Tác giả Nguyễn Hoàng Ngôn, sinh ngày 19-1-1958, chủ tiệm Convention Store, vùng Glendale, AZ. Bài viết của ông đề cập tới khoảng cách cha con giữa người cha thuộc thế hệ di tản đầu tiên với người con sinh trưởng tại Mỹ.
*
Tôi rời quê hương năm vừa đôi mươi, ở cái tuổi vừa mới vào đời, chưa đủ kinh nghiệm để suy nghĩ, hiểu biết nền văn hóa, hấp thụ phong tục và lối sống Việt Nam. Đến xứ người tôi như thằng bé con vừa chập chững biết đi, phải tập nói, tập nhớ từng con đường lạ, tập làm quen với bạn mới, với đời sống mới, ngay cả tập ăn. Tôi đến đây một mình không cha mẹ, anh chị, nên cô đơn, buồn và nhớ nhà hơn bao giờ hết. Tôi bỗng thấy lạc loài, bơ vơ bên những người tóc trắng.
Thế rồi thời gian cứ đi tới, tôi đi làm và quen người bạn gái nước ngoài. Quen nhau vài tháng chúng tôi lập gia đình. Tôi cô đơn nên yêu nàng trong vội vã cho lòng đỡ lạnh lùng, dù rằng chúng tôi có nhiều quan niệm không giống nhau.
Vợ tôi khôn lớn trong gia đình giàu có, hấp thụ đầy đủ nền văn hóa tây phương. Trong khi tôi lớn khôn trong gia đình nghèo, nhưng quê hương tôi không nghèo tình thương, có lối sống rất nề nếp, cay nghiệt và kỷ luật.
Nhớ những ngày còn thơ cha tôi làm công chức, gia đình đông con, tôi là anh lớn nên thiệt thòi tình thương, thêm một phần cha tôi thương con gái nhiều hơn con trai. Quê hương tôi chiến tranh kéo dài triền miên, nên cha tôi đi công tác xa nhà, thỉnh thoảng cha về thăm nhà là những dịp mà các em tôi tha hồ vòi vĩnh nũng nịu trong lòng cha. Tôi thường ngồi ở phía xa thèm khát được yêu thương như các em và cũng không hiểu tại sao giữa tôi và cha tôi có cái gì đó không cởi mở thật khó tả. Tôi vẫn biết cha tôi thương yêu tôi và tôi cũng thương cha tôi, tình thương ấy chỉ nằm trong ánh mắt, không vụt ra khỏi vòng tay hay lời nói. Nên thỉnh thoảng tôi vẫn mang những nỗi buồn vu vơ trong tâm hồn.
Hai vợ chồng tôi sống bên nhau vài năm, gia đình tôi có được hai đứa con, một trai, một gái. Tôi thương yêu các con vô cùng. Khi chúng còn thơ ấu chúng tôi nô đùa bên nhau vui vẻ và hạnh phúc. Tôi thương con tôi nhiều hơn ngay cả bản thân tôi, nhưng không giống nhưng muốn trong liên hệ cha con phải có sự tôn kính. Tôi là cha và các con là con, tôi muốn các con tôi nhận thức rõ điều ấy và không nói năng cư xử quá mức vượt qua ranh giới ấy.
Trong khi đời sống ở đây khác hẳn, cha mẹ gần gũi con cái, thường hay muốn con cái xem mình như là bạn, thậm chí tôi nhìn thấy cha mẹ phải chấp tay xin lỗi con, vì mình không cho phép con cái đòi hỏi theo ý muốn. Chuyện ấy chưa bao giờ xảy ra đối với quê hương tôi. Cha mẹ chỉ có ra lệnh và con cái chỉ biết vâng lời. Còn ở đây đi đến đâu tôi cũng thấy cha mẹ năn nỉ thậm chí có người trong hoàn cảnh ly dị lại sợ sệt con cái, vì sợ nó không nhìn mình. Tôi cho rằng vậy làï quá lố. Nhưng ngược lại nhìn thấy họ rất hài lòng và con cái họ gần như cởi mở và gần gũi bên nhau, tôi lại buồn cho chính tôi, tôi muốn thay đổi nhưng làm không được.
Con tôi lớn dần nhưng giữa cha con tôi thiếu sự gần gũi, tâm sự hay bộc lộ cảm tình. Tình thương của chúng tôi chỉ nằm trong đáy mắt và tâm hồn. Nhiều lúc tôi muốn ôm các con vào lòng, nói những câu rất đơn giản như "I Love You". Nhưng ngượng ngập khó tả rồi lại thôi. Tôi dành tất cả tình thương cho các con câm lặng trong đáy lòng, mong các con tôi hiểu được điều ấy.
Vợ tôi thì lại khác, bà sống với nét sống hiện tại như mọi người bình thường, chỉ có tôi là lạc lõng. Mỗi tối sau buổi cơm chiều tôi thường ngồi đọc báo hoặc xem tin tức thời sự trên tivi, nhìn vợ và các con quấn quýt rù rì bên nhau tôi thấy buồn và muốn quây quần bên vợ và các con, nhưng có cái gì đó cản trở trong tôi. Vợ tôi thường nhắc "show them your love, don't keep inside who know". Tôi đã cố gắng nhiều lần cuối cùng tôi vẫn làm không được.
Một hôm tôi đến trường dự buổi trình diễn thi thố tài năng cuối năm của trường tổ chức. Tôi nhìn con tôi trình diễn, tiếng nhạc lảnh lót đưa tôi về lại những ngày còn thơ. Sống với hiện tại nhưng tôi hay bị ám ảnh với quá khứ. Có lẽ tôi yêu quê hương tôi nhiều hơn ở đây. Ngày còn cắp sách đến trường tôi đam mê văn nghệ vô cùng. Nhưng quê hương tôi nghèo lắm, không đầy đủ nhạc cụ và lộng lẫy như ở đây. Thời ấy những đêm văn nghệ giải trí của nhóm học sinh, chỉ là ngồi bên đám lửa hồng, vỗ tay ca hát bên nhau hoặc dùng cây, dùng đũa đánh nhịp vào thùng, hấp dẫn nhất là có cây đàn và tay đàn cũng thật hiếm hoi. Chúng tôi khôn lớn ở vùng đất hep hòi và thiếu thốn đủ thứ.
Nhìn con đang nắn nót phím nhạc trên sân khấu mà tâm hồn tôi đang dõi xa trong tầm mắt chạy về bên chân trời nào ấy.
Con tôi gục đầu nhắm mắt thả hồn theo phím đàn, thỉnh thoảng mở mắt nhìn tôi, ánh mắt trìu mến, kính mến thương yêu vẫn chỉ nằm trong đáy mắt thân yêu quen thuộc.
Ôi! Tôi thương yêu và tự hào về con tôi, tâm hồn tôi tràn ngập tình thương và cỡi mở. Tôi chờ cho đến lúc tan buổi trình diễn, tôi sẽ ôm con tôi vào lòng nói lời khen ngợi. Tôi hồi hộp sung sướng chờ đời phút giây ấy.
Đến lúc tan buổi trình diễn, tôi đứng chờ con tôi ngoài hội trường nơi phụ huynh học sinh tụ tập nói chuyện xã giao chờ các con. Người người trò chuyện vui vẻ ca ngợi tài năng của tuổi trẻ.
Cánh cửa hội trường bật mở, đám học sinh trình diễn lần lượt bước ra khỏi cửa tìm cha mẹ. Tôi hồi hộp lòng ngực tôi căng phòng sung sướng và tự hào về con tôi. Từ xa tôi đã thấy con tôi bước ra cửa hội trường, tôi muốn chạy lại vuốt đầu nắm tay con. Trước tôi còn có nhiều người chung quanh tôi toàn những người tóc trắng, nên tôi chỉ còn biết lịch sự đứng chờ tại chỗ.
Con tôi nước ra khỏi cửa hãnh diện với nét mặt hân hoan, thì đúng lúc vợ tôi đám bạn bè con tôi, đám bạn bè đứa em gái của nó chạy lại quây quần khen ngợi, trò chuyện vui đùa, chỉ có tôi đứng chơ vơ phía xa hụt hẫng. Không hiểu sao tôi không chạy đến như mọi người. Tôi thấy mình như cái bong bóng căng phồng đang bị chọc thủng bởi những mũi kim nho nhỏ ghen tỵ đau thương. Tôi cúi đầu lặng lẽ quay đi, ra đến cửa trường tôi quay lại nhìn con tôi, tôi bắt gặp ánh mắt con tôi đang dõi mắt nhìn theo tôi. Cũng ánh mắt đó cũng bờ môi mấp máy nghẹn ngào không nói nên lời.
"Ngày....tháng....năm"
Chiều nay thấy ba ngồi phía sau hè một mình, không hiểu tại sao trông ba buồn quá. Tôi ngồi bên đàn piano nặn óc đánh cho được bản nhạc mà ba ưa thích. Tôi nghĩ rằng tiếng nhạc sẽ làm ba vui lại và tiếng nhạc là tất cả nỗi lòng của tôi lo lắng đến ba, ba có biết không"
"Ngày....tháng....năm"
A ba ơi, ba có cái mặc cảm gì đó ở trong lòng, hay tại ba quá khiêm nhường. Nhiều lần tôi thấy ba đứng thật xa nhìn các con. Ba không nói nhưng tôi đọc được những lời yêu thương ấy trong đáy mắt của ba. Tình thương và lo âu lắng luôn luôn hiện rõ trong ánh mắt của ba. Ba ơi đừng lo người ta không chiếm mất ba trong lòng các con đâu.
Tiếng cô y tá vọng ra từ hành lang "đã hết giờ thăm bệnh, yêu cầu thân nhân sửa soạn ra về". Con tôi xiết chặt bàn tay tôi lần cuối, hôn lên trán tôi rồi lẳng lặng ra về. Không hiểu sao tôi vẫn nằm yên bất động.
Còn lại một mình trong bệnh viện, tôi ngồi dậy cầm quyển nhật ký của con trong tay, tôi không còn đủ khả năng đọc tiếp tình thương đang tràn ngập trong tôi. Tôi đến bên hông cửa nhìn xuống bãi đậu xe thưa thớt của bệnh viện u buồn về đêm. Bóng con tôi đang âm thầm đếm từng bước chân.
Tôi biết bên ngoài mùa đông rất lạnh, nhưng tâm hồn tôi thật ấm áp và bình yên.
Nguyễn Hoàng Ngôn
Anh viết hay vậy mà không tiếp tục thật tiếc!