Hôm nay,  

Hội Nhập

01/11/201300:00:00(Xem: 26711)
Người viết: Kông Li
Bài số 4049-14-29449vb6110113


Kông Li là bút hiệu vui vẻ của Phạm Công Lý, tác giả từng nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2011. Là một cựu sĩ quan VNCH, cựu tù, ông cùng gia đình đến Mỹ từ tháng 11/1994 theo diện HO, định cư tại Boston. Công việc từng làm: thông dịch cho Welfare, social worker, phụ giáo, tutor toán ở Middle School của Boston Public Schools. Bài mới nhất của ông là một chuyện vui tập nói tiếng Anh để hội nhập.

* * *

Bố hắn, làm thư ký ở toà án thời thuộc địa, nên thường xổ phờrăng xe với vợ con trong nhà. Nghe riết, hắn đâm ra mê Tây, nên bắt đầu học tiếng Pháp hồi đâu lớp Ba, lớp Bốn gì đó, để chuẩn bị con đường vọng ngoại cha truyền con nối trong gia đình.

Lên Trung Học đệ Nhất Cấp, hắn chọn Pháp là sinh ngữ I, để sau này có cơ hội, hắn sẽ xuất dương thi vào trường Sọt Bông (Sorbonne), hay Hét (HEC-Cao Đẳng Thương Mại) hay ít ra cũng trường Võ Bị Sân Si (Saint Cyr) để mang lon với thiên hạ.

Đang học ngon lành thì đùng một cái Pháp thất trận Điện Biên Phủ, Việt Minh chiếm ½ đất nước. Nhìn đoàn quân viễn chinh cuốn cờ tam sắc, vác ba lô, lều chỏng, xuống tàu về nước, hắn hiểu giấc mộng Tây Du Ký của hắn thành mây khói, và tự hỏi bây giờ xài tiếng Tây với ai đây?

Miền Nam thanh bình chưa được bao năm thì giặc lại lén lút đưa quân và vũ khí vào để hòng chiếm nốt miền Nam mầu mỡ. Hắn mừng như hạn gặp mưa, khi thấy các cố vấn Mỹ mang huy hiệu MAAG xuất hiện lác đác ở Sàigòn.

Hắn quay ngoắt 180o, bỏ Tây, quây qua Mỹ, bắt đầu gấp rút học Anh Văn để chuẩn bị hành trang vào học ở các trường Ha Quớt, Mít hay Deo ở bên kia Thái Bình Dương. Hắn ghi tên học tiếng Anh ở các trường danh tiếng tại Sàigòn. Buổi tối hắn còn học thêm Anh Văn cấp tốc ở các “Trung Tâm luyện giọng, bảo đảm nói tiếng Anh chuẩn, lưu loát trong vòng 3 tháng!”

Quả đúng như lời quảng cáo, mấy ông thầy của các Trung tâm nói tiếng Anh như gió, vì mỗi lần ông thầy phát âm, hắn đều nghe tiếng gió xì xì ở cuối câu. Hắn thực sự ngưỡng mộ các ông thầy, vì ông nào cũng tài cao, mà quá trẻ, chỉ mới có râu mép lún phún, có thể nhỉnh hơn hắn vài tuổi, mà đã có nhiều năm kinh nghiệm dạy học. Chắc hẳn mấy ông thầy này dạy Anh Văn từ thuở còn thơ chăng?

Cuối tuần, hắn hay lang thang trên phố đông người như Catinat, Bonard, tiệm bánh Brodard, Givral… tìm các GI để thực hành tiếng Anh cấp tốc của hắn. Gặp nhau, chào hỏi vài ba câu thì OK Salem, nhưng cả hai phe, ta và địch có vẻ không hiểu nhau lắm khi nói về thân thế và sự nghiệp của mình. Hắn hơi bực mình khi các chú US Army này không nói thứ tiếng Anh mà hắn đã học trong lớp “cấp tốc, bảo đảm, lưu loát của mình”. Hai bên chỉ trao đổi What, Oh yes, Huh, huh, Oh, Oh. Good…. Hắn thầm nghĩ:

- Hay là mình nói tiếng Anh chính thống mác “Long Đong” mà các cha này gốc cao bồi Tếch Xịt hay bà con với Tom Sơ Dừa (Sawyer) ở Mít xít xi pi, nên tau nói gà mà mi nói vịt?

Từ đó, cứ rảnh là hắn ôm cái radio đèn Philips 12 band để nghe đài VOA và mỗi chiều chờ bên cái TV trắng đen 8” để xem các chương trình của Bob Hope, Bonanza cùng các phim Wild. Wild West và Hawaii Five-0… của đài Quân Đội Mỹ. Nghe chưa được nhuyễn lắm, nói còn chưa thông thì một buổi sáng mùa Xuân ở miền Nam tang thương, bỗng xuất hiện dép râu và nón cối đầy đường. Hàng triệu con người khốn khổ, trong đó có hắn, kinh hoảng nhào ra biển Đông, bất kể mạng sống, để chạy càng xa càng tốt “cái gọi là” tự do, hạnh phúc.

Qua đến Mỹ, hắn bắt đầu làm lại từ đầu, ghi danh học lớp hai ở một trường Đại Học Cộng Đồng. Lớp chỉ lối 20 người, nhưng là một Liên Hiệp Quốc thu nhỏ, toàn dân tị nạn khắp thế giới tụ tập ở đây. Ông giáo sư già, dạy tiếng Anh, nói chầm chậm, rất kiên nhẫn, lập đi lập lại nhiều lần để sinh viên nghe và hiểu. Khi sinh viên nói, ông chú ý nghe, nhíu mày để cố gắng hiểu điều sinh viên đang phát biểu, vì tùy theo quốc gia, họ nói tiếng Spanglish (dân Nam Mỹ), Hinglish (dân Hindu), Vinglish (Việt Nam), Chinglish (Tàu), Koringlish (Đại Hàn), Japinglish (Nhật), Russinglish (Nga), Aringlish (Á Rập)….

Hắn chọn bàn đầu để dễ nghe và hiểu lời thầy giảng. Cạnh hắn là một sinh viên đen thui, cao lớn, hai tay xâm đầy hình rồng rắn, vẻ mặt hơi cô hồn, cổ tòn ten một dây lòi tói vàng, tai trái đeo một hột perle nhỏ, quần áo xộc xệch không giống ai. Tuần đầu, hơi ớn, nên hắn ít nói chuyện với anh bạn đồng môn. Qua tuần sau, nhờ chỉ giúp bạn hắn giải mấy bài toán hình học, số học dễ ợt và các bài tập tiếng Pháp mà hắn nhập tâm cách đây hơn 30,40 năm trước, nên cả hai trở nên thân mật. Một hôm vui miệng, hắn hỏi:

- Ê, tao hỏi cái này, mày đừng upset nhé.

- OK, shoot it up!

- Tao muốn biết tại sao mầy đen nhẻm mà lại tên White?

- Ahem! Chuyện dài lắm. Ông Nội tao kể lại là hồi xưa, ông cố, ông xơ tao là người da trắng. Ổng muốn xem coi sơn trắng pha với dầu hắc thì ra màu gì, nên ổng thử lấy một bà đen trong đồn điền. Kết quả thì mầy thấy đó. It ain’t working!

Nói xong White hỏi hắn:

- Mày học tiếng Anh ở đâu mà sao tao thấy nó funny quá!

Hơi nhột, hắn hỏi lại:

- Funny là như thế nào?

- Mày nói tiếng Anh cứng ngắc, giọng đều đều như ông thầy tu đọc kinh vậy. Mà sao câu hỏi nào của mày cũng lên giọng ở cuối câu vậy?

Hắn nói trớ:

- Chắc mấy ông thầy tao không học ở Mỹ đó.

Suy nghĩ một lát, hắn tiếp:

- Vậy chớ theo mày, tao phải làm sao để giỏi tiếng Anh được?

- Mày phải thực hiện một cái immersion. White trả lời

- Sao, tao phải trầm mình dưới nước như trong lễ rửa tội, để học tiếng Anh hả?

- Không, không phải nghiã đó. Mày phải go native thường xuyên.

- Làm sao, làm giống như dân bản xứ hả?

White mừng rỡ đáp:

- Yo goddit (got it). Mày hãy nhìn tao, bắt chước khi tao nói, tao phát âm, tao diễn tả… thì mày giỏi mấy hồi.

Thực sự, hắn đã để ý thằng White từ lâu. Nó thích cách nói chuyện của White, không nhanh lắm, rõ ràng, cà giật ở từng đoạn, lên bổng xuống trầm và kéo dài ở cuối câu, như hắn đang hát vậy. Cả cái tuớng đi, đầu lúc lắc, hai tay vung vẩy và cách chào hỏi bạn bè bằng nắm tay, bàn tay và cùi chỏ nữa.Cái nào hắn thấy cũng hay hay.


- Okey, dokey, tao sẽ làm ngay. À, mày sẽ dạy tao hát nhạc Rape nữa nhé!

White không nhịn cười được, vỗ vai hắn:

- Dude, nghe đây. Hát nhạc rape đắt giá lắm. Từ 15 đến 20 năm nằm ấp đấy. Mày chỉ hát nhạc Rap thôi.

Hơi quê, hắn tiếp:

- Ờ, thì nhạc Rap vậy.

- Còn cái này nữa. Hắn tiếp.

- Spit it out, man! (Nói đi)

- Tại sao mầy mặc quần lớn hơn 2,3 số, mà không có dây nịt, giày lại không dây, là sao?

- Mày biết không. Ở trong clink (prison đó), quần áo chỉ có một size thôi, mà không phát nịt và dây giày, vì sợ jailbird (tù nhân) treo cổ tự vận. Ra ngoài phải ăn mặc như thế để tạo đẳng cấp, dằn mặt những tên muốn giỡn mặt với anh chị. White vừa nói vừa hãnh diện với kinh nghiệm của nó.

Hắn nhìn bạn mình vừa sợ và phục hắn ra mặt.

Mấy ngày sau, trong khu cộng đồng phe ta bỗng xuất hiện một một quái nhân: một tên tướng tá ốm nhom, chưa tới 100Lb, tóc hớt sát da đầu (close cropped hair), mặc áo thun Fubu màu vàng chói, lộn ngược, lòi nhãn ra ngoài, đeo bông tai bên trái, mang đôi giày xanh đỏ, quá khổ không dây. Hắn vận cái quần thùng thình đến đỗi phải đi chàng hảng, mà “bước đi một bước giây giây lại ngừng” để… kéo quần lên!

Bà con đều trố mắt nhìn một đồng hương “biến chất” đang lắc lư cái đầu trọc, hai tay co lên, đưa qua lại, hai chân bước chéo hình chữ X như người mẫu trên catwalk, thỉnh thoảng lại kéo lê đế giày lên xuống như kiểu moonwalk của ca sĩ Mai Kồ Rắc Sơn, vừa đi vừa hát nho nhỏ “I’m the nigga ya luv to hate” (lời của ca sĩ/tài tử TV Ice Cube)

Hắn bước vào tiệm convenience để mua gum nhai cho giống thằng White. Vừa gặp mặt bà Ba chủ tiệm, hắn liền xổ ngay:

- Hey yo, wazzup, man !

Bà Ba giật mình quay lại, nổi xung, xỉ vả:

- Ta là Bà Nội mày, chớ không phải Dô, Ra gì cả. Tao là Vú mành, chớ không phải Mành. Mày nghe rõ chưa, con khỉ mắc phong?

Hắn xuống giọng:

- OK, Bà Nội, giỡn chơi một chút mà... Rồi trả tiền gói kẹo và vọt ra ngoài.

Sau buổi học chiều thứ sáu hôm đó, White ngoắc hắn:

- Tối nay, tao sẽ dẫn mày đi chỗ này hay lắm. để mày có dịp immerse và nếu mày muốn, tao sẽ giới thiệu với mày vài hot babes, vì mày biết không, phương pháp học sinh ngữ tốt nhất là ôm một local chick.

Để giỏi tiếng Anh, hắn có thể làm bất cứ việc gì thằng White bảo, nhưng nghĩ đến mấy con “gà ác” ngồn ngộn, dư mỡ, thừa thịt, cả 3 vòng số 1,2,3 đều có đường kính bằng nhau, thì hắn ớn da gà rồi, làm sao thò tay mặt, đặt tay trái vào được, nên hắn cười cười đáp:

- No can do. Ain’t working, man!

Hắn hơi sờ sợ khi theo thằng White đi qua những con hẻm lầy lội, đầy rác, thiếu ánh sáng. White dừng lại ở cuối đường, gõ hai tiếng dài và một tiếng ngắn vào cửa sắt. Một cái mặt đen xì hiện ra từ cửa tò vò, quan sát một hồi, rồi cửa hé mở. White len vào trước, hắn dợm bước theo thì một bàn tay chận lại:

- Only Negroes. No Chink!

White quay lại:

- Cool, man. My buddy. He’ Nam.

Hai tên đi xuống tầng hầm, mịt mù khói thuốc, mùi rượu, mùi mồ hôi. Đó là một club của dân đen, da trắng không dám bén mảng đến. Nhìn đâu cũng thấy từng cặp xà nẹo, đang nốc Vodka, hay phê, chích choác cho nhau.

Có vẻ là tay anh chị nên White được nhiều người chào hỏi. Sau khi giới thiệu hắn với bạn bè, hắn dặn:

- Enjoy yoself! Thích con nhỏ nào, nói tao. Đứa nào vào đây cũng tới bến cả. Ain’t sissy, man.

White đưa hắn môt điếu thuốc vấn và bảo hút thử.

Hắn lắc đầu, nhưng White đưa điếu thuốc vào miệng hắn, và nói:

- Try it, yo’ll likit. YOLO, YOLO! (You Only Live Once)

Nể bạn, vừa hít một hơi, thì đầu óc quay cuồng, không đứng vững, phải ngồi xuống ngay. Ngồi một lát, không biết đang high hay muốn tìm cảm giác lạ, hắn hít một hơi nữa. Lần này hắn thấy lâng lâng như có cánh, tưởng có thể bay lên đụng trần nhà. Cảm thấy mạnh mẽ hơn, tự tin hơn, nói thầm:

- Con nhỏ nào lạng quạng với ông bi giờ thì có mà chết ngay với ông đấy!

Nhìn thấy lờ mờ thằng White đang đứng ở quầy bar, hắn chân thấp, chân cao đến đứng cạnh. Nghe thằng White order một cocktail Bloody Mary một cách hùng dũng. Hắn nổi hứng, đập tay trên quầy, nhái giọng thằng White, la lớn:

- Ê, cái thằng Mọi Đen (Nigger) kia, mày đem ngay cho tao một Heinekein, nếu không tao sẽ đá cái đít đen của mi đau đến đỗi (kick your black ass so hard) mi sẽ ân hận là thằng Mọi ngu ngốc (a stupid Negro)!

Cả bar đang ồn ào tiếng nhạc, tiếng cười, nói bỗng hoàn toàn rơi vào im lặng. Hàng chục con mắt trắng dã, mở to, nhìn chằm chập vào hắn, một tên không trắng, không đen, không nâu, đã châm ngòi một quả bom nổ chậm.

Tên bartender đưa bàn tay hộ pháp, bóp cổ hắn, kéo vào sát mặt mình và hét:

- Watdaya sed?

Hắn không biết trả lời sao và không thể trả lời được vì đang nghẹt thở, quay lại cầu cứu với thằng White. Mặt bạn nó bây giờ không còn đen nữa, mà trắng bệch, bối rối, lắp bắp nói:

- Eazy, man. Cool down. Sorry, he dunno. He ain’t mean it.

Sau một hồi giải thích, cả bar phá lên cười ầm ĩ vì sự ngây thơ của một tên ngoại đạo muốn “hội nhập” không đúng chỗ.

Tên bartender buông hắn ra, nhăn mặt cười:

- Yo wacko (crazy).

White kéo hắn ra một góc, vỗ vai:

- Congrats! Mày đã thực hiện một immersion thật tuyệt, nhưng không đúng chỗ. Tao quên cho mầy biết là chỉ bọn tao mới được quyền nói Nigger và Negro với bạn thân thôi. Người khác dùng là một sự sỉ nhục như chữ Chink, để miệt thị dân Tàu vậy. Mầy nên biết là người da đen chúng tao hãnh diện với chữ Nigger như trong bài hát của rapper Ice-T “I’m a nigger, not a colored man or a black or a Negro or an Afro-American.”

Hú vía, nếu không có thằng White can thiệp, hắn sẽ không toàn mạng với họ. Không sưng mặt, hăng rết, thì cũng gãy tay, lọi giò và ba sườn đếm thiếu vài cái. Một bài học đáng nhớ khi muốn hội nhập, phải cân nhắc, xem trước, sau, kẻo kết quả ain’t gud mà lại veery baad !

Thu 2013

Kong Li

Ý kiến bạn đọc
11/11/201308:00:00
Khách
Cám ơn tác giả đã chia sẽ về bài viết rất tếu và hay!
02/11/201307:00:00
Khách
Bài viết mang tính hài hước vui nhộn nhưng cũng rút được kinh-nghiệm-sống cho những ai muốn hội nhập nhanh theo kiểu mà tác giả nêu trên. Rất dí dỏm và ý nhị.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,320,266
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.