Hôm nay,  

Cây Giáng Sinh Nhà Hàng Xóm

18/12/202313:24:00(Xem: 1899)

xmas tree

  

Tác giả tên thật là Nguyễn Thị Kim Loan, sinh năm 1966, là cô giáo tiểu học khi còn ở Việt Nam. Vượt biên và sống ở trại tỵ nạn Thailand từ 1989-1993. Định cư tại Canada từ 1994 đến nay. Tác giả nhận giải đặc biệt VVNM 2021 và mới nhận Giải Vinh Danh Tác Giả năm 2023.

 

*

Tháng Mười Hai lại đến, năm nay tuyết đổ thưa thớt vài trận, không như bên Wichita Kansas bà chị của Thảo nói rằng tuyết đã ngập đầy đường. Sáng nay Thảo đi bộ ra thùng thư đầu xóm, đi ngang qua nhà John đã thấy cây Giáng Sinh thật cao ngay cửa sổ, đèn xanh đỏ tím vàng nhấp nháy, đúng lúc John mở cửa để đi ra check thư. Thảo vui vẻ:
    – Trời, nhà tôi quá bận rộn đủ thứ chuyện, chưa kịp dựng cây Giáng Sinh mà bên nhà anh đã có vẻ sẵn sàng mọi thứ rồi nhỉ, cây Giáng Sinh đẹp quá.

   John thật thà:

   – Chị biết rồi đấy, chúng tôi Đạo Hồi, chỉ có lễ Ramadan, đâu có thờ Chúa, cũng chẳng mừng Lễ Noel, nhưng tuần rồi chúng tôi đưa Jimmy đi shopping, cháu thích cây Giáng Sinh và Hang Đá trưng bày ở tiệm shopping, thế là cháu đòi mua về, chúng tôi cũng chiều cho cháu vui.

   – Ôi, dễ thương làm sao. Mà trời còn sáng mà anh đã để đèn nhấp nháy rồi, tốn điện lắm á.

   – Cũng vì Jimmy chị ơi! Cháu say mê ngắm cây Giáng Sinh, mà phải có đèn mới chịu. Lúc đầu chúng tôi chưa biết ý cháu, chỉ bật đèn buổi tối, đến sáng không thấy đèn là cháu không chịu, là rơm rớm nước mắt, nên chúng tôi phải nhớ mỗi sáng dậy sớm, mở đèn cây Giáng Sinh, khi cháu thức dậy là chạy ngay đến ngắm cây Giáng Sinh và Hang Đá, rồi vừa ăn sáng lại vừa ngắm nghía, cả ngày không biết chán chị à, thương lắm.

   – Thế ư? Ôi Jimmy bé bỏng! Tôi cũng nhớ Thomas nhà tôi khi còn bé, hễ thấy trời bắt đầu đổ tuyết đầu mùa, bất kể có năm tuyết lất phất đến sớm từ tháng Mười, là cháu chạy ngay xuống basement, khệ nệ kéo cây Giáng Sinh lên lầu, bởi trong suy nghĩ đơn sơ của cháu, có tuyết là phải có... cây Giáng Sinh.

   John cười lớn:

   – Đúng là thế giới Tự Kỷ đáng yêu vô cùng, có phải?

 

***

 

Hồi đầu mùa Xuân năm nay, vì công việc của ông xã, phải dọn nhà. Cả gia đình Thảo, gồm vợ chồng con cái năm người, chồng chất nhau trên chiếc xe U-Haul, lái xuyên bang từ New York đến khu ven đô Washington DC này. Sau vài tuần sắp xếp nhà cửa, mọi thứ đi vào ổn định, kể cả chuyện học hành cũng như công ăn việc làm của mọi thành viên trong nhà.
   Rồi vợ chồng Thảo cũng làm quen được với hai gia đình hàng xóm kế bên. Bên phải là nhà Linda và Mark, cặp vợ chồng da trắng làm nhân viên bưu điện sắp vào tuổi hưu, con cái đã ở riêng. Nhà này vui vẻ thân thiện, hễ đụng mặt nhau ngoài sân trước sân sau hoặc ngoài thùng thư, họ luôn mở đầu câu chuyện, nói loanh quanh chuyện thời tiết, thời sự địa phương, còn nếu gấp gáp thì cũng có nụ cười tươi dễ mến.

   Nhà bên trái, một gia đình trẻ, đạo Hồi gốc Iran, John và Jessy. Cặp vợ chồng này trí thức, vợ là y tá tại một bệnh viện dưới downtown, chồng là kỹ sư cơ khí. Là tín đồ Đạo Hồi nhưng gia đình này tiến bộ, Jessy chỉ quấn cái khăn trên đầu theo đúng phong tục Hồi Giáo, còn y phục thì thoải mái quần jeans áo thun, hoặc những chiếc váy hoa đủ màu sắc, mang giày cao gót, chớ không kín mít một màu tối thui chỉ lòi mỗi cặp mắt như một số phụ nữ Hồi Giáo khác. John ngoài việc làm kỹ sư cơ khí, là một handy man đúng nghĩa. Cái garage trước nhà của họ thỉnh thoảng mở cửa vào những buổi chiều sau giờ làm, John và vài người bạn đồng hương Iran vừa tụ tập xem football trên chiếc ti vi bự được gắn trên tường garage, có khi họ lại xúm vào sửa xe, rửa xe, thay nhớt, nói chung là mọi việc cho chiếc xe, còn vào cuối tuần cũng y chang vậy, hầu như cửa garage mở cả ngày cho đến chiều tối, ngoại trừ những ngày thời tiết lạnh giá. Ông xã Thảo có lần nói:

   – Hôm nào trời khuya anh đi làm về, có garage nhà John còn mở đèn sáng trưng, anh cũng thấy ấm áp và yên tâm.

   Ngày Lễ Độc Lập July 4 đầu tiên nơi nhà mới, gia đình Thảo hăng hái làm buổi BBQ thịt nướng ngoài sân trước, hòa cùng cả khu phố cũng nhộn nhịp ăn mừng Lễ, chuẩn bị cho đêm đón pháo bông. Từ trưa, hai nhà hàng xóm hai bên cũng bắt đầu lục tục mở lò, trang trí bàn ghế picnic trong sân, kèm theo bong bóng, cờ quạt đủ màu sắc, thiệt là vui mắt. Bên nhà John và Jessy, mấy đứa con, cháu họ hàng thân quen chạy nhảy vui đùa. Thảo nói với chồng:

   – Anh có thấy Jimmy nhà John không? Hình như cậu bé ấy không được lanh lợi như những đứa trẻ khác, có phải Jimmy cũng bị Autism như Thomas nhà chúng ta?

   – Anh cũng có ý nghĩ đó từ tuần trước khi thấy John và Jessy dẫn cậu bé ấy ra ngoài tiệm McDonalds, nhưng anh chưa chắc lắm, còn bây giờ thì anh tin là như vậy.

   Với “kinh nghiệm” hai mươi năm có con mang bệnh Autism (Tự Kỷ), vợ chồng Thảo không khó để nhận ra những đứa trẻ xung quanh khi có những dấu hiệu, triệu chứng của tự kỷ, và hầu như chưa bao giờ sai. Đúng lúc ấy, Jimmy chạy băng qua sân nhà Thảo, tiến đến bàn để thức ăn, lấy một cây thịt nướng, John vội vã chạy theo sau, cố ngăn Jimmy lại nhưng cậu bé đã bỏ cây thịt vào miệng ăn ngon lành, trong khi John rối rít nhìn Thảo xin lỗi:

   – Tôi vô cùng xin lỗi, bên nhà tôi có hamburger, hot dogs, và cả cánh gà nướng, nhưng có lẽ Jimmy muốn ăn thịt nướng tỏa mùi thơm lừng bên này mà chẳng xin phép gì cả, thật là vô lễ, tôi ngại quá.

   Chồng Thảo nhanh nhẹn:

   – Có gì đâu, Jimmy còn bé, cứ cho cháu thoải mái.

   – Cũng bảy tuổi rồi đấy, nhưng cháu chậm hiểu biết, vẫn như đứa trẻ lên một lên hai mà thôi.

   Thảo liền chộp cơ hội, nhìn John với cặp mắt thông cảm:

   – Tôi hỏi anh điều này, anh có phiền không, tôi tin là Jimmy có bệnh tự kỷ, bởi vì Thomas nhà tôi cũng như thế đó!

   John ngạc nhiên kêu lên:

   – Oh, thế sao! Cô đoán đúng đấy, nhưng tôi không biết Thomas cũng tự kỷ, vì tôi vẫn thấy cậu ấy đi dạo mỗi chiều với cả nhà cô ra ngoài park, có lẽ tôi không để ý quan sát nhiều hơn.

   – Dù sao chúng tôi cũng mới dọn đến xóm này hơn hai tháng thôi mà. Hơn nữa, Thomas nhà tôi đã 20 tuổi, đã có nhiều tiến bộ, không còn làm chúng tôi mệt mỏi đuổi theo như thuở còn bé giống Jimmy nhà anh.

   – Mà Thomas đâu rồi nhỉ, nãy giờ tôi chưa thấy?

   – Ba chị em chở nhau đi bơi rồi, chắc cũng gần về tới để ăn BBQ đấy.

   Jessy cũng vừa bước qua dẫn Jimmy về sân nhà, không quên cám ơn Thảo. Chồng Thảo đưa John lon bia lạnh và hai người đàn ông ngồi xuống mấy chiếc ghế kế bên lò BBQ. John đã tự nhiên, cởi mở hơn:

   – Thú thật, lúc mới biết Jimmy bị tự kỷ, hai vợ chồng tôi vô cùng shocked, không chấp nhận sự thật, Jessy khóc nhiều lắm, nhưng rồi chúng tôi tự nhủ phải mạnh mẽ lên, phải làm quen với hoàn cảnh, rồi dần dà cũng gọi là tạm quen, dù mỗi ngày vẫn là một thử thách mới. Cũng may là có ông bà ngoại ở chung chăm sóc Jimmy, nếu không thì đã có nhiều lần chúng tôi tưởng như gục ngã. Những điều này, chỉ có cha mẹ và người thân trong gia đình trẻ tự kỷ mới hiểu được, chớ người ngoài thì chỉ hiểu được một phần nhỏ thôi, phải không anh chị?

   Nhìn khuôn mặt ưu tư của John, đôi mắt chút đượm buồn, Thảo nhớ lại quãng thời gian gần hai mươi năm qua, mình cũng y chang, có khác nào nhà John-Jessy này đâu.

   Hai vợ chồng Thảo cưới nhau xong, là tiên tiếp ba đứa con chào đời: Tina, Tiffany và Thomas. Trong khi Tina và Tiff phát triển bình thường, thì Thomas có những biểu hiện hơi khác, mà đến khi cháu lên hơn hai tuổi, vợ chồng Thảo mới nhận ra, và mang con đến bác sĩ chuyên khoa Nhi. Vị bác sĩ này quen vì là bác sĩ của cả ba đứa con Thảo, ông ta nói:

   – Bé trai thường biết nói chậm hơn bé gái, chúng ta hãy cứ chờ đợi thêm một hai năm nữa xem sao, chớ nôn nóng.

   Thảo đáp:

   – Không! Tôi vẫn biết điều ấy, nhưng so sánh với hai chị của cháu, thì Thomas có nhiều khác lạ, ví dụ như không bao giờ phản ứng khi được gọi tên, không bao giờ có “eye contact” với người đối diện, và nhất là cháu chỉ thích chơi một mình.

   Thấy vợ chồng Thảo cương quyết muốn cho Thomas được theo dõi, vị bác sĩ đồng ý. Theo đó, hàng tháng thay phiên nhau, một lần Thomas được đưa đến Children Hospital, vào phòng với các món đồ chơi, có y tá và bác sĩ cùng chơi, quan sát, ghi nhận những behaviours, biểu cảm của Thomas. Lần sau thì y tá, bác sĩ lại đến nhà Thomas, cũng làm những bài test tương tự khi ở hospital, cho Thomas tiếp xúc các món đồ chơi, trò chuyện, xem ti vi các show dành cho trẻ con. Vậy mà phải đến hơn một năm sau, hospital cùng bác sĩ chuyên khoa, mới hẹn vợ chồng Thảo đến nhận kết quả.

   Đó là lần đầu tiên trong đời Thảo nghe đến từ “Autism”, là Tự Kỷ. Dẫu chưa biết cụ thể là thế nào, nhưng nhìn ánh mắt của các bác sĩ, trước khi thông báo, họ khuyên vợ chồng Thảo phải bình tĩnh, cô y tá còn vuốt ve hai vai của Thảo, sau đó Thảo đã khóc òa vì mơ hồ hiểu rằng, Thomas không phải là đứa trẻ bình thường, từ nay cho đến hết cuộc đời sẽ cần sự giúp đỡ, thông hiểu và yêu thương của gia đình và xã hội xung quanh. Thảo không nhớ ngày hôm ấy mình đã khóc hết bao nhiêu nước mắt, khi phone cho các anh chị em trong gia đình ở các tiểu bang khác, chia sẻ nỗi buồn này. Thảo cũng không thể đi làm được ngày hôm sau, người manager an ủi Thảo:

   – Cô hãy cứ ở nhà thêm vài ngày, cho đến khi nào ổn định lại tinh thần nhé. Em gái tôi có đứa con trai cũng bệnh tự kỷ, nên tôi rất hiểu những gì cô đang trải qua.

   Tiếp theo là những tháng ngày sinh hoạt của cả gia đình không giống như trước nữa, Thảo tìm đọc trên mạng, tìm hiểu nhiều hơn về Autism, đây là căn bệnh chưa ai dám khẳng định nguyên nhân, cách phòng ngừa và chữa trị vẫn là những điều mới mẻ, và nó gần như phổ biến ngày càng nhiều.

   Thời gian luôn là liều thuốc nhiệm màu, giúp chúng ta chấp nhận và thích nghi với hoàn cảnh. Vâng, khi mà không đổi thay được thì chỉ còn cách duy nhất là chấp nhận với lòng an bình, không trách móc, than van.

   Nói thì nói vậy, trái tim con người chớ nào phải đá sỏi mà không biết khóc, biết buồn, biết tủi thân? Nhiều lần đưa Thomas và hai con gái ra ngoài park, thấy con không hòa đồng với các trẻ xung quanh, con không chơi như những đứa trẻ khác, không chơi với các chị, mà chỉ lặng lẽ một mình với thế giới riêng của mình, là nước mắt Thảo lại tuôn rơi, nức nở. Mà hễ thấy Thảo khóc là Thomas đứng dậy, lấy hai tay bịt lỗ tai của nó, lắc đầu sợ hãi, Thảo lại vội vàng chạy đến ôm con vỗ về: “Mẹ xin lỗi Thomas, mẹ xin lỗi Thomas, mẹ chỉ khóc chút xíu thôi, mẹ đâu có buồn, mẹ happy mà!”, và cũng từ đó Thảo hứa với lòng, sẽ tránh không khóc trước mặt Thomas.

   Gần hai mươi năm qua, vợ chồng Thảo cùng các con gái, và thân nhân hai bên nội ngoại đã cho Thomas tất cả tình thương yêu, và cháu đã có những phát triển nhất định, có nhiều hiểu biết hơn về bản thân và thế giới xung quanh.

   Một trong số các nhà nghiên cứu bệnh dịch học từ Đại học Iowa cho biết: “Tự kỷ giờ không còn là bệnh hiếm nữa. Nó không hiếm đến mức trong 1.000 người mới có 1 người bị bệnh như vào thời kỳ những năm 1970 và 1980, giờ chúng ta có thể thấy cứ 41 người thì sẽ có 1 người bị tự kỷ. Tỷ lệ mắc bệnh tự kỷ hiện nay cao hơn nhiều so với suy nghĩ trước đây.”

   Nghĩ lại, Thảo thấy mình may mắn khi được sống trên đất Mỹ, nơi mà những tiến bộ Y Khoa và chương trình chăm sóc đặc biệt luôn ưu ái cho những người bệnh hoạn, chậm phát triển.

   Trong khi đó ở Việt Nam ngày nay, nhiều trẻ tự kỷ được chẩn đoán, nhưng xã hội Cộng Sản đầy tham nhũng cửa quyền, trình độ dân trí còn thấp kém, các trẻ tự kỷ và các phụ huynh hầu như phải tự túc đi tìm trường lớp hoặc các trung tâm cho trẻ, thậm chí còn bị xã hội kỳ thị, đàm tiếu, và trẻ tự kỷ bỗng trở thành gánh nặng, nỗi mặc cảm cho gia đình. Cũng từ đó nhiều cặp vợ chồng không chịu nổi áp lực, đã chia tay nhau đường ai nấy đi, mà kẻ thiệt thòi nhiều nhất vẫn là đứa trẻ vô tội mang bệnh tự kỷ.

   Nắng đã lên cao, buổi BBQ của cả xóm bắt đầu xôn xao, các con của Thảo cũng đã về nhà, hai bên nhà hàng xóm cùng mang thức ăn qua sân nhà Thảo cho thêm phần đông vui. Lũ trẻ con ăn uống chạy nhảy vui vẻ. Nhìn ngắm vợ chồng John và Jessy, họ là dân trí thức, hiểu biết, thương con vô bờ bến, cùng ông bà ngoại xúm vào âu yếm chăm sóc Jimmy suốt buổi BBQ mà lòng Thảo cũng vui lây, và tin chắc rằng, cũng giống như Thomas, rồi đây Jimmy bé bỏng cũng sẽ lớn khôn, sẽ phát triển hơn, sẽ đem nhiều niềm vui và hạnh phúc đến với gia đình thân yêu, dẫu suốt đời vẫn mang trong mình căn bệnh ấy.

 

                                                            ***

 

Vậy là cũng hơn nửa năm nhà Thảo quen dần với cái xóm này, và thân nhất là nhà John-Jessy vì cùng có con tự kỷ. Thomas và Jimmy cách biệt nhiều tuổi, mỗi lần hai gia đình có nhóm họp, thì Jimmy và Thomas vẫn là hai thế giới riêng, chúng chẳng lại gần nhau, chỉ vẫy tay chào như dấu hiệu Hello rồi mỗi đứa tiếp tục mỗi “việc riêng” của mình. Nhưng nhà John hễ có điều gì không “giải quyết” được với Jimmy thì luôn text hoặc phone hỏi ý kiến vợ chồng Thảo nhờ giúp đỡ.

   Từ khi có cây Giáng Sinh để trong nhà, John khoe rằng Jimmy trở nên “calm” hẳn ra, bớt năng động hơn trước, vì hầu hết thời gian cậu bé dành để chiêm ngưỡng những đèn màu xanh đỏ tím vàng trên cây Giáng Sinh, rồi nhảy theo tưng tưng thích thú, và sau đó thì “chơi” Hang Đá, nâng niu các tượng Thánh Giuse, Đức Mẹ, và tượng “baby Giêsu” với tất cả sự trìu mến, say mê.

   Mỗi ngày đi ngang qua nhà John, là Thảo lại thích nhìn vào khung cửa sổ, kìa Jimmy trong bộ đồ pyjama đang ôm con gấu bông, ngồi ngay ngắn trên chiếc sofa kế bên cây Giáng Sinh đèn rực sáng, đôi mắt ngây thơ ngước nhìn cây Giáng Sinh, rồi vuốt ve Hang Đá, mỉm cười một mình, như đang thầm trò chuyện với chính mình, và với những tượng trong Hang Đá như những người bạn thân yêu tự thuở nào.

   Khuôn mặt Jimmy xinh đẹp như một thiên thần, bầu bĩnh, trong sáng dưới ánh sáng chan hòa của cây Giáng Sinh giữa ban ngày, chắc chắn không những Thánh Allah, mà cả Phật, cả Chúa cũng sẽ đều tan chảy trái tim trước hình ảnh này của Jimmy trong mùa Lễ cuối năm của nhân loại.

   Vậy là từ nay đến hết mùa đông, Thảo sẽ có thói quen mỗi sáng khi đi làm, ngắm nhìn cây Giáng Sinh của nhà hàng xóm để thấy ấm áp một niềm vui, quá đỗi dịu dàng.

   Sáng nay, tuyết rơi lộng lẫy cả không gian, không khí Giáng Sinh tràn ngập cả khu phố, Thảo lái xe ngang qua nhà hàng xóm, cây Giáng Sinh dường như đẹp hơn, đèn sáng rực hơn. Có lẽ trời mùa đông lạnh nên Jimmy chưa thức dậy. Thảo hình dung ra khuôn mặt của Jimmy, rồi chợt mỉm cười với ý nghĩ ngộ nghĩnh, chẳng biết, cái việc Jimmy muốn để đèn Xmas Tree sáng rực cả ngày lẫn đêm, và Thomas muốn dựng cây Xmas từ tháng Mười của những năm xưa, cái nào… dễ thương hơn nhỉ?!

Mà thôi, nếu bên kia “giải nhứt” thì bên này cũng… “giải nhì”.

 

Edmonton, Tháng 12/2023

KIM LOAN

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 466,053
31/12/202308:17:00
Tối hôm qua, khi đang ngồi bình yên tịnh tâm thì KV nghe tiếng đùng đùng đùng kéo dài liên tục phía dưới lầu, làm thất kinh hết cả hồn vía. Chẳng lẽ năng lượng xuống mạnh quá, tạo ra lực xoắn ốc như trong phim Mai-Ca Từ Trên Trời Rơi Xuống hồi bé được coi, làm những thứ xung quanh bị cuốn hút bay theo, tạo nên tiếng động? KV ráng bình tỉnh hít thở, vuốt mắt, ra khỏi tình trạng bình yên và từ từ bò… xuống nhà để mau kiểm tra xem chuyện gì đã xảy ra. Đi cùng khắp tìm nguồn gốc của tiếng động kinh khủng lúc nãy, từ ngoài cửa vô bếp, qua tất cả các phòng - không thấy dấu vết gì là bất thường. Lạ thật! Mình ngồi bình yên và rất tỉnh chứ đâu có ngủ gục và nằm mơ! Tiếng động rõ ràng như cái gì đó sụp xuống kia mà?!
29/12/202300:00:00
Lão Tư Lì năm nay bước vào tuổi tám mươi. Đời lão lắm gian truân, nhưng cũng có nhiều may mắn. Sau ngày 30-4-1975, đời lão đã “tàn trong ngõ hẹp” - tưởng rằng lão đã bỏ thây trên núi rừng Việt Bắc trong những ngày bị lưu đày trong các trại “tập trung cải tạo” của cộng sản. Nhưng lão đã trở về sau bảy năm lao lý. Lão trở về với tấm thân gầy guộc, ngoài vợ và hai đứa con thơ, lão chẳng còn gì! Nhưng lão phải sống để đền đáp cái ân tình của người vợ thủy chung đã đợi chờ cho đến ngày lão ra tù, để cùng nàng nuôi dạy hai đứa con thơ. Lão đã trải qua những ngày cơ cực, bươn chải kiếm sống, nuôi con như những ngưởi cùng khổ nhất trong xã hội lúc bấy giờ.
25/12/202300:00:00
Đang gói các món quà và viết card chúc Giáng sinh, năm mới. Chồng tôi bước xuống chợt nhắc: - Nấu bún bò cho Boss Kyle nữa. - Dĩ nhiên mà, đang tính ngày mai đi chợ mua các thứ nấu đây.
24/12/202313:31:00
Janet, con bé xinh như thiên thần nhỏ. Lúc nào nhìn thấy nụ cười trên môi của nó, ông cũng liên tưởng đến đóa Hướng dương dưới ánh mặt trời. Ông công kênh nó trên vai. Bàn tay thô ráp của ông nắm chặt lấy bàn tay nhỏ xíu. Ông ca vang bài Cây Thùy dương và nó bị bô hát theo. Chao ơi, cái giọng ngọng nghịu đớt đất ấy nghe cưng làm sao đâu. — Thế ông có muốn nhắn gì với cô ấy không?
23/12/202320:06:00
Giáng sinh này của họ, hai người đàn ông đưa nhau về vùng biển ấm nào đó trên địa cầu để hưởng tuần trăng mật khi người vai chồng đã qua thời kỳ phong độ nhất của một gã đẹp trai, người vai vợ đã bạc đầu, lù mù cái kính lão dắt chó đi ngoài, xăm xoi hàng xóm xem có cần gọi cảnh sát hay không? Hạnh phúc trong lòng người nhưng con người cứ đi tìm hạnh phúc nên khổ đau tiếp diễn không hồi kết.
22/12/202300:00:00
Tôi nắn nót từng nét chữ vụng về trên chiếc Christmas card chúc mẹ thật nhiều sức khỏe, thật nhiều niềm vui bên những người bạn thân yêu của mẹ trong ngày Giáng Sinh; cẩn thận xếp tấm card với tất cả lòng yêu thương gởi gấm đến mẹ, bỏ vào bao thơ, dán lại, gởi bưu điện ngay chứ không thì sẽ không kịp ngày, Giáng Sinh chỉ còn vỏn vẹn mười ngày nữa thôi. Năm nay tôi lại không có mặt bên mẹ, chắc mẹ sẽ buồn và thất vọng lắm, nhưng tôi không thể nào làm khác hơn! Từ khi mới sinh, tôi vẫn quen với tấm hình duy nhất của người đàn ông trên bàn thờ mặc bộ đồ lính VNCH rất oai hùng, với một bông mai bạc gắn trên vai áo. Lớn một chút, tôi mới hiểu đó là bố tôi đã từng đi lính VNCH để bảo vệ tổ quốc, sau đó khi miền Nam bị cưỡng chiếm, bố bị đi “học tập cải tạo” 6 năm; khi được thả về, bố vượt biên đến bốn năm lần mới qua được Pulau Bidong; gặp mẹ trên đảo, hai người yêu nhau, rồi sang Mỹ làm đám cưới, khi bố đã hơn 40 tuổi.
22/12/202300:00:00
Người Mỹ có bài nhạc với tựa đề “It’s the most wonderful time of the year”, tạm dịch là “Thời gian tuyệt vời nhất trong năm”, để nói về lễ Giáng sinh. Không chỉ riêng gì nước Mỹ hay các nước phương Tây mới công nhận mùa lễ Giáng sinh là thời điểm tuyệt vời nhất của một năm mà các nước ở châu Á như Việt Nam cũng xem lễ Giáng sinh là một trong những ngày hội lớn nhất trong một năm. Ở các nước phương Tây, người ta, nhất là trẻ em, háo hức chờ lễ Giáng sinh vì đây là dịp để tặng quà cho nhau. Ở Việt Nam sau 1975, trong thời bao cấp, vì nghèo đói, người ta không tặng quà cho nhau nhưng không vì thế mà lễ Giáng sinh mất đi sự kỳ diệu.
19/12/202311:18:10
Mùa Đông đang đến sau vài cơn mưa nhỏ, những hàng cây vàng lá hai bên đường bắt đầu trơ trụi. Thảm cỏ xanh nhà hàng xóm đã không còn xanh tươi, lác đác có những chiếc lá vàng cuối cùng từ cây phong trồng phía trước bay bay theo gió rồi nhẹ nhàng đáp xuống sân nhà.
19/12/202311:16:11
Những ưu tư, những uẩn khúc chất chứa trong lòng, không biết chia sẻ với ai, nhờ diễn đàn Viết Về Nước Mỹ của Việt Báo mình đưa tâm tình lên trang mạng, cho nhẹ bớt trong lòng, chưa khi nào mơ tới chuyện giải thưởng. Rồi nhận được Email báo tin của chị Hằng, kèm theo giấy mời tham dự buổi lễ phát thưởng viết về nước Mỹ năm 2023 tại Nam Cali, tôi run lên, một cảm giác không tả được, tắt computer đứng dậy, đi một vòng ra sân hít thở, để cho tinh thần tỉnh táo, vô lại, mở máy, lên mạng, đọc đi, đọc lại trang thư mà chị Hằng gửi, lúc này nhịp đập tim ổn định, tôi gọi ông xã nhà tôi vô đọc Email. Ông cũng sửng sốt nói: – Ui chao! Có thiệt gửi cho bà không?
15/12/202300:00:00
Hễ nhắc đến bao sự khó khăn của thủa ban đầu lập lại cuộc đời trên miền đất mới, nhiều người thường ví von, chẳng hạn họ như bắt đầu bằng con số không to tướng hoặc với hai bàn tay trắng. Riêng tôi chẳng những hơn họ hẳn tới ba con số không, lại thêm con số năm to tướng đứng đằng trước. Nghĩa là tôi bắt đầu cuộc sống trên đất Mỹ với món nợ trên năm ngàn đô la. Bởi tôi phải ký giấy nợ tiền vé máy bay đưa ba người trong gia đình nhỏ bé của tôi từ bên trại tị nạn Mã Lai đi định cư, cộng với mọi chi phí nhà thương lúc sinh đứa con trai thứ hai, sau đúng bốn ngày đến Mỹ. Vì chúng tôi đã rời Worthington, một thành phố nhỏ nằm phía cực Nam bang Minnesota, nơi tôi được bảo trợ vào nước Mỹ, để dọn về San Diego, nên không thể xin chính quyền duyệt xét lại được. Tuy nhận lãnh tới hai món nợ quá lớn, tôi lại cảm thấy nhẹ tênh, bởi chỉ phải trả góp tổng cộng hai mươi đô la một tháng. Giống như cắt bớt đi một phần nhỏ số tiền chính phủ trợ cấp cho gia đình tôi sinh sống.