Hôm nay,  

TO FACE OR NOT TO FACE?

08/01/201400:00:00(Xem: 15134)

Bài số: 4108-14-29508vb4010814

Tác giả là một bác sĩ Nha Khoa, hiện hành nghề tại Costa Mesa, Nam Cali. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ 2007, ông đã nhận giải Vinh Danh Tác Giả Xuất Sắc 2010, với hồi ký “My Life” chia sẻ kinh nghiệm học tập của ông. Ngoài nghiệp Y Khoa, Hưng Cao còn là người soạn nhạc và là chủ tịch câu lạc bộ Tình Nghệ Sĩ trong “Ngày Văn Hóa Diêân Hồng” được tổ chức tại thành phố Frankfurt, Đức Quốc. Mời độc giả xem bài mới nhất của ông “To Face or Not To Face?”

Ngày xưa khi Hoàng tử Hamlet trong vở bi trường kịch của Shakespeare phải đương đầu với câu hỏi mà sau này trở thành bất hủ "To Be or Not To Be?", chắc Hoàng tử Hamlet cũng phân vân cỡ như tôi trong lúc này là cùng, với câu hỏi "To Face or Not To Face?" Mark Zuckerberg, chàng thanh niên trẻ sáng lập ra trang mạng Facebook chắc cũng không ngờ có ngày từ một trang trao đổi học hành cho nhóm bạn trong trường đại học của anh, lại trở nên quá nổi tiếng và dẫn đến bao nhiêu là niềm vui và nỗi phiền hà như hiện nay.

Trong ngày đầu Xuân năm 2014 này, sẵn có ngày nghỉ lễ, tôi quyết định "khai bút đầu năm" với bài viết này mặc dầu đã lâu rồi, chắc không còn mấy người dùng đến cây bút để viết nữa. Biết đâu chừng không bao lâu nữa, thành ngữ "khai bút đầu xuân" sẽ được đổi lại thành "khai laptop đầu năm". Bạn đừng vội cười nhe, vì có những chuyện mà chỉ cách đây mới vài năm, chúng ta còn không nghĩ là nó có thể thực hiện được, nhưng với kỹ thuật điện tử bây giờ, "biết ra sao ngày sau", phải không bạn?

Trở lại với câu hỏi "To Face or Not To Face". Số là cách đây không lâu, lúc tôi mới "vướng" chân vào "trang mạng xã hội" (một cái tên mà ai đó đặt cho trang Facebook), thì đời tôi xem như "bị" hay "được" quẹo sang một khúc quanh mới. Ôi thôi, lúc đầu thì có năm ba người bạn, nhưng sau đó thì tôi có quá nhiều bạn, từ già đến bé, từ quen thân cho đến không quen. Lúc đầu thì hiếu kỳ, tôi chọn một vài tên tuổi quen thuộc, gửi đến xin làm bạn. Sau một thời gian, đến khi tôi bắt đầu có chừng một hai trăm "bạn" trong danh sách Facebook của tôi, rồi thì bắt đầu người bạn này giới thiệu người bạn khác đến cho tôi. Tiếng Anh gọi là "mutual friends", tức là "bạn chung".

Thôi thì tôi nghĩ cũng chẳng sao. Bạn của bạn mình thì cũng là bạn. Thế là tôi cho tên vào danh sách luôn. Thời đại này, chỉ nhấn một chữ "add" là có thêm một người bạn thì tội gì không làm, phải không bạn? Chả bù ngày xưa, nghe nói phải mời rượu trà đàm đạo, thả thi phú dưới trăng, mất cả một thời gian mới kiếm được một người bạn. Vậy thì tội gì không mau mau để "tậu" thêm một mớ bạn nữa chứ.

Nhưng rồi sau đó đến thêm vấn đề một số bạn "không mời mà đến". Nói nôm na theo danh từ mạng xã hội là tôi nhận được "yêu cầu" gửi đến xin được làm bạn (friend requests). Tính tôi vốn thương người, nên thôi thì chẳng nỡ lòng từ chối lời yêu cầu kết bạn của ai, dầu trong đầu tôi vẫn luôn ghi nhớ câu của ông bà mình có dạy "chơi phải chọn bạn mà chơi". Tôi nghĩ thôi thì làm bạn trước, rồi hạ hồi phân giải. Tôi chỉ cẩn thận liếc sơ qua "gia thế" của những người gửi đến xin kết bạn. Mà có được tờ khai lý lịch gì nhiều đâu, chỉ vỏn vẹn dăm ba hàng giới thiệu mà không biết độ chính xác tới đâu, kèm theo tấm hình "profile" không biết thật hay giả. Bạn bè tứ hải giai huynh đệ, câu này thật đúng trong trang xã hội vì "bạn" của tôi đúng là tứ xứ, ở khắp nơi trên thế giới từ Âu sang Á. Ngày xưa đế quốc Anh vẫn thường tự hào tuyên bố "mặt trời không bao giờ lặn trên Vương quốc Anh". Bây giờ tôi cũng dám tự hào tuyên bố "mặt trời không bao giờ lặn trên những nơi có bạn tôi!".

Sau vụ kết "bạn" qua trang mạng Facebook, rồi đến vấn nạn lượng thông tin trên mạng. Ôi chao ơi chưa bao giờ tôi thấy nhiều hình ảnh như vậy. Nhiếu nhất phải kể đến hình ảnh thức ăn. Hình ảnh mấy tô phở chiếm vị trí số một vì đó là món quốc hồn quốc túy của dân tộc mình mà. Ôi thôi, tôi được ăn chung "hàm thụ" với bạn mình đủ thứ phở, từ tô xe lửa tới tô nhỏ, phở chín tới phở tái gầu, v.v… Lúc đang đói bụng, nhìn hình cũng muốn chạy đi tìm tô phở, nhưng khi đang no, đôi khi không dám nhìn nữa. Cách đây không lâu, gia đình của một người bạn tôi từ tiểu bang xa tới, nên thèm ăn phở ở phố Bolsa. Thế là tôi mời cả gia đình bạn tôi đi ăn. Khi mấy tô phở nóng được bưng ra còn nghi ngút khói, tôi chuẩn bị muỗng đũa để ăn thì bỗng nghe bạn của tôi hớt hãi la lên: "Khoan ăn!" Tôi hoảng hồn tưởng có con ruồi hay chú gián nào lạc bước giang hồ vào tô phở của bạn. Đang định hỏi thì bạn tôi rút trong túi ra cái iPhone, nói để chụp hình mấy tô phở trước khi ăn. À, thì ra là mấy tô phở này chuẩn bị được đưa đi "trình diễn thời trang" trên trang mạng xã hội đây. Hú hồn, nhưng từ đó, tôi cũng học được bài học là khi thức ăn mang ra, nếu có bị ai ngăn không cho ăn, thì vì có người trong bàn muốn làm thủ tục "nghi thức Facebook" trước khi ăn!

Ngoài thức ăn, nước uống, v.v… thôi thì món gì cũng có mặt trên mạng, từ bánh bèo, bánh mì, đến cả trứng chiên, mì gói, v.v… cũng góp mặt trên trang mạng. Ngoài hình ảnh thức ăn, tôi còn được dịp "đi" với bạn trên mạng đến mọi nơi, từ shopping, đến đi vacation, v.v… Có nhiều bạn bè rất "cẩn thận", nhất cử nhất động gì cũng thông báo cho bạn bè biết mình đang... làm gì, ăn gì, ở đâu, v.v... Tôi còn phải đương đầu, chạm trán với trang mạng này ở nhiều nơi, nhiều chỗ nữa. Trong ngày "khai laptop đầu năm", để đỡ mất thời gian cho quý bạn (vì tôi biết bạn còn phải vào check email hay Facebook nữa), tôi chỉ xin kể thêm vài chuyện nữa thôi nhe.

Chuyện này là có thật 100 phần trăm. Nếu bạn không tin tôi, thì bạn cứ vào Facebook mà nghỉ chơi (tiếng của dân mạng là "unfriend") tôi đi. Số là có lần tôi có một bản nhạc mới sáng tác và nhờ một ca sĩ đến phòng thâu âm. Trong lúc ngồi chờ người thâu chỉnh lại hệ thống âm thanh cho hoàn chỉnh, anh ca sĩ hát ngân nga lại vài chỗ để chuẩn bị. Đột nhiên, anh chàng phá lên cười. Tôi hoảng hồn vì nhớ là bản tình ca tôi viết hơi buồn, có chỗ nào vui đâu mà anh ca sĩ cười vui vẻ như vậy. Tôi nhào tới hỏi có gì "wrong" trong bài hát hả? Anh ta tỉnh bơ nói: "Dạ không, em đang check Facebook, thấy thằng bạn gửi hình buồn cười quá!" Trời, tôi nghĩ trước khi trình diễn phải cố gắng "nhập tâm", để hồn vào bài hát chứ. Hèn gì lúc nào cũng thấy anh chàng mang kè kè cái iPhone bên mình, như vật bất ly thân. Tôi chỉ cầu trời cho sau đó, khi anh ta đang vào thâu, không vừa hát vừa check Facebook thì chắc là không xong rồi!

Bạn có thấy bọn trẻ trong gia đình bây giờ nếu có thời gian là chúng nhào lên Facebook chit chat với nhau không? Tôi hỏi chúng "Sao con không dùng điện thoại nếu cần để nói chuyện với bạn con, vừa mau và nói được nhiều thứ hơn?" Con tôi nhìn tôi như người ngoài hành tinh mới đến và nói là bây giờ ngoài giờ học gặp nhau ở trường, bọn chúng đâu còn dùng điện thoại để nói chuyện với nhau. Chỉ "nói" với nhau bằng những câu viết ngắn gọn qua FB hay các trang mạng mà thôi. "Vậy mới fun và có thể chuyện trò với nhau anytime", con tôi cho biết như thế. Như vậy thì với cái đà này, chắc là những bản tình ca có liên quan đến chiếc telephone không bao lâu nữa cũng sẽ bị đưa vào viện bảo tàng, để cùng chung số phận với những bản nhạc thật dễ thương mà thế hệ của chúng tôi vẫn thường hát nghêu ngao "này là cánh thư, nghiêng nghiêng nét chữ cô em học trò..." (Cám Ơn - NS Ngân Khánh). Chắc khi nghe bài hát này, bọn trẻ sẽ hỏi tôi "cánh thư" là gì? Tôi sẽ phải giải thích cho chúng nghe là "Hồi xửa hồi xưa, khi mà chưa có internet..." Theo thời thế này, chắc là phải sáng tác một vài bài tình ca "chờ em trên mạng" hay "hồn lỡ vướng vào mạng của em...", v.v…



Một trong những cách giản tiện của dân mạng nhện, à quên, mạng xã hội là chỉ cần lướt qua những gì bạn mình đăng lên, rồi nếu thích thì nhấn vào chữ "like" như một cách cho bạn mình biết là "Ê bồ, tui có ghé xem đó nhe." Đôi khi có người bạn chụp những cảnh đi dự đám tang về, rồi tôi cũng thấy bạn bè xúm vào nhấn chữ "like". Tôi phân vân không biết họ "like" hay "thích" cái gì, thích đám tang hay thích người quá vãng? Chữ "like" trong trường hợp này thật là tối nghĩa và... vô duyên theo như suy nghĩ của tôi. Chắc tôi phải viết email đề nghị Mark Zuckerberg cho thêm một chữ "Read" hay nếu có chỗ, thì thêm một câu đại khái như "I'm with you" chẳng hạn, thay vì hà tiện chỉ cho có mỗi một chữ "like" để nhấn vào như hiện nay. Trong thời gian chờ đợi, tôi đề nghị dân mạng nên dùng mục comment để viết vài ba chữ như "Thành kính phân ưu" hay "With deepest sympathy" thì có lẽ hợp tình hợp cảnh hơn là "like" cho đám tang.

Ngồi làm con số tính ước lượng, tôi thấy giật mình. Nếu một người có khoảng chừng 1000 người bạn như tôi (theo tôi biết thì nhiều người thậm chí vượt qua con số 5000 friends mà FB cho phép), và chỉ cần 10 phần trăm những người bạn này thay phiên nhau thả thông tin lên trang mạng xã hội hàng giờ, thì mỗi giờ đồng hồ, nếu như không muốn "mất lòng" bạn mình. chúng ta phải đọc đến cả 100 thông tin. Như vậy nếu ai tham gia trong vài diễn đàn và thêm vài trang mạng xã hội như Facebook hay Twitter, thì có việc làm quanh năm suốt tháng, đọc mệt nghỉ, đó là chưa tính thời gian chính mình cũng phải đăng tin cho bằng chị bằng em và trả lời hay nhấn vào nút "like" nữa chứ. Như vậy thì chắc chắn bệnh mất trí nhớ "Alzheimer" trong tương lai sẽ có khả năng biến mất vì phải nhớ tên hết cả ngàn bạn bè trong trang mạng coi bộ còn khó hơn là chơi trò xếp chữ puzzle dành cho người lớn tuổi! Thay vào đó, bệnh "carpal syndrome" và bệnh về mắt chắc chắc sẽ gia tăng vì hai bộ phận này trong cơ thể có nguy cơ tha hồ làm việc quá tải.

Vì có cả ngàn bạn bè như vậy, nên một tin mới đăng xong, muốn vào tìm lại, tôi phải lội ngược đến hàng chục cái tin khác đăng chồng lên dù chỉ mới đăng cách đó có mấy phút mà thôi. Có người mách cho nhiều cách để "quản trị bạn bè" trong trang mạng xã hội, như xếp bạn vào theo từng nhóm, tuỳ theo quen thân nhiều hay ít, có muốn đọc đề tài mà họ hay đăng hay không, v.v... Tuy nhiên, khi tôi nhìn lại cái danh sách bạn bè và ai tôi cũng quý mến như nhau vì đã lỡ nhận làm "bạn" rồi, nên không... nỡ chia nhóm như vậy, thấy mất tình đoàn kết quá!

"To Face or Not To Face", câu này làm cho tôi phải phân vân suy nghĩ rất nhiều và tôi đoán chắn các vị phụ huynh cũng đang lâm vào tình trạng này. Trang mạng xã hội là con dao hai lưỡi, vì đó là nhu cầu cho bọn trẻ có nơi trao đổi sinh hoạt học hành khi cần trong thời đại hiện nay. Tuy nhiên, chắc chắn có nhiều phụ huynh không có đủ thời gian để có thể kiểm soát tất cả những trao đổi giữa bọn nhỏ với nhau. Đó là chưa kể những chuyện xấu đã từng xảy ra khi có những bọn lường gạt lợi dụng sự ngây thơ của các em qua trang mạng để dụ dỗ các em làm điều không tốt. Chúng ta thường khuyên các em phải cẩn thận khi "add" bạn, nhưng chúng ta có thể nào kiểm tra hết tất cả bạn bè của chúng không (trong khi "bạn" của chính mình còn lo chưa xuể nữa!). Tôi chắc chắn các em trẻ sau này sẽ bị ảnh hưởng và chi phối, mất rất nhiều thời gian vì những trang mạng như vầy trong việc học hành. Đó là chưa kể ảnh hưởng trong quan hệ trong xã hội khi mà việc giao tiếp qua đánh máy đang được dần dần thay thế việc trò chuyện tiếp xúc ngoài đời như trước đây. Người ta dường như có xu hướng dễ giận dữ, nóng giận khi trao đổi với nhau qua internet hơn là khi nói chuyện mặt đối mặt (face to face) như trước đây. Lúc trước khi đang nói chuyện với nhau, nếu có điều gì hiểu lầm hay giận hờn, thì một cái vỗ vai hay bắt tay cười xoà với lời giải thích là xong. Bây giờ khi "chit chat" với nhau, thì làm sao mà có thể tạo được những thông cảm này? Đó là những lý do mà tôi phân vân khi sử dụng trang mạng Facebook hay cho các cháu dùng vì chắc chắc dễ dẫn đến tình trạng "addicted", như trẻ em ghiền chơi game vậy.

Tuy nhiên, chúng ta không thể phủ nhận vai trò phổ thông và những tiện lợi của Facebook mang lại. Ví dụ như, nhờ Facebook mà có những bạn bè lâu năm không gặp, tình cờ "gặp" lại nhau khi đang lang thang trên mạng (mặc dầu đôi khi phải cố gắng lắm, mới nhận diện ra bạn học xưa của mình sau mấy chục năm xa cách). Facebook cũng đang trở thành một phương tiện quảng cáo thương mại không tốn tiền trong business hay những chương trình showbiz. Trong khuôn khổ của bài viết này, tôi không muốn đi sâu vào từng lãnh vực hay chi tiết. Khi tôi ngồi viết bài này đây, những tiếng "tinh tang" liên tục từ Facebook cho tôi biết số lượng thông tin đang được đăng vào từ những bạn trên mạng đang gửi tới. Tôi phải tắt âm thanh trong laptop để có thể tập trung vào việc "khai bút đầu năm" với bài viết này.

Một điểm mà chúng ta phải biết ơn trang mạng Facebook là nhờ vào những thông tin cập nhật trao đổi qua trang mạng xã hội, chúng ta biết được những gì đang xảy ra trong nước mà chế độ cộng sản cố gắng tìm cách bưng bít. Những hình ảnh của những cuộc xuống đường, những hành động đàn áp người dân hay những bạn sinh viên trẻ, v.v… đều được nhanh chóng cập nhật lên trang Facebook để người Việt ở hải ngoại được biết. Ngược lại, những người trong nước cũng biết được những tin tức của thế giới bên ngoài mà báo chí cộng sản Việt Nam không dám đưa tin. Giới cầm quyền cộng sản Việt Nam có thể ngăn cản những trang blog, những địa chỉ của những trang website mà chúng không muốn cho người dân đọc bằng cách xây lên những "bức tường lửa", nhưng với Facebook, dường như chúng không thể ngăn chặn được.

Đây là thứ vũ khí sắc bén mà chúng ta nên tận dụng để góp phần đưa đến ngày tàn của chế độ cộng sản đang gây ra bao nhiêu thương đau cho người dân Việt Nam. Với bản chất yếu hèn và chỉ nghĩ đến quyền lợi riêng tư, giới cầm quyền đang đưa đất nước chúng ta vào thảm họa mất nước vào tay Trung cộng. Những tiếng nói đấu tranh cho dân chủ, tự do mà chúng ta đã nghe thấy từ các bạn trẻ sinh viên không còn bị bọn cầm quyền trong nước dễ dàng bưng bít và bóp nghẹt như chúng đã âm thầm làm và thủ tiêu bao nhiêu tiếng nói phản kháng trước đây. Những trang mạng như Facebook sẽ là phương tiện truyền thông dễ dàng và phổ biến nhất hiện nay để huy động sự hợp nhất của nhiều người.

Cân nhắc giữa những bất lợi và những ích lợi nêu trên, nếu phải chọn lựa giữa "To Face or Not To Face", tôi sẽ chọn "To Face" trong lúc này nhé bạn.

Chúc tất cả các bạn trong trang mạng của tôi một năm mới 2014 an lành và hẹn cùng nhau về lại quê hương ngày thanh bình không còn cộng sản nhé bạn.

Anthony Hưng Cao

Ý kiến bạn đọc
05/02/201408:00:00
Khách
Bài viết hay lắm! Cảm ơn tác giả!
10/01/201408:00:00
Khách
Bài viết rất đúng về một thực tế đang xảy ra trong xã hội. Xin cám ơn tác giả. Nhân tiện xin phép hỏi: "Tác giả đã có 1000 người bạn rồi; có thể thêm tôi vào thành người bạn thứ 1001 được không"?
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 4,946,763
Tác giả sinh năm 1940, cựu sĩ quan VNCH, khoá 12 SVSQ Thủ Đức, cựu tù chính trị, đến Mỹ năm 1991 theo diện H.O. 9, hiện định cư tại Greenville, South Carolina, tham dự Viết Về nước Mỹ từ 2002. Tác phẩm đã xuất bản: Hành Trình Về Phương Đông. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả là nhà báo quen quen thuộc tại Dallas. Phan góp bài cho Viết về nước Mỹ từ lâu và băm nay mới nhận giải vinh danh tác giả 2013. Sau đây là bài mới của Phan.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, 2000, nhận giải bán kết năm 2001, thêm giải Việt Bút 2010, và đã là thành viên Ban Tuyển Chọn Chung Kết từ ba năm qua. Sách đã xuất bản: Chuyện Miền Thôn Dã. Sau đây là bài viết mới nhất.
Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ. Ông là cư dân Lacey, Washington State, tốt nghiệp MA, ngành giáo dục, từng trong ban giảng huấn tại trường dạy người da đỏ và giảng viên tại Đại học cộng đồng SPSCC, Olympia, WA.
Viết Về Nước Mỹ năm thứ XII, Lê Thị, -cư dân Chicago, 35 tuổi- gửi 7 bài và trở thành tác giả nhận giải Chung Kết 2012 với những tự sự khác thường về đề tài đồng tính. Sau đó mọi người mới biết Lê Thị là bút hiệu của Calvin Trần, nhà thiết kế thời trang gốc Việt nổi tiếng trong dòng chính.
Đào Như là bút hiệu của Bác sĩ Đào Trọng Thể, từng nhận giải "Tác Phẩm Xuất Sắc Nhất" Viết Về Nước Mỹ 2005. Trước 1975, ông là một y sĩ tiền tuyến chuyên về phẫu thuật. Định cư tại vùng Chicago, Hoa Kỳ, ông là chuyên gia bệnh tâm thần, và đã thành lập một câu lạc bộ đặc biệt để trợ giúp nhiều đồng hương và cựu chiến sĩ VNCH, cựu tù nhân cộng sản. Bài mới viết là một đoạn Hồi Ký Hậu Chiến của một Bác sĩ Phẫu Thuật, mang tên “Thiên Lý và Vô Tận”.
Tác giả là một nhà thơ quân đội. Trước 1975, ông là một sĩ quan hải quân, từng tu nghiệp tại Mỹ. Sau năm 1975, ông trở thành người tù chính trị và định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O. Tham dự Viết Về Nước Mỹ ngay từ những năm đầu tiên, Phạm Hồng Ân đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012. Bài viết mới của ông được phổ biến đúng ngày đầu năm dương lịch 2014. Việt Báo Viết Về Nước Mỹ trân trọng chúc tác giả và bạn đọc, bạn viết một năm mới an lành.
Tác giả là một nhà thơ quân đội. Trước 1975, ông là một sĩ quan hải quân, từng tu nghiệp tại Mỹ. Sau năm 1975, ông trở thành người tù chính trị và định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O. Tham dự Viết Về Nước Mỹ ngay từ những năm đầu tiên, Phạm Hồng Ân đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012. Bài viết mới của ông được phổ biến đúng ngày đầu năm dương lịch 2014. Việt Báo Viết Về Nước Mỹ trân trọng chúc tác giả và bạn đọc, bạn viết một năm mới an lành.