Người viết: Thăng Nguyễn
Bài số 4050-14-29450vb7110213Tác giả tên thật là Nguyễn Cao Thăng, 52 tuổi, dân gốc Kinh 5 Rạch Giá, một cựu
thuyền nhân, hiện là kỹ sư cơ khí của hãng máy bay Beechcraft tại Wichita,
Kansas. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên ông là “Một Vòng 5,000 Miles”. Sau đây là
bài viết thứ hai.* * *
Tôi sinh ra và lớn lên không hề biết mặt ông bà nội, vì năm 1954, bố mẹ tôi di
cư vào nam, ông bà nội tôi ở lại giữ nhà, vì nếu đi không thoát mà phải quay về
thì còn có chỗ ở, tôi chỉ biết có bà ngoại.
Lúc còn nhỏ đi học thường có những bài tập đọc nói về ông bà và các cháu, tôi
ao ước được ở cạnh bà và được bà ru ngủ. Ước mơ tuy nhỏ nhưng không bao giờ có,
bà ngọai tôi con nhà nho, bà ở với cậu nên dù có tới thăm con cháu, rồi cũng về
nhà cậu ăn cơm. Bà ngoại có bốn người con ở trong Kinh 5, ăn nhà đứa này thì phải
ăn đứa kia, mặc dù tới giờ cơm mẹ tôi mời nhưng không bao giờ bà ở lại.
Tôi thèm thuồng khi nhìn thấy những đứa bạn được có ông bà ở chung nhà.
Biến cố năm 1975 tới, rất nhiều người từ bắc vào nam thăm con cháu, nhưng không
thấy ông bà nội tôi, vì cả hai ông bà đều mất cách đó vài năm.
Rồi cũng giống như bố mẹ tôi hồi trước, tôi âm thầm trốn ra khỏi nước, khi ra
đi không biết sống hay chết và tôi sẽ phải làm gì trong tương lai.
Bố mẹ cho tôi đi với ước mong nếu thoát được thì tôi có cơ hội học hành như những
mong ước của những bà mẹ quê, tuy không biết chữ nhưng muốn con mình thành
danh. Lúc chia tay, câu nói của mẹ tôi đã in sâu trong trái tim. Khi ấy vì trong
nhà có mấy đứa cháu ngoài bắc mới vô chơi nên mẹ tôi nói vắn tắt rằng: “Vì
tương lai của con nên bố mẹ cho con đi, sang bên đó con ráng học để lo cho bản
thân và gia đình của con, mẹ không cần đến sự giúp đỡ của con đâu.”
Câu nói đó đã là liều thuốc bổ trong suốt cuộc đời tôi, những lúc tôi cảm thấy
khốn khổ, cô đơn hay bị bỏ rơi thì câu nói của mẹ tôi lại hiện ra.
Ngày ấy tôi cũng giống như bao nhiêu người Việt Nam khác tới định cư ở Mỹ này,
tiếng Anh thì không biết nhưng học đại. Tôi biết khả năng mình có giới hạn nên
chẳng dám kiếm bạn gái, mặc dù đã tới tuổi lấy vợ. Mấy đứa bạn thường chọc ghẹo
tôi là lớn cái đầu rồi mà tối ngày cứ ở nhà coi football, tôi bèn chữa thẹn rằng:
“Xương sườn của tao thì nó sẽ tự động mò tới, như bọn mày tốn tiền cho em rồi
nó đá đít cho, còn đau hơn thiến.”
Thời gian đó trai thừa gái thiếu, mấy cô ở Việt Nam được điểm C hay D thì ở Mỹ
đều được tăng lên B hay A, mấy em cứ vênh mặt lên trời thì làm sao thấy được
tôi đang la đà dưới đất.
Mấy mươi năm trôi qua nhanh quá, chị em chúng tôi cuối cùng cũng được sang Mỹ hết,
chỉ còn đứa cháu duy nhất đã lập gia đình còn ở với ông bà thì cũng tới ngày sắp
sang đoàn tụ với cha mẹ chúng.
Chúng tôi không biết tính sao, bởi vì con cháu sang Mỹ hết để lại hai ông bà
nay đã trên 90 vò võ nơi quê nhà, nhưng chỉ có bố tôi muốn sang với con cháu,
còn bà thì không.
Tuy đã mướn người ở nhà để coi ông bà, nhưng chẳng được bao lâu ông bà cho nghỉ
việc, lý do ông bà chẳng bắt nó làm gì, mọi chuyện ông bà tự làm lấy ngoại trừ
nấu cơm.
Mẹ tôi nhất quyết không đi đâu hết “Sinh bắc tử nam” đó là nguyện vọng của bà.
Chúng tôi quyết định làm hồ sơ cho ông bà sang du lịch, rồi làm giấy tờ ở lại
chính thức luôn.
Tôi chỉ thông báo cho bố mẹ tôi biết chị tôi có đứa con sắp lấy chồng, mời bố mẹ
sang ăn đám cưới. Mẹ tôi ra điều kiện nếu sang bên Mỹ phải cho bà về khi bà muốn
về.
Thế rồi ngày phỏng vấn cũng tới, từ quê nhà bà được đứa cháu chở vào dinh Độc Lập
để coi căn phòng cố Tổng thống Ngô Đình Diệm, người mà mẹ tôi kính phục, lúc từ
bắc vào nam. Mỗi gia đình dân di cư được phát cho một tấm hình của ông, bà đã
giữ tấm hình đó rất lâu. Sau khi chúng tôi đi vượt biên, công an hay tới nhà
khám xét, bà đã giấu chỗ nào mà không nhớ ra. Thời đó công an mà họ thấy là cho
vào tù nghỉ mát. Mẹ tôi nói căn phòng của ông Diệm chẳng có gì đáng giá, ông thật
là người thanh liêm đáng kính phục.
Kinh 5 quê tôi có tới 95 phần trăm gia đình có người đi vượt biên, đa số người
già còn ở lại, nên bây giờ rất nhiều người muốn sang Mỹ thăm con cháu, nhưng bị
bác đơn cũng nhiều, đến lúc mẹ tôi vào thì họ chỉ hỏi vài câu cho có lệ, chắc
có lẽ họ nhìn thấy cái vẻ bất cần đời của mẹ tôi, cho đi cũng được, mà không
cho cũng chẳng sao.
Mặc dù qua bên Mỹ bố mẹ tôi được con cháu và mọi người thương mến, nuông chiều,
nhưng sau vài tháng bà nằng nặc đòi về. Chúng tôi phải dùng kế hoãn binh là mẹ
hãy để làm giấy tờ xong xuôi rồi hãy về. Chị em chúng tôi hy vọng là bà sẽ đổi
ý khi thấy được sự khác biệt giữa hai nước, nhưng than ơi khi làm giấy tờ xong
mẹ tôi đình công, tuyệt thực. Mấy bà chị tôi tỉnh bơ như không có gì xẩy ra, mẹ
đành năn nỉ tôi lo thu xếp cho bố mẹ về. Tôi thấy tình hình không ổn, nên hứa
là con mua vé máy bay cho bố mẹ về, với điều kiện phải có đứa cháu nào đưa về.
Chị tôi nghe được và nói với tôi không cho đứa nào đưa ông bà về Việt Nam hết,
cậu muốn thì cậu đưa về và hoàn toàn chịu trách nhiệm. Tôi nghe rất bực mình,
nhưng không biết phải làm sao bây giờ, vì tôi không có nhiều thời giờ và còn
bao nhiêu chuyện phải làm hàng ngày. Mua vé máy bay không phải là tôi trốn
trách nhiệm hay sợ tốn phí, nhưng tôi tin tưởng rằng, nếu ý trời muốn cho bố mẹ
tôi ở gần con cháu, thì ông trời sẽ có cách.
Nếu trở về Việt Nam bố mẹ tôi có được 6 tháng để suy nghĩ và quyết định. Cuối
cùng thì một đứa cháu tình nguyện đưa về.
Khi máy bay đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhứt, mẹ tôi vui mừng không thể tả như
con cá trở về giòng sông nước đầy, nên đứa cháu sau khi trở lại Mỹ nói mọi người
đừng hy vọng bà trở lại Mỹ.
Kể từ ngày bố mẹ tôi trở về Việt Nam, rất nhiều bà con ở Sài Gòn, Phương Lâm, Hố
Nai tới nhà khuyên mẹ tôi sang đoàn tụ với con cháu, nhưng mẹ tôi chỉ trả lời
ngắn gọn: “Nhà tôi thì tôi ở, chẳng đi đâu hết”.
Chị tôi bên đây dùng đủ mọi cách để mẹ tôi bằng lòng trở lại Mỹ, nhưng hoàn
toàn thất bại. Chú em từ Mỹ về chơi và tính đưa bố mẹ tôi đi, mẹ tôi chẳng thèm
nói một câu.
Còn khoảng 2 tiếng đồng hồ trước khi chú em đi, chị tôi còn chiêu chót tung ra
luôn và mẹ tôi bằng lòng sẽ qua Mỹ với điều kiện cho mẹ tôi về khi bà yêu cầu.
Sau khi nói chuyện với mẹ tôi xong chị tôi báo tin vui và buồn, vui vì mẹ bằng
lòng trở lại Mỹ, buồn vì từ nhà tới thành phố khoảng 6 tiếng, cộng thêm vài tiếng
chờ đợi lên máy bay mẹ tôi có thể đổi ý bất cứ lúc nào. Chúng tôi ở bên này sống
trong tình trạng giống như có bố mẹ bị bệnh nặng, đang chờ tin dữ. Cuối cùng rồi
điện thoại cũng reo và máy bay đã cất cánh, bố mẹ tôi sang tới Mỹ thì chỉ còn
có 2 ngày là đủ 6 tháng, nếu quá 6 tháng là không được vào Mỹ nữa. Thật hú hồn.
Bây giờ tôi thấy rất nhiều chuyện phải làm, trước hết tôi phải nói chuyện với
bà xã về chương trình và dự định của tôi. Khi về Việt Nam lần trước, mẹ tôi có
nói “Sống riêng một nhà mà chết riêng một mồ, ở nhà đã có sẵn hòm và kim tĩnh rồi;
còn căn nhà sau hơn 60 năm gầy dựng bây giờ bỏ đi à? Lúc trước từ bắc vào nam với
hai bàn tay trắng, bây giờ lại bỏ hết tất cả”...cho nên mình phải có căn nhà
riêng cho bố mẹ, để hai ông bà cảm thấy tự do cũng như có ai tới thăm cũng được
thoải mái hơn. Bà xã tôi đồng ý liền và bảo là bên đây có 5 chị em thì đóng tiền
vào mà mua. Tôi nghe thấy thì tá hỏa tam tinh, chuyện này nhiêu khê lắm.
Theo ý định của tôi, kiếm ngôi nhà nào thật đẹp và quang cảnh nên thơ mà mua để
bố mẹ tôi ở, bao giờ ông bà mất rồi tôi sẽ về đó sống.
Bố mẹ tôi đáng được hưởng như vậy.
Mua nhà một người đã khó, bây giờ tất cả anh chị em mua chung một nhà thì cho đến
khi hai ông bà xuống lỗ, chắc cũng chưa kiếm được cái nhà vừa ý mọi người. Tôi
đành mang phúc âm ra giảng cho bà ấy rằng: Chúa Giêsu coi mặt mà trao tiền, người
thì 10 đồng, người thì 5 đồng, kẻ thì 1 đồng, khả năng mỗi người mỗi khác. Chúa
biết người nào có thể làm lợi nhiều thì ngài trao cho nhiều. Việc lo cho bố mẹ
cũng như vậy. Ở đời không bao giờ có sự công bằng, nếu có được thì đó là thiên
đàng, mình cứ kiếm nhà mua trước còn mọi chuyện để Chúa lo. Cũng may bà xã tôi
đồng ý với kế hoạch của tôi, sau vài tuần ở vùng Washington DC ông bà đã trở về
Kansas, con cháu quây quần chung quanh bố mẹ tôi như người chết trở về. Bố tôi
trông già hẳn đi, ông chẳng thèm cạo râu ria gì hết, không biết bởi vì ông nhớ
con cháu hay ông biết trước được chuyện gì sẽ xẩy ra.
Cuộc vui nào rồi cũng có ngày tàn, sau một thời gian ngắn là mẹ tôi bắt đầu đòi
về, bà bắt đầu nói với chị đã hứa cho về khi bà muốn về, nhưng chị tôi chẳng
nói gì, tỉnh bơ như không nghe thấy. Sau mấy lần thất bại mẹ nói với tôi: “Mẹ
biết tất cả mọi người muốn mẹ ở đây, nhưng mẹ muốn về, con mua vé cho mẹ về”.
Tôi nhỏ nhẹ trả lời với mẹ rằng: “Con luôn thi hành quyết định của mẹ, mẹ về
hay ở con cũng chấp thuận, con chỉ muốn mẹ vui với tuổi già, mẹ ở đâu con vẫn
cung cấp tiền bạc để bố mẹ sống, nhưng con thấy rằng, mẹ hãy nghe theo thánh ý
của Chúa, tất cả những gì xẩy ra hầu như đã có ai xắp đặt trước, chuyện mẹ sang
đây, chuyện ngôi nhà này, tất cả đều tốt đẹp hơn mình mong ước, căn nhà mà mẹ cảm
thấy đẹp hơn căn nhà nghỉ mát gần bờ biển của những ông quan ở Nam Định về Quất
Lâm nghỉ mát; căn nhà mà mẹ ngó vào và mong ước mỗi lần đi ngang qua đó. Con
cũng có ông bà nội và ngoại nhưng chưa được một lần đeo khăn tang tiễn đưa ông
bà tới nơi an nghỉ cuối cùng. Con không muốn mấy đứa con của con bị giống như
con, không được đưa bà và khóc tạm biệt bà. Nếu mẹ về thì ngày mẹ nằm xuống sẽ
không đầy đủ con cháu, người đời sẽ chê trách chúng con. Người ta đâu hiểu cho
cái khó khăn của con cháu nơi xứ người, cũng như lần trước, con đã phải tranh đấu
với mấy chị để làm theo ý mẹ, bây giờ thì con không có quyền làm như vậy nữa, sức
khỏe mẹ bây giờ đã yếu, mẹ hãy để chúng con chăm sóc mẹ bây giờ, và để cho các
cháu học những bài học làm con phải hiếu thảo với bố mẹ cho tương lai. Con chưa
bao giờ xin mẹ cái gì, nhưng hôm nay con xin mẹ ở lại với chúng con”.
Tôi nói hơi nhiều nên mẹ tôi không nói gì nữa, một hôm có cả hai chị và tôi
đang ở trong phòng, mẹ tôi hỏi: “Người ta đi tù thì có án, tùy theo tội nặng nhẹ,
bây giờ chị cho tôi biết bao giờ tôi được thả”.
Tôi nhìn chị tôi cúi đầu mà cảm thấy đau lòng cho cả hai bên. Tôi nghĩ rằng,
không có ai có thể trả lời được câu hỏi này, nên vội bắt sang một chuyện khác để
không khí khỏi căng thẳng.
Chẳng bao lâu sau mẹ tôi phải vào nhà thương thông mạch máu, vì máu ngưng chảy
xuống chân, nhưng bác sĩ chỉ thông có một bên. Tôi hỏi bác sĩ là mẹ tôi bị nghẹt
nhiều nơi sao không thông hết luôn. Ông ta trả lời là sức khỏe của mẹ tôi không
thể chữa được, mạch nào nghẹt trên 80% mới thông thôi.
Mẹ tôi rất vui mừng vì con cháu luôn túc trực ở bệnh viện, y tá và bác sĩ thấy
chúng tôi đứng vòng trong vòng ngoài đông quá thấy cũng sợ. Mẹ tôi cứ khen ở
bên đây sao bác sĩ người ta tốt quá, mình chẳng là gì cả mà sao được đối xử quá
tốt, lúc nào cũng niềm nở vui cười; y tá cứ khoảng 15 phút là vào thăm, họ vui
vẻ với bệnh nhân và gia đình, không giống như ở bên Việt Nam, mấy cô y tá có
quyền chửi bệnh nhân như mẹ ghẻ con chồng.
Mẹ tôi tuy là một bà già quê mùa, nhưng bà đã thấy được lòng tốt của đất nước
này. Bà đã thầm cám ơn đất nước này, đã cho con cháu bà cơ hội thi thố tài năng
của mình.
Trong vòng gần 40 năm qua, bố tôi là người duy nhất đã đưa mẹ tôi tìm thầy tìm
thuốc khắp nẻo đường quê hương Việt Nam vì chúng tôi đã vượt biên hết cả rồi. Cứ
về nhà chẳng được mấy ngày thì mẹ tôi lại phải nhập viện tiếp, bắt đầu nước
trong phổi, sau đó tới thông tim, máu bị rỉ trong bụng, tim không chịu đập phải
gắn máy trợ tim, nhiễm trùng đường tiểu, lủng bao tử. Mẹ tôi không chỗ nào mà
bác sĩ không đụng tới chỉ trừ có lá gan.
Chị tôi không dám cho bố biết bịnh tình mẹ tôi rất nghiêm trọng, tôi dự định về
đến nhà nên nói cho bố ông biết sự thật, và sẽ đi mua đất cho mẹ tôi hôm sau.
Bố tôi nghe xong rất buồn và nói khoan đã, đừng có vội. Tuy vậy tôi đã lên cái
list phải làm gì và ai là người sẽ chịu trách nhiệm phân công mọi việc lúc mẹ
tôi qua đời.
Trong thời gian nằm bệnh viện, người em gái của mẹ tôi ở Việt Nam hay tin gọi
sang hỏi thăm, bà đã nói với người em rằng, cho bà xin lỗi với những bà con ở lại
Kinh 5 vì bà đã thất hứa sống chết có nhau từ lúc mới lập ấp. Bà cũng xin lỗi tất
cả con cháu. Nghe thấy thế mấy đứa cháu quay vào tường mà khóc cả đám làm tôi cảm
thấy xót xa. Các con tôi khóc sưng cả mắt. Sau này nó hỏi tại sao bố không
khóc(?) tôi không thể trả lời được câu hỏi của nó, chắc có lẽ nó phải chờ tới
ngày bà nằm xuống.
Nhưng như một phép màu, hơn một tháng nằm bệnh viện mẹ tôi đã hồi phục trở về
nhà, căn phòng hôm trước nay giống như bệnh viện, lúc trước để có hai cái queen
bed nay phải thêm cái giường đặc biệt để mẹ tôi dễ dàng ngồi dậy và nằm xuống,
con cháu vào hết trong phòng để chọc cho bà cười, không khí bệnh viện dần tan
biến..
Mỗi ngày sau khi lo cho việc gia đình xong là tôi xuống thăm bố mẹ vào khoảng 8
giờ cho tới 9 giờ 30 tối, ngồi nghe ông bà kể chuyện ngày xưa, những chuyện
trong sách báo không bao giờ nói tới.
Bên ngoại tôi từ Ngọc Cục sang lập ấp ở làng Du Hiếu từ hồi ông Nguyễn Công Trứ
làm Dinh Điền Sứ, còn bố tôi tổ tiên người Hà Lạn được ông tổ mẹ tôi chiêu mộ
sang lập ấp.
Hai ông bà đều phấn khởi kể lại trang lịch sử của các thánh tử đạo Viêt Nam:
Ông tổ của tôi là bổn đạo mới, có 4 người con thì 3 người tử đạo. Vì ông nội
tôi mất sớm nên bà cố phải bán dần ruộng đất để nuôi đàn con còn quá nhỏ, tới đời
ông nội tôi phải làm việc rất vất vả để có thể chuộc lại hết tất cả đất đã bán
đi.
Đặc biệt ở làng Du Hiếu này có 27 ông tử đạo, mà nay có tới 10 ông con cháu
xiêu lạc hết, không còn biết tung tích.
Lúc ông tổ tôi chết, chỉ có người con trưởng là ông cố tôi mới có 15 tuổi, còn
các em không biết bao nhiêu tuổi, có gia đình chưa.
Tôi có liên lạc với dòng Đồng Công hy vọng Giáo hội Công giáo Việt Nam có hồ sơ
của những anh hùng tử đạo, nhưng dòng cho biết là trong thời gian cấm đạo đã
không có nhiều hồ sơ, giáo hội chỉ đoán được khoảng từ 150 ngàn tới 300 ngàn
anh hùng tử đạo. Tôi nhờ người liên lạc để coi địa phận Bùi Chu nơi các ông bị
thiêu sống ở Quỳnh Côi có còn hồ sơ gì không nhưng không kiếm ra, tôi nghĩ chỉ
còn cách duy nhất là thử DNA của ông tổ tôi với 10 ông không có thân nhân thì mới
hy vọng.
Bây giờ tôi không biết đi từ đâu và làm những chuyện gì để hoàn thành công việc
đó, tôi nghĩ nhiều người cho rằng tôi là thằng khùng, mò kim ở đáy biển.
Ông cố bên mẹ tôi và 3 người con cũng tử đạo. Thời đó đàn ông là lao động
chính, mấy ông chết rồi mấy bà ở vậy nuôi con thật vất vả, cứ phải bán ruộng dần
đi theo sức lớn của đàn con, tôi nghe thấy mà mủi lòng, nghĩ tới những quả phụ
của miền nam sau năm 1975.
Chị em chúng tôi thật là may mắn đã còn đủ cha và mẹ, trong làng tôi chỉ còn có
vài cặp già, bố mẹ tôi là già nhất.
Ngày xưa ông nội tôi đi buôn ở mãi Lào Cai, Yên bái, ông đã dùng thuyền buồm chở
hàng ngược xuôi trên sông Hồng, thấy mấy cô ở Hưng Yên rất đẹp và dạn dĩ, đi
trên sông thấy mấy cô tắm mà không dám nhìn; mấy cô có trêu chọc cũng không dám
đáp. Có lần dừng thuyền ở bến, trạo phu tắm trên sông, mấy cô lấy quần dấu đi,
chẳng biết ông nội tôi có là nạn nhân hay không mà khi kể chuyện mặt vẫn còn đỏ
nhừ. Nếu cảnh đó mà còn đến bây giờ chắc nhiều du khách sẽ hứng khởi mà "tắm
tiên" trên sông Hồng lắm.
Bố mẹ tôi còn kể về tinh thần đoàn kết ở Kinh 5 quê tôi, lúc chị em chúng tôi
đi vượt biên rồi, công an kêu mấy ông lãnh đạo trong ấp lên làm việc, họ hỏi tại
sao kinh ấp của các ông người ta đi vượt biên mà các ông không bắt một ai, ông
an ninh ung dung trả lời: “Người ta đi có báo cho tôi đâu mà biết”.
Sự đoàn kết của Kinh 5 đã đi vào lịch sử quê tôi với 9/10 số gia đình đã ra nước
ngoài, mong rằng thế hệ sau sẽ gìn giữ mối dây đoàn kết được lâu dài.
Những người lãnh đạo trong thời gian khó khăn nhất nay chẳng còn mấy người, cho
tôi được cúi đầu tạ ơn những người đã nằm xuống hay vẫn còn sống.
Hiện nay một số người thế hệ thứ nhất và một rưỡi đã đứng ra lập hội Kinh 5
Foundation để giúp đỡ những người kém may mắn còn ở lại.
Tôi rất vui mừng mỗi khi đêm xuống, vì được nằm gần bên bố mẹ dù tuổi đời đã
50. Tôi thường nói với mẹ, mỗi lần nhập viện là bác sĩ bắt nằm, bao giờ bác sĩ
bảo về là người tôi tỉnh liền.
Tôi thường gợi chuyện để bố mẹ kể chuyện xưa, vì trong con mắt của bố mẹ, tôi
chỉ là một thằng bé cần chăm sóc và chỉ bảo. Một hôm bố tôi bảo: “Mai mốt tôi
chết, các anh chị cứ đưa tôi ra cái đồi đàng sau mà chôn” cả nhà phá lên cười.
Căn nhà của bố mẹ tôi ngay đàng sau là một công viên rất đẹp, mỗi ngày có tới một
vài trăm người tới đó đi bộ, chơi các môn thể thao; một cái đồi và một cái hồ
nhân tạo nằm giữa công viên cho nên chúng tôi bảo là sẽ chôn hai ông bà ngay đồi
thông hai mộ để mỗi ngày hai ông bà nhìn ra hồ than thở.
Bố tôi bây giờ thích trồng rau cỏ, nên tôi đi chở cho ông một xe truck phân ngựa
để làm phân cho rau. Ông nói phân nào đi chăng nữa cũng không bằng đào lỗ rồi đổ
những đồ ăn dư thừa, sau đó lấp đi rồi trồng cây bầu dây bí lên trên.
Mỗi sáng sớm đã thấy ông ra đào xới ngoài vườn, không có vườn chắc ông sẽ đổ bệnh.
Chúng tôi không dám nói là tiền nước bố tưới mắc hơn tiền mua rau.
Có lần ông cho tôi một trái dưa gang bở rất to, mấy đứa con tôi thích ăn thứ
này lắm. Thông thường thì tôi đánh ra và bỏ đường rất ít, đứa nào muốn ngọt thì
bỏ thêm, nhưng lần này tôi muốn làm đặc biệt hơn cho mấy đứa nhỏ, vì có một đứa
sắp đi học xa, tôi cho nhiều đường để chúng nó thấy đặc biệt.
Sau khi làm xong tôi ăn thử một muỗng coi ngọt tới cỡ nào, vừa nuốt tới cổ họng
là tôi phải khạc nhổ ra liền, vợ con tưởng có chuyện gì quan trọng chạy vội tới
cứu, tôi vừa quê vừa tức và trách vợ tôi sao để hũ đường và hũ muối giống nhau.
Trái dưa bở này là trái cuối cùng trong vườn vì bây giờ đã là cuối mùa. Bà xã
tôi bảo là có đề chữ đàng hoàng mà ông không chịu coi, khi coi lại thì bà ấy
nói đúng, hũ đường của tôi thì nó kẹt mãi bên trong nên tôi không để ý.
Tối hôm đó khi chúng tôi lên thăm bố mẹ, tôi kể lại câu chuyện bất cẩn của tôi,
chúng tôi nhìn bố mẹ tôi há hốc miệng cười mà răng không còn trông buồn cười
hơn câu chuyện.
Ông nói thôi đừng lo, sang năm sẽ trồng nhiều dưa bở cho cháu. Tôi liền liên lạc
với đứa cháu ở Oregon, vợ chồng nó có đủ những giống rau cỏ đặc biệt, ngay cả
những thứ đặc sản của Việt Nam gửi cho bố tôi trồng cho vui.
Câu chuyện nào rồi cũng có đoạn cuối, tối nay hiện diện đông đủ con cháu, bố
tôi hỏi ý kiến tôi trước khi quyết định. Ông nói nay mình không về Việt Nam nữa,
bố tính một cái hòm cho dì em của mẹ tôi, một cái cho người em họ của tôi, còn
hai cái lỗ kim tĩnh thì cho vợ chồng anh họ của tôi.
Những hòm đó mua mãi năm 1978, bởi vì bà con ngoài bắc vào nói là gỗ đóng hòm
mai sau sẽ rất hiếm, có những người chết sau năm 1954 không có ván đóng hòm phải
bó chiếu, bố tôi sợ quá mua hai bộ, đã lên cấp mấy lần mà vẫn chưa chết, thôi để
lại cho bà con để họ khỏi phải tốn gần 20 triệu cho mỗi cái hòm.
Tôi không thấy mẹ phản ứng gì nên bảo bố là làm vậy rất phải.
Hôm sau là ngày Chúa nhật, sau bao nhiêu tuần bận rộn tôi thấy cần nghỉ ngơi,
nhưng vẫn hiên ngang hỏi bà xã là hôm nay có cần làm gì không, bà ấy bảo nghỉ
ngơi cho khỏe, tôi vào giường định nằm ngủ, nhưng không sao ngủ được khi nghĩ về
câu chuyện tối hôm trước.
Tôi ra tới phòng khách thì bà xã đang nằm ngủ mơ màng, tôi bảo bà ấy là tôi đi
xuống mẹ chơi. Ra tới đường thì thấy máy bay đang đảo lộn trên không, tôi vội gọi
bố tôi đi coi trình diễn, bố tôi trả lời là không đi coi đâu, năm ngoái đã đi rồi,
tôi nói rằng kêu mẹ chuẩn bị con xuống chở đi coi.
Tới nơi thì mẹ tôi đã sẵn sàng, tôi cầm tay mẹ mà trong lòng tràn đầy vui sướng,
bàn tay tuy gầy gò nhưng không hiểu tại sao tôi thích như vậy, bàn tay này đã
nâng niu tôi lúc tuổi ấu thơ, tôi đã quên mất nó nay mới tìm lại được, tôi biết
rằng chẳng bao lâu nữa tôi sẽ không còn có cơ hội.
Tôi chạy tới chỗ Air Show thì đã trễ người ta bắt đầu về, trên trời vẫn còn những
cụm khói đen chưa tan, tôi chưa biết chở mẹ đi đâu để chuyện vãn thì sực nhớ ra
ngày hôm qua tôi có đi giúp nhà thờ trồng cây cảnh ở khu khuôn viên chỗ 14 đàng
thánh giá. Hai mẹ con ngồi dưới cây thánh giá, tôi bắt đầu vào câu chuyện ngay,
tôi hỏi ý kiến mẹ tính sao về hai cái hòm bố nói hôm qua, mẹ trả lời bố muốn
làm sao tùy ý. Tôi mừng quá nhưng không dám nói ra, hai mẹ con ngồi nói chuyện
rất lâu, sau cùng tôi hỏi mẹ muốn đi coi cho hết 14 đàng thánh giá không, mẹ
tôi trả lời muốn về chứ không đi nữa vì mệt.
Trên đường về mẹ tôi khen đường sá và nhà cửa thật đẹp chứ không như ở Cali và
thành phố Sài Gòn, tôi nghe mà tưởng như mình từ trên trời rớt xuống, Wichia có
gì đẹp đâu, chẳng mấy người biết tới nó, chắc mẹ tôi nói là đẹp theo kiểu đồng
quê, có cây cao bóng mát hay là mẹ tôi vui nên nhìn cảnh nó đẹp.
Sau khi dẫn mẹ vào nhà tôi phải về ngay, trên đường về, tôi nghĩ về chuyện bố mẹ
tôi thật giống như một phép lạ, lúc tôi vượt biên tôi không hề nghĩ rằng tôi có
ngày nhìn thấy bố mẹ, tính của mẹ tôi nói như đinh đóng cột, bà suy nghĩ rất kỹ
trước khi nói điều gì. Tôi rất thông cảm cho việc đòi về của mẹ, mẹ sẵn sàng chết
trong cô đơn để cho con cháu khỏi bận tâm. Mẹ là người mà chúng tôi đã mang ơn
rất nhiều mà không cần trả ơn, nay mẹ chấp nhận ở lại vì lý do gì tôi không biết,
nhưng tôi biết rằng, tuổi già tương lai không có, hiện tại là chờ chết, họ chỉ
còn có quá khứ, cho nên chúng tôi đã để bố mẹ tôi lan man kể chuyện đời xưa để
biết mình từ đâu. Chúng ta không có quyền bắt bố mẹ phải theo ý mình, chúng ta
có quyền chứng tỏ lòng thương bố mẹ qua các việc làm mỗi ngày.
Tôi tới nhà và sao y bản cũ, hát to để bà xã biết tôi về nhưng bà ấy chẳng thèm
nói gì, tôi vội vào bếp nơi bà ấy đang nấu ăn và khoe “tin vui, tin vui” bà ấy
quay lại và hỏi rằng chuyện gì vậy. Tôi kể cho bà ấy nghe chuyện mẹ tôi bằng
lòng ở lại, bà xã tôi lấy tay đập lên đầu tôi và nói “Con cưng của bố mẹ”.
Nguyễn Cao Thăng