là mẹ tôi vẫn rất tỉnh và trả lời rành rọt mọi câu hỏi.
- Hiếm khi thấy một cụ già Á châu ở tuổi đó mà thông thạo tiếng Anh như vậy!
Tôi trả lời:
- Hỏi cụ về Da Vinci Code của Dan Brown đi, cụ sẽ kể cho mà nghe.
Đó là cuốn thriller đang ăn khách, sẽ dựng thành phim với tài tử Tom Hanks. Mẹ tôi ghiền đọc trinh thám Mỹ, và cụ nhớ từng chi tiết! Làm các cô y tá cũng thấy vui.
Chỉ có một truyện cụ sợ: "Ai lo bữa trưa cho cha bây giờ đây""
Tôi hơi bực về nỗi lo đó của cụ. Đa số đàn ông Việt Nam là một lũ người được nuông chiều từ hồi còn ở nhà, và hư mà không biết.


Cô em út và tôi chia nhau việc đi vào thăm mẹ đồng thời liên lạc với các anh chị em ở xa để cả nhà yên tâm. Bà chị lớn ở tận Austin đã bật khóc trong điện thoại là mẹ cao tuổi rồi còn bị ngã làm cô em út bồi hồi, trong giây lát đã quên bẵng đứa con trai Thủy quân Lục chiến đang cầm súng tại Fallujah. Cô em kế có hỗn danh "Bao Bất Đồng" là người khó tính nhất nước. Như biện lý hỏi cung, Bao Bất Đồng trực tiếp điện thoại vào nhà thương để hỏi rõ về bệnh tình của mẹ: nàng làm nghề thuốc bên tiểu bang của ông Bush. Don't mess with Texas! Một cô em khác đang cùng chồng du lịch tại Nam Mỹ thì đòi về ngay và còn cằn nhằn là sao báo tin chậm thế. Còn ba người em khác nữa chứ! Nói chung, cả nhà bàng hoàng làm nhà thương cũng hoảng vì điện thoại gọi vào tới tấp!
Bà cụ Á châu này có gia đình cũng lạ!
Tôi quanh quẩn trong nhà thương khoảng sáu tiếng đồng hồ và thấy các y tá băng bó tạm rồi còn cẩn thận kiếm chăn đắp chân cho mẹ tôi khỏi lạnh: họ lột hết áo trong ngoài và cắm trên thân thể cả chục thứ ống nhựa, sau khi lấy máu ghi tên vào từng ve nhỏ để tiết kiệm thời giờ nếu có phải giải phẫu. Các ống nhựa đo tim, nhịp máu, hơi thở, v.v... và bơm thuốc gì đó mà ngoại đạo như tôi thì chẳng hiểu gì cả.
Mẹ tôi vẫn tỉnh, chỉ hơi đau khi bị vần lúc thay áo và rất cảm động khi y tá gọi cụ là "Honey", với vẻ thiết tha ân cần mỗi khi phải kê chân kê đùi cho cụ bớt đau.

Tôi nói chuyện với hai bác sĩ về bệnh trạng của mẹ và đợi nhân vật thứ ba, bác sĩ chuyên khoa giải phẫu về xương, có cái tên rất lạ là... Moscow.
Ông ta bước vào lúc xế chiều. Còn trẻ, quãng hơn bốn chục, bảnh trai hơn George Clooney! Bàn tính với các đồng nghiệp rồi ông vào phòng nói chuyện với mẹ tôi mà khỏi cần thông dịch viên là tôi. Tôi làm thợ vịn trong nhà thương cho tới khi ông ta mời tôi qua phòng bên để giải thích lại cho tận tường.
Cụ phải giải phẫu xương hông, gắp xương vụn ra rồi thêm một cốt thép vào, một ngày sau là có thể đứng được rồi. Nhưng có chuyện bất tiện là xương tay trái bị gãy nên khó dùng loại xe vịn (walker) thông thường, phải có xe đặc biệt hơn một chút. Nghe mà ớn!
Thứ nữa, ngày mai Thứ Bảy, ngần ấy phòng giải phẫu đều bận đến chiều mà buổi sáng lại còn phải làm một trắc nghiệm về tim nữa. Chi bằng dời ngày giải phẫu vào sáng sớm Chủ Nhật. Cả bác sĩ lẫn bệnh nhân đều khoẻ khoắn cả! Vài ngày sau là cụ có thể đi đứng được rồi và cần đi đứng, nhưng phải tập luyện chầm chậm cho quen. Nghĩa là sẽ còn ở nhà thương cả chục ngày, chừng ba bốn ngày sau khi giải phẫu là dời qua khu dưỡng bệnh và tập luyện. Khi về thì cũng sẽ có y tá đến nhà để lo việc vệ sinh tối thiểu vì là người lớn tuổi lại không có ai đỡ đần trong những việc ít quen.
Ngoại giả, những gì cần làm thì đã làm, kể cả thuốc chống đau cho mẹ tôi có thể nghỉ ngơi qua đêm. Một tin vui là có khi chúng tôi không cần giải phẫu xương cổ tay, vì như cụ bà đã nói, cụ đâu có chơi golf hay đánh tennis đâu! Sẽ chỉnh xương và băng bó lại thôi.
Tôi vòng xuống lầu dưới cùng để cám ơn các y tá của ban trực đã đón mẹ tôi lúc trưa. Họ vẫn tấp nập làm việc như trong một tổ ong. Ngồi ở nơi toàn tiếp những người bị đưa vào cấp cứu với thân nhân hốt hoảng vây quanh mà họ không có vẻ gì mệt mỏi hay bẳn gắt.
Tôi có ý nghĩ tốt đẹp hơn rất nhiều về hệ thống y tế Hoa Kỳ. Ngoài những nhiêu khê về giấy tờ và pháp lý - vì họ rất dễ bị kiện! - nhân viên đều yêu nghề và yêu người. Tôi cho đấy là nét văn minh của Mỹ, được thấy rất rõ trong suốt ngày Thứ Bảy. Những người chỉ dẫn trong nhà thương đều là dân thiện nguyện: họ vào làm giúp và đặc biệt tử tế với các bệnh nhân lẫn thân nhân thăm viếng.
*
Sáng Chủ Nhật, tôi vào thật sớm, mới sau bảy giờ. Nói chuyện với mẹ để cụ an tâm và báo tin cho cụ biết là người này người kia trong nhà trong họ đã điện thoại hỏi thăm, em tôi đã mua vé máy bay để qua ngay trong ngày tới, v.v...
Cụ ngủ ngon, có coi hết nửa phim trên truyền hình, và thấy đói. Dĩ nhiên là mẹ tôi không được ăn gì nên cảm thấy vậy, chứ trong người thì đã đủ mọi chất bổ cho cuộc giải phẫu.
Cụ nghĩ gì về cuộc giải phẫu"
Bà ngoại tôi, hơn tám mươi cũng bị ngã khi thắp nhang trên bàn thờ. Cũng gãy xương hông mà nằm bán thân bất toại cả chục năm ở Hà Nội rồi mới mất. Mẹ nuôi của tôi vào thời Hà Nội 53 là chị lớn của mẹ tôi, cũng mới bị ngã và nay đang cử động rất khó ở Hà Nội. Mẹ tôi nói cụ miên man nghĩ vậy và tự nhủ là mình còn được giải phẫu, còn hy vọng đi đứng dễ dàng hơn hai người thân trong nhà. Nếu chẳng may thì cầu xin là mình đi ngay để giải bớt cái nghiệp cho người khác. Vì vậy, đêm qua, cụ cứ lơ mơ chuyện tụng kinh trước bàn thờ ở nhà.
Sáng dậy, cụ rất bình thản và vui vẻ nói chuyện về những tiến bộ của khoa học kỹ thuật mà người thường không biết được.
Cuộc giải phẫu sẽ mất ba tiếng, kể cả chuẩn bị. Chuẩn bị là đưa cụ qua khu giải phẫu, có bác sĩ gây mê đợi sẵn ở đó. Ông ta cũng rất trẻ và ôn tồn tử tế.
- Chúng tôi sẽ khiến cụ ngủ, sau đó tiêm thuốc tê ở hạ bàn, giải phẫu xong là cụ sẽ tỉnh dần, nhưng cần ngủ nhiều cho lại sức.
Ông bác sĩ này nói chuyện rất lâu với mẹ tôi.
Thưa cụ, chúng tôi có thống kê đầy đủ. Vào mùa lạnh, khi trở giời, thân thể mình không linh hoạt như mọi khi mà mình không ý thức được. Chưa kể là thời tiết thay đổi, khí lạnh, tuyết, giá, đường trơn trượt, v.v... vì vậy, các cụ mới hay ngã và gãy xương là thường, nhất là xương hông. Cũng vì vậy mà chúng tôi có kinh nghiệm xử trí. Nghe thì sợ chứ chuyện này cũng thường thôi!
Tôi nghĩ đến các cụ của mình, vì sao hay cảm lạnh, ngã bệnh hoặc ngã vào mùa Đông. Rồi từ đó đi luôn... Tôi lẩm cẩm tự bảo mình là sẽ.... làm văn. Tức là viết ra những điều vớ vẩn này cho các cụ cùng xem mà để ý giữ mình. Khi ngã thì đừng cố chống và đã nằm thì nên nghe ngóng xem có nơi nào đau trong mình trong xương không. Nếu thấy đau thì đừng cố gượng dậy mà nên nhờ khách qua đường gọi dùm cho xe cấp cứu hay thân nhân trong nhà. Di chuyển bộ vị một người lớn tuổi bị ngã mà lại không có hiểu biết tối thiểu về cơ thể học là có thể gây thêm vấn đề cho nạn nhân. Tôi không là bác sĩ nên suy luận theo lương thức của mình như vậy, mong là các bậc lương y cũng chú ý đến việc đó mà giải thích cho rõ và cho đúng hơn.
Tôi chia tay mẹ vào lúc tám rưỡi, thơ thẩn trong phòng đợi với cái laptop trên đùi, tôi gõ lăng nhăng cho qua cơn bồn chồn vì cứ lảng vảng trong khu giải phẫu thì chỉ quẩn chân những người đang làm việc! Ở nhà dưới có quán cơm nước rất tươm tất, bên trên còn có một nhà nguyện. Hình như tất cả những gì mình cần trong giai đoạn bất ngờ và đặc biệt này thì đã có người nghĩ ra rồi, và chuẩn bị rất tươm tất!
Gần 11 giờ, cha tôi và đứa cháu vào đến nơi. Chúng tôi cùng ngồi trong phòng đợi, xem tin tức trên truyền hình, biểu tình ở Ukraina, bệnh tình của ông Yushchenko đối lập, giao tranh tại Iraq, nữ tài tử Roberts sinh đôi!....
Chốc sau, bác sĩ giải phẫu bước ra:
- Trên nguyên tắc thì gia đình không vào phòng hồi sinh, nhưng tôi thấy là nên để quý vị vào nói vài câu cho cụ vui. Bà cụ rất khoẻ và mọi việc đều tốt đẹp.
Chúng tôi cám ơn vị bác sĩ và được vào nắm tay bệnh nhân.
Mẹ tôi mơ màng một chốc, đôi môi khô mấp máy rồi mở mắt:
- Mổ chưa, xong chưa, có chuyện gì không"
Tôi ghé xuống mặt cụ:
- Có cha vào đây. Bây giờ là 11 giờ rưỡi, mẹ đã mổ xong rồi, mọi việc đều tốt đẹp. Mẹ yên tâm.
Cha mẹ tôi nắm tay nhau giây lát và mẹ tôi ngủ thiếp, nụ cười rất tươi.
Chiều đó, khi quay lại, tôi vẫn thấy bác sĩ giải phẫu đang bận rộn trong nhà thương. Nguyên một ngày Chủ Nhật!
- Tôi có về nhà tối nay thì vẫn nhớ từng người, từng ca, ở từng phòng, để có gì là chỉ dẫn cho y tá trong khi mình lên xe vào lại nhà thương. Bà cụ rất khoẻ, không có gì đáng ngại cả. Tim cụ rất trẻ.
Tôi biết là làm bác sĩ, nhất là loại chuyên khoa, thì lãnh lương rất cao. Nhưng, trách nhiệm cũng lớn. Vì vậy, họ tốn rất nhiều tiền bảo hiểm cho chính mình! Tốn lắm. Riêng tôi, trách nhiệm còn lớn hơn vậy là về mặt tinh thần. Họ ra vào cái chốn tử sinh của bệnh nhân và ý thức được hậu quả của từng quyết định mà nhiều khi bệnh nhân và gia đình cũng không biết. Không yêu nghề và yêu người mà chỉ yêu tiền thì cũng khó tồn tại trong loại công việc làm này.
*
Mẹ tôi đã khoẻ và chuẩn bị bữa trưa, vẫn chỉ có nước súp, nước uống, tức là chất lỏng. Cụ kêu đói. Hỏi cụ là bây giờ muốn gì nhất.
- Muốn đi được, và ra Nguyễn Huệ ăn bát cháo lòng!
Người đau hay ăn cháo, cụ lại muốn cháo lòng Nguyễn Huệ. Và lần đầu tiên, tôi không thấy mẹ ưu tư về bữa cơm cho cha. Đó là một điều vui.
Tôi biết là tới Giáng Sinh thì mẹ tôi vẫn chưa khoẻ hẳn, đi đứng còn khó khăn. Nhưng đến Tết thì mẹ tôi sẽ ăn Tết thật to. Cả nhà tôi đã quyết định như vậy, vì biết cụ muốn vậy.
Tự nhiên, tôi đâm thương bà mẹ nuôi ở quê nhà, nay đã gần chín chục và mới bị ngã....

CẨM CHƯỚNG

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,328,968
Tác giả đã góp nhiều bài viết đặc biệt và đã được trao tặng giải thưởng Việt Về Nước Mỹ. Ông sinh năm 1951, du học Nhật trước 1975. Đến Mỹ năm 1981. Hiện là cư dân Irvine, Nam California. Công việc: Kỹ Sư Điện tại một hãng trong cùng thành phố. Đây là bài viết mới nhất
Bà cho biết tên thật Jeanne Bùi, sinh năm 1945. Từ trước 1975, dạy học ở Saigon. Sang Pháp từ 1982, đi học lại rồi làm việc cho Mairie de Paris (Tòa Thị Chính), hiện đã nghỉ hưu.
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie Kim đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016.
Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Năm 2019, Tác giả nhận thêm giải Chung Kết Vinh Danh Tác Giả Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ hay còn gọi là giải Hoa Hậu. Tốt nghiệp Y Khoa Huế, thời chiến tranh Bác sĩ Vĩnh Chánh đã là Y Sĩ Trưởng binh chủng Nhảy Dù.
Tác giả là cư dân Huntington Beach. Những Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của cô là “Chuyện Vui Sầu” ký bút hiệu Khánh Doãn đã được phổ biến từ tháng Tư 2011.
Nguyễn Cao Thăng là tên thật của tác giả, 52 tuổi, dân gốc Kinh 5 Rạch Giá, một cựu thuyền nhân, hiện là kỹ sư cơ khí của hãng máy bay Beechcraft tại Wichita, Kansas.
Tác giả hiện sống ở thành phố Victorville California, đã từng tham gia VVNM năm 2018
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ 2004. Võ Phú sinh năm 1978 tại Nha Trang-Việt Nam; định cư tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University.