Hôm nay,  

Giấc Mơ Mỹ

26/02/202513:56:00(Xem: 3148)
Giac Mo My 1
 TG Việt An trong lần về Oregon thăm lại Intel (hình do tg cung cấp)
Tác giả Việt An sinh năm 1976, qua Mỹ năm 1993, định cư ở Austin, Texas. Cô từng là kỹ sư điện tử ở Intel, nay là nhân viên của bộ Ngân khố, đồng thời là thông dịch viên tự do. Đây là bài viết đầu tiên của cô tham dự chương trình Viết Về Nước Mỹ kể về những thành công trong việc thực hiện “Giấc Mơ Mỹ” của người Việt nơi hải ngoại.
 
***
 
Hè năm 2024 rồi, vừa trở về Mỹ sau khi đi với con trai, Việt Khôi, qua 6 nước Âu châu trong chuyến lưu diễn violon của cháu, tôi được tin nhắn của ông bạn chí cốt, ổng nhắn thế này:  
 
- Sao, đi du lịch Âu châu vui không bạn hiền? Ở Mỹ sướng hén! Ở Việt Nam giờ đi vuốt ngoe thanh long thấy moạ rồi!
 
Câu nói nửa đùa, nửa thật của ông bạn chí cốt làm tôi cứ tủm tỉm cười cả ngày.  Tôi có chút tức ổng và thầm nghĩ:  
 
- Giỡn chơi hoài ông, nếu còn, tui tệ lắm cũng sắm được xế hộp như ông ấy chớ!  Hoặc sau này cũng có thể lấy chồng đi nước ngoài chớ tưởng bở!
 
Nhưng ông bạn tôi cũng có lý phần nào! Việc tôi “vuốt ngoe thanh long thấy mẹ” cũng rất khả dĩ nếu còn ở lại Việt Nam.
 
*
 
Đọc! Đọc đọc để hiểu về quá khứ! Viết! Viết để lưu lại cho tương lai! Viết để làm nhịp cầu nối và gói trọn quê hương Việt Nam qua từng trang giấy, có hình ảnh trâu bò nhai cỏ hay tiếng gà gáy ó o của buổi sớm tinh sương để lại cho thế hệ mai sau. Viết làm thành gia sản tinh thần và hành trang vào đời để lại cho con. Viết để không quên tiếng mẹ đẻ, tiếng Việt truyền thống. Viết để lưu lại cho hậu thế nước mắt và nụ cười qua những trang sử gia đình.  Viết vì đời này có biết bao điều muốn kể. Vậy nên, ta hãy viết để thuật lại cuộc đời ta.
 
Hành trình tìm kiếm giấc mơ Mỹ
 
Xa quê hương thời niên thiếu ở tuổi 17, cái tuổi cặp kê nhưng chưa biết yêu, tôi cùng gia đình rời Việt Nam đi tỵ nạn ở Hoa Kỳ theo diện H.O.17. Ngày chúng tôi rời quê hương, Nội tôi bắt một cái ghế bố nhựa sọc xanh lá đan xen với màu trắng ngó ra bờ sông, có gió thổi hiu hiu, chắc hẳn lòng bà buồn vời vợi vì sắp xa con cháu. Bà im thin thít. Ai hỏi gì cũng nhứt định không nói. Im lặng có chút hờn dỗi, im lặng trong không khí sanh ly tử biệt, một cảm giác xa rời vĩnh viễn!
 
Mẹ mèo cùng ba mèo mướp con cũng cảm nhận được không khí biệt ly! Chúng thật quấn quít nhưng có lúc lại cáu kỉnh ngầu nhau, rất vô chừng. Bái từ Ngoại, bái biệt Nội, Ba mẹ và chị em tôi khăn gói lên Sài Gòn ở nhà người bà cô chờ ngày lên máy bay. Thân bằng quyến thuộc quyến luyến, ai ai cũng gởi gắm đầy tình thương và hy vọng vào chuyến đi đổi đời này.
 
Với hành trang chỉ vài bộ quần áo cho mỗi người và một ít quà tượng trưng cho người bảo trợ, cùng vỏn vẹn $400, vậy là gia đình chúng tôi rời đất mẹ tới xứ người! Giấc mơ Mỹ chào đón chúng tôi ở Los Angeles (L.A.) nhộn nhịp, xe cộ chạy nhanh vùn vụt trên cầu. “Cầu xa lộ nào cũng giống nhau, làm sao người ta có thể biết quẹo ở đâu?”  Tôi tự hỏi!
 
Rời L.A., chúng tôi bay qua Texas (TX). Ấn tượng đầu tiên của tôi trước khi máy bay chuẩn bị đáp xuống là TX bạt ngàn một màu xanh ngát với đất đai thênh thang, cây cối rậm rạp hơn so với Cali. Thời chúng tôi mới qua (tháng 5 năm 1993), Texas còn rất nhiều những khu rừng rậm rạp bao quanh khu dân cư, đến nỗi ba mẹ tôi đi xe bus trên đường S.H.-249 góc Antoine, từ downtown về không dám đi bộ về nhà vì đường vắng tanh. (Những chỗ này ngày nay, rất nhiều khu dân cư hay thương mại sầm uất đã mọc lên). Gia đình bác Năm Bang đón chào chúng tôi và đưa về nhà Bác thuộc khu giáo dân La Vang. Cộng đồng công giáo đón tiếp và cưu mang rất nồng hậu với nào là chỗ ở cho dân H.O., nào là quần áo và vật dụng các thứ. Gia đình tôi rất biết ơn hai bác Năm Bang cùng các anh chị đã lo ăn ở, cưu mang chúng tôi tháng đầu tiên, chở chúng tôi đi đây đó cả suốt thời gian dài sau đó, thật ấm áp tình người nơi đất khách. Tôi cũng rất biết ơn chánh phủ Mỹ đã cho mượn tiền vé máy bay cùng với những trợ cấp xã hội sáu tháng đầu. Chúng tôi liền tự lực cánh sinh trước khi dứt trợ cấp xã hội.
 
Bác T. là giáo dân, qua Mỹ năm 1975, có nhiều trailer (nhà di động) cho mướn và cũng giúp đỡ những người H.O. mới nhập cư. Sau khi rời nhà bác Năm Bang, gia đình tôi mướn một trailer của bác T. với  giá rẻ. Chúng tôi cũng biết ơn bác T. nhưng thật sự cũng cố gắng chịu đựng vì trailer cũng cũ nên lâu lâu có chuột, gián, và thường không đủ ấm vào mùa đông. Có một ngày Tết năm kia, trời mưa ngập khu trailer, vừa bước ra khỏi cửa tới trạm đón xe bus đi học, tôi “bắt một con ếch” thật to, lấm lem cả quần áo.
 
Với số tiền ít ỏi mang theo, ba mẹ tôi mua được chiếc xe Honda Accord giá $300 của chú M. Cuộc sống và giấc mơ Mỹ bắt đầu kể từ lúc Ba tôi có xe. Ông đi làm thợ xây dựng, sau đó được chú B. dẫn vô làm hãng tiện  Mẹ tôi thì đạp xe trên highway S.H.-249, đi giữ em bé một thời gian, có hôm nhờ bác C. đưa đón khi Ba còn kẹt làm. Sau đó thì em bé được đưa tới trailer, mẹ coi bé tại nhà, chúng tôi thì đi học.  Lên lớp 11, tôi bắt đầu đi làm cuối tuần ở hiệu thuốc Eckerds Drugs để đỡ đần ba mẹ.  
 
Hai năm sau, gia đình nhận được cú điện thoại bất ngờ của Dì Tư và chị họ tên Lan bên nội: Bà nội tôi mất! Bà bị nhồi máu cơ tim. Lúc sanh thời, tôi vẫn nhớ Bà thường trăn trối với các cô “tao già khỏe lắm, tụi bây khỏi nuôi ngày nào”, hay “khi nào tao già, bây đừng cho anh Ba mày hay liền. Chôn cất xong xuôi hết hãy cho hay!” Các cô tôi theo y di nguyện của Nội mà làm. Tôi chết điếng người khi hay tin! Quá bất ngờ! Ba không về để tang Nội vì nhà không có tiền! Chúng tôi cũng không thể nào mượn tiền mua vé từ ai cả! Vậy là vĩnh biệt Nội, vĩnh biệt ngàn thu! Vĩnh viễn xa Nội từ khi xa xứ đi tìm giấc mơ Mỹ!
 
Tôi đã khóc hết nước mắt một thời gian dài và nhiều năm sau vẫn còn chảy nước mắt trong giấc ngủ trước khi mở mắt vì mơ thấy Nội! Tôi là cháu nội đầu, hay hủ hỉ và an ủi tinh thần cho Nội lúc Ba đi tù cải tạo. Nội vừa coi tôi, vừa làm bánh, vừa nấu rượu (lén lúc vì lúc đó rượu bị nhà nước cấm) bán để lo cho 5 miệng ăn. Theo lời Bà kể lại, có lần tôi bắt một con sâu bạc hà xanh lè xanh lét, lớn gần bằng ngón cái, se se trên những ngón tay nhỏ xíu còn chưa điều khiển được của mình, sém bỏ vô miệng, bị bà phác giác. Lần khác, bà phác giác tôi bò ra sân sau lượm ổi bỏ vô miệng. Cũng may mà bà bắt gặp, không thôi tôi đã nuốt chửng trái ổi. Cô Út thuật lại, Nội nói “lỡ mà nó có mắc cổ hay rủi có mệnh hệ gì không biết tao sẽ ăn nói làm sao với chị Ba mày ”.  
 
Ngày nhập học ở trường trung học tại Mỹ, có chị Vân con bác Đ. dẫn vô trường và làm thông dịch giùm. Cô giáo cho làm bài kiểm tra về khả năng Anh ngữ, tôi nhớ rõ mồn một là cô đưa một tờ giấy có hình sự vật rồi hỏi tôi tiếng Anh là gì? Tôi không biết ba trong số nhiều chữ là astronaut (phi hành gia), to kneel (quỳ gối), rabbit (con thỏ). Thế là phải ở lại lớp để học tiếng Anh. Ở Việt Nam tôi bắt đầu học tiếng Anh vào lớp 10, ấy là sau khi mẹ tôi khởi xướng và cùng một số phụ huynh khác kháng nghị để được học tiếng Anh, còn không thì sẽ học tiếng Nga. Tôi luôn biết ơn cô Trọng cho tôi dự thính tiếng Anh lớp 9 của các bạn học từ lớp 6 rồi dạy thêm, nhưng đa số ai mới qua Mỹ cũng mất một thời gian hội nhập về ngôn ngữ, huống chi là tôi tới cấp 3 mới học tiếng Anh (là chỉ hơn 1 năm). Rồi cũng xong, tôi cũng tốt nghiệp trung học với diện danh dự (Honors).
 
Lúc mới qua, cứ mỗi mùa Noel tôi lại rất tủi thân, sao nhà người ta đông đúc, ấm cúng mà nhà tôi vừa ít người vừa thiếu thốn, trống vắng thế kia? Nhưng rồi thời gian qua đi, chúng tôi cũng quen dần vì mãi quay cuồng với cuộc sống!
 
Chuyến đi học xa, lên đại học
 
College Station cách Houston 1.5 tiếng đồng hồ. Texas A&M University-College of Engineering, phân khoa Điện Tử-Electrical Engineering là ngành tôi ghi danh học. Thời những năm của thập niên 90, đầu những năm 2000, các gia đình H.O. qua rất đông, mấy anh chị đa số đều xong đại học bên Việt Nam nên sang đây học rất giỏi, điểm cao, ra trường có việc liền tay, với mức lương rất hậu hĩnh. Bốn chị em bạn gái chúng tôi cùng nhau mướn một căn trong cư xá trên đường Nagle.  Cô bạn tên Ái rất dễ thương, tốt bụng, có chiếc xe sports trắng hay chở tụi tôi đi chợ hay đi chơi.  (Cả nhà Ái bây giờ là bịnh nhân của chồng tôi). Trước mặt và bên kia đường là hai khu cũng có rất đông các anh Việt Nam ở trọ. Các anh chị coi nhau như trong gia đình và coi tôi như một đứa em, có đồ ăn ngon hay chia cho và  khuya đưa tôi về nhà. Mỗi bữa ăn tối xong, chúng tôi kéo nhau vô giảng đường trống, học nhóm tới khuya, tận 2, 3 giờ sáng. Vui nhứt là mỗi khi có ai đó ra trường là chúng tôi ăn tiệc thâu đêm, có khi bị hàng xóm than phiền gọi cảnh sát, đám đông mới giải tán.
 
Ngay sau khi trở thành kỹ sư tập sự cho Texas Instruments (công ty làm chip-bọ điện tử) và máy tính, tôi làm liền tay hai việc: thứ nhứt là đặt cọc mua căn nhà đầu tiên cho Ba Mẹ cùng em trai và thứ hai là mua vé cho Mẹ cùng hai chị em tôi về thăm Ngoại.
 
Nhận nhiệm sở đầu tiên
 
Trong những khó khăn về vật chất, là con cả, tôi thấy có trách nhiệm với gia đình để lo cho em nên chỉ muốn học gì không quá lâu, vì vậy tôi đã không chọn ngành y tế là bác sĩ. Tôi ra trường kỹ sư và nhận công việc đầu đời: Intel Oregon, làm về ethernet controller. Tôi rất hãnh diện về mình. Intel: thế giới của nam giới!  Đi vô mỗi phiên họp đều có đồng nghiệp nam giới chiếm tới hơn 80%. Mỗi lần vô trễ, tôi sợ bị trêu chọc lắm đa! Tôi được may mắn làm chung và học hỏi từ những kỹ sư giỏi nhứt hành tinh, người Do Thái và Nhựt Bổn. Sự nghiệp vàng son đã bỏ lại sau lưng nhưng những bài học để đời là vô giá.
 
Những chuyến công tác tại Á Châu
 
Đôi chân này đã có dịp rảo bước tới Á Châu công tác. Đây là lần đầu tiên tôi tới những thành phố lớn như Đông Kinh, Kyoto, Thượng Hải, Thẩm Quyến, Đài Bắc hay Singapore, Mã Lai Á, Hong Kong. Hay thật, xứ và người Nhựt Bổn có nền văn minh tiến bộ nhứt Á Châu! Lần đầu tiên tôi được sử dụng toilet không xài giấy mà chỉ xịt nước! Nước âm ấm, sảng khoái lắm đó đa! Ở Nhựt Bổn, khi đi trên xe điện, mọi người đều im thin thít không làm phiền ai cả!Người Nhựt Bổn văn minh thật! Người Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung cần học hỏi rất nhiều ở họ. Đảo Penang, Mã Lai Á là nơi có nhà máy sản xuất của Intel; xa xa ở phía cuối chân trời, nhìn mút tầm mắt kia là Việt Nam, quê hương, đất mẹ của tôi.
 
Lập nghiệp từ hai bàn tay trắng
 
Giã từ Oregon! Chúng tôi quay về với gia đình ở TX. Chồng muốn mở văn phòng nha nên kêu tôi nghỉ việc ở Intel. Tôi nộp đơn xin nghỉ việc. Ai cũng tiếc. Có nhìn lại mới thấy: nếu tôi cứ khư khư giữ việc cho mình thì chưa chắc chồng đã có sự nghiệp như bây giờ. Một việc của tôi đổi lấy không biết bao nhiêu việc cho bao nhiêu người, bấy nhiêu năm nay từ trong nhà đến người bản xứ. Tôi đã chọn nghĩ cho tha nhân.
 
Chúng tôi khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng và sống nhờ tiền thất nghiệp từ Intel của tôi thời gian đầu. Sau đó tôi ra văn phòng phụ việc và đảm trách đa số tất cả mọi việc ở văn phòng từ quản lý tới kỹ thuật, điện toán tới quảng cáo, tiếp tân hay trả lời điện thoại. Có thể nói tôi đã đổ không ít mồ hôi và vô vàn nước mắt vô cái văn phòng đầu tiên ấy! Hôm nay, chúng tôi đã thật sự làm chủ hai văn phòng nha khoa, không còn phải mướn mặt bằng nữa .  
 
Hành trình trở về với tuổi thơ
 
Nội ơi, Ngoại ơi, con đã trở về! Con về đây sau khi đã có một chút đỉnh lương thực tập cho mẹ về thăm Ngoại. Đau, nhớ và thương tiếc lắm! Nội không còn nữa! Bờ sông xưa nơi Nội ngồi lúc từ biệt đã lở vô tận trong sân sau gần cả chục mét. Cảnh cũ đâu? Người xưa đâu? Một cảm giác thật bơ vơ, trống vắng lạ thường. Thôi thì lần tìm về và nghe lại những âm thanh của tuổi thơ. Tiếng thằn lằn tặc lưỡi buồn não nuột. Tiếng chuột chạy trên la phông rần rần làm giựt cả mình vẫn y như xưa. 
 
Tiếng gà gáy tinh sương sớm quá, chỉ làm tôi muốn ngủ nướng thêm. Trước nhà là con đường tới chợ xóm, bà con chào hỏi nhau, “chị Phúc, mèn ơi lâu ngày quá hỏng gặp, chị khoẻ hả?” “Ờ, khoẻ, mầy khoẻ hả Oanh? dì Ba Nết khoẻ hông mậy?”  Rồi tiếng kèn Honda bíp bíp. Tiếng xe đạp lạch cạch của những người nghèo cả đời không mua nổi Honda. Văng vẳng phía bên kia bờ sông Đức Tân, huyện Tân Trụ là tiếng gọi đò ơi ới, “đò ơi đò”. Tiếng ông Tư Dậy hay em ổng đi câu ca sáu câu vọng cổ vang dội xuống sông nước nghe mùi mẩn làm sao! Thời gian, hay còn gì khác, đã làm phai nhạt những âm thanh của tuổi thơ, của tiềm thức?
 
Thời may, mấy lần sau về được gặp Ngoại trước khi Bà mất hai năm qua. Đó là vuông nhà Ngoại! Đằng trước nhà là cây rơm tôi thường cùng ông Ngoại rút cho trâu bò ăn. Kế cây rơm là khoảng đất trống Ngoại hay ngồi rốc tầu dừa phơi khô bó lại để dành nhóm lửa.  
 
Cọng dừa Ngoại chặt ra được chất vô kho làm củi. Xeo xéo bên hông nhà là chuồng trâu bò, mỗi lần tôi về Ngoại chơi ngồi coi bò nhai cỏ. Nhìn chúng hai đi nhai lại, đuôi quất quất bù mắt trong cơn mưa cám nhẹ mà lòng tôi buồn não nuột vì nhớ mẹ.  
 
Sân tráng xi măng trước nhà là nơi tôi hay coi ông Ngoại dẫn con trâu đạp lúa thay vì đập trong bồ. Lúa chín cắt xong đem về xếp tròn chung quanh rồi cho trâu bò leo lên đi tới đi lui cho hột lúa bời rời rồi rớt ra. Mỗi khi trâu bò vểnh đuôi lên là tôi cầm cái ky chạy lẹ tới đưa ông Ngoại. Ị xong, trâu tiếp tục nhiệm vụ mà chủ nhân giao phó…
 
Quanh vườn, cây vú sữa ngọt lịm, sai oằn trái mà mỗi lần hái phải vài thúng đâu rồi? Còn cây sa-bô-chê là sà sát đất nay ở đâu? Kia là cái giường hộc (giường có thể nằm ngủ nhưng bên dưới là cái hộc thật lớn để chứa đồ đạc khá quý giá). Thủa nhỏ, tôi đã nhiều phen u đầu vì nó! Đó là hồ nước, nơi mà đám con nít năm bảy đứa tụi tôi hay leo lên chơi ô quan, đánh đũa, vv…vv… Không hiểu sao tụi tôi trên dưới 10 tuổi mà leo được lên nóc hồ nước cao quá đầu người! À! Nhớ rồi! Chúng tôi bắt một cái ghế đẩu lên trên đống đá xanh ông Ngoại xây nhà còn dư. Chẳng trách gì bà Cố cứ la mắng chị Chi là đứa bày đầu hay “mụ bà nắn lộn”!
 
Phụng sự Hoa Kỳ và trở về với cội nguồn
 
Khi văn phòng Nha khoa đã khá ổn định và sau khi sanh cháu gái Việt Khuê, với ước nguyện phục vụ nước Mỹ, tôi nộp đơn vô làm cho Bộ Ngân Khố rồi tiếp tục làm đến bây giờ. Cơ duyên kỳ lạ tới bất ngờ cũng đến là một công ty thông dịch quốc tế tìm và mướn tôi. Tôi có dịp trở về gần hơn với cội nguồn và thông ngôn trở thành “nghề tay trái”.
 
Niềm hãnh diện vô biên của đời làm mẹ
 
Happy 14th Birthday Việt Khôi!
Happy Mother’s Day 2022!
 
Một Thoáng Tự Hào Trí Tuệ Việt-   
Đội Việt Khôi thắng giải Nhì Bán Kết Giải Vô Địch Robotics Thế Giới 2022!
 
(Quy tụ về Dallas hôm nay là 33 ngàn học sinh và 2,900 đội Robotics trên khắp năm châu. 800 đội là ở tuổi trung học.)
 
Nhật Ký Gửi Con Trai
 
Gởi con thương yêu những dòng tâm sự của người mẹ này.  
Gởi con làm hành trang vào đời. 
Gởi con sau này mẹ đi xa không còn bên con nữa!  
Những lời nhắn nhủ, dặn dò, gởi gắm, những dòng tâm sự của Mẹ sẽ ở mãi bên con, ngay cả ngày Mẹ trở thành cát bụi! Con hãy đọc cho các cháu của Mẹ nghe!
 
Không phải đời người, vào tuổi lớp 8, ai cũng may mắn có được những thời khắc tầm cỡ này!
 
Không phải người mẹ nào cũng may mắn như mẹ được trải qua những giây phút kiêu hãnh tuyệt vời, nhớ đời như mẹ nên Mẹ phải lưu lại cho đời sau!
 
Việt Khôi, con trai yêu dấu, con trai đầu lòng của Mẹ,
 
Vào những giờ này của 14 năm trước, mẹ đang ở nhà thương. St. Vincent’s hospital ở Portand, Oregon. Bác sỹ Hoffman chích thuốc giục cho con ra. Nội và Ba con đưa mẹ vô nhà thương và chờ đợi.  Chờ đợi trong những  cơn chuyển dạ của hơn 30 tiếng đồng hồ con vẫn chưa ra, những  cơn đau bụng râm ran nhưng dễ chịu hơn so với chuyển dạ thật rất nhiều!
 
Đúng 14 năm sau, con đã mang cho mẹ niềm hãnh diện vô biên của một người mẹ nhân ngày lễ Mẹ, một niềm kiêu hãnh cao chót vót trên chín tầng mây xanh. Con thật biết trả hiếu! Niềm tự hào này không phải ai làm mẹ cũng may mắn có được.
 
Wow, con trai! Đây là lần thứ 2 con được dự thi Robotics giải vô địch thế giới. Lần đầu là vào năm lớp 6 nhưng vì Covid, cuộc thi bị huỷ. 2 lần trong 3 năm của middle school, đội của con được đi World’s. Hai lần này, ở lứa tuổi của con, trong sự kiện này, coi như Con đã lọt vào giới trí thức tinh hoa của Mỹ. Điều này từng là mơ ước của Mẹ. Có lẽ Ba mẹ cũng được một phần nho nhỏ, nhưng vươn không cao và đi không xa bằng con.
 
Giấc mơ Mỹ; Ba đời. Mẹ hy vọng còn nhiều đời sau nữa. Từ đời Ông Bà (ÔB) Ngoại con tới đời Mẹ, Cậu rồi đời con, giấc mơ Mỹ ngày càng được thực hiện tròn trịa hơn và tươi đẹp hơn.  
 
Để Mẹ giải nghĩa của tên con cho cháu Mẹ (sau này) biết luôn: Việt: vượt qua; Khôi: nở nang, cao lớn, đứng đầu, còn có nghĩa là một loại đá quý, thường chỉ người con trai tuấn tú, thông minh và khôi ngô. Tên ba anh em con có chữ lót Việt. Ngoài nghĩa của chữ “Việt”, ngoài hy vọng các con có chút gì ưu việt, siêu việt, Mẹ còn muốn ghép chữ Việt của Việt Nam vào tên con. Mẹ hy vọng thổi hồn Việt vào người các con. Đây cũng là một sự gán ghép, gởi gắm! Ba Mẹ hy vọng gởi gắm hồn Việt và tất cả tinh tú Việt mà Ba Mẹ biết vào trong mấy anh em con.
 
Con hãy mang trí tuệ Việt đi tung hoành khắp năm châu bốn bể. Tương lai rộng mở đang đón chờ con.
 
Mẹ nhớ mãi những giây phút ôm ấp con trong lòng, hay nửa đêm chắt chiu từng giọt sữa cho con. Ai cũng nói mẹ “mát sữa”.  Suốt gần 2 năm ròng rã, con lớn lên ngày qua ngày, hoàn toàn chỉ bằng những giọt sữa của mẹ, dòng sữa Việt Nam mà không tốn một giọt sữa hộp nào. Thủa nhỏ con rất đeo Mẹ. Có lúc con cứ đeo dính trên tay mẹ không thả xuống được luôn. Mẹ vẫn còn nhớ như in ngày thôi sữa con.  Một tuổi rưỡi, con kiếm mẹ quanh quất, chạy khắp nhà kêu “MẸ…” thất thanh rất tội nghiệp còn Mẹ thì ra nhà để xe để trốn. Mới đó hà!
 
Rồi con vụt lớn hồi nào Mẹ cũng không hay. Ba Mẹ chỉ biết đánh bại thời gian từng giờ, từng phút mà sắp xếp để chở tụi con đi học thứ này thứ kia. Chính con mới  là người lái con tàu tương lai của mình và tự ghi danh học này học kia. Chính con biết vươn lên xa hơn những gì Ba Mẹ tưởng tượng! Đó chính là may mắn của Ba Mẹ. Với con, ba mẹ thật may mắn, chỉ cần khuyến khích thêm để con đi xa hơn mà không làm gì nhiều, cũng không cần đốc thúc hay nhắc nhở. Con có một kỷ luật thật nghiêm minh và đáng nể của một cậu bé 14 tuổi.
 
Đừng bao giờ quên rằng con là người Việt Nam, cùng với dòng máu Việt luân chảy trong con, với khối óc Việt và trí tuệ Việt.  Hãy phân biệt rạch ròi.  Người Việt không phải là người Tàu. Người Việt là một dân tộc đáng thương nhưng cũng rất đáng  kiêu hãnh, tự hào.  (Lớn lên, con nên dành thời giờ tìm hiểu thêm về lịch sử và văn hoá Việt Nam.)  
 
Quê hương thứ nhứt của con là Hoa Kỳ.  Quê hương thứ hai của con (và thứ nhứt của Ba Mẹ) là Việt Nam.  Nơi đó vẫn còn mồ mả Ông Bà và họ hàng hai bên Nội Ngoại và nhứt là bên Ngoại.  Bà Cố, mẹ ông Ngoại đã nuôi Mẹ lớn những ngày thơ ấu, những năm Ông Ngoại vắng nhà.  Tới giờ Mẹ vẫn chưa được gặp lại ngày Mẹ từ giã Bà đi tìm giấc mơ Mỹ khoảng lớn hơn con vài tuổi.
 
Trong một vài thoáng huy hoàng của vinh dự, Mẹ tự hỏi có phải chăng 2, 3 lần có thành quả đáng kể này, con đã mang về không ít hãnh diện cho gia đình? Không dám nghĩ gì cao siêu cả, nhưng Mẹ chắc chắn một điều: con đã làm cho Ba Mẹ và gia đình có thể ngẩng cao đầu tự hào mình là người Việt Nam. Có rất nhiều người Việt hải ngoại gọi chúng ta là người Mỹ gốc Việt mà không phải là “Việt kiều”, chính xác hơn là người Việt quốc gia (mà con là thế hệ thứ ba!)
 
Mẹ nghĩ ba mẹ đã ươm hạt giống tâm hồn rất tốt trong con. Con cũng  rất thương người.  Hãy tiếp tục chia sẻ tình thương cho những người kém may mắn hơn ở chung quanh con. Ba mẹ cũng hay chia sẻ tình thương về Việt Nam với rất nhiều mảnh đời bất hạnh. Sống đừng quá quan trọng về vật chất. Thay vào đó, hãy tu dưỡng tâm hồn và năng đọc sách như hồi nhỏ mẹ hay đọc rồi rón rén ra khỏi phòng khi tưởng con đã ngủ, khi thức dậy con đòi đọc tiếp không cho mẹ ngưng. Càng tu dưỡng thì con người càng hoàn thiện hơn!  
 
Ba Mẹ không quên cảm ơn gia đình hai bên nhứt là hai bà Nội & Ngoại luôn phụ ba mẹ chăm chút từng miếng ăn cho các con. Thương lắm! Yêu nhứt là Ba con rất chịu khó cùng Mẹ chăm lo cho các con. Mẹ cũng thầm tri ơn các vị đã khuất, Ông Bà nhiều đời của Ba con và cả của Mẹ. Họ đều sống rất hiền lương, độ lượng, đầy nhơn nghĩa và cũng hay làm phước. Họ cũng đã góp phần tạo nên phước đức cho ngày hôm nay đó con! Các vị ấy cũng đang nhìn xuống mỉm cười trên thiên đàng.
 
Con là đứa con hiền nhứt và mẹ hy vọng con sẽ không bị thiệt thòi khi ra đời.  Thấp thoáng ở trong con, mẹ thấy có những tánh cách và phẩm chất rất ư quen thuộc: đạo mạo, điềm đạm, từ tốn, ôn hoà. Từ nhỏ tới lớn, con chưa bao giờ lớn tiếng với mẹ.  Mẹ dặn điều này để con luôn ghi nhớ:  Always set your ground rules-Luôn tạo cho mình những nguyên tắc căn bản! (Một ông boss ở Intel đã từng chỉ Mẹ). Mẹ cũng biết con trai Mẹ sẽ “thắng không kiêu, bại không nản”!
 
Con là một đầu tàu vững chãi cho hai em noi theo. Hãy luôn luôn như vậy nghe con, cả về sau này khi Ba Mẹ không còn nữa! Con là một món quà rất trân quý mà Thượng Đế đã ban cho Ba Mẹ!
 
Bất chợt có một rồi nhiều giọt nước mắt tự dưng rớt uống trên má mẹ. Đây đích thực là những giọt nước mắt của hạnh phúc, của một niềm hãnh diện vô biên! Thật tuyệt vời, ngày lễ Mẹ 2022!
 
Thương tặng con một câu của một nhà văn tên Cung Giũ Nguyên: “Hãy luôn nhìn về tương lai. Hãy luôn làm việc hết mình và không ngừng học hỏi. Hãy nuôi hy vọng”.
 
Hôn con một ngàn cái!
 
Hãy cười nhiều lên nghe con! Cười khi nhớ tới Mẹ!  Cười thật tươi như Mẹ luôn cười! Cười dù con ở trong bất cứ hoàn cảnh nào!
 
Mẹ sẽ luôn ở bên cạnh con, con trai đầu lòng của Mẹ. Mãi mãi! Ngày nay và cả ngày sau!
 
Ngày XX tháng XX năm 2022 

Giac Mo My 2.jpg
 Hình Việt Khôi dự thi Mathcounts, cấp độ tiểu bang (Texas)
     
Đúng hai năm sau khi tham dự World’s Robotics, con trai đầu, Việt Khôi lại đưa tôi đi lưu diễn violon ở Âu châu cùng với cháu qua 6 nước: Anh, Pháp, Thuỵ Sĩ, Áo, Liechtenstein và Đức. Có mấy ai sau khi đạt được giấc mơ Mỹ mà được những may mắn hy hữu này? Ba anh em Việt Khôi, Việt Khải, Việt Khuê luôn cố gắng vươn lên, tiếp tục thực hiện giấc mơ Mỹ cho đời chúng; đời ông bà và đời ba mẹ là những người tỵ nạn. Chúng đã nhiều lần làm Ba Mẹ hãnh diện vô biên khi cái họ Nguyễn ấy đứng ngang hàng hoặc bên trên những tên Ấn Độ và Tàu.
 
Cả nhà vợ chồng con cái chúng tôi, cùng với cả nhà Nội, Ông Bà Nội và các cô của mấy cháu còn có cơ duyên phục vụ trong một hội từ thiện tại Mỹ gây quỹ nuôi trẻ mồ côi ở Việt Nam. Chồng và con gái tôi, bé Việt Khuê có được dịp góp tiếng hát (bằng tiếng Việt), san sẻ tình thương cho các bạn đồng trang lứa tại quê nhà, nơi mà cháu chưa hề đặt chân đến! Các cháu chỉ biết nơi ấy xa lắm, xa bằng một đại dương nhưng chưa mường tượng được cái xa ấy là cỡ nào.
 
*
 
Có lẽ tôi cũng giống Mẹ tôi, là rất hào sảng với người khác nhưng lại tằn tiện với chính mình. Tình cảnh luôn thiếu hụt đã dạy tôi biết tiết kiệm, biết thông cảm và san sẻ tình thương với nhiều người. Thiếu thốn một thời gian dài gần như cả tuổi thơ cho tới khi làm ra tiền cũng đã dạy tôi tánh chịu khó. Làm con cả đã tôi luyện tôi thành người có trách nhiệm, biết lo. Bần cùng và túng thiếu cũng đã dạy tôi lòng kiên trì và ý chí cầu tiến.   
 
Ngẫm lại cuộc đời này, qua Mỹ và lập nghiệp từ hai bàn tay trắng, tôi đã vươn lên từ túng thiếu tới đủ ăn, đủ xài, có một chút thành tựu cho mình, cho gia đình, và san sẻ với người. Bà Nội, Ông Bà Ngoại chắc hẳn cũng mỉm cười nơi chín suối vì cậu em tôi cũng có nghề dược sĩ để nuôi thân, rồi thế hệ con cũng có chút thành tựu. Ngó lên, tôi không bằng ai, nhưng ngó xuống thì không mấy người bằng mình. Vật chất có chút đỉnh cho vui, nhưng gia tài để lại cho con tại Hoa Kỳ này phần nhiều là những giá trị tinh thần. Cuộc đời này tôi cũng có thể gọi là khá thành công nhưng tôi chưa hề tự sắm cho mình một cái túi xách hay đôi giày trên $100. Tôi có đúng duy nhứt một cặp bóp hiệu, một Gucci và một L.V, đó cũng là quà mà chồng và em trai tặng. Phải chăng tôi tin vào những giá trị thực bên trong một con người là tri thức, lý tưởng, và những đức tánh tốt cần có như chân tình, thật thà, tử tế, tín cẩn, ôn hòa, cần cù, nhẫn nại, kiên trì và luôn cố gắng hết mình, vươn lên trong mọi hoàn cảnh thì không hàng hiệu nào có thể đánh đổi được?
 
Cảm ơn giấc mơ Mỹ với 400 đô của gia đình tôi. Tôi thật sự hy vọng giấc mơ Mỹ của nhà tôi ngày càng tươi đẹp hơn và tròn trịa hơn cho những thế hệ sau. Cảm ơn tất cả những cơ hội mà chúng tôi có được. Cảm ơn những bước chân dĩ vãng đã tôi luyện tôi thành tôi của ngày hôm nay. Cảm ơn những chuyến đi ngược xuôi của dòng đời đưa tôi về những địa điểm của địa cầu dù là du lịch, tham quan thế giới để mở mang tầm mắt hay để tôi luyện con người. Cảm ơn ba mẹ đã sanh thành, dưỡng dục và nuôi dưỡng những đức tánh của con. Cảm ơn cuộc đời đã cho tôi làm những việc muốn làm.
 
 
Việt An
 

Ý kiến bạn đọc
09/03/202516:30:16
Khách
Lý do không có nguời VN ông Andy phỏng vấn có thể hiểu đuợc. Hồi thập niên 1980, thống kê cho biết học sinh gốc VN học giỏi nhất trong số các chủng tộc ở Mỹ, nhưng rồi sau năm 2000 thế hệ sau cuả dân VN bị học sinh Ấn Ðộ, TQ vuợt qua. Truớc 1975, học sinh ban B (toán) mien Nam đã học giải tích (analysis), số học, hình học không gian, luợng giác, điện, cơ, quang học, nhiệt, thuỷ tĩnh học (fluid mechanics), hoá hữ cơ và vô cơ, trừ thống kê và trận (matrix) khong học, chuơng trình Nam VN vuợt xa chuơng trình trung học Mỹ. GS Huỳnh Chiếu Ðẳng có in lai đề thi Tú Tai II ban B 1970 mà phải có 2 lớp Calculus mới giải nổi. Sau 1975, chế độ học vấn VN theo miền Bắc bỏ lớp 12, 40% dạy chánh trị XHCN, điểm thi chấm theo lý lịch, kinh tế khó khăn học sinh phải đi làm phụ giúp gia đình hay bỏ học, sinh ngữ thì bị bắt học tiếng Nga, v.v., nên số học sinh VN dến Mỹ sau này bị thụt luì so với học sinh các nuớc khác. Mãi đến sau khi đổi mới học sinh VN mới trở lại phong trào học thêm Toán Lý Hoá Anh ngữ ban đêm truớc khi lên đại học, nhưng khi tuyển chọn du học thì cũng có nguời không gỏi đuợc đi vì tham nhũng hay lý lịch tốt. Tuy nhiên học sinh VN tốt nghiệp tại Mỹ hom nay vẫn có nhiều nguời rất xuất sắc.
04/03/202514:14:57
Khách
Hồi 1980, ai học IT hay electronics đều có cơ hội tốt làm giàu với công ty mới sáng lập ở Silicon Valley: Microsoft, Apple, Intel, AMD, Ciscp. Lúc đó Ấn Ðộ và TQ chưa biết nhiều về computers nên sinh viên tốt nghiệp ở Mỹ không bị cạnh tranh. Cơ hội vẫn tốt cho đến ngày hôm nay với các công ty Google, Facebook, Nvdia... Nay thì AI mở cửa cơ hội mới cho nhân tài nhưng sinh viên Mỹ phải cạnh tranh với top 0.1% của hơn 2 tỷ nguời Ấn Ðộ và TQ. Sinh viên Ấn Ðộ và TQ đến Mỹ tràn ngập các đại học danh tiếng bên Mỹ dù Ấn Ðộ và TQ nay đã có đại học danh tiếng trong nuớc. Chánh sách dùng lý lịch hay hối lộ làm giáo sư hay tuyển sinh ở VN nay là trở ngại cho việc đào tạo nhân tài. Việc đòi hối lộ khi nhập cảnh tại phi truờng cũng gây trở ngại cho các khoa học gia quốc tế đến VN trao đổi kiến thức, giảng dạy thỉnh giảng.
03/03/202521:28:01
Khách
Cảm ơn tác giả một bài viết hay.
03/03/202519:09:44
Khách
"Có lẽ các gia đình VN thuờng khuyến khích con cái học hành xuất sắc học ngành y khoa hơn là kỹ thuật vì lợi tức ngành y thuờng cao hơn. "

Có AI scientists, AI engineers, ... lương gần hay trên triệu dollars /năm. Prompt engineers, Data Scientists, lương có lên trên 300k. Electronic Design Automation, chip designs engineers, ... với vài chục ngàn shares hay hơn ở Lam Research, Synopsys, Cadence, ... giá 1 share lên đến $800+ . Nội tiền stock options, bonus, ... thì đã lên triêu phú. Chủ Nvidia năn nĩ kỹ sư làm việc chăm chỉ vì có anh nội tiền stocks đã lên trên $200 triêu dollars. Thế hệ thứ 2 sau tỵ nạn ở nhà có anh trong tuổi 30s lương đã trên 1M dollars (w2). 2 vợ chồng trong lứa tuổi 30s lương tổng cộng $500k+ có 2 căn nhà ở San Jose 1 căn mua 2018 1.1M (đã paid off và cho thuê) căn thứ 2 1.4M mua 2020, cứ 4 hay 5 năm nhảy hãng 1 lần kiếm stock options. Mùa Covid worked from home làm 2 hãng 1 lúc coi như lương nhân 2. Dân Ũkraine tỵ nạn ăn food stamps ra kỹ sư làm chủ Whatsapps ra IPO bán cho facebook lên ngay tỹ phú. Lisa Su kỹ sư của ADM từ Taiwan lên tỹ phú, lương 50M+ và stock options vô số. Mấy hãng lớn mua hãng nhỏ có hãng vài chục triệu dollars, chủ trẻ măng. Vô ký giấy phải ở hãng 4 năm lương engineer manager 500K/năm + stock options, sau khi bõ 20M+ vào túi tiền bán hãng. David Lam từ Chợ Lờn, qua Hong Kong rồi đi Mỹ lên tỹ phú dollars. Tụi Deep Seek AI phe đại học Triết Giang, mấy tháng trước làm thị trướng stock Mỹ mất trên 600 tỹ dollars/ngày. Tổng Thống Trump phải nói "Đó là wake up call" khi Trung Quốc muốn thống trị kỹ thuật tòan cầu.
01/03/202514:00:03
Khách
"Có thể các bạn cũng như tôi, thiếu hình mẫu kỹ sư thành công trong gia đình và cuộc sống."
Có lẽ các gia đình VN thuờng khuyến khích con cái học hành xuất sắc học ngành y khoa hơn là kỹ thuật vì lợi tức ngành y thuờng cao hơn. Nhưng nếu thành công thì kỹ thuật gia sáng tạo thành công lớn hơn ngành y như các sáng lập viên ở các công ty tại Silicon Valley.
Có một vấn đề lớn về các kỹ sư xe hơi Mỹ có vẻ kém so với kỹ sư Toyota, Honda, Subaru, Kia, Hyndai trong việc chết tạo xe hơi. Xe hơi Mỹ sản xuất phát họa design tại Michigan, nơi có truờng đại học danh tiếng University of Michigan Ann Arbor ngang hàng với Ivy League tuy nhiên xe hơi Mỹ phẩm chất thấp so với xe hơi của Nhật và Nam Hàn do kỹ sư tốt nghiệp đại học Nhật và Nam Hàn. Có lẽ vì các ông kế toán bắt phải tiết kiệm nên kỹ sư phải bỏ những design tốt. Một thí dụ điển hình là hồi 1980, chỉ vì không chịu bỏ $15 cho miếng sắt che bình xăng mà xe Ford Pinto phát cháy nổ mỗi khi bị đụng từ phía sau. Khách thuê xe hơi nay chuộng xe ngoại quốc và chê xe Mỹ chỉ vì xe Mỹ không êm, ngồi không thoải mái vì không có nguời tài năng vẽ kiểu design như xe Nhật và Nam Hàn. Nếu Mỹ không chịu nâng cấp các ngành kỹ thuật thì sẽ khó cạnh tranh trong tuơng lai.
28/02/202503:12:10
Khách
tiếp theo "Có nhiều lý thuyết để giải thích hiện tượng này. Một số người cho rằng sinh viên người Ấn Độ và Trung Quốc giúp đỡ nhau trong quá trình thực tập và phỏng vấn công việc. Ví dụ, họ sẽ tạo ra các nhóm học thêm để chuẩn bị cho kỳ phỏng vấn tương tự chuẩn bị thi đại học. Vì giáo dục kỹ thuật ở Trung Quốc và Ấn Độ rất cạnh tranh, việc học để thi là chuyện thường xuyên, và họ dùng những kỹ năng này trong bối cảnh của Mỹ. Đây là những giải thích cần nhưng chưa đủ.
Để hiểu rõ hơn về hiện tượng có tương đối ít ứng viên người Việt trong lĩnh vực học máy, khoa học dữ liệu, chính sách giáo dục đại học ở Trung Quốc, Ấn Độ, và Việt Nam trong năm thập kỷ qua có thể làm sáng tỏ thêm một số lý do khác. Ấn Độ quyết định từ những năm 1960 rằng họ muốn tham gia vào ngành công nghệ thông tin trên toàn cầu, và đã xây dựng cơ sở hạ tầng giáo dục kỹ sư hàng đầu là Viện Công nghệ Ấn Độ (IIT). Những trường đại học này được xây dựng với sự giúp đỡ của các trường kỹ thuật tư nhân hàng đầu ở Mỹ như Stanford, Cornell, MIT. IIT mô phỏng các đối tác Mỹ trong việc đặt cơ sở hạ tầng ở những khu vực hẻo lánh để sinh viên có thể tập trung theo học một cách toàn diện. IIT với kết nối quốc tế đã gửi sinh viên đi du học, lấy bằng thạc sỹ, tiến sĩ trong các lĩnh vực kỹ thuật ở Mỹ.
Trung Quốc theo đuổi một cách tiếp cận hơi khác bằng việc tạo ra hệ thống đại học phân tầng. Các trường hạng nhất như Đại học Thanh Hoa, Đại học Bắc Kinh, Đại học Fudan, Đại học Thượng Hải - Jiao Tong cũng cung cấp giáo dục kỹ thuật rất tốt. Sinh viên tốt nghiệp từ những trường này theo đuổi bằng cao học, tiến sĩ ở Mỹ sau khi học xong đại học, và tên trường của họ thường được các ủy ban tuyển sinh biết rõ. Cả hai quốc gia đều cải tạo, và tài trợ giáo dục đại học chú trọng giáo dục kỹ thuật để có thể đào tạo ứng viên xuất sắc có tính cạnh tranh trên thị trường nhân lực quốc tế. Quay trở lại với việc tôi không thấy được bóng dáng các bạn ứng viên người Việt. Có thể các bạn cũng như tôi, thiếu hình mẫu kỹ sư thành công trong gia đình và cuộc sống."
28/02/202503:00:55
Khách
AI engineers, Data Scientist, Prompt Engineers, ... For Data Scientist "Mùa thu là thời gian sinh viên đại học và thạc sĩ tại Mỹ nộp đơn phỏng vấn cho các vị trí thực tập trong ngành công nghệ.
Một vị trí thực tập tốt có thể dẫn tới cơ hội việc làm toàn thời gian sau đó. Là người tuyển dụng, hai năm qua tôi không được phỏng vấn sinh viên người Việt nào, chủ yếu gặp các bạn trẻ Ấn Độ và Trung Quốc. Theo báo cáo Open Doors của Viện Giáo dục Quốc tế, Việt Nam xếp thứ năm về số lượng sinh viên gửi đến Mỹ. Trong năm học 2022-2023, gần 22.000 sinh viên Việt Nam đang học tại Mỹ, trong khi Trung Quốc có gần 290.000 và Ấn Độ 270.000. Nghĩa là cứ khoảng 13 sinh viên Trung Quốc hoặc Ấn Độ sẽ có một sinh viên Việt Nam. Tuy nhiên, trong lĩnh vực khoa học dữ liệu, tôi không nhìn thấy tỷ lệ này. Hàng năm, danh sách ứng viên được chọn của chúng tôi thậm chí không có sinh viên Việt nào lọt vào vòng phỏng vấn cuối cùng. Tôi hỏi một đồng nghiệp khác tại Q., một công ty công nghệ lớn, bạn cũng khẳng định người Việt hiếm hoi trong lĩnh vực của chúng tôi, bất chấp cơn bùng nổ khoa học dữ liệu toàn cầu kể từ đầu những năm 2010. Các nhà nghiên cứu xã hội cũng chia sẻ quan sát của tôi. Khi còn làm nghiên cứu sinh tiến sĩ, tôi tham dự một buổi nói chuyện về sách của nhà xã hội học France Winddance Twine. Cuốn sách, có tên gọi Geek Girls, tìm hiểu về cách phụ nữ da màu như người châu Á, và phụ nữ Latin làm các công việc có thu nhập cao (tới 300.000 USD mỗi năm) ở Thung lũng Silicon. Nghiên cứu phát hiện rằng hầu hết kỹ sư nữ, đặc biệt là kỹ sư nữ người Ấn Độ, sở hữu thứ gọi là "geek capital", một dạng kỹ năng mềm trong các ngành STEM. Nghĩa là các bạn nữ này đến từ một mạng lưới xã hội trực tiếp kết nối với văn hóa công nghệ. Một số kỹ sư nữ người Ấn Độ đưa ra lý do họ trở thành kỹ sư hoặc lấy bằng kỹ thuật ở đại học một phần nhờ có cha mẹ hoặc anh chị em là kỹ sư. Khi tôi giới thiệu tên để trao đổi trong sự kiện, Twine lập tức đoán được tôi là người Việt. Bà chia sẻ: không có nhiều người Việt trong số những vị trí lương cao ở Thung lũng Silicon, so với các kỹ sư châu Á như Trung Quốc và Ấn Độ. Còn những sinh viên Việt Nam khác, tại sao "những công việc hấp dẫn nhất của thế kỷ 21" lại không hấp dẫn họ, như với người Trung Quốc và Ấn Độ? "
27/02/202516:37:35
Khách
Cám ơn tác giả chia sẻ. Sau cơn mưa trời lại sáng. Vì cuồng tín chánh trị trung thành với lãnh tụ đảng phái hơn là khả năng, VN bỏ phí hàng trăm ngàn nhân tài nên dân VN nay tranh nhau di làm O Sin hay làm công nhân cho Nam Hàn, Singapore, Âu châu vì ở VN làm không đủ sống. Mong rằng Việt Khôi đuợc nhận vào các đại học đứng đầu như Princeton, MIT, Stanford, để tận dụng hết khả năng và đóng góp nhiều cho nuớc Mỹ như cha mẹ đã và đang làm. Nếu còn ở VN thì gia đình này với lý lịch xấu đi vuốt ngoe thanh long không làm đuợc gì cho VN vì nguời miền Bắc lấy hết cơ hội. Lỗi tại những nguời miền Nam đã giúp nguời miền Bắc vào làm chủ nhân miền Nam. Ðáng tiếc là nhân viên chánh phủ liên bang Mỹ của chế độ cũ nay đang gặp nạn. Giấc mơ Mỹ cho những nguời làm cho chánh phủ liên bang đang dần tan vỡ vì nuớc Mỹ nay đã xoay chiều quay xe. Nuớc Mỹ ngày xưa bảo vệ thế giới tự do chống xâm lăng từ khối Nga Sô. Nuớc Mỹ hôm nay đứng về phiá Nga đe doạ xâm chiếm các nuớc tự do như Canada, Greenland, Panama, Ukraine và Âu châu. Và nhân viên chánh phủ liên bang phải hỗ trợ đuờng lối thân Nga. Cầu cho tác giả tai qua nạn khỏi lần này.
27/02/202516:20:27
Khách
Xin chúc mừng gia đình Việt An. Xin cám ơn một bài viết hay của tác giả.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 82,481
Tin về một bé gái 11 tuổi ở Texas đã tự tử chết ngày 8 tháng 2 vừa rồi vì bị bắt nạt bởi bạn bè tại trường học liên quan đến tình trạng di trú của gia đình em khiến tôi lại liên tưởng đến những ngày tháng đen tối sau ngày 30 tháng 4 năm 1975. Khi ấy đã có bao nhiêu thành phần cơ hội lên mặt hống hách. Và để lập công với chính quyền mới, họ đã không ngần ngại có những hành động cũng như lời nói đe dọa những người từng là hàng xóm, là bạn bè, là đồng nghiệp của họ. Khi ấy có biết bao nhiêu người trong chúng ta cùng mang chung một tâm trạng lo âu hoang mang, không còn dám tin tưởng vào bất cứ một ai. Có lẽ đó cũng là điều mà chính quyền mới khi ấy mong muốn và biết đâu điều đó cũng nằm trong kế hoạch của họ. Khi người dân nghi kỵ lẫn nhau, sẵn sàng trở mặt đấu tố nhau thì giới lãnh đạo sẽ chẳng còn phải lo có thành phần nào rảnh rỗi để chống đối lại mình.
Biết được Hội sinh viên người Mỹ bản địa ở trường UTA (University of Texas at Arlington) cần nhiều thiện nguyện viên giúp cho lễ hội Pow Wow lần thứ 29 được tổ chức vào ngày 1 tháng Ba năm 2025, tôi chủ động liên lạc với Ông chủ tịch của hội và được chấp nhận vào làm thiện nguyện viên. Tất cả các thiện nguyện viên được yêu cầu tham gia hai buổi họp online để nghe phổ biến về nội qui và những điều nên tránh khi làm thiện nguyện cho lễ hội. Buổi họp thứ ba được tổ chức tại trường UTA một ngày trước lễ hội. Ông Silva-Brave, chủ tịch hội sinh viên người Mỹ bản địa, giải đáp những thắc mắc của thiện nguyện viên, đưa chúng tôi đi tham quan khu vực Maverick Activity Center để chúng tôi khỏi bỡ ngỡ khi làm việc.
Tôi đến thăm chị Dung đang nằm bịnh. Anh Việt mở cửa đón tôi với bộ mặt hốc hác xanh xao tiều tụy. Nhìn chị nằm trên giường gần như bất động, tôi đè nén sự xúc động. Không ai ngờ vợ anh đang còn mạnh mẽ bất ngờ bị ung thư bướu trong não, chữa trị trong thời gian ngắn, nay đành bất lực. Dầu biết luật đời gắn chặt Sinh Lão Bệnh Tử không ai tránh thoát. Nhưng có chia lìa là có đau buồn ngậm ngùi, nhất là với người phụ nữ có quá nhiều đức tánh tốt, người vợ tuyệt vời, người mẹ mà các con xem như thần tượng, người dâu được cả dòng họ nhà chồng khen ngợi, bạn bè thương mến.
Dung vượt biên qua Mỹ lúc vừa xong trung học. Bố mất khi còn trong trại giam sĩ quan chế độ cũ. Mẹ cũng mất sau mấy năm bươn chải mua bán nuôi con. Hai đứa cháu mồ côi được cô mang về nuôi. Khi Dung học xong trung học, cô tìm mối vượt biên cho Dung đi, bởi vì con “ngụy quân ngụy quyền” không thể vào đại học. Chuyến đi kinh hoàng suýt mất mạng, nhưng cuối cùng Dung cũng được nhận vào Mỹ, vì khai bố mất trong tù. Phái đoàn Mỹ khi phỏng vấn họ tìm ra tung tích bố dễ dàng, dựa vào tấm hình bố mặc quân phục ẵm Dung lúc 5 tuổi, cười nhe hàm răng sún thiếu 2 cái răng cửa.
Trời mùa đông, sương mù phủ mờ những con đường. Tôi ngồi trong chiếc Toyota Camry đã vượt qua hơn trăm ngàn dặm, lắng nghe tiếng quạt gió từ hệ thống sưởi ấm phả đều lên khuôn mặt tê lạnh. Buổi sáng âm 4 độ C, và khi điện thoại trên giá đỡ bất ngờ sáng lên, tôi thấy thông báo: “Pick up from Wawa, $5.50.” Không chút đắn đo, tôi nhấn “chấp nhận.” Cây xăng Wawa chỉ cách nhà vài con đường. Khi xe vừa dừng lại, tôi mở cửa bước vào cửa hàng tiện lợi. Dù là sáng thứ Bảy, nơi này vẫn nhộn nhịp như mọi ngày. Các trạm bơm xăng chật kín xe cộ. Xe tải chở hàng, xe con, và những chiếc SUV đông đúc trẻ em trên ghế sau nối đuôi nhau chờ đến lượt. Tài xế nhanh tay cầm vòi bơm, mắt liếc qua màn hình hiển thị giá xăng, một vài người thở dài khi thấy con số tăng lên nhanh chóng.
Năm mươi năm quả là một thời gian dài, dài quá nửa đời người, tuy nhiên so với dòng thời gian vô thủy vô chung thì nó chỉ là một khoảnh khắc, một cái chớp mắt, so với lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc thì năm mươi năm cũng chẳng là bao. Năm mươi năm, nếu là đoàn tụ, hạnh phúc, hòa bình thì cũng chẳng có chi đáng để nói. Đằng này năm mươi năm xào xáo, ly tán, khổ đau… quả là thật khó mà nói hết trong một bài văn hay một câu chuyện. Cũng may là bản tánh con người mau quên, mọi thứ rồi cũng dần dần nguôi ngoai theo lớp lớp sóng bồi của thời gian. Người ta thường nói thời gian là phương thuốc sẽ chữa lành những vết thương, sẽ xóa nhòa những ký ức, chôn vùi đi những dĩ vãng dù là vàng son hay đen tối, hạnh phúc hay khổ đau.
Những năm 1970, quan niệm xã hội chưa thông thoáng như bây giờ. Chuyện yêu đương với người nước ngoài là điều không tưởng, chứ đừng nói tới việc lấy chồng ngoại quốc. Vậy mà con bé xấp xỉ đôi mươi, vừa rời ghế nhà trường, tập tễnh ra ngoài đi làm phụ giúp gia đình, cái con bé hiền như con mèo đó, lại dám lấy thằng chồng Mỹ.
Hương biết, từ ngày gật đầu làm vợ Jim, cho đến lúc đặt chân đến Mỹ, sinh con và sống trong sự bao bọc của Jim, bắt đầu bằng cảm giác thương hại, rồi mang ơn Jim đã giúp cô có tấm vé đi Mỹ, thoát khỏi Việt Nam, rời khỏi làng quê bé nhỏ khốn khổ, đổi đời. Hương cũng tự hỏi, làm sao Jim yêu cô chỉ qua một lần tiếp xúc và sau đó là những cuộc gọi đường dài, nhưng dù sao hành động của Jim trong những năm qua cũng đủ chứng minh tất cả. Còn Hương ư, chưa bao giờ cô nghĩ mình đã rung động vì Jim...
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014, giải Trùng Quang 2018 và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Bài viết kỳ này là một câu chuyện tình với kết thúc có hậu.
Những bông tuyết bắt đầu lớn và nặng, rơi từng chùm to khi chúng tôi về gần tới nhà! Hôm nay, 05 tháng 01 năm 2025 là ngày đầu đưa con trai trở lại OSU (The Ohio State University) sau kỳ nghỉ Giáng Sinh và Tết Tây dài hạn trong năm. Cho xe vào “garage” xong, tôi vội vã lấy xẻng xúc bớt tuyết trên lối đi đoạn rải muối trước khi chạy vội vô nhà trốn lạnh...
Nhạc sĩ Cung Tiến