Hôm nay,  

Người Truyền Bá Nhạc Việt

13/11/200900:00:00(Xem: 202858)

Người Truyền Bá Nhạc Việt

Tác giả: Nguyễn Thi
Bài số 2783-1628854- vb6111309

Chủ nhật 15-11 tới đây, San Jose sẽ có buổi “Tưởng Niệm Nhạc Sĩ Lê Mộng Bảo”. Tại Saigon trước 1975, có hàng chục ngàn nhạc bản được phổ biến khắp hang cùng ngõ hẻm. Đó là công trình của nhạc sĩ Lê Mộng Bảo, giám đốc nhà xuất bản Tinh Hoa. Bài viết sau đây của Nguyễn Thi kể về những năm cuối đời của người nhạc sĩ này, trong tình thương quí của cộng đồng Việt Mỹ miền Bắc Cali dành cho ông.

***
San Jose tuy không đông cư dân như thành phố Los Angeles của miền Nam California hay New York City của miền Đông nước Mỹ, nhưng nó đủ lớn để được mệnh danh là thành phố có đông người Mỹ gốc Việt nhất tại Hoa Kỳ vì dân số người Việt là 10% tức khoảng trên 100.000 người.
Nhờ đó, cộng đồng người Việt tại đây lúc nào cũng nhộn nhịp những sinh hoạt cuối tuần.  Nếu không ra mắt sách hay CD nhạc thì cũng có những sinh hoạt văn nghệ, họp mặt, hoặc những đại nhạc hội quy tụ nhiều danh ca và danh hài người Việt tại hải ngoại.Tại những buổi sinh hoạt cộng đồng này kể từ năm 1993 trở đi, người ta bắt đầu thấy sự xuất hiện của một cụ cao niên trên 70 tuổi.  Dáng người cụ tương đối cao với mái tóc bạc trắng và cặp kính cận khá dầy trên khuôn mặt lúc nào cũng mở một nụ cười tươi vui cho người quen cũng như lạ, dù đó là người Việt hay người bản xứ.
Lần đầu tiên tôi gặp cụ trong một dịp tình cờ ghé qua nhà thăm chị bạn, nhờ đó tôi mới biết tên cụ là Lê Mộng Bảo.  Vì rời Việt Nam khi còn là học sinh nên tôi hoàn toàn không biết cụ là ai.  Tôi gọi cụ bằng bác, nhưng đôi lúc cụ lại cứ xưng anh với tôi.  Bác nói trong giới nghệ sĩ và trong Hướng Đạo thường xưng anh em nên lâu ngày bác đã quen cách xưng hô ấy.  Trong lúc ngồi chờ chị bạn tại phòng khách, tôi được bác cho xem quyển album hình ảnh, cả hình trắng đen lẫn hình mầu.  Những hình ảnh này được ghi chú tương đối rõ ràng như ngày chụp, và tên người trong tấm hình.  Nhờ đó tôi mới biết mình có diễm phúc được nhìn thấy hình ảnh của các nhạc sĩ, ca sĩ nổi tiếng thời họ còn trẻ của những thập niên 50, 60, 70.
Sau mấy lần tiếp chuyện cũng như được bác tặng cho một tập giấy copy những bài báo nói về bác và đã được bác đóng lại cẩn thận bằng tay, tôi mới hiểu rõ thêm về tiểu sử của bác. 
Bác Lê Mộng Bảo sinh tại Huế năm 1923.  Ông nội họ Hồ thuộc dòng tộc Minh Hương, tỉnh Phúc Kiến, Trung Hoa.  Vào cuối thế kỷ 19 ông di cư sang Việt Nam lập nghiệp và lập gia đình với một cô gái Việt tại Huế, sinh ra một người con trai đặt tên là Hồ Quý.  Khi Hồ Quý 3 tuổi thì thân phụ qua đời, người mẹ tái giá với một người Minh Hương khác họ Lê và đổi tên con thành Lê Quý.  Cụ Lê Quý theo gót cha kết hôn với một cô gái Việt tại Huế và sinh ra Lê Mộng Bảo, Lê Thị Hồ, và Lê Văn Danh.
Lê Mộng Bảo lúc còn nhỏ học chữ Hán nhưng đổi qua học trường Lasan Pellerin Huế từ lớp 1 đến lớp 9.  Sau đó xin làm nghề báo tại tòa sạn tuần báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng, một nhà cách mạng nổi tiếng.  Mỗi buổi chiều rảnh giờ, Lê Mộng Bảo đi theo các con em của gia đình báo Tiếng Dân học lớp Hán tự do cụ Phan Bội Châu dạy ở Bến Ngự.  Độ một năm sau ông được thân phụ gửi đi học nghề chụp hình tại tiệm hình Khải Xương của người Minh Hương.  Sau một năm rưỡi thì xin thôi việc vì ông nghĩ chỉ có làm chủ tiệm thì mới giầu có.  Lúc này thân phụ và thân mẫu của ông không sống chung với nhau được nên hai người chia tay nhau.
Sau khi nghỉ tiệm Khải Xương ông xin phép thân mẫu ra Hà Nội.  Ông dự định học trường Mỹ Thuật Hà Nội nhưng thi không đậu.  Tại Hà Nội, Lê Mộng Bảo ở chung nhà trọ với Vũ Đức Toa và Đặng Thế Phong, cũng là sinh viên trường Mỹ Thuật.  Được sự cố vấn và giúp đỡ của hai anh, và được thân mẫu trợ cấp mỗi tháng 4 đồng 50 xu, Lê Mộng Bảo xin học dự thính tại trường Mỹ Thuật hai năm, tại đây ông đã học hỏi được rất nhiều về ngành họa.  Những lúc rảnh rỗi cả ba anh em thường đi dạo phố bằng xe điện hoặc đi bộ dọc theo hàng Mây, hàng Quạt, chợ Đồng Xuân... .  Thú tiêu khiển của các anh là "đi dán mũi cửa kính" (đi xem các cửa hàng và phê bình tốt xấu chứ không mua hàng).  Cũng trong thời gian này Lê Mộng Bảo học đàn vĩ cầm với Đặng Thế Phong.  Khoảng một năm sau khi rời Hà Nội, Lê Mộng Bảo được tin Đặng Thế Phong đã qua đời vì bệnh lao năm mới 22 tuổi, để lại một số nhạc phẩm nổi tiếng trong đó có Con Thuyền Không Bến, Đêm Thu, Giọt Mưa Thu... .
Rời Hà Nội, Lê Mộng Bảo vào Sài Gòn và ở nhà trọ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương (là người láng giềng ở Huế trước đây) khoảng hai năm, vừa học nhạc lý với Nguyễn Văn Thương vừa đi chơi những miền lục tỉnh.  Với một cây bút than, giấy vẽ, và một máy chụp ảnh, Lê Mộng Bảo đi bằng thuyền qua các tỉnh như Cần Thơ, Mỹ Tho, Long Xuyên, Đồng Tháp, Vĩnh Long... .  Tại những vùng này ông có dịp tiếp xúc với những người dân quê mộc mạc, có vùng ông dừng lại cả tuần hay cả tháng.  Ông giúp vẽ hình chân dung để bàn thờ hoặc chụp ảnh làm kỷ niệm cho chủ nhà và được mời ở lại ăn uống và nghỉ ngơi qua đêm.  Có lẽ vì bản chất vui tính nên đi đến đâu ông cũng dễ hòa đồng với hoàn cảnh.  Đã có lần ông theo các em nhỏ đi chăn vịt cả ngàn con mà thấy rất thích thú vì đã học hỏi được một điều mới.
Sau chuyến du lịch Sài Gòn, Lê Mộng Bảo về lại đất Thần Kinh và học một năm Kế Toán Thương Mại để học cách đánh máy chữ và giữ gìn sổ sách văn phòng tại trường Quảng Trị École Commerce.  Cụ Nguyễn Văn Quỳ, thân phụ nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, sau khi về hưu Sở Bưu Điện thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, cụ giữ chức vụ thư ký của Hội Phật Giáo An Nam tại Huế, đã giới thiệu Lê Mộng Bảo đi theo ông làm thư ký đánh máy.
Trong thời gian này Lê Mộng Bảo quen được hai người cháu ruột của cụ Quỳ là Nong và Bính.  Chính hai anh em là người đã dạy Lê Mộng Bảo tiếng Nhật.  Nhờ thế ông đã được nhận làm thông dịch viên văn phòng của một công ty đồn điền người Nhật được hai năm ở Tour Chàm, cách Phan Rang 10 cây số.  Ông được giao trông coi đồn điền trồng vải và đậu phộng.  Ông sống một mình trong trại và có nhiệm vụ giữ nhà kho và lo sổ lương cho khoảng 50 nhân công với một người phụ tá quản lý nhân công.  Mỗi cuối tuần một quản lý người Nhật từ Phan Rang về đồn điền trả lương cho nhân công.  Lê Mộng Bảo được trả lương 20 đồng mỗi tháng.
Năm 1944, Lê Mộng Bảo trở lại Huế học thêm một khóa cao cấp tiếng Nhật sáu tháng tại trường Quốc Học Huế ban đêm.  Sau khi lấy chứng chỉ tiếng Nhật, ông đến tòa đại sứ Nhật xin việc và được cử đi làm thông dịch viên tại Phòng Báo Động (Alert) nằm trong khuôn viên Sở Bưu Điện Huế.  Mỗi ngày đi làm, ông và một cộng sự viên người Nhật tới Phòng Báo Động dưới hầm, cũng là hầm trú bom, để làm việc.  Nhiệm vụ của ông là nghe điện thoại từ các tháp canh xung quanh thành phố Huế để biết tình hình máy bay Mỹ đang bay tới từ hướng Đông, Tây, Nam, hay Bắc và lúc đó người Nhật sẽ bấm còi báo động để đồng bào xuống hầm tránh bom.
Khi quân Nhật thua trận, Lê Mộng Bảo được thuyên chuyển lên Phòng Điện Thoại của Sở Bưu Điện và làm ở tổng đài được hơn một năm.  Cũng lúc này Việt Minh mở ra một phòng đọc sách trên lầu của Sở Bưu Điện, nhưng người cung cấp sách lại là Lê Mộng Bảo vì chỉ có ông là người thích đọc sách và sưu tầm sách.  Ông tặng một số sách truyện khoảng chừng 50 cuốn.
Cuối năm 1944, một biến cố đau buồn lại đến với Lê Mộng Bảo, người em trai tên Danh đã qua đời vì bạo bệnh khi mới 14 tuổi, (chị Danh cũng chết vì bệnh khi mới lên 4 tuổi).  Điều này làm Lê Mộng Bảo nghĩ đến việc cần lập gia đình.  Mặc dầu giao thiệp rộng và cũng được thân mẫu giới thiệu nhiều cô, nhưng cuối cùng Lê Mộng Bảo lập gia đình với cô Trần Thị Nết, con bà chị của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương.  Cuối năm 1945, Lê Mộng Bảo có người con gái đầu lòng đặt tên là Lê Thị Mộng Quỳnh.  Ông và vợ có được bảy người con, bốn trai (Sơn, Hùng, Cường, Lâm), và ba gái (Quỳnh, Tuyết, Thu).
Trong thời gian làm việc tại Sở Bưu Điện, Lê Mộng Bảo và gia đình ở chung trong nhà Lê Mộng Đào (anh của nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên và đạo diễn điện ảnh Lê Mộng Hoàng), với họa sĩ Phạm Viết Song và kịch sĩ Phan Khắc Khoan.  Tất cả bốn người đều sinh hoạt chung với nhóm kịch của Phan Khắc Khoan và tuần báo Quê Hương.
Đầu năm 1946, Lê Mộng Bảo mở một tiệm sách nhỏ ở đường Trần Hưng Đạo (Huế) trong tiệm vàng Kim Thịnh.  Ông giao tiệm sách cho vợ trông nom còn ông thì đi Hà Nội hàng tuần buôn sỉ dụng cụ văn phòng. Ngoài ra ông cũng làm tổng phát hành các nhật báo Hà Nội tại Huế.  Trong dịp này Lê Mộng Bảo quen biết được nhiều nhạc sĩ như Nguyễn Đình Phúc, Văn Cao, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Xuân Phát, Bùi Công Kỳ, Phạm Duy, Phan Huỳnh Điểu...


Mở tiệm sách được một năm thì Tây vào, chán với cảnh chiến tranh ông đóng cửa tiệm sách và di tản về quê.  Nửa năm sau ông trở lại Huế mở một sạp buôn bán những bát đĩa cổ xưa ngoài chợ.  Năm 1947, người con gái đầu lòng Mộng Quỳnh qua đời vì bệnh đậu mùa khi mới 3 tuổi.  Đau buồn vì mất con, Lê Mộng Bảo đóng cửa sạp buôn ngoài chợ và xin việc làm tại tiệm Ảnh- Vẽ Phi Hổ, chuyên vẽ quảng cáo các phim mới cho rạp chiếu bóng Richard ở đường Gia Long, Huế.
Năm 1948, ông Tăng Duyệt (em chủ tiệm hình Khải Xương) có một nhà in (chính) và một nhà xuất bản (phụ) Tân Hoa, muốn mở nhà xuất bản nhạc Tinh Hoa tại Huế.  Nhận thấy Lê Mộng Bảo là người tháo vát, có tài giao thiệp rộng với các nhạc sĩ trên toàn quốc nên ông Tăng Duyệt mời Lê Mộng Bảo về cộng tác.  Lê Mộng Bảo đại diện nhà xuất bản Tinh Hoa liên lạc các nhạc sĩ để mua bản quyền và xuất bản.  Nhờ sự quen biết rộng và tài giao tế giỏi, Lê Mộng Bảo đã góp phần rất lớn trong công việc mở mang và phát triển nhà xuất bản Tinh Hoa.
Năm 1949, Lê Mộng Bảo là người đầu tiên đã biên khảo một loạt bài Lịch Trình Tiến Hóa Của Nền Âm Nhạc Việt Nam Qua Các Giai Đoạn in trên các giai phẩm Thu Thần Kinh, Tin Nhạc... .  Lê Mộng Bảo cũng cộng tác với thi sĩ Tô Kiều Ngân cho ra đời tạp chí "Sóng Nhạc" năm 1955.  Đây là tờ báo đầu tiên của Việt Nam về ngành tân nhạc, kịch, và trở thành diễn đàn của giới ca, nhạc, kịch sĩ.
Năm 1952, ông được ông Tăng Duyệt phái vào Nam để thành lập chi nhánh và đại diện cho nhà xuất bản Tinh Hoa tại Sài Gòn.  Rất tiếc là vì tình hình chiến tranh nhà xuất bản Tinh Hoa Huế đã phải tạm ngưng hoạt động từ năm 1956.
Một mình ở trong Nam, Lê Mộng Bảo tìm mọi cách khôi phục.  Ông trở thành giám đốc nhà sách và nhà xuất bản Tinh Hoa Miền Nam, chuyên xuất bản và phát hành các bản nhạc Việt khắp miền Trung và miền Nam.  Tinh Hoa Miền Nam là nhà xuất bản nhạc đầu tiên của Việt Nam có tên trong danh mục các nhà xuất bản nhạc quốc tế Worldwide Music Trade Directory.
Để biết hết những đóng góp của nhạc sĩ Lê Mộng Bảo cho nền tân nhạc Việt Nam có lẽ chúng ta phải đọc nguyên một quyển sách dầy đến vài trăm trang.  Trên vài trang giấy này tôi xin kể những gì biết được từ khi quen biết bác Bảo tại thành phố Milpitas, California.  Phải công nhận rằng bác Bảo là một người rất năng hoạt động so với tuổi đời trên thất thập của bác.  Những lúc lái xe ngang chợ Ocean Market (cách khu chung cư của bác khoảng 2 block đường), tôi thường thấy bác đi bộ mua một vài món thực phẩm hoặc ghé vào tiệm Sommer Copy & Printing gần đó để tiếp tục "in" copy những bài báo về văn nghệ sĩ và "xuất bản" tặng không cho bạn bè người quen hoặc giữ làm tài liệu.
Bác cho biết mỗi ngày bác đều đọc báo tiếng Việt với sự trợ giúp của cái kính lúp và nghe radio để biết tin tức sinh hoạt văn nghệ trong vùng.  Nếu có bạn bè thương tình đến chở đi thì bác mới có thể tham dự những chương trình ở nơi xa hoặc vào buổi tối.  Bằng không thì phương tiện chuyên chở của bác vẫn là 2 hoặc 3 chuyến xe buýt từ thành phố Milpitas xuống San Jose rồi cuốc bộ đến nơi sinh hoạt hoặc họp mặt.
Có lần tôi hỏi khi qua Mỹ tỵ nạn thì bác có nhận được tiền tác quyền mỗi khi các trung tâm băng nhạc hoặc ca sĩ sử dụng những ca khúc bác sáng tác không"  Bác vui miệng trả lời: "Mình là người Việt mà, chuyện đó đâu có gì đáng nói.  Mặc dù họ biết rõ nơi bác đang định cư, nhưng họa hằn lắm mới nhận được một vài trăm.  Sau biến cố 1975 và đi tù cải tạo 6 năm về bác chỉ còn hai bàn tay trắng.  Thôi thì mỗi lần có người thu âm bài hát, ta cứ coi như họ giúp mình phổ biến ca khúc đến khán giả mọi nơi vậy."
Nhờ những dịp nói chuyện với bác tôi được biết thêm về Hội Lions ở Việt Nam, các sinh hoạt văn nghệ trước và sau năm 1975.  Trong một chương trình Tác Giả và Tác phẩm của đài phát thanh Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) bác Bảo đã được đề cập đến như sau: "Nếu trên chiến trường ta có những chiến sĩ vô danh thì trong văn hóa nghệ thuật ta cũng có những chiến sĩ vô danh tương tự.  Ở lãnh vực thứ hai, lãnh vực văn học nghệ thuật, một trong những người chiến sĩ vô danh đó chính là Lê Mộng Bảo ... .  Nhạc sĩ Đan Thọ, 75 tuổi, cư ngụ tại Garden Grove, Nam California, cho biết Lê Mộng Bảo không chỉ là một nhạc sĩ có tài mà còn là một nhà Truyền Báâm nhạc tài ba nhất Việt Nam.  Nhờ có ông mà biết bao ca khúc của các nhạc sĩ sáng tác trong thời gian từ 1950 tới 1975 đã được cả nước biết đến, và chính sự biết tới sâu rộng này đã làm cho những ca khúc đó trở thành bất tử... ."
Sau khi được biết tiểu sử cũng như công trình đóng góp của bác Bảo về việc thúc đẩy và phát triển nền tân nhạc Việt Nam, bà giám đốc Yollette Merritt của viện bảo tàng Milpitas Community Arts & History Support đã tuyên dương bác Lê Mộng Bảo là một Nhà Truyền Bá Âm Nhạc Việt Nam trong một buổi tiệc tổ chức tại nhà hàng Green Bamboo (Milpitas) vào ngày 8/2/2003.  Sau buổi tiệc, tôi được bác tâm sự rằng trong suốt cuộc đời của bác chưa bao giờ bác xúc động như lần này vì bác đã được nhiều hội đoàn bản xứ vinh danh.  Các bằng tưởng lệ từ cộng đồng người Mễ Tây Cơ, người Mỹ gốc Phi Châu, người Mỹ gốc Ấn Độ, người Mỹ gốc Trung Hoa, Milpitas Community Arts & History Support, Thị Trưởng thành phố Milpitas Jose Esteves, Giám Sát Viên quận Santa Clara County Pete McHugh, được bác trang trọng đem về copy thành nhiều bản để cùng chia xẻ niềm vui với bạn bè thân quen.
Ngày thứ bẩy 6/10/2007 vì bận chở cháu bé đến sớm để tập hát cho buổi trình diễn của Nhạc Viện Thái Bình tại hý viện Le Petit Trianon, tôi đã không kịp ghé qua nhà để chở bác đi xem chung.  Khi đến hý viện tôi được vài người bạn của bác nói họ có gọi điện thoại mời bác nhưng được người nhà cho biết bác đã vào bệnh viện Alexian Brothers.  Với người cao niên việc cảm cúm và vào bệnh viện là chuyện thường tình, tôi dự định vài hôm bác khỏe và trở về nhà thì sẽ đến thăm bác.  Nào ngờ ba ngày sau tôi được ca sĩ Yên Ly báo hung tin bác đã thật sự ra đi vào lúc 7 pm ngày thứ hai 8/10/2007, hưởng thọ 84 tuổi.
Quá xúc động với sự ra đi đột ngột của người nhạc sĩ tài ba, nhạc sĩ Lynh Phương đã viết ca khúc Một Kiếp Trăm Năm trong vòng một tiếng đồng hồ vào ngày 10/10/2007, hai ngày sau khi nhạc sĩ Lê Mộng Bảo qua đời.  Ca khúc này được ca sĩ Yên Ly trình diễn, hòa âm và thu âm bởi nhạc sĩ La Vân cùng ngày.  Ca khúc Một Kiếp Trăm Năm cũng được cô Mây Lan phát thanh lần đầu tiên trên đài phát thanh Sóng Việt vào ngày hôm sau. 
Một người nhạc sĩ khác của San Jose, nhạc sĩ Hùng Quân, cho biết những dịp gặp nhạc sĩ lang thang dưới phố anh thường mời vào tiệm thuốc tây góc đường 15 và Santa Clara (nơi anh làm việc) để mời uống ly nước hoặc ăn bánh giải khát.  Nhạc sĩ Bảo nói rằng: "Đi ngang qua phố mà không ghé vào là không chịu được".  Vì những tình cảm chân tình mười mấy năm đó, khi được tin Lê Mộng Bảo qua đời nhạc sĩ Hùng Quân chỉ cần một ngày để sáng tác ca khúc Sầu Ly Biệt theo thể điệu valse.  Ca khúc được Yên Ly và Vân Thanh trình diễn, hòa âm và thu âm bởi nhạc sĩ La Vân vào ngày hôm sau.  Ngày 18/10/2007, nhạc sĩ Hùng Quân đã mở máy phát bài Sầu Ly Biệt để cùng với tang quyến và khoảng 200 văn nghệ sĩ thân hữu tiễn đưa nhạc sĩ Lê Mộng Bảo về nơi an nghỉ cuối cùng.
Năm nay vào lúc 3 giờ chiều chủ nhật 15/11/2009, một nhóm nghệ sĩ San Jose Yên Ly, Mỹ Thể và thân hữu sẽ tổ chức một buổi ca nhạc tưởng niệm cố nhạc sĩ Lê Mộng Bảo tại trung tâm VIVO, 2260 Quimby Road, San Jose, CA 95122.  Các ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Lê Mộng Bảo như Đập Vỡ Cây Đàn, Đổi Thay, Thân Phận, Thương Về Quán Trọ, Mùa Ve Sầu và các ca khúc khác của nhạc sĩ sẽ được trình bày qua các tiếng hát của nhóm nghệ sĩ San Jose.  Hy vọng buổi chiều ca nhạc này sẽ có đông người tham dự để cùng tưởng niệm về người nghệ sĩ tài hoa của chúng ta.
Nguyễn Thi

Chú thích:
Nhạc sĩ Lê Mộng Bảo đã sáng tác trên 50 nhạc phẩm.  Ngoài ra ông còn viết lời cho các nhạc phẩm của bạn bè như: Bến Nước Tình Quê của Mạnh Phát, Tàn Một Đêm Vui của Văn Phụng ... .
Những nhạc phẩm trên ký tên thật Lê Mộng Bảo, còn những nhạc phẩm như: Thương Về Quán Trọ, Tiếc Thương, Về Kỷ Niệm K.C.M.X.N., Đổi Thay ... ông ký tên Hoa Linh Bảo.
Ngoài những sáng tác về tân nhạc, ông còn soạn những bài tân cổ giao duyên và vọng cổ, ông cũng viết nhạc dưới bút hiệu khác như: Anh Bảo, Tuyết Sơn với nhiều loại nhạc khác nhau.
Nguyễn Thi

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,076,400
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.