Tác giả Nguyễn Kim Anh từng hành nghề làm vườn tại vùng Hollywood nhiều năm, từng có những khách hàng nổi tiếng trong giới điện ảnh. Bài viết của ông kể lại nhiều kinh nghiệm trong nghề làm vườn, với lời ghi thêm: thân tặng các đồng nghiệp ở L.A..
Sau thế chiến thứ II, làn sóng người nhập cư vào Hoa Kỳ phần đông đến từ Châu Á. Họ đến đất Mỹ và mang theo những ngành nghề từ đất nước họ rồi biến đổi đôi chút cho phù hợp với địa phương để hoạt động kiếm sống.
Những người ở vùng Trung Đông như Iran, Á Rập thường kinh doanh trong lãnh vực xăng dầu, người Ấn Độ mua bán tạp hóa, người Tàu nấu ăn ngon nên thường mở tiệm ăn, người Việt Nam nhờ khéo tay nên đã chiếm gần hết ngành thẩm mỹ tóc và móng tay, một số khác làm nghề may mặc và nghề làm vườn.
Nghề làm vườn vốn là nghề của người Nhật nhập cư thuộc thế hệ trước. Thế hệ trẻ của người Nhật trên đất Mỹ ngày nay có kiến thức và trình độ hơn nên chuyển hoạt động về các ngành nghề có kỹ thuật cao hơn. Thế hệ người Nhật nhập cư trước nay đã già không còn sức khoẻ để làm vườn nên nghề này chuyển sang tay những sắc dân khác mới nhập cư trong đó có người Việt.
Người Nhật đã cơ giới hoá nghề làm vườn từ lâu. Những công việc trong nghề từ cắt cỏ, xén bụi, cắt cây, dọn rác đều làm bằng máy. Máy của Nhật sản xuất giá bán cao hơn máy Mỹ nhưng khi xử dụng thì hiệu quả, tiện lợi và bền bỉ hơn nên người làm vườn rất ưa chuộng.
Người Việt đầu tiên làm nghề vườn trên đất Mỹ là ai" Làm sao họ biết và làm được nghề này"
Một anh bạn tôi nhập cư năm 75 kể lại rằng lúc mới nhập cư nhìn người Nhật làm nghề vườn anh rất thích nên đến xin việc nhưng bị từ chối và bị chê ốm yếu nhỏ con. Anh lặng lẽ lái xe theo vài ngày quan sát cách làm rồi mua vài chiếc máy về thực tập cách xử dụng. Sau đó anh rải giấy bắt dóp và tự thành hình một “dóp cỏ.”
Rải giấy bắt dóp là phần việc chính yếu để hình thành một dóp cỏ. Bởi đất Mỹ bao la, người Mỹ chỉ liên lạc nhau bằng thư tín và điện thoại nên muốn kiếm việc làm phải tự quảng cáo mình bằng một tờ giấy đặt cạnh thùng thơ. Khi lấy thơ người chủ nhà lấy luôn tờ giấy quảng cáo và nếu cần thì gọi.
Khi được gọi vẫn chưa có thể mừng là có dóp mà phải qua giai đoạn “bắt dóp” đầy khó khăn. Bắt dóp ở đây có nghĩa đúng như chữ bắt mạch của nghề y nhưng hành động này xảy ra ở cả hai phía từ người thuê và người được thuê để săn sóc mảnh vườn.
Người chủ nhà thường nhìn xem người làm vườn đi xe gì, có đủ đồ nghề không, nói chuyện để tìm hiểu có giỏi nghề không, có mạnh khỏe không, giá có nhẹ nhàng không và nhất là khuôn mặt có đáng tin cậy để trao "tấm vườn " không.
Người làm vườn cũng nhìn lại khuôn mặt chủ nhà có xứng đáng cho mình phục vụ không. Câu châm ngôn " thà ở đợ thằng nhà giàu còn hơn làm bạn thằng nghèo " nên áp dụng triệt để khi đi bắt dóp. Những gia chủ là dân da có màu thì nhìn cho kỷ căn nhà mảnh vườn, cảm nhận cho đúng là kẻ giàu người tốt trước khi nhận dóp. Nếu khi không thể định rỏ trước mặt mình là ai thì nên xi lô xi la câu hỏi với vẻ thân thiện: voe đu du fờ rọm" nhưng thật ra để tìm hiểu chủ nhà từ đâu đến và thuộc sắc dân nào. Nếu chủ nhà xuất xứ từ miền đông Châu Âu , từng trải qua cái nôi cách mạng có tài biến những đất nước giàu sang thành nghèo mạt rệp thì nên cho nó số de.
Nếu nó xuất xứ quanh vùng tên trộm thành Bá Đa hay bà con xa gần với trùm khủng bố Bin Laden thì khi nói "Hai" xong thì tìm cách "Bai" cho nhanh để khỏi mất thì giờ vì làm cho chúng không trước thì sau chúng cũng giở trò thò tay trái lấy lại số tiền tay phải đã trả.
Theo kinh nghiệm bản thân, những đối tượng tốt nhất để nhận dóp là những người đàn bà da trắng và nặng trên 200 pounds. Các nàng kiều nữ bự chác này nhác như tinh, vì lo giử phọt ông địa hai tay bận bốc đồ ăn bỏ vào miệng liên tục nên không rảnh để săn sóc mảnh vườn, vì thế người làm vườn không lo mất dóp.
Khi bắt dóp cũng nên nhìn quanh mảnh vườn để xem diện tích bao to, bao nhiêu cỏ phải cắt, bao nhiêu bụi cây cần phải xén và bao nhiêu cây cối trong vườn và nên tính cả bao nhiêu cành cây của hàng xóm rủ sang.
Khi nhận được dóp mới, người làm vườn thường được chủ nhà trao một số việc làm thêm như phát quang, cắt cây, dọn dẹp, trồng hoa v.v... gọi là bích dóp (big job). Gặp những bích dóp có phần việc cắt cây thì cần phải nhắc đi nhắc lại rồi lấy tay chỉ cho chủ nhà thấy từng cây từng cành chủ muốn cắt để khi khỏi ngôn ngử bất đồng dùng máy cắt nặng tay cắt lộn cây cắt lộn cành để rồi khi làm xong việc đã mất công mà chẳng được trả một đồng xu có đôi lúc phải đền lại tiền cũng không đủ.
Khi bắt dóp cũng nên rảo bước lui sau vườn liếc mắt xem chủ nhà nuôi bao nhiêu con chó. Nếu thấy có 2 con trở lên thì nên chạy làng hoặc định giá thật cao để khi vào việc không than van chửi rủa khi hốt cứt chó hôi hám, đôi lúc còn vác chiếu hầu tòa vì ra khỏi vườn quên đóng cổng để sổng mất chóù.
Chó của Mỹ có loại trông thật khôn ngoan biết đóng phim đánh bóng rổ, phim đá banh nhưng lại dốt đặc về môn đọc bản đồ nên khi ra khỏi nhà là chạy một lèo mất tiêu, không gặp được cô nàng chó nào cả cũng bày đặt quên cả đường về làm khổ mấy anh chàng làm nghề cắt cỏ.
Nghề làm vườn, nghề cắt cỏ còn được anh em trong nghề thường đùa giởn với nhau gọi là nghề "Hốt cứt chó".
Người làm vườn không những đòi hỏi sức khoẻ dẻo dai, khéo tay mà còn cần có óc mỹ thuật để khi nhận dóp dần dần biến mảnh vườn thành một phong cảnh theo sở thính của chủ nhân.
Cái đẹp vốn muôn màu nên khi bắt dóp người làm vườn cũng cần lưu ý chủ nhân muốn phong cảnh trong vườn như thế nào để giữ dóp được lâu dài. Có người ưa mảnh vườn với phong cảnh đầy kiểu cách của miền Viễn Đông, có người ưa kiểu sa mạc Miền Tây, người ưa bụi cây phải được xén thành hình vuông, kẻ ưa tròn, có người mát mát ưa một căn vườn man dại giữa xóm giềng vuông vắn.
Có thể nói nghề làm vườn là nghề làm dâu trăm họ, khi nàng dâu biết ý bà gia thì được thương nhưng khi gặp bà gia chướng và độc ác thì nàng dâu lãnh đủ. Cũng may đất Mỹ là đất của đàn bà nên chẳng có nàng dâu nào chịu sợ bà gia cũng như chẳng có người làm vườn nào sợ chủ nhà cả. Chủ nào trả tiền đúng thời hạn và nai (nice) thì tiếp tục làm, chủ nào cà chớn thì tớ lay óp (lay off) chủ đi tìm nhà khác. Lúc đến mảnh vườn trông nhớp nhúa hổn độn lúc ra đi người làm vườn nên ngoảnh đầu nhìn lại để thấy được mảnh vườn tươm tất sạch sẽ, cây cối hoa cỏ gọn gàng tốt tươi, đồ đạc trong vườn nhất là thùng rác dây tưới nước nằm đúng chổ đúng nơi ngăn nắpø cuộn tròn, với cổng đóng then cài. Vậy là không còn sợ bị chê bai đuổi việc.
Trong lúc làm việc gặp chủ nhà sai vặt thì vui vẻ làm nếu việc sai vặt ấy hơi nhiều thì ngưng những công việc làm hàng tuần lại và cố lo việc ấy cho xong. Nếu thấy quá nhiều thì hẹn lại cuối tuần và tính thêm tiền, người Mỹ có tính tiêu pha chừng mực nhưng lại có tinh thần dân chủ nên cũng chịu nghe ý kiến của kẻ làm công nếu chúng ta trình bày rỏ ràng hữu lý.
Khi bắt dóp cũng nên tùy thuộc vào số lượng khách hàng mình đang có để định giá. Lúc mới ra nghề cần dóp để có việc làm thì định giá thấp, lúc dóp đã đầy thì định giá cao rồi bỏ bớt những căn nhà có vườn khó làm, những chủ nhà trả tiền chậm, neo tiền qua tháng khác v.v... Khi dóp đã quá đầy thì chém đẹp, được thì làm nếu không thì thôi cũng chẳng có gì quan ngại.
Tôi có anh bạn lúc đi bắt dóp thường dẫn theo người làm xe cộ trình diễn rầm rộ ra trò, lúc gặp chủ nhà anh đứng vênh váo cóc cần ăn nói cộc lốc và chém giá thật cao, anh lý luận bọn Mỹ nhiều tiền lắm của chúng thấy mình làm dốc nên chúng thuê mình làm bồi cho chúng để bỏ ghét. Lối lý luận nghe thật khó tin nhưng sao anh ta bắt dóp nào là dính dóp ấy.
Thực tế cũng có khi này khi khác. Một hôm em trai tôi được một nhà thờ gọi đến định giá một bích dóp. Hắn phang một cái giá trên trời, không ngờ nhà thờ đó lại có liên hệ và được giới thiệu bởi nhà thờ chính của phố Hollywood trên đường Highland nơi hắn đang săn sóc mảnh vườn đã 5 năm. Hắn đã không được dóp mới mà còn mất luôn dóp củ thật là đau điếng.
Chuyện người làm vườn trong những gia cư Mỹchứng kiến các đấng mày râu dọn đồ đạc ra khỏi nhà là chuyện thường tình. Đôi lúc chủ nhân ông dừng lại than vãn "Kể từ nay du (you) đừng viết tên mi (me) vào biêu (bill) đòi tiền nữa. Du thấy không! Căn nhà này do tao làm lụng nặng nhọc để dành tiền mua giờ này tao đành dọn ra để cho con đó ấy ở ".
Phần đông những căn nhà của những khách hàng chúng tôi dọc theo dãy núi Hollywood nơi chúng tôi hành nghề được trông nom cai quản bỡi những chủ nhân là những cô gái già cô đơn, đã một thời với sắc đẹp lộng lẩy oanh liệt đá văng ông chồng khỏi tổ ấm gia đình, dành được căn nhà nguy nga để rồi ôm lấy cái nghiệp báo ấy kéo dài cuộc đời trong tháng ngày hiu quạnh.
Mỗi lần người làm vườn đến với tiếng ồn ào của máy cắt cỏ, máy xén, máy thổi, là có bà chạy ra " Hai " một tiếng thật to rồi sai vặt " Kim! du trồng cho mi mấy cây hoa này, du cắt cho mi nhánh cây kia". Đôi khi bà chủ còn mở bầu tâm sự. Người làm vườn khôn ngoan thì nói dét mem (yes madam) một tiếng thật to rồi nhanh nhẩu đi làm. Cách hay nhất là đừng bao giờ tham gia vào những câu chuyện, những vấn đề của khách hàng.
Một hôm tôi đang nhễ nhại mồ hôi với máy thổi nặng nề trên lưng, một bà chủ nhà chạy ra biểu tôi ngừng máy rồi nói "Nó thắng nó chẳng còn đồng xu teng, nó bại nó cũng chẳng còn đồng xu teng. Tụi luật sư ăn hết! Nó cũng như tao đều là nạn nhân của bọn làm luật, làm được bao nhiêu cuối cùng tụi nó ăn hết. Du thấy mi nói đúng không"" Tôi hỏi "Bà nói nó là ai vậy"" Bà vừa trả lời " O. J. Simson" vừa đi thẳng vào nhà chẳng thèm tiếp tục câu chuyện.
Đôi lúc người làm vườn cũng gặp những người đẹp trần truồng như nhộng nằm tắm nắng ở những vườn nhà bên hoặc tự nhiên đi tới đi lui như đang ở chốn hoang vu. Một hôm, người phụ việc của tôi mặt tái nhợt chỉ cho tôi một đám đực rựa trần truồng tắm nắng ăn uống ở một vườn bên, một bầy Adam lòng thòng mà chẳng thấy một nàng Eva nào cả trông thật là ghê rợn.
Trong số 85 người khách hàng, chúng tôi chỉ biết được có 4 căn nhà có chủ nhân là dân gay nam và 2 căn nhà có chủ nhân là dân ghê nử và một đứa bé gái có 2 mẹ nhưng không có cha. Mỗi lần chúng tôi đến làm vườn đứa bé ra khỏi nhà đi quanh quanh chúng tôi nói nói vài câu như để tìm chút tình thương của người cha mà cháu không có được.
Người phụ việc của tôi bị lọt mắt xanh của một dân gay nam, lần nào chúng tôi đến làm vườn hắn cũng ra khỏi nhà ỏn ẻn đến bên người phụ việc tôi chào hỏi tặng quà tới tấp. Có lần tôi nói đùa "du yêu nó sao không lo dóp cho nó, nó đang không có nhà ở, nó nấu ăn ngon lắm đấy". Người Mỹ thường ít khi nói đùa nhất là về công việc làm ăn, mấy hôm sau người phụ việc của tôi, được hắn mời lên nhà giao cho một phòng ngủ rồi giao luôn một cái bar của dân ghê vừa dọn dẹp, vừa làm nghề rót rượu vừa quản lý bar, vừa quản gia nha,ø lương tiền khá đẹp khá sòng phẳng.
Bạn tôi đã có vợ và hai con, vợ anh ta qua Mỹ trước đã lâu và là người đàn bà thành công nổi tiếng trong cộng đồng người Việt. Bạn tôi qua năm tháng tù đày nhìn anh vừa hốc hác đen đúa vừa quê mùa. Anh đến Mỹ sau tôi vài tháng, vui vẻ đoàn tụ cùng gia đình chỉ được vái bữa thì nhận được một cái đạp văng ra khỏi nhà một cái vé xe buýt đi đến L.A. và một tờ giấy ly dị. Tôi đón anh ở tại bến xe và biết được anh đã hai ngày chẳng có miếng bánh mì trong bụng. Nay thấy bạn có chổ ở có việc làm lương tiền đầy đủ nên tôi cũng mừng vui. Ai ngờ chưa được bao lâu anh lại chạy đến nhà tôi xin ở tá túc tiếp và xin đi làm vườn tiếp. Tôi hỏi anh chuyện gì đã xảy ra anh không chịu kể lại rỏ ràng cứ lẩm bẩm "Ghê quá! Ghê quá!".
Có hai căn nhà đặc biệt để lại nhiều kỹ niệm nhất trong thời gian làm nghề cắt cỏ của tôi là nhà của bà Nancy có 22 phòng trên đồi ở đường Laurel Canyon đi lên và nhà của ông bác sĩ giải phẩu thẩm mỹ Steve Hufflin, người đã làm ca sĩ Micheal Jackson từ da đen thành da trắng, trị giá trên 4 triệu đô trong hốc núi Bell Air vùng Santa Monica.
Hai chủ nhà này là khách hàng của chúng tôi gần 10 năm cho đến ngày chúng tôi bỏ dóp. Cả hai đều sống một mình trong 2 căn nhà to lớn và là 2 dân chơi "người". Mỗi lần chúng tôi đến làm vườn hai căn nhà trên thường gặp một đấng mày râu hay một người đẹp khác nhau ra sai bảo du phải làm cái này du phải dọn chổ kia hoặc bắt tay chào hỏi. Có kẻ tự giới thiệu và biểu từ nay du viết tên mi vào biêu để tao trả tiền công hàng tháng cho du v.v... Tôi vui vẻ dét xơ, dét mem rất là lịch sự nhưng khi lên xe đi đến nhà khác làm là một cuộc đánh cá hào hứng giữa chúng tôi xảy ra để xem đấng mày râu hay người đẹp ấy được "chơi" bao lâu trong những căn nhà đó. Có người ở được một tuần, có người ở lâu nhất là một tháng nhưng tôi thua đậm nhất vì một con mụ phấn son lèo loẹt ăn mặc diêm dúa hút thuốc liên tục xuất hiện trong nhà bác sĩ Steve. Không biết mụ ta tài nghệ ra sao mà bám riết cứng ngắc bác sĩ Steve hơn một năm cho đến ngày tôi gần thôi làm nghề làm vườn vẫn còn thấy mụ ta ngồi chễm chệ trong căn nhà đó.
Trong nghề làm vườn có hai điều xảy ra ngoài ý muốn mà người làm vườn phải đành chấp nhận đó là mất dóp khi chủ nhà bán nhà hay chuyễn đi chổ khác. Những lần đó thường mất theo một vài tháng tiền công làm vườn và mất người phụ việc.
Người phụ việc phần đông là người Mể Tây Cơ, nhập cư bất hợp pháp đứng từng nhóm ở những khu vực nhất định trên một vài đường phố, lúc cần người cứ chạy đến xúc lên một nhóm 5 hay 7 người để hoàn thành công việc. Muốn biết chúng rành ngành nghề gì thì hãy nhìn vào đôi giày dính sơn là thợ sơn, dính hồ là thợ hồ, dính cỏ màu xanh là thợ cắt cỏ không sai. Tên nào đi đôi giày bát phố và bàn tay nõn nà thì đuổi xuống xe, tên nào làm được việc thì hỏi tên và số phôn để gọi lần khác hay chọn làm người phụ việc.
Người Mể vốn có sức khỏe và bền bĩ lao động trong cái nắng sa mạc nên phục vụ hữu hiệu trong nghề làm vườn, tính người Mể lại đầy tình nghĩa duy chỉ có cái tật là hay nhậu nhẹt và đánh lộn, khi đã say thì bỏ luôn dóp không chịu đi làm.
Tôi nhập cư vào Mỹ và theo phụ việc cho em trai đang làm nghề cắt cỏ một thời gian ngắn rồi rải giấy bắt dóp ra một dóp riêng.
Em trai tôi làm vùng nhà giàu như Hollywood, West Wood, Santa Monica, tôi nghĩ mình thiếu kỹ thuật hơn nên chọn vùng nhà nghèo hơn vùng em trai chút đỉnh như Eagle Rock, Silver Lake, Pasadena để rải giấy bắt dóp. Khi hình thành được dóp cỏ và đã lọc được khách thì dóp cỏ của tôi có nhiều lợi tức hơn, dễ làm hơn dóp em tôi và nếu lỡ mất một vài nhà cũng không có ảnh hưởng đến lợi tức. Tôi học được cách làm láng của em tôi trước khi rời một căn nhà, cách làm vừa lòng khách khi bị sai vặt nên rất ít khi bị mất dóp mà trái lại còn được giới thiệu thêm nhà mới, đến độ phải từ chối vì không có sức làm.
Công việc làm ăn của anh em chúng tôi thuận buồm xuôi gió cho đến một mùa hè năm đó trời Cali nóng như lửa. Tại thung lủng San Fernando buổi trưa vào quán ăn tay cầm nhìn cái nắng khắc nghiệt bên ngoài là không muốn trở ra, hai anh em tôi bàn nhau bán dóp đổi nghề.
Ngày nay, nhờ may mắn tôi kiếm được công việc nhẹ nhàng trong im mát, đồng lương cũng khá cao lại có được tất cả các loại bảo hiểm bảo vệ gia đình đầy đủ, nhưng mỗi lần nhìn lá phủ dày che lấp thảm cỏ xanh, những bồn hoa xiêu vẹo trong những mảnh vườn hổn độn, bàn tay tôi táy máy như muốn cầm máy cầm cuốc trở lại nghề làm vườn để săn sóc đám cỏ cho xanh, vun xới gốc hoa tỉa nhánh tỉa cành cho hoa thêm đẹp.
Tôi không hiểu đó là hiện tượng của thói quen hay lòng tôi đã hòa nhập với cỏ cây sau bao năm tháng chăm sóc chúng.
Những lúc lái xe song song với một xe chở đầy đồ nghề cắt cỏ tôi thường nhìn chằm chằ, thấy mình sống lại với bao nhiêu kỹ niệm.
Con tôi không hiểu được lòng tôi nói "Ba già rồi, nhìn làm gì nữa."
Đúng là tôi đã già rồi không đủ sức và phù hợp với nghề cắt cỏ nữa nhưng lòng vẫn nhớ nhung. Nếu tôi trẻ lại và có được dóp cỏ trong tay thì tôi không bao giờ để mất một lần nữa.
NGUYỄN KIM ANH