Hôm nay,  

Những Tấm Lòng Vàng

25/11/202400:00:00(Xem: 1170)

bo-sach-vvnm
Tác giả Phan Nữ Lan (Tháinữlan/TháiLan) sinh trưởng tại Đà Lạt, Việt Nam. Cô làm công việc giảng dạy Pháp ngữ và Anh ngữ và biên, phiên dịch ở Việt Nam cũng như khi đã định cư tại tiểu bang Texas, Hoa Kỳ. Cô còn là cộng tác viên của báo Trẻ magazine, Bút Việt, Nam Úc Tuần Báo, Á Châu Thời Báo, báo Người Việt và Việt Báo. Đây là bài viết đầu tiên tham dự chương trình Viết Về Nước Mỹ mang nội dung bày tỏ lòng tri ân với những “tấm lòng vàng” trong đời sống của cô và gia đình nhân mùa lễ Tạ Ơn.
 
***

Trong cuộc đời của mỗi người, bất kỳ ở nơi nào trên thế giới, từ khi có trí khôn, là ta đã mang nợ và phải biết ơn nhiều người- từ Tổ Tiên Ông Bà, người làm ra hạt gạo nuôi ta, Đấng Sinh Thành, đến những Thầy Cô dẫn dắt ta, các cô chú Thương Phế Binh đã bảo vệ chúng ta bằng chính cuộc đời họ, đến bạn bè, người quản lý và giám đốc nơi ta làm việc, đồng nghiệp... người quen người lạ… tất cả mọi người chung quanh, ta đều mang ơn họ, không nhiều thì ít...

Và riêng đối với những người được định cư ở quê hương thứ hai, ta còn phải mắc nợ thêm bao nhiêu là người nữa- từ chính phủ, những vị tổng thống, từ những vị giúp những chương trình tái định cư HO, ODP… đến những vị ân nhân bảo lãnh...v.v... trái tim nhân ái của họ bao la vô cùng... Kể ra tất cả những người làm ơn cho ta sẽ không hết - ở đây tôi chỉ xin đơn cử một vài việc rất gần đối với gia đình tôi, với đất nước “Cờ Hoa” đầy tình người này.

Sở hữu gia tài do thế hệ cha ông để lại, hoặc tự mình vươn lên bằng đôi tay và khối óc là những điều may mắn mà không phải ai cũng gặp được. Nhưng sử dụng vốn liếng trời cho ấy cho đúng với lương tâm lại là một điều không dễ thực hiện. Bao nhiêu cạm bẫy vật chất, bao nhiêu cảnh đời trong phút chốc lại trắng tay. Nếu những người ấy biết dùng sự may mắn để tạo phước đức cho đời này và các thế hệ con cháu, vừa giúp người, vừa giúp mình có một cuộc sống hữu ích, có lẽ cuộc đời sẽ có được biết bao bông hoa tươi đẹp. Và nơi cần sự giúp đỡ ấy nhất có lẽ là những bệnh viện được những người có điều kiện và lòng thiện nguyện giúp đóng góp một bàn tay không nhỏ. Những mảnh đời không may phải mang bệnh tật, nếu không có những tấm lòng nhân ái thì sẽ ra sao? Thời gian gần đây, gia đình tôi đã được tiếp cận và mang ơn những bàn tay ấy đến muôn đời. Cầu xin Ơn Trên gia hộ cho những Tấm Lòng Vàng ấy luôn gặp phước. Xin gởi đến quý vị hai câu chuyện về gia đình của tôi.

Chuyện thứ nhất. Ở xứ Cờ Hoa, những trái tim ấy đã rải tình thương đi cùng khắp. Có những bệnh viện chữa bệnh nan y, bệnh nhân không phải trả bất kỳ một chi phí nào, mà đúng ra rất cao để trang trải bao nhiêu là điều kiện để có được những cuộc phẫu thuật, phòng ốc, nhân viên. . . Bệnh viện Nhi, nơi cháu tôi vừa mới chào đời, niềm vui chưa trọn thì qua kiểm tra được biết cháu mang căn bệnh rất hiếm ở các bé, có khối nước trên não, chỉ xảy ra 0,15% trường hợp.

Mới được nhìn thấy ánh sáng mặt trời chưa tới một tuần, bé đã phải trải qua phẫu thuật não. Tin như sét đánh! Tại sao? Và tại sao lại là cháu yêu thương của tôi? Bé còn nhỏ quá, sức của bé có thể chịu đựng để vượt qua không? Các bác sĩ với lương tâm nghề nghiệp thật đáng trân trọng vừa muốn cứu chữa bé, vừa muốn học hỏi thêm để đối phó với bao nhiêu căn bệnh nan y khác, hàng ngày đến phòng bệnh của cháu rất nhiều. và trước hôm phẫu thuật, khoảng 20 bác sĩ đến để kiểm tra mắt, tim, phổi... mỗi vị chuyên môn về một ngành.

Cuộc phẫu thuật kéo dài 9 giờ rưỡi thay vì 6 giờ như dự định. Từng phút giây nặng nề trôi qua. Nhưng Trời xót thương chúng tôi đã gởi đến cho gia đình chúng tôi những vị có lương tâm và tay nghề rất cao nên mọi việc đã thành công. Giờ đây bé đang hồi sức trong ít lâu, để rồi lại chịu hóa trị, xạ trị. Điều làm cho chúng tôi rất ấm lòng trong nỗi đau khôn cùng là ngoài sự giúp đỡ về viện phí của các nhà hảo tâm, còn có bao nhiêu cơ quan đoàn thể đến để giúp ba mẹ cháu làm đơn xin trợ giúp về y tế (Medicaid), trợ giúp về phương tiện đi lại (thẻ để đổ xăng… ), những bữa ăn của bệnh viện cho mẹ cháu, và vô vàn những ân cần chăm sóc của những bàn tay thiện nguyện. 

Nỗi đau khi nhìn thấy bao nhiêu trẻ con nô đùa, tại sao cháu mình lại không được như chúng, được vơi đi phần nào khi nhận được tình cảm từ những trái tim yêu thương như thế. Cám ơn xứ sở Tràn Đầy Tình Người. Cám ơn những Tấm Lòng Vàng. Xin ghi lòng tạc dạ những sự tận tâm của quý vị bác sĩ y tá, nhân viên của bệnh viện Children's Health, Dallas, Texas. Xin đa tạ các Mạnh thường quân.

Và ngẫm nghĩ về Đất Mẹ, nơi các đại gia xây mọi thứ bằng vàng, vung tiền không gớm tay thay vì giúp những bệnh nhân thoát khỏi phải cảnh đau thương! Mỗi bệnh nhân cho dù vào Cấp Cứu, cũng phải bì thư lớn nhỏ thì mới được chữa trị. Tình người của họ ở đâu?  “Lương Y Như Từ Mẫu “ đâu rồi? Lời thề Hippocrate “Tôi sẽ tránh mọi điều xấu và bất công!” đâu rồi? Chắc họ không cần biết đến lương tâm và việc để lại phước đức cho con cháu. Đau đớn thay!

Chuyện thứ hai. Lúc gia đình tôi mới được thở không khí tự do ở đất nước yêu thương này- sau nhiều chục năm sống với "Bác và Đảng ta". Đến đây rất trễ, so với nhiều gia đình (sau năm 2000), nhưng vẫn còn may mắn hơn những máu mủ ruột thịt còn đau thương ở Đất Mẹ. Có một mùa hè tôi qua California thăm Mẹ và các em tôi.

Một ngày thật đẹp, đi biển Newport, tôi vốn rất mê những con sóng, mê ánh trăng, hoàng hôn, bình minh trên nền trời cũng như đại dương xanh thẫm. Mùa hè nên biển rất đông người, tôi đi với gia đình hai em tôi. Đến nơi hai em bơi ra xa, còn tôi ở gần bờ hơn, tuy vậy mực nước  cũng khá sâu. Nước thật trong mát, nhìn ra xa vài con thuyền hoặc ván lướt sóng của các bạn trẻ làm nước bắn tung tóe thật là đẹp mắt và cảnh vật sao thanh bình quá!

Tôi nhắm mắt tận hưởng mùi gió biển, mùi cát mặn, mùi không khí yên bình, vừa thân thương vừa lãng mạn, đất trời bao là đẹp quá... và ước gì ngay bây giờ có một người rất gần gũi đang ở đây, ngay bên tôi, vẫy nước tóe vào nhau như chúng tôi vẫn thích nô đùa như trẻ con mỗi khi ra biển, mơ màng trong niềm vui hư ảo.

Bỗng dưng có con sóng thật mạnh, xoáy vào bên dưới lòng nước, cuốn tôi xuống thật nhanh. Tôi không kịp phản ứng, không còn biết mình phải quẩy chân lên hay la cầu cứu, tôi ú ớ không biết làm thế nào vì kêu không ra tiếng. Trong phút giây ấy, hình ảnh bao nhiêu người thân hiện lên trong trí, Cha Mẹ anh chị em, con cháu... ôi chắc tôi không kịp nói lời giã từ. May sao có một chị người “Mễ” bơi gần đó chạy lên gọi người canh gác bãi biển (safeguard).  Người ấy chạy đến ngay và mang tôi lên bờ, làm hô hấp cấp cứu cho tôi.

Tôi thiếp đi. Khi tỉnh dậy thấy mình nằm trên giường bệnh viện cấp cứu, lúc đó người em kế tôi đang đứng bên cạnh giường, và kể lại mọi việc. “…Chỉ một giây nữa thôi, nếu chị người “Mễ” ấy không nhìn thấy, thì giờ này chị đang nằm trong một hộp sắt của ngăn phòng lạnh, im hơi, cùng với bao nhiêu người khác, được kéo ra kéo vô để em và mọi người nhìn thăm chị, chị ơi...!" Vài ngày sau đó, tôi được về nhà, rồi về lại xứ Cao Bồi Texas của tôi.
 
Nhiều ngày sau, là giấy đòi nợ (bills) khoảng 7,000 đô la! Trời ơi! Gia đình tôi qua đây rất trễ. Hai con trai lớn trên 21tuổi đã phải du học bên nước Úc, chỉ có hai gái út còn học trung học. Bố chúng cũng phải đi cày, phần tôi đi dạy tiếng Pháp và làm thêm 4 “jobs” bán thời gian. Thì ngoài những hóa đơn hàng tháng cho mọi sinh hoạt, làm sao có được một vài trăm mỗi tháng để trả góp cho khoản nợ kếch xù này đây?

Trời đất quay cuồng. Thêm nữa, bên Cali mọi thứ đều đắt đỏ hơn nhiều so với bên tôi ở. Tôi lo canh cánh trong lòng suốt nhiều ngày. Vì mới qua nên không biết rằng ở đây ai cũng phải mắc nợ, từ cô cậu sinh viên cho tới những người có cơ sở làm ăn tiểu thương hoặc đại thương gia. Khi nghe người thân và bạn bè cho biết điều ấy, tôi cũng đỡ lo, nhưng cũng phải nghĩ đến việc trả dần món nợ. Thế là mỗi tháng gởi tạm bên bệnh viện Newport vài chục, một trăm đồng thời làm đơn để được chứng minh là thu nhập thấp, mong họ bớt phần nào món nợ ấy.

Vài tháng trôi qua, tôi đã gởi những giấy tờ cần thiết qua Cali, mà vẫn trả nợ vài phần trăm của số tiền ấy. Đến một ngày, thật là một ngày đẹp trời mùa Xuân, theo như người bản địa các đồng nghiệp thường nói khi họ có một việc rất vui mừng: “You made my day!” Ngày hôm nay tôi thật sự vui mừng quá. Đó là ngày nhận được thư của bệnh viện bên Cali, ghi rằng tôi không còn nợ họ đồng xu cắc bạc nào nữa cả, và lại còn được hoàn trả lại toàn bộ số tiền mà tôi đã chắt chiu hàng tháng để trả nợ khoảng vài trăm đồng! Thật sự là Lạy Trời! Thật không ngờ một đất nước quá sức Giàu lòng Nhân Ái, thấu hiểu nhưng nỗi khổ của người “lao động cật lực" Tình người bao la, thế nên đất nước họ giàu mạnh là phải, vì được Trời thương!

Những mẩu chuyện trên đây, có lẽ và chắc chắn đối với những người định cư nơi này rất lâu, hoặc đối với người dân bản xứ là điều bình thường, nhưng đối với gia đình tôi, mới được vớt lên từ hố sâu thẳm của khổ ải với thực tế quá phũ phàng của bên gọi là thắng cuộc, với bao nhiêu là đắng cay tủi nhục mà bất kỳ nỗi đau nào cũng cần phải có “bao thơ”, thì những sự việc cỏn con này là niềm hạnh phúc vô biên.

Một lần nữa, xin cảm ơn Nước Mỹ, cảm ơn dân Mỹ và chính quyền Mỹ nói chung, và xin cảm ơn những vị ân nhân- Cầu xin Ơn trên luôn ban Bình An đến gia đình họ. Xin TẠ ƠN TRỜI.

Mùa Tạ Ơn 2024, xứ Cao Bồi Texas

Phannữlan
 

Ý kiến bạn đọc
03/12/202415:15:30
Khách
Nguời VN tị nạn biết tạ ơn cơ hội định cư nuớc ngoài và đuợc nguời bản xứ tốt bụng giúp đỡ là tốt. Tuy nhiên có một số nguời VN xưa xâm nhập lãnh thổ Thái Lan, Mã Lai, Phi, Nam Duơng bất hợp pháp đuợc Cao Uỷ Tị Nạn bảo bọc cho ở trại tị nạn nay lại ủng hộ chánh sách trục xuất ào ạt dân xâm nhập lãnh thổ Mỹ bất hợp pháp của ông Trump và chống các cơ quan từ thiện Liên Hiệp Quốc cứu vớt dân tị nạn bị di tản tại Gaza. Ngày lễ Tạ ơn là dịp để 2 triệu nguời tị nạn VN nhớ ơn và đóng góp tiền bạc hay tình nguyện cho các cơ quan nhu UNHCR, UNICEF, Bác sĩ không biên giới MSF (DWB), World Central Kitchen. Cũng tri ân những Thuơng Phế Binh tử sĩ VNCH và đồng minh đã hy sinh thân thể để kéo dài thêm ngày tháng miền Nam VN tự do no ấm, không ăn độn, ăn bo bo ở truớc năm 1975. Có mạng nợ ơn nghĩa thì nên trả để nguời tị nạn đi sau mình đuợc giúp và không phải chờ về già sau 80 tuổi hay kiếp sau mới trả.
27/11/202419:01:52
Khách
Trước tiên xin cảm ơn BBT Việt Báo lâu nay đã đăng bài của L bây giờ lại có bài của L ở trang ni- như L có "phụ đề" khi gởi bài: Thấy những văn thi sĩ được giải rất là Siêu, mà L thì viết cho vui- nên chỉ mong những vị ân nhân của các bệnh viện ghé mắt , và biết rằng họ đã mang niềm Hạnh Phúc vô biên đến gia đình các bệnh nhân- và lòng Tri Ân này sẽ ghi đến suốt đời đối với các thành viên của gia đình- chứ nói đến được giải thì chắc ...xa vời ạ - Xin cảm ơn chị Phương Hoa, một văn thi sĩ lỗi lạc của nhiều diễn đàn- cảm ơn độc giả Mimi, và cảm ơn quý độc giả đã đọc- xin chúc An Lành
27/11/202404:59:30
Khách
Bài viết rất là cảm động! Tiếp tục viết đi nghe nữ dịch giả ơi! những bài viết của Thái nữ Lan tuy ngắn nhưng rất súc tích luôn luôn hấp dẫn người đọc!
Mong được đọc tiếp nữa!🌹
Phương Hoa
25/11/202422:03:08
Khách
Cảm ơn Tác giả một bài viết hay.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 413,759
Tôi là một đứa con gái được sinh ra đời dưới một vì sao… xẹt. Thật tình mà nói, bây giờ nhìn lại, tôi không biết mình là ngôi sao tốt hay xấu nên tôi gọi nó là “sao xẹt” cho rồi. Tôi “xẹt” vào bụng mẹ lúc nào thì không biết, chỉ biết hơn chín tháng sau tôi xẹt ra ngoài giữa cơn hỗn loạn binh đao của đất nước. Quê hương tôi đó! Hình cong như chữ S với hơn 4000 năm Văn Hiến đang giẫy giụa hấp hối để bước sang một trang sử mới. Một trang sử đã chia cách mẹ cha tôi mỗi người một phương. Một trang sử đã biến đổi và cuốn hút mẹ cha vào cơn lốc xoáy cuộc đời nói riêng, mà giờ phút đó không ai có thể làm chủ cuộc đời mình được. Một trang sử hãi hùng nói chung đã làm quê hương tôi sụp đổ, đồng bào tôi nước mất nhà tan, kẻ sống còn phải lưu linh lưu địa khắp năm châu. Người kẹt lại chịu tù đày khổ ải bởi sự “khoan hồng độ lượng” của cách mạng như lời “nhà nước” ta hằng tuyên bố thời bấy giờ...
Tiếng bánh xe máy bay chạm đất làm tôi bừng tỉnh. Thế là chuyến bay dài như trắc ẩn trong lòng mấy mươi năm xa đã về đến quê nhà, trắc ẩn trong lòng về chuyện My chưa hề nguôi sau nhiều năm không gặp, nhiều năm muốn quên nhưng lòng lại nhớ My hơn… Đã đến lúc phải đối mặt với thực tế. Kẻ trốn chạy tay không nên ngày về cũng không hành lý, chỉ phải chờ mọi người lần lượt xuống máy bay là văn minh học được ở xứ người. Vừa bước ra khỏi máy bay đã nghe mùi áp bức, khó thở, sôi máu vì thiếu tự do… Nhưng mặc kệ mùi quê cũ mang theo đã mấy chục năm ra đi vẫn nguyên vẹn trở về...
" ... Con đang đi làm lắp ráp đồ điện tử ban ngày, còn ban đêm đi học thêm Anh Văn để mai mốt có cơ hội đi học lại. Mấy đứa Mỹ làm chung mỗi lần kêu tên con, tụi nó cứ kêu lơ lớ, đứa thì Muối, đứa thì Muỗi, nghe vừa tức cười mà cũng dễ giận nữa. Không hiểu tại sao con thèm được nghe ai gọi tên mình cho thiệt là đúng. Hồi xưa còn ở bên nhà con cứ mặc cảm với cái tên mộc mạc của mình, bây giờ nghĩ lại thấy trẻ con quá phải không má? Tại hồi đó sống gần gia đình, có sự thương yêu đùm bọc của ba má, rồi sinh tật đòi hỏi cái này cái khác. Chứ như bây giờ, nếu phải mang cái tên nào quê mùa cục mịch hơn cái tên Mùi của con, mà được ở gần ba má với mấy em, con cũng chịu liền một khi ..."
Tháng Sáu mùa tươi vui của khung cảnh hạ, không còn những cơn mưa và khí hậu lạnh rét run nữa. Trời trong sáng, nắng rực rỡ sắc hồng, cây cối xanh tươi, các loài hoa thi nhau khoe đủ sắc màu, nhất là những đóa quỳnh hồng, vàng nở tuyệt đẹp. Từ đầu tháng đến giờ tôi đi dự nhiều buổi lễ và sinh hoạt trong cộng đồng. Trước tiên là “Mừng Ngày Truyền Thống Cảnh Sát Quốc Gia 1 tháng 6”, kế tiếp “Đại Hội Thiết Giáp QLVNCH”, “Lễ Father’s Day” do hội Phụ nữ Bắc Cali tổ chức phối hợp cùng các anh lính Thủ Đức trong nhóm “Cà Phê Lính”.
Anh bạn tinh ý đoán biết suy nghĩ của tôi, cười và bảo: “Trường học bên Mỹ này, ngoài thầy giáo, còn có nhiều công việc phục vụ cho học sinh chứ không như ở Việt Nam mình, chỉ có một ông phu trường lo quét dọn, trông coi tổng quát và chuyên rình bắt học trò leo rào trốn học.” “Vậy những công việc cụ thể như thế nào?” “Như đứng cầm bảng chỉ dẫn cho học sinh qua đường giống như cảnh sát giao thông, phục vụ bữa ăn trưa cho học sinh, làm tạp dịch như lau sàn nhà, dọn dẹp nhà vệ sinh, coi an ninh tổng quát, làm tài xế xe bus hay phụ tài xế giúp các học sinh khuyết tật lên xuống xe bus, làm công việc bảo trì như thay bóng đèn, sửa lại cái bàn, cái ghế không cần tay nghề cao - ai làm cũng được.” Sau khi nêu lên một số công việc, ông bạn gợi ý: “Công việc thì nhiều, nhưng xem ra chỉ có việc phụ tài xế xe bus, tiếng Anh gọi Bus Attendant là thích hợp với tuổi già - vừa dạo mát xem hoa, vừa kiếm tí tiền, lại có thêm cái bảo hiểm sức khỏe của nhà nước tốt số một...
rên bàn thờ cúng 12 bà mụ đầy tháng thằng cu Tí, mẹ tôi bầy nào xôi gấc, chè hương, bánh ga-tô, mâm trái cây ngũ quả, hoa lan tươi thắm, những ly nước nhỏ, nhang đèn nghi ngút khói, hai đĩa thịt vịt đầy ắp để trên một bàn khác để cho khách dùng bữa, còn trên bàn thờ chỉ bầy đồ chay cúng cho các bà mụ, tránh sát sinh cho cuộc sống bắt đầu của cháu được nhẹ nhàng. Chỉ một chớp mắt cu Tý đã được một tháng tuổi, cứng cáp hơn một chút, tiếng khóc to, rõ hơn và có vẻ biết mè nheo hơn. Cho con bú xong, vỗ nhẹ lưng cho tiêu, đặt con nằm vào giường của nó; nhìn nó ngon giấc, làm tôi nhớ lại những tháng ngày chật vật, chỉ mới cách đây một năm thôi, tôi rùng mình hồi tưởng, tưởng chừng đã không có sự hiện hữu của sinh linh bé nhỏ yêu quý của ngày hôm nay...
Chỉ một mình tôi sinh sống ở Canada, trong khi tất cả gia đình, họ hàng đều ở bên Mỹ, nên gia đình nhỏ của tôi hầu như hàng năm phải bay qua xứ Cờ Hoa để thăm “nhà” và du lịch các nơi của 50 tiểu bang Mỹ Quốc. Tuy nhiên, trong khi nhiều tiểu bang chúng tôi ghé nhiều lần, riêng Hawaii sau vài dự định rồi bị hủy bỏ vì nhiều lý do, mãi mùa hè năm ngoái, chúng tôi mới có dịp đầu tiên đặt chân đến hòn đảo xinh đẹp này. Trước khi đi, con gái và thằng rể đã mày mò tìm hiểu trên Googles và có ý định thám hiểm cảnh thiên nhiên hoang sơ của Maui, nhưng vợ chồng tôi và mấy người em bên chồng đồng góp ý
Lệ Lê có giọng hát cổ nhạc đâm thấu tim thính giả. Có lẽ lai Mỹ nên Lệ Lê được trời phú giọng hát dây đào cao, làn hơi mạnh, trong, và ngân tự nhiên; lại thêm làn da trắng bóc trộn giống Á-Âu nên Lệ Lê một thời rất ăn khách trong làng cổ nhạc Việt hải ngoại. Trời thương Lệ Lê có trí nhớ tốt vô cùng thuộc đến cả gần trăm bài cổ nhạc đủ điệu, dài dai gấp hai, ba lần tân nhạc nên khách yêu cầu bản nào là xổ ra ngay bản đó. Cứ cả ngày rảnh rỗi mò mò vài nút máy thu âm cầm tay là Lệ Lê thuộc lòng lắm bài như kiểu nhồi sọ loa phường đã quen. Độc đáo hơn nữa, Lệ Lê mù nên rất dễ lấy nước mắt khách ái mộ. Sau cơn tiểu phẫu, Lệ Lê phát ù. Nhưng vẫn đẹp nét lai. Cứ lai là đẹp.
Thời gian gần đây trong cộng đồng người Việt ở Mỹ cũng như ở Việt Nam bỗng nhiên phát sinh một câu hỏi là sống ở Mỹ sướng hay ở Việt Nam sướng? Vấn đề đặt ra giữa lúc có một số Việt kiều Mỹ phần lớn là đã lớn tuổi, đã về hưu nay quay về Việt Nam sống. Họ nói sống ở Việt Nam sướng và hết lời ca tụng Việt Nam, thì cũng được đi nếu họ không chê bai Mỹ, đả kích Mỹ và Việt kiều bằng những lời lẽ bịa đặt vu vơ...
Chuyện bão tố hay cúp điện, mất điện đối với người Việt, hay nói chính xác hơn là “người Mỹ gốc Việt” khi còn ở quê nhà thì chỉ là điều... bình thường, quen thuộc, “nói hoài, nói mãi”, xưa rồi Diễm, ít quan tâm. Hay có quan tâm, thì chỉ là những cơn giông bão lớn, với số người phải chịu cảnh thiên tai này là quá lớn, cần sự quan tâm và cứu trợ của cả nước, hay thậm chí là những nước khác giúp đỡ! Riêng việc bị mất điện, cúp điện thì chẳng chết “thằng Tây” nào, và cũng có nhiều nơi, nhiều địa phương là chuyện như “cơm bữa”, là chuyện “thường ngày ở huyện”. Bởi cũng đã từng có nhiều người, nhiều gia đình, cả đời chưa hề... biết “xài điện” là gì, cho nên, có người vui miệng, từng xổ “tiếng Tây, tiếng u” là... “No table” hay “No star where”, dịch diễn nôm na là “miễn bàn”, “không sao đâu” đó thôi!
Nhạc sĩ Cung Tiến