Tác giả lần đầu tham dự VVNM với bài Cay Nghiệt, làm cố vấn đầu tư tài chính cho một ngân hàng tại Montreal, Canada. Cô cho biết đã về hưu và làm những việc mình từng đam mê như viết lách, đi du lịch, ca hát. Bài viết kỳ này tác giả ghi lại một câu chuyện thật về cuộc đời của một người phụ nữ Việt trên đất Nhật.
***
…Đi sao nặng nề kiếp người nhỏ bé.
Xa xăm ngọn cờ quê nhà vắng gió.
Tôi không kẻ thù nên đau từ độ.
Tóc úa là nhờ những tháng âu lo…
(Bay đi thầm lặng- Trịnh Công Sơn)
Phi trường Minneapolis-Saint Paul international Airport (MSP) thuộc bang Minnesota Hoa Kỳ, nơi đây nổi tiếng với việc tích hợp nghệ thuật công cộng vào không gian sân bay; có nhiều tác phẩm nghệ thuật độc đáo, từ tranh vẽ đến điêu khắc, được trưng bày ở nhiều khu vực của sân bay. Tôi rảo bước ngắm từng góc cạnh của mỗi bức tranh với cách dậm màu, nét vẽ và bố cục của từng bức sao cho mau hết thì giờ chờ đợi vào máy bay. Tôi và chồng sẽ đi nghỉ hè hai tuần trên tàu du lịch Celebrity Millenium mà điểm đến chính là xứ Phù Tang, xứ này nằm ở phía đông của thế giới, nơi mặt trời mọc.
Từ lúc bé tôi thường lấy vải màn quấn giả làm áo kimono của Nhật, lấy khăn san của mẹ làm giải quấn chung quanh eo và thắt chiếc nơ thật to sau lưng, tóc búi cao, rồi đi đôi guốc cao gót của mẹ, tay cầm chiếc quạt nhỏ phe phẩy, thế là thành cô geisha Nhật chính hiệu. Sau khi lập gia đình, lo cho các con học hành nên người, tôi cùng chồng thực hiện giấc mơ của mình là đi đến đất nước ở phương Đông ấy!
Nhưng trước khi lên tàu phiêu du hai tuần, tôi muốn đến Tokyo trước một tuần để thăm tất cả những nơi đã từng mê hoặc tôi, đã từng làm trái tim tôi thổn thức mỗi lần nghĩ tới, tôi đã thuyết phục chồng đến Tokyo và tự mình thực hiện tìm tòi đi thăm những chùa chiền, cung điện, bảo tàng bằng bus, metro tại nơi này.
Bước chân tôi dừng lại khi chạm trán với một người đi ngược hướng tôi đang ngắm những bức tranh trên tường ở phi trường MSP. Một người phụ nữ với mùi nước hoa tỏa thơm ngát, mái tóc cắt cao rất model, khuôn mặt hơi lớn tuổi nhưng còn giữ nét tươi tắn sang trọng, tôi nghĩ chắc hồi trẻ chị phải là một người đẹp lắm. Chị nhìn chằm chặp vào tôi một lúc khá lâu, bỗng nhiên reo lên vui mừng:
- Em Trúc Nghi phải không?... Chị là chị Xuân Thu, chị của Cẩm Tú đây! Hồi xưa em thường hay đến nhà chơi với Cẩm Tú, ở lại nhà chị làm bánh, nấu chè, nướng bắp với tụi chị đến chiều mới về đó em nhớ không?
Tôi yên lặng ngắm nhìn và cố nhớ lại thuở ngày xưa… cách đây trên 40 năm, từ ngày tôi bỏ nước ra đi…
Tôi nhớ lại vào những năm 1975, khi miền Nam bị mất đi nền hòa bình dưới thời Cộng Hòa, những trường Tây bị giải thể, những giáo viên ngoại quốc bị ép đi về nước, các trường cùng loại được ngành giáo dục XHCN tập họp lại nhau, như Marie-Curie, Regina Pacis, Lê Quý Đôn, Bác Ái, Thiên Phước, Couvent Des Oiseaux Dalat là những trường bị giải thể, các học sinh sẽ phải tụ vào trường Regina Mundi tức là Couvent des Oiseaux trên đường Công Lý Saigon. Nơi đây Cẩm Tú và tôi quen nhau.
Đến lượt tôi mừng rỡ la lên:
- Oh phải rồi… Chị Xuân Thu, chị của Cẩm Tú đây sao? Chị thay đổi đến nỗi em không nhận ra nữa…Nếu chị không nhận ra em thì em sẽ không bao giờ biết đây là chị! Chị giống như một mệnh phụ đài các, rất “mode” đó nhe!
- Đã hơn 40 năm em ở nước ngoài, từ 1985 đến nay rồi còn gì! Em và Cẩm Tú bắt đầu chơi với nhau sau 1975 khi các trường ở miền Nam bị giải thể, các em mới vào học chung Couvent… Cẩm Tú từ Bác Ái, còn em từ Marie Curie em nhớ không?
- Vâng ạ! Thời gian nhanh quá, thế mà đã nửa thế kỷ rồi!… Chị bây giờ làm gì? ở đâu?
- Chị trở về lại Tokyo, chị mới từ Mỹ thăm gia đình Cẩm Tú.
- Chị ở Tokyo sao?
- Phải!... tại sao?
- Em sẽ đến Tokyo một tuần để đi ngắm cảnh đó! Em mê Tokyo vì những thắng cảnh và cả xứ Phù Tang ấy qua sách vở đã đọc qua… Bây giờ phải yêu luôn con người họ vì có chị Xuân Thu đây!
- Em tôi nói ngọt ghê nơi nhe! … Em nói đúng, chị ở Nhật từ cuối 1985, sau ngày em đi không bao lâu thì chị vượt biên trót lọt, lần thứ 13 đó em!... chị rất mang ơn xứ này, cả dân tình nữa. Từ từ chị sẽ kể em nghe về cuộc đời thăng trầm của chị.
*
Tôi nhớ chị vượt biên mãi như đi chợ vào những năm 1980 vẫn không thoát, bị bắt nhốt hoài, gia đình phải chạy tiền chị mới ra khỏi tù được, ba mẹ chị mỗi lần gặp tôi đều than thở là nghèo vì chị. Còn Cẩm Tú thì may mắn hơn, đi có một lần vào 1981 là thoát đến Malaysia, rồi được định cư ở Mỹ. Sau đó, mỗi đứa chúng tôi bận xây dựng cuộc sống ban đầu ở nơi mới đến, nên không liên lạc với nhau một thời gian khá dài, đến khi có thì giờ để nghĩ tới nhau thì không biết nơi đâu mà tìm!
Giọng chị đều đều kể cho tôi nghe:
- Lần vượt biên thứ 13, chiếc thuyền bé nhỏ mong manh chỉ có 25 người, khi ra ngoài khơi gió mạnh mới biết là mình quá liều lĩnh, mỗi cơn sóng đến là cả thuyền chong chanh, nâng lên thụp xuống theo từng nhịp sóng, nhất là buổi tối đen đặc, nước cũng màu đen tuyền, chỉ có ánh trăng và những ngôi sao trên trời làm đèn rọi đường cho mình đi thôi. Lúc ấy nửa mong được tàu vớt, mà nửa thì sợ tàu ấy là hải tặc thì chỉ có chết mà thôi. Đến ngày thứ năm thì cả tàu không còn đồ ăn nữa, lạnh và đói nên mọi người mới quyết định là cứ gặp tàu là vẫy xin cứu, chứ nếu liều tự mình đi thì không biết có đến nơi được hay không, hay nửa đường sẽ bị sóng đánh cho chìm. Cả tàu ai cũng lâm râm khấn vái, người khấn Phật Bà kẻ cầu cứu Đức Chúa, đức Mẹ Maria.
Chiếc tàu chở hàng đầu tiên mà tụi này gặp ở tít đàng xa với lá cờ Nhật Bản, ai nấy đều vui mừng khôn xiết, kẻ bị bệnh ói mửa, sốt nóng, tưởng sẽ chết cũng tỉnh dậy nữa, bởi vậy mới nói sự hy vọng cho người ta niềm tin vào sự sống. Tàu Nhật đã cứu bằng cách cung cấp lương thực, nước uống và thuốc men khẩn cấp, rồi cho tụi chị tỵ nạn ở nước họ, một số có thân nhân ở các nước khác thì họ liên hệ với các tổ chức cứu trợ quốc tế như Cao Ùy liên hợp quốc về người tỵ nạn (UNHCR) để đưa họ đến nơi mong muốn.
Lẽ ra chị định sang Mỹ với Cẩm Tú, nhưng lúc ấy có một công ty Nhật đến nơi tụi chị ở tạm, ra thông báo tuyển công nhân cho nhiều ngành tay chân khác nhau, nếu muốn thì ký tên vào một tờ đơn, họ làm thủ tục cho mình định cư luôn lúc đó. Chị nghĩ nếu qua Mỹ phải đi tìm việc làm sẽ rất lâu, mà ở nhà ba mẹ đã cạn tiền, họ đang chờ nguồn tài chánh từ chị để sống, nên chị đã quyết định ở lại Tokyo từ đó.
Lúc đầu chính phủ cấp cho mình một căn hộ nhỏ, họ tạo điều kiện cho mình đi học tiếng bản xứ chừng 5 tiếng một ngày, kế đó liên lạc với nhóm người trong khu mình ở, họ sẽ chỉ cho mình những công việc chân tay như lặt rau, bóc vỏ tôm, hoặc làm việc trong các kho hàng như sắp xếp, kiểm tra, đóng gói, bốc dỡ hàng hóa, quản lý v…v…không cần học vấn cao, chỉ cần tỉ mỉ, kiên nhẫn và tập trung cao thôi.
Được một tháng làm việc, một hôm chị chủ nhóm tuyển chọn một người có kinh nghiệm may, giúp người thợ chính chuyên nghiệp may đồng phục cho công nhân, chị được chỉ định đến giúp ngay hôm sau, ai ngờ chị thợ may chính ấy lại bị bệnh bất ngờ không đến làm được, thế là chị là người thợ bất đắc dĩ ngồi vào chiếc ghế ấy, mà em biết đó ở Việt Nam chị đã từng may đồ mặc ở nhà rồi, nên chị biết cách ráp những phần rời đã được may vào với nhau; người manager thấy chị làm bộ đồng phục đầu tiên đạt quá, nên giữ chị lại làm luôn từ đó.
Đúng là hoàn cảnh tạo anh hùng em ạ, chị không bao giờ nghĩ mình sẽ làm nghề may, nhưng vào hoàn cảnh đó nếu không may thì không biết phải làm nghề gì để nuôi thân và gởi tiền về cho gia đình còn kẹt lại bên nhà để sống. Nhờ tính chăm chỉ và sự luyện tập nên từ từ chị ra riêng sau một năm rưỡi làm cho họ. Chị mở tiệm may đồ, may luôn cả kimono.
Khách đến ai cũng nói tiếng Nhật với chị cả, họ tưởng chị là người Nhật chính cống, chị đã cố gắng may theo yêu cầu của mỗi vị khách, từ hàng chợ rất đơn giản cho đến những cái rất kỳ công để họ mặc khi tiếp khách.
Em hỏi chị đang làm gì? chị muốn nói là chị đang có một tiệm may kimono với hai công nhân người bản xứ giúp chị, họ sẽ may tại chỗ khi có khách đặt… Nhà chị ở ngay trung tâm Tokyo, gần chợ búa, khu vui chơi giải trí… Kỳ này em nhớ ghé chị chơi cho biết nhà nhé.
Đúng là trái đất thật nhỏ bé, tôi vui mừng gặp lại chị Xuân Thu sau 40 năm, tôi mong được nghe lại giọng nói líu lo của Cẩm Tú sau khi đi thăm nước Nhật về; hai đứa sẽ có nhiều điều kể cho nhau nghe lắm đây.
*
Cửa tiệm may của chị Xuân Thu nằm ngay trung tâm Tokyo, con đường Shibuya sầm uất với rất nhiều tiệm ăn uống, mỹ phẩm, quán bar… Tiệm áo Kimono của chị dưới tên Arigato (cám ơn) có một không hai trên cả khu vực ấy. Chị nhận may đủ loại âu phục nam nữ, trẻ em và cho mướn áo Kimono mặc trong nửa ngày với giá không mắc lắm nên khách ra vào tấp nập đặc biệt là các du khách ngoại quốc. Bên cạnh tiệm may của chị, có một quán phở và những món ăn thuần túy Việt Nam như bún bò huế cuối tuần, bún thịt nướng…, một tiệm nail, một tiệm mỹ phẩm, tiệm cắt tóc nam nữ… Tất cả những tiệm này được mở san sát nhau cho thấy một cộng đồng Việt đang tiếp tục phát triển từ 50 năm tại đây. Chị hào hứng nói với tôi:
- Gặp người đồng hương mừng lắm em, nhất là những người mới qua sau này, cho mình biết tin quê hương mình bây giờ ra sao. Đã lâu chị đã không về thăm đất nước từ ngày vượt biên, nhưng cha mẹ chị vẫn ở đó, vì lớn tuổi và ngại đến một đất nước mới nên không chịu bỏ nơi chôn nhau cắt rốn.
- Người Việt mình tập trung khu này thôi hả chị?
- Tokyo là nhiều nhất rồi đó, họ cũng sống rải rác ở khắp nước Nhật, ở Osaka, Nagoya v...v… Em biết dân Việt mình ở Nhật vào khoảng 500 ngàn người, đông nhất, sau Mỹ mà thôi. Đi đến đâu với sự chăm chỉ, kiên nhẫn, dân mình đều vượt lên hàng đầu và thành công. Nói không phải khoe chứ Cẩm Tú ở Mỹ cũng đóng góp công sức rất nhiều vào cộng đồng người Việt bên ấy, gìn giữ truyền thống văn hóa Việt Nam, cô nàng cũng giữ một chức không nhỏ trong cộng đồng bên ấy… Đúng là không làm hổ thẹn người Việt mình dưới cái nhìn của người bản xứ.
- Dạ chị! 50 năm nhìn lại bạn bè, người quen, gia đình, ai nấy cũng có một tương lai thật tốt, thế hệ thứ hai thứ ba đang sinh sôi nẩy nở, chúng sẽ được đào tạo ngay từ lúc bé, được hưởng nền giáo dục tốt, mở mang tri thức về nhân cách sống của nước sở tại, ví dụ như nước Nhật dậy con trẻ ngay từ khi mới lọt lòng tinh thần dân tộc cao độ, nước Mỹ dậy cho bọn trẻ phải tự lập, vươn lên từ lúc mới vào nhà trẻ; các cô giáo uốn nắn, răn đe đứa trẻ khi phát hiện những hành vi xấu như ăn cắp, ăn hiếp kẻ yếu thế, không nhân nhượng cho chúng từ lúc biêt ý thức, nên những đứa trẻ lớn lên chỉ mang trong đầu sự giúp đỡ, chia sẻ lẫn nhau và sự lương thiện. Tuy nhiên trong một xã hội thành phần xấu, bất hảo cũng có, nhưng đó chỉ là thiểu số… Chị đã lập gia đình chưa? Sao em không thấy mấy cháu nhỏ?
- Các anh chàng Nhật rất thích những cô gái Việt, nhưng vào thời đó, chị đã có ý trung nhân từ quê nhà nên từ chối các chàng trai Nhật Bản.
- Ảnh có ở đây không cho em gặp để chào?
- … Anh đã đi vượt biên sau chị một năm, chuyến tàu ấy không bao giờ cập bến, cũng không nghe ai nói về chuyến đi ấy cả! Chị đã đi hỏi thăm rất nhiều nhưng đều không có câu trả lời… Chị vẫn chờ đợi mãi, cho đến ngày hôm nay, chị vẫn phòng không chiếc bóng…
- Oh em xin lỗi chị đã nhắc lại chuyện buồn… Rồi chị ở vậy luôn sao?
- Chị nghĩ sẽ ở vậy luôn, vì chị chẳng thể yêu ai được nữa, chị lo lắng cho chuyến đi của người yêu, chị vẫn mong chờ cứ ngỡ như anh ấy rời đi mới hôm qua… Chị không thể hưởng hạnh phúc khi nghĩ đến ảnh vì mình mà bỏ quê hương, hy sinh tính mạng, chị cảm thấy tội lỗi lắm…
Chị xúc động, hai hàng nước mắt chảy dài xuống má. Tôi ôm chị vào lòng:
- Hãy sống cho cuộc sống hiện tại của chị, chuyện gì qua hãy để nó qua đi, anh ấy có thể đang sống ở một nơi nào đó rất bình an, hơn nơi đây đó chị.
- Nhưng chị vẫn nghĩ về ảnh, ảnh vì chị mới đóng ghe, rủ bạn bè đi chung. Có ai ngờ cuộc đời lại ngắn ngủi như vậy! Nếu ảnh ở lại quê nhà thì chắc bây giờ đã lập gia đình có con cháu đầy đàn rồi. Chị sẽ không ân hận, chị sẽ yên tâm sống cuộc đời riêng của chị, không cứ gì mình phải lấy nhau mới được, em hiểu không?
- Mỗi người có một số phận, không thể biết trước được đâu! Với lại không phải chỉ riêng mình chị gặp nghịch cảnh như thế đâu, sau 1975 rất nhiều người miền Nam bị lạc cha mẹ, vợ chồng, anh em, có kẻ bị chết trên biển khi chưa tìm được sự tự do nữa…
Một cậu bé da đen chạy ào vào làm ngưng cuộc nói chuyện của chúng tôi:
- Mẹ ơi, con…
Thấy tôi, cậu bé mở to cặp mắt nhìn, cúi đầu chào bằng tiếng Việt rất sõi:
- Con chào cô.
Chị Xuân Thu ôm cậu bé vào lòng, giải thích với tôi:
- Đây là Michael, cậu bé này chị gặp lang thang trong các chợ, tối ngủ trong các công viên, dưới gầm cầu thấy thương lắm, chị cứ tưởng là thành phần bất hảo của xã hội Nhật, nhưng một ngày chị đi công chuyện về đêm, trời mưa trơn trợt, không mang theo dù… nếu không nhờ cậu bé này đỡ khi chị xuýt té, cho chị mượn cây dù thì chị đã bị đo ván, gãy vài cái xương sườn rồi. Chị nghĩ đây chính là nhân duyên nên đã nhận cậu bé này là con nuôi. Nó giúp chị đủ thứ việc trong ngoài như giao hàng cho khách, nhận điện thoại, mở hàng…Bên cạnh đó chị rất vui khi có cháu ở bên cạnh, hai mẹ con có cơm ăn cơm, có cháo ăn cháo!
- Vậy cuộc sống chị cũng tạm ổn rồi.
Nhật Bản giống như ở Việt Nam, căn nhà của chị có hai tầng, chị mở cửa tiệm bán hàng bên dưới, bên trên ở, nên rất tiện cho việc nghỉ ngơi, ăn uống, không cần phải đi xa.
Qua hôm sau, chị để cửa hàng cho nhân viên trông, dành một ngày dắt tôi đi thăm thắng cảnh, chùa chiền ở Nhật, nếm những món sushi hải sản đặc biệt thật ngon. Đi đến đâu, tôi cũng thấy người dân thật lịch sự, cung kính chào hỏi luôn miệng, khi thối tiền thì đưa trả lại bằng hai tay trên một chiếc đĩa nhỏ chứ không trực tiếp đưa tiền vào lòng bàn tay mình như ở những xứ khác. Khi đi ngang qua những người công nhân làm cầu cống, họ cũng gập đầu chào khách du lịch, tỏ vẻ kính trọng, tôi vừa ngạc nhiên lẫn cảm động thấy thái độ họ quá cung kính.
Người dân Việt trên đất nước Nhật học những điều tốt tương tự như người Nhật, họ lễ độ hơn, biết nói những lời “xin lỗi, cám ơn” thay vì chỉ biết kiếm lợi nhuận. Khi tôi vào mua cái cắm điện cho phù hợp với dòng điện bên Nhật, người chủ bán hàng là một người Việt Nam, anh ta cho tôi biết là cái họ bán không dùng được cho iphone của tôi, và chỉ cho tôi cửa tiệm trên khu phố khác có bán cái tôi cần, họ còn lên mạng tìm kiếm dùm địa chỉ và chỉ đường cho tôi tới đó.
Sau 50 năm, đi khắp nơi trên thế giới, tôi nhận xét: dân Việt sống nơi nào, hợp với hoàn cảnh nơi đó, học được những điều hay, tốt; tôi cảm thấy hình như người Việt phát triển theo hướng tích cực khi xa xứ hơn là ở chính trên quê hương mình! Ông cha ta có câu ca dao tục ngữ “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” quả là đúng quá!
*
Chúng tôi vào thăm một ngôi chùa ở ngoại ô Tokyo, nơi đây trồng tất cả những cây xanh mà xứ sở Nhật có, một khu vườn to rộng lớn; đàng sau ngôi chùa có một rừng tre cao vút xanh rì thật đẹp, người làm phận sự tưới cây, săn sóc cho ngôi chùa thật khang trang sạch sẽ là một gia đình Nhật Bản, người phụ nữ có nụ cười trong sáng, khiêm tốn. Cô ta nói với tôi:
- Những người lãnh đạo ở địa phương này đã giành ra một số tiền để gia đình chúng tôi ở lại phía sau chùa, chăm sóc hương khói, quét tước, mặc dù số tiền ấy không đủ trang trải sinh hoạt của gia đình, nhưng tôi cũng không đòi hỏi hơn vì lẽ ra mình phải có phận sự đóng góp công sức với quốc gia mình đang sống, chứ lẽ nào đòi thêm lương nữa!
Nghe cô tâm sự mà tôi thấy thật thán phục cho người bản xứ, họ là những người thật lương thiện! Tôi vội vàng lấy tiền ra, nhét vào tay cô ta nói:
- Chúng tôi muốn đóng góp chút lòng thành để cô có thể chi tiêu dễ dàng hơn trong việc sửa sang hay tu bổ một góc vườn nào đó… Xin cô hãy nhận cho, món tiền này không nhiều nhưng là tấm lòng của chúng tôi…
- Oh không đâu, không thể nào, tôi không nhận đâu, tôi đã có tiền trợ cấp hàng tháng của địa phương rồi, chồng tôi cũng mới xin được việc làm cho nhà sách gần đây, chúng tôi sẽ có thêm thu nhập, tôi cám ơn ông bà nhiều lắm, tôi không thể nhận như thế được đâu!
Cô ta nhất định từ chối món tiền của chúng tôi muốn đóng góp để giúp đỡ cho hoàn cảnh của cô.
Ngôi chùa rộng nguy nga, vợ chồng tôi và chị Xuân Thu đi vòng quanh ngắm những hòn non bộ với những chú cá Koi vàng mập óng ả bơi lội thật tự do; đầu con rạch nước xối xả đổ xuống từ nguồn nước trên núi, bên cạnh trồng những đóa sen mọc thẳng đứng vươn cao, thật thanh khiết. Tất cả những cảnh nghệ thuật này chắc chắn đều do bàn tay của hai vợ chồng người Nhật đã sáng tạo nên cho khách du lịch thập phương đến viếng.
Bỗng tiếng xe mô tô vọng lại từ cuối vườn, một người đàn ông bước xuống dắt theo một cháu bé gái chạc 12 tuổi; chúng tôi cùng lúc quay đầu lại, cô gái Nhật cười vui khi thấy anh ta và cháu bé xuất hiện, tôi nghĩ chắc là chồng con của cô ta.
Trong lúc ấy, chị Xuân Thu với đôi mắt mở thật lớn, khuôn miệng tròn há hốc ngạc nhiên đến không thốt ra lời nào. Người đàn ông cũng quay lại nhìn chị Xuân Thu, mọi thứ như đột ngột dừng lại, không một tiếng động, cả sáu người chúng tôi đứng chết trân tại chỗ, thời gian như đóng băng.
Bỗng hai dòng lệ nóng hổi chảy từ hai khóe mắt chị Xuân Thu nhỏ giọt xuống bàn tay mà chị đã không cầm được, chị đứng yên nhìn người đàn ông với tất cả trái tim và tâm hồn mà không dám mở lời, cho đến khi cô gái Nhật cất tiếng hỏi:
- Bà…bà có sao không?
Rồi quay sang chồng mình, cô ta nhẹ nhàng hỏi:
- Anh … có chuyện gì vậy?
Người đàn ông lúc ấy như choàng tỉnh từ cõi mộng, mời mọi người vào trong nhà ở cuối vườn, lấy trà xanh nóng cho chúng tôi thưởng thức, từ từ ngồi xuống, ông nhìn thật xa xăm, kể cho chúng tôi nghe cuộc hành trình đầy gian nan của chiếc thuyền khi rời khỏi quê hương thân yêu vào mùa thu 1982 để đi tìm người yêu của ông là chị Xuân Thu:
- Phải, tôi là người gốc Việt!... Tìm mãi mới được một người tài công là bạn thân của tôi, chúng tôi lúc ấy còn trẻ, chỉ là những chàng thanh niên đầy hoài bão, tình yêu, muốn làm gì là làm mà không nghĩ sâu; chiếc thuyền mong manh khi ra khỏi hải phận quốc tế chưa được bao xa đã bị sóng quật tan nát, những mảnh ván yếu ớt bị tung vỡ hết, trên thuyền cả thảy 30 người, sóng đã đem họ xuống lòng đại dương một cách nhẹ nhàng như con cá lớn nuốt một con ốc nhỏ.
Còn một mình tôi chiến đấu với sóng với cái bụng rỗng, sóng lên cao tôi trườn lên, xuống thấp tôi lại trùi theo, may mắn là tôi vẫn ôm khư khư mảnh ván thuyền mà không dám rời ra. Cứ thế tôi và mảnh gỗ cứ trôi nổi giữa lòng đại dương, lúc ban ngày trời thật nóng, đêm thì thật lạnh, tôi tưởng mình đã chết, tôi ngủ trên mảnh gỗ không biết ngày giờ nữa, mà lạ là không bị rơi ra khỏi mảnh gỗ đó, tôi nghĩ mình sẽ chết trong nay mai vì không còn sức nữa…
Cho đến một ngày, may mắn đã đến với tôi, chiếc tàu giàn khoan của Nhật Bản ra làm việc trên con đường tôi đang bị đắm, họ đã thấy tôi lúc ấy như một cái xác vật vờ, đã vớt tôi lên bờ, mà cả người tôi vẫn cứ co quắp ôm chặt mảnh gỗ đến không tháo ra được, phải gọi mấy người vào xoa bóp các cơ gân cho giãn ra, mới lấy được mảnh gỗ ra khỏi người tôi.
Tôi như người đã chết, phần sống chỉ còn 10-15%, nhờ những người bác sĩ tận tình cứu giúp, túc trực ngày đêm bên tôi, đút cho tôi từng thìa cháo, chích thuốc cho tôi hồi tỉnh. Sau hai tuần tôi đã khá hơn, nhưng trí nhớ tôi đã không có lại được ngay lúc đó. Người săn sóc tôi thật chu đáo với tất cả tâm tình chính là con gái của người làm việc trên giàn khoan đó… Chính là vợ tôi, người con gái Nhật này đây, cô ta dậy tôi tiếng Nhật, gọi tôi là Kaito, có nghĩa là biển, là người chiến đấu, nàng đã giúp tôi hồi phục trí nhớ từ từ.
Tôi mang ơn cha nàng đã cho tôi sự sống, mang ơn vợ tôi, và nước Nhật đã rất nhân đạo cứu giúp tôi và… rất nhiều thuyền nhân Việt đã đến sau đó.
Tôi nghĩ chị Xuân Thu và anh Kaito sẽ ôm lấy nhau khóc cho cuộc tương phùng đầy bất ngờ sau 40 năm. Nhưng không!… Anh vẫn ngồi yên kể như kể một chuyện tình của kẻ thứ ba, lâu lâu anh quay lại nhìn cô gái Nhật Hina đầy biết ơn và san sẻ câu chuyện của anh với nàng.
Sau đó anh quay lại nhìn chị Xuân Thu với cặp mắt tiếc nuối:
- Tất cả mọi sự đã qua, 40 năm đã thay đổi tất cả… Anh mong em thật hạnh phúc!
Không ngờ cả hai anh chị đều tỵ nạn trên nước Nhật, người sống đầu Nam, kẻ sống đầu Bắc nên không bao giờ gặp được nhau. Tôi được chứng kiến một cảnh gặp gỡ cảm động sau hơn 40 năm của chị Xuân Thu và người yêu, tôi cảm nhận được sự yêu thương, mừng vui của chị Xuân Thu hiện ra trong ánh mắt khi nhìn thấy anh Kaito hạnh phúc và trân trọng chị Hina, tuy rằng từ đây chị Xuân Thu sẽ mãi mãi không còn là người yêu của anh Kaito nữa nhưng chị sẽ vui và an tâm khi thấy người yêu của mình có cuộc sống hạnh phúc, bình an bên người vợ tốt.
Tình yêu của chị đối với anh thật quảng đại quá!
Chị Xuân Thu chẳng nói gì thêm nữa, chị không cần phải kể lể chia sẻ nỗi nhớ thương ray rứt của chị cho anh biết những ngày tháng qua chị sống ra sao. Chị chấp nhận sự thật với sự an tâm rằng chị đã không gây ra tội lỗi làm cho người yêu của mình bị chết oan trên biển cô đơn lặng lẽ vì chị. Tôi thấy chị vui ra mặt, chị không còn ấm ức áy náy về anh Kaito nữa.
Chị bắt tay bằng cả hai bàn tay mình, có lẽ là lần cuối, nói với hai vợ chồng:
- Cám ơn Hina rất nhiều đã cứu lấy anh Kaito. Cám ơn anh Kaito đã hành động rất đúng. Cầu chúc cho cả hai thật nhiều hạnh phúc, yêu thương mãi, gia đình thật nhiều bình an.
Vợ chồng tôi theo chân chị ra xe, trời đầy hơi sương lạnh của một chiều thu đầu tháng mười, từng chiếc lá vàng rơi nhẹ xào xạc trên lối đi. Chuyến đi Nhật của tôi thật ý nghĩa và có duyên lành, gặp lại chị Xuân Thu sau 40 năm, chứng kiến cảnh hội ngộ đầy bất ngờ của anh chị ấy mà tưởng chừng sẽ không bao giờ tồn tại ở trần gian này nữa.
Tôi nắm lấy bàn tay chị, nụ cười tỏa nắng ấm của chị như xóa đi tất cả mọi ưu phiền bấy lâu.
Cho dù xa nhau, nhưng không mất nhau
Cho dù gần nhau, nhưng không có được nhau
Em về với em, tôi về với tôi
Một dòng sông đi qua, có nhớ cuộc tình xa.
(Mỗi độ trăng về- Trúc Hồ)
Sỏi Ngọc
22 tháng 10, 2024
- Kể lại một câu chuyện thật trong chuyến đi đến Nhật Bản vào cuối tháng 9 vừa qua.
Trích hồi ký Chuyện Tù Cộng Sản Của Một Người Lính VNCH (TG Nguyễn Thúy Hạnh):
"...Tháng 12/1976, bác Hiền cùng hàng ngàn người tù bị đưa ra Bắc bằng tàu thuỷ, đi từ Tân Cảng.
Họ bị nhét vào một con tàu chở hàng. Con tàu đó có 3 khoang, trước đó một khoang chở than, một khoang chở xi măng, và một khoang chở vôi. Thì nay mỗi khoang nhốt 500 người như chở súc vật, ngồi chồng lên nhau, nằm chồng lên nhau. Ai ở khoang vôi thì đầu tóc người ngợm trắng phớ, khoang than thì đen xì, khoang xi măng thì người bạc phếch. Cứ hai người còng vào nhau bằng một chiếc còng tay, người này đi vệ sinh thì người kia cũng phải đi theo. Có một câu chuyện đau lòng, khi bước qua cầu để lên tàu, một người trong số họ đã trượt chân ngã xuống biển, thế là người kia cũng rơi theo. Cai tù dửng dưng đứng nhìn họ vùng vẫy rồi chết chìm, khong đếm xỉa đến việc cứu người.
Cả khoang 500 người chỉ có 2 cái xô để đi tiểu, và để nguyên đó cả ngày mới cẩu cái xô đi đổ một lần. Có lần không may cái xô bị rớt, nước tiểu đã cũ đổ tung toé vào đầu vào mặt mọi người.
Tàu đến Hải Phòng là 3 ngày 4 đêm, những ngày đêm ko tắm rửa, thức ăn thì đầy cát..."
Chỉ vì thiếu hiểu biết về CS mà quân dân cả miền Nam mang hoạ.
Khi ra đến hải phận quốc tế, máy móc bị hư, ra tín hiệu cầu cứu SOS khẩn thiết mà chẳng được tàu nào ghé lại cấp cứu . Cuối cùng, có tàu nước Đan Mạch ghé lại cho tất cả những người Việt đang đói khát, tuyệt vọng này lên tàu, và trực chỉ Hong Kong. Khi đó, nữ hoàng Anh quốc Elizabeth sắp sửa tới Hong Kong- khi đó vẫn còn nằm trong tay nhà cầm quyền Anh quốc, thuyển trưởng Đan Mạch đánh điện xin Nữ Hoàng cho phép tất cả những người tỵ nạn Việt này lên bờ, liền được chấp thuận .
Tối khuya hôm đó, 4000 người Việt tỵ nạn được những người lính Anh và Nepal nấu súp thịt bò, khoai tây tiếp đón. Kỷ niệm này không bao giờ quên trong đời .
Và từ đó, tôi có 3 Tổ quốc Việt, Đan Mạch và Hoa kỳ .
Trong lịch sử Thế Vận Hội: Ở Á châu, chỉ có 3 nước đã từng được bầu chọn tổ chức Thế Vận Hội :
Đại Hàn 2 lần
Nhật Bản 4 lần
Trung cộng 2 lần
VNCH là US$223, đứng sau các nước Singapore US$395, Mã Lai US$299, nhưng cao hơn Hàn Quốc US$155, gấp đôi Thái lan US$101, gấp 2,4 lần Trung Quốc US$ 92, gấp 2,7 lần Ấn Độ US$84, và gấp 3 lần Bắc Việt Nam US $73.
Người dân VNCH thời 1960 lúc đó có mơ ước trong tương lai sẽ tiến lên ngang hàng Nhật Bản " anh dũng oai hùng chen chân Thế giới "
Vào năm 75, Lê Duẩn khoác lác tuyên bố: Chúng ta sẽ đuổi kịp Nhật trong 15, 20 năm và nhân dân ta sẽ đi trên thảm vàng.
Năm nay 2024, tức suýt soát nửa thế kỷ từ ngày CS thôn tính được cả toàn cõi VN, chúng ta thấy gì ?: Theo Worldmeters.info, lợi tức tính theo đầu người (GDP per capita) năm 2022:
VN vẫn nghèo rớt mồng tơi: US$ 4,101 /Thái: US$6,905 / Mã Lai: 11,711/ Nam Dương 4,731 /China:12,604
Nhật: 33,850/Đại Hàn: 32,159 / Mễ:$10,996/ Iraq: 5,995
Giọng văn chân thật nhẹ nhàng, cánh diễn tả cảnh vật sống động, giúp người đọc có thể hình dung ra như đang nhìn thấy mọi việc trước mặt.
Cảm ơn Sỏi Ngọc đã cho thưởng thức một câu chuyện đẹp.
Viết tiếp nhé!
P.Hoa
Nguời VN CS đến Nhật sau này trộm cuớp rất nhiều làm mang tiếng ngiuời Việt. Các tiệm buôn Nhật nay phải treo bảng chống trộm cắp chỉ có tiếng Việt, nhưng không có ngôn ngữ các nuớc khác.