Tôi và nó là hai đứa bạn quen nhau từ nhỏ, nó và tôi học cùng trường, làng tôi cách làng nó có một con sông nhỏ. Con sông mà ngày nào hai đứa chúng tôi thường bơi lội, hể nó thấy tôi hay tôi thấy nó trên dòng sông là y như hệt, năm hoặc mười phút sau là hai đứa đã ngụp lặn rồi cùng tung tăng đùa giỡn vô tư trên dòng sông xanh biếc.
Chiến tranh ngày càng khốc liệt, làng xóm ngập chìm trong khói lửa bom đạn. Gia đình tôi phải chạy lánh nạn lên thành phố, còn nó theo gia đình vào Nam. Thế là chúng tôi bặt tin từ dạo ấy.
Cha tôi là người đàn ông nghiêm khắc, ít nói, có lẽ vì cuộc đời cơ cực của một nông dân, cày sau cuốc bẫm. Chỉ tội cho cha tôi là mặc dầu khổ cực, ông vẫn cho anh em tôi vào con đường học hành mà không nghĩ đến việc bắt con cái đi kiếm việc làm để phụ giúp ông trong cuộc sống. Có lẽ thấm cái cơ cực của kiếp nhà nông, ông thấy được chỉ có con đường học vấn con cái mới được tiến thân, cuộc đời các con ông may ra sẽ đỡ. Nhờ cha, anh em tôi tuy nghèo nhưng đều học hành đỗ đạt có thể gọi là được làm quan trong chính quyền miền Nam. Cha mẹ tôi vì thế được nở mặt với bà con xóm lao động nghèo mà gia đình tôi đã đến đây lập cư từ lâu.
Sau ngày 30 tháng 4 năm 75 gia đình tôi lại đi vào một thay đổi lớn lao đúng với câu ”Dã tràng se cát biển đông, nhọc lòng mà chẳng nên công cán gì” Anh em tôi đều phải khăn gói đi vào trại cải tạo, nghiệp cũ của cha tôi đã trở lại lên vai anh em chúng tôi khi được tha trở về, tôi thầm nghĩ tôi đành sống cho hết kiếp người. Cha mẹ tôi thì thường tự an ủi, gia đình mình được như thế này là may mắn lắm rồi, qua cuộc chiến tranh khốc liệt mà không mất đứa nào hết. Chúng tôi chả biết trong đầu cha tôi còn nghĩ gì.
Rồi, chương trình cho các tù nhân cải tạo được định cư tại Mỹ lại một lần nữa mang anh em tôi và gia đình tôi vào cuộc sống mới trên đất mới.
Thấm thoát thế mà đã 10 năm trôi qua, cũng là ngày 24 tiếng, tuần 7 ngày, tháng 30 ngày mà sao tôi cũng như các bạn tôi đều nói ngày tháng ở Mỹ sao mà chóng qua thật. Không giống như ngày nào trong trại cải tạo, ngày tháng sao mà quá dài, đếm trăng này lại đến trăng khác, đếm mãi cho đến lúc không còn nhớ đã bao nhiêu con trăng đã qua để mà đếm nữa. Ngày về thì vô vọng, không có bản án, chỉ một câu nói mơ hồ, “ngày nào các anh cải tạo tốt thì cách mạng sẽ cho các anh về.” Tốt nghĩa là thế nào" Sống chán nản, chờ đợi vô vọng đến nổi chỉ trách sao trước đây mình không trúng một viên đạn cho xong. Vậy mà rồi tất cả cũng qua, như một cơn ác mộng.
Thật khó ngờ nổi, ngay trên đất Mỹ này, tôi gặp lại đứa bạn nhỏ ngày xưa một cách tình cờ và hy hữu. Khi hai đứa gặp lại nhau thì đứa nào cũng luống tuổi.
Tôi nhớ, tôi nhận được một lá thư mà ngày tháng ngoài bìa đề cách 1 năm khi tôi nhận được, thì ra bức thư gởi đến cho tôi theo địa chỉ của đứa em bà cô, địa chỉ mà trước đây tôi đã ở khi mới đến Mỹ. Khi có thư em tôi đã bỏ vào hộïc bàn. Cái bàn đó cũ được thay bằng bàn mới và nó được đưa vào garage cùng với lá thư bỏ quên trong đó. Tình cờ sắp xếp lại nhà cửa, em tôi thấy lại lá thư và chuyển đến cho tôi.
Lật thư ra xem. Thì ra là “nó”. Biết bao hồi tưởng đã trở lại trong ký ức tôi. Hình ảnh thằng bạn nhỏ ngày xưa làm tôi xúc động và mừng rỡ, nhưng trong thâm tâm không biết có còn liên lạc được với nó hay không vì thư đã quá cũ.
LÊ THÁI