Hôm nay,  

Một Khoảng Không Gian

29/12/201400:00:00(Xem: 20623)

Tác giả: Nguyên Phương
Bài số 4425-14-29825vb2122914

Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nươc Mỹ. Sau nhiều năm phụ vụ như một viên chức tại miền Đông, bà chọn Little Saigon làm nơi hưu trí và tìm thấy an bình. Sau đây là bài viết mới nhất.

* * *

Ngày lễ tạ ơn qua đã lâu, nhưng tôi vẫn tạ ơn từng ngày cho những ngày mình được sống.

Từ nhũng ngày đầu bỡ ngỡ bước chân xuống phi trường Los Angeles với vài bộ quần áo, đôi dép nhật và chiếc túi xách to tướng của ICM cho đến ngày về hưu, cuộc đời tôi đã qua nhiều thăng trầm. Cho đến ngày hôm nay cuộc đời tôi đã được chia đôi, một nửa cuộc đời trên quê hương và một nửa đời trên đất Mỹ.

Tôi lớn lên trong những ngọt ngào của tình gia đình, nhưng trong nổi trôi chiến tranh của đất nước. Nửa đời sau trên quê hương thứ hai, trong những ấm áp của tình người hoà lẫn những chao đảo của nghiệp lực.

Có những lúc tưởng như tôi đã gục ngã, nhưng rồi lại đứng lên được nhờ những duyên may, như một phép lạ. Có những lúc tôi cũng than trời trách đất, nhưng từ khi theo lời dậy của Phật, do sự nhắc nhở của thầy Phước Tịnh "mọi sự việc xẩy ra đều do trùng trùng duyên khởi". Tôi đã đổi cách nhìn về cuộc sống, cuộc đời nhìn dưới mắt tôi đều do nghiệp sinh ra: nghiệp thiện và nghiệp ác. Nhân quả nhiều khi ngay trong cuộc đời:

Như những câu chuyện của danh nhân trên thế giới sau những ngày tháng miệt mài làm việc, những stress do công việc gây ra, giờ đây tôi bắt đầu nhận quả.

Khi tôi bắt đầu một cuộc hành trình mới có những người hỏi tôi sẽ làm gì cho hết những thời gian về hưu đầy trống vắng đó. Tôi chưa biết nhưng tôi cũng đã hoạch định sẽ không phung phí thời gian của những ngày tháng còn lại.

Từ ngày về hưu, từ ngày dọn về California, từ ngày chọn Little Saigon làm "thiên đường" của mình, tôi thấy cuộc sống thật bình an, mỗi sáng thức dậy với sự thầm nhận cám ơn trời cho thêm một ngày được thức dậy trong bình an. Từ mờ sáng, hai vợ chồng già cùng nhau đi tập thể dục để mở đầu cho một ngày mới với một tâm hồn lành mạnh trong một thân thể "tráng kiện". Sau đó mỗi người đi theo một sở thích riêng của mình. Tôi gọi nơi này là "thiên đường" vì ngoài khí hậu ấm áp, khí hậu của một vùng hơi gần biển, với những sinh hoạt, những buổi tập thể dục, những buổi thiền tập, sức khỏe của tôi tăng dần, hai đầu gối không còn reo lên khúc nhạc hòa tấu mỗi khi tôi đá chân lên xuống, vì tất cả những gì mình muốn đều quy tụ ở nơi đây, thoả chí cho mình học hỏi, tham gia những sinh hoạt cộng đồng, văn nghệ, văn bút.

Chúng tôi đã tìm được một không gian ở giữa nơi ồn ào của đô thị. Chỉ cần đi qua cổng là bước vào một vùng yên tĩnh, một không gian trong lành, ấm áp tình người.

Từ miền đông lạnh lẽo, xa xôi dọn về Little Saigon là đã nghe ấm áp trong lòng, nghe như mình đi giữa Sàigòn, nghe như mình đang ở nơi mình đã được sinh ra. Tình đồng hương bao la, những mỉm cười chào nhau thân thiện cũng đủ an ủi cho tuổi già.

Những sinh hoạt nơi đây rất vui và đầy thú vị cho những người già, trong tuổi hưu trí khi các con, cháu đều bận đi học đi làm.

Mỗi tuần một buổi học vẽ trong hội trường tòa soạn Người Việt. Chương trình học được bảo trợ bởi bảo tàng viện Bower, Santa Ana, Lớp học qui tụ được một số những người tuổi không còn trẻ nữa, những "cựu......" đã được đặt ở ngoài cửa lớp, nơi đây không còn chức tước chỉ đến với nhau vì nghệ thuật, vì tình đồng hương, đến để được vẽ, được hàn huyên, được vui cười thỏa thích. Có vị tìm được người quen trong khi đến sinh hoạt ở nơi đây, có những vị phát triển được khả năng tiềm ẩn về hội họa của mình, dù chưa từng vẽ nhưng vị này đã tạo nên được những bức họa đẹp không ngờ, những buổi vẽ mạn đà la, vẽ trên đĩa, trên khăn quàng, trên canvas, vẽ thủy mặc..... lớp vẽ đã được một "vẽ sĩ" trong lớp sáng tác ra một logo "Lớp vẽ cao niên người Việt.. Art for fun" và logo này đã được in lên áo t-shirt mầu đen để mặc mỗi khi sinh hoạt. Những buổi sinh hoạt ngoài trời thật vui nhộn, cũng có ăn uống, đàn hát và không quên... vẽ. Chúng tôi cũng có một Website riêng để trao đổi tin tức, đăng những bài viết của hội viên. Có nhiều vị "than phiền" khi tuần nào không được đến lớp học, coi như nơi đây là những buổi hẹn hò, nơi làm cho mình trẻ lại, nơi tha hồ vui đùa, không phải đóng vai trò nghiêm nghị của ông, bà nội, ngoại.

Một lớp học khác cũng không kém phần hấp dẫn, lớp nhiếp ảnh APAVN tại Viện Việt Học ông Lê Văn Khoa là hội trưởng, là một nhạc trưởng kiêm nhiếp ảnh gia, cùng một nhóm thiện nguyện viên chuyên nghiệp giảng dậy, thật tận tâm, thật nhiệt tình, và một nhóm người mẫu không quản nắng nôi hay gió lạnh, những chiếc áo đầm, những tà áo dài tha thướt, sẵn sàng ngả mình trên sân cỏ tạo dáng cho nhóm học viên thi nhau bấm máy ảnh, học viên cũng không quản ngại quì xuống đất, thậm chí nằm xuống đất để chụp cho được những tấm ảnh ở những góc cạnh thật đặc biệt.

Ngoài những buổi chụp hình tại Huntington Park lớp học còn tổ chức những buổi đi xa vài ngày để có thể chụp hình phong cảnh trong những buổi mặt trời mọc, lặn, để có thể lấy được nhứng tấm hình có ánh sáng đẹp nhất. Nhìn những máy hình của giảng nghiệm viên cũng như học viên tôi phát chóng mặt, những bạc nghìn bỏ ra chỉ để mua một ống kính, một giảng nghiệm viên có một câu pha trò rí rỏm "ai muốn cho người mình không ưa bị phá sản, nên khuyến khích họ học chụp hình".

Nào là mua máy hình, dĩ nhiên, nào là ống kính, tripod, filter, flash.... Nếu nhà nghề thì phải có mỗi cái máy chụp hình riêng cho mỗi ống kính để không mất công tháo ống kính này ra lắp ống kính kia vào.

Lớp học thật vui, giảng viên với những bài giảng được soạn thảo kỹ lưỡng. Học xong lớp căn bản là có thể ôm máy đi chụp hình, có thể biết nheo một mắt để nhìn qua cửa sổ của máy chụp hình một cách nhà nghề, biết được chỉnh khẩu độ, ánh sáng, tiêu cự.... Tôi và chị bạn cười với nhau cho là lớp căn bản là đủ rồi vì khi đi chơi, thân già chỉ xách được một cái máy đi là hết sức, còn sức đâu mà vác thêm những đồ phụ tùng khác. Hơn nữa trong những chuyến đi du lịch chỉ dơ máy lên là chụp đâu còn thì giờ mà điều chỉnh đủ thứ, phái đoàn du lịch sẽ... "bỏ em một mình". Sau lớp học căn bản đó, tôi và chị bạn cho là quá đủ cho bà già chỉ để chụp hình các cháu nội, ngoại hay trái bầu, trái bí.

Tiêu chuẩn phải có cho người muốn chụp hình và theo học lớp cao cấp là cần phải hội đủ cả ba phần kỹ thuật, mỹ thuật và nghệ thuật. Lớp học này rất có ích cho những người có đam mê về chụp hình, về nghệ thuật và có đam mê.... tiêu tiền.

Gần như đang có phong trào học chụp hình một người bạn nói bâng quơ "bây giờ phong trào học chụp hình cũng như phong trào hát karoke ngày xưa, mỗi người phải ra một cái CD thì bây giờ mỗi người phải có vài tấm hình lớn treo trong nhà". Thì ra mình cũng theo thời, tôi và ông bạn già nhìn nhau "coi chừng tường nhà mình hết chỗ treo hình".

Ngoài ra còn có những lớp học về computer, đàn, ca, khiêu vũ, những lớp thiên về nghiên cứu như đông y, kinh dịch, châm cứu.....

Có rất nhiều lớp tập thể dục cho các cụ, lớp tập tài chi, Hồng Gia, Càn Khôn Thập Linh, Hoàn Nhiên Khí Công, Dưỡng Sinh Thức Pháp,....

Lớp Dưỡng Sinh Thức Pháp được tổ chức ở Club House của Mission Del Amo Mobile Home Park. Dưỡng Sinh Thức Pháp là chương trình dưỡng sinh được kết hợp bởi các thao tác thể dục, khí công hầu hết được mọi người biết đến, được cô đọng lại qua phương pháp luyện tập hoàn toàn trong sự tịnh- thức

Lớp được thành hình bởi sáng lập viên Trần Quang Đạt. Lớp qui tụ một số đông "bô lão" chịu khó thức dậy sớm, lớp học từ 7:00 sáng mỗi ngày trừ ngày thứ hai. Quí cụ đến tập với nét mặt tươi cười và trước giờ tập trao đổi với nhau vài câu truyện mưa nắng, trao đổi rau, trái trong vườn nhà, trao đổi tin tức on sale quần áo, trao đổi văn nghệ...


Giờ tập bắt đầu, mọi người nghiêm chỉnh theo rõi từng thế tập, mở đầu bằng những thế khởi động làm nóng cơ thể, sau đó từng động tác lần lượt từ đầu tới chân. Nhịp nhàng, nhẹ nhàng phối hợp với hơi thở là chủ yếu của môn tập này. Sáng lập viên Đạt đã tỉ mỉ nghiên cứu từng thể tập an toàn cho những người không còn trẻ. Những thế tập làm giãn gân, giãn cốt, làm thư giãn từng bắp thịt. Dưỡng Sinh Thức Pháp nhờ sự vận chuyển của các thao tác mà các thức trong cơ thể hay tâm thức được khai mở, đánh thức.

Mỗi sáng tôi thức dậy sớm đến tập và ra về với một niềm vui phơi phới, từng sợi gân, từng thớ bắp thịt đều được thư giãn tối đa. Qua sự chia sẻ của quí cụ đồng môn thì môn tập này giúp cho cơ thể các cụ dẻo dai hơn, bệnh thấp khớp giảm đi rất nhiều, có thể đứng lên, ngồi xuống một cách nhẹ nhàng, sức khỏe gia tăng, có cụ còn cho biết tóc đen ra, người thon thả hơn....

Với tôi, một Phật tử, thì phải nói đây là cái nôi của đạo Phật. Gần như tất cả những tinh hoa của Phật pháp đều quy tụ ở nơi đây. Những thiền đường, thiền viện đều không thiếu, nhất là chùa chiền gần như là vài block đường là lại có một ngôi chùa từ chùa nhỏ là một căn nhà đến những ngôi chùa to lớn, hàng tuần đều có những sinh hoạt để quy tụ những Phật tử, những khóa tu học liên miên.

Dù trời Cali đang hạn hán nhưng những cơn mưa Phật pháp vẫn thi nhau đổ xuống vùng nam Cali, nơi thiền đường Mây Từ, The Shanga Center, thỉnh thoảng trong một số trường học. Tịnh độ, thiền tông, mật tông đều có mặt nơi đây. Có những môn thể thao như khí công, càn khôn thập linh được tập trước những buổi thiền làm tinh tấn thêm con đường tu tập của thiền sinh.

Khi tôi nhận ra những may mắn mình đang có tôi muốn chia sẻ những ngọt ngào của cuộc đời với những người kém may mắn hơn mình. Không gì tốt đẹp hơn là làm cho người khác hạnh phúc. Nghe lời thầy nhắn nhủ sự chia sẻ niềm vui rất cần thiết cho những người già cô đơn, những người bệnh tật.

Nhân mùa lễ đang tưng bừng trên toàn thế giới, nhiều hội thiện nguyện đã không quên những người kém may mắn về bệnh tật, những người không nhà.

Lần đầu tôi đến với hội từ thiện Phật giáo Phổ Hiền là một ngày trước tuần lễ Tạ Ơn, là một buổi đi thăm những trại tâm thần.

Buổi sáng mới bước chân vào chùa đã thấy mùi chả giò thơm phức, từng khay chả giò đã được xếp gọn gàng cùng quần áo, nước uống, chip, thuốc lá.... sẵn sàng chờ lên đường. Nhưng sư cô mời tất cả lên chánh điện cho một buổi tụng kinh trước khi xuất hành.

Mọi người đểu mặc đồng phục áo thung vàng, mũ mầu cà phê sữa với logo riêng của hội, lên xe và thẳng tiến theo lịch trình đã định. Trước khi lên xe sư cô dặn dò, mỗi người nên đưa quà tặng đến tận tay bệnh nhân và phải đưa bằng hai tay, và gói ghém cả tấm lòng vào trong đó.

Lần lượt qua bốn trại ở những thành phố Garden Grove, Anaheim và Orange. Nơi nào chúng tôi cũng được tiếp đón nồng hậu, vì hàng năm cứ trước dịp lễ tạ ơn sư cô dẫn theo một phái đoàn đến viếng thăm họ và phát quà tặng. Họ xếp hàng trong yên lặng và nhận quà một cách trân quí. Tuy đa số không phải là người Việt Nam nhưng tôi nhìn thấy có người nhẹ nhàng cắn từng miếng chả giò như để thưởng thức vị đậm đà của thức ăn hay chậm giãi thưởng thức hương vị của từng điếu thuốc lá, có người mang ra hút ngay, có người cẩn thận cất vào túi áo, từng tấm chăn, quần, áo được nhẹ nhàng nâng lên, đặt xuống nếu không ưa.

Có trung tâm, những bệnh nhân mua chung nhau một tấm thiệp với chữ "thank you" và mọi người đồng ký tên vào đó để trao tặng sư cô để bầy tỏ lòng tri ân đến sư cô và phái đoàn. Có một cậu bệnh nhân còn rất trẻ, mặt mũi thật sáng sủa, tươi cười nhưng hỏi gì cũng không biết, không biết tuổi, không biết thời gian... "người điên không biết nhớ". Tuy nhiên họ rất là dễ thương và cũng biết bầy tỏ cảm tình, cũng vẫn biết yên lặng đứng xếp hàng, cũng biết bầy tỏ một chút buồn trong lúc chia tay khi phái đoàn nói "see you next time", có lẽ đó là những bệnh nhân bệnh nhẹ.

Phái đoàn cũng mang theo cả microphone, speaker để hát giúp vui. Một bác đã già tóc bạc trắng đẹp như tóc bach kim, đến đâu bác cũng hát vài bài và hát chào tạm biệt trong khi phái đoàn sửa soạn... nhổ trại.

Chúng tôi ra về, cánh cửa khép lại ngăn cắt cuộc sống bên ngoài đang tưng bừng đón mùa lễ với những người bên trong mang số phận hẩm hiu.

Sự tìm kiếm một nơi sinh hoạt chung để đi thăm những người già tự nhiên đến với tôi. Một hôm nhận được điện thoại của một bạn đạo "xin lỗi cô lúc nẫy cô gọi cháu thì cháu đi sinh hoạt trong một healthcare center...".

Hàng tuần buổi sinh hoạt của Vô Môn Thiền Tự từ mười giờ sáng bắt đầu bằng kinh nhật tụng, tiếp đến là phần văn nghệ, ngoài một vài giọng oanh vàng cũng có những ca sĩ, đọc sĩ, đố vui sĩ không hát hay, đố giỏi, chúng tôi đến đấy với tất cả tấm lòng, chỉ cần nhìn các bác ( tôi thích dùng chữ các bác như thầy Hằng Trường để chỉ một số đông không phân biệt già, trẻ) trên chiếc xe lăn, với dáng ngồi nghiêng ngả, trong vẻ mệt mỏi, những cánh tay buông thõng, những đôi chân xuội lơ nhưng ánh mắt tươi vui, sáng ngời những cái miệng lắp bắp hát theo, nhìn nét mặt hồn nhiên của cô bé thiện nguyện viên Hằng có tâm hồn cao thượng, nhìn nét mặt rạng rỡ của người hướng dẫn chương trình Hạnh An, nhìn những thành viên khác góp vui là tôi cũng cảm thấy vui vui, vì niềm vui chia sẻ luôn luôn được nhân đôi.

Có bác chia sẻ "tối hôm qua mất ngủ, tôi mệt lắm nhưng cũng phải ráng ngồi dậy để ra đây" hoặc "tôi điếc lắm có nghe thấy gì đâu nhưng nhìn cũng đủ vui" hoặc "tối hôm qua là tôi đã nghĩ đến buổi sinh hoạt hôm nay". Tôi thật xúc động khi một bác dùng cả hai tay nắm chặt tay tôi và luôn miệng nói "cám ơn bà", tôi hiểu là bác muốn nói cho sự có mặt của chúng tôi ở nơi đây.

Bài thơ "mới hôm qua thôi " của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc thật thấm thía, mới ngày hôm qua họ là những nam thanh, nữ tú, những ông nọ, bà kia, ngày hôm nay họ ngồi đó, và sẽ tới ngày mình cũng ngồi đó, vô thường là ở đây. Chúng tôi muốn mang một phần nào những náo nhiệt tưng bừng của mùa lễ ở bên ngoài vào chia sẻ cùng các bác, chia sẻ cùng họ niềm vui cho ngày tháng của các bác đỡ dài lê thê.

Sinh hoạt của nhóm mở đầu là tụng kinh để tâm hồn các bác được bình an sau đó là giúp vui, để các bác xử dụng được phần nào trí nhớ còn sót lại, được nhớ lại những bài hát của một thời xa xưa và quan trọng hơn nữa là các bác được tham dự, được hát theo, được trả lời những câu đố, được nhận những phần thưởng khi đoán trúng câu đố. Sau buổi văn nghệ, sư trụ trì và chúng tôi đến từng phòng để thăm và tụng kinh với những người mệt không ra được.

Vào đây tôi mới biết sinh hoạt cho các bác có suốt cả ngày, có người đến cắt tóc, có những chương trình dành cho Công Giáo, Phật Giáo, phái đoàn văn nghệ, tập thể dục, nhìn vào thời khoá biểu tôi thấy đặc kín. Nếu hòa đồng thì chắc cũng không đến nỗi buồn nhiều khi phải sống tại đây.

Đối với một số người già, các bác rất sợ và hãi hùng khi nghe nói đến "Viện Dưỡng Lão", nhưng nhập gia tùy tục, ngoại trừ những người có điều kiện, viện dưỡng lão là nơi phải vào khi con cái không thể cáng đáng nổi.

Sự chia sẻ của chúng tôi chỉ là một giọt nước so với đại dương lòng từ thiện của dân tộc Mỹ chỉ nhìn những chi phí y tế khổng lồ dành cho những người già tỵ nạn cũng đủ thấy gánh nặng là chừng nào, ngoài ra còn những chi phí về phụ cấp tiền nhà, tiền trợ cấp cho những gia đình có con nhỏ....

Cám ơn cuộc đời, cám ơn gia đình, cám ơn người bạn đời của tôi, cám ơn những gì tôi đang được hưởng, và giống như mẹ tôi đã viết trong kỳ thi quốc tịch "thank you America".

Nguyên Phương

Ý kiến bạn đọc
06/01/201923:20:48
Khách
Con mừng cô chú luôn vui mạnh và có những sinh hoạt hữu ích trên đất “thiên đường” :)
Có nghĩa cũng lâu rồi cô cháu mình chưa gặp lại nhau hen. Cô viet bài này lâu rồi nhưng tới hôm nay con mới đọc được.
Con xin chúc cô chú năm mới nhiều sức khoẻ và được nhiều điều như ý ạ
KV
23/01/201518:16:44
Khách
bài viết rất nhẹ nhàng mà súc tích, xin cám ơn tac giả đã cho tôi cãm nhận được thiên đường của người cao tuỏi, chúc bà vui khỏe và sáng tác nhiều bài cho người già trên nước MỸ.
20/01/201505:22:35
Khách
Xin cảm ơn bà Hồng Điệp đã đọc bài viết
08/01/201515:59:20
Khách
Tuy đã về hưu ,,nhưng tác giả vẫn giữ được tâm hồn của tuổi thanh xuãn
Thiệt đáng quý .
31/12/201417:18:37
Khách
Xin có một sự đính chính trong lúc viết đã viết nhầm họ của vị sáng lập viên Duỡng Sinh Thức Pháp Nguyễn Quang Đạt.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 5,574,133
Tác giả định cư tại Mỹ từ 1994 diện tị nạn chính trị theo chồng, vừa làm nail vừa học. Năm 2012, năm 62 tuổi, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University và trở thành bà giáo tại Marysville, Bắc Cali.
Anne Khánh Vân sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, hiện sống và làm việc tại Virginia.
Tác giả, cư dân SimiValley, Nam California, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012,với nhiều bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ,
Bồ Tùng Ma là bút hiệu của Nguyễn Tân. Trước 1975, ông là Hải Quân Trung Tá VNCH. Sau đó là 10 năm tù cộng sản, và định cư tại Mỹ theo diện H.O.
Tác giả 56 tuổi, nghề nghiệp: Production Engineer cho hãng COBHAM trên 20 năm, hiện cư ngụ tại Davenport, Iowa.
Tác giả là cư dân North Carolina, mới định cư tại Mỹ chưa đầy 3 năm. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông kể về hoàn cảnh một người đến Mỹ khi tuổi đã 60,
Tác giả họ Nguyễn, hiện là cư dân Garden Grove, đã góp một số bài viết về nước Mỹ. Mỗi bài đều cho thấy tấm lòng. Sau đây là bài viết mới nhất. Mong ông tiếp tục viết.
Với kiểu "viết như nói", tác giả đã góp nhiều bài viết và nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2005. Cô tên thật là Trần Thị Ngọc Trâm,
Tác giả có tên trong danh sách chung kết Viết Về Nước Mỹ 2014, và liên tục góp 6 bài viết, với bài viết “Lính Mỹ gốc Nail” có Ba là con nhà cách mạng từ Bắc vào,
Tác giả là cư dân Miami, tiểu bang Florida, thường góp những bài viết rất ngắn có nội dung cô đọng, tinh tế.
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến