Hôm nay,  

MIẾNG NGON…

09/01/201400:00:00(Xem: 20258)

Bài số 4109-14-29509vb5010914 

Tác giả sinh năm 1940, cựu sĩ quan VNCH, khoá 12 SVSQ Thủ Đức, cựu tù chính trị, đến Mỹ năm 1991 theo diện H.O. 9, hiện định cư tại Greenville, South Carolina, tham dự Viết Về nước Mỹ từ 2002. Tác phẩm đã xuất bản: Hành Trình Về Phương Đông. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.

Ai ai cũng ăn phở không ai là không ăn phở. Ngay cả người ngoại quốc cũng thích phở và là “đệ tử” của phở. Những tiệm phở của người Việt Nam ở Mỹ, Canada chỉ cần nêu bảng hiệu với chữ “Phở” mà không cần hàng chữ Anh hay Pháp đi kèm là người địa phương biết liền.
Thế nhưng ăn phở và tả về tô phở thì có lẽ chỉ có LM Lễ đã tả tô phở một cách hấp dẫn sống động và thành thật nhất. Tôi không có ý giới thiệu cuốn sách “Tôi Phải Sống” của LM Lễ nhưng khi tôi đọc đến trang 115 thì tôi phải bái phục cách LM Lễ tả “tô phở đầu đời.”
Năm 1957 LM Lễ một cậu bé miền quê thuộc Quận Vũng Liêm Tỉnh Vĩnh Long đã có dịp may được thầy giáo cho đi Saigon chơi; trong dịp này cậu bé đã được anh Hán dẫn đi ăn tô phở đầu tiên trong đời.
LM tả hay đến nỗi tôi có cảm tưởng cái hay của sự mô tả “tra tấn” tôi dồn dập đến nỗi tôi cứ muốn nhẩy cóc xuống đoạn cuối để xem kết quả ra sao nhưng tôi đã có thể kìm lại được và buộc mấy ngón tay của tôi phải chịu mệnh lệnh của tôi mà không lật qua trang kế để tôi còn có dịp thưởng thức văn tài vượt không gian và thời gian của LM Lễ.
Khi cha Lễ mô tả “tô phở đầu đời” mà cha thưởng thức tôi nghĩ rằng chưa có bài nào tả về tô phở và cách ăn phở hay đến thế. Có lẽ bài tả tô phở của nhà văn Vũ Bằng trong quyển “Món Ngon Hà Nội” cũng phải thua xa vì bài này của cha Lễ hay hơn nhiều và nhiều lắm làm cho tôi cứ đọc hoài đọc thật nhanh mong cho tới đoạn cuối để “khám phá” thêm xem cha có cho thêm chi tiết nào nữa không đến khi thấy chưa tới phần cuối thì tôi lại ở trong tâm trạng của cha khi cha thấy anh Hán-người chở cha đi ăn phở-cứ rề rà mãi với các “thủ tục trước khi ăn bát phở” cộng với “bài giáo khoa nhập đề dài dòng về cách ăn” mà chưa chịu đẩy tô phở bốc khói qua cho cha thưởng thức. Tôi tự nhủ:
Ôi!Sao cha tả mãi tả hoài vậy? Sao cha không mau đi tới đoạn cuối để cho độc giả cùng chia xẻ cái ngon của “tô phở đầu đời” mà cha sắp được thưởng thức bằng thị giác, thính giác và cả vị giác nữa này!
Ôi! Sao cha cứ “tra tấn” độc giả hoài mà chưa chịu đi đến đoạn chót đi cho độc giả nhờ một tí? Nếu cha bị mùi thơm lừng của tô phở và sự cà rề của anh Hán “tra tấn” thì độc giả của cha còn bị cái tài khéo mô tả của cha “tra tấn” còn hơn là chính cha vậy. Cha có biết không?
Cho đến bây giờ theo tôi thì chưa có màn “tra tấn” độc giả nào khéo léo như màn tả tô phở của cha Lễ khiến người đọc cứ phát sốt phát rét lên thậm chí như muốn lên cơn động kinh luôn! Quả thật tài tả tô phở của cha thật hết ý!
Để xem nhà văn Vũ Bằng tả tô phở hay như thế nào tôi bèn vào Google và đánh chữ “Miếng Ngon Hà Nội” thì tôi thấy nhà văn họ Vũ tả tô phở trong cách nhìn của khách bàng quan vì họ Vũ đã là đệ tử của phở từ lâu. Nay họ Vũ lại tả tô phở thì làm sao hay bằng cách tả tô phở của LM Lễ với những cảm xúc đầu tiên khi LM Lễ từ miệt đồng quê thuộc Quận Vũng Liêm lên Saigon và được chở đi ăn “tô phở đầu đời.” Tô phở bốc hương thơm lừng trong khi tô phở của họ Vũ lại thiếu hương thơm! Một sự khác biệt quá xa!
Ta có thể so sánh một cách cụ thể giữa tô phở của họ Vũ và tô phở của LM Lễ như hai cô gái cô nào cũng đẹp cả nhưng tiếc thay cô của họ Vũ tuy có đẹp thật đấy nhưng lại là cái đẹp không có duyên một cái đẹp vô hồn làm người ta chỉ liếc qua một lần rồi quên ngay còn cô gái mà LM Lễ tả lại vừa có sắc có hương và nhất là lại có duyên nữa làm cho khách bàng quan sau đó cứ mê mẩn tâm thần như phải bùa!
Bây giờ tôi xin trở lại tô phở của cha Lễ hương thơm thì nức mũi mà anh Hán như vô tình cứ rề rà sửa soạn tô phở cho “đúng thủ tục cần phải có trước khi ăn” trong khi cha Lễ nước miếng thì đầy miệng mà anh Hán thì chưa chịu đẩy tô phở qua cho cha “chiến đấu” với vũ khí là đôi đũa sẵn trong tay!
Trước đây người ta vẫn thường ca tụng cô Thái Thanh có giọng ca vượt thời gian và không gian nhưng bây giờ có lẽ tôi phải thêm vào cho đủ là về văn chương mô tả thì văn tài của cha Lễ cũng vượt thời gian và không gian không kém giọng ca của cô Thái Thanh! Đó là chưa kể sự thành thật mà người đọc cảm thấy được qua bài văn làm cho con tim phải bối rối khiến phải thốt lên:
Ôi! Sao cha quá thành thật như thế này!
Nhắc đến sự thành thật của cha lại làm tôi nhớ đến sự thành thật của anh Hùng người tù không án như tôi trong Trại Tù Gia Trung thuộc Tỉnh Pleiku.
Anh Hùng cùng ở trong Toán Vệ Sinh với tôi. Toán Vệ Sinh gồm có các bạn: H (Toàn Trưởng), TBT., Ng.,S.,Xuân và Hùng. Trong số các bạn tù kể trên thì anh Hùng đã để lại trong tôi những kỷ niệm êm đềm nhất.
Những khi có thăm nuôi hầu như anh Hùng lần nào cũng dành cho tôi món quà quý nhất mà nằm mơ cũng không thấy: đó là mấy miếng phô mai hiệu Con Bò Cái Cười (La Vache Qui Rit) cùng mấy trái chuối để ăn kèm cho đúng điệu dân Tây-dù là ăn trong nhà tù-vì anh vốn là dân Tây đã hồi Việt tịch và yêu nước Việt hơn nước Pháp nên mới bị đi tù.
Trong Toán Vệ Sinh thì anh Xuân rất chịu khó tìm cách mưu sinh trong cảnh tù đầy không biết ngày nào ra. Anh tự làm được cái bẫy trông giống như cái cũi chó để bẫy cua đinh. Mồi để bắt cua đinh là lòng già của bò hay heo mà nhà bếp không xài. Anh mang bẫy đặt dưới lòng suối và có lần anh đã bẫy được một con thật to với cái mai lớn bằng bề ngang cái nón lá và anh đã phải nhờ anh em phụ khiêng con cua đinh về trại.


Mỗi lần có cua đinh lọt bẫy thì thế nào trên chỗ tôi nằm cũng có một chén cua đinh cà ri do anh S. nấu để sẵn; S. là người trong toán mà anh Hùng nhờ nấu.
Trong tù ai cũng đói mà đói thê thảm càng đói hơn nữa là những anh em tù thuộc diện con của “bà Phước” vì nhiều lý do hoặc là bà vợ đã đi lấy chồng thậm chí còn lấy cả nón cối nữa hay vì bà xã không đủ khả năng thăm chồng hoặc gởi đồ tiếp tế cho chồng qua ngã Bưu Điện.
Vì thế những món ăn nào nằm ngoài khẩu phần của tù-gồm nửa chén cơm, 15 miếng sắn mốc xanh đỏ, chút nước muối và chén canh đại dương-thì đều ngon cả.
Món pho mai mà anh Hùng dành cho tôi như đã nói ở đoạn trên đối với tôi là một “đại tiệc” nên tôi đã chuẩn bị chu đáo để cho khi ăn sẽ thấy ngon hơn. Khi bắt đầu tôi trịnh trọng cầm lên một miếng coi tới coi lui như mèo vờn chuột để cảm thấy cái vị mềm, thơm dẻo của miếng pho mai rồi mới từ từ gỡ miếng giấy bạc ra thì trời ạ một mùi thơm dịu toát ra từ miếng pho mai đã làm tôi dù không muốn cũng phải đưa miếng pho mai lại gần hơn để mà thấy đê mê hơn nữa vì cái mùi thơm rất đặc biệt của loại pho mai này. Sau khi cái xúc giác là mấy ngón tay đã cảm thấy cái mềm của miếng pho mai và cái khứu giác đã bị cái hương thơm chinh phục tôi mới từ từ đưa vào miệng nhẹ nhàng để thấy nó mềm mại như thế nào rồi cuối cùng mới cho cái vị giác được thưởng thức cái ngon ngọt của nó cùng với vị ngọt của chuối chín thơm lừng tạo thành một hỗn hợp khiến người thưởng thức cứ sợ nếu nuốt vào thì nó sẽ mất đi mà nó mất đi thật trong niềm sảng khoái của cái cơ thể còm cõi vì đói ăn; chỉ còn một bộ xương và “cái túi đựng phân” như lời của một anh cai tù trong quân đội CS khi chúng tôi chưa bị chuyển giao qua Công An coi tù!
Có thể nói không ngoa là về miếng ăn trong tù thì tâm lý của người tù là tâm lý của người đi biển bị chìm tàu nhưng người đi biển còn có thể tính toán để có thể biết nơi nào gần nhất mình có thể được cứu còn người tù không án thì chẳng biết bao giờ sẽ đến bến nên người tù có cái tâm lý là sợ hết đồ ăn nên khi cầm mấy miếng pho mai anh Hùng cho tôi nửa muốn thưởng thức nửa sợ hết thì không còn có mà ăn!
Bây giờ tôi xin nói về anh Hùng. Các cụ ta có câu “Trông mặt mà bắt hình dong” để nói về con người thì quả thật câu này-đối với tướng mạo bên ngoài của anh Hùng-không sai một tí nào!
Tướng anh cao lớn, đẹp trai mặt tròn biểu lộ một tâm hồn nhân hậu ẩn chứa bên trong; giọng nói chậm rãi, rõ ràng rành mạch chứng tỏ sự đắn đo trước khi lời nói được phát biểu.
Khi đi tù về tôi vẫn liên lạc với anh và ghé nhà anh chơi và may mắn làm sao khi sang tới Mỹ thì sợi dây liên lạc vẫn còn cho tới ngày nay dù rằng tôi đã bỏ Cali sang sống ở Greenville, SC, này từ năm 1995 cho tới ngày nay (Xin mời đọc “Hành Trình Về Phương Đông” trên Viet Bao on line).
Anh Hùng là người rất thành thật những gì mà anh nói với tôi là những điều mà anh nghĩ trong tâm mà là người đối diện là tôi đã có thể nhận ra liền. Phải nói là anh không “khách sáo” như kiểu người Miền Bắc trước kia mà lại rất cởi mở. Lời nói của anh cảm được người đối diện liền nhưng cho đến bây giờ không biết anh có cảm được phái yếu mà anh tiếp xúc không. Đây là điều hoàn toàn bí mật đối với tôi vì tôi không tò mò đời tư của anh.
Cách cho của anh cũng ý nhị và tế nhị không kém. Anh không tỏ ra vẻ đây là việc quan trọng trong khi đó ở trong tù CS miếng ăn lại là miếng quan trọng vì ai ai cũng đói cả. Đói đến độ không ai bảo ai, ai ai cũng có một quyển tập chép những món ăn “giời ơi” là những món mà người chép chưa bao giờ có dịp đụng đũa nhưng cứ chép để ăn “hàm thụ” cho đỡ đói!
Thế nhưng việc anh chia xẻ những món ăn cho tôi lại có một cái gì đó nhẹ nhàng thanh thoát vô cùng và chính điều này đã làm cho những món ăn mà anh cho tôi cứ ngon mãi cho tới bây giờ dù đã hơn 34 năm với bao nhiêu nước chẩy qua cầu!
Mãi cho tới bây giờ tôi mới thấy các cụ ta thâm thúy biết bao khi các cụ có câu “Người ăn thì còn. Ta ăn thì hết.” Thật vậy sau 34 năm những món ăn mà anh san xẻ cho tôi vẫn còn đó và vẫn còn trong tâm tư của tôi cho đến tận bây giờ.
Khi con trai tôi từ Mỹ về Saigon chơi vào năm 1989-lúc đó Việt Nam bắt đầu mở cửa-và mời bà con đến ăn sinh nhật của cháu thì tôi không quên mời anh chị Hùng cùng đến chung vui. Mới đây khi nhắc đến bữa ăn ngày hôm ấy anh thành thật cho biết đến bây giờ dù sống dư thừa ở Mỹ anh vẫn nhớ đến bữa ăn ngày hôm đó và vẫn chẩy nước miếng vì lúc đó anh thèm quá “vì đồ ăn ngon quá trong khi ấy muốn ăn thì không có tiền hay không có cơ hội.”
Lời “thú tội” của anh quá thành thật khiến tôi phải bật cười thành tiếng và phải xin lỗi anh vì tôi không thể nào nín cười cho được. Khi anh nghe tôi xin lỗi vì đã cười khi nghe anh “thú thật” thì anh vẫn không phiền hà gì cả và vẫn vui vẻ tiếp tục câu chuyện như không có điều gì xẩy ra.
Trong số những bạn bè của tôi hình như không có ai có tấm lòng nhân hậu và bao dung như anh thì phải!
Niềm xúc động của cha Lễ khi lần đầu tiên được “thấy” hương thơm của tô phở và của anh Hùng sau hơn 10 năm bị tù khi có dịp thưởng thức món ăn ngon trở lại sao mà giống nhau đến thế và cuối cùng là tôi, tác giả bài này.
Có lẽ vì kỷ niệm nói trên quá đẹp và quá xúc động nên cả ba đã không quên và khi thuận tiện LM Lễ, anh Hùng và tôi đều đã nhắc đến kỷ niệm xưa: khi viết sách-như LM Lễ, còn anh Hùng thì nhắc lại khi gặp lại bạn cũ-là tôi-qua điện thoại; và tôi khi viết bài này.
Thật đúng là “Miếng ngon nhớ lâu” như các cụ ta đã nói! Hoặc càng hay hơn nữa như người Ấn Độ có câu “Làm ơn thì phải quên ơn. Chịu ơn thì phải nhớ ơn.” Mà cái “ơn” này lại là cái “ơn” vừa ngon lại vừa bổ nên ngàn năm hồ dễ đã ai quên!
Sao Nam Trần ngọc Bình
Mùa Đông 2013

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 4,958,873
Tác giả là một bác sĩ Nha Khoa, hiện hành nghề tại Costa Mesa, Nam Cali. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ 2007, ông đã nhận giải Vinh Danh Tác Giả Xuất Sắc 2010, với hồi ký “My Life” chia sẻ kinh nghiệm học tập của ông. Ngoài nghiệp Y Khoa, Hưng Cao còn là người soạn nhạc và là chủ tịch câu lạc bộ Tình Nghệ Sĩ trong “Ngày Văn Hóa Diêân Hồng” được tổ chức tại thành phố Frankfurt, Đức Quốc. Mời độc giả xem bài mới nhất của ông “To Face or Not To Face?”
Tác giả là nhà báo quen quen thuộc tại Dallas. Phan góp bài cho Viết về nước Mỹ từ lâu và băm nay mới nhận giải vinh danh tác giả 2013. Sau đây là bài mới của Phan.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, 2000, nhận giải bán kết năm 2001, thêm giải Việt Bút 2010, và đã là thành viên Ban Tuyển Chọn Chung Kết từ ba năm qua. Sách đã xuất bản: Chuyện Miền Thôn Dã. Sau đây là bài viết mới nhất.
Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ. Ông là cư dân Lacey, Washington State, tốt nghiệp MA, ngành giáo dục, từng trong ban giảng huấn tại trường dạy người da đỏ và giảng viên tại Đại học cộng đồng SPSCC, Olympia, WA.
Viết Về Nước Mỹ năm thứ XII, Lê Thị, -cư dân Chicago, 35 tuổi- gửi 7 bài và trở thành tác giả nhận giải Chung Kết 2012 với những tự sự khác thường về đề tài đồng tính. Sau đó mọi người mới biết Lê Thị là bút hiệu của Calvin Trần, nhà thiết kế thời trang gốc Việt nổi tiếng trong dòng chính.
Đào Như là bút hiệu của Bác sĩ Đào Trọng Thể, từng nhận giải "Tác Phẩm Xuất Sắc Nhất" Viết Về Nước Mỹ 2005. Trước 1975, ông là một y sĩ tiền tuyến chuyên về phẫu thuật. Định cư tại vùng Chicago, Hoa Kỳ, ông là chuyên gia bệnh tâm thần, và đã thành lập một câu lạc bộ đặc biệt để trợ giúp nhiều đồng hương và cựu chiến sĩ VNCH, cựu tù nhân cộng sản. Bài mới viết là một đoạn Hồi Ký Hậu Chiến của một Bác sĩ Phẫu Thuật, mang tên “Thiên Lý và Vô Tận”.
Tác giả là một nhà thơ quân đội. Trước 1975, ông là một sĩ quan hải quân, từng tu nghiệp tại Mỹ. Sau năm 1975, ông trở thành người tù chính trị và định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O. Tham dự Viết Về Nước Mỹ ngay từ những năm đầu tiên, Phạm Hồng Ân đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012. Bài viết mới của ông được phổ biến đúng ngày đầu năm dương lịch 2014. Việt Báo Viết Về Nước Mỹ trân trọng chúc tác giả và bạn đọc, bạn viết một năm mới an lành.
Tác giả là một nhà thơ quân đội. Trước 1975, ông là một sĩ quan hải quân, từng tu nghiệp tại Mỹ. Sau năm 1975, ông trở thành người tù chính trị và định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O. Tham dự Viết Về Nước Mỹ ngay từ những năm đầu tiên, Phạm Hồng Ân đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012. Bài viết mới của ông được phổ biến đúng ngày đầu năm dương lịch 2014. Việt Báo Viết Về Nước Mỹ trân trọng chúc tác giả và bạn đọc, bạn viết một năm mới an lành.