Hôm nay,  

Đi Thi Lấy Bằng Dưỡng Da

23/09/200400:00:00(Xem: 131608)
Người viết: Diêu Nghịch Xưng
Bài số 616-1155-vb8190904

Tác giả họ Diêu cho biết bà cư trú tại Los Angeles, hành nghề thẩm mỹ, và sau đây là bài viết ghi lại kinh nghiệm thi bằng dưỡng da mà bà muốn chia sẻ với bạn đọc.
*

Để tui kể bà nghe ngày đi thi lấy bằng Esthetician của tui nghe.
Bằng Esthetician là bằng gì hả" thì là bằng làm nghề dưỡng da đó.
Có đi học hông hả" có chớ, phải đi học sáu trăm giờ rồi nạp đơn đặng đi thi mới có bằng mới được quyền làm việc đàng hoàng chớ .
Học trường nào hả" tui học trường.....
Tại sao hổng học trường... mà lại đi học trường... à" thì tại vì tui nghe đồn trường... dạy hổng hay, thầy cô bất cần học trò hiểu bài hay không, cứ việc sáng vô bấm thẻ đi dìa, chiều vô bấm thẻ đi dìa, có khi mắc bận hổng vô trường được thì thầy cô bấm dùm, đâu có sao, tới chừng đi thi vô dợt đại dợt càng rồi ngày thi thì mong cầu may lọt vô được phòng của giám khảo dễ, hên thì đậu!. Tui khác. Cho nên tui phải đi xa một chút, học trường đó đó bà.
Xa một chút cũng phải ráng chớ. Mình vất vả trần ai mới qua được xứ nầy, học cũng phải bỏ ra mấy tháng tại sao hổng học cho đàng hoàng nghề của mình mới thiệt thọ chuyên môn chớ.
Cũng có người học đại có bằng rồi nghề dạy nghề ra ngoài làm cũng ăn khách như thường hả" thì may cho họ mừng cho họ chớ gì. Tui thì khác.
Hồi mới kiếm trường, tui có nghe bạn bè mấy người qua trứơc họ chỉ dẫn vầy nè, vô trường nầy người xung quanh học thiệt tình lôi cuốn mình theo học thiệt tình. Nghe có lý quá tại vì bản tánh mình cũng hay cuốn theo chiều gió, gần mực thì đen gần đèn thì sáng tui ghi danh liền. Học có trả tiền hông hả" trả chớ sao không. Có xin xỏ được gì của chánh phủ đâu mà hong phải trả. Thiệt tình mấy người qua đây trước mình họ sướng dàn trời! Nghe nói hồi đó họ có đủ thứ quyền lợi, bây giờ thì khó rồi muốn xin cái gì cũng trần ai khoai củ mà khó được lắm bởi vậy tui nói thôi kệ nhịn ăn một chút đóng tiền học có bằng rồi đi làm lấy lại mấy hồi, với lại tui thấy nghề dưỡng da đang lên mà dân địa phương chưa khai thác mạnh, mình nhảy vô lúc nầy cũng như hồi dân tị nạn Việt Nam nhảy vô nghề Nail hồi cuối thập niên bảy mươi đó, có đường lắm bà à..
Thấy hông" bây giờ nghề nail người Việt mình nắm trọn!
Hồi đi học tui chớ có nghỉ ngày nào. Cô tui nói nghề dưỡng da là một nghề rất tỉ mỉ và cần hiểu biết kỷ càng về sự cấu tạo của làn da với bắp thịt, mấy bắp thịt nhỏ trên mặt với trên cổ, trên vai với phần ngực trên, phần lưng trên.
Tại sao chỉ lo bao nhiêu phần đó thôi hả" ừ thì tại nghề của mình chỉ được xoa bóp hạn chế bao nhiêu đó thôi.
Nếu khách muốn xoa bóp chỗ nào khác thì... phải hỏi lại. Đó là phần học phụ trội, xoa bóp thân thể. Mà điều tui hổng có học phần đó tại vì hổng thích.
Thôi kể dài dòng quá bây giờ để tui đi thẳng vô vấn đề, kể về ngày thi của tui thôi, nha"
Hồi nhận được thơ báo ngày thi, mình kêu là Admission letter đó, có cho ngày, giờ và địa chỉ trường thi. Hồi trước chỗ thi nằm trên đường Wilshire, bây giờ nó dọn qua đường Central tuốt trong Glendale lận.
Trong thơ nó chỉ cho biết giờ thi thực hành mà thôi. Tui thi thực hành bảy giờ sáng. Có một lá thơ kèm theo dặn là nếu trong vòng mười ngày mà chưa nhận được tập chỉ dẫn để thi lý thuyết (thi viết đó) của hệ thống tên là Experior thì phải kêu lên số .... để hỏi về hồ sơ của mình.
Hả" tui có gọi điện thoại cho nó hông hả" gọi làm chi, chỉ khi nào nó hổng gởi sách cho mình thì mới gọi, còn không thì tự động mình sẽ thi cả hai phần thực hành và lý thuyết cùng một ngày, nó có dặn rõ trong thơ mà..
Mấy ngày sau đó tui nhận được một cuốn tập mỏng, có đề giờ thi lý thuyết là 13:30.
Như vậy tính theo giờ quân đội, tức là một giờ rưỡi chiều.
Một người trong lớp tui có ngày thi thực hành khác ngày khác giờ.
Khác sao hả" khác là, nó thi thực hành buổi chiều lý thuyết buổi sáng còn tui ngược lại, thi thực hành buổi sáng thi viết buổi chiều. Tại sao kỳ vậy hả, có gì lạ đâu, bây giờ người ta chuyển nghề, học nghề dưỡng da quá trời đông, thành ra người đi thi cũng đông.
Ngày tui đi thi có tới bốn nhóm thi lận.
Tui đọc lá thơ báo thi đó kỷ lắm. Nó dặn phải đem thẻ căn cước hay bất cứ thẻ gì do chính phủ cấp, ngày tháng năm còn hiệu lực, hay là sổ thông hành, bằng lái xe hay thẻ căn cước của bất cứ tiểu bang nào khác cũng được. Nó dặn người làm mẫu cũng phải có thẻ y như vậy.
Nó dặn không được đem điện thoại theo vô phòng thi. Vậy mà bữa thi tui thấy đa số họ đem điện thoại theo tới chừng vô đó phải mất thì giờ đem trở xuống cất trong xe. Có người được người nhà chở tới bỏ xuống rồi về thành ra phải để cái điện thoại cầm tay trong một cái thùng, thi xong trở ra quên lấy lại, chừng chực nhớ, tới kiếm thì cái điện thoại mới mua không cánh mà bay. Hỏi nhân viên làm việc thì họ chỉ trên mặt cái thùng có hàng chữ “Họ không chịu trách nhiệm bất cứ vật gì mình bỏ vô đó” !
Tui hổng muốn mướn đồ nghề trước. Tui chạy tới coi cho biết chỗ đặng bữa đi thi biết đường sẵn khỏi lạc. Tại đó có tới ba cái hãng cho mướn đồ nghề đi thi. Tui lựa một hãng đồ nghề mở ra coi sạch sẽ đầy đủ, trả tiền cọc rồi về.
Bữa đi thi tui tới sớm trước cả giờ đồng hồ. Hãng cho mướn đồ nghề nằm trong cái Mini Mall khít bên trường thi. Tui đậu xe ngay đó luôn cho tiện.
Vô hãng lấy cái va li đồ nghề rồi ghé vô cái quán kế bên đặng uống ly cà phê lấy tinh thần.
Chưa bước vô tiệm, tui nghe tiếng ồn ào gây gỗ, tò mò lóng nghe. Thì nghe tiếng cô đó đúng là thí sinh tại vì cổ bận áo đồng phục trắng, nói tiếng Anh rót rót, dòm mặt thì Á Đông rõ ràng. Cổ nói (tạm dịch qua tiếng Việt thì vầy):
- Tôi không thích đồ nghề của ông. Tôi muốn ông trả lại tiền mướn cho tôi.
Ông chủ hãng, có lẽ là chủ, nói:
-. Cô đã lấy đồ ra khỏi tiệm rồi, không có chuyện trả tiền lại.
Cô gái đỏ mặt giận dử, nói:
- Nếu không trả tiền lại thì tôi cứ giử cái va ly nầy cho tới đúng giờ tôi mới trả lại.
Nói rồi cô kéo cái va ly đi. Cô qua ngang mặt tôi, lẩm bẩm nói với người đi chung, có lẻ là người đi theo làm mẫu:
- Hứ. Đồ hắc ám. Đồ nghề gì mà ít xịt dơ hầy. Qua hãng khác mướn.
Tui vô tiệm kêu ly cà phê. Vừa kéo cái va ly tính vô trường cho rồi. Khi đi ngang qua cái hãng hồi nẩy có chuyện lộn xộn thì nghe to tiếng nữa.
Tui thấy ông chũ hãng hồi nảy, lúc nầy dữ dằn quá. Cũng cái cô hồi nảy với ông chủ hãng. Chẵng vầy, cô nầy qua hãng khác mướn cái va li đồ nghề khác nhưng cô vẫn giữ cái va ly hồi nảy. Khi đi ngang qua hãng cô bị cha chủ hãng chạy ra dựt lại cái va ly của chả kéo trở vô tiệm. Chả nói nếu đã mướn của chỗ khác tại sao lại kéo thêm cái của chả, cô gái gây lại nói tại thằng chả hổng hoàn tiền thì cô cứ giữ cho tới ba giờ rưỡi. Vậy mà cô làm đâu có lại. Cha chủ lôi cái va ly trở vô tiệm. Cô đành phải hậm hực đi vì gần tới giờ thi rồi. Cô nói sẽ kêu chồng cô tới.
Mình thấy cảnh nầy y chang cảnh lơ xe đò dành khách thảy va ly mình đại lên nóc xe... hồi còn bên nhà quá hà.
Vô tới trong là thấy người ta đông thôi là đông đang đứng đợi thang máy.
Vô thang máy rồi bấm lên từng bốn.
Trong thang máy nội cái hơi người toát ra cũng đủ ngộp.
Thang máy ngừng, lũ lượt ùa ra thì đã thấy người là người, đang sắp hàng. Có một bà bận áo đồng phục màu xanh đang chỉ dẫn mọi ngừơi.
Những người nào thi viết thì sắp một hàng sát tường bên tay mặt kế cái cửa văn phòng. Gặp nhỏ học chung mà thi viết buổi sáng, cũng đang sắp hàng chung với người ta.
Những người thi thực hành thì hảy lấy lá thơ báo danh mở ra cầm trong tay với cái thẻ đã kể bên trên, người mẫu cũng vậy và luôn luôn đi sau lưng người thí sinh. Người mẫu nào chưa thay áo thì cứ vô phòng vệ sinh thay ra.
Tui thấy đa số đem người mẫu nữ theo, cũng có số ít người mẫu là đàn ông. Đàn ông Á Đông hỏng nói làm gì vì người mình ít có lông mặt. Có cô Mỹ , người mẫu của cổ râu ria tùm lum. Làm sao cổ chùi cho sạch chất kem" làm sao trang điểm ta"
Ối thôi. Chuyện thiên hạ, mắc mớ gì mà lo"
Trời ơi đứng sắp hàng mà xuất mồ hôi. Sao ngoài hành lang nóng dữ thần vậy cà"
Cũng may, cở mười phút trước bảy giờ, người ta mở cửa. Có người đứng tại đó xét thẻ, thí sinh và người mẫu xong đưa qua một người đứng kế bấm một tờ giấy gì đó chung với thơ báo danh đưa cho cây viết chì rồi chỉ cho mình vô phòng có băng dài biểu ngồi đợi.
Khi trong phòng đầy nghẹt người, cũng cở đâu chừng... cở cả trăm người đó bà, thì cái cô đứng xét thẻ lúc nảy bước vô chào mọi người.
Cô nầy nói bằng tiếng Anh, mà giọng nói rõ ràng còn lai giọng Việt. A. Đúng rồi. Cô giới thiệu tên, tên Việt Nam.
Thì ra cổ là người Tổng Giám Khảo.
Hả, ừ, ngon chớ. Người mình làm xếp tụi Mỹ, hảnh diện lây chớ bà.
Cổ chỉ cho mình điền vô tờ giấy mới bấm vô lúc nảy, tên họ, số báo danh, ký tên rồi lật qua trang sau điền vô chỗ trống chi tiết như tên họ, số báo danh, số thẻ mình xử dụng loại thẻ gì, ký tên đề ngày tháng năm rồi đưa cho người mẫu cũng làm y chang vậy.
Điền xong cổ giải thích là mình sẽ thi phần thực hành trong phòng thi. Thi xong tất cả mọi người phải đi xuống dưới lầu ăn uống gì đó rồi người nào thi viết lúc 13:30 tức là một giờ ruởi thì trở lên cở một giờ đứng sắp hàng vô thi viết. người nào thi víêt lúc 15:30 tức là ba giờ ruởi, nếu muốn thì cũng trở lên lúc một giờ rưởi, nhiều khi có chỗ trống họ sẽ cho mình vô thi sớm.
Dặn dò thí sinh xong rồi cổ hỏi mình có câu gì cần hỏi không, hổng ai lên tiếng, cổ bèn chào tất cả người mẫu rồi cô nói có vài lời dặn dò, tui nhớ đại khái như vầy:
“ Những người nào da mặt có mụn bọc có mủ, đỏ sần hay có tình trạng lở, trầy thì sẽ không được làm facial... Rồi cổ hỏi người mẫu có câu gì cần hỏi không nếu không thì sẽ bắt đầu vô phòng thi… “
Theo từng hàng người từng băng ghế sẽ lần luợt đứng dậy, cũng người mẫu đi sau thí sinh, tay cầm thơ và thẻ, trả lại cổ cây viết chì và đi theo ngừơi bận đồng phục xanh đang đứng đợi đặng dẫn vô phòng thi.


Vô tới phòng thi, trời ơi mát sao là mát. Trong nầy có máy lạnh chắc. Tui vô phòng rồi, có một bà Giám Khảo đứng sẵn tưoi cười chào đón.
Bả mời người mẫu ngồi thí sinh đứng trước mỗi station rồi mới giới thiệu tên bả, hỏi có ai đã thi với bả chưa, có một cô đưa tay lên, bả nói vậy thì bả đổi cổ qua phòng kế bên để giam khảo khác chấm cho cổ lần nầy.
Trong bụng mình tự nhiên đánh lô tô. Chaaa... bộ bà nầy khó lắm sao mà có người thi bả rồi, bả chấm rớt mới phải kéo va ly trở vô thi lại.
Thôi kệ. Ráng làm!
Dời người xong rồi bả mới đi một vòng xét thẻ.
Tại sao xét gì mà xét mấy quận lận hả" tui nghĩ chắc tại vì ngừoi ta xài thẻ giả nhiều quá hay sao, hay tại vì để chận đứng vụ người đi thi dùm chớ gì, đó chỉ là ý mình nghĩ vậy thôi chớ ai bíêt tại sao đâu"""
Xét xong rồi cổ phát cho mỗi người một tờ giấy vuông vuông nhỏ nhỏ màu xanh, biểu mình ghi tên họ vô rồi để kế cuốn sách. Giấy đó khi họ cho kết quả họ sẽ thu hồi lại.
Ờ có cuốn sách chắc là sách đề thi trên mổi station sẵn rồi.
Bả biểu mọi người hảy lắng nghe lời dặn.
Rồi bả vừa dặn vừa làm cho mình coi cách xử dụng ghế, bàn, cách cầm cây đèn trị liệu, cách mở vòi nước.
Bả còn dặn nếu lở làm nước văng lên thì cứ lấy khăn mà lau liền để mình khỏi bị trợt té.
Xời ơi dặn từ chút vậy mà tới chừng thi cũng có người làm búng nứơc lên tá lã tà la lính quính lau lia lịa cà. Cũng may gặp bà nầy hiền khô, bả chỉ cười cười rồi nói chuyện nầy xảy ra hằng ngày cho nên hồi nẩy bả mới phải chỉ cách cầm cách vặn vòi nước đó chớ....
Dặn dò xong rồi bả nói điều quan trọng là đừng có quên sau khi nhổ lông mày rồi là phải để miếng vãi wax với cục bông gòn mình giữ mấy sợi lông mày lên bàn cho bả coi trước khi bỏ. Rồi bả hỏi có ai cần hỏi gì không. Có nhỏ đó hỏi vậy chớ bà có muốn tôi cắm điện đèn trị liệu không và để đúng thời gian không. Bả trả lời tuỳ cô, bả không thể trả lời những câu hỏi nào về cách thức làm.
Nhỏ nầy hỏng thông minh chút nào hết. Bà nghĩ coi, giám khảo đã chỉ mình chỗ đi lấy cây đèn, chỉ mình ổ điện nằm chỗ nào, tức là mình phải cắm điện chớ, nếu không cần cắm vô thì bả chỉ chỗ cắm làm chi"
Tui nói có lý hông"
Nè, uống miếng nước đi bà. Nước bí đao pha với nước mía, ngon hông" Tui cũng uống một miếng. Nãy giờ khô cổ họng. Ừmmm.. xuống tới đâu mát tới đó...
Bà có tính đi học hông" tại sao" Ối, con cái cũng lớn hết rồi hỏng lẽ bà cứ ngồi nhà làm bạn với ông Táo hoài sao" chừng tụi nó lớn ra khỏi nhà mình già rồi ngồi ở không chịu gì nổi cha" có một nghề tới lui đi làm cũng vui chớ bà. Chừng nào muốn đi học tui dẫn bà đi ghi danh.
Có gì khó. Vậy chớ tui có bíêt tiếng Anh gì đâu" Học lần lần cố gắng riết cũng hổng biết nhiều cũng bíêt ít, ăn thua mình cố gắng chớ. Cứ kẹp cuốn tự điển Việt Anh Anh Việt theo.
Ai mà hông có bước đầu"
Dĩ nhiên bước đầu thì khó khăn, riết rồi quen bà ơi.
Rồi sao nữa hả" thì thi.
Đề thi của tui bắt đầu là bài pha thuốc sát trùng. Tui làm y bài bản. Xong rồi tới bài nhổ chân mày. Người mẫu của tui chân mày mỏng dánh nhưng cũng có vài sợi mọc loạn xạ. Tui lấy cái máy hơ sáp tới bàn tui cắm điện để hộp sáp vô đặng hâm nóng. Tui lấy cây nhíp ra, sửa soạn chân mày cho mềm ra đặng dể nhổ. Nhổ từ sợi từ sợi ra được bốn năm sợi để lên cục bông gòn rồi bắt đầu lấy miếng vãi ra để nhổ bằng sáp.
Bà Giám Khảo đi lên đi xuống đi tới đi lui, đứng lại từ station để xem xét ghi ghi viết viết. Xời ơi mỗi lần thoáng thấy bả ngừng lại chỗ tui, tim tui tự nhiên đập thùng thùng như đánh trống múa lân!
Bả có làm gì đâu" Run là tự nhiên run. Kỳ lạ!
Xong bài nhổ lông, bả tới liền, xem xét xong bả ra dấu biểu bỏ vô bịch rác rồi bả qua chỗ khác. Coi tiếp đề thi thì tới bài sát trùng đồ nghề mới vừa xài, tức là cây nhíp chớ có gì đâu.
Làm xong bài đó tui ngồi đợi. Trong lúc ngồi đợi bài sát trùng tui lấy giấy Record ra ghi. Đó là tờ giấy hồi nảy họ bấm chung với tờ thơ báo danh đó, phía dưới chỗ ghi tên họ đía chỉ nầy nọ là phần Record Card, mình kêu là Phiếu Cá Nhân, để ghi những bài mình đang làm cho người mẩu. Xong rồi tui lấy đồ nghề ra, coi đề thi thì tới bài làm Facial với chất scrub tức là chất kem nhám tẩy da chết đó bà.
Ờ. Có học sướng ghê hông. Mình vừa mở rộng kiến thức vừa có tiền vừa có thể tự săn sóc cái da mặt mình nữa.
Bài nầy tui làm hết xẩy. Dợt mỗi ngày mà. Ai đưa mặt cho dợt hả" thì chồng con cháu chớ ai vô đây bà. Tại lúc mình sắp đi thi là đã ra trường rồi, làm biếng trở vô trường tập thì phải dụ dỗ người nhà ra mà dợt chớ. Ai ở gần trường thì họ cho trở vô trường dợt, nhưng nhà mình xa thấy mồ tới lui tốn xăng, ở nhà dợt cũng được vậy.
Xong bài Facial rồi tới bài trang điểm.
Xời tui trang điểm thì được mà tới chừng chải lông mi, chị làm mẫu cho tui lông mi gì mà cụt ngủn hà, quẹt cây bàn chải lên thì bả nháy mắt lia lịa làm chất thuốc bôi lông mi mascara lem tùm lum lên mí mắt. Tui thiệt hết hồn. Sao mà cái gì trong phòng thi cũng làm mình hết hồn vậy hổng biết nữa. Rồi bà biết làm sao đặng chùi hông". Thì cứ lấy chút xíu phấn ướt foundation đó, chùi là sạch liền. Bí quyết nhà nghề mà bà.
Lúc đó trong phòng xảy ra một chuyện.
Sau khi thi xong mới rõ như vầy, con nhỏ Mỹ đứng cách tui một station, đem người mẫu mặt có mụn bọc có mủ, bà giám khảo kêu người xếp vô, bị ngăn không cho làm facial với trang điểm. Xời ơi, thi môn nầy mà phải bỏ hai bài đó thì kể như gom đồ nghề đi dìa cho rồi!. Tui hổng hiểu. Tại sao đi thi mà hông chịu chọn người mẫu đúng tiêu chuẩn để làm được tất cả dịch vụ bắt buộc"
Trước môn gắn lông mi giả phải làm môn thử da.
Cái môn tui sợ nhứt là môn chót nầy. Vừa lúc đó bà Giám Khảo cho hay còn hai chục phút là hết giò thi thực hành.
Tay tui bắt đầu run. nãy nín thở làm hỏng sao, chừng nghe bả nhắc giờ vậy tự nhiên hai bàn tay run như gặm giò gà mà chỉ gặm có có một cái!
Dòm lên bàn chỉ thấy có có một cái hộp đựng lông mi loại nguyên hàng. Chết tía rồi! Còn cái hộp đựng lông mi rời từ sợi đâu rồi cà"
Trời ơi đã gần hết giờ rồi. Rồi tui nhớ lại lời cô tui dặn, hể thíêu món gì thì kiếm sau, còn cái nào làm trước được thì cứ làm đừng để mất thì giờ vì bài nào có làm thì có điểm, giống như khi mình thi viết vậy đó, câu hỏi nào mình chưa ra câu trả lời thì làm dấu để đó, nhảy qua câu kế, xong rồi trở lại câu chưa biết hồi nảy để có thì giờ suy nghĩ, cho nên tui cứ gắn một hàng lông mi xong rồi tui mới lục lại cái va ly.
Haaa... uống nước đi bà. Kiếm được hông hả"
Được chớ. Bà biết ở đâu hông" Trời Phật ơi, nó rớt vô bịch rác bà ơi. Tui ngó bà Giám Khảo, vừa lúc bả cũng ngó tui, quính quá tui hỏi đại, có lấy ra khỏi bịch rác được hông, thì bả trả lời cũng câu y như hồi nảy, tuỳ cô quyết định.
Thì tui quyết định. Moi ra. Đi rữa tay. Cứ nghĩ coi, lông mi còn nằm bên trong hộp, tức là bên ngoài thì dơ mà bên trong ... vi trùng chưa vô tới, tui lấy ra làm đại.
Gắn vừa xong mấy sợi lông mi rời thì bà Giám Khảo tuyên bố còn năm phút nữa hết giờ.
Hú hồn.
Bả lại ngắm nghía ghi ghi chép chép gì đó...
Tui dọn dẹp đồ nghề.
Bả tuyên bố hết giờ. Dọn dẹp xuống lầu ăn uống gì đó rồi tới giờ trở lên thi viết.
Trong phòng lạnh mà mồ hôi trán tui có hột.
Mà “phẻ: được một phần.
...
Tui vừa xuống lầu thì thấy người ta chộn rộn, hỏi chuyện gì vậy thì có ai đó nói là sắp có đánh lộn gì bên Mini Mall kìa.
Tò mò tự nhiên tui chạy ra coi thì thấy một người thanh niên đang la lối gì đó với thằng cha chủ hãng cho mướn đồ nghề.
Ạaaa.... thì ra... hậu quã vụ hồi sớm. Vụ cô nhỏ bị thằng cha dựt cái va ly đồ mà hổng trả tiền lại đó mà, bây giờ chồng cổ lại đòi tiền.
Tui nghe anh ta hỏi:
- Hồi sáng ông đã ăn hiếp vợ tôi, bây giờ phải trả tiền lại vì vợ tôi không có xài đồ nghề của ông, tôi đang gọi cảnh sát, còn ông muốn ăn thua thì qua bên kia đường tôi với ông tay đôi.
In là người xếp của trường thi cũng có xuống gì đó, lu bu lo trả đồ nghề tui cũng hỏng biết sự thể ra sao.
Mà theo ý tui nghĩ, dầu mình là dân tị nạn mới qua hay đã qua lâu, đừng nên để người ta xử ép hay ăn hiếp. Thằng cha chủ ỷ thế, người ta không mướn đồ của mình thì phải trả tiền lại chớ, đâu cũng có luật pháp, đâu phải còn sống dưới chế độ hiếp đáp người, tới đâu cũng có vụ hối lộ tham nhủng hà híếp đâu nà.
Tui chịu hai vợ chồng cô nhỏ đó đó bà.
Đậu rớt hả"
Khoan. Đừng nóng.
Để kể tiếp phần thi viết nè.
Trưa tui vô văn phòng, bà Giám Thị mời ngồi, sau khi xét thẻ xong xuôi rồi, đưa cho tui tờ giấy màu hồng có tên tui đàng hoàng, biểu cầm để ngang ngực, dòm vô máy computer rồi cười đi. Thì tui cười tại vì cái hình nầy nó sẽ in vô cái bằng của mình mà cái bằng mình xài suốt đời thì cái hình cũng vậy, cho nên tui cười tươi vậy đó bà.
Xong rồi bả cho hỏi mình có bóp xách hay cái gì cần gởi hông, tui nói có bả liền đưa cái đồ đựng giấy tờ tui để cái bóp vô bả dặn chút nữa nhớ lấy lại. Rồi bả dẫn vô phòng thi viết.
Mỗi người ngồi trước cái máy computer rồi có chú đó người Mễ chắc, chỉ cách cầm cách bấm. Cũng nhờ tui có đi học một khoá nên tui bíêt cách xử dụng.
Bài thi khó dàn trời. Mà điều, tui học kỷ lắm cho nên chỉ có cở mười mấy câu tui trả lời đại còn bao nhiêu thì tui hiểu tui nhớ.
Chừng thi ra rồi, nghe nói có nhiều người hỏng hiểu hay gì đó mà hồi sáng hỏng vô thi viết thành ra phải hẹn lại ngày khác trở vô thi, mất công chưa.
Xời! còn lâu mới rớt. Nè, cho bà coi nè. Cái bằng có hình thấy hông. Thấy tui cười tươi ghê hông" miệng cười hồng phát đó nghe. Mỗi năm chỉ cần đóng bốn chục đô để renew, cái bằng thi một lần xài suốt đời nghe bà.
Vậy hả" Thiệt hông" Xời ơi vui quá hén.... Dễ ợt. Mơi tui dẫn bà đi ghi danh.
Ừa. Bà tính vậy tui thấy có lý lắm à. Mơi mốt hai chị em mình mở cái tiệm nhỏ nhỏ, làm đủ sống thôi hồng cần giàu có gì. Miễn vui chị em vui nghề nghiệp là được rồi.
Mong gì hơn.
Ừa. Bà về hén. Mai đi sớm sớm nha bà. Nói tui gởi lời hỏi thăm ổng với mấy đứa nghe.
Uống cho hết ly nước đi bà.

Diêu Nghịch Xưng

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,017,978
Tác giả là cư dân miền Bắc California, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại.
Anne Khánh Vân, sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, hiện sống và làm việc tại miền Đông Hoa Kỳ, từng nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2007 với tự truyện “Duyên Nợ Với Nước Mỹ.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C.
Kông Li là bút hiệu vui vẻ của Phạm Công Lý, tác giả đã dự Viết về nước Mỹ từ 2009. Ông cùng gia đình đến Mỹ từ 1994 theo diện HO, định cư tại Boston.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014, ông tên thật Trần Phương Ngôn, đã sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm
Tác giả đã nhận giải Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2014. Lớn lên tại VN khi cả nước đã thành xã hội chủ nghĩa
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Nhạc sĩ Cung Tiến