Hôm nay,  

Giải Khăn Sô Cho Nước Mỹ

10/10/200100:00:00(Xem: 184242)
Bài tham dự số: 02-368-vb81007


Tôi có những thứ đồ dùng ít khi xài đến, nên để vào trong chiếc rương nhỏ, khi nào có thì giờ rảnh rỗi lại mang ra, xem như những thứ sưu tầm, có khi là các con tem cũ, chiếc bì thư... Nhưng tuần rồi tôi nhớ có một thứ đang cần mang ra xài ngay, là chiếc cờ nhỏ Hoa kỳ có cái cán bằng gỗ, mạ vàng mà vị Chánh án của tiểu bang Maryland đã tặng khi tôi tuyên thệ làm công dân Hoa kỳ năm 1983.
Chiếc cờ nhỏ tôi tưởng không bao giờ sẽ có dịp dùng đến, chỉ cất như một món đồ kỷ niệm, ngày mình được quê hương thứ hai nhận làm công dân, không ngờ hôm nay, nó lại quý phái lộng lẫy, hãnh diện phất phơ trước gió trên hộp thơ nhà tôi. Những người Mỹ láng giềng hỏi tôi mua lá cờ ấy ở đâu, vì các tiệm bán cờ đã hết sạch ngay tuần sau vụ khủng bố tại New York và Ngũ giác đài. Tôi đã hãnh diện trả lời họ về xuất xứ của nó.
Chiếc cờ ấy là một kỷ niệm khó quên trong đời. Nó đến với tôi như một sự tình cờ, như một duyên phận đã sắp đặt từ trước, là ngả rẽ giữa hai con đường, nơi đã chấp nhận cho mình làm quê hương thứ hai, không còn chọn lựa, vì quê hương thứ nhất của mình đã mất, tuy sự mất mát chỉ tạm thời vì có chế độ nào trường tồn vĩnh viễn, nhìn lại lịch sử Lý Trần, những thời oanh liệt của tổ tiên ta, cho dân, vì dân cũng không thể thoát khỏi sự thay đổi, huống hồ đằng nầy...dòng tư tưởng của tôi tạm ngưng ở đó.
Dù chỉ chấp nhận như quê hương thứ hai, Hoa kỳ đã rộng rãi đối xử với tôi nói riêng và cư dân người Việt nói chung những tình cảm khó thể quên. Cứ tưởng tượng một người xa lạ, áo quần rách bươm, tinh thần hoảng hốt, man dại vì chiến tranh, không một đồng xu dính túi, không một bộ áo quần thứ hai để thay đổi, như anh họ Chữ khi xưa, đến Mỹ vì mất quê hương... chỉ không đầy vài năm sau đã áo quần tươm tất, nhà cửa, xe cộ, công ăn việc làm có cả hàng trăm người bản xứ làm dưới quyền. Sự thành công đó không đến dễ dàng như nhiều người tưởng, nhưng đến được với bất cứ ai, nếu chịu khó học, tin tưởng và làm việc hăng say.
Nhiều người thành công về học vấn, thương mãi, nhà hàng, khách sạn, và gần đây có một thương gia Việt nam, họ Trần đã tặng cho hội Hồng thập tự Hoa kỳ 2 triệu đô giúp nạn nhân vụ khủng bố tại Nữu Ước, người Việt khắp nơi gởi tiền về cứu trợ. Nói chung có người thành công cách nầy hay cách khác, nhưng nếu không nhờ xứ sở tự do, phương tiện đầy đủ, không phân biệt đối xử... thì dẫu có làm việc cả ngàn giờ một ngày cũng chưa chắc thâu lượm kết quả tốt.
Sau biến cố, dù muốn dù không, người Mỹ có lẽ sẽ nhìn người ngoại quốc sống trên xứ sở mình bằng một ánh mắt khác, thiện cảm hay ác cảm tùy người đối diện. Ông xếp cũ người Nhật sinh ra và lớn lên tại Mỹ của tôi lúc nào cũng nhớ đến những gì xảy ra sau trận Trân Châu Cảng năm 1941. Ngày 11 tháng 9 năm nay có lẽ sẽ làm nước Mỹ thay đổi, và ngay cả những cư dân trọ làm quê hương thứ hai như chúng ta cũng không khỏi bị ảnh hưởng...
Dù đã trải qua bao thảm khốc của thời chiến tranh, chia cắt đất nước 1954, vụ Mậu Thân ở Huế năm 1968, đại lộ kinh hoàng Hè 1972, rời bỏ quê hương 1975... chúng ta không ai khỏi ngậm ngùi cho số phận thảm thương của những nạn nhân biến cố 11 tháng 9, bao nhiêu kẻ vô tội, bao nhiêu em bé ngây thơ, đã bỏ mình chỉ vì một vài kẻ cuồng ngông, giết người để tính con số. Những nạn nhân trên 4 chiếc máy bay, những nạn nhân trong hai tòa nhà chọc trời, có cả nạn nhân đến Mỹ tìm tự do, nạn nhân trong văn phòng được mệnh danh là an toàn nhất thế giới: Ngũ giác đài, có ai ngờ đâu, một buổi sáng chỉ trong chốc lát đã biến thành tro bụi, những thảm khốc mà người ta chỉ nghĩ đến với những nước chiến tranh tàn phá không phân biệt...
Mậu Thân ở Huế chỉ chưa đầy một tháng, cả mấy ngàn người chết oan, vô tội, nhưng đang trong thời kỳ chiến tranh, còn đây là thời bình trên xứ sở thanh bình, chỉ trong tiếng đồng hồ, cả ngàn người vô tội chết oan uổng, điều giống nhau trong hai vụ thảm sát, nạn nhân đều là những kẻ vô tội... đây chính là Giải khăn sô cho Mỹ.
Những câu chuyện thương tâm đang dần dần được kể lại trên báo chí, truyền hình. Có cả đoàn nhân viên sở chữa lửa số 6, chỉ suýt chết cả nhóm vì chậm lại trong lúc phải cứu một người đàn bà không xuống cầu thang kịp! Tình thương đã cứu họ. Nhân quả đã thấy ngay không cần chờ đợi. Dù bất cứ một tôn giáo nào cũng tin tưởng có những sự hộ trì, nhưng không thiếu hoàn cảnh thương tâm, có kẻ cứu người mà sống, thì cũng có người chỉ vì cứu người mà mất mạng, ai cũng quý trọng mạng sống của mình, thế mà khi biết vào đất chết, vẫn không sờn lòng, xem cái chết nhẹ tựa lông hồng. Ôi cao quý thay những tấm lòng anh hùng cao cả.


Những kẻ đến từ một nước chiến tranh như chúng ta, không mấy ai gia đình thoát khỏi ly tán, biệt ly qua 21 năm nội chiến... mà khi phải đối diện với ngày 11 tháng chín, không khỏi rùng mình, rởn ốc vì những kẻ ác nhân kia có thể làm bất cứ gì, bằng bất cứ phương tiện nào chỉ để đạt được cái mà họ gọi là mục đích. Những kẻ không còn nhân tính, giết người, tự sát để lên Thiên đàng, nhưng có thiên đàng nào nhận những người nầy hở bạn"
Người Việt Nam ở Mỹ không nhiều. Tôi lục lọi, tìm tòi trên báo, trên Internet hy vọng mình không thấy tên người Việt trong danh sách nạn nhân, thì nhận được một điện thư từ một người bạn đang ở Thủ đô Hoa kỳ báo rằng người bạn anh đang làm cho Ngũ giác đài đã bị thiệt mạng. Nguyễn ngọc Khang là một nhân viên nhà thầu cho Hải quân Hoa Kỳ còn trẻ, rất hăng say với những hoạt động xã hội từ lúc anh còn là sinh viên. Anh Khang cũng là một người di dân được xem là thành công tại Mỹ, muốn làm việc tại Ngũ Giác Đàiù, anh đã phải trải qua những điều tra lý lịch cá nhân, gia đình, nhưng bây giờ anh đã ra đi vĩnh viễn để lại người vợ trẻ và đứa con vừa tròn 4 tuổi. Có lẽ anh đã không kịp cảm thấy đau đớn gì khi chiếc máy bay của bọn khủng bố lao vào ngay phòng làm việc của anh, nhưng tội nghiệp thay cho những kẻ ở lại. Cha mẹ phải khóc con, con anh còn quá nhỏ để biết được cái đau buồn mất cha. Tôi đã chứng kiến những chuyện đau thương nầy từ quê hương tôi mà tôi cũng là nạn nhân của chiến tranh, mất cha lúc vừa tròn một tuổi, mà cho đến khi tôi có con mới thấm thía sự mất mát nầy, mới hiểu được sự hy sinh vô bờ bến của Mẹ tôi để bù đắp lại cho đứa con mất cha. Trong nước mắt, tôi chỉ còn xin được thắp một nén hương cầu nguyện cho gia đình Khang vượt qua sự mất mát lớn lao nầy.
Nước Mỹ, quê hương thứ hai của tôi, đã giật mình tỉnh giấc, sau cơn ác mộng. Sẽ có nhiều thay đổi, từ chương trình đối nội, đối ngoại, kinh tế cho đến chính sách di dân. Chiến tranh ý thức hệ đã mờ dần vào thế kỷ 21, nhường chỗ cho chiến tranh chống khủng bố, những kẻ ném đá dấu tay, dùng tín ngưỡng làm phương tiện. Người Mỹ dĩ nhiên không để yên cho ác nhân thao túng, nhưng giải quyết bằng cách nào thì họ phải cẩn thận tính toán, không vì một chút nóng nẩy hồ đồ mà làm hư việc lớn, cũng không phải giết một vài kẻ thù chung mà lại thêm nhiều thù oán, biến kẻ thù thành anh hùng của các tín đồ Hồi giáo cuồng tín nhân danh thánh chiến chống lại mình.
Người Mỹ có lấy ân báo oán, hay lấy oán báo oán, chúng ta chưa rõ, nhưng tôi tin chắc một điều là khi nước Mỹ đã đoàn kết, cương quyết làm một việc gì để thành công thì họ sẽ làm được. Cái giá phải trả cho mục đích có lẽ không rẻ, nhưng với đa số dân chúng trong nước và trên thế giới ủng hộ, thì còn có cuộc chiến đấu nào có chính nghĩa hơn. Chính nghĩa luôn thắng kẻ bạo tàn. Đó là lý do tại sao người Mỹ phải bỏ công sức lôi kéo cả thế giới về phe mình để cô lập bọn phi nhân, trước khi phải dùng đến sức mạnh vũ lực.
Với chế độ Taliban cuồng tín tại A Phú Hãn, ngay cả tượng Phật ngàn năm trên đá, tài sản vô giá của quốc gia và nhân loại, cũng còn bị bắn phá tan tành, thì họ còn quý gì nữa hở bạn. Một chế độ đã không còn tôn trọng bất cứ thứ gì thì chắc chắn sẽ không tồn tại lâu dài.
Anh tôi thường hay nói sau những chuyến công du các nước Ả rập, tội nghiệp nhất là sinh ra, làm đàn bà của những xứ đó. Phụ nữ ở nhiều nước Hồi Giáo cho tới nay không được quyền đi học, đi làm, ngay cả đi ra đường, nếu không có người đàn ông trong nhà đi theo. Trong mọi giao tiếp công cộng, mặt mũi họ phải che kín để không còn ai thấy được mình. Người đàn bà sinh ra là để hãnh diện với cái đẹp, thùy mị của mình, bị cấm cản những điều nầy có khác gì ở trong tù kín.
Nhìn người lại nghĩ đến ta. Phụ nữ Việt nam, dù không được tự do như các xứ Âu Mỹ, ít ra cũng đã hãnh diện có các nữ lưu anh hùng như Hai bà Trưng, bà Triệu. Không hiểu tới bao giờ quê hương thứ nhất của tôi mới có lại tự do. Không hiểu bao giờ quê hương thứ hai của tôi và quê hương chung của cả nhân loại mới thật sự thanh bình, khi hận thù không còn đổ trên đầu những kẻ vô tội, khi mà trong lòng chúng ta không còn sợ hãi.
Hướng về thanh bình và tự do, ước mong những người phụ nữ Ả Rập kém may mắn một ngày nào sẽ hưởng được những gì chị em phụ nữ chúng ta đang may mắn được hưởng.
Ôi hai chữ Tự Do cao quý thay.

Xuân Phượng
Florida tháng 10/2001

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,935,590
Tác giả là cư dân miền Bắc California, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại.
Anne Khánh Vân, sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, hiện sống và làm việc tại miền Đông Hoa Kỳ, từng nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2007 với tự truyện “Duyên Nợ Với Nước Mỹ.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Sáu 2017, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2018 năm thứ XIX.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C.
Kông Li là bút hiệu vui vẻ của Phạm Công Lý, tác giả đã dự Viết về nước Mỹ từ 2009. Ông cùng gia đình đến Mỹ từ 1994 theo diện HO, định cư tại Boston.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014, ông tên thật Trần Phương Ngôn, đã sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm
Tác giả đã nhận giải Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2014. Lớn lên tại VN khi cả nước đã thành xã hội chủ nghĩa
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa