Hôm nay,  

Ông Hàng Xóm Dễ Sợ

07/01/201400:00:00(Xem: 61273)
Bài số 4107-14-29507vb3010714

Tác giả là nhà báo quen quen thuộc tại Dallas. Phan góp bài cho Viết về nước Mỹ từ lâu và băm nay mới nhận giải vinh danh tác giả 2013. Sau đây là bài mới của Phan.

* * *

Từ khi cô Ngân ly dị chồng, cũng đồng nghĩa với cô phải để mắt tới những công việc bên ngoài bốn bức tường nhà cô. Thì ra cái patio đã mục nát. Nơi này được dựng lên với mục đích xào nấu ngoài nhà vì thức ăn Việt nam thường nặng mùi. Nhưng cái góc bếp ấy đã lạnh tanh, đóng váng nhện từ bao giờ. Rồi bộ sofa cũ được dọn ra để có chỗ ngồi chơi những khi nhàn rỗi và thèm chút khí trời tự nhiên. Ngày trước, chồng cô thường quét bụi bặm vào những ngày cuối tuần để dọn ăn ngoài trời. Thì ra đã lâu không bạn bè, không còn những buổi nướng thịt hay cá do anh ấy đi câu được. Ngân nhìn đến cái tủ lạnh cũ, là cái tủ lạnh mua tạm về xài khi mới mua nhà; chẳng cần tiết kiệm thì cũng chẳng còn tiền để mua tủ lạnh mới sau khi vắt sạch trương mục của hai vợ chồng để có thể mua được căn nhà, nên mua sofa, tủ lạnh cũ về xài tạm đã thành một kỷ niệm khó quên khi hai người chăm chú đọc báo cuối tuần và đi tìm địa chỉ những nhà bán sofa, tủ lạnh cũ... Kỷ niệm còn in dấu về cuộc tranh luận giữa hai vợ chồng về lối sống Mỹ và Việt. Người Việt khi mua được bộ sofa, cái tủ lạnh mới thì những cái cũ ra garage hay patio để ngồi chơi, để chứa thịt, cá khi chợ “on sale”. Khác người Mỹ là sau khi cắm điện cái tủ lạnh mới thì đẩy cái tủ lạnh cũ ra cho xe rác. Thậm chí cho tiền người chở cái tủ lạnh mới đến để họ đem cái tủ lạnh cũ đi luôn - tiện thể…

Tất cả những gì tưởng rằng mãi mãi bỗng biến mất đột ngột đến không ngờ. Cô Ngân thơ thẩn quanh nhà khi lá vàng đã bay lả chả sân trước, sân sau. Tin thời tiết lại cho biết cuối tuần này tuyết đá nặng nề, có thể hãng xưởng và trường học phải đóng cửa. Lòng buồn chưa đủ sao, trời đất còn âm u, xám xịt…

Ngân nhìn đến mấy khung cửa sổ đã rách lưới chống ruồi muỗi, nhìn đến cái máy lạnh bên hông nhà đã hoen gỉ - cần phải thay mới. Và khoảng cỏ chung giữa nhà cô và nhà bác Tư hàng xóm, thường úa vàng vì đọng nước tưói cỏ, chứ mưa gì xứ này. Thảm cỏ ấy bỗng xanh um một dạo, rồi cũng tàn úa theo cái chết của bác Tư gái. Không biết bác Tư trai bây giờ ở đâu, ra sao? Bác ấy ốm yếu đến mặc cả áo len vào mùa hè. Nhưng không ngờ bác Tư gái, là người mạnh khoẻ lại đi trước bác Tư trai. Chính bác Tư gái đã âm thầm đổ đất dọc phía bờ tường nhà bác, từng xô đất không biết lấy từ đâu và sự cần mẫn của bác Tư gái đã theo ngày tháng dồn nước đọng về phía nhà cô Ngân. Cô bồi hồi nhớ lại những ngày mới lập gia đình, rồi mua nhà và dọn về đây. Khi ấy, thảm cỏ giữa hai nhà bằng phẳng, nhưng mùa hạn gay gắt mấy năm liền, và thành phố có lệnh hạn chế tưới cỏ. Sau đó thảm cỏ bị hụt đất nên tạo ra hình lòng chảo và ứ nước mưa, nước tưới cỏ, làm cho cỏ úa.

Ngân cố hình dung lại hai bác Tư hàng xóm trong trí nhớ vì hàng xóm bên xứ sở này chỉ chào hỏi miễn cưỡng khi bất tử ra ngõ gặp nhau, chứ không qua lại, thân tình như hàng xóm bên Việt nam. Chỉ một lần duy nhất, cô dọn ăn mới nhớ ra mình đi chợ đã quên mua chanh. Cô định lái xe ra chợ Mỹ gần nhà để mua cho lẹ, mắc-rẻ chút đỉnh chẳng bõ tiền xăng và thời giờ chạy ra chợ Việt nam. Không ngờ mở cửa garage đã gặp bác Tư gái đang rửa thùng rác, sau khi xe rác vừa lấy rác đi. Chắc trên đời hiếm người sạch sẽ và cẩn thận như bác Tư gái,… cô hỏi xin quả chanh. Bác Tư gái ngần ngừ, làm cô hối hận về việc đã hỏi. Chỉ còn cách nói là: Ngày mai, cháu đi làm về sẽ ghé chợ mua chanh và gởi lại bác Tư.

Bác Tư gái thở dài, mắt nhìn thảm cỏ giữa hai nhà mà nói, “Tôi không biết vợ chồng cô bận chuyện làm ăn gì mà không lo nhà cửa. Cỏ úng, cỏ úa, cũng kệ tôi lo kiếm đất, đổ đất. Tôi không có sức để đổ đất phía bên nhà cô. Nhưng dù bên phía nhà tôi, cỏ đã tốt lại. Thì bên phía nhà cô, cỏ úa, làm cho xấu chung hai nhà…

… Còn trái chanh thì cô gởi cho tôi mười xu là xong, để cô lại quên. Tôi không ăn lời cô xu nào đâu. Chỉ là chiều hôm qua đi chợ, tôi đã mua một đồng mười trái chanh, thì chia cho cô một trái.”

Ấy là người đàn bà chu tất từ trong ra ngoài nhà. Bác Tư gái nhìn khắc khổ, nhưng có vẻ mãn nguyện với cơ ngơi của đời bác là ngôi nhà tươm tất, khang trang, sạch sẽ. Không biết chuyện con cái có được bác vui lòng vì ít thấy con cháu về thăm ông bà. Riêng bác trai thì nhân hậu từ lời ăn tiếng nói, đặc biệt nụ cười của bác ấy rất hiền. Tuy bác ốm yếu do bệnh tật thì đúng hơn là tuổi tác, chắc là tù cải tạo năm xưa…

Ngân hối hận là hàng xóm bao năm với nhau mà mình chẳng thăm hỏi bác ấy được một lần cho tử tế. Bây giờ bác Tư gái mất đột ngột, bác trai chắc về ở với người con nào đó, ở đâu không rõ… Cuối cùng của hai bác Tư khác biệt để thành vợ chồng cũng có kết cuộc người đi kẻ ở, đời người sao buồn! Chạnh lòng cô nghĩ. Nếu cuộc hôn nhân của mình trọn vẹn thì ai sẽ là người đi trước? Dù ai đi trước đi sau cũng không buồn bằng ly dị. Cô Ngân tin mình nghĩ đúng, nên nhớ lại đã bao năm rồi nhỉ, vợ chồng cô chìm ngập trong tuyệt vọng kiếm một mụn con để cô được sống với người bạn học chung lớp tiếng Anh ở nhà thờ, hồi mới qua Mỹ. Rồi thành người yêu, cuối cùng là vợ chồng với nhau để chia chung nỗi buồn hiếm muộn. Thật tội nghiệp cho chồng. Dù bây giờ thì anh ấy đã có thể xách giỏ em bé đi cùng người đàn bà nào đó, miễn có thể sanh đẻ được. Nhưng con cái có là hạnh phúc, niền vui, hay khổ sở của riêng anh, thì từ nay anh ấy cũng đã không thể chia sẻ gì được nữa với mình…

Ngân quên hết những quyết định như mướn người dẹp bỏ luôn cái patio vì không còn cần thiết; liệng bỏ hết tủ lạnh, sofa cũ, để khỏi thấy cảnh nhớ người. Rồi lại mướn người thay lưới cửa sổ, cũng cần trét lại những đường keo đã rạn nứt bởi nắng mưa. Ngoài ra, còn rất nhiều việc không ngờ bên ngoài bốn bức tường mà người chồng của cô đã tự lo một mình từ khi mua nhà.

Ngân thấy càng tìm hiểu những việc phải làm cho một căn nhà khi mùa đông đến thì càng nhớ thương chồng hơn. Cô quyết định bán căn nhà này. Đành thất hứa với chồng khi quyết định ly dị nhau là Ngân ráng giữ lấy căn nhà. Ngoài việc để ở, còn ý nghĩa riêng là sự tạo dựng được của hai người cần giữ gìn như kỷ niệm. Ngân thương chồng bao nhiêu lại càng xót xa thêm khi nhìn đâu cũng thấy dấu tích của người chồng luôn coi trọng tình nghĩa, quen thầm lặng làm lụng, và thấm nhuần giáo dục của gia đình anh ta. Chợt nhớ tới mẹ chồng, cô lạnh người vì hai chữ “hoàng tộc”. Bà mang suy nghĩ của gia đình vua chúa xa xưa nên hết đời hôm nay của bà chỉ toàn khổ hạnh; của người chết đuối trên dòng hư danh. Người mẹ chồng đáng thương hơn đáng trách việc bà đã ép vợ chồng cô ly dị chỉ vì không có con. Ngân nghĩ đến đau khổ của bà nên thương bà hơn khi biết bà thương con trai và cũng thương con dâu; bà chỉ không biết thương bà là bỏ đi hào quang đã tắt từ lâu của dòng tộc.

Nói gì thì bây giờ Ngân cũng đã thân một mình, dọn vào apartment ở là phải nhất! Có dịp gặp lại chồng cô sẽ nói lời xin lỗi là không giữ được căn nhà như anh muốn… Cô bỏ hết những cân nhắc, suy tính về việc kêu thợ Việt nam hay thợ Mỹ về sửa sang nhà cửa…

Bỗng người đàn ông… đáng sợ - xuất hiện trước mặt cô đột ngột! Hai người nhìn nhau, họ chờ nhau mở lời trước - theo đúng phong cách Việt nam là luôn thấy mình quan trọng hơn người đối diện nên chờ người kia chào hỏi trước!

Thôi thì cô mở lời để sớm trở vô nhà. Vì cái ông này thấy sợ quá! Cô nói, “Chào ông.”

Người đàn ông thô lỗ qua ánh mắt dò xét từ trên xuống dưới, làm cô Ngân ngượng chết người. Cô quay gót vào nhà khi không nghe người kia đáp lại lời chào của mình.

Bao nhiêu bực tức là bấy nhiêu ly nước lọc, cô uống nước liên tục từ cái máy lọc nước trong nhà. Chẳng may, người đàn ông đó là người mua lại căn nhà của ông bà Tư… thì mình bán nhà càng sớm càng tốt! Cô đang nghĩ ngợi mông lung thì tiếng chuông có khách viếng nhà vang lên. Ra mở cửa, Ngân không hề nghĩ là người đàn ông đó đã bấm chuông. Nhưng lại đúng là hắn.

Hắn nói, “Xin lỗi cô vì tôi đã làm phiền…”

“Dạ, không có chi…”

“Cô nói, không có chi chuyện gì?”

“Vậy ông xin lỗi tôi chuyện gì?” Cô Ngân hỏi lại với vẻ mặt không vui.

Người đàn ông ngập ngừng nói, “Xin được chào cô, tôi tên là Tuấn. Tôi vừa mua được căn nhà bên cạnh nhà cô. Vậy từ nay tôi sẽ là hàng xóm với gia đình cô. Ban nãy, tôi muốn được chào hỏi cô. Nhưng thật xin lỗi là tôi đã bị tai nạn lao động trong hãng lâu rồi. Bác sĩ Mỹ họ giải phẫu rất hay là không thấy vết sẹo nào trên mặt tôi. Nhưng thật ra hai mắt tôi không trở lại bình thường được. Tôi nhìn ai cũng rất dễ bị hiểu lầm… Tôi thành thật xin lỗi cô.”

“…”

Cánh cửa nhà khép lại, nhưng cái lưng to bè của người đàn ông còn in đậm trong tâm trí cô Ngân. Thật khó hiểu một người thô kệch, ăn nói ngập ngừng… mà lại duyên dáng, và nụ cười thật thà như không hợp với gương mặt dữ dằn của ông ta. Thật khó biết đây sẽ là người hàng xóm tốt, sống đời yên lặng hư hai bác Tư, hay là một người; một gia đình huyên náo đã dọn về ở cạnh nhà mình. Thôi thì cứ bán căn nhà này là xong hết những lo âu hay phiền muộn trong lòng.

Cô Ngân không gặp người hàng xóm sau đó. Cô làm thêm giờ trong hãng cho hết ngày dài. Nhưng đêm về lại dài hơn thời gian đích thực từ mặt trời lặn tới khi đi ngủ. Nhà cô vốn dĩ đã không ồn vì chỉ có hai vợ chồng. Sau nhiều năm rắc rối với gia đình chồng vì cô không có con. Thật tội nghiệp cho chồng cô đã rất khổ tâm khi quyết định ly dị với cô theo ý muốn gia đình anh. Nghĩ cho cùng một người đơn độc, không gia đình, anh chị em như cô cũng rất buồn; nhưng gia tộc lớn như anh cũng nhức đầu với bao nhiêu phiền phức từ người thân và nhưng hoang tưởng, ảo giác, làm người ta cô đơn…

Mùa đông đã nhốt cô Ngân trong nhà miệt mài. Căn nhà không sửa chữa gì hết, nhưng bán lại chậm do thị trường nhà đất đang chậm. Và cuộc sống như chậm lại từ khi cuộc đời cô bước qua ngã độc hành…

Đến nghỉ lễ Giáng sinh, cô dọp dẹp nhà cửa, quét bụi bặm trong nhà. Cô chợt nhìn qua nhà bác Tư, những miếng mành cửa sổ làm khó tin mắt mình nên cô kéo hẳn màn cửa sổ lên để xem cho rõ: căn nhà khang trang, sạch sẽ và yên lặng của bác Tư sáng rực lên đèn Giáng sinh. Người đàn ông có cái lưng to bè đang thở ra khói ngoài trời lạnh, nhưng ông có vẻ vui thú và hào hứng giăng thêm những dây đèn dọc theo lối đi nhà ông từ cửa ra đường lộ…

Cô nhớ đến mấy thùng dây đèn Giáng sinh ngoài garage nhà mình, còn mới nguyên. Nhưng sẽ chẳng bao giờ dùng đến nữa vì người giăng đèn đã vĩnh viễn rời khỏi căn nhà này. Ôi! Mấy thùng dây đèn Giáng sinh tội nghiệp vì vợ chồng cô hí hửng mua về cho Giáng sinh đầu tiên hai người có nhà riêng. Nhưng lúc giỡ ra để giăng mắc thì mẹ chồng cô ghé nhà, bà không cho giăng vì nhà theo Phật giáo chứ có ai đạo Chúa đâu mà giăng đèn Giáng sinh. -Anh ấy lại là người con hiếu thảo và không bao giờ làm điều gì trái ý mẹ nên mấy thùng dây đèn Giáng sinh được xếp lại vô thùng, nằm im ngoài garage từ đó đến nay…

Cô không biết người hàng xóm có cần hay không để cho ông ta. Và làm như thế có kỳ cục lắm không? Đang suy nghĩ không lẽ,… thì người ấy lại sang bấm chuông nhà cô Ngân.

“Chào cô. Cô có khoẻ không?...”

“Dạ, cám ơn anh. Tôi cũng bình thường. Còn anh?”

“Tôi cũng bình thường thôi. Lần đầu tiên tôi giăng đèn Giáng sinh, nên tính qua đây nhờ cô ra xem thử - coi có được không?”

“Anh hỏi chị nhà hay các con anh,… chứ tôi cũng không rành lắm đâu! Xin lỗi.”

“… Nếu vợ tôi còn sống, và chúng tôi có con thì đâu phải qua đây hỏi cô!” Người đàn ông thở dài, ngập ngừng từ giã vì còn câu hỏi trong ông nhưng không tiện nói ra. Ông ấy đã đem câu hỏi mà cô Ngân sợ nhất khi nghe ai hỏi đó trở về nhà ông. -Thật là một người tế nhị trong đời huênh hoang.

Cô nhìn theo cái lưng to bè của người hàng xóm càng thô kệch hơn vì trời lạnh nên thêm mấy lớp áo ấm. Có điều ông ấy không đáng sợ như lần đầu gặp gỡ. Cô ra garage, lấy mấy thùng đèn Giáng sinh và khệ nệ bưng qua cho người hàng xóm.

Ông ấy cám ơn rối rít, miệng nói mắt cười như trẻ được quà, “Trời ơi! Cô cho là quý rồi. Sao không nói tôi qua lấy mà cô còn bưng qua đây! Trời lạnh quá mà…”

Phải, trời lạnh lắm. Liệu những bóng đèn xanh xanh đỏ đỏ, be bé xinh xinh có sưởi ấm được hai nhà cuối ngõ, hai người cuối đường nhân duyên đã tận. Cô hoài nghi mắt mình nên lén trở ra ngoài nhà để xem lại thảm cỏ úa quanh năm giữa hai nhà hình như đã được đổ thêm đất - phía bên nhà cô, bây giờ bằng phẳng lắm, đã được bỏ cỏ mới từ bao giờ… Chắc là vậy rồi, cô đã thấy lúc bưng mấy thùng dây đèn Giáng sinh sang cho người hàng xóm và khi trở về nhà mình.

Và chắc chắn như thế sau khi đi xem lại. Cô Ngân vô nhà bần thần làm công việc mới tập tành cho hết thời gian từ sau khi ly dị là ngồi gõ keyboard về chuyện một đôi vợ chồng, họ sống trong apartment từ ngày theo nhau về ở chung vì không có tiền làm đám cưới. Sau đó, bao nhiêu kế hoạch dành dụm tiền để mua nhà đều tiêu pha vô chuyện chữa chạy bệnh nan y cho người vợ, nên họ ở apartment nhiều năm lắm! Nhiều lần Giáng sinh lần lượt về căn phòng chật chội nơi apartment nhưng chứa ước mơ lớn. Uớc mơ giăng thật nhiều đèn Giáng sinh ở một ngôi nhà riêng. Ước mơ đã đi vào bức thơ trăn trối của người vợ giấu trong gối nằm của chồng, chỉ ngắn gọn là: “…em có mua bảo hiểm nhân thọ từ khi biết em mắc bệnh vô sinh vì ung thư buồng trứng. Nhưng em không cho anh hay, vì anh sẽ tìm cách lấy tiền bảo hiểm đó để chạy chữa chứng bệnh bất trị của em… Khi em chết rồi, xin anh hãy dùng chút tiền bảo hiểm mà em giành dụm được để mua một căn nhà, và giăng thật nhiều đèn mỗi lần Giáng sinh về nghe anh…”

Ngân lại nhìn ra cửa sổ, cái lưng to bè của ông hàng xóm đang dựa vào gốc cây trụi lá. Chắc ông ấy đang khóc vợ khi đã giăng xong đèn Giáng sinh sáng rực ngôi nhà ước mơ lần đầu. Ngân thì nhỏ xuống keyboard những dòng chia sẻ sự cô đơn của người đàn ông dựa gốc cây trụi lá.

Phan

Ý kiến bạn đọc
07/01/201408:00:00
Khách
Cám ơn tác giả. Mùa đông lạnh, mong cho những tâm hồn đơn lạnh tìm đến bên nhau
07/01/201408:00:00
Khách
Truyện buồn và hay lắm!
07/01/201408:00:00
Khách
Kính gửi anh Phan,

Tôi là độc giả gần đây của VB, thông qua một lần tình cờ đọc được bài viết của anh. Tôi xin chia sẻ và chúc mừng anh vừa nhận giải vinh danh tác giả 2013.
Tôi rất thích và trân trọng lối văn thật chân phương, bình dị và gần gũi của anh.
Qua những tác phẩm tôi đã đọc, có vài việc riêng, tôi rất muốn được chia sẻ với tác giả. Nếu anh đồng ý, xin vui lòng nhắn tin qua mail cho tôi.
Chân thành cảm ơn anh.
Năm hết, Tết sắp đến! Tôi kính chúc anh và gia đình một năm mới VẠN SỰ MAY LÀNH.

Độc giả PHAN NGỌC HẢI
08/01/201408:00:00
Khách
Bài viết hay, nhưng cảm thấy buồn buồn. Các nhân vật trên trong truyện thì kinh tế vững nhưng cũng có chuyện không vui trong cuộc sống! Đời là vậy?!
Cám ơn tác giả, mong bài viết sau.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 4,947,248
Tác giả sinh năm 1940, cựu sĩ quan VNCH, khoá 12 SVSQ Thủ Đức, cựu tù chính trị, đến Mỹ năm 1991 theo diện H.O. 9, hiện định cư tại Greenville, South Carolina, tham dự Viết Về nước Mỹ từ 2002. Tác phẩm đã xuất bản: Hành Trình Về Phương Đông. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả là một bác sĩ Nha Khoa, hiện hành nghề tại Costa Mesa, Nam Cali. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ 2007, ông đã nhận giải Vinh Danh Tác Giả Xuất Sắc 2010, với hồi ký “My Life” chia sẻ kinh nghiệm học tập của ông. Ngoài nghiệp Y Khoa, Hưng Cao còn là người soạn nhạc và là chủ tịch câu lạc bộ Tình Nghệ Sĩ trong “Ngày Văn Hóa Diêân Hồng” được tổ chức tại thành phố Frankfurt, Đức Quốc. Mời độc giả xem bài mới nhất của ông “To Face or Not To Face?”
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, 2000, nhận giải bán kết năm 2001, thêm giải Việt Bút 2010, và đã là thành viên Ban Tuyển Chọn Chung Kết từ ba năm qua. Sách đã xuất bản: Chuyện Miền Thôn Dã. Sau đây là bài viết mới nhất.
Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ. Ông là cư dân Lacey, Washington State, tốt nghiệp MA, ngành giáo dục, từng trong ban giảng huấn tại trường dạy người da đỏ và giảng viên tại Đại học cộng đồng SPSCC, Olympia, WA.
Viết Về Nước Mỹ năm thứ XII, Lê Thị, -cư dân Chicago, 35 tuổi- gửi 7 bài và trở thành tác giả nhận giải Chung Kết 2012 với những tự sự khác thường về đề tài đồng tính. Sau đó mọi người mới biết Lê Thị là bút hiệu của Calvin Trần, nhà thiết kế thời trang gốc Việt nổi tiếng trong dòng chính.
Đào Như là bút hiệu của Bác sĩ Đào Trọng Thể, từng nhận giải "Tác Phẩm Xuất Sắc Nhất" Viết Về Nước Mỹ 2005. Trước 1975, ông là một y sĩ tiền tuyến chuyên về phẫu thuật. Định cư tại vùng Chicago, Hoa Kỳ, ông là chuyên gia bệnh tâm thần, và đã thành lập một câu lạc bộ đặc biệt để trợ giúp nhiều đồng hương và cựu chiến sĩ VNCH, cựu tù nhân cộng sản. Bài mới viết là một đoạn Hồi Ký Hậu Chiến của một Bác sĩ Phẫu Thuật, mang tên “Thiên Lý và Vô Tận”.
Tác giả là một nhà thơ quân đội. Trước 1975, ông là một sĩ quan hải quân, từng tu nghiệp tại Mỹ. Sau năm 1975, ông trở thành người tù chính trị và định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O. Tham dự Viết Về Nước Mỹ ngay từ những năm đầu tiên, Phạm Hồng Ân đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012. Bài viết mới của ông được phổ biến đúng ngày đầu năm dương lịch 2014. Việt Báo Viết Về Nước Mỹ trân trọng chúc tác giả và bạn đọc, bạn viết một năm mới an lành.
Tác giả là một nhà thơ quân đội. Trước 1975, ông là một sĩ quan hải quân, từng tu nghiệp tại Mỹ. Sau năm 1975, ông trở thành người tù chính trị và định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O. Tham dự Viết Về Nước Mỹ ngay từ những năm đầu tiên, Phạm Hồng Ân đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012. Bài viết mới của ông được phổ biến đúng ngày đầu năm dương lịch 2014. Việt Báo Viết Về Nước Mỹ trân trọng chúc tác giả và bạn đọc, bạn viết một năm mới an lành.