Hôm nay,  
CTA_United Educators_Display_728x90_Vietnamese - Nguoi Viet
CTA_United Educators_Display_300x250_Vietnamese - Nguoi Viet

... Mua Láng Giềng Gần

02/09/202009:29:00(Xem: 7012)

Trần C. Trí

Tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016 và thêm Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt từ năm 2000 cho tới nay.

****

blank

Mùa hè sắp hết. Vợ chồng tôi bảo nhau chịu khó chiều chiều đi bộ cho đều đặn trong khu xóm của mình, kẻo chẳng bao lâu nữa buổi chiều sẽ sớm tắt nắng, nhường chỗ cho mùa thu đang thong thả quay về. Bầu không khí trong khu xóm vẫn yên ả, một sự yên ả thật lạ lùng, trong lúc đại dịch COVID vẫn còn đang bao trùm cả tiểu bang Cali, cả nước Mỹ, cả thế giới—chẳng khác nào cái yên lặng trước một cơn bão lớn. Không ai bảo ai, chúng tôi sống tràn đầy từng ngày một; hết một ngày bình yên trôi qua là mừng cho ngày ấy. Những buổi chiều cuối cùng của mùa hè trong khu xóm thân quen thật sự đang mang lại cho chúng tôi một chút bình yên, như một lối thoát ra khỏi thực tại đầy âu lo. 

Khu xóm tôi nằm kế cận Little Saigon, thủ phủ của người Việt tị nạn, dễ có đến hơn một trăm căn nhà, xây thành ba mẫu chính, và mỗi mẫu lại có ba kiểu khác nhau. Đi ngoài đường thấy giao thông nhộn nhịp, ồn ào là thế, nhưng một khi đã vào bên trong khu xóm, người ta bỗng thấy như vừa được ngăn cách hẳn với thế giới bên ngoài vì bầu không trí trầm lắng, lặng lờ ở bên trong. Một đặc diểm dễ thương của khu xóm là các con đường đều mang tên một loài hoa trong tiếng Anh. Nhà chúng tôi ở trên đường mang tên Holly—loại hoa có lá răng cưa xanh, trái đỏ—thường được dùng làm hoa trang trí hay hình ảnh tượng trưng cho mùa Giáng sinh, mà tiếng Việt gọi là hoa ô rô.

Khi những tia nắng hè cuối ngày đang dần trở nên yếu ớt và nhiệt độ xuống thấp hơn, chúng tôi lại bắt đầu đi thả bộ trong xóm. Nhiều người khác cũng như chúng tôi, hoặc đi bộ, hoặc cưỡi xe đạp, đi cùng chiều hay ngược chiều với nhau. Có người còn dắt chó di cùng. Người này gật đầu chào người kia, hay nói với nhau vài câu bâng quơ. Đi bộ vào buổi chiều như thế này quả là một cái thú. Vợ tôi vẫn đi làm trong suốt những tháng qua trong mùa này, còn tôi ở nhà làm việc qua hệ thống Zoom. Dù làm việc kiểu nào đi nữa, chúng tôi đều thấy đi bộ trong xóm là cách gần như duy nhất để giải trí và tạm quên đi nhọc mệt cũng như bao lo nghĩ trong những ngày tháng này. Chúng tôi vừa đi vừa trao đổi với nhau những mẩu chuyện nho nhỏ về ngày làm việc vừa qua, hay tính toán những gì cần làm trong tuần, nhưng không còn dự tính những chuyện xa vời như những ngày trước nữa.

Một cái thú khác của chúng tôi khi đi bộ là ngắm cây cảnh trước từng căn nhà mà mình đi qua trong xóm. Mỗi nhà mỗi vẻ, mỗi khiếu thẩm mỹ khác nhau về các loại hoa lá, mang lại cho cả khu xóm muôn hồng nghìn tía. Đặc biệt, rất nhiều nhà trồng hoa sứ, đủ các màu sắc, khiến không gian lúc nào như cũng thoang thoảng mùi thơm dịu nhẹ của loài hoa này.  Vài nhà còn trồng cả cây ngọc lan, hương thơm gắt và mạnh. Có nhà trồng rặt nhiều loại cây xương rồng độc đáo, có nhà trồng chỉ một loại hoa, với duy nhất một màu. Có hôm, chúng tôi thấy một cây hoa lạ chưa bao giờ biết đến. Trên các cành nhỏ, lủng lẳng những đoá hoa màu hồng nhạt rủ xuống như những chiếc lồng đèn bé tí. Gặp cô chủ nhà đang đứng tưới cây, chúng tôi dừng lại hỏi thăm về cây hoa lạ mắt ấy (trong khi vẫn giữ khoảng cách tối thiểu 6 feet!). Cô vui vẻ trả lời chúng tôi, bảo rằng loại hoa lồng đèn này rất dễ trồng. Cô còn hẹn hôm nào sẽ chiết cho chúng tôi một cành để trồng thử.

Mỗi buổi chiều như vậy, chúng tôi đi bốn hay năm vòng trong xóm, qua nhiều con đường khác nhau, chỉ trừ những con đường ngắn đâm ngang vào hướng khác thì chúng tôi mới bỏ qua. Tính ra, đi bốn năm vòng như vậy cũng được khoảng vài miles. Đây cũng là dịp chúng tôi làm quen thêm nhiều người hàng xóm ở ngoài phạm vi của nhà mình. Chẳng hạn như ông cụ ở con đường bên cạnh đường Holly của chúng tôi. Ông đã cao tuổi lắm, đi đứng rất khó khăn. Mỗi lần gặp ông, chúng tôi lại lên tiếng chào thật to, vì ông khá nghễnh ngãng. Chẳng ai biết tên ai, vì ngoài lời chào hỏi, chúng tôi không nói chuyện, nhưng hình như bên nào cũng nhớ thời khoá biểu của nhau. Hôm nào không gặp nhau thấy có gì thiêu thiếu. Mấy hôm gần đây, chúng tôi thấy ông đã mang theo chiếc gậy để chống nên đi thấy vững hơn trước.

Cô hàng xóm có cây hoa lồng đèn (nhà cô ở phía sau đường nhà chúng tôi), chừng như đã quen mắt với hai vợ chồng chiều chiều vẫn đi ngang trước nhà. Một hôm, vừa thấy chúng tôi, cô cất tiếng hỏi vợ tôi: “Chị có muốn lấy vài cái cây về trồng cho vui không? Em cho chị nè!” Chúng tôi nhìn nhau, chưa biết phản ứng ra sao. Tôi vội nói với vợ tôi: “Em ở lại xem thế nào nhé. Anh đi tiếp đây!” Thế là cô chủ nhà vui vẻ mời vợ tôi ra phía sau nhà, còn tôi lại tiếp bước. Vừa đi, tôi vừa hình dung ra một cảnh tượng vui vẻ với vợ tôi hí hửng mang mấy cành cây về nhà. Quả có vậy, vì sau đó tôi cứ phải tiếp tục đi một mình, không thấy phu nhân của mình đâu nữa. Một lát sau, tôi gặp cô chủ nhà tốt bụng dắt con chó đi dạo, ngược chiều với tôi. Cô hỏi: “Chị về nhà trồng cây rồi phải không anh?” Tôi mỉm cười đáp lại: “Chắc vậy đó. Cám ơn chị nhiều nhe!” Cô hơi nhíu mày, hỏi tiếp: “À, mà nhà anh chị ở đâu há?” Tôi đưa tay ra dấu: “Nhà tụi tôi ở dãy sau lưng của chị đó. Từ ngoài cổng đi thẳng vào là nhà thứ nhì, bên tay trái.” Cô “Hoa Lồng Đèn” (tôi tạm gọi cô là như vậy vì vẫn chưa biết tên cô) gật gù quay đi, miệng lẩm nhẩm, chừng như để ghi nhớ: “... Từ ngoài cổng vào, nhà thứ nhì, bên trái...”



Một người hàng xóm mới nữa mà tôi muốn nhắc đến cũng rất đặc biệt, vì “chú bé” mới có ba tuổi đời! Chú hàng xóm mới này được hai người cẩn thận hộ tống trên chiếc xe đạp nhỏ xíu của chú, đó là mẹ và bà ngoại chú. Giờ đi bộ của chúng tôi cũng là giờ ăn chiều của chú. Chắc chú bé này đẻ bọc điều hay sao mà được cả mẹ lẫn bà ngoại xúm xít chạy theo để đút cơm cho chú. Chúng tôi thấy chú xinh xinh, mặt mày sáng sủa thật dễ thương nên lên tiếng chào hỏi. Mẹ chú vội nói: “Con chào ông bà đi!” Chú nhanh nhẩu khoanh tay và cúi đầu thật thấp mặc dù dang bận chơi. Vợ tôi bật cười thích thú, buột miệng khen: “Trời đất, con giỏi quá! Còn biết khoanh tay đàng hoàng lễ phép nữa!” Thế là chúng tôi có thêm mấy người hàng xóm mới nữa. Mỗi ngày chúng tôi lại thấy gần gũi nhau hơn một chút. Nhiều khi, chúng tôi còn phụ giùm bà ngoại, bảo chú bé: “Há miệng ra, con!” Thế là chú phản ứng một cách máy móc, há to miệng, trong khi bà ngoại mừng rỡ đút ngay một muỗng cơm vào miệng cháu. Chú chàng này nhìn có vẻ thích ngậm cơm mà không chịu nhai.  

Cách đây mấy hôm, khi chúng tôi đi ngang nhà chú bé thì thấy hình như chú đã xong bữa cơm chiều sau khi đã đạp xe lòng vòng trong xóm với mẹ và bà ngoại. Lúc đó, bà ngoại đã vào nhà, chỉ còn chú bé và mẹ đang vội vã đi về phía garage. Chúng tôi định chào hai mẹ con nhưng hơi ngại vì hai người đang quay lưng về phía mình—lại trông như đang bận bịu phải làm gì đó—nên lại thôi. Nhưng kìa, hai mẹ con quay trở ra. Người mẹ trẻ bảo con: “Con mang đến tặng ông bà đi!” Chú bé te tái băng qua đường chỗ chúng tôi đang dừng lại, hai tay cầm hai cái bao nhựa nhỏ, đưa cho vợ chồng tôi. Hoá ra trong mỗi cái bao là hai cái cái khẩu trang, một cặp dành cho đàn bà, cặp kia dành cho đàn ông, dựa theo kiểu cọ và màu sắc. Chúng tôi cảm động quá, ngước lên nhìn người mẹ trẻ, nói mấy lời cám ơn. Trên mỗi cái khẩu trang có đính một cái nhãn ghi mấy dòng chữ “With Love from Stacy”. Tôi hỏi người mẹ: “Stacy là cô há? Khẩu trang này may professional quá!” Cô đáp: “Dạ không, tên của mẹ cháu đó.” Lúc này, bà ngoại chú bé cũng vừa từ trong bước ra. Vợ tôi nhìn bà nói: “Cám ơn chị nghe. Chị may khéo quá.” Bà ngoại chú bé cười thật tươi: “Tụi tôi may nhiều mấy cái này cho chùa lắm!”

Chúng tôi cám ơn bà một lần nữa rồi quay đi, trong lòng cả hai vẫn còn xúc động. Tôi bảo vợ tôi: “Nhận được món quà này thật là vui buồn lẫn lộn há em. Vui vì mấy món quà này là một biểu hiện ấm lòng của tình chòm xóm, mà buồn là vì chỉ có thời buổi lạ lùng như vầy mới tặng nhau khẩu trang!”

Thế là ngay hôm sau, thay vì mang hai chiếc khẩu trang màu trắng bình thường của mình khi đi bộ trong xóm, chúng tôi mang hai cái khẩu trang mới, may hai lớp cẩn thận  với hai màu khác nhau để phân biệt mặt trong mặt ngoài. Bà ngoại của chú bé có thấy chắc hẳn sẽ vui lòng mát dạ.

Những mẩu chuyện nho nhỏ mà thấm thía đối với chúng tôi về tình hàng xóm, lẽ ra đến đây là tạm kết thúc, nhưng lúc tôi còn đang ngồi gõ những dòng chữ này thì có tiếng chuông bấm ngoài cửa. Tôi chạy xuống lầu, ngó qua cái lỗ tròn trên cửa xem ai gọi. Thì ra đó là Debbie, cô hàng xóm người Miên kế bên nhà chúng tôi. Bình thường thì tôi đã mời cô vào nhà ngồi nói chuyện, nhưng nay chắc cô cũng thông cảm thời buổi cách ly nên chúng tôi chỉ đứng cách xa nhau mà đối đáp. Debbie không biết tiếng Việt, còn tôi dĩ nhiên chỉ biết nói “hủ tiếu Nam Vang” chứ không biết một chữ Miên nào khác, nên chúng tôi phải dùng tiếng Anh là “lingua franca” để nói chuyện với nhau. Debbie cho biết là cả nhà cô sẽ đi xa một tuần lễ và nhờ chúng tôi (nếu có thể—cô cẩn thận nhấn mạnh) tưới giùm mấy cây hoa trước nhà, vì mấy tuần nay trời nóng quá, cô thêm vào. Tôi sốt sắng nhận lời ngay, bảo cô đừng lo gì cả, và chúc cả nhà cô đi chơi vui vẻ. Debbie nói thêm, giơ lên một cái chìa khoá, nhờ chúng tôi mở cửa bên hông nhà cô để tưới cho những cái cây phía sau vườn nữa. Tôi cũng hoan hỉ nhận lời nốt—thầm nghĩ trong bụng, láng giềng trong những lúc này mới thật là láng giềng. Debbie rối rít nói cám ơn tôi. Cô bỏ cái chìa khoá vào một cái bao nhỏ rồi đưa cho tôi. Khi Debbie vừa quay lưng bước đi, tôi mới nhận ra rằng cái bao mà cô bỏ chìa khoá vào là một cái bao đựng gift card để mua pizza! Thế là tôi vội vàng nói với theo: “What do you think you’re doing, Debbie? Oh my God, that’s bribery! No!!!” Cô vừa tiếp tục đi, vừa cười nói: “That’s nothing. Don’t mention it.”

Ấy vậy là tôi phải quay trở vào, trong lòng thấy nặng trĩu. Chưa kịp vui vì có dịp giúp đỡ cô hàng xóm rất dễ thương với vợ chồng tôi, bây giờ tôi phải làm gì với cái gift card đây? Đem qua nhà cô để trả lại, nhất định không nhận, thì sẽ làm cô không thoải mái mà nhờ chúng tôi giúp. Còn giữ nó để đi mua pizza về cho cả nhà ăn (hai đứa nhỏ nhà tôi mê pizza như bất kỳ những đứa trẻ Mỹ nào!), thì đúng là “Rằng ngon thì thật là ngon, ăn vào mới thấy đời còn éo le!”  

Nếu quý độc giả ở vào hoàn cảnh của tôi, quý vị sẽ xử sự như thế nào?

Trần C. Trí

_________________________________________________________________

  • Những tên riêng đã được thay đổi để giữ riêng tư cho các nhân vật trong truyện.

 

Ý kiến bạn đọc
21/09/202016:44:28
Khách
Nếu là tôi thì tôi tìm 2 - 3 người homeless và dùng gift card mua pizza cho họ . Phân chia cho mỗi người homeless 1/2 cái large pizza để họ có thể ăn hết trong 1 - 2 lần trong ngày , cách này là cách không cho họ có dư để có thể để dành đến ngày hôm sau , tránh food poisoning .

Tôi đã từng làm volunteer trong soup kitchen và học được rằng luật tiểu bang nơi tôi ở cấm chúng tôi không cho người homeless mang đồ ăn về . Họ có thể ăn ở soup kitchen bao nhiêu cũng được , nhưng không được mang về . Vì họ không có nhà ở nên không có tủ lạnh . Nếu họ mang đồ ăn về và để dành cho ngày hôm sau thì đồ ăn sẽ hư và họ sẽ bị food poisoning sau khi ăn đồ hư . Luật tiểu bang nghiêm khắc là để bảo vệ người homeless .
05/09/202014:04:20
Khách
Ấm áp, nhẹ nhàng, chân thành, yêu thương... Mít, Mỹ, Miên, v.v., đề huề tình hàng xóm!
Khi ta giúp người, ta hạnh phúc. Khi người cho ta, người vui. Vì vậy, theo tôi, tác giả nên nhận cái gift card để cho chị láng giềng vui. Tác giả có thể dùng cái gift card để mua pizza cho các cháu; hay nếu muốn hạnh phúc được nối dài, được lan rộng, tác giả có thể mang cái gift card đó tặng cho soup kitchen, nơi phát đồ ăn cho người vô gia cư, hay tặng thẳng cho một người vô gia cư nào đó.
Kính chúc vợ chồng tác giả luôn bình an, khỏe mạnh, để tiếp tục tay trong tay tản bộ hạnh phúc trong nhiều nhiều năm sắp tới.
05/09/202012:28:46
Khách
Cám ơn anh Trần C. Trí!
Hạnh phúc xem ra là những điều rất giản dị.
Lòng không dưng nhẹ, bình an...
02/09/202021:14:41
Khách
Nếu quý độc giả ở vào hoàn cảnh của tôi, quý vị sẽ xử sự như thế nào?
Thì tôi vẫn xài nó đi mua pizza về ăn. Rồi khi tới phiên tôi nhờ hàng xóm tưới cây, thì tôi sẽ đưa chìa khóa kèm theo một khay gỏi cuốn. Vậy là vui vẻ cả làng không ai bị nặng mình nặng mẩy! :-)
02/09/202021:07:25
Khách
1. Đợi gia đình hàng xóm về, order pizza, một nửa delivery cho nhà hàng xóm, một nửa delivery cho nhà mình ; đến lúc nào hết tiền trên gift card

Hoặc:
2. Chờ đến Christmas, tặng lại gift card cho gia đình nhà hàng xóm.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 1,761,909
Ngày 6 tháng 1, 2021, cả nước Mỹ sững sờ theo dõi một cảnh tượng không thể ngờ: một đám đông mang vũ khí tràn chiếm và đập phá Điện Capitol -- trụ sở của ngành lập pháp Hoa Kỳ, đòi treo cổ Phó Tổng Thống Mike Pence và “trừng trị” các Dân Biểu, Thượng Nghị Sĩ trong khi họ đang làm một nhiệm vụ quan trọng theo hiến pháp là xác nhận kết quả bầu cử Tổng Thống. Hầu hết người dân Hoa Kỳ lo lắng, buồn phiền, tức giận, xấu hổ. Trong khi đó, rất nhiều người Mỹ gốc Việt tị nạn Cộng Sản phải đối mặt với nỗi đau nhân đôi, bởi vì nhiều lá cờ vàng ba sọc đỏ đã xuất hiện trong đám bạo loạn.
Cô bé tẻo teo mà giết cả triệu người trong một năm; nạn nhân và thân nhân của họ không hề nhìn thấy hình dạng cô thế nào; cô là một hung thủ vô hình vô ảnh, biến hóa lợi hại còn hơn triệu lần sợi lông của Tôn hành giả. Mỗi nạn nhân của cô kéo theo nỗi đau khổ của cả chục thân nhân, bằng hữu.
Niềm mơ ước và mong chờ nhất của tất cả người dân đã trở thành sự thật, Hoa Kỳ đã có những loại thuốc chủng ngừa Covid-19 của Pfizer và Moderna. Cả hai loại vaccine này đều chích 2 mũi. Vaccine Pfizer cần nơi có nhiệt độ rất lạnh, -94 độ F, còn vaccine của Moderna có thể giữ trong tủ lạnh. Qua sự giải thích của những vị Bác Sĩ trong Youtube, tôi hiểu rằng, vaccine là một vật thể, được đưa vào cơ thể chúng ta, để kích thích hệ miễn dịch, dạy cho hệ miễn dịch của chúng ta khoẻ hơn.
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice—A Journey of Hope” của Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009. Cô sinh năm 1970 ở Đà Nẵng, 15 tuổi vượt biên, định cư tại Mỹ năm 1986 với tên Crystal H. Vo. Kết hôn và thành con dâu một gia đình Mỹ, cô đã dành trọn thì giờ để học sống và viết bằng Anh ngữ.. Sau đây, là bài viết mới.
Hôm nay trời trong, nắng đẹp, không âm u như mọi hôm. Mùa Thu mát mẻ dịu dàng. Một số lá vàng còn sót trên cành từ từ rơi theo từng cơn gió nhẹ. Đám cúc nhiều màu: vàng, tím trước sân đang nở rộ. Vài con sóc nhanh nhẹn chạy qua lại rồi leo lên cây, con trước con sau như đùa nhau. Sân sau họ hàng nhà nai, ba con lớn hai con nhỏ thong thả, nhơn nhơ ăn cỏ non. Hai con nai nhỏ này thật mau lớn. Tháng trước chúng còn lẽo đẽo theo gần mẹ, nay đi cách khoảng xa xa. Chúng rất dạn, chẳng hề sợ hãi khi thấy bóng người.
Rời xa quê nhà đã rất lâu nhưng tôi vẫn nhớ những củ khoai ngày cũ mà mình ưa thích! Mỗi lần đi vào tiệm thực phẩm hay để ý tìm nhưng tuyệt nhiên không thấy! Cách đây khoảng hơn năm, rất tình cờ tôi nhìn thấy những củ khoai lang tím nằm bên cạnh những loại khoai khác trong một tiệm bán thực phẩm gần nhà! Ôi, xa xôi ngộ cố tri! Vui gì đâu! Mua ngay một mớ mang về, mặc dù họ bán không rẻ, $3.99/1 pound, trong khi các loại khoai khác chỉ $1.49 hoặc $1.99/1pound! Bán mắc như thế nhưng không phải lúc nào chúng cũng hiện diện trên quầy hàng! Hên thì tuần nào cũng có, không hên thì 2, 3 tuần mới có một lần!
Tác giả là cây viết quen thuộc của chương trình VVNM, được nhận giải “Danh dự” và giải chung kết “Vinh danh tác phẩm”. Ông về hưu và đang định cư tại Orange County.
Tuổi mới lớn và mối tình đầu với nhiều say đắm, hai đứa lén lút trong mỗi lần hẹn hò vì gia đình em khe khắt, ngăn cấm cuộc hôn nhân không môn đăng hộ đối này, loay hoay thế nào thì em có thai trước ngày cưới, Mẹ em giận dữ biết bao nhiêu, nhưng cũng ép lòng cho tổ chức đám cưới, chính xác là bên nhà em đình đám để khỏi tai tiếng với họ hàng, đàng trai không có ai đến vì mặc cảm, tôi nghèo đến độ phải mượn bạn bộ đồ vest cho tươm tất để làm chú rể, không có rước dâu hay quà cáp linh đình, tôi biết em không vui nhưng vì yêu tôi , em chấp nhận mọi thiệt thòi trong ngày thành hôn trọng đại của một thời con gái. Tôi cảm kích tình yêu của em và thấy như mình có tội, cái tội quá nghèo không xứng tầm với em.
Đôi dòng về tác giả: -Tên thật: Nguyễn Thị Kim Loan, sinh năm 1966 - Là cô giáo tiểu học khi còn ở Việt Nam -Vượt biên và sống ở trại tỵ nạn Thailand từ 1989-1993 -Định cư tại Canada từ 1994 đến nay.
Nhớ lại lúc mới qua Mỹ, đám cưới kỷ niệm đúng ngày Noel để tiện con cháu về nhà nghỉ lễ, và bà con từ xa đến. Lúc đó gia đình chỉ khoảng 20 người vì còn nhiều em chưa lập gia đình. Các cô các chú lấy chồng lấy vợ tăng dần thêm nhiều cháu, hiện tại đại gia đình đã vượt hơn bốn mươi người, điều may mắn con cái ở gần ngôi nhà của ba mẹ chỉ khoảng 10 phút, 15 phút hay xa lắm chỉ mất 30 phút lái xe. Ba mẹ chồng tôi luôn nhớ người đã khuất, hạnh phúc của ông bà mong có ngôi nhà Từ Đường thờ cúng từ vế Cố Ngoại Nội trở xuống, ngoài ra còn thêm cậu, cô, dì...v...v... Nhập gia tùy tục… Ngoài những buổi kỵ giỗ, con cái họp lại vào dịp lễ Thanksgiving, Noel, Newyear countdown và Tết Việt Nam .