Hôm nay,  

“Tự Sự Cà Kê” Tôi Đi Nhổ Răng Khôn

27/11/202402:11:00(Xem: 1465)
TG Phương Hoa (đứng giữa) lãnh giải Chung Kết VVNM từ nhà thơ Du Tử Lê và Chủ khảo Trương Ngọc Bảo Xuân
Tác giả Phương Hoa lãnh giải chung kết từ nhà thơ Du Tử Lê, bên cạnh là chủ khảo Trương Ngọc Bảo Xuân
 
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014, giải Trùng Quang 2018 và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Dưới đây là một bài viết vui kể chuyện tác giả đi nha sĩ nhổ răng khôn.
 
***
 
Tôi may mắn được trời thương, ban cho đôi hàm răng rất đều và khỏe.  Nên từ nhỏ tôi đã thích nhai những loại thức ăn nào mà cứng cứng, giòn giòn, như sườn non, tai heo, đầu cá, cua rang… Tôi hoàn toàn không thích ăn những thức ăn mềm nhão. Mẹ thường nói tôi có sở thích ăn uống giống hệt ba tôi ngày trước. Dù ba mất khi tôi mới vừa tròn năm tuổi nhưng mẹ nhắc về ba hầu như mọi lúc mọi ngày, làm cho tôi cứ nhớ về ba mỗi khi được ăn món ăn nào yêu thích. 
 
Về ăn vặt thì tôi khoái xiết mía, nhai ổi chua, xoài xanh, trái sung non, hay trái chùm ruột. Những buổi trưa hè, tôi thường rủ cô em Bích Vân con ông cậu ruột ra vườn nhà ngoại trèo lên cây ổi hoặc cây xoài mang theo gói muối ớt rồi hái xoài non ổi già cùng ngồi nhai mê mẩn.  Chúng tôi thích nhất là nhai mía.  Khi ruộng mía trước nhà cây bắt đầu có nhiều đốt, hai đứa thường mang theo hai tàu lá chuối to vẹt những đám lá mía đan nhau chằng chịt, mặc kệ bầy chim mía túa ra bay lên ào ào, chúng tôi chui vào giữa đám mía rậm rì tước lá khô bỏ xuống làm nệm rồi trải tàu chuối lên.  Bẻ những cây mía nào có đốt dài nhất, thân trắng hồng, chúng tôi ngồi xiết và nhai rau ráu. Lớn lên rồi tôi và em mỗi đứa mỗi nơi nhưng những kỷ niệm thời con nít vẫn còn ở mãi trong tôi.
 
Lên mười mấy tuổi tôi bắt đầu mọc hai cái răng khôn hàm trên.  Tôi bị nóng sốt và bỏ ăn vì rất đau khi hai cái mầm trăng trắng vẹt nướu đội da nhu nhú chui ra. Mẹ vỗ về, nói răng khôn mọc lên là để giúp con…khôn ra, nên tôi cũng vững lòng ráng mà chịu đựng.
 
“Khôn hơn” hay không thì tôi không cảm nhận được, chỉ biết lớn lên rồi lập gia đình thì cái sở thích “nhai gặm” của tôi bị chàng người dưng khác họ chế nhạo dài dài.  Ai khôn thì gặm xương, mình dại mình ăn thịt; ai thích nhai da sần sật, mình ăn nạc cho mềm; ai thích nhăm đầu cá đầy xương, ta dzớt cái mình thịt ngọt lịm ngon ơ; hoặc, ai muốn nhai phần lòng trắng trứng kệ ai, tớ nhâm nhi lòng đỏ béo bổ ngọt ngào trong miệng… là những câu chàng thường chọc ghẹo tôi trong các bữa ăn.  Tóm lại, món cứng không có chàng, món nhão không có tôi. Nhưng cũng nhờ thế mà đến bữa ăn tôi chỉ cần làm mỗi một món chính thì có đủ “món ruột” cho cả hai người, không ai phải nhường, nhịn ăn hay “giành” ăn với ai cả.
 
Ở Mỹ, mấy năm nay sau khi về nghỉ hưu, hai chúng tôi đều tập thiền, và thay đổi thức ăn hàng ngày bằng cách ăn toàn rau củ chứ không ăn thịt cá nữa. Vẫn bổn cũ soạn lại: Tôi thích nhai các loại hạt cho giòn giòn thơm thơm béo béo, thì chàng thích uống sữa các loại hạt, nốc một hơi là xong, hơi đâu ngồi nhơi nhai cả buổi; tôi thích nhai kẹo dừa trộn đậu phụng ngọt dẻo quánh thơm lừng, thì người ta chặt béng trái dừa một phát, úp ngược vào miệng uống ừng ực xong khà khà ra vẻ vô cùng khoái chí; hoặc là, tôi chỉ rửa trái cây rồi cắn nhai luôn cả vỏ, thì chàng bỏ vào máy xay nhuyễn và uống ngay phát một.
 
Nhưng không hiểu sao chàng lại là người thăm viếng nha sĩ nhiều hơn tôi...đi chợ.  Khi thì nhổ cái răng này, lúc lại thay, làm giả, cái răng khác, và bị “chuyện răng cỏ” làm phiền liên chi tù tì. Về phần tôi, vì có vài lần đi “clean” răng tôi bị những chuyên viên non tay nghề làm khuyết hết mấy góc của những chiếc răng bên trong, nên tôi tìm mua một bộ dụng cụ “clean” răng bằng “inox” về tự làm sạch răng mình hàng ngày, đánh răng hai lần kết hợp dùng chỉ nha khoa, nên tôi chưa hề bị sâu răng.  Chỉ thỉnh thoảng mỗi một hay hai năm tôi mới viếng nha sĩ một lần nhờ họ làm “cleaning only”. Tuy vậy, mỗi lần tôi tới thăm, các nha sĩ đều khen tôi “take good care” chúng.
 
Nhưng không phải như thế thì răng của tôi hoàn toàn “ngon lành” đâu.  Vì cái sở thích nhai nhiều, nhai không mệt mỏi những thức ăn cứng nên mấy cái răng cấm hàm dưới đã bị mòn đi, ngắn dần, ngắn dần theo năm tháng.  Sợ chúng bị mòn “sát sọ” sẽ không còn nhai được, tôi đi nha sĩ nhờ bọc bạch kim (Crown) hai cái răng cấm hai bên hàm dưới, để cho chắc... ăn.
 
Riêng hai cái răng khôn hàm trên của tôi chúng trở nên “quá khôn” nên nhân lúc răng cấm hàm dưới bị ngắn đi không có đủ độ dài để chống đỡ, hai tên đó tha hồ tiếp tục mọc dài thêm, rồi dài thêm xuống bên dưới, đến độ chúng vượt cách xa những cái răng hàng xóm hàm trên đến cả nửa phân tây (0.5cm)
 
Đến khi hai cái răng khôn mọc quá dài, thì nha sĩ gia đình khuyên tôi phải đi nhổ bỏ. Nếu để chúng mọc tiếp thì khi nhai sẽ bị đập vào cái răng cấm đã bọc ở hàm dưới và làm hư cái răng này.  Nghe kêu đi nhổ răng khôn là tôi… phát hoảng. 
 
Có nhiều người nói nhổ răng hàm trên, nhất là mấy cái răng cấm thì dễ bị chạm dây thần kinh và về sau sẽ bị “mát dây”, và cũng có vài đứa bà con tôi biết sau khi nhổ răng cấm thì tâm thần rất là bất ổn, nếu không nói là bị bệnh thần kinh. Nhà tôi và mấy đứa con thì nói răng không đau đâu cần nhổ làm gì cho... thêm chuyện; thằng con còn “hù” tôi, kể lại khi nó đi nhổ răng khôn, người ta dùng kềm móc cái răng rồi “đu” người lên mà kéo; ông bố thì “dọa”, coi chừng nhổ răng xong bà không còn nhớ tôi là ai; rồi vài chị bạn tôi kể nhổ răng khôn về sưng đau hành rất lâu, rất mệt v.v... làm tôi hãi quá. Tôi lên “net” tìm hiểu về “lợi và hại của việc nhổ răng khôn” thì có quá nhiều thông tin xuôi chiều và ngược chiều, nên tôi quyết định không nhổ. Cho nó lành.
 
Nhưng rồi “nước chảy đá mòn”.  Tuy lâu lâu tôi mới đi nha sĩ một lần - tôi thử đi vài nha sĩ khác nhau xem họ nói sao - nhưng lần nào tôi cũng bị các ngài hối thúc đi nhổ hai cái “của nợ” ấy thì mới an toàn cho hai cái răng cấm đã bọc bạch kim nơi hàm dưới. Tôi bắt đầu nao núng, nghĩ đến chuyện kiếm một nha sĩ.  Vì sợ sẽ không còn được nhai những món yêu thích như trước, nên cuối cùng tôi làm hẹn một nha sĩ chuyên môn về nhổ răng.  Sau khi vị này chụp X-ray xem hình xong thì ông chỉ cho tôi coi và nói:
 
“Xem này, răng bà còn quá tốt, cả hai hàm chân răng thật dài, chắc chắn, nên sẽ rất khó nhổ.  Bây giờ tôi gửi bà đến một vị chuyên môn về Giải Phẩu Răng Hàm Mặt để ông ấy giúp bà”. Rồi ông giới thiệu tôi tới người có chuyên môn (Dental specialist) là BS Nha Khoa “Khoa Phẫu Thuật Răng Hàm Mặt” là Dr. Will Osibin ở Alameda. Tôi về nhà lên Google tìm và thấy vị này được rất nhiều người đăng lời khen và toàn bộ khách hàng đều chấm 5 sao. Tôi liền gọi làm hẹn.
 
Ngày đến gặp Dr. Will Osibin, tôi cho ông biết răng của tôi nào giờ không hề hấn gì cả, không bị đau, không bị sâu, cầm lắc mạnh cỡ nào cũng chẳng chút lung lay, hà cớ chi mấy ông nha sĩ gia đình cứ hối thúc tôi phải bỏ chúng đi. Thú thật, tôi thật lòng không muốn nhổ chút nào, tôi nói.
 
Thấy vẻ mặt rất nghiêm trọng và lo lắng của tôi, Dr. Will Osibin giải thích, “Bà yên tâm, đây là một cuộc Tiểu phẩu có gây mê. Bà sẽ được cho ngủ một chút xíu khi thức dậy là mọi thứ sẽ ổn thôi.” Ông khám kỹ càng xong hẹn ngày làm phẫu thuật, rồi bắt tay cười tươi khi tiễn tôi ra về.
 
Vì quá “chết nhác” gần đến ngày hẹn thì tôi gọi hủy. Nhưng hủy rồi tôi cũng đâu có được an tâm. Một tháng trời suy nghĩ nát óc, kiếm đủ lý do để không làm hẹn lại mà không thuyết phục được chính mình.  Một chị bạn nghe chuyện thì mắng, “Sao một người mạnh mẽ dạn dĩ như bồ bữa nay lại là con...”chicken” vậy hả?
 
Rồi thì tôi cũng gọi làm hẹn lần nữa.  Và càng gần đến ngày hẹn tôi lại càng hồi hộp, lo âu đến không ngủ được, những giờ thiền buông xả cũng chẳng giúp được tôi. “To be or not to be” Câu độc thoại của Hoàng tử Đan Mạch Hamlet trong Shakespeare cứ vang lên trong đầu tôi. Nhổ hay không nhổ. Nhổ thì sợ, mà không nhổ thì… cũng sợ, sợ nếu sau này tuổi già thêm chồng chất, sức khỏe kém đi thì việc nhổ răng lại càng nguy hơn. Chưa kể là ông BS chuyên gia giỏi có tiếng này sẽ giận vì tôi hủy hẹn đến hai lần nên không thèm nhận nữa. Thôi thì “một liều ba bảy cũng liều” tôi cương quyết bỏ cái ý muốn hủy hẹn - phải hủy trước 24 giờ nếu không sẽ bị phạt khá tiền - và thế là không thể “chạy đâu cho thoát” nên sáng hôm sau tôi đánh liều đi thẳng một mạch tới chỗ Trung tâm Nha Khoa của Dr. Will Osibin.
 
Phải công nhận đây đúng là cuộc tiểu phẫẩu của một chuyên gia có chuyên môn cao. Phòng phẫu thuật riêng biệt, với dụng cụ tiệt trùng bày la liệt trên tủ, bảo quản trong bao bì cẩn thận. Đội ngũ phụ tá BS ai nấy ăn vận đề huề trang phục bảo hộ, với găng tay mũ mão dành cho phẫu thuật. Tôi hơi an tâm, nằm thả lỏng lấy hơi hít thở thiền để giúp tăng thêm sức mạnh. 
 
Nhưng khi người y tá đưa tôi cái kính bảo vệ mắt và cột tay trái tôi vào thành ghế, tôi bắt đầu... run.  Thấy Will Osibin sắp quay đi lấy gì đó tôi dùng bàn tay còn lại kéo tay áo ông, giật giật:
 
- Bác sĩ ơi! Cho tôi hỏi một câu!
 
Ông dừng lại:
 
- Mấy câu cũng được hết! Bà hỏi đi.
 
“Nhưng bác sĩ đừng có giận nha!” Tôi kỳ kèo.
 
Dr. Will Osibin lắc đầu cười, nụ cười nói lên cái vẻ tội nghiệp tôi:
 
- Không sao đâu! Tôi hứa. Bà có quyền được hỏi bất cứ câu nào bà muốn.
 
Giọng run run, tôi nói chậm từng lời:
 
- Tôi nghe người ta nói, nhổ răng khôn đôi khi có thể bị chạm vào dây thần kinh não bộ khiến cho người ta hóa rồ, hay là quên hết mọi thứ. Tôi là người thích viết văn và làm thơ, cho nên tôi rất sợ bị quên hết sách vở của tôi và không còn viết lách gì được nữa thì tôi … tiêu tùng, thà không nhổ răng còn hơn! Bác sĩ làm ơn giúp tôi nhổ răng cho nhẹ nhàng, kỹ càng một chút nha!
 
Nghe tới đây ông ấy bật cười và nhìn chăm chăm vào mặt tôi.  Xém chút nữa là tôi lấy tay che cái “khuôn mặt mốc” không chút điểm trang của mình.  Tôi thường ngày mỗi khi đi đâu hay bị chàng của tôi mắng, “Già mà còn xí xọn”, vì tôi bắt anh ta chờ đợi cho đến khi làm xong các “thủ tục mặt mũi” rồi tôi mới chịu ra khỏi cửa.  Đây là lần đầu tôi ra ngoài mà không có chút gì bôi lên để che chắn “những con đường, những ngõ ngách thời gian” đã vẽ ngoằn ngoèo trên khuôn mặt. Tôi chỉ thoa một chút kem dưỡng da Collagen, vì trong giấy tờ y tá dặn không được điểm trang và đeo nữ trang gì cả. Chắc mình nom xấu xí ghê lắm, tôi nghĩ thầm. Dù ông Will Osibin này chỉ bằng cỡ tuổi con trai tôi, tôi cũng không muốn ông cười “bà già trầu xấu xí” mà bày đặt nói chuyện văn chương.
 
Nhưng không. Ông ấy không hề chế nhạo.
 
- Bà viết và làm thơ về chủ để gì vậy? Viết tiếng Anh?
 
Ông hỏi với giọng nhẹ nhàng và ánh mắt đầy thân thiện, quý mến.
 
- Chuyện tình, và chuyện … thiên hạ sự thường ngày trong xã hội - Tôi trả lời - Hầu hết là tôi viết tiếng Việt, nhưng cũng có viết chút chút tiếng Anh, như thơ và truyện ngắn.
 
Dr. Will Osibin gật đầu cười rồi vỗ vai tôi, tròn mắt trầm trồ nói một hơi:
 
- Wow! Viết chuyện tình ư?  Good job! Yên chí nha! Rồi bà vẫn sáng tác bình thường, có lẽ viết hay hơn nữa là khác, vì không còn bị mấy cái răng khôn làm phiền, chứ không phải là “hết khôn” đâu! Ha ha ha. Bà chỉ quên hết… chuyện hôm nay, vì bà sẽ không bị đau, và cũng sẽ không bị “mát dây” gì cả! - Ông giải thích - Những lời đồn đoán đó là nói về những ca đại phẫu hay mỗ não nguy hiểm mà thôi!”
 
Vừa nói Will vừa lấy sợi dây thun trên cái bàn nhỏ người y tá đẩy tới cột vào cánh tay phải tôi, rồi ông đích thân cúi xuống cầm kim cho thuốc mê vào mạch máu.  Xong xuôi ông đứng lên, nheo một bên mắt và vẫy vẫy mấy ngón tay trước mặt tôi cùng với nụ cười…
 
- Hey! Wake up, lady! Này! Thức dậy đi bà ơi!
 
Tôi nghe tiếng cô y tá gọi nên mở mắt ra.
 
- Thức dậy và về nhà viết chuyện tình đi!
 
 Tiếng Dr. Will Osibin tiếp theo, và mấy người y tá rộ lên cười phụ họa. Tôi nhìn quanh, ngạc nhiên lắp bắp:
 
- Sao… sao… tôi phải về? Bác sĩ không chịu nhổ răng cho tôi… hay sao? Tôi nhớ BS Will mới nói chuyện với tôi rõ ràng... sao... giờ lại cho về chứ?
 
Tiếng cười vui càng rộn lên hơn nữa.
 
- Xong hết rồi! Bà có cảm thấy đau không? - Cô y tá hỏi.
 
- Trời đất! - Tôi kêu lên. - Xong rồi sao? Tôi không hay biết gì cả! Ôi bác sĩ ơi! Ông quá giỏi, quá tuyệt vời! Tôi không hề có cảm giác đau đớn gì hết! Thậm chí không biết là mình đang bị nhổ răng!
 
Và tôi nói lia lịa vì mừng:
 
- Cảm ơn! Cảm ơn bác sĩ, và mọi người đã giúp tôi!
 
Mà đúng thế. Tôi không hề có một chút cảm giác đau đớn nào từ lúc nhổ răng cho đến khi về nhà, cũng không hề bị chảy chút máu, cứ như chưa từng bị nhổ răng. Hai giờ sau y tá chỗ Trung Tâm gọi và hỏi thăm mọi thứ có ổn hay không. Họ quả thật rất chu đáo. Tôi chỉ làm theo lời cô y tá dặn, là nghỉ ngơi không vận động mạnh, nhưng tôi đã không cần đụng đến viên thuốc giảm đau nào Dr. Will Osibin cho. 
 
Ngay hôm sau, khi nhận được bản thăm dò từ tin nhắn của văn phòng Trung Tâm hỏi về kết quả lần thăm viếng với Dr. Will Osibin, tôi viết liền một mạch những lời khen “có cánh” để cảm ơn Will Osibin-người Bác sĩ đại tài lại rất có tâm.
 
Bây giờ ngồi viết chuyện này tôi nhớ lại lời Dr. Will Osibin khi tôi chào từ giã, “Tôi phải khen bà đã giữ gìn quá tốt hai hàm răng. Đến giờ này chúng vẫn còn nguyên vẹn và rất tốt, tôi không tìm thấy có vấn đề gì, nên bà sẽ còn hưởng lợi từ chúng dài dài. Hãy tiếp tục như thế!” 
 
Tóm lại, từ kinh nghiệm bản thân, tôi rút ra những điều này, xin chia sẻ cùng các bạn:
 
. Nếu muốn ít bị đi thăm Nha sĩ, thì nên giữ gìn răng mình cho thật tốt.
. Nếu chúng ta tập cho con cháu thói quen đánh răng ngày 2 lần ngay từ nhỏ và dùng chỉ nha khoa để làm sạch kẽ răng, nhất là khi chúng thay răng xong đủ cứng cáp, thì khi lớn lên, và có thể cả đời, răng của chúng sẽ không bao giờ bị …sâu gặm.
. Nếu cần nhờ đến Nha sĩ, nên tìm hiểu kỹ càng, tìm người giỏi có tay nghề cao, được công chúng đánh giá tốt, thì mọi việc sẽ an toàn. Tác giả từng bị người clean răng không chuyên nghiệp làm khuyết sâu một góc của hai chiếc răng cấm. Đó là lý do mà phải tìm cách tự clean cho mình, và về sau tâm trạng quá lo lắng khi đi gặp nha sĩ.
. Nếu thấy cần thiết, hãy mạnh dạn quyết định đi gặp Nha sĩ nhờ giải quyết vấn đề, đừng để những lo âu hành hạ tâm trí mình như tác giả, đã phải mất hết mấy năm trời mới quyết định việc đi nhổ răng khôn.
 
Xin trân trọng giới thiệu Dr. Will Osibin với cộng đồng Việt Nam mình.
 
Dr. Will Osibin III
Address: 2242 Santa Clara Ave, Alameda, CA 94501
Phone: (510) 523-1862
 
 
Phương Hoa – NOV 18/2024
 
 

Ý kiến bạn đọc
05/12/202419:53:27
Khách
Cảm ơn Tác giả một bài viết hay.
03/12/202415:58:32
Khách
Cảm ơn bạn Nguyên Bao đã đọc bài viết và lưu lại comment.
Kính chúc vui trong mùa lễ.
P. Hoa
01/12/202404:15:13
Khách
Một bài viết hay và dí dỏm. Cám ơn tác giả đã giới thiệu cho biết về nha sĩ Dr. Will Osibin II .
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 413,918
Tôi là một đứa con gái được sinh ra đời dưới một vì sao… xẹt. Thật tình mà nói, bây giờ nhìn lại, tôi không biết mình là ngôi sao tốt hay xấu nên tôi gọi nó là “sao xẹt” cho rồi. Tôi “xẹt” vào bụng mẹ lúc nào thì không biết, chỉ biết hơn chín tháng sau tôi xẹt ra ngoài giữa cơn hỗn loạn binh đao của đất nước. Quê hương tôi đó! Hình cong như chữ S với hơn 4000 năm Văn Hiến đang giẫy giụa hấp hối để bước sang một trang sử mới. Một trang sử đã chia cách mẹ cha tôi mỗi người một phương. Một trang sử đã biến đổi và cuốn hút mẹ cha vào cơn lốc xoáy cuộc đời nói riêng, mà giờ phút đó không ai có thể làm chủ cuộc đời mình được. Một trang sử hãi hùng nói chung đã làm quê hương tôi sụp đổ, đồng bào tôi nước mất nhà tan, kẻ sống còn phải lưu linh lưu địa khắp năm châu. Người kẹt lại chịu tù đày khổ ải bởi sự “khoan hồng độ lượng” của cách mạng như lời “nhà nước” ta hằng tuyên bố thời bấy giờ...
Tiếng bánh xe máy bay chạm đất làm tôi bừng tỉnh. Thế là chuyến bay dài như trắc ẩn trong lòng mấy mươi năm xa đã về đến quê nhà, trắc ẩn trong lòng về chuyện My chưa hề nguôi sau nhiều năm không gặp, nhiều năm muốn quên nhưng lòng lại nhớ My hơn… Đã đến lúc phải đối mặt với thực tế. Kẻ trốn chạy tay không nên ngày về cũng không hành lý, chỉ phải chờ mọi người lần lượt xuống máy bay là văn minh học được ở xứ người. Vừa bước ra khỏi máy bay đã nghe mùi áp bức, khó thở, sôi máu vì thiếu tự do… Nhưng mặc kệ mùi quê cũ mang theo đã mấy chục năm ra đi vẫn nguyên vẹn trở về...
" ... Con đang đi làm lắp ráp đồ điện tử ban ngày, còn ban đêm đi học thêm Anh Văn để mai mốt có cơ hội đi học lại. Mấy đứa Mỹ làm chung mỗi lần kêu tên con, tụi nó cứ kêu lơ lớ, đứa thì Muối, đứa thì Muỗi, nghe vừa tức cười mà cũng dễ giận nữa. Không hiểu tại sao con thèm được nghe ai gọi tên mình cho thiệt là đúng. Hồi xưa còn ở bên nhà con cứ mặc cảm với cái tên mộc mạc của mình, bây giờ nghĩ lại thấy trẻ con quá phải không má? Tại hồi đó sống gần gia đình, có sự thương yêu đùm bọc của ba má, rồi sinh tật đòi hỏi cái này cái khác. Chứ như bây giờ, nếu phải mang cái tên nào quê mùa cục mịch hơn cái tên Mùi của con, mà được ở gần ba má với mấy em, con cũng chịu liền một khi ..."
Tháng Sáu mùa tươi vui của khung cảnh hạ, không còn những cơn mưa và khí hậu lạnh rét run nữa. Trời trong sáng, nắng rực rỡ sắc hồng, cây cối xanh tươi, các loài hoa thi nhau khoe đủ sắc màu, nhất là những đóa quỳnh hồng, vàng nở tuyệt đẹp. Từ đầu tháng đến giờ tôi đi dự nhiều buổi lễ và sinh hoạt trong cộng đồng. Trước tiên là “Mừng Ngày Truyền Thống Cảnh Sát Quốc Gia 1 tháng 6”, kế tiếp “Đại Hội Thiết Giáp QLVNCH”, “Lễ Father’s Day” do hội Phụ nữ Bắc Cali tổ chức phối hợp cùng các anh lính Thủ Đức trong nhóm “Cà Phê Lính”.
Anh bạn tinh ý đoán biết suy nghĩ của tôi, cười và bảo: “Trường học bên Mỹ này, ngoài thầy giáo, còn có nhiều công việc phục vụ cho học sinh chứ không như ở Việt Nam mình, chỉ có một ông phu trường lo quét dọn, trông coi tổng quát và chuyên rình bắt học trò leo rào trốn học.” “Vậy những công việc cụ thể như thế nào?” “Như đứng cầm bảng chỉ dẫn cho học sinh qua đường giống như cảnh sát giao thông, phục vụ bữa ăn trưa cho học sinh, làm tạp dịch như lau sàn nhà, dọn dẹp nhà vệ sinh, coi an ninh tổng quát, làm tài xế xe bus hay phụ tài xế giúp các học sinh khuyết tật lên xuống xe bus, làm công việc bảo trì như thay bóng đèn, sửa lại cái bàn, cái ghế không cần tay nghề cao - ai làm cũng được.” Sau khi nêu lên một số công việc, ông bạn gợi ý: “Công việc thì nhiều, nhưng xem ra chỉ có việc phụ tài xế xe bus, tiếng Anh gọi Bus Attendant là thích hợp với tuổi già - vừa dạo mát xem hoa, vừa kiếm tí tiền, lại có thêm cái bảo hiểm sức khỏe của nhà nước tốt số một...
rên bàn thờ cúng 12 bà mụ đầy tháng thằng cu Tí, mẹ tôi bầy nào xôi gấc, chè hương, bánh ga-tô, mâm trái cây ngũ quả, hoa lan tươi thắm, những ly nước nhỏ, nhang đèn nghi ngút khói, hai đĩa thịt vịt đầy ắp để trên một bàn khác để cho khách dùng bữa, còn trên bàn thờ chỉ bầy đồ chay cúng cho các bà mụ, tránh sát sinh cho cuộc sống bắt đầu của cháu được nhẹ nhàng. Chỉ một chớp mắt cu Tý đã được một tháng tuổi, cứng cáp hơn một chút, tiếng khóc to, rõ hơn và có vẻ biết mè nheo hơn. Cho con bú xong, vỗ nhẹ lưng cho tiêu, đặt con nằm vào giường của nó; nhìn nó ngon giấc, làm tôi nhớ lại những tháng ngày chật vật, chỉ mới cách đây một năm thôi, tôi rùng mình hồi tưởng, tưởng chừng đã không có sự hiện hữu của sinh linh bé nhỏ yêu quý của ngày hôm nay...
Chỉ một mình tôi sinh sống ở Canada, trong khi tất cả gia đình, họ hàng đều ở bên Mỹ, nên gia đình nhỏ của tôi hầu như hàng năm phải bay qua xứ Cờ Hoa để thăm “nhà” và du lịch các nơi của 50 tiểu bang Mỹ Quốc. Tuy nhiên, trong khi nhiều tiểu bang chúng tôi ghé nhiều lần, riêng Hawaii sau vài dự định rồi bị hủy bỏ vì nhiều lý do, mãi mùa hè năm ngoái, chúng tôi mới có dịp đầu tiên đặt chân đến hòn đảo xinh đẹp này. Trước khi đi, con gái và thằng rể đã mày mò tìm hiểu trên Googles và có ý định thám hiểm cảnh thiên nhiên hoang sơ của Maui, nhưng vợ chồng tôi và mấy người em bên chồng đồng góp ý
Lệ Lê có giọng hát cổ nhạc đâm thấu tim thính giả. Có lẽ lai Mỹ nên Lệ Lê được trời phú giọng hát dây đào cao, làn hơi mạnh, trong, và ngân tự nhiên; lại thêm làn da trắng bóc trộn giống Á-Âu nên Lệ Lê một thời rất ăn khách trong làng cổ nhạc Việt hải ngoại. Trời thương Lệ Lê có trí nhớ tốt vô cùng thuộc đến cả gần trăm bài cổ nhạc đủ điệu, dài dai gấp hai, ba lần tân nhạc nên khách yêu cầu bản nào là xổ ra ngay bản đó. Cứ cả ngày rảnh rỗi mò mò vài nút máy thu âm cầm tay là Lệ Lê thuộc lòng lắm bài như kiểu nhồi sọ loa phường đã quen. Độc đáo hơn nữa, Lệ Lê mù nên rất dễ lấy nước mắt khách ái mộ. Sau cơn tiểu phẫu, Lệ Lê phát ù. Nhưng vẫn đẹp nét lai. Cứ lai là đẹp.
Thời gian gần đây trong cộng đồng người Việt ở Mỹ cũng như ở Việt Nam bỗng nhiên phát sinh một câu hỏi là sống ở Mỹ sướng hay ở Việt Nam sướng? Vấn đề đặt ra giữa lúc có một số Việt kiều Mỹ phần lớn là đã lớn tuổi, đã về hưu nay quay về Việt Nam sống. Họ nói sống ở Việt Nam sướng và hết lời ca tụng Việt Nam, thì cũng được đi nếu họ không chê bai Mỹ, đả kích Mỹ và Việt kiều bằng những lời lẽ bịa đặt vu vơ...
Chuyện bão tố hay cúp điện, mất điện đối với người Việt, hay nói chính xác hơn là “người Mỹ gốc Việt” khi còn ở quê nhà thì chỉ là điều... bình thường, quen thuộc, “nói hoài, nói mãi”, xưa rồi Diễm, ít quan tâm. Hay có quan tâm, thì chỉ là những cơn giông bão lớn, với số người phải chịu cảnh thiên tai này là quá lớn, cần sự quan tâm và cứu trợ của cả nước, hay thậm chí là những nước khác giúp đỡ! Riêng việc bị mất điện, cúp điện thì chẳng chết “thằng Tây” nào, và cũng có nhiều nơi, nhiều địa phương là chuyện như “cơm bữa”, là chuyện “thường ngày ở huyện”. Bởi cũng đã từng có nhiều người, nhiều gia đình, cả đời chưa hề... biết “xài điện” là gì, cho nên, có người vui miệng, từng xổ “tiếng Tây, tiếng u” là... “No table” hay “No star where”, dịch diễn nôm na là “miễn bàn”, “không sao đâu” đó thôi!
Nhạc sĩ Cung Tiến