Hôm nay,  
CTA_United Educators_Display_728x90_Vietnamese - Nguoi Viet
CTA_United Educators_Display_300x250_Vietnamese - Nguoi Viet

Vườn Rau Của Ba

19/06/202220:15:00(Xem: 2787)
06192021 Vuon Rau Cua ba Nguyen Ngoc Anh Trinh
Ba Má bên nhau. Hình: Tg gửi.

 

 

Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố “Hát Ô” và nhận giải Viết Về Nước Mỹ. Sau đây là bài viết mới nhất.

 

*

 

Năm 1994 gia đình tôi đặt bước chân đầu tiên đến tiểu bang Georgia, nằm phía đông nam Hoa Kỳ, ít người Việt. Thủ phủ là thành phố Atlanta. Hội Từ Thiện đã mướn cho gia đình tôi căn nhà nhỏ ngay downtown ở tạm, chắc là vì giá nhà quá rẻ. 

 

Mỗi ngày đón xe buýt đi học Anh Ngữ về, mấy chị em từ xe buýt nhảy xuống, lội bộ thêm chừng năm phút mới đến nhà. Quãng đường không xa nhưng đây là quãng đường thích thú của chúng tôi, vì khi đi bộ, thấy người ta có nhiều món đồ cũ đem ra để trước mặt nhà, có người dán tờ giấy “FREE”, nghĩa là cho không, ai cần thì cứ việc mang về xài. 

 

Ngày nào chúng tôi cũng lượm lặt đuợc vài món. Khi thì cái bàn nhỏ, lúc thì cái kệ để TV, vài cái đèn ngủ … Một hôm, đi ngang qua khu vườn gần nhà, thoang thoảng nghe hương thơm dìu dịu của rau húng. Mấy chị em lục lọi trong đám cỏ vừa mới cắt, thì ra có vô số rau húng mọc lẫn trong cỏ. Mấy đứa nhìn nhau cười, nét hân hoan hiện rõ trên mặt như gặp người quen. Cái cảm giác mà văn thi sĩ gọi là “tha hương ngộ cố tri”. 

Về nhà, tôi nói liền với Ba:

 

- Ba ơi, đất ở đây chắc dễ trồng trọt, con thấy có rau húng mọc hoang, lẫn trong cỏ.

 

- Ôi cha, thôi con ơi, Ba làm gì cũng được nhưng miển cái vụ trồng tỉa nghe.

 

Tôi tròn mắt:

 

- Răng rứa Ba?

 

- À, thì…hồi xưa tới giờ, mỗi lần bà Nội con dú chuối trong khạp cho chín, hể Ba ngó tới là kể như nó héo hon, không chín được. Bà Nội nói Ba rắn mắt, không trồng cây, không làm dưa, không …

 

- Xời ơi, rứa mười mấy năm ở trong tù Ba không trồng được rau, lấy chi mà ăn?

 

- Ba làm thợ đan giỏ, đan rổ tre, sau đó tụi nó đồn ba là Kỹ Sư Đường

 

(Ba tôi xưa kia làm ở Ty Công Chánh thành phố ĐN nên khi Trại có cái lò nấu đường bát, cán bộ bắt Ba qua nấu đường. Từ đường sá cầu cống Ba qua làm ông thợ nấu mía cây thành đường ngon lành… Ba đổi đường để lấy rau…)

 

Thế là Ba tôi say sưa ca đi ca lại bản nhạc “Hồi đó, trong trại tù cải tạo….”  

Ba cứ khăng khăng là không có tay trồng trọt. Tôi không tin, phần thì ăn xà lách hoài cũng ngán, chúng tôi thèm những thứ rau có mùi, mang hương vị quê nhà. Thử tưởng tượng ăn thịt gà trộn muối tiêu mà không có rau răm, ăn bánh tráng cuốn thịt ba rọi cũng chỉ với xà lách. Hành ngò thì cũng có nhưng khá đắt, kể cả những thứ rau mùi cũng có bán ở chợ Việt Nam, chợ Thái Lan nhưng rất mắc và quan trọng là không có ai chở mình đi chợ. Tôi lải nhải nhắc Ba: Không có việc gì khó, chỉ sợ mình… không trồng!

 

Một hôm, có người quen biếu Ba mấy dây khổ qua con, Ba đem ra sau vườn cắm xuống đất một cách bất đắc dĩ, ngày ngày Ba ra tưới nước, thăm chừng một cách e dè, khổ sở. 

Dây khổ qua be bé như hiểu được nỗi khổ của Ba nên vươn vai lớn mạnh mẽ. Ba nhặt nhạnh mấy cành cây khô gác lên làm giàn. Cái giàn đơn sơ đón nhận những ngọn khổ qua với nhiều nụ vàng dễ thương. Đến khi mấy trái khổ qua nhỏ xíu, e ấp lẫn trong đám lá xanh mướt thì nụ cười của Ba như trọn vẹn hơn. 

Sau đó, mỗi khi “được” chở đi ăn phở, Ba len lén gói vài cọng rau quế vào trong giấy, về nhà tỉ mỉ đem ngâm vào ly nước cho tươi rồi trồng vào cái chậu nhỏ. Ba bón xác trà và tưới nước đều đặn. Gặp ai quen Ba cũng hỏi thăm mua phân bón ở đâu…Ba tôi vì nhu cầu “ăn uống” của mấy đứa con mà trở nên nhiệt tình với mấy cây rau thơm, mấy cây ớt. 

 

Dần dà, vườn rau nhỏ với dây khổ qua, vài cây ớt, rau quế, rau húng … lại là niềm đam mê và tự hào của Ba.

 

****

Ba năm sau khi định cư ở quê hương mới này tôi đi mua căn nhà hiện đang còn ở. Hai cha con chọn nhà có sân sau bằng phẳng. Ba ra sức cuốc thêm ra phía sau, cũng phạm vi nhà mình nhưng giáp ở với bìa rừng để …mở mang “bờ cõi”. Đất ở Georgia là vùng đồi núi nên toàn là đất đỏ lẫn với đá. Ba miệt mài “có công mài sắt, có ngày nên kim”. 

 

Sân sau nhà tôi sau nhiều năm trồng trọt bây giờ là vườn rau với đấy đủ những thứ cần thiết. Nào là dưa leo, mướp, bí đỏ, bí đao, rau muống, rau lang, đậu bắp, rau thơm các loại, diếp cá, ớt, tía tô, khổ qua, đậu ve, rau mồng tơi, dền…là những thứ trồng vào mùa xuân, ăn suốt mùa hè, mùa thu. Đầu mùa thu Ba còn tỉa được ngò rí và rau cải con, cải bẹ xanh để ăn bánh xèo. Những dịp này, buổi sáng ra vườn rau, hương của các loại rau thơm, ngò … tỏa lên ngan ngát, dịu dàng khiến tâm hồn khoan khoái thật dễ chịu. 

 

Ba còn ra công đào một rảnh nước song song theo những luống rau, dưới đó Ba thả vài nhánh ngò ôm tức là rau ngổ, bên cạnh là đám bạc hà, hai thứ để nấu canh chua. Ba tận dụng mảnh đất sau nhà làm thành một vườn rau rất tươi tốt, ngăn nắp. Giàn khổ qua phải cách xa giàn mướp ngọt một khoảnh sân, vì ngọt đắng là hai vị khắc nhau. Rau quế là thứ kén nhất nên ưu tiên được “ngồi” trong chậu. Dây bí đỏ không lên giàn mà được thả cho bò lên đồi, như vậy chịu được mấy chục quả bí nặng nề, chắc nùi nụi. Rau thơm và diếp cá, rau răm được sắp xếp ở gần nhau trông rất “đoàn kết”. Ba nói, mỗi khi cần ăn rau sống, đem rổ ra cắt một loạt là có đủ các thứ rau thơm không cần đi đâu xa. Rau muống là thứ thích nước nên Ba trồng ô rau muống ở giữa hai rảnh nước, những cọng rau muống xanh mướt thấy mà ham! 

 

Bao nhiêu tiền con cái tặng Ba vào những dịp lễ, Tết Ba đều để dành mua dụng cụ làm vườn, mua phân bón. Cách đây cả hơn chục năm, khi khu nhà này đang còn xây dựng Ba thường lang thang vào xóm trong, nhặt những mảnh gỗ, khúc cây…sau đó ra Home Depot mua thêm một ít ván, Ba chăm chỉ đẻo đục, đo đạc…cuối cùng dựng lên được một căn nhà nhỏ ở góc vườn. Căn nhà làm theo kiểu ông bà thuở xưa, có cột kèo làm bằng mộng, không phải đóng đinh, có hai mái, có cửa chính, cửa sổ. Bên trong có hai dãy kệ để Ba chứa đồ đạc làm vườn, phân bón, máy cắt cỏ, một dạng như căn nhà kho của Ba. Bên ngoài ông còn làm cái khóa rất kiên cố. Trải qua bao mùa mưa nắng, tuyết phủ, căn nhà nơi góc vườn của Ba tôi vẫn rất chắc chắn, hiên ngang chịu đựng. 

 

Đám con cháu khen ngợi, ông thường hãnh diện: Nhà lầu mấy tầng, cầu treo qua núi ông Ngoại còn làm được, dễ như chơi huống chi thứ nhà nhỏ này. 

Hình như bao nhiêu kiến thức thời Ba học ở trường Công Chánh năm xưa nay được ông đem ra áp dụng. Tuy thất cơ lở vận nhưng Ba tôi không thất chí nản lòng. Điều này thật đáng để chúng tôi ghi nhớ, noi gương và nhớ đến Ba với muôn vàn hãnh diện.

 

Vườn rau của Ba tôi mỗi năm thêm xanh tốt, mùa hè ông say sưa với mảnh đất nhỏ mà quên ăn quên ngủ, không ngại nắng mưa. Chúng tôi ủng hộ Ba bằng cách hăng hái chở Ba đi mua phân, mua đất xốp, thêm chuyện trả tiền nước hằng tháng không cằn nhằn. Má tôi thì động viên bằng cách siêng năng đếm từng trái bí, trái mướp. Mỗi khi Ba cắt rau để đầy trong tủ lạnh, chia cho con cháu ăn không hết thì Má chịu khó bỏ vào bịch nylon, buổi sáng sau khi đi bộ về, Má rủ vài người bạn già ghé qua khoe vườn rau và chia phần. Vườn rau nhỏ mang lại niềm vui cho nhiều người.

 

Ba tôi thường ví von chăm sóc vườn rau như nuôi bầy con. Có đứa dễ nuôi, không chăm sóc nhiều cũng lớn vùn vụt, mạnh mẽ ra đời thành công; có đứa cần o bế tỉ mỉ mới lớn, cũng có đứa cưng chiều quá mức thì lại ốm o hư hỏng, đem lại cho mình nỗi buồn phiền.  Rau quả ngoài vườn của Ba cũng vậy, có thứ thả lơ lửng vẫn tươi tốt cho ra hoa, ra quả ngon lành. Cũng có thứ được tưới nhiều nước, bón phân đều đặn mà lại èo uột, quắt queo. 

 

Ba tôi trồng rau với cả tấm lòng như thế. Dây bí đao mùa này yếu ớt, Ba tôi âu sầu, lo lắng như thấy đứa con bị bệnh. Mỗi ngày tưới nước Ba đếm từng cái lá, hôm qua được mười bảy lá, hôm nay héo mất một lá rồi. Ba hỏi thăm người này người nọ lý do tại sao, Ba xem lịch VN coi có phải tại tiết trời quá độc, cây cỏ cũng hư hao, nhà nông gọi là mất mùa… Dây bí đao đã không phụ lòng Ba, một vài tuần sau Ba khoe với Má, dây bí nhỏ xíu mà cho ra quá nhiều trái, tròn trịa như một bầy heo con.

 

Ngày hè, chừng mười một giờ trưa là Ba ra nhà sau, lấy cạc tông che nắng cho đám rau. Chiều về bớt nắng,Ba dở ra, săm se từng ngọn rau, từng cái lá. Mùa đông, Ba theo dõi dự báo thời tiết trên TV để thu hoạch hết ngoài vườn trước khi những đợt gió lạnh tràn về. Có lần Ba tiếc mấy cây ớt còn đầy trái, bụi sả tốt tươi chưa muốn nhổ thì tuyết rơi, tuy không nhiều lắm nhưng cũng thừa sức làm đám rau của Ba héo hon ủ dột. Đứng trong nhà nhìn qua khung cửa kính, Ba chép miệng liên tục, thương cho vườn rau bị nhiễm lạnh.

 

Ba tôi là thế, việc gì làm Ba cũng bỏ hết tâm trí vào, Ba nói có như thế mới đạt được kết quả, bằng ngược lại mình cũng không lấy làm buồn vì dù sao mình cũng đã hết lòng hết sức, coi như “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”. Là ý trời mà, buồn làm gì. 

 

Vườn rau là niềm vui tuổi già của Ba, không những đem lại lợi tức nho nhỏ hàng ngày, mà theo đó, những suy tư của Ba cũng triết lý theo từng mầm xanh đang nảy nở mỗi ngày, bao muộn phiền như tan biến. 

 

Tôi tự hào là người khuyến khích Ba bước vào con đường trồng trọt này. Những năm trước, nhìn dáng Ba cặm cụi bên những luống rau, dây bí, giàn mướp tôi ao ước cho Ba tôi mãi mãi có sức khỏe, bên cạnh niềm vui con cháu còn vui với cỏ cây. Ba tôi sống lạc quan, nhẹ nhàng theo quan niệm Phật Pháp, với ý thức về sự vô thường, ngắn ngủi của một kiếp người nên cách hành xử của Ba tôi cũng sâu sắc, luôn trân trọng những niềm vui hiện tại.

 

Tuy nhiên, thời gian chẳng ngừng lại. Cây cỏ hoa lá đâm chồi nẩy mầm rồi cũng có ngày hoa tàn, lá rụng. Đời người cũng vậy! Mấy năm gần đây Ba đã già yếu và lẫn. Bao nhiêu thú vui, đam mê Ba cũng dần dà xao lãng vì lực bất tòng tâm. Ba ngày ngày ngồi nhìn ra cửa; không biết ngóng trông gì; không biết chờ đợi ai.

 

Ba dường như đã buông!

 

Cầu mong cho những ngày tuổi già của Ba được thanh thản, nhẹ nhàng như quan niệm sống đầy bao dung của Ba vậy.

                                                            

Nguyễn Diệu Anh Trinh

Atlanta tháng 6 2022

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)