Bài tham dự số 52\VBST
Ông Hồ Quang Đặng, 61 tuổi, chỉ mới tới Mỹ từ tháng 7-1998, thuộc diện ROVR, tức chương trình tái định cư những thuyền nhân VN tự nguyện hồi hương từ tháng 10 năm 1995 đến tháng sáu, năm 1996."
Từng là nhà giáo, sĩ quan VNCH, hiệu trưởng trường Quân Đội Quang Trung, ông Đặng vượt biển năm 90. Thuyền bị 4 tầu hải tặc Thái cướp giết, hãm hiếp, hơn 80 người chết.
Sống sót, vào trại tị nạn Mã Lai sáu năm, ba lần biểu tình tuyệt thực, đành phải hồi hương năm 1986. Hơn một năm sau, thình lình được xếp diện ROVR.
Kinh nghiệm và tâm huyết của ông Đặng trên đất Mỹ thật đáng cho người đọc trân trọng.
"Cột đèn không có chân. Nếu có chân nó cũng đã đi rồi." Câu trả lời của một nhà hài hước đã trở thành giai thoại truyền tụng khắp miền Nam VN trong hai thập niên qua, khi bàn đến việc "bỏ nước ra đi, tìm tự do".
Gia đình tôi cũng thế. Bao nhiêu tiền bạc, của cải đều làm lộ phí cho ba người con "đi tìm tự do". Thậm chí cái gác xép bằng gỗ, cái quạt trần cũng tháo xuống để bán lấy tiền "tìm đường vượt biên".
Sau bao lần thất bại, nhờ ơn Chúa cuối cùng cũng thành công. Người con gái đến Tây Đức, người con trai đến Canada.
Đến phiên tôi! Từ vịnh Hạ Long, Bãi Cháy, Đồ Sơn cho đến Long Thành, Bà Rịa, Vũng Tàu, "Đi không lại trở về không".
Lần cuối, đầu năm 1990, tại Cần Thơ lại thành công! Sau hai ngày trên mặt biển yên lặng như mặt nước hồ thu, tôi tưởng rằng mình sẽ đến "Thiên đàng" không mấy khó khăn. Mọi người trên ghe vui đùa như ngày hội. Táo, nho, Coca-cola tung ra ăn mừng giữa biển khơi thanh vắng. Bầu trời tự do đã trải rộng ra trước mắt.
- Anh đi đâu" Tôi đi Úc.
- Chị đi đâu" Tôi đi Mỹ.
Nỗi vui mừng khôn tả xiết. Mọi người tâm sự nhau rất chân thành như đã quen nhau từ lâu.
Từ xa, bỗng có bốn đốm đen hiện ra. Rõ dần, rõ dần. Bốn chiếc tàu.
Mọi người nhốn nháo! Mình sẽ được tàu vớt! May quá! Mới có hai ngày mà đã gặp được tàu nước ngoài!
Nhưng, bốn tàu Thái Lan hiện ra trước mắt! Đánh cá hay hải tặc"
Bốn chiếc tàu sắt vây chặt chiếc ghe vượt biên nhỏ bé. Chúng đã tấn công chúng tôi từ 6 giờ chiều đến 9 giờ tối. Cướp của, giết người, hãm hiếp phụ nữ là bài bản của "loài quỷ biển." Cuối cùng, chúng dùng hành động vô cùng dã man của thời phong kiến: "Tứ mã phanh thây". Chiếc ghe chúng tôi bị chúng cột để cho bốn chiếc tàu sắt chạy bốn hướng. Phần trên phân nửa chiếc ghe trôi dạt vào giàn khoan B của Mã Lai. Hơn tám chục người đã hy sinh trên biển cả. Cái giá quá đắt mà thuyền nhân phải trả khi đi tìm tự do!
Tôi, may mắn còn sống! Đến Bidong rồi qua qua SungaiBesi. Sáu năm ở đây, ba lần biểu tình, đương đầu với Taskforce, Mã Lai, với xe tăng, thiết giáp, trực thăng! Thuyền nhân đâm bụng, lính Mã Lai đạp cho lòi ruột ra! Nhưng "Thiên đàng" vẫn còn xa!
Cánh cửa lòng nhân đạo của thế giới tự do đã khóa chặt!
Bi trường kịch của "Thuyền nhân Việt Nam" đã đến hồi kết thúc!
"Chánh phủ Hoa Kỳ đồng ý cho các nước tạm dung (Mã Lai, Hongkong, Phi, Indo, Thái Lan) dùng vũ lực để bắt hồi hương tất cả thuyền nhân. Nhưng không được quá đáng".
Trên đây là lời tuyên bố của bà Ngoại Trưởng Madeleine Albright tại hội nghị về thuyền nhân ở Genève. Mỹ đã bật đèn xanh. Các nước tạm dung tha hồ dùng vũ lực để cưỡng bức hồi hương. Cảnh sát Hongkong khiêng phụ nữ VN quăng lên phi cơ. Lính Mã Lai đạp lòi ruột thuyền nhân VN khi họ đâm bụng. Mỗi ngày lính Mã Lai bắn hàng trăm lựu đặn cay vào các Long House.
Bi trường kịch thuyền nhân Việt Nam đã kết thúc bằng môt màn vô cùng dã man, tàn bạo! Phải nói rằng đây là một điểm không bao giờ xóa được trong những trang sử "Cứu người tị nạn cao ủy LHQ"!
Lịch sử sẽ lên án các tội đồ.
Cao ủy tị nạn hoàn toàn chịu trách nhiệm trước "Tòa án lương tâm" Về thái độ làm ngơ của họ để cho các nước lạm dụng tấn công dã man, tàn bạo những thuyền nhân, tay yếu, chân mềm.
Họ chỉ có một ước vọng nhỏ bé là "Tự Do". Họ chỉ có quả tim nồng cháy vì "Tự do"! Họ chỉ có một ý chí sắt đá: "Tự do hay là cái chết."
Đường lên thiên đàng đã bít lối. Chỉ còn con đường duy nhất là tự nguyện hồi hương.
Tháng 3, năm 1996 tôi hồi hương trên chuyến bay cuối cùng (sau đó hồi hương bằng tàu).
Ngày 14-7-1997 tôi được thư báo của tòa Đại sứ Mỹ Bangkok "Bạn đã đủ điều kiện định cư ở Hoa Kỳ. Yêu cầu gặp phái đoàn Mỹ tại 184 bis Pasteur Q.1 HCMC."
Đọc thư báo, tôi bàng hoàng sửng sốt! Ở Mã Lai sáu năm, biểu tình ba lần, mồ hôi, nước mắt hòa với máu mà không được đi định cư. Bây giờ, tự nhiên có giấy gọi đi Mỹ!
Mộng hay thực!"
Trong khi đó, tại khu phố tôi ở cũng có một "Việt Kiều Yêu Nước" vừa mới từ Mỹ mới về. Vợ tôi hỏi ông ta. Ông trả lời: "Làm gì có chuyện đó. Tôi chưa nghe bao giờ!"
Tôi đến 184 bis Pasteur. Ở đây cho tôi biết: "ông đã được chánh phủ Mỹ cho tái định cư."
Tôi lập tức điện thoại cho người em gái kế tại Seattle để hỏi thăm về cuộc sống tại Mỹ đến với người già. Em tôi nói:
"Nếu anh có mộng làm giàu thì đừng qua Mỹ bởi vì anh già rồi (60 tuổi). Còn nếu anh muốn sống thọ thì qua, vì bên này thức ăn, nước uống, thuốc men luôn luôn dư thừa, đầy đủ dinh dưỡng. Người ta giàu đi xe đời mới, tủ lạnh, tivi, máy điều hòa... Mình nghèo đi xe cũ, cũng tủ lạnh, tivi... Đi xe mới thì đến trước, xe cũ đến sau. Anh không lo thất nghiệp, anh biết tiếng Anh, tiếng Hoa, tiếng Pháp... Anh chỉ lo sức khỏe thôi!"
Tôi lại chưa yên lòng, điện thoại cho người em gái thứ tư. Em tôi nói:
"Anh già rồi! Qua Mỹ làm gì! Cực khổ lắm. Ở VN anh làm giám đốc công ty tư nhân. Sướng gấp mấy lần qua đây. Bên này, ai mướn anh" Sáu mươi tuổi rồi! Mỹ, nó chê già, không mướn anh đâu. Ở nhà thì buồn lắm! Ai chơi với anh" Ai nói chuyện với anh" Anh có xem vở kịch "Dạ cổ hoài lang" chưa" Trong vở kịch đó có hai ông già qua Mỹ, buồn quá trèo lên nóc building nhìn về nước VN hình chữ "S" rồi than vắn, thở dài. Em nghe nói có bọn "Việt Kiều Yêu Nước" về VN muốn mua tác quyền vở kịch đó mà tác giả không bán. Anh đi xem vở kịch đó đi rồi quyết định đi Mỹ hay không!"
Hai cô em, hai ý kiến.
Nhà tôi thấy vậy, góp ý:
"Hồi xưa (75-78) em có nói qua Mỹ được sờ nữ thần tự do rồi chết, chắc em cũng vui. Hay qua Pháp đập đầu vào tháp Eiffel mà chết em cũng bằng lòng. Lắm lúc em còn nói: ai mang các con mình ra khỏi nước VN thì em sẽ làm nô lệ người đó trọn đời. Thế mà có được đâu! Bây giờ, anh được giấy báo của chính phủ Mỹ cho định cư thì lại sợ" Ở đâu cũng phải làm. Có làm mới có ăn. Tay làm hàm nhai. Hai đứa lớn đã an cư lạc nghiệp rồi. Bây giờ mình chỉ còn út Thịnh. Chẳng lẽ để nó chôn vùi cuộc đời ở VN! Nó là con của "Ngụy"! Nó làm gì" Mình đi Mỹ là vì tương lai của nó. Ở đây làm gì nó có lý lịch ba đời cách mạng" Mỹ quốc không phải là thiên đàng, nhưng chắc chắn có tự do, có nhân quyền, có đường tiến thân...Anh suy nghĩ kỹ đi."
Tôi quyết định đi Mỹ. Xin từ chức Giám Đốc công ty TNHH ở VN. Giao cơ sở, tài sản lại cho hai người cháu kêu bằng cậu.
Chúng tôi đến Arizona ngày 13 tháng 7, 1998, giữa mùa nắng cháy da người. Đích thân ông Abdul, giám đốc USCC ra phi trường đón gia đình chúng tôi và đưa chúng tôi về một căn hộ đã mướn sẵn. Tủ lạnh đầy đủ thức ăn, nước uống.
Một cuộc sống mới bắt đầu.
May mắn thay, trong thời gian ở tại Sungai Besi, tôi làm nghề dạy học nên có rất nhiều học viên nghe tên tôi qua đã tìm đến thăm. Người cho ly tách, người cho sách báo, cam, táo.v.v...
Các em thuật cho tôi nghe cuộc sống ở đây. Bấm thẻ, cà thẻ.... Một ngày làm việc 8 giờ. Một tuần làm 40 giờ. Qua 40 giờ được lãnh overtime. Để rồi, cuối tháng thanh toán bill nhà, bill điện, điện thoại, trả góp xe, trả bảo hiểm...
Một gia đình có ba hay bốn người đi làm thì dễ mua xe, mua nhà. Thức ăn, nước uống có thừa nhưng thời gian thì không thừa. Không đi học thêm Anh ngữ thì làm overtime. Không có thời gian ngồi không đấu láo. Không còn những phút giây la cà các quán cà phê vỉa hè hay lẫu dê, lẫu lươn, lẫu cá kèo, bia hơi...
"Chán lắm thầy ơi!"
Các em học viên của tôi qua đây trước đều nói một câu như vậy.
"Anh già rồi, qua Mỹ làm gì"" Câu nói đó còn văng vẳng bên tai. Một tháng trôi qua. Tôi chỉ ở nhà đọc sách báo Mỹ, đọc tài liệu hướng dẫn đời sống Hoa kỳ do hội USCC đưa. Thèm sách, báo VN quá chừng!
Dịp may đầu tiên đã đến. Một mục sư đến nhà chở tôi đi xin việc làm: hãng hoa, tám đồng một giờ. Công việc làm đầu tiên trên đất Mỹ. Sáng 6 giờ sách gà mên cơm lủng lẳng đến hãng. (Làm gì có tiền mà mua xe!) Chín giờ break time 15 phút. Mười hai giờ trưa thì lunch ba chục phút. Nhiệm vụ của tôi là khui các hộp hoa từ các nơi gởi đến, cắt gọn, bỏ lá úa.. và phân loại để vào thùng đã có chứa nước thuốc cho hoa tươi.
Được ba ngày, mưa bão khắp nơi, hoa về không nhiều. Làm mới hai giờ mà đã hết hoa. Chủ cho về sớm. Ngày đó được 16 USD. Ngày thứ năm, thứ sáu cũng thế. Tôi xin nghỉ việc.
Job đầu tiên chết yểu. Lòng buồn vô hạn! Bên tai vẫn văng vẳng câu: "Anh già rồi! Qua Mỹ mà làm gì!"
Ba ngày làm hãng hoa là kỷ niệm đầu đời ở Mỹ, một kỷ niệm khó quên nơi "Địa Đàng" này!
Đời tôi lắm lúc quá thăng trầm: lớn lên, tốt nghiệp sư phạm, đi dạy học rồi làm Hiệu Trưởng; tổng động viên vào trường Thủ Đức. Ra trường bộ binh là sĩ quan, rồi làm Hiệu Trưởng quân đội. vượt biên qua Mã Lai bị cầm giữ ở trại ti nạn cũng làm nghề dạy học. Sau sáu năm ở "trại tù quốc tế Sungai Besi", trở về Việt Nam làm Giám đốc công ty TNHH.
Hôm nay qua Mỹ xin làm cu-li còn bị chê già!
Trong cái rủi cũng có cái may. Tại hãng hoa tôi gặp một khóa đàn anh, Đại úy Tiên (khóa 18 SQTB/TĐ).
Vừa nghỉ hãng hoa một ngày thì anh Tiên đến thăm. Anh em tâm tình. Tôi luôn luôn coi anh là một huynh trưởng. Anh cũng lớn hơn tôi năm tuổi. Nhưng anh qua Mỹ được mười năm rồi, sau khi đã chung đủ chín năm trong trại cải tạo!
Tình đồng hương, đồng đội làm cho chúng tôi mau chóng khắn khít nhau. Anh Tiên luôn luôn an ủi tôi, chỉ vẽ cho tôi đủ điều. Có giờ rỗi rảnh là anh lại nhà, đưa tôi đi apply đủ chỗ. Anh nói: "Ở Mỹ, mình phải đi quăng application thật nhiều. Chỗ nào kêu trước thì làm trước; chỗ nào trả tiền nhiều thì làm, trả bèo thì bỏ." Tôi xin đổ xăng anh cũng không cho. Có buổi đi bốn nơi rồi cả hai về nhà ăn cơm "bà xã".
Nếu không có anh thì Mỹ quốc chán lắm! Anh luôn luôn mang niềm vui đến cho gia đình tôi nên "nhà tôi" đặt cho anh một tên riêng là "Anh Vui".
Thấm thoát ba tháng đã trôi qua. Tôi chỉ xài tiền nhà. "Ở không ăn, núi cũng lở (Tọa thực sơn băng). Tôi hơi sốt ruột!
Tôi lại tự ti mặc cảm: Mỹ cũng chê mình già! Lòng buồn vô hạn. "Anh già rồi, qua Mỹ làm gì"" Câu nói này lại văng vẳng bên tai.
Thôi thì: "Ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn". Ý nghĩ trở về VN lại nhen nhúm trong tâm trí tôi. Tôi tự trách: "làm giám đốc không chịu, đi làm cu-li, còn bị chê già!"
Anh Tiên lại đến. Ý nghĩ đó lại tiêu tan. Anh kể chuyện tù cải tạo. Tôi kể chuyện vượt biên bị hải tặc và biểu tình đâm bụng ở Mã Lai.
Ngày qua ngày! Đầu tháng mười một, anh Tiên lại nhà tôi thật sớm. Anh nói:
"Ông đi với tôi!"
"Đi đâu""
"Đi đến Bưu Điện điền đơn."
Tôi không bao giờ dám cãi lời huynh trưởng. Hai anh em đến Bưu điện Arizona điền đơn. Nhân viên ở đây hẹn 7 giờ sáng thứ Tư đến phỏng vấn.
Tôi hồi hộp chờ ngày đi phỏng vấn. Tờ mờ sáng, trời khá lạnh, hai anh em chúng tôi đến Bưu điện. Phòng hội đã chật người. Đúng 7 giờ, mỗi người được phát một tập hồ sơ để tự điền theo sự hướng dẫn của nhân viên Bưu Điện. Nhìn quanh quẩn, trong phòng chỉ có hai người Việt Nam, Mỹ trắng, Mỹ đen, Mễ, Ấn độ. Nhưng đa số vẫn là Mỹ trắng.
Tôi quay qua anh Tiên và nói:
"Mất công quá, anh Tiên! Mình là Việt Nam thì làm sao tranh được với họ."
"Đừng có lo! Cứ việc điền hồ sơ và chờ phỏng vấn."
"Mình không đậu nổi đâu. Mỹ binh Mỹ. Mình là Việt Nam, làm sao bằng họ được!""
"Tôi ở đây lâu rồi" Tôi biết mà. Cứ chờ phỏng vấn."
Tôi hồi hộp chờ đợi.
Đến phiên tôi. Một người Mỹ, khoảng 45 tuổi, đến chỗ tôi ngồi, chào hỏi xã giao và đích thân dẫn tôi vào phòng. Tôi hơi sợ! Ông chỉ ghế cho tôi ngồi. Với vốn tiếng Anh ESL tôi cũng cố gắng tấn công trước (Tiên hạ thủ di cường!):
"Tôi vừa đến Mỹ được 5 tháng. Tôi học tiếng Anh ở hội Việt Mỹ khi tôi còn ở trong quân đội VNCH. Sáu năm ở Mã Lai, giọng của tôi lai Mã, rất khác giọng Mỹ của ông. Xin ông vui lòng nói chầm chậm."
"Tôi biết. Tôi đã đọc hồ sơ của anh. Anh qua Mỹ theo diện nào""
"Diện ROVR."
"ROVR là gì""
"ROVR là chương trình tái định cư đã được quốc hội Hoa kỳ chấp thuận cho những thuyền nhân tự nguyện hồi hương từ tháng 10 năm 1995 đến tháng sáu, năm 1996."
"Gia đình anh có mấy người""
"Có ba người. Vợ tôi, con tôi và tôi."
"Anh là cựu quân nhân QLVNCH""
"Đúng. Tôi là cựu quân nhân."
"Cấp bực""
"Trung úy Bộ binh."
"Được rồi. Tập hồ sơ nầy anh còn bỏ sót vài chỗ. Hãy ghi thêm cho đầy đủ. Sau đó, anh qua phòng bên cạnh lăn tay (FBI)."
Tôi không hy vọng chút nào về cái job nầy!
Cuối tháng mười một tôi nhận được thư của Bưu Điện với tựa đề thật lớn: "Congratulation".
Mừng quá, tôi vộ vã tìm anh Tiên. Anh chưa được thư báo. Tôi lo cho anh. Nhưng, ngay hôm sau anh cũng được thư như tôi. Thế là hai anh em vào làm Bưu Điện Mỹ (United States Postal Service).
Hơn hai trăm thí sinh mà chỉ có sáu chục người vào làm, mặc dầu chỉ làm mùa Giáng Sinh thôi: từ ngày 5 đến 25 tháng 12. Hai mươi mốt ngày liên tiếp, 3 tuần lễ, chúng tôi phải làm việc liên tục, mỗi ngày 12 giờ, tính thành tiền được 108 đô la/một ngày.
Job thứ hai trên đất Mỹ tương đối khả quan. Nhưng khi Chúa Giáng Sinh thì chúng tôi cũng sẽ phải nghỉ việc! Lần đầu tiên trong đời, trên đất Mỹ, cầm trên tay hai cái check khá nặng (Bưu điện phát check 2 lần). Thành quả lao động trên đất Mỹ!
Đêm Giáng Sinh (24-12) Nhân viên Bưu Điện vẫn phải làm việc. Các xe thơ đi suốt đêm (We deliver for you every night). Tôi làm việc đến mười hai giờ đêm, người Supervisor đến bắt tay, chúc mừng Giáng Sinh. Sau đó ông đưa cho tôi một tấm giấy nhỏ ghi rõ ràng kỳ thi vào Bưu Điện - Khóa 470. Ông còn căn dặn "không được quên". Ba năm mới có một kỳ thi. Tôi nói:
"Tôi là người Việt Nam, mới qua Mỹ được 6 tháng, khó mà tranh tài với người Mỹ."
"Anh đừng nản chí. Tôi nói anh sẽ đậu."
"Cám ơn ông. Tôi xin ghi nhớ lời ông dặn, xin chúc ông và gia đình một mùa Giáng Sinh vui hơn, một năm mới tốt đẹp. Mặc dầu thời gian làm việc ở đây không lâu, nhưng tôi rất thích thú. Tôi rất thích về lối làm việc của ông!"
Sau đó, ông đưa cho tôi một phong thư và căn dặn khi đi ghi tên thi vào Bưu điện nhớ đưa cho Ban Giám Đốc, trong đó có câu: "I found this person to be cooperative, self motivated, professional and definitely trustworthy, frankly, if the positions were not already filled, I would rehire this person again without hesitation.."
Mặc dầu sẽ có kỳ thi, có thư giới thiệu, nhưng tôi cũng không thể nằm nhà chờ sung rụng trong khi đó thời hạn hưởng Food stamp. Welfare đã hết.
Trên đất Mỹ có nhiều thứ bill, nhưng bill nhà là quan trọng hơn cả. Không trả nổi bill nhà thì "homeless"!
Vừa chào mừng thiên niên kỷ xong thì anh Tiên và tôi lại đi xin việc: một hãng tiện khá lớn ở Phoenix. Vừa nộp đơn thì được phỏng vấn. Người phỏng vấn là một Supervisor Mỹ gốc Việt. Câu đầu tiên mà ông ta hỏi tôi là:
"Xin lỗi chú, chú có đi lính VNCH hay không""
"À, Có. Chú là Trung Úy, khóa 20 Thủ Đức." Tôi hơi ngạc nhiên về câu hỏi nầy, nhưng nói thêm "Còn bác kia Đại úy Tiên, khóa 18 Thủ Đức."
"Sở dĩ cháu hỏi chú có đi lính VNCH hay không bởi vì ba cháu là thiếu tá An Ninh Quân Đội, học tập cải tạo mười một năm. Ba cháu qua đây rồi, nhưng không có đi làm. Ông yếu lắm!"
Sau đó, ông ta chỉ hỏi qua loa vài câu rồi thôi và mời Đại úy Tiên vào. Cũng chỉ vài câu. Ông rất vui khi biết cả hai là sĩ quan QLVNCH và biết nói tiếng Anh (Mặc dầu thuộc loại ESL).
Hai hôm sau Anh Tiên và tôi vào làm hãng tiện và được một kỹ sư người Mỹ training rất tận tình. Ngày nào ông cũng mở đầu bằng câu "step by step"!.
Thế là anh Tiên bỏ hãng hoa qua hãng tiện làm chung với tôi một khâu. Chúng tôi rất vui mừng! Anh Tiên nói:
"Ông may mắn lắm đó. Mới qua Mỹ mà làm được chỗ nầy thì vững bụng quá rồi! Yên tâm rồi chớ. Tôi nói đất Mỹ không có chê người già. Chỉ chê kẻ làm biếng. Có năng lực, có nhiệt tình, siêng năng thì không sợ thất nghiệp. Ông là dạng ROVR đặc biệt."
"Đặc biệt chỗ nào""
Đặc biệt ở chỗ là tôi đưa ông đi đến đâu thì ông tự điền application và khi vào phỏng vấn thì không cần thông dịch.
"Cám ơn anh. Gia đình chúng tôi luôn nhớ ơn anh. Nếu không có anh chắc tôi nản lắm! Nước Mỹ bao la, công việc làm ăn vô số kể, nhưng rất tiếc một điều là tôi qua đây quá muộn màng!"
Thời gian thấm thoát trôi qua! Tôi và anh Tiên làm việc được chung gần ba tháng.
Đầu tháng Tư, hai anh em lại lên đường ứng thí vào Bưu Điện, khóa 470.
Phòng thi khá lớn, lớn hơn rạp hát ở VN. Thi A, B, C, D khoanh. Đa số thí sinh lại Mỹ trắng. Phải nói là kỳ thi Hiệp Chủng Quốc.
Có 4 môn thi:
1/ Trả lời 95 câu hỏi trong 6 phút.
2/ Trả lời 94 câu hỏi trong 5 phút.
3/ Làm 20 bài toán trong 20 phút.
4/ Phần vấn đáp.
Tôi nói với anh Tiên:
"Mình đi thi cho mất công. Làm sao đậu nổi, mất toi một ngày lương ở hãng tiện."
"Mình cứ thử tài xem. Lo gì" Chắc gì người Mỹ giỏi hơn mình!"
"Hồi thanh niên tôi đã tham dự hai kỳ thi. Kỳ thi thứ I là thi vào Quốc Gia Sư Phạm. Mười hai ngàn thí sinh lấy sáu trăm (Tỷ lệ 5%), kỳ thi thứ II là thi vào khóa "Chuyên Viên Ngân Hàng Quốc Gia" cũng khoảng mười ngàn thí sinh lấy bốn trăm. Cả hai kỳ thi tôi đều đậu. Vào Sư Phạm đậu hạng 122. Vào Ngân Hàng hạng 34. Năm nay gần đất xa trời, lại đi thi (thi trên đất Mỹ)- Không thua gì chuyện Phi Lạc sang Tàu."
"Thôi đừng lo nữa! Mình đã có chỗ làm rồi. Đậu hay rớt không thành vấn đề!"
Thế rồi, công việc làm hàng ngày làm cho tôi quên đi kỳ thi Hỏa Tiễn!
Tôi đã hội nhập vào cuộc sống mới với chủ đề là "bill". Ngày 25 tháng 4 tôi được điện thoại báo: "Đến văn phòng United States Postal Service làm thủ tục nhận việc." Một tin làm cho cả gia đình, bạn bè ngạc nhiên.
Tôi phải bỏ job ở hãng tiện!
Tôi phải xa anh Tiên, một huynh trưởng rất đáng kính, một huynh trưởng rất hào hiệp, giàu lòng nhân ái.
Tôi trình bày thẳng cho ông Giám đốc Hãng Tiện lý do tôi phải ra đi. Ông rất vui, bắt tay chúc mừng.
Riêng kỹ sư TEND, người đã training anh Tiên và tôi, rất quyến luyến tôi. Tôi nói:
"Tôi rất cám ơn đã training tôi rất kỹ lưỡng. Tôi vừa thành nghề, chưa phục vụ cho công ty được bao lâu thì phải chia tay. Xin ông thông cảm. Tôi rất cám ơn ông."
"Không có chi, ông yên tâm đến job mới, đó mới là một "future" tươi sáng."
"Thỉnh thoảng tôi sẽ ghé thăm ông. Tôi luôn luôn coi ông như một ông thầy khả kính trên đất Mỹ này! Good bye Teacher!"
Trải qua mười tháng trên đất Mỹ, tôi đã thử lửa ba jobs. Bưu điện là nơi vất vả nhất, đòi hỏi phải có trình độ, nhưng lương khá cao. Tiền nào của nấy!
Nước Mỹ không phải là "Địa Đàng" mà cũng chẳng là "Địa ngục". Nước Mỹ không có khẩu hiệu "LAO ĐỘNG LÀ VINH QUANG!", nhưng thật sự mà nói ở Mỹ, biết lao động, siêng lao động, nhiệt tình lao động thì sẽ gặt hái nhiều thành quả. Nhưng dù sao đi nữa ngôn ngữ vẫn là phần chính của việc hội nhập vào xã hội Mỹ. Sinh ngữ là chìa khóa vạn năng giúp cho ta đi vào xã hội Mỹ mới một cách nhanh chóng.
Thời còn trai trẻ, tôi là công chức VNCH. Đó là chuyện bình thường. Nay, tuổi đã lục tuần, qua Mỹ, làm công chức cho chính phủ Mỹ. Quả là phép lạ! Tôi không còn tự ti mặc cảm "bị Mỹ chê già!"
Qua bài này, tôi chỉ có một ước ao nhỏ nhoi là muốn nhắn gửi các bạn thanh niên Việt Nam đã cùng tới Mã Lai sáu năm, đã cùng tôi chia xẻ ngọt bùi, đã cùng tôi đương đầu với lính Mã Lai qua ba lần biểu tình vì ước vọng tự do. Nay các bạn đã được may mắn định cư ở Mỹ. Hãy nhớ lại những ngày qua! Phải biểu tình tuyệt thực 17 ngày đêm mới được mở cửa trường học! Nay, trên đất nước tự do, trường học đầy dãy khắp nơi, từ ngôn ngữ cho đến ngành nghề. Các bạn đừng bỏ dở việc học tiếng Anh. Đừng vì quá ham mê overtime mà quên trau dồi Anh ngữ.
Nước Mỹ luôn luôn dang rộng đôi tay chào đón các bạn! Nước Mỹ không phụ rẫy người già, nhưng ít ra bạn cũng phải biết nói vài câu, biết bộc bạch tâm tình và có nhiệt tình lao động, biết tự mưu sinh, có óc cầu tiến và nhất là không có tư tưởng "Làm Cây Chùm Gửi" trên dất nước Hiệp Chủng Quốc này.
Arizona, June 2000
Hồ Quang Đặng