Hôm nay,  

Xứ Lạ Quê Người

03/11/200200:00:00(Xem: 196101)
Người viết: NGUYỄN BÍNH CHÂU

Bài tham dự số: 330-678-vb71102

Tác giả Nguyễn Bính Châu, sinh năm 1950, tốt nghiệp cử nhân luật khoa ban kinh tế năm 1974, nghề nghiệp hiện nay: Luật sư Đoàn Luật Sư TP.HCM. đang theo học tu nghiệp về Luật Quốc Tế tại Đại Học Santa Clara.

Trong thư kèm bài viết cho Việt Báo, ông viết “Tôi rất muốn được tham dự loạt bài Viết Về Nước Mỹ của quý báo.”

Bài viết đầu tiên của ông Châu, “Ấn tượng nước Mỹ” đã được bình chọn vào số 28 tác giả được trao tặng giải thưởng Viết Về Nước Mỹ năm thứ hai. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.

+

Một đất nước tươi đẹp và lý tưởng, phải là một đất nước đầy hoa. Hoa ở ngoài trời và hoa nở ở trong lòng. Đất nước đó dĩ nhiên phải văn minh, dân chủ, và đầy lòng nhân ái. Nơi đó, mọi người đều có quyền tự do thực hiện những ước mơ và mưu tìm hạnh phúc.


ĐẤT NƯỚC NGÀN HOA

Mới đây mà thắm thoát đã bốn năm, thời gian qua nhanh thật. Tôi vẫn còn nhớ câu thơ mà mẹ tôi thường đọc cho anh em chúng tôi nghe hồi tôi còn nhỏ, ham chơi và lơ là việc học:

"Thời gian thắm thoát thoi đưa

Nó đi đi mãi không chờ đợi ai"

Và một câu thơ nữa để dạy dỗ tôi một cách thật nhẹ nhàng, trước những háo thắng của tuổi trẻ :

"Cái vòng danh lợi cong cong

Con chim bay mãi vẫn trong khung trời!"

Tôi đặt chân lên nước Mỹ lần đầu tiên vào một chiều cuối thu se lạnh năm 1998. Phi trường SAN FRANCISCO quả thật rộng lớn, những bãi đậu xe parking được thiết kế bố trí thành từng nhiều tầng lầu, trật tự và ngăn nắp, quá sức rộng lớn so với trí tưởng tượng của tôi. Ấn tượng đầu tiên đập mạnh vào mắt tôi là những đoàn người du khách xếp hàng rồng rắn một cách trật tự và lịch sự. Sự tiếp đãi thật nồng hậu, nụ cười vui vẻ thân thiện của các nhân viên nhập cảnh và hải quan, và thân hình to lớn cường tráng oai nghiêm của viên cảnh sát an ninh sân bay.

Khi xe bắt đầu rồi khỏi khu vực đón khách và chạy trên cầu vượt. Một quần thể kiến trúc cầu vượt thật hiện đại và nguy nga, đã làm cho tôi sững sờ trước sự văn minh và giàu có của nước Mỹ. Hai bên đường, có những hàng cây và hoa rất đẹp, phải thực sự công nhân là nước Mỹ lúc đó sạch và đẹp hơn bây giờ. Sau nầy, có một ông bạn tôi và cũng nhiều người khác nữa cũng có đưa ra một nhận xét mà tôi thấy cũng có lý: " Cái đất nước này lạ lắm, người ta gọi nó là đất nước cờ hoa, vì cái cờ của nó có nhiều ngôi sao trông như là hoa, và anh thử để ý coi, không hiểu họ làm cách chi mà cây quái gì ở đây cũng nở hoa cả. Anh xem, khu vực này là Silicon Valley, coi vậy chứ vào mùa hè hoa dại màu vàng ở đây sẽ nở rộ hết, trông rất đẹp, cho nên nó cũng thường được gọi tên là “Thung lũng hoa vàng”, nghe rất lãng mạn và thơ mộng "

Hôm nay, tôi cũng trở lại nước Mỹ. Những chiếc lá phong đã chuyển màu đỏ úa và sắp sửa tàn thu lá rụng. Phố xá tiệm quán đã thấy lủng lẳng những đồ trang trí lễ Halloween. Mụ phù thủy có cái mủi dài ngoằn và cặp mắt trắng dã láo liên gian thấy ghét, mặt áo choàng đen cưỡi trên cán chổi thần, Những trái bí to bỗng trở thành khuôn mặt có khoét hai con mát và vẽ thêm cái hàm răng bự tổ chảng. Rồi thì người ta đã bắt đầu trang trí những cây thông Noel, trưng bày hình ảnh ông già Noel nhân hậu.

Bầu không khí Tết đã đến gần, và đó cũng là mùa mua sắm cho người tiêu dùng và dịp đại hốt bạc của giới kinh doanh. Tôi bỗng nực cười nhớ lại hai hình ảnh trái ngược nhau về việc đón Tết. Đó là hình ảnh anh chàng lãng tử Thế Lữ trong thi ca, thưở nước nhà còn trong vòng Pháp thuộc:

Cởi áo phong sương trên gác trọ

Lặng nhìn thiên hạ đón xuân sang

Và hình ảnh ông bạn già của tôi, đã trải qua một cái Tết xa nhà trên đất Mỹ. Khi phố phường đã trở nên vắng ngắt, bạn tôi đã mua vội vàng một chiếc bánh chưng và về chỗ trọ ăn trong sự buồn tênh lạnh ngắt, mà nhớ về quê nhà, giờ này vợ con đang sum họp trong mái gia đình êm ấm, bên nồi bánh chưng ngày Tết. Thật là nổi đắng cay nơi xứ lạ quê người. Nhất là hôm nay,tôi lại chợt nhớ đến hai câu thơ được đăng trên số báo người Việt hải ngoại về nỗi lòng xa xứ:

Nhớ Đà Lạt quặn thắt lòng

Thương đồi thông, nhớ má hồng của em.

Nó đã khơi dậy trong tôi một nỗi đau lòng của một câu chuyên xưa cũ, nhưng nó vẫn nặng trĩu trong tim tôi, và canh cánh bên lòng.

THÀNH PHỐ NGÀN HOA

Hồi nhỏ, mẹ tôi có dắt tôi đi xem bói, thầy nói: " Cậu bé này có số đi xa, cuộc đời rồi sẽ có dịp đi đây đi đó. Sau này, nếu càng đi xa nhà chừng nào, thì càng làm ăn khá hơn nữa, có thể nói là số THA PHƯƠNG CẦU THỰC ". Trước 30/ 4/ 75, nếu ta nghe ai có nói cái số của mình là : " Tha phương Cầu thực " thì cũng đã rất ngậm ngùi, cầm bằng tương đương như " số con rệp, số ăn mày ". Nay,thì ta lại đổi đời, có nhiều cô ở quê nhà thì ngày đêm mơ mộng được lấy chồng xứ lạ cho nó oách ( Việt kiều cũng được, Ấn Độ, Đài Loan cũng OK ), khiến các chàng trai làng ta buồn ngao ngán, vì các cô đã không còn nhớ đến chút nào, câu ca dao xưa nữa:

"Chồng gần không lấy,

đi lấy chồng xa...

Một mai cha yếu mẹ già

Gối nghiêng ai sửa chén trà ai dâng! "

Tôi được thực hiện chuyến đi xa đầu tiên trong cuộc đời tôi là nhờ chị Ba tôi và ông thầy bói. Chị Ba tôi được nghỉ lễ lên Đà Lạt chơi theo lời mời của dì Bảy tôi. Chị xin mẹ tôi cho tôi đi theo cho vui. Ngặt nỗi phải thực hiện sự công bình, nhà chỉ có hai đứa con trai, anh tôi lại lớn hơn tôi ( anh mà ) , vậy biết chọn ai đi ai ở " Cuối cùng, mẹ tôi nhớ ra: " À phải, thằng này có số được đi xa, cho nên cho nó đi là đúng rồi ". Thế là tôi được chấp thuận cho đi du lịch Đà Lạt.

Nghe nói Đà Lạt có thông reo, thác nước, có suối vàng, suối bạc, phải mặc áo ấm vì trời lạnh lắm, sẽ bị rét run lên như là mùa đông bên Tây, bên Mỹ vậy, lòng tôi nao nức lắm. Vừa chuẩn bị xếp áo lạnh vào valy, tôi vừa mơ mộng đến chuyện cổ tích có các chú khỉ thương người trong hầm vàng, hầm bạc và ước gì sẽ gặp được chúng trên Đà Lạt !

Xe đò đi Đà Lạt lúc đó chạy về đêm, ghé ngang Định Quán, thì trời đã muốn hoàng hôn, một cảnh tượng lạ lùng kỳ thú bỗng đập vào mắt tôi. Đó là " Hòn Chồng " ở Định Quán. Những hòn đá to lớn, tròn vo như những quả trứng khổng lồ, chồng chất lên nhau như một hòn núi nhỏ, nằm chơ vơ giữa đồng trống. Tôi bỗng có cảm giác như là tại đây đã có những ông khổng lồ nghịch ngợm (như trong truyện Guliver lạc vào xứ khổng lồ), vừa mới bày trò chơi chất đá hôm qua.

Sau khi ghé vào quán nghỉ một chút, thì xe lại lăn bánh, tiếp tục lên đường. Tôi nao nức đứng trước hàng ghế, phía sau lưng bác tài, lúc đó có lẽ tôi chỉ cao bằng chiếc bánh mì baguette mà tôi đang cầm trên tay, say mê ngắm nhìn các khung cảnh lạ đang chạy vùn vụt ra phía sau, những khúc đường núi cua thật gắt, và những hàng chuối lá phất phơ vẫy gọi hai bên đường. Chiếc xe lên dốc xuống đèo mê mãi, và tôi nằm ngủ thiếp đi lúc nào không biết !

Xe đến Đà Lạt thì đã quá khua, tôi nhớ man mán là mình đã được đưa vào một chiếc giường có nệm đầy êm ấm, và ngủ một giấc mơ chưa từng có trong đời. Trong mơ, tôi vẫn thấy mình ngồi trên xe, và vẫn thấy mình chập chùng, lên núi xuống đèo mãi.

CĂN NHÀ HẠNH PHÚC

Sáng hôm sau, tôi dậy thật sớm, thì đã có một đôi guốc xinh xắn nho nhỏ để sẳn dưới giường. Trời lạnh cóng, sương mù đã bám đầy khắp nơi, làm mờ trắng xóa hết các cửa kính quanh nhà. Nghe tiếng động khua với bếp, tôi rén rén bước vào. Một phụ nữ trung niên khá xinh đẹp, nhìn tôi và cười:

-Con dậy rồi hả" Ngủ ngon hôn con" Sao con không ngủ thêm chút nữa cho khoẻ, con dậy sớm thế "

-Dạ thưa..

-Dì Bảy

-Dạ thưa dì Bảy, con mới tới.

-Cháu ngoan, giỏi quá. Nào, bây giờ con uống sữa không" Dì Bảy khuấy sẵn cho con ly sữa nè. Ăn sáng rồi đi chơi với anh Albert

Một lúc sau, tôi nghe có tiếng chân bước chậm tới. Đó là dượng Bảy, ông đến ôm choàng dì Bảy và hôn lên trán, lên tóc bà, rồi nói:

-Chào con, dượng Bảy đây. Con ăn sáng nha

Tôi lí nhí cám ơn và ngồi vào bàn ăn sáng, bánh mì trét bơ và mứt dâu Đà Lạt. Những trái dâu Tây to đẹp tròn múp và đỏ ửng ngọt lịm làm tôi rất thích. Vừa ăn tôi vừa tò mò nhìn quanh căn nhà lạ. Căn nhà thật ấm cúng, có những chùm đèn phát ra ánh sáng màu vàng, trông khung cảnh như trong mơ, thật ấm cúng và sang trọng. Dì Bảy lo ăn sáng cho chồng và bắt tay chuẩn bị phục vụ cho các người khách của nhà hàng. Hai vợ chồng sống rất vui vẻ hạnh phúc, cứ lâu lâu là dượng Bảy đến ôm hôn vợ và giúp đỡ dì Bảy việc nhà. Tôi thật không ngờ sau này cuối cuộc đời, dì lại quá truân chuyên đau khổ, và vò võ một mình, ôm hận cho đến ngày nhắm mắt !

Nhà dì Bảy được xây theo lối kiến trúc cổ điển kiểu biệt thự của Pháp, trên một ngọn đồi thông lộng gió, được đặt tên là Quán ăn THANH BẠCH, cũng rất nổi tiếng tại thành phố Đà Lạt xưa. Trước nhà, có giàn thiên lý cành lá xanh tươi và những chùm hoa thiên lý nho nhỏ, màu vàng cam rực rở.

Tôi thường ngồi hàng giờ lắng nghe tiếng thông reo trên đồi rạt rào như tiếng sóng vỗ, và thơ thẩn một mình, lượm những cánh hoa không biết tên gì, mà cánh mỏng như bông, nhưng hể ta thổi phù một cái, các cánh hoa của nó rời xa, bay vào không gian và biến tan trong gió..Ngày ngày, chị Ba tôi và anh Albert rủ nhau đi vào rừng hái hoa, bắùt bướm. Ở Đà Lạt lúc đó, cũng như nước Mỹ bây giờ, có nhiều hoa mà tôi không sao biết được tên, có những cánh lan rừng đủ màu sắc rực rỡ, những con bướm thật xinh xắn cánh đủ màu., chị tôi bắt được và ép chúng vào những trang tập vở học trò...

Những ngày tháng sống ở bên dì Bảy, tôi cảm thấy thật hạnh phúc lý tưởng, hai vợ chồng dì Bảy làm quần quật suốt ngày, thức khuya dậy sớm. Tôi thấy được cả những gïiọt mồ hôi lấm tấm trên trán dì, nhưng khuôn mặt của dì vẫn rạng rỡ niềm hạnh phúc, môi như luôn nở nụ cười rất mãn nguyện. Cả hai vợ chồng siêng năng cần mẫn làm việc ngày đêm, không hề tiêu pha tiền bạc vào các cuộc đỏ đen du hí, và cũng không dám thuê mướn người làm. Họ tạo dựng tài sản bằng chính công sức lao động của họ.

GIÀN THIÊN LÝ ĐÃ XA

Sau 30/ 4/ 75, ngày thống nhất cả nước, chỉ bằng cái dáng vẻ bên ngoài căn nhà, dì Bảy bị xếp vào loại " Cải tạo tư sản thương nghiệp ". Theo lời dì kể lại, dì có làm đơn khiếu nại khắp nơi, bọn cò mồi nhà đất ra giá phải hàng trăm lượng vàng, hoặc tính trị giá chia hai, mà phải nộp tiền trước cho chúng, để chúng xét trả nhà lại. Chồng chết, mất nhà, công ăn việc làm không có. Tiền không có để nuôi thân, có tiền đâu mà đưa cho bọn thất nhơn.

Nghe nói sau này, bọn gian ác đó đều bị trừng trị, mất chức tù tội cả. Nhưng rồi, những lá đơn khiếu nại của dì cũng lặn dần theo năm tháng, không có lấy một hồi âm. Vì người ta bắt đầu lo chuyện lớn, trồng cây gây rừng, vét lại hồ Than Thở, xây dựng chùa Tuyền Lâm, làm đẹp và khai thác các điểm du lịch mới, các danh lam thắng cảnh khác. Biết bao công việc ngút ngàn hối hả ngày đêm để chuẩn bị kỷ niệm 100 năm Đà Lạt!

Sau khi chồng chết, dì tái giá với người chồng sau, ông này bị đi học cải tạo vì là sĩ quan chế độ Sàigòn cũ. Trước khi đi Mỹ diện HO, ông có đến gặp tôi, chân thành gửi gắm và nhờ tôi giúp đỡ giùm dì, bổ sung giấy tờ hồ sơ nhà đất nếu Ủy ban Nhân dân Thành phố Đà Lạt có cứu xét về việc xin trả nhà lại cho dì. Chờ đợi nấn ná mỏi mòn, tuổi đã cao, nghề nghiệp không có, lại thân lâm trọng bệnh chạy chữa tốn kém, trở thành gánh nặng cho dì. Ông đành gạt nước mắt từ biệt dì đi Mỹ, mong rằng sẽ gửi ít tiền trợ cấp tuổi già của mình về phụ giúp cho dì, và bảo lãnh dì đi theo diện ODP đoàn tụ gia đình. Nhưng rồi ra đi nơi xứ lạ quê người, chắc ông cũng gặp khó khăn ít nhiều trong cuộc sống, ông chỉ gửi đâu đó vài ba lá thư, mấy trăm đô la Mỹ, rồi cũng bặt vô âm tín. Các bức thư mòn mỏi của dì gửi cho ông, ấp ủ với bao niềm hy vọng níu kéo mối dây liên lạc mong manh của tình nghĩa vợ chồng, cũng cùng số phận với các đơn từ khiếu nại, vẫn mãi mãi không thấy hồi âm...

Nghe tin dì bệnh, vợ chồng tôi có đến thăm, dì Bảy gượng ngồi trên phảng gỗ, nắm tay tôi mà rươm rướm nước mắt: " Sau này, nếu con có dịp gặp lại dượng Bảy, con ráng nói giùm là dì rất trông mong, chờ ổng". rồi dì nghẹn ngào không nói được hết câu...Dì cũng có một anh con trai lưu lạc sang Pháp, nhưng anh ấy cũng cam chịu cảnh thất nghiệp ở xứ người, bị bệnh tim mạch không thể làm việc nặng được, cuộc sống chắc là nghèo khó chật vật nên cũng không nghe nói có giúp đỡ được dì chút nào. Và cuối cùng, dì đã mất, chết tại quê nhà nhưng cũng cô đơn buồn tủi, chẳng khác gì nơi “xứ lạ quê người”, không chồng không con, không nhà không cửa..

Mỗi khi có dịp đi Đà Lạt, ngồi trên xe đi qua đoạn đường gần thác Cam Ly, tôi vẫn thường cố ngoái tìm ngôi nhà cũ mà rơm rớm nước mát ! Nhớ đến những kỷ niệm êm đềm mà tôi từng sống tại đây, ở ngôi nhà đầy ấp niềm hạnh phúc đó.. Và tôi âm thầm thấp nén hương lòng xin dì thông cảm cho tôi, vì tôi bất lực, không thể giúp được dì toại nguyện như mong muốn, thấy được công lý ở cuối cuộc đời! Dì tôi đã chết sớm quá, trước khi giờ đổi mới.

Tôi vẫn lang thang trên đất Mỹ với một niềm hy vọng mong manh là sẽ gặp được dượng Bảy để thưa lại với ông lời nhắn cuối cùng của dì. Nhưng đất nước này quá rộng lớn mênh mông, tôi không có thể tìm gặp ông được. Cũng đã sắp đến ngày tôi trở lại quê nhà, nhưng tôi vẫn ân hận là mình vẫn chưa làm trọn lời hứa với người đã khuất. Cây đời thì vẫn mãi xanh tươi, thời gian sẽ mãi trôi đi và cuộc đời cũng vẫn tiếp tục đi tới. Giàn thiên lý tươi tắn năm xưa nay chắc đã lụi tàn, nhưng căn nhà oan nghiệp vẫn còn đó giữa cuộc đời dâu biển !

Nguyễn Bính Châu

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,302,200
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2019 và đã nhận giải Việt Bút Trùng Quang, dành cho bài viết góp phần phát triển văn hóa Việt tại hải ngoại.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012.
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, 2018, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12, “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.”
Tác giả là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa, đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011, với loạt bài tự sự của một phụ nữ Việt thời chiến, kết hôn với một chàng hải quân Hoa Kỳ
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu. Sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu. Sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.