Không Ảnh
Tác giả: Phan
Bài số 2479-16208556-vb2081208
Tác giả là một nhà báo, phụ trách mục "Chuyện Vỉa Hè" trong Ca Dao Magazine ở Dallas, đã góp nhiều bài đặc biệt và nhận Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2007.
***
Là người sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn trong buổi giao thời giữa hai chế độ, tôi đi từ cảm khoái được gọi là "chứng nhân lịch sử" đến cảm nhận mình là "dã nhân tiền sử" không bao lâu sau đó vì tôi dân con nhà... nói theo mấy thằng bạn học hồi đó là: "Ba mày với ba tao có công giúp tây đánh ta." Nhưng nhìn mấy thằng bạn học chung trường là con nhà liệt sĩ miền Nam sau khi lá cờ Mặt trận giải phóng bị vắt chanh bỏ vỏ cũng ăn mày không có ống bơ thì nói gì mình! Từ ăn không ngồi rồi tới ăn lông ở lỗ là thời kỳ quá độ thì ta mới chỉ là hạt bụi lưu đày ngay trên quê hương thôi. Tôi kinh qua đủ thứ nghề để sống còn, bất kể thượng vàng hạ cám miễn lương tâm cho phép như không cướp của giết người là được. Tôi làm hết những gì có người mướn để có cái cho hàm nó nhai, hàm mà không nhai thì máu phai thành nước lã, băng.
Trong những nghề thượng vàng hạ cám ở mảnh đất Sài Gòn thì làm sao nhớ hết! Nhớ chăng, cũng có hôm ta đứng trên bục giảng để bình "Kiều" cho con nít nghe như nước đổ đầu vịt. "Khi đói, bộ óc người ta tuột xuống dưới bao tử để chỉ nghĩ tới cái ăn&"* chứ ai đâu quởn mà tán thơ văn. Dù gì cũng là những ngày tháng đẹp trong đời vì đi trồng người là công việc cao qúy nhất trong những nghề cao qúy. Vậy hạ tiện nhất trong những nghề tôi làm là gì"
Hôm đó tôi theo anh bạn người Tàu đi thu mua lông vịt ở các vựa ve chai, lò vịt quay& về bán lại cho Công ty lông vũ xuất khẩu mà kiếm lời sống qua ngày. Sau một ngày ngược xuôi, cháy nắng trên cái xe Cub đời 78 của tôi cùng rất nhiều suy tư trên đường đời chứng nhân lịch sử. Mặt trời chạng vạng tôi mới về tới nhà, bước vô nhà sáng đèn vì nhà cao cửa rộng của bà nhạc chứ không phải nhà riêng của vợ chồng tôi. Hình ảnh vợ tôi cột hai vạt áo dài sang hông, bồng con cặp nách và đang dụ thằng nhỏ ăn bát cơm chiều. Tôi đau hơn một ngày mệt từ thể xác tới tinh thần vì chiếc áo dài vẽ vợ tôi đang mặc là cả một sự chọn lựa tự tin của tôi ở những tiệm bán áo dài vẽ ngoài đường Tự do. Đồng tiền ít ỏi của người đi chụp ảnh thuê cho đám cưới, đám ma đã gom hết gia tài để mua miếng vải áo dài vì nét vẽ theo trường phái tượng hình quá độc. Chỉ nghĩ đến miếng vải thành áo, khoác lên dáng kiều nhi đã chết hồn người ưa mơ mộng. Mua liều tới cụt vốn làm ăn cũng mua. Đàn ông không có chút máu liều thì thành& không dám nói.
Ấy, chiếc áo dài vẽ đã làm cho những cô bạn của vợ ghen tỵ, không những đi vào kỷ niệm một thời mà còn dư hậu tới mai sau, nhất là chiếc áo thướt tha ngày nào nay cột gút bên hông vì tình mẫu tử làm tôi biết ơn em lắm! Thương tôi đã vất vả trăm chiều, nay tới con tôi cướp nốt phần duyên dáng còn lại của mẹ thì thật cha con tôi đã quá bất công với người đẹp của nhiều người mà ta may mắn hơn! Nghĩ vẩn vơ trong cái đầu vốn dĩ lơ mơ thì hiền thê tôi cười thật tươi khi thấy tôi quẹo xe vô nhà, em nói: "Chào ông lái lông. Hôm nay làm ăn khá không"" Tôi cười ra nước mắt, buôn heo gọi là lái heo, buôn trâu gọi là lái trâu& sao tôi lại đi buôn lông! Đúng là cô giáo dạy Văn nên dư từ để chơi chữ. Nhưng hạnh phúc dường nào với nụ cười chia sẻ vợ chồng trong khó khăn đời sống.
Tưởng qua nước Mỹ giàu sang thì mình hết khổ, ai dè ở đâu cũng tay làm hàm nhai/ tay quai miệng trễ. Đi làm ở đây còn bị hạn chế ngôn ngữ trong giao tiếp mới khủng hoảng tinh thần, nhưng rồi cũng qua đi những âu lo người mới đến để lại thay đổi nghề nghiệp cho đủ trăm cái môn bài của chứng nhân lịch sử bị ép uổng chứ tôi đâu muốn. Những công việc tôi đã làm trên nước Mỹ cũng tạp nham như hồi ở quê xưa. Khi gia đình đã không cần tới thu nhập của tôi nhiều nữa thì tôi đi làm& biếng để có thời giờ rong ruổi sưu tầm áo dài vẽ cho đã nư.