Hôm nay,  

Như Giọt Mưa Sa, Như Tấm Lụa Đào

24/09/201900:00:00(Xem: 9041)

Bài số: 5794-20-31600-vb3092419

 

Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79. Đi học lại gần  6 năm mới ra trường với bằng BS engineer năm 85. Hiện là cư dân ở Lafayette, Louisiana, còn vài năm nữa sẽ ... ăn tiền gìà. Bút hiệu Pha Lê, theo chú giải vui của tác giả, không phải là trong veo như Pha Lê, mà là... Pha trò và Lê la! Bài mới của tác giả được ghi là viết cho “Ngày Phụ Nữ Bình Đẳng/26 tháng Tám.” Bài đăng 2 kỳ.

 

*** 

Buổi tối, thường là rất khuya, sau một ngày lao đao, chạy đua cùng công việc, tôi vẫn thường cố giành một khoảng thời gian lang thang trên mạng  đọc tin tức thời sự  thế giới, lướt trên FB chia xẻ vui buồn với bạn bè thân quen.

Tối nay khi vừa bước vào trang FB, đang nhìn những hình ảnh bạn bè cười vui, tôi chợt khựng lại vì bất chợt trên màn computer hiện lên một bức hình với dòng chữ: Women 's Equality Day / August 26.

Tôi thật sự ngạc nhiên. vì  tôi đã sống trên đất nước Mỹ này hơn 40 năm, hầu như tất cả những ngày lễ  tôi đều  đã từng thấy và ghi nhớ, nhưng “Women's Equality Day” thì thú thật tôi chẳng có một chút khái niệm cỏn con nào.

 Nói chung, trên đất nước này, hình như tháng nào cũng phải có ít nhất một ngày lễ cho người Mỹ vừa để ăn mừng, vừa  để tiêu tiền! Đặc biệt hai ngày lễ mà tất cả  đàn ông trên thế giới không bao giờ được phép quên, đó là ngày Valentine và Ngày Phụ Nữ Quốc Tế 8 tháng 3.

Tôi vẫn nhớ những năm mới đến đất nước này, tôi vừa đi học vừa đi làm tại một tiệm bán hoa  và bánh kẹo. Vào những ngày cận kề hai buổi lễ trọng đại đó, tiệm tôi bận tíu tít mà khách hàng đa số là đàn ông. Những vị khách này đủ mọi tầng lớp, đủ mọi lứa tuổi. Tôi đã từng đóng  gói những hộp chocolate đắt tiền, những bó hoa mầu sắc rực rỡ cho những ông khách sang trọng, đến lấy thật vội vàng trong giờ lunch.

Tôi cũng nhiều lần len lén quan sát những người khách trong lớp quần áo công nhân còn vương đầy bụi bặm, tần ngần đắn đo trước giá tiền của một bó hoa, một hộp kẹo, nhưng  rồi cuối cùng vẫn cố mua cho được một vài bông hoa, một vài hộp kẹo sau khi đã vét sạch những đồng tiền cuối cùng  trong túi. Một đôi lần khách hàng của tôi còn là những chàng trai trẻ, dáng dấp sinh viên, vào tiệm chỉ mua nổi một bông hồng, và với những người khách dễ mến này, tôi thường cột thêm nhiều sợi ribbon mầu sắc sặc sỡ  xanh đỏ tạo cho món quà thêm phần trịnh trọng. Có những vị khách khệ nệ ôm mấy bó bông, hai ba hộp kẹo  đến bên quầy trả tiền. Đọc được ánh mắt tò mò, soi mói của tôi, họ chỉ cười  cười cắt nghĩa đời một người đàn ông đâu phải chỉ có một người phụ nữ để nói tiếng yêu thương!

Nói chung, dù món quà đắt giá hay rẻ tiền, dù khách hàng là những người có địa vị giàu sang hay bần hàn nghèo khó, nhưng  tất cả, từ những gói kẹo xinh xắn, đến những bó hoa rực rỡ đều có chung một mục đich duy nhất là để gửi tặng những người phụ nữ mà họ đang trân quý yêu thương. Tôi càng xúc động hơn khi đọc những câu viết nồng nàn, yêu đương thắm thiết trên những tấm thiệp được gắn  kèm trong những món quà dễ thương đó.

Như vậy, người phụ nữ trên đất nước này nói riêng, và ở nhiều nơi trên thế giới nói chung đều luôn được thương yêu  trân quý, chiều chuộng, hà cớ gì lại có Ngày Phụ Nữ Bình Quyền Nam Giới, Women 's Equality Day? Tôi tự hỏi.

Đọc kỹ về ngày này, tôi bắt đầu hiểu rõ hơn ý nghĩa của chữ Bình Đẳng / Equality. Cho mãi tới gần cuối năm 1919, đầu năm 1920, những người phụ nữ trên đất nước này mới chính thức được quyền Bầu Cử: Right to Vote sau một khoảng thời gian dài tranh đấu. Họ đòi hỏi được đối xử công bằng nơi công sở, ngoài xã hội, và ngay cả trong gia đình.

Vào những thập niên 20, 30 khi Thế Chiến Thứ Nhất vừa chấm dứt, có những công xưởng chỉ còn toàn là phụ nữ, họ đảm đương, xốc vác tất cả những cộng việc nặng nhọc mà ngày trước thường  là của những người đàn ông, nhưng điều bất công và phi lý hơn hết là  họ chỉ được trả một mức lương rất thấp so với mức lương mà hãng xưởng vẫn trả cho những nam công nhân ngày trước! Rõ ràng có sự phân biệt và kỳ thị nam nữ, và những phụ nữ này đã đứng lên đấu tranh đòi quyền bình đẳng cùng nam giới.

Hằng trăm cuộc biểu tình, xuống đường đã diễn ra suốt gần 2 năm trời, và những người phụ nữ anh hùng can đảm này đã chiến thắng. Năm 1922, Rebecca Felton của tiểu bang Georgia là người phụ nữ đầu tiên trong Thượng Viện Hoa Kỳ. Cũng từ năm 1920, ngày 26 tháng 8 được chọn là ngày Phụ Nữ Bình Quyền trên đất nước này.

Hiểu rõ được ý nghĩa của ngày Women's Equality Day, tôi lặng lẽ ngắm bức hình một phụ nữ với một bàn tay  đang nắm chặt giơ lên, khuôn mặt bà, với nụ cười rạng rỡ trên môi, toát lên sư  quyết liệt,  tự tin. Sau lưng bà là một giòng chữ: “We can do all what you do. / Chúng tôi có thể làm được tất cả những gì bạn làm được". Có đúng như thế  không và có cần phải như thế không? Bản chất  chung  và... nguyên thủy của  người phụ nữ là   đằm thắm, dịu dàng, là mong manh yếu đuối cần được che chở, bảo vệ, cho nên khi người phụ nữ phải  gióng tiếng kêu gào quyền bình đẳng cùng nam giới, có thể chỉ tại “con giun xéo lắm cũng oằn,” nhưng đã chắc gì đó là điều họ mong muốn?

Tôi nhớ vào những năm 80, có một show rất ăn khách I Love Lucy. Đây là một show truyền hình trắng đen được quay vào những năm 50 của  một cặp vợ chồng thật ngoài đời, Lucille Ball và Ricky Ricardo. Họ mang những câu chuyện đời thường vợ chồng lên sân khấu, rất hay và rất hài hước.

Một lần sau khi cãi vã, Lucy đã đòi hỏi bình quyền, equalize với Ricky, Sau khi xổ một tràng tiếng Spainish, Ricky đành chấp nhận. Sau đó là những tràng cười bất tận của khán giả với những màn Lucy tự động kéo ghế ngồi, tự động tìm diêm bật đốt thuốc một mình, tự động trả tiền phần ăn của mình v,v... Nói chung, đây là những việc mà một người phụ nữ không bao giờ phải làm khi có một người đàn ông bên cạnh mình, nhưng mỗi khi Lucy định mở miệng  trách móc thì Ricky cười cười đá nhẹ: Equalize, honey! Cuối show hình như Lucy đã òa khóc và tức tưởi nói: “I  just want being a woman to be loved, to be taken care, and to be spoiled!".

Ngày ấy tội chỉ biết cười góp với khán giả nhưng không có một chút khái niệm nào về hai chữ “Bình Quyền"; nhưng hôm nay tôi thật sư khâm phục và ngưỡng mộ những cuộc biểu tình, tranh đấu của những người đàn bà đó. Phụ nữ phương Tây dám đứng lên đấu tranh đòi hỏi những quyền căn bản (Rights) mà trước giờ được coi như đặc quyền dành cho nam giới như quyền được Bầu Cử, quyền được Ứng Cử tham chính trong những chức vụ công quyền, quyền được quyết định về con cái khi cuộc hôn nhân đi đến chỗ bế tắc, ly dị. Họ  chỉ cương quyết đòi hỏi được đối xử  công bằng  như nam giới nơi công sở, ngoài xã hội, nhưng khi về  trong gia đình, họ vẫn là những người vợ, người mẹ hiền thục, đảm đang, tận tụy hy sinh cho chồng cho con.

Quay về phương Đông của chúng ta, hình như chưa bao giờ có một cuộc biểu tình xuống đường nào của phụ nữ với những biểu ngữ đòi quyền ...sống, đòi quyền  binh đẳng cùng nam giới. Số phận của họ đã được mặc nhiên định đoạt một cách rất phi lý bất công vì quan niệm “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô / mười cô con gái không bằng một cậu con trai!".  Đã sinh ra là con gái tự  khắc chấp nhận thua thiệt,  ngoài ra là  người phụ nữ Việt nam chúng tôi còn được giáo huấn trong nền luân lý Nho giáo khắt khe  kiểu “Tại gia tòng phụ, Xuất giá tòng phu, Phu tử, tòng tử!”

 Không phải học thuyết Tam Tòng này chỉ áp dụng thời xa xưa, mà hình như nó vẫn ẩn ẩn, hiện hiện đâu đó trong nhiều gia đình ngày nay. “Tòng Phụ “ là điều dĩ nhiên khi chúng ta còn bé, vâng lời và thảo kính cha mẹ." Tòng Tử" cũng là việc không thể chối bỏ với thiên chức và tấm lòng nhân ái, vị tha của người mẹ, nhưng “Tòng Phu" thì rất phức tạp, không chỉ đơn  thuần là yêu kính, phục tòng chồng, tận tụy hy sinh “gánh vác giang san nhà chồng", mà tòng phu còn là chuỗi ngày đắng cay, ngập tràn nước mắt của người vợ với những bạo hành thân xác, tra tấn tinh thần bằng những lời miệt thị, cay độc từ người chồng.

Bộ luật Hồng Đức  ngày xưa đã đặt ra điều luật “Thất Suất” vô cùng  phi lý bất công với phụ nữ khi cho phép người chồng ngang nhiên có quyền đánh vợ và bỏ vợ!

Trước mắt tôi, trên khung ảnh computer, câu chuyện ở Thái Nguyên, chồng đi nhậu say xỉn đánh vợ đang có bầu 3 tháng, đánh tàn bạo đến độ bào thai bật ra ngoài và người vợ đã chết trước khi kịp đưa đến nhà thương.

 Mắt tôi chợt tối sầm khi nhìn ảnh cô vợ người Ấn Độ, thật trẻ trung xinh đẹp, đã nhảy xuống giếng tự vẫn vì sự lăng mạ, xỉ nhục, phỉ báng tàn nhẫn của người chồng chỉ vì trên xe bus cô đã lỡ ngồi cạnh một người đàn ông xa lạ.

Và rồi tôi chợt nhớ những tháng ngày xa xưa khi tôi còn bé trong khu xóm nghèo lao động. Không bao giờ trong xóm tôi có được một buổi tối êm ả, nếu không có tiếng cãi nhau long trời lở đất từ nhà ông Tám cắt tóc, thì lại là những âm thanh răng rắc của bàn ghế, giường tủ xô đẩy từ nhà bà Sáu Hinh, hoặc những tiếng loảng xoảng bể vỡ của chén đĩa ném xuống đất phát ra từ căn nhà cuối ngõ của chị Năm Bánh Canh. Màn cuối tấn kịch đau thương đó thường là hình ảnh một người đàn bà tóc tai rũ rượi, áo quần xốc xếch, đôi khi trên mặt còn vài vết bầm tím, lếch thếch một tay cắp nách đứa bé, tay kia dắt theo vài ba đứa trẻ lớn hơn, vừa chạy vừa khóc.

Từ trên căn gác nhỏ, chúng tôi ngồi học bài và đã chứng kiến biết bao lần nhưng hoạt cảnh đau thương, nát cả lòng người như thế. Chị Tư tôi là người hiền và có ý định đi tu thường thở dài than: "Thật đúng phận gái như hạt mưa sa, hạt vào đài các, hạt ra luống cày!

Nhưng tại sao những người phụ nữ này vẫn nhẫn nhục, cam chịu chấp nhận  một cuộc sống đọa đầy như thế trong khi thế giới bên ngoài đã có  biết bao nhiêu cơ hội, bao nhiêu cánh cửa mở ra chờ đón họ.

Tôi  còn nhớ cách đây hơn 10 năm, một lần vào nhà thương thăm người bạn, tôi bất ngờ  làm quen được chị Bông, một người phụ nữ  Việt Nam khi chúng tôi ngồi ngoài hành lang của bệnh viện Mỹ. Sau một vài câu chuyện vu vơ, tôi thật sự sửng sốt đến độ không nói nên lời khi nghe câu than thở  của chị  Bông:

- Vợ chồng lấy nhau là duyên số, một ngày cũng là nghĩa, các cụ còn dậy “phu xướng, phụ tùy ", nên tui chín bỏ làm mười, ổng làm gì, tui cũng cam chịu hết.

 Vừa nói chị vừa đong đưa một bên cánh tay băng bột trắng xóa và một bên má vẫn còn vết bầm tím. Chị được chở vào đây hai ngày trước vì lý do bạo hành trong gia đình.

 Tôi nhẹ nhàng phân tích  với chị  rằng xã hội ngày nay đã thay đổi rồi, có những chức vụ thủ tướng của một quốc gia, hay tổng giám đốc của một  công ty đều do phụ nữ nắm giữ. Nhưng  đâu phải hôm nay mà từ ngàn năm trước Hai Bà Trưng đã dấy binh khởi nghĩa “Phất cờ nương tử, thay quyền tướng quân", đánh đuổi giăc ngoại xâm, thống nhất đất nước

 Tôi còn đọc lại cho chị nghe câu nói đanh thép lưu danh muôn thuở của nữ tướng Triệu Thị Trinh năm xưa :

"...Tôi chỉ muốn cỡi gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, lấy lại giang sơn, dựng nền độc lập, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người ta... ".

 Nhưng trái với sư mong đợi của tôi, chị Bông vẫn lắc đầu quây  quẩy  nói:

 - Theo tui, người phụ nữ chỉ  nên ở nhà chăm sóc con cái, thu vén gia đình, mấy chuyện xã hội để cho cánh đàn ông họ lo!

 Ngừng vài phút, chị cười cười nói tiếp:

- Đàn bà mà nắm quyền hành nhiều khi làm còn làm hỏng bét đại sự!

 Dù không hoàn toàn đồng ý với chị, tôi cũng bật cười vì hai chữ “hỏng bét “mà chị vừa thốt ra. Người đàn bà nhìn tôi vài phút rồi bất chợt cao giọng tiếp:

- Tui học hành không có bao nhiêu, sách vở qua bên đây cũng khó tìm, nhưng tui biết ngày xưa bên Tàu có hai bà làm vua, một bà tui hổng nhớ tên, còn bà kia là Võ Tắc Thiên, Tui nhớ tên bị tại tui coi phim tập Hồng Kông đóng về bà vua này. Phim dài lắm, đâu chừng 20 tập, tui coi xong thấy ghét cay ghét đắng cái bà hoàng hậu này, nham hiểm, tàn ác, thủ đoạn thâm độc, dám  giết cả con ruột của mình, rồi soán đoạt  ngội vua...

 Bây giờ thì tôi thật sự bị lôi cuốn vào cách nói chuyện đơn sơ nhưng rất mạch lạc của người phụ nữ tôi vừa mới quen này. Tôi  đành tiếp lời:

- Người đàn bà kia là Từ Hy Thái Hậu, cũng thuộc một dạng đàn  bà như Võ Tắc Thiên chị vừa nói, nghĩa là cũng tàn ác, thâm độc, nham hiểm, nhưng bà  này còn hơn một bực, bà tự phong cho mình danh hiệu “Lão Phật Gia" và bắt nhân dân cả nước  phải thờ phượng bà như một vị Phật sống.

 Nghe đến đây,  chị Bông hứ một tiếng rồi nói một giọng khá diễu cợt:

- Đàn bà có mỗi một chuyện cỏn con mà còn làm... không qua ngọn cỏ, nay còn đòi tranh quyền giành chức với đàn ông!

 Tôi bật cười và dù không đồng ý với chị, tôi vẫn cảm phục đức tính chịu thương chịu khó của người phụ nữ  Á Đông trong chị. Nhưng khi nhìn chị với những vết bầm trên mặt và nhất là lâu lâu lại nghe chi xuýt xoa khe khẽ rên khi cánh tay băng bột, tôi bùi ngùi không thể không hỏi chị:

- Nhưng cuộc sống của anh chị lúc nào cũng dầu sôi lửa bỏng như thế này sao, anh chị lấy nhau được bao lâu rồi?

- Hơn 25 năm rồi cô...

Chị Bông trả lời cùng với tiếng thở dài:

 - Chỉ chừng vài năm đầu thì còn thuận hòa, sau đó là tụi tui ấu gó nhau coi như hằng tuần, còn đánh tui  - chị ngập ngừng vài giây rối tiếp - Còn đánh tui thì một tháng đôi ba lần, nhưng cũng chỉ là mấy cái tát tai, có khi ổng vui bạn vui bè, nhậu say về nhà,  tôi càm ràm,  ổng tức lên là ồng thụi cho tôi vài cái đấm, rồi vài ngày sau ông lại  xin lỗi, tui cũng vì con cái bỏ qua hết, chỉ có lần này ổng đánh tui quá mạng vô tới nhà thương như vầy.

 Nghe đến đây tôi không khỏi bực tức vì sự nhẫn nhịn chịu đựng vô lý của chị. Tôi chưa kịp mở lời  an ủi khuyên răn thì chị Bông lại nói tiếp:

-Thiệt ra ổng cộc  và nóng tính, nhưng ổng là một người tốt! Vả lại mình là đàn bà, phận gái thuyền quyên  như hạt mưa sa, rơi vào giếng trong giếng đục là duyên phận an bài của mỗi người.

Đúng là quan niệm người chồng là gia trưởng, đã ăn sâu tận gốc rễ con người của chị Bông, không dễ gì thay đổi.

Khẽ ôm vai chị, tôi từ giã và cầu chúc chị có một cuộc sống an bình và hạnh phúc hơn.

(còn tiếp một kỳ)

 

Pha Le

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,079,301
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2019 và đã nhận giải Việt Bút Trùng Quang, dành cho bài viết góp phần phát triển văn hóa Việt tại hải ngoại.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012.
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, 2018, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12, “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.”
Tác giả là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa, đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011, với loạt bài tự sự của một phụ nữ Việt thời chiến, kết hôn với một chàng hải quân Hoa Kỳ
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu. Sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu. Sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.
Tác giả là cư dân miền Bắc California, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại.